Đối thoại liên tôn giáo
Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình của Liên minh Tôn giáo Thế giới: Những điều đạt và chưa đạt
03/10/2014 10:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

       Hội nghị thượng đỉnh hòa bình 2014 do tổ chức Phục hồi Ánh sáng, Hòa bình Thế giới, Văn hóa Thiên quốc (HWPL) đăng cai tổ chức lần đầu tiên tại Hàn Quốc, thu hút khoảng 700 đại diện các tôn giáo trên thế giới và khoảng 50 chính khách vốn nguyên thủ, cựu nguyên thủ của một số quốc gia và khoảng 70.000 người, trong số đó có khoảng 2000 đại biểu quốc tế, đến từ 120 quốc gia.

Giao Điểm Online : TT. Thích Nhật Từ là một trong các đại biểu của Phật giáo Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh Hòa bình của Liên minh Tôn giáo Thế giới (The World Alliance of Religions Peace Summit) tại Seoul, từ ngày 17-19/09/2014. Sự tham dự của đại diện Phật giáo trong hội nghị này đã tạo ra phản ứng trái chiều. Bài phỏng vấn của Minh Chánh dưới đây giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về sự kiện nêu trên. Tựa do Ban Biên tập đặt.

       Xin Thầy cho biết đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Liên minh Tôn giáo thế giới?

      TNT: Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình của Liên minh Tôn giáo thế giới được khai mạc vào chiều ngày 17-09-2014 tại sân vận động Olympic, thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình này diễn ra từ ngày 17-19/09/2014, ngày đầu là lễ khai mạc tại sân vận động Olympic, ngày thứ hai là tọa đàm về hòa bình tại Tòa nhà 63 thủ đô Seoul và ngày thứ ba là ngày đi bộ vì hòa bình thế giới, xung quanh khu vực sân vận động Olympic Seoul.

      Hội nghị thượng đỉnh hòa bình 2014 do tổ chức Phục hồi Ánh sáng, Hòa bình Thế giới, Văn hóa Thiên quốc (HWPL) đăng cai tổ chức lần đầu tiên tại Hàn Quốc, thu hút khoảng 700 đại diện các tôn giáo trên thế giới và khoảng 50 chính khách vốn nguyên thủ, cựu nguyên thủ của một số quốc gia và khoảng 70.000 người, trong số đó có khoảng 2000 đại biểu quốc tế, đến từ 120 quốc gia.

      Có cáo buộc cho rằng Hội nghị thượng đỉnh hòa bình 2014 thực chất chỉ là “liên kết các tôn giáo, dưới sự tổ chức của Vatican, để thực hiện những chủ trương đường lối của Vatican” và đó chỉ là “một chủ trương lớn của Giáo hội Ca tô La Mã hoàn vũ”[1], sau chuyến Giáo hoàng Francis thăm viếng Hàn Quốc tháng 8-2014 vừa qua?

     TNT: Đó là một cáo buộc mang tính võ đoán, thiếu căn cứ và sai với sự thật. HWPL, một tổ chức Tin Lành do mục sư Man Hee Lee (Lý Vạn Hi, 李萬熙), cựu chiến binh Hàn Quốc thành lập, là tổ chức đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình này. Là một tổ chức Tin Lành, HWPL không có trách nhiệm “thực hiện đường lối của Vatican”. HWPL cũng không hậu thuẫn gì cho chuyến viếng thăm của Giáo hoàng Francis tại Hàn Quốc vào 14-18/8/2014 vừa qua.

      Mục đích chính của Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình 2014 này là gì?

     TNT: Có ba mục đích mà Ban tổ chức của Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình hướng đến: (i) Kêu gọi các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo nhất thần và đa thần chấm dứt các chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, các cuộc thánh chiến nhân danh thượng đế và tôn giáo, góp phần thiết lập hòa bình thế giới, (ii) Kêu gọi lãnh đạo và đại diện các tôn giáo trên thế giới ký “Hiệp ước Thống nhất các Tôn giáo” (The Unity of Religions Agreement), và (iii) Thúc đẩy các lãnh đạo chính trị thế giới sớm ban hành bộ “Luật quốc tế về Chấm dứt chiến tranh và di sản Hòa bình và Liên minh Tôn giáo thế giới” (The Enactment of an International Law for the Cessation of Wars and Legacy of Peace and the World Alliance of Religions).

      Theo thầy, các mục đích nêu trên có thể thực hiện được hay không ?

     TNT: Trong 3 mục đích, có cái được, cái không. Mục đích 1 được hầu hết các đại biểu gồm các tổ chức chính trị, tôn giáo và xã hội hưởng ứng, vì ai cũng thấy rõ rằng những cuộc chiến do bất đồng ý thức hệ tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đã mang lại nỗi bất hạnh cho tất cả cư dân của hành tinh. Hòa bình thế giới cần được thiết lập như dưỡng chất để mọi dân tộc được sống hạnh phúc và phát triển bền vững. Trong lịch sử các tôn giáo trên hành tinh, Phật giáo là tôn giáo vô thần (nếu không nói là duy nhất) chẳng những lên án các hình thức chiến tranh nhân danh Thượng đế, mà còn là con đường minh triết kêu gọi nhân loại phát triển lòng từ bi, xây dựng hòa bình, thương yêu loài vật, bảo vệ môi trường; đồng thời lên án các hình thức chiến tranh, dưới bất kỳ hình thức nào.

     Mục đích thứ hai không thể đạt được, vì đã áp đặt các tôn giáo vô thần, cụ thể là đạo Phật vốn không thừa nhận Thượng Đế, phải hợp nhất với các tôn giáo nhất thần và đa thần, trong nỗ lực kiến tạo hòa bình. Đây là điều không thích hợp, nếu không nói là khiên cưỡng vào giờ phút cuối.

     Mục đích 3, dù phát xuất từ thiện chí cao đẹp, chỉ là tham vọng, vì tính thực thi của nó trên bình diện toàn cầu là bất khả thi. Chiến tranh xâm lược, chiến tranh chống khủng bố, chiến tranh vì khác biệt ý thức hệ chính trị, chiến tranh nhân danh tôn giáo và Thượng Đế, chiến tranh do tranh chấp quyền lợi kinh tế và nhiều hình thức chiến tranh khác đã từng diễn ra, đang diễn ra và sẽ còn tiếp tục diễn ra trên toàn cầu do một thiểu số các nguyên thủ quốc gia và lãnh tụ tôn giáo cực đoan khởi xướng hoặc tán thành. LHQ kêu gọi xây dựng hòa bình bằng hòa đàm và cộng tồn nhưng LHQ cũng tán thành một vài hình thức chiến tranh, chẳng hạn như chiến tranh chống khủng bố, do đó, hòa bình trên hành tinh vẫn mãi là niềm mơ ước của hơn 7 tỷ người trên hành tinh, rất khó trở thành hiện thực theo đúng nghĩa của từ này.

      Nguyên là Tổng thư ký của Đại lễ Vesak LHQ 2008 và Phó tổng thư ký Vesak LHQ 2014 tại Việt Nam, xin thầy so sánh quy mô tổ chức của Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình 2014 với Vesak LHQ.

      TNT: So sánh hai sự kiện này sẽ tạo ra sự khập khiễng, vì bản chất của 2 sự kiện này là khác nhau. Vesak LHQ gắn kết với chủ trương và mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, trong đó, hòa bình là một trong các vấn đề trọng tâm, được các đức Tăng thống và chủ tịch của các giáo hội, liên đoàn, hiệp hội, tổ chức Phật giáo trên toàn cầu hưởng ứng, tham dự và đóng góp, bên cạnh một số chính khách và nguyên thủ các quốc gia.

     Quy mô của Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình 2014 chỉ là số đông, với sự tham dự của nhiều đại biểu tôn giáo lớn và nhỏ trên thế giới. Không có các lãnh tụ (theo đúng nghĩa) của các tôn giáo thế giới tham dự. Ngoài chủ đề hòa bình thế giới, Hội nghị này không đề cập đến các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ như Đại lễ Vesak LHQ. Ngày khai mạc của Hội nghị thượng đỉnh có khoảng 70.000 tham dự tại sân vận động Olympic Seoul. Ngày thứ hai là tọa đàm vì hòa bình thế giới, chỉ còn khoảng 2000 đại biểu quốc tế và Hàn Quốc tham dự. Ngày kết thúc có khoảng 100.000 người đi bộ vì hòa bình thế giới. Quy mô về con số trong một hội nghị không nên được đánh đồng, lại càng không thể thay thế được nội hàm của Hội nghị. Nói cách khác, quy mô về con số tham dự chưa phải là quy mô đích thực.

     Yếu tố tâm linh của Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình thế nào và vai trò của các tôn giáo trong Hội nghị này là gì?

     TNT: Vì Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình này nhấn mạnh đến tọa đàm về hòa bình nên yếu tố tâm linh trở nên mờ nhạt trong 3 ngày hội nghị. Đại diện các tôn giáo không có cơ hội đóng góp yếu tố tâm linh trong việc xây dựng hòa bình, ít nhất trong phạm vi của Hội nghị. Yếu tố văn hóa của Hội nghị này chỉ có mặt trong buổi khai mạc, không tạo thành điểm nhấn khẳng định vai trò văn hóa trong kiến tạo hòa bình.

      Với khoảng 70.000 người Hàn Quốc và 2000 người ngoại quốc tham dự, công tác tình nguyện viên được Ban tổ chức điều động thế nào?

     TNT: Thành công của hội nghị này là BTC đã vận động trên 90% tình nguyện viên là thanh niên tham gia đóng góp và phục vụ. Có trên 3000 tình nguyện viên là thanh niên tham gia trong các khâu ngoại giao quốc tế, lễ tân giao tế, khánh tiết và trang trí, thông phiên dịch và phục vụ… trước ngày Hội nghị cho đến sau khi kết thúc Hội nghị.

       Riêng ngày khai mạc, ngoài khoảng 2000 đại biểu quốc tế, hơn  60.000 thanh niên người Hàn Quốc có mặt tại sân vận động đều là các tình nguyện viên làm công tác truyền thông, tạo hiệu ứng tâm lý, cổ vũ hội nghị bằng những tràng vỗ tay, những tiếng reo hò, những hoạt động xếp hình và xếp chữ ở khu vực đối diện khán đài chính và trong sân vận động…

       Họ được huấn luyện và tập dợt rất chuyên môn cho các công việc được giao. Các tình nguyện viên trẻ này rất có trách nhiệm, tận tình, niềm nở, mến khách, theo đuổi công việc cho đến lúc hoàn tất. Họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng của các đại biểu quốc tế. Đây là yếu tố tạo ra tính quy mô về con số góp phần truyền thông một cách hiệu quả cho sự thành công của hội nghị.

       Thầy đánh giá thế nào về công tác truyền thông của BTC ?

      TNT: Công tác truyền thông của Hội nghị thượng đỉnh này được BTC chuẩn bị gần 1 năm trước khi hội nghị diễn ra. Có nhiều phóng viên của hơn 70 đài truyền hình và báo chí quốc tế được BTC bảo trợ đến tham dự và đưa tin, nổi trội trong số đó là AFP, BBC Persia, CNN Arabic, NBC. Trong cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước có VTV, SBS (Úc châu) và Báo Người Việt (Hoa Kỳ). Mỗi đài truyền hình có từ 2-3 phóng viên và quay phim được tài trợ tham dự với mục đích đưa tin về sự kiện này. Họp báo quốc tế tiền Hội nghị và Hậu hội nghị đã để lại dấu ấn truyền thông tại Hàn Quốc.

       Thành phần tham gia của các phái đoàn Việt Nam trong hội nghị này ? Và mục đích là gì ?

      TNT: Tổ chức HWPL có nhiều chi nhánh trên toàn cầu đã chủ động mời nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau tham dự. Ngoài phái đoàn của GHPGVN còn có nhóm Tăng Ni và Phật tử chúng tôi được mời độc lập và phái đoàn Tin Lành, phái đoàn Cao Đài ở Việt Nam…

Phái đoàn Phật giáo chúng tôi tham dự nhằm khẳng định chủ trương, thông điệp và những lời dạy về hòa bình của đức Phật và đạo Phật có khả năng bảo vệ và xây dựng nền hòa bình đích thực trên thế giới, có phần ưu thế hơn các tôn giáo nhất thần và đa thần. Từ bản chất và học thuyết, cho đến trong lịch sử và hành động, đạo Phật chống chiến tranh, kêu gọi xây dựng hòa bình trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế, tương nhượng và hòa đàm, đề cao nguyên lý cộng tồn, phát triển lòng từ bi qua tư duy, lời nói và việc làm nhằm đề cao hòa bình nội tại và hòa bình thế giới.

       Quý Tăng Ni Hàn Quốc có tham dự Hội nghị thượng đỉnh này vai trò thế nào?

     Theo tôi, việc BTC không mời Phật giáo tại Hàn Quốc hẳn không phải là chuyện tình cờ. Tối ngày 17-9-2014, sau Lễ khai mạc của Hội nghị, tôi có điện đàm với vài Thượng tọa thân hữu có tên tuổi tại Hàn Quốc, đã từng tham dự Vesak LHQ 2008 và 2014 tại Việt Nam thì được biết đại diện Phật giáo Hàn Quốc không được mời tham dự trong sự kiện này. Theo dõi sự kiện này trong ngày khai mạc và tọa đàm, tôi nghĩ rằng “thông điệp ngầm” mà HWPL muốn gửi đến dân Hàn qua các phương tiện truyền thông tại Hàn Quốc có thể là “Phật giáo Hàn Quốc không có vai trò gì trong nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới, qua sự kiện của Hội nghị thượng đỉnh này và mờ nhạt trong các diễn đàn tôn giáo thế giới nói chung.”

      Hiện tại, Hàn Quốc chưa đến 25% dân số là Phật tử, trong khi khoảng 50% dân số là những người theo đạo thờ ông bà hoặc không có tôn giáo. Dân số người theo Thiên Chúa giáo và Tin Lành có chiều hướng gia tăng trong 5 thập niên trở lại đây, nhờ vào các chiến dịch cải đạo khéo léo qua con đường hôn nhân và hỗ trợ kinh tế và nhiều chiến địch khác… Trong lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình chính của Hàn Quốc, đại diện Phật giáo thế giới không được mời phát biểu, chỉ có đại diện của các tôn giáo không có ảnh hưởng chính ở Hàn Quốc như Do Thái giáo và Hồi giáo được mời phát biểu, bên cạnh các cựu nguyên thủ quốc gia ở các nước phương Tây mà phần lớn theo Thiên Chúa giáo hay Tin Lành.

      Đây là bài học mà các tổ chức và cá nhân Phật giáo nên lưu tâm để sự tham dự và đóng góp của các phái đoàn Phật giáo trong các hội nghị hay sự kiện liên tôn thế giới không trở thành bình phong được BTC là tôn giáo khác sử dụng, khiến cho Phật giáo địa phương trở nên mờ nhạt cũng như không thể trở thành công cụ phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác, ngoài mục đích vì hòa bình được BTC đề ra.

      Theo báo Người Việt đưa tin, Thầy và các thành viên của đoàn đã không ký vào Hiệp ước thống nhất các tôn giáo do Hội nghị thượng đỉnh này kêu gọi. Đâu là lý do của vấn đề ?

     TNT: Như đã nói, đạo Phật chủ trương xây dựng hòa bình, nên các hoạt động của bất kỳ tổ chức và cá nhân nào vì mục đích hòa bình thế giới đều đáng được tán dương và tùy hỷ. Tán đồng với chủ trương “kết thúc chiến tranh, xây dựng hòa bình” của BTC và Liên minh các Tôn giáo Thế giới không đồng nghĩa là chấp nhận hoàn toàn nội dung của Bản hiệp ước mà tổ chức này chủ trương.

      Bản hiệp ước thống nhất các tôn giáo (Unity of Religions Agreement) không được các Tăng Ni và Phật tử tham dự hội nghị đồng thuận là vì yếu tố áp đặt của Ban tổ chức trong việc nhân danh Thượng đế, kêu gọi các tổ chức tôn giáo trên thế giới góp phần chấm dứt chiến tranh, xây dựng hòa bình theo ý muốn của Thượng Đế. Sự áp đặt này chỉ phù hợp với các tôn giáo nhất thần (cho rằng Thượng Đế là đấng sáng thế) và các tôn giáo đa thần, hoàn toàn không phù hợp với triết lý và chủ trương của đạo Phật. Đây là lý do phái đoàn chúng tôi và khoảng 100 đại diện Phật giáo quốc tế đã không ký vào Bản hiệp ước vào ngày thứ hai của chương trình. Phái đoàn chúng tôi đã không tham dự ngày thứ ba, đi bộ vì hòa bình thế giới.

      Theo Phật giáo, Thượng đế chưa từng có mặt. Các hình thức chiến tranh đều phát xuất từ động cơ tham lam, giận dữ, si mê và cố chấp của con người. Do vậy, hòa bình thế giới phải do con người nỗ lực có phương pháp, nhằm kiến tạo nên từ nhận thức và lối sống đề cao sự cộng tồn, tôn trọng sự sống, với mục đích mang lại hạnh phúc, thanh bình và phát triển bền vững cho toàn thể nhân loại.

      Nói cách khác, Phật giáo ủng hộ và xây dựng hòa bình bằng quyết định và hành xử sáng suốt của con người, vì phúc lợi và an lạc cho số đông, chứ không thể vì Thượng Đế vốn không có thật. Theo tôi, không ký vào Bản hiệp ước trong tình huống này là một hành xử thích hợp và cần thiết.

    Một vài Phật tử cực đoan lên án thầy nặng lời về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình và lưu ảnh kỷ niệm trên trang web, đang khi chủ trương của Phật giáo là xây dựng hòa bình và khích lệ tình huynh đệ. Thầy nghĩ gì về vấn đề này?

     TNT: Đừng nên chấp một vài người cực đoan chống đối. Thương và ghét, ủng hộ và chống đối là những hiện tượng bình thường, có mặt khắp mọi nơi, ở bất kỳ tổ chức nào. Hãy tập làm quen với những chống đối cực đoan. Hãy thực tập thản nhiên, không nên bận tâm với những lời chống đối do thiếu thông tin, hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc do thành kiến, định kiến, thậm chí từ các động cơ ghét bỏ hay tư thù.

    “Chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình” không chỉ là chủ trương của đức Phật từ ngàn xưa mà còn là thông điệp thiết thực hiện tại, cần được cổ súy và truyền bá. Để xây dựng hòa bình, đức Phật kêu gọi sự đoàn kết, hòa hợp, hòa giải, trên nền tảng đề cao nguyên lý cộng tồn, tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận các dị biệt để tránh các hình thức độc tôn tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Vì đạo Phật nổi trội hơn các tôn giáo khác về chủ trương hòa bình và kiến tạo hòa bình thế giới trong lịch sử nhân loại, không có lý do gì Tăng Ni Phật tử phải từ chối không tham dự hoặc không được quyền bày tỏ niềm vui về các sự kiện và hành động vì hòa bình thế giới, dù sựu kiện đó do các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tôn giáo hay dân sự nào… đăng cai tổ chức.

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa nguyên tôn giáo, thái độ bài trừ và chống đối cực đoan tổ chức và cá nhân khác vì lý do khác tôn giáo là điều nên tránh. Phê phán các tổ chức và cá nhân Phật giáo tham dự vào các hoạt động của các tôn giáo khác vì mục đích hòa bình thế giới, không chỉ thể hiện thái độ quá khích, mà còn cho thấy đây là một hành xử không thích hợp trong thế giới văn minh, vốn đề cao sự hợp tác vì lợi ích của nhân loại.

    Để hợp tác với các tổ chức khác tôn giáo mà không bị lợi dụng, chúng ta cần đánh giá từng vấn đề cụ thể. Việc nào tốt và có giá trị phục vụ cho hạnh phúc của nhân sinh… ta nên ủng hộ. Việc nào không phù hợp với chủ trương của đạo Phật, dù là nhân danh gì đi nữa, chúng ta không thể ủng hộ được. Đây là hành xử mang tính trung đạo, tránh xa các cực đoan chống đối và ủng hộ mù quáng, chỉ vì sự dị biệt tôn giáo.

     Làm thế nào để biết đâu là một chống đối cực đoan và chống đối từ động cơ tư thù?

    TNT: Người có thái độ và hành vi chống đối cực đoan sẽ bất chấp việc làm đúng và sai, phù hợp hay trái luật pháp, nên hay không nên của người khác; hễ cái gì không thích thì cứ chống đối ra mặt, cho bỏ ghét, nhằm mục đích phá hoại các nỗ lực cao đẹp của người khác.

     Chống đối phát xuất từ động cơ tư thù thì có nhiều loại. Đơn giản nhất để nhận ra là “trong khi có nhiều người cùng tham gia vào một sự kiện, có quan điểm và hành xử giống nhau, chỉ có một hoặc vài người bị chống đối, còn những người còn lại thì không đề cập đến, thậm chí tán dương họ.”

      Người chống đối vì tư thù thường lợi dụng vào tình huống và sự kiện cụ thể để tấn công, nói xấu, dèm pha người mà họ không thích, không chịu nhìn thấy các mặt tích cực của đương sự, mà chỉ cố nắn tạo ra các tình huống xấu không có thật, để hạ bệ, làm nhục, nhằm cô lập người mà họ ghét bỏ. Tư thù thường dẫn đến cách hành động gây tại cho đương sự bị người tư thù ganh ghét…

      Tư thù là một tâm lý sân, có mục tiêu triệt hạ người khác, bất chấp lý do và đạo lý, vốn là điều mà người tu học Phật nên tránh. Thực tập hoan hỷ và tùy hỷ công đức có khả năng giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn và góp phần làm cho thế giới này không còn chiến tranh, thù hận, hiềm khích, loại trừ và độc tôn.

      Chân thành cảm ơn Thầy và kính chúc thầy thành tựu các Phật sự.


[1] Các cáo buộc được đặt trong dấu ngoặc kép.

 

Phái đoàn PGVN trước sân vận động nơi tổ chức sự kiện.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch