PG & Thời đại
Công đức xây chùa: Đại gia Trầm Bê nên học hỏi đại gia Phạm Nhật Vượng
23/04/2013 23:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đại gia thì chẳng thể tránh nổi chuyện thị phi. Nhưng riêng về cách cư xử của một phật tử thành tâm, chắc chắn đại gia Trầm Bê nên dành thời gian tìm đại gia Phạm Nhật Vượng để học hỏi đôi điều.

Ngày xưa, Phật hoàng Trần Nhân Tông xây đến cả trăm ngôi chùa, sáng lập ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử, xây dựng núi Yên Tử thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam, nhưng không một ngôi chùa nào mang tên ông. Ngày nay, có đại gia Trầm Bê cúng rường xây 3 ngôi chùa ở Trà Vinh, ở ngôi chùa nào tên gia đình ông cũng to tướng, ảnh gia đình ông cũng chình ình và tấm bia ghi công đức lớn đến nỗi người thường đứng cạnh thấy giống như người tí hon đứng gần người khổng lồ. Chuyện xưa – chuyện nay khiến người ta không thể không nghĩ.

Năm 2012 là năm nhiều thị phi với ông Trầm Bê. Sau một loạt những tin đồn sát nhập, thâu tóm ngăn hàng, rồi đến tin đồn bắt bớ, khi nhiều đại gia ngân hàng ngã ngựa cùng một thời điểm, đại gia Trầm Bê vẫn vững vàng, rồi tin đồn mất trộm sừng tê giác có xuất xứ không rõ ràng. Những tưởng rắc rối, và thị phi đã qua đi, nhưng khi năm 2013 mới qua được 1/3 chặng đường thì đại gia Trầm Bê lại bị dư luận “phát hiện” ra chuyện có tới ba ngôi chùa Trầm Bê ở Trà Vinh – quê hương ông.

Việc đại gia Trầm Bê hào phóng cúng rường, xây dựng, tu sửa chùa chiền là việc đáng ca ngợi, với tín ngưỡng của người Việt Nam, nhưng công đức của ông Trầm Bê bỗng trở nên phản cảm bởi những hình ảnh phô trương quá lộ liễu đến mức bang bổ thần thánh của ông.

Trước khi nói đến chuyện những ngôi chùa Trầm Bê – nguồn cơn chính của bài viết này, phải nói đến gốc gác và danh thế của đại gia Trầm Bê. Sau năm 2012 vừa qua, tên tuổi Trầm Bê nổi như cồn, người Việt Nam có lẽ không mấy ai không biết ông.

Phải thừa nhận một điều, Trầm Bê là người có đầu óc kinh doanh khác người. Xuất thân trong một gia đình người Việt gốc Hoa nghèo khó có 4 người con ở Trà Vinh, Trầm Bê có một tuổi thơ rất cơ cực, thiếu thốn triền miên nhưng lại thừa khát vọng làm giàu. Ông xây dựng cơ đồ với nghề gỗ và bắt đầu bước vào kinh doanh bất động sản từ năm 1999 – giai đoạn mà bất động sản đang thăng hoa nhất và là miếng ăn béo bở với bất cứ người kinh doanh nào.

Cái thời mà ai đi kinh doanh bất động sản cũng thắng, Trầm Bê – với tiềm lực của mình sau 10 năm kinh doanh gỗ đã thu về siêu lợi nhuận. Ngay cả thời điểm kinh tế khó khăn như mấy năm qua, đại gia này vẫn rất đủng đỉnh với các vụ thâu tóm – sát nhập. Người ta nói Trầm Bê giàu vì luôn biết kiếm cái độc quyền để làm, giống như chuyện ông chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ quả thanh long ở Việt Nam khi chưa có ai nhảy vào. Rồi ông bước vào lĩnh vực ngân hàng, nhanh chóng trở thành đại gia tên tuổi trong lĩnh vực này với ước tính tài sản lên đến 2 nghìn tỷ.

Khi sự nghiệp đã thăng hoa và bước vào giới siêu giàu của Việt Nam, ông quay về quê cũ ở Trà Vinh, không tiếc tiền làm từ thiện cho trẻ em nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đóng góp công đức, cúng rường cho các chùa chiền ở Trà Vinh.

Việc làm của ông sẽ được ngợi ca thật nhiều, sẽ thật hoàn hảo nếu như không có sự kiện những ngôi chùa mà ông góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng đã phô trương công đức của gia đình ông thái quá, với những tên ông to tướng ở cổng chùa và ảnh của gia đình ông trải dài khắp quanh chùa. Đó là chuyện chưa từng có tiền tệ trong lịch sử phật giáo Việt Nam.

Chùa Vàm Ray (chùa Phật nằm) nằm ngay cạnh dinh thự nguy nga của gia đình ông Trầm Bê. Ông có pháp danh Tắc Hậu và vợ ông có pháp danh Tắc Lượng đã phát tâm tiến cúng cho chùa Vàm Ray xây dựng. Năm 2008, chùa Vàm Ray khánh thành chánh điện, vợ chồng ông được xây ngay một bảng công đức đặt ngay đường lên chánh điện. Tại lối khác dẫn lên chánh điện là bức ảnh lớn của 5 người nhà ông Trầm Bê, bên hông khắc tên ba người con.

Những người quá cố trong gia đình ông cũng được tạc di ảnh lên tường của chùa Vàm Ray, ngay bên cạnh những bức phù điêu tượng phật. Việc làm này khiến nhiều phật tử đến chùa Vàm Ray rất nhức nhói. Không ít người cho rằng ông đã quá ngạo nghễ và coi thường Thần Phật khi để ảnh người thân của mình ngang hàng với Thần Phật. Tại huyện Trà Cú, ngoài chùa Vàm Ray còn có chùa Ba Sát và chùa Giồng Lớn cũng được ông xây dựng và tên ông nghiễm nhiên đặt ngay trên cổng chùa.

Nhìn những ngôi chùa mang tên ông, nhớ đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông – một trong những vị vua anh minh lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia với pháp hiệu Điều ngự Giác hoàng, tu tại núi Yên Tử và trở thành người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Điều ngụ Giác hoàng Trần Nhân Tông đã biến Yên Tử trở thành kinh đô Phật giáo của Việt Nam, ông cho xây dựng hàng trăm công trình để tu hành, truyền kinh và giảng đạo, với ngôi chùa Đồng uy nghiêm ngự trên đỉnh Yên Tử.

Một ngôi chùa nổi tiếng khác của Việt Nam là chùa Vĩnh Nghiêm – nơi đào luyện tăng ni trong cả nước – một trong bốn trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, cũng do Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông xây dựng.

Khi còn tại vị, tương truyền, vua Trần Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng đi xem xét, kiểm tra các vị thế trọng yếu của đất nước, đi đến vùng Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ngựa của vua dừng chân, không đi tiếp, ngài cho đây là một điềm lạ, hỏi những người dân xung quanh mới biết, gần đây có một ngôi chùa cổ rất thiêng, vua cùng đoàn tùy tùng đã đến tham quan ngôi chùa.

Cho rằng đây là cái duyên tiền định giữa ngài và ngôi chùa, Trần Nhân Tông cho sử sang, trùng tu, tôn tạo lại, lấy tên là chùa Vĩnh Nghiêm (có nghĩa là mãi mãi tôn nghiêm).

Cũng xuất phát từ cái duyên đó, khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang làm nơi đào luyện tăng ni trong cả nước là một trong bốn trung tâm phật giáo Trúc Lâm. Nhưng vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia là Điều ngự Giác hoàng đã không hề lấy tên của mình đặt cho những ngôi chùa mà ngài đã xây dựng.

Lịch  sử đất nước ta gắn liền với sự phát triển của văn hóa phật giáo, các vị vua thời phong kiến đã cho xây dựng hàng nghìn ngôi chùa, nhưng không một ai lấy tên mình đặt cho bất cứ ngôi chùa nào, thế nên chuyện ông Trầm Bê đã gây sốc cho rất nhiều tăng ni, phật tử trong cả nước. Việc làm của ông Trầm Bê – tất nhiên với sự đồng ý của những ngôi chùa do ông xây dựng, đã xúc phạm đến sự thiêng liêng trong truyền thống của những ngôi chùa Việt Nam.

Chuyện khắc tên để ghi nhớ công ơn của những người đã góp cho nhà chùa không phải là chuyện lạ, nhưng xưa nay, các ngôi chùa làm điều đó một cách khiêm tốn với một cái tên nhỏ, khắc trên một tấm bảng nhỏ, đặt ở một góc nhỏ kín đáo. Điều đó hoàn toàn khác với tấm bảng công đức của gia đình ông – cao gấp 7 – 8 lần, rộng gấp 3 – 4 lần người thường và đặt ngay ở chính điện.

Sự hào phóng của ông với nhà chùa là điều không thể bàn cãi, nhưng sự tự phụ và phô trương của ông cũng thật đáng kinh ngạc. Thật may là dùng ông còn muốn cúng rường cho nhiều chùa khác ở Trà Vinh, nhưng không phải ngôi chùa nào cũng đồng ý với việc trưng ảnh, trưng tên gia đình ông ở chánh điện thiêng liêng.

Nếu nói về chuyện làm công đức, Đại gia Phạm Nhật Vượng – tỷ phú đô la đầu tiên ở Việt Nam chắc chắn là người làm công đức nhiều nhất. Nhưng vị đại gia này chưa bao giờ thể hiện điều đó công khai như ông Trầm Bê. Khi xây dựng ngôi chùa cho người Việt ở Kharkok, dù tiền xây dựng hầu như đều do gia đình bỏ ra, nhưng đại gia Phạm Nhật Vượng khi trả lời báo chí vẫn nói rất khiêm tốn: “Đó là do tập đoàn của tôi, các doanh nghiệp, mạnh thường quân và cộng đồng người Việt ở Ucraina chung sức”.

Còn rất nhiều ngôi chùa được Phạm Nhật Vượng và gia đình cúng rường, nhưng tuyệt nhiên chưa ở đâu, người ta chụp được những bức ảnh, những tấm bia công đức to đùng mang tên ông trong các ngôi chùa. Xung quanh đại gia Phạm Nhật Vượng cũng nhiều tin đồn thị phi. Hẳn rồi! Đại gia thì chẳng thể tránh nổi chuyện thị phi. Nhưng riêng về cách cư xử của một phật tử thành tâm, chắc chắn đại gia Trầm Bê nên dành thời gian tìm đại gia Phạm Nhật Vượng để học hỏi đôi điều.

Theo Pháp luật & Cuộc sống

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch