PG & Khoa học
Thế giới bí ẩn bao trùm nhục thân các vị thiền sư
29/03/2010 06:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Điều kỳ lạ là khi thiền sư mất, cả tháng trời khắp chùa có mùi hương thơm rất lạ.Gần như cả cuộc đời hòa thượng Chuyết Chuyết dành cho việc hoằng pháp tứ phương. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Cũng như những thiền sư đã tu thành chính quả, biết mình sắp rời xa nhân thế, thiền sư Chuyết Chuyết gọi đệ tử đến bên dặn dò bằng mấy lời kệ: “Tre gầy thông vót nước rơi thơm/ Gió thoảng trăng non mát rờn rờn/ Nguyên Tây ai ở người nào biết/ Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn”. Lời kệ này được chép trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn.

 

Phục dựng thiền sư Chuyết Chuyết (Ảnh: Nguyễn Lân Cường). 
 

Đọc xong lời kệ, các đệ tử thút thít khóc, thiền sư liền bảo: “Nếu ai động tâm khóc lóc thì không phải đệ tử của ta”. Nghe lời, các đệ tử nín thinh, ngồi gõ mõ tụng kinh. Tiếng kinh kệ vang lên đều đều. Thiền sư Chuyết Chuyết lặng lẽ bước vào tháp Báo Nghiêm, đệ tử bịt cửa tháp lại. Không gian yên lặng đến kỳ lạ, con chim không hót, con khỉ chẳng thấy kêu.

Ngày rằm tháng bảy năm Giáp Thân (1644), tiếng mõ ngừng vang từ tháp. Thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch khi tròn 54 tuổi. Điều kỳ lạ là khi thiền sư mất, cả tháng trời khắp chùa có mùi hương thơm rất lạ.

Đệ tử chân truyền là thiền sư Minh Hành đã dùng kỹ thuật tượng táng phổ biến thời bấy giờ để bó cốt thầy, rồi đặt ngài vào tháp Báo Nghiêm.

 

 

Thiền sư Chuyết Chuyết đặt trong khám rồng. 
 

Một thời gian sau, thiền sư Minh Hành đưa nhục thân thiền sư Chuyết Công vào một ngôi chùa tận trong Thanh Hóa để tránh chiến tranh, binh đao. Rồi không rõ nguyên nhân gì, các đệ tử lại đưa về nhà thờ tổ của chùa Phật Tích, sau đó đưa vào tháp Báo Nghiêm.

Lịch sử của Phật giáo ghi rõ thông tin về cuộc đời tu hành và nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết như vậy.
 

 

Khám rồng cổ - nơi đặt nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết (Ảnh: Nguyễn Lân Cường). 

Tháng 8 năm 1989 tượng nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết được tìm thấy trên rừng mộ tháp, nhưng xương cốt còn tới 133 mảnh. Đống chất bồi làm tượng táng cũng cơ bản giống với chất bồi làm những pho tượng táng khác. Tuy nhiên, theo ý kiến của TS. Nguyễn Lân Cường, cách thức làm tượng táng thiền sư Chuyết Chuyết thì hoàn toàn khác.

Qua việc tìm thấy 7 đoạn dây đồng, TS. Nguyễn Lân Cường kết luận rằng, người ta đã không quét lớp bồi trực tiếp lên thân thể thiền sư Chuyết Chuyết, mà dùng dây đồng dựng khung xương rồi mới quét lớp bồi (?!).

 

 

Nhóm phục dựng cho TS. Nguyễn Lân Cường chỉ đạo đã không cần dùng giá đỡ xương vẫn phục dựng thành công nhục thân (Ảnh: Nguyễn Lân Cường).  
 

TS. Nguyễn Lân Cường đã cùng họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, họa sĩ Nguyễn Đình Hiển bỏ nhiều tháng trời nghiên cứu, phục dựng thành công pho tượng táng thiền sư Chuyết Chuyết.

Là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được theo học phương pháp phục chế lại mặt theo xương sọ của giáo sư M.M. Gheraximov, nên TS. Nguyễn Lân Cường dễ dàng phục dựng lại khuôn mặt của thiền sư Chuyết Chuyết giống hơn cả pho tượng táng mà các thiền sư đã dựng cách nay mấy trăm năm.

Điều đặc biệt, TS. Nguyễn Lân Cường đã không cần dùng những sợi đồng để dựng khung xương như cách làm của người xưa với di hài của thiền sư Chuyết Chuyết. Ông cùng nhóm phục dựng đã gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu trên chất liệu bồi, rồi quét tiếp lớp bồi nữa như táng tượng bình thường.

Ngày hoàn thành pho tượng táng là ngày đặc biệt đáng nhớ với TS. Nguyễn Lân Cường và nhóm phục dựng. Hàng ngàn người đã đổ về chùa Phật Tích chen nhau chiêm ngưỡng nhục thân vị thiền sư đầy huyền thoại này.
 

 

TS. Nguyễn Lân Cường luôn hy vọng lớp trẻ sẽ tiếp nối công việc nhọc nhằn song đầy ý nghĩa của ông. 
 Bí mật phía sau những pho tượng táng các thiền sư là gì? TS. Nguyễn Lân Cường đã trả lời khá đầy đủ trong công trình nghiên cứu để đời của ông: “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”. Tuy nhiên, những điều mà TS. Nguyễn Lân Cường trả lời chỉ là những lý giải mang tính chất khoa học thuần túy. TS. Nguyễn Lân Cường hiểu rằng, phía sau những nhục thân này là cả một thế giới bí ẩn cần tiếp tục nghiên cứu.

Đã sắp bước sang tuổi xưa nay hiếm, nên cứ sau mỗi cuộc nghiên cứu, tu bổ, TS. Nguyễn Lân Cường đều chụp hàng vạn tấm hình, quay hàng chục cuốn phim rồi nộp cả cho cục di sản văn hóa để làm tư liệu.

Ông bảo, ông làm thế là vì đã cao tuổi, lỡ có chuyện gì, lớp trẻ còn có cái để học tập. Biết đâu, một ngày nào đó, lại phát hiện thêm nhục thân của các vị thiền sư, các nhà khoa học trẻ có thể dựa vào kiến thức của ông để biết cách tu bổ.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

(Theo VTC news)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch