Pháp Luận
Nội Dung Chủ Yếu Của Bồ Tát Đạo - Phát Triển Bồ Đề Tâm
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen
14/09/2011 22:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phẩm Thập Địa là phẩm đại biểu, tóm tắt tinh hoa của bồ tát đạo. Thông đạt phẩm này tức là thông đạt tất cả mấu chốt tu đạo bồ tát.

Tu đạo bồ tát là tu gì? Là tu bồ đề tâm. Tu bồ đề tâm là nghĩa làm sao? Là tu ba tâm thái: trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm. Tu có nghĩa là làm sinh khởi, phát triển, trưởng dưỡng, thành thục và viên mãn ba tâm thái đó.

Ý nghĩa của ba tâm thái đó là gì?

Trực tâm là tâm chính niệm chân như, chính niệm Phật tánh: đay là tâm thái có thể quán chiếu, có thể thấy, có thể phản ánh đặc tính của chân như. Tâm này là trạng thái rỗng rang không chút phiền não, duyên lự, tạp niệm của lòng ta. Tâm này khi phát triển đến cùng cực sẽ khiến trí huệ Bát Nhã hiển hiện, đồng thời khiến ta đạt tới cảnh giới vô ngã, là căn bản để liễu thoát sinh tử. Ở nơi mức độ bình thường, thấp nhất tâm này là lương tâm, là tâm chân thật, thẳng thắng, ngăn chận ta làm ác, hủy phạm giới luật, làm chuyện đen tối, khúc khủy, không thành thật dối trá.

Thâm tâm là tâm thái hướng vào tánh chân thiện mỹ của pháp tánh. Đây là tâm khiến ta thích làm thiện, thích tu hành, thích học tập. Tâm này là rường cột giúp ta thành tựu mười ba la mật, thập lực trí và vô số thần thông biện tài công đức, bởi vì nó thôi động sự ưa thích thực hiện vô vàn điều lành, tu tập muôn ngàn pháp môn mà không mệt mỏi, nhàm chán. Để phát triển tâm này, ta cần phát vô số đại nguyện, nguyện tu hành vô lượng pháp môn. Tâm này khi phát triển đến cùng cực sẽ làm ta đạt tới cảnh giới vô ngã Niết Bàn, song không làm ta chấp vào cảnh giới tịch tĩnh của cõi Niết Bàn. Ngược lại nó khiến ta không ngừng tu hành để viên mãn hạnh nguyện Phổ Hiền.

Đại bi tâm là tâm bao nạp tất cả chúng sinh, là lòng thương vô hạn. Lòng đại bi khiến ta thấy chúng sinh và mình chỉ là một. Lòng đại bi giúp ta sống tự tại trong cõi phàm, không chuyện thị phi tranh chấp của chúng sinh làm sinh phiền não. Đại bi là tình thương không có điều kiện, không có đòi hỏi được trả ơn hay được thương lại. Người tu tâm đại bi thì bố thí, ban bố, nhưng không hề đòi hỏi, chiếm đoạt, yêu cầu gì lại cho mình. Nếu trực tâm được tu hành trong cô đơn im lặng thì đại bi tâm là cách tu hành giữa chúng sinh, huyên náo tạp nhiễm. Chỉ khi tâm đại bi phát triển đến cùng cực thì đạo bồ tát mới viên mãn, bởi vì tâm đại bi là chiếc thuyền để độ chúng sinh tới giác ngộ. Và chỉ khi chúng sinh giác ngộ hết thì đạo bồ tát mới thành.

 Ba tâm này liên hệ mật thiết với nhau. Không cách gì chỉ tu đơn độc một tâm, bỏ phế hai tâm kia. Khi một tâm tu thì tự nhiên nó sẽ thúc đẩy hai tâm kia cùng phát triển. Theo quan điểm của ngài Thanh Lương quốc sư, thì tâm đại bi nuôi dưỡng hai tâm kia. Ngài có làm ví dụ tâm bồ đề như cây đèn dầu. Dầu tượng trưng cho hạnh cứu độ chúng sinh, tức là lòng đại bi. Tim đèn tượng trưng cho hạnh của thâm tâm, tức sự rộng phát đại nguyện. Ánh sáng của đèn tượng trưng cho hạnh của trực tâm, tức là đại trí huệ. Ngày nay, nếu thay dầu bằng điện, sẽ có:

Ánh sáng tượng trưng cho trực tâm và đại trí.

Điện tượng trưng cho tâm đại bi.

Tim đèn tượng trưng cho thâm tâm và đại nguyện.

Tóm tắt: tu bồ tát hạnh là làm phát triển và thành thục tới chỗ cứu cánh viên mãn bồ đề tâm, tức là ba tâm: trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm. Đây là kim chỉ nam phương hướng tu hành.

Đại trí trở nên thâm sâu vô tận.

Lòng đại bi trở nên bát ngát vô biên.

Đại nguyện tu hành và độ sinh trở nên vô hạn.

Đoạn văn trên được trích ra từ quyển sách: Đại Cương Kinh Hoa Nghiêm do Thầy CE dịch và lược giải.

Nguyệt San Liên Hoa


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch