Diễn đàn
Bất bình trước kẻ "mượn" áo sư làm hại uy tín nhà chùa
12/08/2012 06:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ nhiều năm qua, không chỉ các đối tượng giả sư để kiếm tiền, gây ra những hình ảnh không đẹp cho giới tu sĩ, ảnh hưởng lớn đến Phật giáo mà trong đó một số vị “sư thật” cũng không giữ được mình…


Chưa hết bực mình vì sư giả…

Hàng chục vụ giả sư đi hành khất xin tiền, dùng chiêu bài quyên góp tiền để trục lợi đã bị phanh phui. Nhiều chân dung những người chuyên giả giới tu sĩ, thậm chí có của một “làng giả sư” chuyên sống bằng nghề lừa đảo đã bị lên án, bị bắt phạt.

Trong khi hành nghề, họ dở đủ chiêu trò để lừa người dân trong các lĩnh vực khác như quyên góp, vận động (xây chùa, nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ bão lụt...) và bán hương với giá cực đắt (với lời biện hộ là để ủng hộ chùa).

Đa phần, các sư giả chuyên quyên góp và bán hương đèn này lại mặc y phục chư Tăng Ni hệ phái Bắc tông. Họ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm bấm chuông kêu cửa xông vào tận nhà, chào mời mua bán, gây phiền phức cho không ít người...

Ở Hà Nội, tình trạng giả danh nhà sư đi khất thực mà thực chất là quyên góp tiền hiện nay cũng khá phổ biến, một số người còn trình cả giấy chứng nhận của nhà chùa để làm tin cho mọi người. Tuy nhiên, họ không mặc áo nhà sư theo phái khất thực, đi đứng “hiên ngang”, ăn nói giọng rất “chợ búa”. Khất thực đúng pháp vốn không nhận tiền bạc, chỉ nhận vật thực vừa đủ cho một bữa ăn. Do vậy những ai khất thực mà nhận tiền bạc là phi pháp.

Người đi khất thực phải đầu trần, chân đất, mặc áo vàng, đi với phong thái  điềm tĩnh, khoan thai, thong thả. Người đi khất thực nhằm hướng thẳng, không nhìn nghiêng ngó hay quay đầu lại; còn các sư giả rất chú trọng đến việc xin tiền bạc hơn là xin đồ ăn uống. Thời gian khất thực đúng pháp là trong buổi sáng và chấm dứt trước 12h. Những ai khất thực kéo dài sau 12h đến chiều tối đều là sư giả.

Lại đến buồn lòng vì… sư thật

Năm 2011, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Thanh Lịch (19 tuổi) pháp danh Thích Vạn Kinh, là chú tiểu của một ngôi chùa ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) để làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản.  Lịch xuất gia từ nhỏ, nhưng không chịu tu tâm dưỡng tính mà thích đua đòi ăn chơi, có cả bạn gái (!), phạm nhiều tội lỗi theo giáo lý nhà Phật.

Một hôm đi qua tiệm Internet, thấy anh Đặng Văn Quang (trú tại đường Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn) dựng xe SH bên lề đường bất cẩn không khóa. Nhà sư này nổi lòng tham lấy trộm xe, đi dán lại decal và trộm một biển số khác gắn vào để dùng chở bạn gái đi chơi. Khi Lịch dùng chiếc xe này đi uống cà phê thì bị công ăn phát hiện, đưa về trụ sở. Sau đó, y xin phép ra ngoài ăn cơm chay rồi bỏ trốn. Mấy ngày sau, y bị bắt lại.

Cảnh một người có trang phục bên ngoài rất giống sư “tung chưởng”, ném mũ vào người đi đường.

Mới đây nhất, tại Quảng Bình, một người có trang phục bên ngoài rất giống sư đã có hành động phản cảm là “tung chưởng”, ném mũ vào người đi đường khi đại đức Thích Tâm Mẫn “nhất bộ nhất bái” trên một đoạn phố. Cảnh tượng phản cảm diễn ra ngay giữa ban ngày tại một con phố khá nhộn nhịp, đông đúc. Đại đức Thích Tâm Mẫn thực hiện nghi thức “nhất bộ nhất bái” trong khi hàng chục đệ tử dắt xe máy theo sau, bên cạnh là hai tiểu sư thày mặc áo nâu luôn chắp tay sau lưng tháp tùng.

Trong một lần khác tại Thanh Hóa, khi đoàn “nhất bộ nhất bái” của đại đức Thích Tâm Mẫn bắt đầu cuộc hành lễ vào lúc rạng sáng, những người đi đường hiếu kỳ đứng lại xem cũng gặp phải những lời lẽ thô tục ngang nhiên cấm người và phương tiện qua lại phía trước đoàn của một số người trong trang phục tu hành.

Trong mấy năm gần đây, dư luận còn bất bình trước hình ảnh một số nhà sư sử dụng đồ hiệu; thậm chí nhiều nhà sư còn chứng minh sự… giàu có của mình khi sắm ô tô riêng, sử dụng xe ga phóng vèo vèo trên phố, rồi điện thoại đắt tiền, ngồi quán uống cà phê, hút thuốc…

Theo một vị Hòa thượng, đối với người xuất gia những gì cần chỉ gói gọn trong vấn đề ăn, mặc, ở, bệnh, còn ngoài ra chỉ nên xem là sự hỗ trợ. Vì vậy người tu hành cần sống trong môi trường thanh đạm, những vật dụng như điện thoại, xe cộ… chỉ nên xem là phương tiện, không được thái quá, đừng chạy theo mốt này mốt kia như người thế gian.

Những vị Tăng/Ni làm ra được đồng tiền từ việc giảng dạy, làm kinh tế, hoặc do phật tử cúng tiến… có thể sử dụng vào mục đích cá nhân nhưng cũng không được sử dụng phung phí. Người tu hành không nên ăn mặc lòe loẹt, nói bậy, chửi tục, dùng quá nhiều đồ sang trọng để phô trương.

Nhưng rõ ràng, những hành động phản cảm, những kiểu phô trương thái quá, những hành vi  không đúng pháp của một số rất ít những người “mượn màu” tu hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà Phật…

Theo Bình Sơn - PLVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch