Huyền bí hang Phật Dambulla ở Sri Lanka
26/06/2015 00:02 (GMT+7)


Đại Tượng Phật nhập Niết Bàn trong hang động Dambulla
Từ thành phố Kandy, nơi được xem là kinh đô Phật giáo trong thời cổ đại ở Sri Lanka (bởi còn lưu giữ chiếc răng của đức Phật), du khách có thể bắt chuyến xe buýt đến động Phật ở thị trấn Dambulla, cách Kandy khoảng 72km. Động Phật Dambulla còn được biết đến với một cái tên gọi khác “chùa vàng Dambulla” và được xem là cụm hang động lớn nhất trong tất cả các hang động tại Sri Lanka mà nơi đó người ta tìm thấy những vết dấu của người xưa để lại liên quan đến Phật giáo.

Chùa vàng Dambulla có chiều dài khoảng 52m, chiều rộng khoảng 23m và chiều cao khoảng 7m. Do sự hóa nhũ tự nhiên của ngọn núi đá vôi cao khoảng 160m đã hình thành bên trong lòng của nó 5 hang động khá rộng. Điều đặc biệt là cả 5 hang động này đều khô ráo không bị hiện tượng nước nhỏ giọt xuống so với các hang động thạch nhũ khác.

Bên trong các hang động được đặt rất nhiều tượng Phật. Trên trần động được vẽ các hoa văn theo phóng cách của người Sri Lanka và những hình ảnh diễn tả về cuộc đời của đức Phật. Trong khi các bức tường hai bên thì vẽ những bức họa chủ yếu nói về sự cám dỗ của ma quỷ và Phật thuyết pháp lần đầu tiên sau khi đắc đạo. Có tổng cộng 153 tượng Phật được đặt trong 5 hang động, 3 tượng vị vua người Sri Lanka có đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng cũng như trùng tu ngôi chùa vàng, cùng với 4 vị thần trong truyền thuyết Hindu giáo.

Có khoảng 153 tượng Phật được đặt trong hang động
Một góc bên trong chùa vàng Dambulla
Những bích họa vẽ trên trần hang thường diễn tả về cuộc đời của đức Phật
Trong khi những bức tranh xung quanh thường diễn tả về ma quỷ cám dỗ
Những bích họa được vẽ theo trường phái Gaffiti nhưng chủ đạo màu sắc và hoa văn theo người Sri Lanka. Diện tích của cả các bức họa ở 5 hang động khoảng 2.100m vuông
Chùa vàng Dambulla có chiều dài khoảng 52m, chiều rộng khoảng 23m và chiều cao khoảng 7m
Sử thi Mahavamsa của người Sri Lanka ghi lại rằng: Vào thế kỷ 1 trước Công nguyên, Anuradhapura là kinh đô chói lọi của người Tích Lan (Sri Lanka) dưới sự điều hành đất nước bởi vua Valagambahu. Bất thình lình, vương triều người Nam Á tấn công để chiếm lấy kinh đô Anuradhapura. Vì sa cơ thất thế nên vua Valagambahu đành phải tháo chạy khỏi kinh đô của mình, tìm chổ ẩn tránh nhằm khôi phục nguyên binh để chờ ngày báo thù. Ông đã chọn vùng đất Dambulla là nơi ẩn tránh cho mình.

Nhận thấy 5 hang động có những điều kiện tự nhiên khá thuận lợi nên ông đã biến nơi đây thành trung tâm “tín ngưỡng” cho mình trong thời gian tạm ẩn dật. 15 năm sau, binh đã hùng, tướng đã mạnh, ông đã khôi phục và chiếm lấy lại được kinh đô Anuradhapura từ tay người Nam Á. Ông quyết định xây dựng 5 hang động thành một ngôi chùa để “tạ ơn” các đức Phật đã hộ độ cho ông trong thời gian ông gặp nhiều khó khăn. Ngôi chùa được hoàn thành trong khoảng thế kỷ 2-3 trước Công nguyên. Những vương triều sau đó cứ nối tiếp ông mà trùng tu hoặc đặt thêm các tượng Phật bên trong và biến nó thành trung tâm tôn giáo của cả vùng.

Hầu hết các tượng Phật được đúc cũng như hoa văn vẽ trên các trần nhà đều thực hiện theo phong cách nghệ thuật của người Shinhala. Tượng Phật có nhiều kích cỡ khác nhau, có tượng dài đến 15m. Mỗi một hang động thường có từ 1.500 bức tranh được vẽ trên trần nhà. Cộng hết các bức tranh ở 5 động lại với nhau thì diện tích của nó có thể bao phủ khoảng 2.100 m2.

Mãi cho đến bây giờ, hang Phật vẫn là nơi chiếu soi ánh sáng của lòng thiện tâm đến mọi người. Hàng năm, có rất nhiều du khách đến đây để được thả mình, hòa trong không khí thanh tịnh, dễ chịu lánh xa những bụi trần, ồn ào của cuộc sống. Trong ánh hoàng hôn, tiếng chuông trầm ấm đâu đó lại vang xa và những tượng Phật trong chùa vàng trở nên huyền bí mông lung.

Thiên An, Ảnh: Nguyễn Chí Linh
Nguồn: http://ihay.thanhnien.com.vn/phuot/huyen-bi-hang-phat-dambulla-o-sri-lanka-48261.html

Các tin đã đăng: