Phật giáo trong nước
Giáo hội Phật giáo gặp khó khăn trong việc di dời “hiện vật lạ“?
28/11/2014 21:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi thực hiện công văn loại bỏ hiện vật lạ khỏi chùa, tự viện Việt Nam, nhiều ban trị sự Phật giáo các tỉnh thành gặp khó khăn trong việc thực hiện

Như tin đã đưa, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ra công văn yêu cầu các nơi thờ tự, tự viện trong cả nước di dời các tượng sư tử đá cũng như các linh vật và đồ thờ tự khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự.

Mục đích của công văn là nhằm “gìn giữ truyền thống văn hoá Phật giáo Việt Nam và văn hoá dân tộc”. Đây được coi là một hành động thiết thực đầy thiện chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công văn 2662 của Bộ VHTT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có chuyến công tác thăm và kiểm tra công tác Phật sự tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, trong đó nội dung loại bỏ hiện vật lạ tại nơi thờ tự cũng là một trong những vấn đề nằm trong chương trình kiểm tra của đoàn. Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết, việc thực hiện công văn của Hội đồng trị sự về loại bỏ hiện vật lạ là một trong những hoạt động trọng tâm của Ban văn hóa GHPGVN. Chuyến công tác một số tỉnh, thành Tây Bắc nhằm khảo sát thực tế, từ đó đề ra phương pháp, phương hướng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc. Ảnh: Tâm Trang

Khó khăn trong công tác thực hiện

Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết sau khi công văn của Giáo hội được ban hành, nhiều nơi đã thực hiện, nhưng một số nơi cũng gặp khó khăn. Các tỉnh, thành đang lưỡng lự không biết là thực hiện như thế nào vì công văn khá chung chung. Bộ VHTT&DL nói là áp dụng cho các chùa mang di tích lịch sử đã được xếp hạng. Còn bên Phật giáo thì nói là không trưng bày cái linh vật lạ ở trong các tự viện. Thực hiện cái này thì rất là khó, lấy luật nào mà làm.

Đối với các chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử thì dễ hơn vì Di tích lịch sử có sự quản lý của Nhà nước, cụ thể là Cục Di sản và cứ theo Luật Di sản mà làm. Còn đối với chùa không phải là Di tích lịch sử thì dựa trên cơ sở nào? Chính vì vậy, khi thực hiện công văn này, các Ban trị sự Phật giáo rất băn khoăn, không biết nên triển khai như thế nào.

Điểm mặt chỉ tên “hiện vật lạ”

“Sư tử đá kiểu Trung Quốc với tạo hình gân guốc, dữ dằn đầy vẻ hăm dọa hoàn toàn không hợp với tinh thần văn hóa Phật giáo truyền thống của Việt Nam” – Thượng tọa Thích Thọ Lạc khẳng định và cho biết: “Sư tử không phải là biểu tượng xấu trong Phật giáo. Trong đạo Phật, con sư tử cũng như nhiều con vật dữ dằn khác đã được cảm hóa bằng đức từ bi nên tất cả đều trở nên hiền từ và thân thiện với con người và thế giới thiên nhiên.

 

Sư tử đá kiểu Trung Quốc không phù hợp bài trí nơi thờ tự, nhất là ở những di tích đã được xếp hạng. ảnh : Trà Xanh

“Chùa là từ bi, thân thiện, cửa Phật luôn rộng mở cho mọi người đến với đạo Phật. Bởi vậy, sử dụng những biểu tưọng mang tính chất uy hiếp, hăm dọa sẽ khiến cho người ta sợ, không dám đến chùa. Nhà chùa tối nào cũng thỉnh chuông, cúng cháo để làm gì? Là để mời gọi, chào đón những số phận từ con người đến thú dữ đến chùa để được cứu độ và cảm hóa. Cho nên đạo Phật đâu phải là dùng cái uy quyền, uy vũ đó để cho các chúng sinh hữu hình hay vô hình không dám đến chùa đâu. Bởi vậy những linh vật mang tính chất uy quyền, uy vũ nhiều quá đều không phù hợp với chùa Việt Nam”.

Cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện di dời “hiện vật lạ”

Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, cần có hướng dẫn cụ thể hơn, trong đó chỉ rõ đâu là “hiện vật lạ” không phù hợp văn hóa truyền thống Phật giáo. Ngoài ra, Hội đồng trị sự và Ban văn hóa T.Ư GHPGVN cũng cần có cuộc làm việc để vạch ra phương pháp thực hiện cũng như chương trình cụ thể để thực hiện công việc di dời “hiện vật lạ”, còn nếu cứ chỉ đạo chung chung như vậy rất là khó. Có nơi làm, có nơi sẽ không làm.

Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam

Là một người tâm huyết với văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Thọ Lạc cũng chia sẻ nhiều trăn trở và những dự định ấp ủ nhằm phát huy bản sắc văn hóa.

Hiện nay, trên thị trường tràn lan sách và các ấn phẩm Phật giáo, không phải ấn phẩm nào cũng thực sự chất lượng. Cơ quan cấp phép in ấn sách lại không có sự phối hợp với bên Phật giáo để cùng kiểm định sách. Thượng tọa cũng cho biết mong muốn xuất bản một cuốn sách về văn hóa Phật giáo, trong đó có hướng dẫn cách bài trí cũng như kiến trúc chùa chiền Phật giáo Việt Nam.

Về trang phục Phật giáo, theo Thượng tọa, trong khi trang phục nhà sư các nước láng giềng và châu Á đều có đặc trưng riêng thì Việt Nam lại không có. Các sư Việt Nam thường bị nhầm là nhà sư Trung Quốc. “ Hàn Quốc, Nhật Bản,Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện… Tây Tạng đều có đặc trưng riêng. Phật giáo mỗi nước đều có sắc phục riêng, có kiến trúc riêng, Việt Nam cũng cần tìm ra sắc phục riêng cho Phật giáo Việt Nam, cũng như cần có qui chuẩn để phát huy và phát triển đặc trưng riêng cho kiến trúc phật giáo Việt Nam” – Thượng tọa Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.

Vấn đề ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Thọ Lạc bày tỏ quan điểm: “Ở những chùa Di tích lịch sử, mình có thể bảo tồn, còn xây dựng những chùa mới thì cần hoàn toàn sử dụng chữ Việt cho hoành phi, câu đối, cửa võng, cuốn thư... Với các bản kinh tụng hàng ngày cũng cần được dịch và in bằng tiếng Việt. “Thậm chí kể cả các thầy hiểu chữ Hán nhiều khi còn chưa hiểu hết nghĩa, làm sao Phật tử người ta hiểu được, đó là cái hạn chế của Phật Giáo Việt Nam mình, cần có sự thay đổi. Cho nên việc tìm được bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ của Phật giáo mà có lẽ cũng là nhiệm vụ của cả dân tộc”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.

phatgiaovnn.com.74743.jpg

http://phatgiaovnn.com

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch