Sống Thảnh Thơi Giữa Dòng Đời Điên Đảo
17/09/2014 11:07 (GMT+7)



 
 
Nếu mình có thể chấp nhận cái xấu cũng như cái tốt thì từ vị trí bị động mình trở thành người chủ động. Tâm "không phân biệt", "không cố chấp" sẽ là thanh gươm chém đứt những dây tơ phiền não lằn nhằn đang cuốn quấn chằng chịt tâm hồn ta. Tâm tịnh thì thế giới tịnh. Chúng ta có thể tạo cho mình một đời sống an lạc, hạnh phúc giữa dòng đời trùng điệp khổ đau.

Người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của kẻ nghèo. Hãy can đảm phân tích, nhìn thẳng vào những phiền muộn đang ẩn náu sâu thẳm trong tâm tư mình. Sự thật đời là một cuộc nội chiến, dằn co dai dẳng trong tâm, giữa những được mất, hơn thua, thắng bại, vinh nhục, hữu danh, vô danh, ước vọng và lo âu... ít nhiều gì cái khổ cũng vướng mắc với "Cái Tôi", "Cái của Tôi", "Cái Tự Ngã của Tôi".

Với đời sống vật chất ở hải ngoại, phần nhiều chúng ta không khổ vì nghèo đói mà vì... tham, sân, si... Vì vậy nếu không có một số vốn liếng, tư lương về mặt tinh thần, tâm linh để làm điểm tựa, để quay về nương tựa, nếu cứ buông thả mình trôi lăn theo những cám dỗ vật chất, tham vọng, thì đời sẽ là một gánh nặng.

Kẻ gánh nặng là người. Cầm lấy gánh nặng lên (chấp thủ) là khổ đau. Đặt gánh nặng xuống (buông xả) là hạnh phúc.

Đời sống của chúng ta là nối kết của những giây phút hiện tại, mỗi bước chân chúng ta đi trên cuộc hành trình, chính là cuộc hành trình. Các Thiền sư từng dạy: "Không có con đường đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường" (There is no way to happiness, happiness is the way).Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến. Vị sư chân chính nào, ở chùa nào cũng khuyến khích phật tử hãy quán niệm và suy tư một cách sâu sắc về "hạnh phúc hiện tại". Hạnh phúc đang có trong từng hơi thở, trong từng bước chân chúng ta đi. Hạnh phúc không phải là một điểm, phải đạt đến đó xong rồi, mới có thể có an vui, hạnh phúc.

Cho nên ai chờ đến lúc hấp hối rồi mới niệm Phật, cầu xin Đức Phật A Di Đà đến tiếp độ về cõi cực lạc thì đó là một quan niệm rất sai lầm. Đừng đợi đến khi khát nước mới đào giếng. Nếu trong đời sống hiện tại này lòng ta đầy dẫy tham lam, sân hận mà mong mỏi khi chết Phật A Di Đà sẽ đến rước, sẽ bay vèo qua cõi cực lạc, điều này không thể có được. Cũng đừng bao giờ chờ đợi một ngày nào đó khi công việc đã xong, có nhiều tiền rồi, có nhà cửa rồi, con cái học hành xong rồi... lúc đó mới có thể có an vui, hạnh phúc.
 
Nghĩ như vậy cũng không đúng. Để có một đời sống hạnh phúc, chúng ta hãy tịnh hóa trong từng hơi thở, trong từng bước chân ngay ngày hôm nay, dù đời đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, khổ cực, đủ mọi thứ bất đắc ý. Đây là pháp môn "Hiện tại Lạc Thú" hay "Hiện Pháp Lạc Trú", tức là an trú trong từng khoảnh khắc, từng ý nghĩ, từng việc làm, từng bước đi trong đời sống hiện tại. Cố nhiên chúng ta cũng có nhiều dự tính tương lai, nhưng không nên để cho những vọng tưởng điên đảo bốc cháy, thiêu đốt con người mình.

Tu để làm gì? để được giải thoát? Hãy "giải thoát" mình ra khỏi những trăn trở, khổ đau, phiền muộn trong giờ phút hiện tại này bằng cách khắc phục những sân hận và xóa tan những ý niệm bám víu vào "cái tôi" và tham dục.

Mục tiêu tối hậu của con người vẫn là mong muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc. Thử phân tích cái khổ, phần nhiều chúng ta khổ vì...mong muốn vạn vật hiện hữu thường hằng, bất biến. Nhưng "vô thường" (đổi thay) và "vô ngã" (không có tự tính, duyên hợp) là chân lý. Theo Đạo Phật thì vạn vật không có một thực thể riêng biệt, mà do duyên họp, đủ duyên thì tạo thành, hết duyên thì tan biến. Căn bản triết lý của Đạo Phật là chữ "Không" (Sắc tức thị không, không tức thị sắc). Chữ "KHÔNG" trong Đạo Phật không có nghĩa là đối lập với "CÓ", mà là không định, luôn biến dịch, thay đổi. Vạn vật do duyên hợp tạo thành nên sự hiện hữu rất mong manh, có đó rồi mất đó, có cũng như không...

Chúng ta mong muốn người thân, tình yêu, danh vọng, tiền tài, sự nghiệp...sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian, nên khi đối diện với đổi thay, với mất mát chúng ta đau khổ. Nếu quán chiếu thấy được"khổ", "vô thường" và "vô ngã" là chân lý, thì sẽ bớt khổ.

Làm sao phát triển được lòng từ bi? Thương được người đáng ghét? Quý được người đáng khinh? Phải suy tư như thế nào để thấy được "tính không", để "không phân biệt", không có thái độ và cảm xúc khác nhau trước cái tốt và cái xấu? Tư duy như thế nào để thấy tất cả hiện hữu được biểu thị là "không", tất cả chỉ là cõi mơ, huyễn ảo?

Kinh sách có đưa ra thí dụ về "sóng" và "nước đại dương". Cả hai cùng có bản thể là nước, cái khác biệt là sự biểu hiện của nó. Sóng trồi lên hụp xuống theo chuyển động của gió – mà thôi. Vì vậy về mặt hiện tượng, sóng và nước khác nhau, nhưng về mặt bản thể, sóng và nước như nhau. Con người trong xã hội cũng vậy, có hình tướng, có tâm tính khác nhau vì nghiệp duyên hoặc vì hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng trong mỗi người đều có "tính bản thiện", máu của ai cũng màu đỏ, nước mắt của ai cũng có vị mặn, ai cũng mong muốn hạnh phúc và sợ khổ đau. Suy ngẫm thật kỹ về những thí dụ này, chúng ta sẽ mở rộng lòng tha thứ, bao dung, độ lượng hơn.

Càng quan sát, càng phân tích mọi người, mọi việc chung quanh qua cái nhìn "cái tôi đang là" sẽ đưa tới sự phân biệt, chẳng hạng người này không giống tôi, người này tốt, người kia xấu, kẻ thấp hèn, người người cao thượng... sự phân biệt đưa tới cảm xúc thương ghét, ưa thích, khó chịu..."Cái tôi" luôn chia rẽ giữa mình và người. Càng phân biệt, càng cố chấp, càng làm cho mình rối ren, khó khăn, bất an, tinh thần căng thẳng... Điều này làm cho mình mất đi sự bình yên nội tại, mất đi khả năng "sống tự tại", sống hạnh phúc giữa dòng đời điên đảo.

Ai thấy rõ được những sự thực trên với trí tuệ thì người đó sẽ tự giải thoát mình, sẽ không bị lao chao vọng động, trầm luân giữa dòng đời trùng điệp khổ đau. Đây là con đường đi tới thế giới thanh tịnh hay Niết-Bàn ở thế gian vậy!

Tóm lại cuộc đời này có ba dấu ấn chính là KHỔ, VÔ THƯỜNG (luôn đổi thay) VÀ VÔ NGÃ (không có thực thể riêng biệt mà do duyên hợp). Suy ngẫm thật kỹ những điều này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác về cuộc đời và bản chất của cõi Ta-bà. Chỉ cần luôn luôn tâm niệm ba điều đó thôi cũng giúp chúng ta thoát được vòng tay cám dỗ của ma vương, khổ đau. Mình sống ở đâu mà tâm mình không chấp ngã, không hơn thua, không dành giựt và sống từ bi hỷ xả, thứ tha, bao dung, độ lượng thì ở đó mình có an lạc, hạnh phúc, và sự hạnh phúc đó là có thực và vĩnh cữu.

Niết-Bàn không phải là nơi chốn có không gian vật lý, cũng không phải là cảnh trời ở cõi vô hình, sau khi mất chúng ta mới có thể tới đó được. Niết-Bàn cũng không phải là nơi dành riêng cho Trời Phật Thần Thánh mà Niết-Bàn có thể ở thế gian. Ai cũng có quyền đến đó để thọ hưởng sự an lạc thảnh thơi, nếu chúng ta có được một tâm thanh tịnh tuyệt đối, có một trí tuệ sáng suốt , không vướn mắc với cái "Tôi", cái "Của Tôi" và cái "Tự Ngã Của Tôi".

Khi cởi bỏ được tự ngã độc tôn, sống với tâm xả ly, vô niệm, không phân biệt, không cố chấp, sẽ không còn biên giới giữa ta và người, tình thương sẽ bừng nở. Chúng ta sẽ tắm mát trong dòng hạnh phúc, sống tự tại giữa cảnh đời trùng điệp khổ đau của nhân gian.

Đức Phật thành Đạo trên mặt đất, Ngài thọ hưởng Niết-Bàn ngay dưới cội Bồ Đề, ngay khi máu còn đang chảy, tim vẫn còn đập và hơi thở vẫn còn vào ra như bao người trên thế gian này. Chúng ta đang ở Niết-Bàn hay đang ở địa ngục (trần gian), đang khổ đau hay đang hạnh phúc là ở sự chọn lựa thái độ, "chấp thủ" hay "buông xả" của chúng ta mà thôi.

Các tin đã đăng: