Triết học PG
(SC. Thích Nữ Viên Giác)
Tìm hiểu một số đặc sắc tinh thần Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ qua Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục
30/12/2021 19:46 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ thời Trần gắn liền với quan điểm bất nhị, kiến tánh, phá chấp. Tuệ Trung thông rõ, trong bản thể các pháp trần chỉ là huyễn, nên không bị kẹt dính vào bất cứ thứ gì trên thế gian; thấy rõ trong chân như không có sự khác biệt giữa phàm thánh, Phật và chúng sanh, sanh tử và Niết bàn, phiền não và Bồ đề. Cho nên Tuệ Trung tự tại giữa sống chết thịnh suy, tùy duyên thuận pháp nhập thế hành Bồ tát đạo trên hình tướng cư sĩ. Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung không câu nệ ở giáo điều sách vở, là tinh thần thiền tông phá chấp, cũng là tinh thần Đại thừa hư không diệu hữu. Vì thế, trong tu tập, hành thiền và phụng sự quốc gia dân tộc, Thượng Sĩ không bám víu vào những thuật ngữ, khái niệm, tướng hữu vi thế gian định sẵn mà sống với thái độ hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, tự tại, dung hợp uyển chuyển, đề cao sự giác ngộ của tâm thức.

Trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Thượng Sĩ khuyên đừng nên theo đuổi những vật dục ở thế gian, nếu thân tâm dính mắc vào ngũ dục (tài-sắc-danh-thực-thùy) sẽ phải chịu khổ lụy và sanh tử luân hồi nhiều kiếp; nếu buông được thì tánh giác hiện bày.

Tóm tắt

Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ thời Trần gắn liền với quan điểm bất nhị, kiến tánh, phá chấp. Tuệ Trung thông rõ, trong bản thể các pháp trần chỉ là huyễn, nên không bị kẹt dính vào bất cứ thứ gì trên thế gian; thấy rõ trong chân như không có sự khác biệt giữa phàm thánh, Phật và chúng sanh, sanh tử và Niết bàn, phiền não và Bồ đề. Cho nên Tuệ Trung tự tại giữa sống chết thịnh suy, tùy duyên thuận pháp nhập thế hành Bồ tát đạo trên hình tướng cư sĩ. Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung không câu nệ ở giáo điều sách vở, là tinh thần thiền tông phá chấp, cũng là tinh thần Đại thừa hư không diệu hữu. Vì thế, trong tu tập, hành thiền và phụng sự quốc gia dân tộc, Thượng Sĩ không bám víu vào những thuật ngữ, khái niệm, tướng hữu vi thế gian định sẵn mà sống với thái độ hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, tự tại, dung hợp uyển chuyển, đề cao sự giác ngộ của tâm thức.

Dẫn nhập

Tuệ Trung Thượng Sĩ là một nhà thiền học, nhà Phật học, nhà triết học, nhà chính trị, nhà lãnh đạo; đồng thời là Thiền sư có bản lĩnh, vững chãi, tự tại, siêu xuất dưới thời Trần. Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung gắn với quan điểm bất nhị, kiến tánh, phá chấp. Cuộc đời và hành trạng của Tuệ Trung Thượng Sĩ cho thấy, ngài là một trong số những bậc long tượng của Phật giáo thời Trần cũng như Phật giáo Việt Nam, đại diện tiêu biểu cho hình ảnh người cư sĩ có tín tâm kiên cố, hoằng truyền chánh pháp, hộ trì Tam bảo. Tuệ Trung đã góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam có sắc thái riêng so với Phật giáo Trung Quốc, có sự sáng tạo, đóng góp lớn vào lịch sử phát triển tư tưởng và văn hoá dân tộc.

1. VÀI NÉT VỀ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ VÀ TÁC PHẨM TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC

Tiểu sử Tuệ Trung Thượng Sĩ được vua Trần Nhân Tông viết khá rõ trong Thượng Sĩ hành trạng, tờ 35a5-40a2. Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), tên khác là Trần Tung, con trai thứ nhất của An Sinh vương Trần Liễu, anh cả của Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Tuệ Trung giữ vị trí quan trọng trong dòng tộc họ Trần, có nhiều mối quan hệ với các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Vua Thánh Tông tôn Tuệ Trung là sư huynh và gửi con mình cho Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy bảo. Sau này, Trần Nhân Tông đã thừa hưởng rất nhiều những công hạnh quý báu từ thầy Tuệ Trung.

Trong các cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên, Tuệ Trung là một vị tướng tài. Khi thời bình đến, ông còn tỏ rõ kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực với phong thái xuất trần của một vị Thiền sư đắc pháp. Tuệ Trung được vua phong chức Tiết độ sứ tại Thái Bình, phong ấp ở Tịnh Bang, dựng Dưỡng Chân Trang. Thời gian từ chốn quan trường về ở ẩn, Thượng Sĩ tiếp tục nghiên cứu Phật học, thiền tông, thể nhập thiền lý; tiếp tục cố vấn hiến kế cho triều đình ổn định và phát triển đất nước.

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), tên khác là Trần Tung, con trai thứ nhất của An Sinh vương Trần Liễu, anh cả của Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
(Ảnh: thuvienhoasen.org)

Các sáng tác, trước thuật của Tuệ Trung Thượng Sĩ cơ bản được tập hợp trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, nằm trong Trần triều dật tồn Phật điển lục – bộ Phật điển của nhà Trần ghi lại nhiều vấn đề quan trọng liên hệ đến Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục và Tam Tổ thực lục. Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục có vị trí quan trọng, mở đường cho Thiền phái Trúc Lâm. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục do Pháp Loa biên tập, Trần Nhân Tông khảo đính và Đỗ Khắc Chung là người đề bạt. Sách gồm bốn phần: Đối cơ, Cử Công án, Thi tụng, Thượng Sĩ hành trạng (do Trần Nhân Tông viết và một số bài kệ tụng của các vị đệ tử).

Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục ghi lại nhiều cuộc tham vấn thiền giữa các hành giả với nhiều chủ đề khác nhau, thầy trò tự ngầm hiểu mà đắc pháp; phô bày tư tưởng thiền học qua các bài kệ tụng, điển cố, công án; nhiều bài thơ nghệ thuật đặc sắc chuyển tải thiền lý, tràn ngập ẩn dụ, hình tượng và tính thẩm mĩ; góp phần làm phong phú văn học Phật giáo thời Trần; vì “văn học Phật giáo góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc” [7, tr.222]. Nhắc đến văn học Lý-Trần không thể bỏ qua vị trí của thơ thiền trong thơ văn của Thiền phái Trúc Lâm. Trong đó, thi ca cũng là những bài thơ thể hiện sự chứng đắc về thiền tông của Tuệ Trung Thượng Sĩ; 49 bài thơ kệ của Tuệ Trung vẫn còn được lưu giữ. Bài Phật tâm ca rất nổi tiếng, nói lên quan điểm “Phật tại tâm”, kế thừa tư tưởng thiền học trước đó và đặt nền móng cho các tư tưởng thiền học của Thiền phái Trúc Lâm sau này. Thể ca thường xuất hiện trong thơ của các thiền gia. Hiện chỉ còn hai bản là Phật tâm ca của Tuệ Trung viết bằng chữ Hán và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của vua Trần Nhân Tông viết bằng chữ Nôm. Phật tâm ca của Tuệ Trung gồm 12 khổ, 55 câu. Mỗi khổ là một bài thơ tứ tuyệt thất ngôn xen lục ngôn, hình thức nghệ thuật tự do phóng khoáng, đã truyền cảm hứng giải thoát cho người đọc, giúp khai mở tâm thức để bừng sáng tuệ giác, tiêu biểu cho văn học thiền tông Việt Nam. Có thể nói, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục là một tác phẩm trác tuyệt, triết lý uyên thâm, văn chương thanh thoát” [11, tr.6] như Thích Thanh Từ nhận xét; có ý nghĩa lớn cả về thiền học, văn học và sử học.

2. TINH THẦN DUNG HỢP, HÒA QUANG ĐỒNG TRẦN

Tinh thần dung hợp thể hiện ở sự thống nhất Tam giáo đồng nguyên (dung hợp Nho-Lão-Phật), lấy Phật học làm đầu, vượt qua nhị kiến đối đãi, bình đẳng trong tự tánh. “Sanh tử nhàn nhi dĩ” (sống chết là lẽ thường mà thôi) của Tuệ Trung mang hơi hướng Nho-Phật-Lão. Điều này cũng dễ hiểu khi đặt trong thời đại. Phật giáo nói: “Tức tâm tức Phật” (Phật tại tâm), Nho giáo lại nói: “Thiên Mệnh chi vị tính” (Tính ấy chính là Thiên Mệnh), Đạo giáo cho rằng: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất” (Thiên hạ không có gì lớn bằng cái đầu chiếc lông của chim và thú vào mùa thu). Có thể hiểu, thiền vừa là phương tiện tôn giáo, vừa là thái độ sống. Tuệ Trung “trên cơ sở bình đẳng vô sai biệt đối với vạn pháp của nhà Phật dễ dàng cởi bỏ những vướng mắc câu chấp, nhị nguyên và sống trọn vẹn với chân lý” [9, tr.8-9]. Nhờ dung hợp mà phát huy cao tinh thần nhập thế, hòa quang đồng trần. Vì tinh thần nhập thế chính là tinh thần Bồ tát hạnh, chủ trương dấn thân hòa mình vào cộng đồng; có được là do thể nhập vô ngã, hiểu rõ bản chất các pháp thế gian vốn vô phân biệt trong tự tánh. Tuệ Trung đã đắc pháp thiền nên có thể ung dung giữa đạo và đời, hài hòa thể nhập, vừa chuyên tu thiền vừa phụng sự nhân sinh, tự tại giữa thuận nghịch.

Thượng Sĩ với tinh thần thiền tông phá chấp, không chấp vào khái niệm danh từ, đã phát huy tinh thần tùy tục mà nên từ thời Lý thành tư tưởng hòa quang đồng trần, tùy duyên bất biến. Đây cũng là tinh thần chung của thiền học thời Trần đã “kế thừa thiền tông thời Lý, dung hòa cả Thiền và Tịnh độ, cả đốn ngộ và tiệm ngộ; truyền đạo vừa bằng công án hiểm hóc vừa bằng sự diễn giảng tỏ rõ và chí thiết, phần nào đi ra ngoài truyền thống “vô ngôn” của Thiền. Tinh thần này mở đầu với Trần Thái Tông và được kế tiếp bởi Tuệ Trung” [13, tr.4]. Đây cũng là tư tưởng chính xuyên suốt toàn bộ tác phẩm văn học thiền của Tuệ Trung. Vì văn học là bức tranh phản ánh toàn bộ cuộc sống hiện thực, tái hiện cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của tác giả; thơ lại càng cô đọng và hàm nghĩa hơn, hầu hết các Thiền sư đều có ít nhất một vài bài kệ; nghệ thuật ngôn từ của thơ là phương tiện để chuyển đạo; Thiền sư không cố tình làm thơ nhưng thơ trở nên diệu dụng như một pháp thiền trọn vẹn.

饑則飡兮和羅飯

困則眠兮何有鄉                          

興時吹兮無孔笛

靜處焚兮解脫香…

 

Đói thì ăn chừ, cơm bố thí

Mệt thì ăn chừ, chốn không làng

Lúc hứng thổi chừ, sáo không lỗ

Nơi thanh tịnh đốt chừ, giải thoát hương…

(Phóng cuồng ngâm) [3, tr.304]

Nhờ dung hợp Tam giáo và các tín ngưỡng bản địa, tiếp nhận “ảnh hưởng của Lão Trang và những tư tưởng đặc biệt, sáng suốt của dân tộc Việt Nam trong điều kiện sống riêng của mình” [13, tr.4], thiền học của Thượng Sĩ mang tinh thần nhập thế, hài hòa, tích cực, không gây đối kháng, tạo lục hòa giữa đại chúng, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, nhờ vậy mà tạo nên sức mạnh tổng hợp trên mọi lĩnh vực. Thượng Sĩ “trở thành một nhà thiền học (…) biết “hòa quang đồng trần” đem lại ích lợi cho đời cho đạo” [10, tr.312]. Tinh thần Hòa quang đồng trần đã được Tuệ Trung đề cập nhiều trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, ví dụ bài Phóng cuồng ngâm: “饑則飡兮和羅飯 (Đói thì ăn chừ, cơm bố thí)/ 困則眠兮何有鄉 (Mệt thì ăn chừ, chốn không làng)/ 興時吹兮無孔笛 (Lúc hứng thổi chừ, sáo không lỗ)/ 靜處焚兮解脫香 (Nơi thanh tịnh đốt chừ, giải thoát hương) [3, tr.304].

Tuệ Trung với đôi mắt thiền học, ngài tuệ quán được tầm quan trọng của sự dung hợp Nho-Phật-Đạo, bởi vì thể-tướng-dụng đều trọn vẹn trong một bản thể. Cho nên, Thượng Sĩ đã khéo léo đem tư tưởng thiền học hòa vào Đạo giáo và Nho giáo; nhờ vậy mà tinh thần vô ngã, thể nhập được phát huy cao độ; tạo nên hình thức thiền phóng khoáng, tiêu dao, tự tại mà nội dung không thay đổi. Thượng Sĩ “trên cơ sở bình đẳng vô sai biệt đối với vạn pháp của nhà Phật dễ dàng cởi bỏ những vướng mắc câu chấp, nhị nguyên và sống trọn vẹn với chân lý” [9, tr.8-9]. Do không câu nệ hình thức mà Phật giáo được ứng dụng siêu xuất vào cuộc đời, tùy duyên Hòa quang đồng trần giữa cõi đời sắc-không:

天地眺望兮何茫茫

杖策優遊兮方外方

或高高兮雲之山

或深深兮水之洋.

 

Trời đất liếc trông chừ sao mênh mang

Chống gậy rong chơi chừ ngoài cõi xa

Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi

Hoặc sâu sâu chừ, nước trùng dương.

(Phóng cuồng ngâm) [3, tr.304]

Dung hợp không phải là cào bằng, đó chính là tinh thần thể nhập, bình đẳng tự tánh, vô phân biệt của thiền tông. “Điểm đáng chú ý là quan điểm nhận thức mang màu sắc chủ nghĩa tương đối đó đã không dẫn Tuệ Trung đến sự phủ định hư vô chủ nghĩa. Mà ngược lại, dường như nhờ nó, ông bỏ mọi ràng buộc trong nếp nghĩ cũng như trong nếp sống” [2, tr.240]; nhờ dung hợp mà giúp đạo giúp đời nhiều hơn, khiến tinh thần Phật học bất hại phổ quát trong quần chúng, tùy căn cơ mỗi người mà tiếp nhận. Cho nên, trong tinh thần dung hợp, Hòa quang đồng trần, Tuệ Trung phá chấp tướng; chỉ cho người học thấy nếu cứ ngồi tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật mà không thể nhập Phật tánh thì không bao giờ giác ngộ được; nếu chấp vào hình thức sẽ tự trói buộc mình: “Ví gặp Cồ Đàm quen cóng lạnh/ Tránh sao khỏi ngang hông một đạp” [2, tr.279]. Phật pháp tại thế gian không lìa thế gian mà giác ngộ và chính tư tưởng Hòa quang đồng trần đã ảnh hưởng đến thuyết Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông. Tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung phá chấp, “khác lạ”, hấp dẫn, mang tính hài hòa, tự tại, phụng sự tích cực. Do đó, ở góc độ nhận thức luận, Tuệ Trung vượt cả Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.

2. TINH THẦN VÔ NGÃ, PHẬT TẠI TÂM

Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung là tinh thần thiền tông đốn ngộ, kiến tánh, phá chấp, giúp con người nhanh chóng đạt đạo, phá bỏ nhị nguyên, khái niệm; không phụ thuộc vào kiến giải; giới-định-tuệ tự tròn đầy trong bản thể chân như, tục đế-chân đế như hoa sen trong bùn, như sóng không lìa nước. Tuệ Trung thường dùng pháp Thoại đầu, Công án để khai thị, nhằm đánh thức trực giác người nghe, chỉ thẳng chân tâm. Như một hôm có vị tăng đến hỏi Tuệ Trung: “Thế nào là thanh tịnh pháp thân, Tuệ Trung trả lời: “Ra vào trong nước đái trâu/ Chui rúc giữa đống phân ngựa” [2, tr.225]. Câu hỏi và trả lời chẳng ăn khớp của thiền là muốn người hỏi không nên dính mắc vào vọng tưởng và tư duy thông thường, chỉ bình yên nhìn các pháp vận động trong chân không diệu hữu “như nó đang là”; vì còn tìm cầu, còn hỏi là còn chưa thấy đạo, trong khi các pháp thế gian chỉ là tương đối.

Tuệ Trung không dính mắc thức tưởng hý luận, vì không giải quyết được con đường sanh tử; chỉ khi đắc pháp mới tự tại trong sanh tử. Cho nên, Tuệ Trung “không câu nệ ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn” [4, tr.54], quay về tìm lại tánh giác trong tự tâm. Thượng Sĩ không giải thích nhiều về Phật pháp, vì một niệm khởi lên cả chân như dậy sóng, trong khi bản thể luôn hoàn hảo, chân như luôn thường còn, các pháp xưa nay chưa hề sinh diệt. Tuệ Trung nhờ sống trong tinh thần vô ngã, vô trụ, kiến tánh nên tự tại tùy duyên bất biến trong công việc và các mối quan hệ, nhưng tất cả đều từ bi vô ngã. Với tinh thần vô ngã, Phật tại tâm, Thượng Sĩ khuyên dạy đệ tử không nên hướng ngoại tìm Phật, cần quay về nội tâm làm sáng tánh giác ngay trên thân tứ đại này, “nếu muốn biết Phật của chính mình thì phải ngộ, ngộ là cần phải nhận ra ngay, không cần hỏi” [11, tr.189].

Bài thơ Dưỡng chân, Xuất trần, Tuệ Trung khuyên không nên để cho trần cảnh làm mờ chân tâm, cần vượt qua chấp trước phân biệt, sống thể nhập hài hòa, không đối kháng, để tâm bình yên cho Phật tánh hiển lộ. Trong bài Xuất Trần, Thượng Sĩ viết:

曾微物慾役勞軀

擺濼塵囂世外遊

撒手那邊超佛祖

一回抖擻一回休.

 

Từng do vật dục khiến lao than

Gạt bỏ trần duyên khiến nhẹ lâng

Buông lỏng tay ra siêu Phật, Tổ

Mỗi lần phấn chấn lại lần khân.

(Xuất trần) [3, tr.437]

Tuệ Trung Thượng đã gửi đến thông điệp của thiền tông “Bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”; vượt ngoài ngôn từ, nhấn mạnh tuệ giác vô phân biệt. Tư tưởng của Tuệ Trung vượt lên trên “nhị kiến”.

Trong cuốn Lịch sử triết học phương Đông, tập 4 ghi rằng: “Đại đức Tiêu Dao thượng tổ, chỉ bảo cho biết sự thực, không dùng phương tiện quyền biến. Lúc đầu đến nước ta, thế không nương tựa, cầm cần câu không lưỡi mà bước vào Kinh đô, ăn xong phá bát thần cơ của Phật pháp. Ngài có ý tìm người tiếp tục Phật pháp mà vạch lối Thiền tông, giãi bày tám chữ “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” nghĩa là (sinh diệt diệt xong, Niết bàn là lạc thú)” [12, tr.225]. Quan điểm kiến tánh, Phật tại tâm, vô ngã chấp, Tuệ Trung đã kế thừa từ các vị tổ thiền tông: giác ngộ Phật tánh từ nơi thân ngũ uẩn (sắc-thọ-tưởng-hành-thức). Phật pháp ở tại thế gian, lìa thế gian mà cầu đạo, chẳng khác nào tìm sừng thỏ, lông rùa.

Tuệ Trung Thượng Sĩ khuyên: “nếu muốn biết Phật của chính mình thì phải ngộ, ngộ là cần phải nhận ra ngay, không cần hỏi” [11, tr.189]. Đây là tinh thần kiến tánh, khi thấy Phật trong tâm sẽ tự có vô ngã. Tâm Phật và tâm chúng sinh không khác, do con người vọng tưởng điên đảo, khởi niệm phân biệt mà thành ra có sai khác; tất cả khổ đau của con người trong thế gian là do ngã chấp và pháp chấp. Cho nên, trong tinh thần thiền tông: “Thanh Văn ngồi thiền, ta không ngồi/ Bồ tát thuyết pháp, ta nói thực” [2, tr.275]. Tư tưởng Phật tại tâm, vô ngã, vô trụ, bi-trí-dũng viên mãn, đã đáp ứng được yêu cầu và hoàn cảnh đất nước Đại Việt; nhấn mạnh tinh thần thiền tông chú trọng ở sự tự giác ngộ của mỗi con người, vì ai cũng có Phật tánh. Như vậy, tinh thần thiền học của Tuệ Trung vẫn bám sát các nội dung kinh điển mà Đức Phật tuyên thuyết: con người giả là thân ngũ uẩn, con người thật là bản thể chân như chưa bao giờ sinh diệt. Từ tinh thần Phật tại tâm, vô ngã, vô chấp, Thượng Sĩ giúp mỗi người “hồi quang phản chiếu”, quay lại tự hoàn thiện chính mình, biện tâm, sống trách nhiệm cho cuộc đời chung.

3. TINH THẦN VƯỢT NHỊ BIÊN, TỰ TẠI BÌNH YÊN

Tinh thần vượt qua nhị biên kiến chấp chính là tinh thần bất nhị, chỉ thẳng chân tâm kiến tánh thành Phật, nên có thể bình yên tự tại giữa bát phong cõi đời. Tuệ Trung Thượng Sĩ đắc pháp thiền nhất tông, một là tất cả, tất cả đều là một, một quy về không, chính là chân không diệu hữu, từ trong bản thể chân như các pháp thế gian ứng dụng hiện tướng siêu xuất. Vì vậy, trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Thượng Sĩ khuyên đừng nên theo đuổi những vật dục ở thế gian, nếu thân tâm dính mắc vào ngũ dục (tài-sắc-danh-thực-thùy) sẽ phải chịu khổ lụy và sanh tử luân hồi nhiều kiếp; nếu buông được thì tánh giác hiện bày. “Buông” ở đây là tinh thần không trụ chấp, bất nhị, vô phân biệt, là sự xả ngã. Đó là tinh thần buông trong tự tánh, nên các pháp hữu vi có mà như không, tùy duyên hiện tướng ứng đối cho hài hòa:

心之生兮生死生

心之 滅兮生死滅

生死元來自性空

此幻化身亦當滅.

 

Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh

Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.

Sanh tử xưa nay tự tánh không

Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt.

愚人顚倒怖生死

智者薘觀閑而已.

Kẻ ngu điên đảo sợ sống chết

Người trí thấy suốt nhàn thôi vậy.          

(Sanh tử nhàn nhi dĩ) [3, tr.313]

Trong tinh thần Bất nhị, Thượng Sĩ bày tỏ quan điểm sống chết không thật có trong bản thể chân như; sinh tử Niết bàn là một, Thánh phàm đồng cư, phiền não là Bồ đề: “涅槃生死漫羅籠 (Niết bàn sanh tử chẳng buộc ràng)/ 煩惱菩提閑對敵 (Phiền não Bồ đề không đối nghịch) – Phật tâm ca” [3, tr.291-295]. Theo Tuệ Trung, các pháp hữu vi, địa ngục, thiên đường, phiền não, Bồ đề… đều từ tâm mà hiện khởi; vốn lưu xuất trong tự tánh Như Lai tạng, trong tánh Viên Giác mà châu biến. Bởi vậy, Thượng Sĩ sống an nhàn, tiêu diêu trước khối lượng công việc đồ sộ và trọng trách nặng nề trước vận mệnh đất nước.

Giới luật, theo Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng không nên quá khô cứng trong hình thức, ràng buộc trong ý thức chỉ làm mất đi sự tự tại của thiền, quan trọng phải thấy ra thực tánh, phải có chánh kiến để quán chiếu các pháp đều là khổ, vô thường, biến hoại, không có thực thể, tất cả đều do duyên giả tạo mà tạm có tạm không; cho nên Tuệ Trung Thượng Sĩ bình yên giữa được mất hơn thua, tự tại giữa các thăng trầm của đời sống thế tục nhị nguyên; vì hiểu được các pháp hữu vi không thật có, vốn nằm ngay trong bản thể chân như; Tuệ Trung khuyên nên cứ bình yên tùy duyên hiện tướng ứng hợp trong ngoài sự-lý viên dung, đừng có chấp trước vào bất cứ tướng hữu vi vô thường duyên hợp nào; nhờ vậy Thượng Sĩ đã đưa thiền học nhập thế với cuộc đời, khiến Phật giáo ăn sâu bám rễ và phát triển trong đời sống thế tục, đáp ứng nhiều căn cơ.

涅槃生死漫羅籠

煩惱菩提閑對敵.

 

Niết bàn sanh tử chẳng buộc ràng

Phiền não Bồ đề không đối nghịch.

(Phật tâm ca) [3, tr.291-295]

Tư tưởng bất nhị của Tuệ Trung gắn liền với tinh thần “có”, “không”, lìa ngôn thuyết. Chứng tỏ Tuệ Trung không chỉ bị ảnh hưởng bởi Kinh Bát Nhã, Kinh Viên Giác, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Già mà còn tiếp nhận tư tưởng Kinh Duy Ma Cật và nhiều bộ kinh khác nữa. Theo Tuệ Trung, vượt qua nhị nguyên, thể nhập bất nhị sẽ chạm đến được chân không diệu hữu: “Một phen phất áo bước thong dong/Tháp chủ trừng trừng, giận chẳng xong/ Phật, Tổ rốt cùng đều chẳng lễ/ Ngọc ngân khe sớm, ánh thu trong” [2, tr.341]. Với tinh thần vượt nhị biên, bình yên, thiền học Tuệ Trung cũng mang đậm triết lý Tánh Không của thiền tông, “Phật dữ chúng sinh đô nhất diện” (Phật với chúng sinh không khác) (“Thượng Sĩ ngữ lục” – Tuệ Trung Thượng Sĩ) [14, tr.285]. Tuệ Trung Thượng Sĩ phát biểu mê thì không thể nhận ra tánh giác, Phật tánh, trong khi Phật và chúng sanh không khác nhau. Tánh Không bắt nguồn từ duyên khởi, các duyên hòa hợp mà sanh khởi các pháp, các pháp vốn là Không. Trong bản thể, tất cả những gì lưu xuất bên ngoài cũng đều từ bản thể chân như mà ra, thực tướng vượt ngoài duyên sinh.

Tinh thần thiền của Tuệ Trung quan trọng hướng nội, xiển dương Phật ở trong tâm, giác ngộ đạt được ngay trong cuộc sống trần tục; chỉ cần sống một cách bình thường.“Cái gọi là tư tưởng nhập thế của Tuệ Trung chẳng qua chỉ là cái quan niệm cho rằng, người tu hành có thể sống một cuộc đời trần tục, một cách tự do không hề bị ước thúc bởi một quy định nào của giới luật nhà chùa kể cả việc ăn chay, niệm Phật, trì giới nhẫn nhục và toạ thiền, vì họ thực hiện sự kiến tính thành Phật ngay trong cuộc sống trần tục” [2, tr.231]. Trong phàm thánh bất dị, chủ trương phá chấp thể hiện rất rõ khi ranh giới nhị nguyên không còn, tất cả điều là huyễn, là không, như Trần Thái Tông cũng phát biểu: “Dụ quần mê chi phương tiện, minh sinh tử chi tiệp kính giả, ngã Phật chi đại giáo dã; nhậm thùy thế chi quyền hoành, tác tương lai chi quỹ phạm giả, tiên thánh chỉ trọng trách dã” (Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh ấy là đại giáo của Đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh) [14, tr.26]. Vì vậy, tư tưởng chính yếu trong thiền phái Trúc Lâm không gì ngoài “Phật tâm”: “Xưa nay không bẩn, sạch/ Pháp thân không vướng mắc/ Nào “trọc” với nào “thanh!” [2, tr.318]. Theo Tuệ Trung, “bẩn, sạch” là do con người quan niệm; đạo thì bẩn – sạch là một; do mê chấp mà đối đãi phân biệt. Suy cho cùng, “sắc” và “không” chỉ là những ảo giác, do tâm vọng và nhị kiến mà ra:

“Sắc tức là không, không tức sắc,

Ba đời chư Phật quyền biến đặt.

Không vốn không sắc, sắc không không” [2, tr.249].

Tuệ Trung chủ trương Phật tại tâm trong bài Phật tâm ca ở Thượng Sĩ ngữ lục, vì mê không biết ta là Phật, hay Phật và chúng sinh không khác nhau. Đó là giá trị nhân sinh rất cao, cung cấp cho con người lý tưởng sống cao đẹp.

Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục ghi lại nhiều cuộc tham vấn thiền giữa các hành giả với nhiều chủ đề khác nhau, thầy trò tự ngầm hiểu mà đắc pháp; phô bày tư tưởng thiền học qua các bài kệ tụng, điển cố, công án; nhiều bài thơ nghệ thuật đặc sắc chuyển tải thiền lý, tràn ngập ẩn dụ, hình tượng và tính thẩm mĩ.

4. TINH THẦN NHẬP THẾ TÍCH CỰC

Thiền phái Trúc Lâm ra đời mang tinh thần nhập thế tích cực có công lao to lớn của những người như Tuệ Trung Thượng Sĩ. “Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ” [6, tr.111]. Tuệ Trung là một trong những người có công đầu, đặt nền móng cho thiền phái Trúc Lâm thời Trần ra đời, thống nhất trên mọi mặt, đồng hành cùng dân tộc.

Tinh thần thiền của Tuệ Trung khẳng định nếu còn chấp là không giải thoát, như tinh thần phá chấp của Lục Tổ Huệ Năng là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, đạt vô ngã tự tại, không chấp ngã và chấp pháp; vượt lên mọi sự ràng buộc của thế giới nhị nguyên. “Chấp trước” là bảo thủ, mê lầm, cái sai cho là đúng, thiên kiến. “Phá chấp” là phá bỏ định kiến thường thức, vượt lên trên ngôn ngữ, luận lý, giáo lý; đổi mới nhận thức, hành động. Tư tưởng phá chấp được Đức Phật xác quyết: “pháp ta nói như chiếc bè qua sông, pháp còn phải bỏ hà huống là phi pháp (Kinh Kim Cang)” [7, tr.173]. Kinh Viên Giác cũng chỉ ra rằng kinh điển chỉ là ngón tay chỉ trăng. Tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ góp phần xây dựng thời Trần “là thời đại phục hưng thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng, thời đại phục hưng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để phát triển đất nước và là thời đại khoan giải, an lạc, nhân thứ, rộng mở và dân chủ” [5, tr.9].

Thiền học Tuệ Trung gửi gắm thông điệp về ý nghĩa duyên sinh, vô ngã, vô trụ, thể nhập. Bởi theo ông, tất cả sự vật hiện hữu đều nằm trong sự tương duyên của vạn pháp, cái này có cái kia có, cái này không cái kia không. Với tinh thần thiền học tương dung đạo đời bất nhị đó, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tự tại: “Vào xứ mình trần bỏ áo đi; Phải đâu ư quyên lễ chỉ tùy nghi” [15, tr.285]; khiến đời sống thiền hòa nhập, siêu xuất trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với từng căn cơ đối tượng; nhờ vậy mà Phật giáo Trúc Lâm giữ vị trí quan trọng đối với Đại Việt, sinh hoạt Phật giáo song hành đời sống dân tộc, đem lại lợi ích chung khi các đối đãi được đặt xuống.

Với tinh thần hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, thiền học của Tuệ Trung không còn giới hạn trong khuôn viên nhà chùa mà tự tại mọi nơi. Cho nên thời Trần, chùa chiền được xây dựng và tu bổ nhiều, kinh tế nhà chùa được triều đình bảo hộ, số người xuất gia đông, các Thiền sư xuất sắc giữ vị trí cố vấn cho triều đình. Phật giáo đã tác động rất lớn đến kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục của cả nước; và ngược lại, nhờ quốc gia hưng thịnh mà Phật giáo phát triển và thực thi cuộc sống đạo.

Tuệ Trung đã thể nhập và bước vào thế giới thực chứng. Ông cho rằng, trong chân như không có sự khác biệt giữa phàm thánh; Phật và chúng sanh; hư không và pháp giới không khác tướng; Phật và chúng sanh không khác tướng; sanh tử và Niết bàn không khác tướng; phiền não và Bồ đề không khác tướng, lìa hết thảy các tướng tức là Phật. Chúng sanh vô minh do chấp thủ tướng sinh diệt, muốn trở về nguồn tâm cần xa lìa ngã tướng. Tuệ Trung vốn dòng dõi quan quyền, vị thế như cánh tay phải của nhà vua, nên trong những công việc trọng đại của triều đình, ông đều tham vấn và đích thân hành động. Những tư tưởng thiền học tích cực của Tuệ Trung đã góp phần tích cực bảo vệ đời sống dân chúng Đại Việt được ấm no, hạnh phúc, tham thiền, sống đạo nhập thế tích cực.

Kết luận

Với tinh thần thiền học kiến tánh, Phật tại tâm, vô chấp, vượt qua nhị kiến, Tuệ Trung Thượng Sĩ nhấn mạnh đến tinh thần giác ngộ ngay chính từ cuộc đời, tinh thần tự lực, không phân biệt đối đãi. Vì sinh tử, tội hay phước, phiền não hay Bồ đề đều nằm trong bản thể chân như. Tư tưởng thiền học của ông là tinh thần thiền tông phá chấp tướng, cũng là tinh thần Đại thừa hư không diệu hữu. Nhờ vậy trong tu tập và hành thiền, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã không quá bám víu vào những thuật ngữ, những khái niệm thế gian định sẵn mà sống thiền với thái độ hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, vô nhiễm, vượt qua phân biệt đối đãi, dung hợp uyển chuyển, đề cao sự giác ngộ của tâm tỉnh thức.

Cuộc đời và hành trạng của Thượng Sĩ cho thấy, ông chính là một trong số những bậc long tượng của Phật giáo thời Trần cũng như Phật giáo Việt Nam. Tên tuổi Tuệ Trung Thượng Sĩ gắn liền với Đại Việt hùng cường; đại diện tiêu biểu cho hình ảnh cư sĩ có tín tâm kiên cố, hoằng truyền chánh pháp, hộ trì Tam bảo, hộ quốc an dân. Tuệ Trung góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam có sắc thái riêng so với Phật giáo Trung Quốc. Có thể nói, tinh thần thiền học của Tuệ Trung tiếp thu và ảnh hưởng từ thiền tông Đại thừa và thiền học trước đó nhưng đã có sự sáng tạo: dung hợp Tam giáo đồng nguyên, Thiền-Tịnh-Mật song tu, dung hợp với các tín ngưỡng bản địa, ứng dụng hài hòa trong bối cảnh đất nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của lịch sử tư tưởng và văn hóa dân tộc, hình thành tính cách dân tộc, chống đồng hoá; mà vẫn căn bản giữ được cốt tủy Phật giáo. Tuệ Trung Thượng Sĩ là mẫu người cư sĩ trí thức xuất sắc của thiền học Đại Việt, thiền học Trúc Lâm cũng như Phật giáo Việt Nam.

SC. Thích Nữ Viên Giác

 

* SC. Thích Nữ Viên Giác (thế danh Đặng Thị Đông), Nghiên cứu sinh khóa II tại Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Huy Bích (1972), Hoàng Việt văn tuyển, tập 1,2,3, Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn.

2. Lý Việt Dũng (dịch giải), (2003), Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Nxb. Mũi Cà Mau.

3. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.

4. Thích Thông Phương (2004), Kinh Kim Cương giảng lục, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông.

6. Thích Phước Sơn (dịch & chú), (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

7. Thích Thiện Siêu (2003), Lược giảng Kinh Pháp Hoa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

8. Quảng Thảo (2007), Chân dung con người trong thơ Thiền Lý-Trần, Nxb. Tôn giáo.

9. Thích Minh Tuệ (PL.2536-1993), Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.

10. Thích Thanh Từ (2008), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

11. Nguyễn Đăng Thục (1991), Lịch sử triết học phương Đông, Tập 4, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

12. Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý – Trần, Nxb. KHXH Hà Nội.

13. Viện Văn học (1982), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

14. Viện Văn học (1989), “Tuệ Trung Thượng Sĩ – Vật Bất Năng Dung”, Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch