Tâm linh huyền bí
Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh – Kỳ 10: Hành trình tìm mộ em gái của Giáo sư Trần Phương
19/04/2010 02:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Xem hình
Giáo sư Trần Phương
“Chưa bao giờ tôi tin ở đời lại có linh hồn, thần thánh, ma quỷ. Ngay cả ngày giỗ bố mẹ, tôi cũng chẳng làm cơm cúng hay thắp hương khói gì sất, chỉ sửa một lọ hoa tươi để tưởng nhớ người đã khuất. Bởi tôi vốn dĩ được đào tạo theo tinh thần khoa học thực nghiệm. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Cái gì chứng minh được mới tin là có. Cái gì chưa chứng minh được thì dứt khoát không tin. Cho nên, lúc cùng đường, nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ cô em gái vốn là đội trưởng đội du kích Hoàng Ngân, trái tim thì tha thiết tìm thấy em mà lý trí tôi thì cố tỉnh táo để tìm cách “chống trọi” lại khả năng gọi hồn, thấu thị… của họ. Vậy mà cuối cùng, tôi hoàn toàn bị khuất phục trước khả năng đặc biệt của hai nhà ngoại cảm nổi tiếng: Nguyễn Văn Nhã và Phan Thị Bích Hằng, người vẽ mộ, người gọi hồn. 24 ngày mò tìm trong bí ẩn, cuối cùng, tôi đã tìm được hài cốt người em gái sau ngót 50 năm trôi dạt”.

Tìm em theo sơ đồ của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã

Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng chính phủ, hiệu trưởng trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội, có một người em gái, sinh năm 1929, tên là Vũ Thị Kính. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ngay từ năm 16 tuổi, cô Kính đã đi tham gia kháng chiến, trở thành một nữ giao liên gan dạ với bí danh Trần Thị Khang. Năm 1950, cô trở thành Huyện uỷ viên Đảng bộ Phù Cừ, Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc huyện, người tổ chức và chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng. Tháng 6 năm 1950, giặc bắt được cô, đưa về bốt La Tiến, một đồn binh lớn án ngữ phía nam tỉnh Hưng Yên, phía bắc tỉnh Thái Bình và phía tây tỉnh Hải Dương. Tại đây, giặc đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhất (chuyện sẽ kể ở phần sau – PV) nhưng người nữ du kích kiên trung ấy vẫn không hé nửa lời. Tức giận, giặc đã cắt cổ cô rồi vứt xác xuống sông Luộc. Sau cái chết anh hùng ấy của cô, đội nữ du kích Hoàng Ngân đã phát động “Tuần lễ giết giặc, trả thù cho chị Khang”.

Cô Trần Thị Khang

Mặc dầu Huyện uỷ và đội nữ du kích Hoàng Ngân đã đi khắp các bến đục dòng trong những mong tìm xác cô mà không thấy. Thương con, người mẹ già khóc mờ cả mắt. Suốt mấy chục năm ròng, thỉnh thoảng, mẹ lại ngước đôi mắt đục mờ như cùi nhãn khô về phía giáo sư Phương, hỏi bằng cái giọng tủi hờn, xót xa: “Có tìm thấy xác em không hả con?”. “Bao giờ hết chiến tranh, con sẽ đi tìm. Chắc là thấy mẹ ạ!”. Miệng thì trả lời mẹ thế mà họng thì thấy nghẹn đắng. Cả một dòng sông Luộc mang mang, cuồn cuộn sóng trôi ra biển cả, biết tìm em nơi nào?

Mẹ mất. Tin tức về phần mộ em vẫn biền biệt phương trời. Giáo sư Phương lúc nào cũng sống trong cảm giác day dứt, đau xót, không yên. Năm 1989, khi đó, giáo sư Phương đang làm Viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược phát triển, có xuống công tác tại Sở kinh tế đối ngoại (cũ) Quảng Ninh. Nghe anh em dưới đó đồn rằng, cách Bãi Cháy, về phía Hà Nội 20 km, có một cô công nhân, trước vốn bị tan nạn lao động, nay có khả năng ngoại cảm đặc biệt: biết quá khứ, dự báo tương lai, phán đúng như thần. Anh em trong cơ quan, ai có việc gì hệ trọng đều đến nhờ cô xem dùm. Họ khuyên giáo sư Phương nên đến đó xem một lần. Bán tín bán nghi, giáo sư Phương tìm đến. Nhà ngoại cảm là một người phụ nữ xanh xao, gầy yếu nằm bệt trên chiếc phản kê gần cửa sổ. Vừa nhìn thấy giáo sư Phương, cô đã nói, giọng yếu ớt: “Ghế có một người anh chết trẻ, chết trong lửa”. Giáo sư Phương giật mình đánh thót. Năm 1951, người anh ruột của ông là Vũ Sơn, trưởng ban tuyên giáo của đại đoàn 320, hy sinh trong trận đánh ở Hà Nam Ninh. Quả bom Na-pan rơi đúng hầm chỉ huy. Anh Sơn cùng một số đồng chí khác bị chết cháy. Chưa kịp trấn tĩnh, giáo sư Phương lại rụng rời khi nghe nhà ngoại cảm phán tiếp: “Ghế còn có một người em gái chết trẻ. Hài cốt vẫn còn nhưng vì ghế không tin nên không đi tìm”. Nhà ngoại cảm còn phán rất nhiều về cuộc đời, sự nghiệp, thân thế của giáo sư Phương khiến ông hoang mang: Có lẽ mình phải đi tìm manh mối thế nào đây? Tại sao có người lại biết nhiều về mình như thế?

Sau đó, về Hà Nội, ông nghe tin nhiều người tìm được mộ người thân bằng gọi hồn, thấu thị, ngoại cảm, với những tình tiết hết sức ly kỳ, huyền bí khiến ông càng hoang mang. Trong ông, chợt loé lên một niềm hy vọng mong manh: Biết đâu đấy. Nếu bằng phương pháp thần bí mà tìm được mộ em gái mình thì có gì phải câu nệ? Song ông lại chột dạ: lấy cái gì để xác nhận đó là hài cốt của em Khang sau 50 năm trôi dạt? Hàm răng trắng, không nhuộm đen ư? Thời đó, thiếu gì con gái không nhuộm răng? Đã có lần, bạn bè mách bảo ông một bộ hài cốt vô thừa nhận có đặc biệt là răng trắng. Lúc đó, ông đã đấu tranh tư tưởng: nhận hay không nhận? Nhận một bộ hài cốt mà trong lòng nghi hoặc mỗi khi tưởng niệm thì phỏng có ý nghĩa gì? Còn khám nghiệm AND ư? Quá xa vời. Song trong tình cảnh chính mình và cả khoa học thực nghiệm bị bất lực thì việc phải nhờ đến tâm linh huyền bí để giải toả nỗi đau tâm thế ám ảnh bao năm là việc nên làm. Nghĩ thế, ông bèn tìm cách tiếp cận các nhà ngoại cảm có tiếng tăm.

Chị Tuyết Nga, bạn ông, người đã nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên (Tứ Kỳ, Hải Dương) tìm được mộ người mẹ thân yêu bị giặc sát hại từ những năm 1960, khuyên ông nên đến nhờ anh Liên. Nghe lời, chú Quỳnh, em ruột của ông, ăn chực nằm chờ nhà anh Liên hơn một tháng trời, cuối cùng, được anh vẽ cho một tấm sơ đồ phần mộ. Nhưng sơ đồ lại ghi mộ cô Khang nằm ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), cách bến đò La Tiến đến mấy chục cây về phía thựợng lưu. Không thuyết phục. Đành tự an ủi rằng: chú em út chưa đủ thân thiết với cô chị nên thông tin chưa được chính xác. Cuối cùng, đích thân giáo sư Phương tìm đến cạy nhờ anh Liên. Nhưng chờ đến đỏ mắt vẫn không thấy nhà ngoại cảm mách bảo gì. Thương ông, chị Tuyết Nga bảo: “Em có người bạn là anh Nguyễn Văn Nhã, một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh Nhã đã vẽ được hơn 600 ngôi mộ, tỷ lệ trúng đạt trên 60%. Để em điện thoại nhờ anh ấy xem sao”.

Sáng sớm ngày 25 tháng 7 năm 1999, anh Nhã có mặt tại Hà Nội. Trong phòng làm việc của giáo sư Trần Phương, không có hương khói gì, sau khi hỏi vợ chồng giáo sư một số thông tin về cô Khang như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, năm mất, bến đò La Tiến thuộc xã nào? Huyện Phù Cừ thuộc tỉnh nào? Bến đò ấy có cây cầu nào không?… (Điều đó chứng tỏ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã không biết gì về vùng đất này), anh Nhã bèn lấy một tờ giấy trắng khổ lớn và mấy cây bút màu ra vẽ. Anh vẽ một cách thư thả, lưu loát. Dưới ngòi bút của anh, thấy hiện lên con sông uốn lượn, đường to, đường nhỏ giao nhau. Rồi anh ghi chú rõ ràng, rành mạch: Từ bến đò La Tiến đi về hướng Đông Nam thấy một trường học. Đi chừng 1,6 km thì đến một ngã tư. Phía trái ngã tư có cửa hàng tạp hóa cửa màu xanh dương. Rẽ tay phải thấy một cái đình. Đi tiếp 1km hãy rẽ trái vào một con đường nhỏ. Cách đó 45m là phần mộ cô Khang. Ngôi mộ nằm trên đất cô Nhường. Đối diện với mộ là quán ông An. Mộ chôn đầu về hướng tây, cách đó 4m có một gốc cây đổ. Trên mộ có một khúc cây dài 4 tấc, một cục gạch vỡ màu nâu đỏ và 5 cây cỏ dại có hoa màu tím nhạt…

Sơ đồ của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã

Vẽ chừng 10 phút thì xong. Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã ngẩng mặt lên hỏi giáo sư Phương: “Bao giờ thì bác đi tìm mộ?”. Giáo sư Phương trả lời: “Khoảng 3 ngày nữa”. Anh Nhã bảo: “Tôi sẽ cho anh một tín hiệu để dễ tìm. Hai con bướm nhé?”. Giáo sư Phương: “Hai con bướm sợ khó tìm”. Ngẫm ngợi giây lát, anh Nhã bảo: “Vậy thì một bé gái nhé”. Nói đoạn, anh cắm cúi ghi tiếp vào tấm bản đồ: 13h30’ngày 28 tháng 7, sẽ có một bé gái chừng 11 tuổi, mặc áo hoa xanh đến gần mộ. Rồi anh dặn: “Nếu bác đến sớm thì 5 cây cỏ dại có 10 bông hoa tím. Nếu đến muộn thì chỉ còn 5 bông”. Quá đỗi ngạc nhiên, giáo sư Phương hỏi: “Anh không biết tí gì về vùng đất đó, vậy dựa vào cái gì mà anh vẽ được tấm bản đồ chi tiết này?”. Anh Nhã lắc đầu cười xoà: “Tôi cũng chẳng biết nữa. Cứ thấy trong đầu hiện lên thế nào thì vẽ ra thế ấy”. Giáo sư Phương lại hỏi: “Thế còn những cái tên: đất cô Nhường, quán ông An?”. Anh Nhã: “Tai tôi bỗng nghe thấy những âm thanh ấy. Có thể là Nhương, Nhường, An hay Am gì đấy”. Trao tấm bản đồ cho giáo sư Phương, anh Nhã vội vã ra sân bay, vào thành phố Hồ Chí Minh. Còn giáo sư Phương cứ đứng ngẩn người, chẳng hiểu ra làm sao. Song tin hay không thì vẫn cứ phải làm theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Bởi còn cách nào khác nữa đâu.

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Hoàng Anh Sướng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch