Bàn về xu thế phát triển hiện nay của Phật giáo đô thị
28/03/2015 14:08 (GMT+7)



Xét về phương diện giáo dục, bài viết của Pháp sư có những liên hệ khá gần với bối cảnh giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện tại, do vậy, Nguyệt san Giác Ngộ xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến chư tôn đức và bạn đọc gần xa. NSGN.


Chư Tăng thanh tịnh niệm Phật, kinh hành

Mở đầu

Theo đà phát triển kinh tế thị trường và công cuộc xây dựng xã hội hiện đại hóa, đời sống vật chất của con người trên cơ bản đã ở mức “bậc trung”, và cùng với sự nâng cao mức sống vật chất của con người, thì trong văn hóa tinh thần trái lại ngày càng thiếu thốn, trở thành một hiện tượng bệnh trạng trong xã hội ngày nay. Mà tín ngưỡng tôn giáo chính là bộ phận cấu thành quan trọng trong văn hóa tinh thần nhân loại, do thế việc tích cực làm giàu đời sống tinh thần của con người, đối với những ai đang sống ở đô thị với nhịp sống nhanh, nó có thể mang lại sự hài hòa và tịnh hóa rất tuyệt vời về mặt tâm linh và tinh thần. Phật giáo đô thị (PGĐT) vô hình trung trở thành nội dung cấp thiết cho việc tu dưỡng làm phong phú văn hóa tinh thần và phẩm đức tư tưởng trong sinh hoạt ngoài giờ của con người.

Vì vậy, nhằm xây dựng văn minh tinh thần hiện đại hóa, thì PGĐT nhất thiết phải “tiến cùng thời đại”, phù hợp với xã hội hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Để PGĐT có thể hài hòa với xã hội hiện đại hóa, thực hiện tư tưởng “Phật giáo nhân gian” của Đại sư Thái Hư (1889-1947), ở đây người viết nêu ra mấy điểm thiển ý mang tính cá nhân, xin các vị đại đức cao tăng và chuyên gia học giả chỉ giáo.

Tăng cường giáo dục tố chất văn hóa trong Tăng đoàn Phật giáo đô thị

Vấn đề lớn nhất mà hiện nay Phật giáo Trung Quốc đang đối mặt, chính là giáo dục tố chất văn hóa Tăng đoàn Phật giáo, đây cũng là vấn đề trọng đại mà PGĐT hiện đang đối mặt. Từ khi ông Triệu Phác Sơ (1907-2000), Hội trưởng quá cố Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc nêu ra:“Việc lớn hàng đầu trước mắt của Phật giáo Trung Quốc, thứ nhất là giáo dục, thứ nhì là giáo dục, và thứ ba vẫn là giáo dục” tới nay, mặc dù ở trong nước đã dấy lên phong trào xây dựng các viện Phật học (VPH) rầm rộ, và đã bồi dưỡng ra không ít nhân tài.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, cho thấy rằng công cuộc giáo dục hiện nay của Phật giáo Trung Quốc vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù đã thành lập nhiều VPH, song đã không mấy thành công. Nhằm thay đổi triệt để tình trạng giáo dục Phật giáo hiện tại, chúng ta cần phải chú trọng thực hiện được mấy điểm sau đây:

1. Điều chỉnh thể chế quản lý các trường viện Phật giáo

Các trường viện Phật giáo trong nước hiện nay mặc dù có ba cấp học viện sơ, trung và cao cấp, nhưng nhìn từ thực tế, cơ bản không có phân chia nghiêm ngặt. Cho dù các phương diện như đối tượng nguồn học sinh, sử dụng tài liệu dạy học, trình độ giáo viên, đề thi chiêu sinh đều xáo trộn không rõ ràng, không có phân chia được ba cấp thứ bậc và trình độ khác nhau. Đối với phương hướng và tôn chỉ lập trường, mỗi viện đều tự vo tròn cho hợp với chủ kiến của mình, không có tiêu chuẩn thống nhất chặt chẽ, điều này khiến không ít VPH mất đi ý nghĩa của việc thành lập trường học. Chúng ta nên chế định một thể chế quản lý và mục đích lập trường thống nhất đối với các học viện Phật giáo hiện có bây giờ, mới có thể khiến các VPH trong nước đi tới hướng chính quy hóa.

Ví dụ cái nào là thuộc VPH sơ cấp, cái nào là thuộc VPH trung cấp, nên có một quy định rõ ràng. Đồng thời quy định VPH sơ cấp học mấy năm? Nên học những môn học nào? Đạt tới một trình độ như thế nào? Đạt được văn bằng gì? VPH trung cấp nên học mấy năm, dạy môn nào, đạt được trình độ gì, đạt được văn bằng gì; VPH cao cấp nên thiết lập chuyên ngành nào, mở chương trình dạy học nào, nhận được bằng cấp học vị gì... Tức là phải tiến tới việc thống nhất quản lý và thống nhất phân tầng rõ ràng giữa các cấp học. Như thế mới có thể làm giảm đi tình trạng lộn xộn của các VPH hiện giờ, hình thành nên một thể chế dạy học thống nhất.

Ngoài ra, nhằm thích ứng nhu cầu và đòi hỏi của PGĐT, đối với các VPH nên chia khoa, phân loại tiến hành quản lý. Tất nhiên có một vài VPH đã rất nỗ lực ở phương diện này, song khả năng làm còn chưa đủ cụ thể và quy phạm. Cần phải dựa vào những nhu cầu của sự phát triển Phật giáo hiện giờ và sự phát triển của PGĐT, đào tạo ra những nhân tài ưu tú Phật giáo phù hợp với nhu cầu thời đại của chính chúng ta.

Ví dụ các chương trình và ngành học chuyên ngành, cụ thể như “khoa quản lý tự viện” nhằm đào tạo những nhân tài quản lý chuyên ngành tự viện; “khoa giáo dục văn hóa Phật giáo” nhằm đào tạo những nhân tài giáo dục chuyên ngành tự viện; “khoa giao lưu văn hóa đối ngoại Phật giáo” nhằm đào tạo những nhân tài chuyên ngành giao tế đối ngoại; “khoa nghiên cứu học thuật Phật giáo” nhằm đào tạo những nhân tài chuyên ngành học thuật nghiên cứu Phật học v.v…, như thế mới có thể cải thiện được sự thiếu vắng nhân tài mà PGĐT hiện giờ đang phải đối mặt.

2. Tăng cường quản lý thống nhất giáo tài đối với các trường viện Phật giáo

Để làm tốt công tác giáo dục Phật giáo, điểm này là rất quan trọng. Nếu như nói giáo viên là linh hồn của giáo dục, thì giáo tài (tài liệu giảng dạy) chính là tư lương của giáo dục. Nếu không có tư lương chỉ có linh hồn, thì một cá nhân không thể phát triển khỏe mạnh được. Cho nên nói chúng ta cần phải thay đổi cục diện lộn xộn của các trường viện Phật giáo trong nước, thống nhất quản lý giáo tài là một khâu cực kỳ quan trọng.

Mặc dù nói thống nhất giáo tài là một công việc vô cùng khó khăn, song nếu chúng ta dựa vào giáo tài hiện có của các VPH hiện thời, tiến hành thống nhất sắp xếp và quy định, thì chúng tôi nghĩ điều này vốn không phải là việc quá khó khăn. Chỉ cần chúng ta phân chia rạch ròi những VPH nào là thuộc sơ cấp, những viện nào là thuộc trung cấp, những viện nào thì thuộc cao cấp, đồng thời quy định sơ cấp học mấy năm, trung cấp mấy năm, cao cấp mấy năm, dựa vào thứ bậc và thời gian này thì có thể quy định, VPH cấp nào nên áp dụng giáo tài nào. Trong điều kiện chúng ta đang có vật lực, nhân lực cần biên soạn mới lại giáo tài phù hợp với thời đại, thống nhất sử dụng giáo tài mới và đề cương dạy học. Chỉ có như thế mới có thể ngăn được hiện tượng bất hợp lý trong việc sắp xếp chương trình dạy học của các VPH trong nước.

Có VPH thì mở chương trình quá sâu, học sinh không thể tiếp thu trọn vẹn, nhưng lại có viện lại mở chương trình quá đơn giản, học sinh không thể học được những thứ cần học. Trong VPH có các cấp khác nhau, có một vài chương trình học lặp lại mấy lần, nhưng lại có một số chương trình học xong ở tất cả các VPH, vẫn chưa học qua. Tạo ra những hiện tượng nghiêm trọng là vừa trùng lặp lại vừa thiếu sót của các VPH trong việc sắp xếp chương trình, khiến học sinh không thể học hết các tri thức lý luận Phật học cần học một cách có hệ thống, có quy luật.          

3. Cần tăng cường tố chất dạy học trong đội ngũ giáo viên

Tố chất của giáo viên trực tiếp ảnh hưởng tới các mặt tốt hoặc xấu của chất lượng dạy học, có đội ngũ giáo viên trình độ cao là yếu tố cơ bản, có thể bảo đảm được việc thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục Phật giáo. Trước hết chúng ta phải tôn trọng và ủng hộ giáo viên, Pháp sư, dành cho họ sự đãi ngộ và chức danh cần có1, khiến cho những giáo viên, Pháp sư trên cương vị giáo dục Phật giáo này có địa vị phù hợp trong xã hội, mới có thể phát huy đầy đủ sự nhiệt tình giáo dục của họ.

Mặc dù người xuất gia không cầu danh lợi, nhưng lao động ắt phải có thành quả cũng hợp với đạo lý. Nếu như trong xã hội dành cho họ địa vị tương xứng, có lẽ sẽ càng thêm có lợi cho việc hoằng dương văn hóa Phật giáo và sự nghiệp phát triển giáo dục Phật giáo. Để khiến giáo dục Phật giáo Trung Quốc có thể tiếp cận với xu hướng quốc tế, thì giáo viên, Pháp sư của chúng ta cũng cần phải có chức danh hợp lý, mới có thể thể hiện được giáo dục Phật giáo Trung Quốc đang hướng ra thế giới, kết nối thể chế giáo dục quốc tế, tham gia các hoạt động giáo dục có liên quan, tăng cường mở rộng giao lưu trao đổi qua lại với nhau.


Tiếp đến, chúng tôi muốn khai thác thực lực tiềm tại của mỗi giáo viên, pháp sư, vận dụng sở trường của mỗi người phát huy ưu điểm của họ. Hiện nay có một số đơn vị, đối với giáo viên không biết năng lực của mỗi giáo viên đến đâu để giao trách nhiệm xứng đáng. Hay nói đơn giản là không biết dùng người, thậm chí còn tồn tại quan niệm có ‘không mợ chợ vẫn đông’, không dẫn dắt và khơi gợi được tính tích cực của mỗi giáo viên. Tục ngữ nói: “Thiên lý mã hoàn nhu Bá Lạc2 lai thức” (Ngựa tốt còn phải cần đến Bá Lạc để phân biệt), dù có ngựa hay nếu không có Bá Lạc khéo biết dùng (biết cách nhìn người và giao việc đúng với khả năng, sở trường của họ), thì ngựa hay cỡ nào vẫn không thể phát huy tác dụng của nó. Chúng ta không sợ không có nhân tài, chỉ sợ không khéo dùng nhân tài, nhân tài tốt nhưng nếu như không khéo vận dụng cũng không thể nào có tác dụng tốt.

Cho nên người xưa nói: Một lãnh đạo giỏi chính là khéo sử dụng nhân tài và khéo quản lý nhân tài. Hiện nay nhân tài giáo dục Phật giáo thiếu trầm trọng, trong khi vẫn còn không ít nhân tài đang bị lãng quên, hoặc bỏ đi, trôi dạt nơi khác. Như có không ít người do ở trong giới Phật giáo không được thể hiện tài năng mà xuất ngoại định cư hoặc hoàn tục dạt vào xã hội. Điều này dù có muốn nói hay không cũng là một trong những nguyên nhân làm tổn thất lớn lao trong giáo dục Phật giáo.

Tăng cường xây dựng đạo phong của Tăng đoàn Phật giáo đô thị

Từ lúc cải cách mở cửa, chính sách tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã đạt được một sự tiến bộ đáng kể, sự phồn thịnh và phát triển kinh tế thị trường, cũng đã mang lại cơ hội phát triển trước đây chưa từng có cho Phật giáo, khiến Phật giáo đạt được sự phát triển thần tốc. Một vài nền kinh tế tự viện mô hình lớn và vừa cũng đạt được sự phát triển rất lớn, song song đó cũng đã mang lại nguy cơ nhất định cho Phật giáo với các mức độ khác nhau. Điều này chính là vấn đề lớn nhất mà quá trình phát triển của PGĐT ngày nay phải đối diện, cần ngay việc thúc đẩy trên cơ sở phát triển PGĐT, chúng ta không ngừng nhận thức rõ và phòng ngừa xu thế không tốt trong xã hội đang lan tràn trong Phật giáo, đề phòng thế tục hóa và dung tục hóa của PGĐT trong quá trình “nhân gian hóa”.

Để ngăn ngừa sự phát triển của những hiện tượng không mấy tốt đẹp, trong quá trình “nhân gian hóa” PGĐT cần phải tăng cường xây dựng đạo phong (nề nếp/tiết hạnh/phẩm hạnh) Tăng đoàn của PGĐT.

1. Nâng cao tu dưỡng tư tưởng phẩm đức của toàn thể Tăng đoàn

PGĐT là cửa sổ đối ngoại của Phật giáo Trung Quốc, phẩm đức tư tưởng và tu dưỡng văn hóa của mỗi cá nhân trong Tăng đoàn Phật giáo trực tiếp ảnh hưởng đến hình ảnh toàn thể của PGĐT, chính vì thế, tố chất toàn thể Tăng đoàn trong sự phát triển PGĐT vô cùng quan trọng, việc tăng cường tố chất toàn thể của Tăng đoàn vô cùng cấp bách. Sự phát triển của tôn giáo thế giới là đa nguyên hóa, theo đà phát triển nhanh chóng của xã hội kinh tế, nhân viên giáo chức tôn giáo trong tự viện đối với ý thức kinh tế cũng đang tồn tại những nhận thức trình độ khác nhau. Có người thì bị đồng tiền quyến rũ, cám dỗ mà có chiều hướng ngã về chủ nghĩa sùng bái vàng bạc, dần dần trở thành chủ nghĩa hưởng lạc, do đó mà biến chất trụy lạc.

Từ lâu, ông Triệu Phác Sơ lúc ở trong Hội nghị đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ sáu đã chỉ ra rằng: “Trong trào lưu đối ngoại mở cửa, kinh tế thị trường, những lan tràn chủ nghĩa tôn sùng vật chất, chủ nghĩa hưởng lạc, những phù phiếm của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, tư tưởng hủ bại là những vấn đề khó tránh khỏi. Với tình hình này, trong giới Phật giáo đã có một số bộ phận niềm tin bị phai nhạt đi (mai một), giới luật lỏng lẻo không nghiêm, có một số người đạo phong thối rữa, kết bè đảng để kiếm chác, cầu danh trục lợi, hưởng lạc xa xỉ cho tới biến chất sa đọa; số ít tăng nhân trong các chùa viện cá biệt thậm chí có hành vi trái pháp luật loạn kỷ cương, phạm tội hình sự. Nếp sống của tà ác hủ bại này đang ăn mòn, gặm nhấm nghiêm trọng tới cơ thể của Phật giáo chúng ta, đã tổn hại một cách trầm trọng tới hình ảnh và danh dự của Phật giáo chúng ta, nếu như tình trạng này ngày một lan tràn bừa bãi, tất phải chôn vùi sự nghiệp của Phật giáo chúng ta.”3

Do đó có thể nói, sự phát triển thần tốc của kinh tế không những mang đến cơ hội phát triển cho Phật giáo, mà đồng thời cũng chắc chắn mang đến tác dụng tiêu cực cho Phật giáo. Để phòng ngừa tình trạng sống đời sống vật chất giàu có của bộ phận tăng nhân, truy cầu hưởng thụ xa hoa từ đấy mà biến chất sa đọa, ông Triệu Phác Sơ cũng đã nêu ra “xây dựng năm điều”4. Đặc biệt là tăng cường “xây dựng đạo phong” của Tăng đoàn Phật giáo. Cái gọi là “xây dựng đạo phong”, tôi cho rằng chính là để chỉ giáo dục tố chất phẩm đức tư tưởng của tăng nhân, điều này với “giáo dục tố chất” mà nước ta khởi xướng bây giờ cũng hoàn toàn thống nhất. Việc tăng cường giáo dục phẩm đức tư tưởng cho giáo đồ Phật giáo, cũng chính là vô hình trung thúc đẩy phát triển giáo dục tố chất của xã hội.

2. Tuyên truyền Chánh tín ngăn chặn tà giáo và sự lan tràn mê tín trong Phật giáo

Tuyên truyền niềm tin đúng đắn của Phật giáo, đả kích sự phát triển của tà giáo cũng là một nội dung và nhiệm vụ mới của PGĐT. Những năm gần đây sự hưng thịnh của thế lực tà giáo và sự lớn mạnh của tổ chức tà giáo, có mối quan hệ cực lớn với cường độ tuyên truyền chưa đủ và phạm vi quá nhỏ hẹp của Phật giáo trong xã hội. Tín ngưỡng tôn giáo là tượng trưng cho tiến bộ văn minh của nhân loại, cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong đời sống tinh thần con người, hướng dẫn con người nhận thức và hiểu rõ sự khác biệt giữa tín ngưỡng và tà giáo cho đến mê tín một cách đúng đắn, chỉ dẫn con người thiết lập nhân sinh quan và vũ trụ quan chính xác, là nhiệm vụ cam go lại có tính trường kỳ của PGĐT hiện nay.

Năm 2001, trong hội nghị công tác tôn giáo chính phủ Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: “Nhận thức đúng đắn vấn đề tôn giáo đang tồn tại trong xã hội nước ta, mấu chốt là phải đứng ở quốc tình cơ bản của giai đoạn đầu chủ nghĩa xã hội, nhận thức đầy đủ tính trường kỳ tồn tại của tôn giáo, và cả đến tính đặc thù phức tạp vốn có của tôn giáo trong tình hình trong và ngoài nước phức tạp”5.

Nghĩa là đòi hỏi giới Phật giáo chúng ta quán triệt thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng, bảo vệ các lợi ích hợp pháp không bị xâm hại trong các hoạt động bình thường tôn giáo, đồng thời nghiêm khắc phê bình và đả kích các thế lực tà giáo đang lan tràn trong xã hội. Trong các tự viện cần định giờ định kỳ tổ chức, mở các cuộc tọa đàm Phật học, lớp đào tạo Phật học, báo cáo Phật học hoặc các hình thức tuyên truyền thường thức phổ cập Phật giáo như thế, nhằm làm cho quần chúng tín giáo và quần chúng chưa có niềm tin tôn giáo đều có thể có cái nhìn đúng đắn về tín ngưỡng tôn giáo và các tổ chức tà giáo, cũng như làm cho những người mê tín phong kiến có sự phân biệt đúng đắn, từ đó nâng cao năng lực nhận thức và năng lực phân biệt của quần chúng tín giáo và người bình thường đối với tà giáo và mê tín.

Nhìn tổng quát từ góc độ lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ rằng, pháp nạn “tam vũ nhất tông”6 trong lịch sử, nguyên nhân chủ yếu của nó ở chỗ lúc bấy giờ đạo phong nội bộ Tăng đoàn Phật giáo suy bại, cũng như sự biến chất, trụy lạc của bộ phận tăng nhân. Tất nhiên, cũng có các nguyên nhân khác, nhưng do vì sự lạm phát, bành trướng kinh tế mà dẫn tới tăng nhân sa ngã trụy lạc và đạo phong Tăng đoàn bất chính là trách nhiệm không thể chối cải.

Cho nên, chúng ta nên lấy lịch sử làm khuyến cáo, phòng bị, cấp bách tăng cường xây dựng đạo phong của Tăng đoàn Phật giáo tự viện đô thị. Đây cũng là vấn đề tiền đồ phát triển tương lai PGĐT. Vì thế chúng ta làm tốt công tác giáo dục PGĐT đã không phải là một kiểu hình thức và quá trình, mà phải là làm cho chắc chắn và thật sự, đồng thời giáo dục PGĐT là giáo dục tố chất văn hóa mang tính tổng hợp toàn diện.

3. Quản lý “kinh sám Phật sự” trong các tự viện Phật giáo đô thị                         

Kinh sám Phật sự7 là cánh cửa khai phóng đối ngoại Phật giáo nhằm thực hiện sự nghiệp hoằng pháp, cũng là một trong những nền tảng chủ yếu của nguồn kinh tế tự viện. Theo đà phát triển kinh tế xã hội, mức sống của mỗi cá nhân trong bộ phân tăng nhân trong các tự viện đô thị cũng từng bước được nâng cao. Do vì trước đây đối với tố chất giáo dục của Tăng đoàn không có nắm vững, cơ chế quản lý không đủ hoàn thiện, khiến tăng nhân cá biệt xuất hiện giới luật lỏng lẻo, đời sống phóng túng, tiêu xài phung phí, mất đi hình ảnh và diện mạo tinh thần phải có của một tăng nhân xuất gia.

Có tăng nhân thậm chí còn ra vào các địa điểm vui chơi giải trí thiếu lành mạnh…, đã tạo ra những ảnh hưởng không tốt đẹp trong lòng quần chúng tín giáo. Cho nên tăng cường cơ chế quản lý tự viện đô thị, nghiêm khắc dựa vào “ba yếu tố lớn”8 của thân phận tăng nhân quản lý Tăng đoàn. Phật sự kinh sám vốn là phương thức mà Phật giáo truyền bá giáo dục tố chất tư tưởng đối với quần chúng tín giáo và quần chúng xã hội, tuy nhiên nếu như chúng ta coi nó như là nền tảng để thu nhập kinh tế, thì sẽ mất đi tính chất và ý nghĩa của “Phật sự” vốn có.

Chúng ta làm Phật sự cần phải coi nó như là một loại giáo dục tư tưởng đối với quần chúng để thực hành, mà không thể chỉ biết làm Phật sự là làm Phật sự. Phải làm cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa và giá trị thực sự của việc làm Phật sự, có thể trước khi làm Phật sự nên thực hành một vài giảng giải hoặc phát một vài tài liệu tuyên truyền, để cho mọi người hiểu biết làm Phật sự không đơn thuần chỉ vì siêu độ người quá cố, mà còn là giáo dục những người đang sống phải hiếu kính cha mẹ thầy cô, kính lão mến bạn, bảo vệ môi trường, gìn giữ tư tưởng đạo đức luân lý hòa bình.

Cho nên chúng ta nhận thức đúng đắn “kinh sám Phật sự” có tác dụng tích cực mang tính quyết định cho việc thúc đẩy giáo dục tố chất xã hội. Từ đó cũng có thể làm thay đổi cách lý giải phiến diện của mọi người rằng “kinh sám Phật sự” chỉ là việc siêu độ người chết. Như thế cũng có thể tăng cường và quản lý các hoạt động “kinh sám Phật sự” một cách có hiệu quả, được vậy thì hình thức “kinh sám Phật sự” này sẽ trở nên có sức sống lớn lao hơn.

Do đó mà có thể làm cho mọi người nhận thức được rằng “kinh sám Phật sự” của Phật giáo là giáo dục tố chất đạo đức luận lý vừa mang tính phổ biến lại có hiệu quả, từ đây có thể nêu cao tố chất đạo đức tư tưởng của con người, cũng có thể tăng cường nếp sống đạo đức của xã hội, tăng thêm quan niệm tư tưởng mới cho chất lượng giáo dục của quốc gia chúng ta, đồng thời cũng truyền thổi ý nghĩa mới cho “kinh sám Phật sự” của Phật giáo. Khiến Phật giáo Đại thừa thêm sức mạnh cho văn minh tinh thần và giáo dục tố chất xã hội! Giáo dục tố chất là căn bản của giáo dục quốc gia, đồng thời cũng là căn bản của giáo dục Phật giáo. Hy vọng bài viết có thể làm cho mọi người có nhận thức mới mẻ về “kinh sám Phật sự”, và có thể phát huy và áp dụng một cách tốt đẹp kiểu hình thức giáo dục tố chất đạo đức trong “kinh sám Phật sự” Phật giáo.

Đẩy mạnh hiệu quả và lợi ích xã hội của Phật giáo đô thị

Từ những năm đầu 80 đến nay, Phật giáo Trung Quốc trên cơ bản tập trung dốc sức vào việc xây dựng tự viện và khôi phục đạo tràng, đến thời điểm này một số công trình xây dựng tự viện PGĐT lớn và vừa trên cơ bản đã thi công hoàn chỉnh. Bước vào thể kỷ XXI PGĐT cần phải có khởi đầu mới và yêu cầu mới, để chào đón và thích ứng với nhịp bước thời đại mới, làm cho PGĐT sánh kịp với thời gian trong xu thế thời đại mới.

Với PGĐT, nhìn chung các công trình thi công của các tự viện cơ bản đã đi vào giai đoạn cuối, quy hoạch thi công chùa chiền cỡ lớn nên tạm thời kết thúc, cần chuyển hướng tới các phương diện giáo dục văn hóa Phật giáo và sự nghiệp phúc lợi xã hội, chủ động đầu tư vào trong việc xây dựng “nhân gian Phật giáo”. Như thế mới có thể tăng thêm sức sống mới trong tiến trình phát triển Phật giáo.

1. Mở rộng sự nghiệp từ thiện xã hội của Phật giáo đô thị

Sự nghiệp từ thiện xã hội Phật giáo là một trong những hình thức làm lợi ích chúng sinh, báo ân bốn chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, và Ưu-bà-di), cũng là nội dụng chủ yếu nhằm nêu cao tư tưởng “Phật giáo nhân gian” của Phật giáo. Ở phương diện này các đoàn thể Phật giáo hải ngoại đã làm được thành tích xuất sắc, cung cấp kinh nghiệm quý báu cho chúng ta tham khảo; một số chùa chiền trong nước cũng đã làm được quy mô tương xứng, dành được uy tín tốt đẹp trong xã hội, đã mở rộng được hướng phát triển mới cho việc phát triển “nhân gian Phật giáo”.

Tuy nhiên, đến bây giờ, nhìn từ tổng thể vẫn thấy chưa hình thành quy mô nhất định, cũng không có một quy hoạch tổng thể để hướng dẫn; ở một số địa phương thành lập “sự nghiệp từ thiện” mù quáng hoặc chỉ mang tính hình thức. Để phát triển lành mạnh sự nghiệp từ bi Phật giáo, chúng ta cần phải cùng nhau xây dựng một bộ biện pháp quản lý và thể chế quản lý hoàn thiện, thực thi các hoạt động từ thiện một cách có hiệu quả và có quy luật.

Ví dụ quản lý hợp pháp thể chế kinh tế, xem xét các đối tượng từ thiện cần được thực thi, cũng như công tác phúc tra các vấn đề hiệu suất đối với công việc thực hiện sau khi cứu tế từ thiện. Không nên chỉ vì một chùa nào đó tặng biếu bao nhiều tiền cho đơn vị nào đó (trên hình thức) thì coi như là đã xong việc, mà cần phải có thêm một bước nữa là xem xét sau hoạt động từ thiện ấy, như thế mới có hiệu quả và tác dụng thật sự của công tác từ thiện.

2. Phổ biến sự nghiệp phúc lợi xã hội của tự viện đô thị

Sự nghiệp phúc lợi xã hội Phật giáo là một nội dung thực hiện “Phật giáo nhân gian” mới, hiện tại trong nước trên cơ bản là đang thiếu vắng, chưa có gì; nếu như nói có, cũng không đơn thuần thuộc phúc lợi Phật giáo, chỉ là một số nhân sĩ xã hội mượn dùng danh nghĩa Phật giáo nhằm hình thành xí nghiệp tư nhân. Ở đây điều ta cần bàn là chỉ đơn thuần thuộc sự nghiệp phúc lợi xã hội Phật giáo có tính chất kinh doanh Phật giáo được lập ra trong xã hội của tự viện Phật giáo.

Ví dụ: Gia công trang phục Phật giáo, chế tạo thủ công mỹ nghệ Phật giáo, chế tạo đồ dùng Phật giáo, viện kính lão Phật giáo, ngành ẩm thực Phật giáo, cho đến sự sáng lập của các công ty và xí nghiệp đoàn thể tự viện Phật giáo như các ngành nghề dịch vụ khác của Phật giáo. Điều này không chỉ có thể mang lại lợi nhuận cho Phật giáo về phương diện kinh doanh, mà còn phục vụ cho xã hội một cách có hiệu quả, giải quyết và thu xếp ổn thỏa công nhân viên chức lúc mãn nhiệm hoặc nhân viên chờ việc mới, giải quyết áp lực quốc gia và xã hội. Đồng thời cũng mở ra tiền đồ mới cho việc Phật giáo thực hiện tư tưởng “Phật giáo nhân gian”, làm cho Phật giáo và xã hội có sư liên hệ khắng khít với nhau một cách tốt đẹp hơn.

Từ thực tế cho thấy, thực lực kinh tế của đại đa số tự viện đô thị lớn và vừa trên cơ bản là đã đầy đủ, có thể điều ra một phần vốn để mở lập sự nghiệp phúc lợi xã hội Phật giáo ở một số thị trường xã hội và đô thị xa xôi. Như thế vừa có thể kéo theo sự phát triển kinh tế của các thành thị hẻo lánh, cũng có thể mở mang cục diện mới phát triển trong xã hội, xa hơn thâm nhập thực hiện tư tưởng “Phật giáo nhân gian”. Phát triển sự nghiệp phúc lợi xã hội Phật giáo dưới sự cho phép của chính sách quốc gia, sẽ mở rộng không gian rộng lớn cho tư tưởng “Phật giáo nhân gian” của PGĐT. Đây vừa là một kiểu thực thi và thể hiện “cùng tiến theo thời” với PGĐT, vừa lại có thể làm cho tinh thần “Phật giáo nhân gian” của PGĐT phát triển tới chỗ thực chất, đạt được uy tín tốt nhất trong thị trường xã hội. Có lẽ sự nghiệp phúc lợi xã hội Phật giáo sẽ trở thành một phương sách mới trong phát triển tương lai của PGĐT.

3. Thúc đẩy sự nghiệp giáo dục xã hội của tự viện Phật giáo đô thị

Sự nghiệp giáo dục xã hội của Phật giáo mấy năm nay đã bước đầu cho thấy hiệu quả, để sự nghiệp giáo dục xã hội Phật giáo được phổ biến và phát triển một cách hiệu quả hơn nữa, tự viện Phật giáo đô thị chúng ta cần phải có quy hoạch mới và nội dung mới. Hiện nay “giáo dục xã hội” của nước ta là gốc của cường quốc, trong giáo dục xã hội lấy giáo dục “tố chất” làm căn bản. Mà tư tưởng của giáo dục Phật giáo chủ yếu thể hiện ở giáo dục “tố chất”, cho nên PGĐT chúng ta cần phát huy tinh thần tư tưởng “Phật giáo nhân gian”, nghĩa là cần phải nắm chắc thời cơ triển khai tích cực sự nghiệp giáo dục xã hội Phật giáo. Mặc dù mấy năm gần đây đoàn thể Phật giáo ở rất nhiều địa phương đã quyên góp và xây dựng không ít “trường tiểu học hy vọng”.

Tuy nhiên, nhìn từ phương diện lợi ích xã hội Phật giáo, có thể thấy hiệu quả vốn không lớn. Vậy thì, chúng ta làm thế nào để có thể thực hiện tốt mảng giáo dục xã hội Phật giáo này? Chính là cần phải nêu ra quan điểm mới và nhu cầu mới. Trước đây đại đa số đoàn thể tự viện Phật giáo chúng ta đóng góp khoản tiền, rồi xây dựng dãy phòng dạy học hoặc trường học khá hiện đại hóa, tức trên cơ bản được coi là đã hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng điều này vẫn còn xa vời chưa đạt tới mục tiêu giáo dục xã hội của Phật giáo, chúng ta còn phải cần tiến thêm bước nữa là thâm nhập tiếp tục thực hiện một số công tác hậu sự (những việc sau đó).

Ví dụ triển khai định kỳ một số hoạt động văn hóa kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa xã hội do các tự viện Phật giáo tổ chức, như phong trào văn hóa xã hội, đoàn thăm hỏi ân cần của đoàn thể Phật giáo, trại mùa hè văn hóa Phật giáo, giao lưu văn hóa Phật giáo…, nhằm thúc đẩy thực hiện tốt hơn và phát triển toàn diện đối với sự nghiệp giáo dục xã hội Phật giáo.


Ngoài ra, ở phương diện giáo dục xã hội Phật giáo, PGĐT chúng ta có thể tạo ra nhiều nội dung mới hơn, ví dụ giáo dục xã hội Phật giáo với các hình thức khác như sáng lập nhà trẻ Phật giáo, trường dân lập xã hội Phật giáo, trường hàm thụ xã hội Phật giáo… Cùng với nội dụng này, giáo dục xã hội Phật giáo còn có thể lập ra một số trường cư sĩ dành cho quần chúng tín giáo, tăng thêm tri thức văn hóa xã hội và tu dưỡng đạo đức cho quần chúng tín giáo. Giúp quốc gia và xã hội lập ra một số trường khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng những người không nghề nghiệp trong xã hội nắm bắt khoa học kỹ thuật và các kỹ thuật công nghệ, nhằm đưa họ đến vị trí công tác mới, tạo ra giá trị mới cho xã hội và quốc gia.

Đồng thời cũng có thể mở rộng phương hướng mới cho PGĐT trong nền kinh tế thị trường xã hội thời kỳ mới. Có như thế, sự phát triển của Phật giáo mới có thể có sức sống tốt hơn và triển vọng phát triển mới.

Kết luận

Từ khi Đại sư Thái Hư đưa ra tư tưởng “Phật giáo nhân gian” tới nay, nhân sĩ các giới Phật giáo đã tiến hành phát triển tư tưởng “Phật giáo nhân sinh” với các nội dung khác nhau từ nhiều phương diện khác nhau. Việc phát triển sự nghiệp Phật giáo cũng tạo ra  nhiều thay đổi khác nhau, đã đặt nền móng phù hợp với sự phát triển của các thời kỳ khác nhau cho sự nghiệp Phật giáo. Những năm gần đây, đoàn thể Phật giáo trong và ngoài nước đang nêu cao, phát huy tư tưởng “Phật giáo nhân sinh” của Đại sư Thái Hư, đã mở ra thời cơ phát triển mới cho Phật giáo trên nhiều phương diện, tuy nhiên dưới những tình huống khác nhau đã nảy sinh nhiều ảnh hưởng không tốt.

Đặc biệt là hiện tượng Phật giáo thế tục hóa và Phật giáo dung tục hóa ngày càng trở nên nghiêm trọng. PGĐT chúng ta phát huy tư tưởng “Phật giáo nhân gian”, ở phương diện này cần phải gấp rút ngăn chặn các tệ nạn tương tự. Điều này rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải thật sự làm tốt đối với sự nghiệp giáo dục Phật giáo, đào tạo ra những nhân tài có tố chất cao, trình độ cao và học lực cao. Nghiêm túc dựa vào “Hán truyền Phật giáo tự viện quản lý biện pháp” quản lý tốt Tăng đoàn, nêu cao tố chất văn hóa của Tăng đoàn Phật giáo, thực hiện tư tưởng “Phật giáo nhân gian” với ý nghĩa chân chính.

Pháp sư Lý Tịnh* – Nguyễn Phước Tâm dịch

Nguồn: Pháp sư Lý Tịnh (2007), Văn hóa và Giáo dục Phật giáo, NXB. Văn hóa Tôn giáo, Bắc Kinh, tr.202-213

 __________________________

* Pháp sư Lý Tịnh, người huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Đương nhiệm Phó Giáo sư Viện Phật học Trung Quốc, Ủy viên Ban giáo dục  Trung Quốc, Ủy viên Ban học thuật Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hội xúc tiến Văn hóa Trung Hoa, và từng là thành viên của một số Sở Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo thành phố Bắc Kinh, Nam Kinh. Ngoài tác phẩm Văn hóa và giáo dục Phật giáo, còn có Trung luận giảng nghĩa, và nhiều bài báo khoa học đã công bố trong nước và trên các tạp chí Hồng Kông (‘Nội Minh’), Đài Loan (‘Hải Triều Âm’).

(1) Ở điểm này người dịch thấy rằng hiện nay ở Việt Nam rất hiếm thấy, hoặc không có vị sư nào được nhà nước chính thức phong học hàm cho họ, như Giáo sư, Phó Giáo sư. Trong lúc ở Đài Loan, Trung Quốc... không ít Pháp sư đã được phong các học hàm này. Theo người dịch được biết, Việt Nam từ lâu đã có Học viện Phật học, ở đó đào tạo cử nhân, thậm chí gần đây đã mở lớp đào tạo thạc sĩ, có nhiều vị sư xứng đáng, xứng tầm và thỏa mãn các điều kiện của một Giáo sư, Phó Giáo sư.

(2) Người thời Xuân Thu nước Tần, giỏi về xem tướng ngựa. Ngày nay dùng để chỉ người giỏi ở phát hiện, tiến cử, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. “Bá Lạc” không những chỉ cá nhân, mà còn có thể dùng để chỉ tập thể.

(3) “Trung Quốc Phật giáo hiệp hội đệ lục giới toàn quốc Phật đại biểu hội nghị thượng đỉnh báo cáo” (Báo cáo trong Hội nghị đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ sáu Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc) của Hội trưởng Triệu Phác Sơ khai mạc vào năm 1993.

(4) Năm điều xây dựng: Tức năm phương diện, cụ thể là: xây dựng tín ngưỡng, xây dựng đạo phong, xây dựng giáo chế, xây dựng nhân tài, xây dựng tổ chức.

(5) Buổi trò chuyện trong Hội nghị công tác tôn giáo toàn quốc của Giang Trạch Dân năm 2001.

(6) Tam Vũ nhất Tông: Là chỉ Bắc Ngụy Thái Võ Đế Thác Bạt Đào (408-452), Bắc Chu Võ Văn Ung (543-578), Đường Võ Tôn Lý Viêm (814-846), và Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh (921-959). Sự kiện ba đời vua Võ, một đời vua Tông tổng có bốn lần diệt Phật được gọi là pháp nạn “tam Võ nhất Tông” trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.   

(7) Tức Phật sự tụng kinh bái sám, là một hoạt động tôn giáo truyền thống của tự viện Phật giáo, nội dung vô cùng rộng lớn, có tính giáo dục phẩm đức tư tưởng sâu sắc. Tuy nhiên, những người thường như chúng ta đều lý giải là hoạt động siêu độ cho người chết.

(8) Ba yếu tố lớn của tăng nhân: Là được thông qua Hội nghị đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ sáu, các chế định trong “Hán truyền Phật giáo tự viện quản lý biện pháp” (Biện pháp quản lý tự viện Phật giáo Hán truyền) do Cục Văn phòng Tôn giáo Quốc vụ viện ban hành, tăng nhân cần phải coi ba yếu tố lớn “mặc trang phục của tăng, ăn chay, và độc thân” như là tiêu chuẩn hình ảnh của tăng nhân.

Theo NSGN

Các tin đã đăng: