Sắc màu cuộc sống
Giải mã sự thật hiện tượng 'bé gái phát lửa' ở TP. Hồ Chí Minh
22/05/2012 07:46 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hiện tượng bé gái 11 tuổi ở TP. HCM có khả năng phát cháy đã khiến dư luận cả nước xôn xao. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau với sự việc này. Ngoài luồng ý kiến tin vào khả năng đặc biệt của bé gái, thì cũng có nhiều người nghi ngờ.

Để làm sáng tỏ phần nào hiện tượng này, có cái nhìn nhiều chiều, PV đã dày công nghiên cứu, điều tra. Trong hoàn cảnh đó, PV đã gặp một nhà nghiên cứu cũng âm thầm nghiên cứu về hiện tượng bé T. và giải mã một phần sự thật.


Theo lời ông, nhiều nhà khoa học nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn, thậm chí chưa tận mắt vụ cháy nào do cháu bé gây ra, đã phát ngôn, giải thích này nọ, lung tung phèng. Thậm chí, còn đưa cả đoàn nhà ngoại cảm vào nghiên cứu để… giải mã. Qua sự việc này, có thể thấy một số nhà khoa học của chúng ta nghiên cứu khoa học mà cứ như… thầy bói xem voi.

Câu chuyện… úp mở

Tôi quen nhà cảm xạ Dư Quang Châu đã lâu lắm rồi, kể từ khi anh về nước, truyền bá môn học kỳ lạ này vào Việt Nam. Tôi vốn gọi anh là ông “thầy dị nhân”, vì anh đã đào tạo ra cả ngàn dị nhân, có khả năng làm nhiều thứ như hút đồ vật, đi trên than hồng, mảnh chai, hút năng lượng từ cây cối, lòng đất, vũ trụ để… rèn luyện sức khỏe. 

Anh cũng là người nghiên cứu, giải mã và phát huy khả năng của những người có khả năng đặc biệt để sử dụng họ vào những mục đích có ích cho cộng đồng. 

Sáng 12-5, ngồi giữa quán bia hơi vỉa hè ồn ào, nhà cảm xạ Dư Quang Châu lại úp úp mở mở với tôi, về một nhân vật vô cùng đặc biệt, chẳng kém gì “cô gái ba mắt” ở ngoài Bắc, gây xôn xao dư luận một thời. 

Đó là chuyện về một bé gái, mà anh nghi ngờ có khả năng khiến mọi vật bốc cháy chỉ bằng ý nghĩ. Thậm chí, từ thông tin gia đình cô gái cung cấp, thì cô gái đó chẳng cần muốn vật gì cháy, mà tự cơ thể cũng sản sinh ra nguồn năng lượng, đốt cháy mọi thứ bén lửa xung quanh mình. 

Anh đang bí mật nghiên cứu, tìm hiểu để giải mã khả năng của bé gái này. Cùng với đó, anh tìm cách hạn chế khả năng kỳ lạ của cô bé này (nếu nó có thật), để bé không gây họa cho gia đình và những người xung quanh. 

Nhà cảm xạ Dư Quang Châu nói vui: “Nếu khả năng phát cháy của cô bé này là có thật. Và nếu không tìm ra biện pháp giải quyết, thì chỉ có nước túc trực một chiếc xe cứu hỏa ở bên cạnh cô bé này”. 

Tôi mường tượng ra cảnh như trong phim viễn tưởng, rằng bé gái này đi đến đâu, mọi thứ cháy đến đó. Những khu chợ, những tòa nhà cao tầng, những siêu thị ăm ắp hàng hóa điện máy… cứ thế bốc hỏa theo bước chân dạo phố của bé. 

Tôi thuyết phục mãi, anh Châu mới đồng ý kể một chút thông tin, với điều kiện… không đăng báo! Bởi theo anh, gia đình cô bé không muốn lên báo, tránh việc dư luận khiến cô bé bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý, hoạt động thường ngày.


Nhà cảm xạ Dư Quang Châu đang dạy bài thu năng lượng từ bên ngoài để tăng cường sức khỏe.

Đang lúc uống bia, nhà cảm xạ Dư Quang Châu bấm điện thoại cho học trò. Anh đề nghị mấy học trò thay phiên nhau đến nhà cô bé T. để nghiên cứu, cố gắng chộp thời cơ ghi hình cảnh lửa cháy, dùng máy đo năng lượng sinh học, theo dõi toàn bộ biểu hiện, hành động của bé T., để tôi và anh nắm được thông tin sơ bộ. Nếu chuyện cô bé có khả năng khiến mọi vật bốc cháy, thì chúng tôi sẽ tận mắt những vụ cháy do cô bé gây ra để nghiên cứu. 

Khi chúng tôi còn đang uống bia và bàn bạc kế hoạch nghiên cứu bé T., thì học trò của anh, toàn những nhà cảm xạ kỳ cựu, điện thoại cho anh bảo rằng, có tới 4 xe cứu hỏa đang phun nước vào nhà bé T. 

Hóa ra, hôm đó, nhà bé T. bốc hỏa ngùn ngụt. Lửa cháy quá dữ dội, thiêu rụi mọi thứ, có nguy cơ lan sang những nhà xung quanh, nên phải nhờ đến lực lượng cứu hỏa. Thế là các nhà báo kéo đến, sự việc trở nên ầm ĩ. 

“Hỏa xà” phát ra từ cô bé 11 tuổi?

Trong hoàn cảnh các nhà khoa học nghiên cứu rùm beng, lên báo, truyền hình phát ngôn này nọ, thì có một người lặng lẽ, âm thầm nghiên cứu sự việc và anh đặt dấu chấm hỏi to tướng cho nghiên cứu của mình. Anh chỉ có 1% niềm tin bé T. có khả năng gây cháy bằng “năng lượng bí ẩn”. Anh đã cung cấp một số thông tin trong nghiên cứu của mình, với điều kiện giấu tên anh.

Để độc giả nắm được sự việc một cách hệ thống, nhà nghiên cứu này đã thống kê lại các vụ gây cháy của bé T., qua… lời kể của bố cháu. 

Nhà nghiên cứu H. này có mặt ở nhà anh Việt ngay sau hôm xảy ra vụ cháy, cùng với một số nhà nghiên cứu, nhà cảm xạ, một vài phóng viên.


Trần lầu 3 nhà anh Việt bị lửa thiêu bong tróc lớp vữa.

Theo anh Việt, ngoài lúc đi học, cháu T. chỉ được phép loanh quanh ở gác trên. Anh Việt phân trần rằng, anh chỉ muốn con gái anh trở thành một người bình thường. Anh không muốn con nổi tiếng, có khả năng đặc biệt, thành nhà ngoại cảm, hay nhà tiên tri gì cả. Anh càng không muốn cuộc sống gia đình xáo trộn vì những khả năng của cháu. 

Người Việt vốn tính tò mò, lại dị đoan, nên để lộ cháu lên báo, suốt ngày anh tiếp người lạ mặt cũng mệt. Anh chỉ cho phép những nhà khoa học, nhà nghiên cứu nghiêm túc được tiếp xúc với cháu T., tư vấn giúp gia đình anh phương pháp điều trị dứt điểm khả năng lạ này của cháu!

Trong khi anh Việt đang tiếp đón các nhà nghiên cứu ở bên dưới, thì nhà nghiên cứu H. lên lầu 3, là căn phòng vừa phát hỏa bùng bùng. Điều đầu tiên gây ấn tượng với anh là khắp nơi trong căn nhà, đâu đâu cũng thấy bình cứu hỏa, đủ các loại to, nhỏ để sẵn.


Chiếc tủ quần áo bị cháy.

Dấu vết của vụ cháy vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều đồ vật bị cháy nham nhở vứt chỏng chơ giữa nền nhà như quạt điện, đèn ngủ, đồ chơi, bàn học, giường, tủ quần áo, bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ… Các ổ điện cũng cháy đen sì. 

Anh Việt bảo, anh đã dọn hầu hết những thứ cháy thành than như chăn, chiếu, quần áo, đệm, tủ vứt ra bãi rác. Những thứ còn lại cũng không dùng được nữa, nhưng anh vẫn giữ lại để làm bằng chứng cho các nhà khoa học nghiên cứu. 

Từ lầu 3, nhà nghiên cứu xuống lầu 2, lầu 1, rồi tầng trệt. Anh thấy hầu hết những ổ điện chìm, nổi bằng nhựa đã cháy hết hoặc cháy một phần. Nhìn những ổ điện cháy dở, nhà khoa học H. thấy chung một hiện tượng là những mẩu nhựa bị sùi lên do bị nguồn nhiệt bén vào. Và có một điểm mấu chốt là lửa cháy từ phía ngoài và cháy từ dưới lên. Ngay cả miếng nhựa kê bồn cầu cũng cháy từ dưới lên. Hiện trường nhiều vụ cháy giống bị đốt, chứ không phải “hỏa xa” hay “sét hòn” bay lung tung.


Chiếc quạt cháy từ dưới lên. Ảnh: TT

Anh Việt kể với mọi người rằng, mỗi khi thấy mùi khét, anh đều chạy lên và lập tức dùng bình cứu hỏa phun vào mới dập tắt được đám cháy. Một số vụ cháy ổ điện xảy ra lúc anh không ở nhà, hoặc không cứu kịp, thì cháy thành than, thậm chí cháy sâu vào trong tường.

Theo anh Việt, sự việc bắt đầu từ một ngày cách đây chừng hơn tháng, khi nhà anh thường xuyên mất điện một cách bí ẩn, trong khi điện nhà hàng xóm vẫn sáng. Anh kiểm tra thì thấy lúc cầu chì cháy, lúc dây điện, ổ điện bị chập. Có lúc chả hiểu sao điện sập, nhưng một lát lại có. Ổn áp thi thoảng lại ngắt điện, phải bật lại. 

Khi khắc phục được những lỗi này, thì những công tắc điện bốc cháy ngùn ngụt. Cứ thi thoảng bé T. lại gọi: “Bố ơi, ổ điện nhà mình đang cháy!”, anh lại tá hỏa chạy lên dập lửa, rồi gọi thợ thay ổ điện mới.


Mọi câu chuyện gây cháy liên quan đến cháu T., mới chỉ thông qua lời kể của anh Việt, bố cháu. Trong ảnh, anh Việt ngồi bên trái, kể chuyện bé T. phát hỏa cho một chuyên gia cảm xạ.

Vài lần thay ổ điện mà vẫn cháy, anh đã gọi những thợ điện giỏi nhất đến nhà tìm nguyên nhân để khắc phục. Các nhân viên điện lực đã dùng máy móc hiện đại, kiểm tra mọi thông số song không phát hiện được bất cứ lỗi chập điện nào cả. 

Quan sát những ổ điện loại rất xịn bị cháy xém, họ cũng lắc đầu ngán ngẩm, không tin do chập. Để chắc ăn, các nhân viên ngành điện đã yêu cầu gia đình thay toàn bộ hệ thống điện trong nhà, dùng những dây điện loại cực bền, ổ điện xịn, có khả năng tải nguồn điện lớn hơn mức cần thiết rất nhiều.

Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, những ổ điện loại tốt ấy tiếp tục bốc cháy ngùn ngụt. Lần này không cháy từng ổ điện, mà cháy tất các cả ổ điện và những vật dụng đang cắm điện, từ tầng 4 xuống đến tầng 1. Không những thế, loại dây điện xịn chạy trong tường cũng bị cháy. 

Thậm chí, những ổ điện này không cháy xém như hồi đầu, mà còn bốc thành lửa ngùn ngụt, khiến cả mảng tường bị cháy đen. 

Theo anh Việt, sau vụ cháy cùng lúc toàn bộ hệ thống điện mới làm lại, anh đã đưa vợ con sang trú ngụ nhờ nhà một người quen ở cùng khu phố, để sửa chữa lại đường điện cho an toàn. 

Thế nhưng, bé T. đến ở hôm trước, thì hôm sau thảm họa đã xảy ra với ngôi nhà của người bà con này. Tất cả những thứ liên quan đến đường điện, từ ổ điện, dây điện, sạc điện thoại, máy giặt, tủ lạnh… đều bốc cháy khét lẹt, khói mù mịt. Cũng may lúc đó mọi người ở nhà, nhanh chóng ngắt nguồn điện và dập tắt các đám cháy. 

Không có chỗ ở, anh Việt lại chuyển vợ con đến nhà cậu ruột của bé T. Tuy nhiên, lần này thì không phải chờ đến hôm sau, mà bé T. đến được 2 tiếng, các ổ điện trong nhà cậu ruột của bé thi nhau cháy, khiến cả nhà tá hỏa.

Còn tiếp…


Theo Phong Nguyệt - VTC

Xem thêm:

Những phát ngôn trái ngược về “cô bé gây cháy”

Chùa Phúc Lâm online xin lược lại một số ý kiến của các nhà khoa học về “cô bé gây cháy”:

1. TS Nguyễn Văn Khải ("ông già ô-zôn"):

“Từ những cơ sở trên tôi cho rằng nội năng của cơ thể cô bé không thể đủ để bốc cháy vật nào xung quanh nếu không có tác động khác. Và, theo định luật bảo toàn năng lượng thì không thể có hiện tượng này xảy ra”.

2. TS Cao Huy Thiện (Phó Viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM):

“Tôi không tin năng lượng xuất phát từ cơ thể con người có thể gây cháy đồ vật. Những vụ việc gây cháy chỉ nghe từ phía gia đình, không ai tận mắt chứng kiến”.

“Trong trường hợp hiện tượng chỉ xảy ra ngẫu nhiên thì không thể kết luận. Trong trường hợp này phải thực nghiệm khả năng gây cháy của cháu bé là có thật hay không rồi mới có nghiên cứu tiếp theo. Việc đưa cháu chụp RFI khi chưa chứng minh khả năng gây cháy là không phù hợp”.

3. PGS.TS Nguyễn Đình Phư (Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Năng lượng Sinh học – CBE):

“Đây là hiện tượng có thật, đúng 100%. Nhưng nhiều người, đặc biệt giới các nhà khoa học lại hoài nghi. Thậm chí trên một trang báo điện tử, một kỹ sư điện tử còn cho rằng chuyện cháy là không có thật mà “đó chỉ là ảo thuật”. Nhiều người lớn tiếng phủ nhận và xem đây là ý muốn làm nổi của ai đó, tuy nhiên sự thật thì vẫn là sự thật”.

4. TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA):

“Đối với trường hợp bé gái này, chúng ta cũng có thể giả định cô bé ấy như một cục sét hòn” hoặc “Có thể trong con người ấy có chứa năng lượng sinh học hoặc cảm xạ sinh học”. Nếu không thì “đó là năng lượng tâm linh”.

5. GS.TS Hà Huy Bằng (Chủ nhiệm Bộ môn Năng lượng cao, Khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội):

“Hiện tượng tự thân làm cháy đồ vật của cô bé có thể là do cơ chế vật lý nào đó mà khi hạt này xúc tác với vật tạo nên phản ứng giúp giải phóng năng lượng lớn. Đây chỉ là lý thuyết nhưng cần có sự hiểu biết dấu tích cũng như phải xem xét cụ thể vấn đề mới có thể đánh giá cụ thể. Qua sự việc này cũng là bài học để bộ môn năng lượng cao hiểu rõ hơn về cơ chế này”.

6. TS. Phạm Văn Thiều (Phó Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam):

“Tôi không đồng ý với cách ngồi nhà nghe rồi trả lời ngay, như thế là phi khoa học, là nói vu vơ, đoán mò mà đoán mò thì thường là sai. Còn nếu nói chung chung một cách vô thưởng vô phạt cũng là vô trách nhiệm và phi khoa học”.

“Cũng không loại trừ việc một số cá nhân muốn nổi tiếng nên nhân danh khoa học để nói. Ai hỏi gì họ cũng nói và họ vô trách nhiệm đối với những ý kiến của mình”.

7. PGS-TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng, TP.HCM; Chủ tịch hội đồng khoa học nghiên cứu về trường hợp cô bé làm cháy đồ vật):

“Chúng ta sở hữu một tài sản rất quý, con người này rất đặc biệt. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp khoa học, lâm sàng, thậm chí chúng tôi sẽ sử dụng cả lá số tử vi để xem cháu sinh vào ngày giờ nào để suy đoán. Đồng thời kết hợp căn cứ theo khám nghiệm lâm sàng để suy đoán”.

“Các nhà khoa học đã đã chụp lại điện não đồ cho cháu bằng phương pháp RFI thiết bị hiện ảnh trường cộng hưởng, cho ra thông tin chi tiết các dạng hào quang và các trường năng lượng sinh học để coi hào quang của cháu. Sơ bộ cho thấy, trên bán cầu não phải là nơi tư duy trừu tượng xuất hiện vệt hơi lạ. Chỉ những nhà tu hành, triết học, họa sỹ, nhà tôn giáo mới có hiện tượng đó, trong khi đó cháu bé không tập trung vào thứ gì cả”.

8. PGS. Dương Ngọc Huyền (Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):

“Con người cũng còn có những khả năng kỳ lạ mà khoa học chưa thể giải thích được… Năng lượng trong mỗi con người chỉ có thể di chuyển như đẩy, hút hoặc làm cong các vật nhỏ, nhẹ như cây kim, cái thìa bé... Năng lượng lớn đến mức có thể làm cháy những vật lớn như ổ điện, nắp bồn cầu, tủ quần áo… là một điều rất khó xảy ra”.

9. Chuyên gia cảm xạ, BS. Dư Quang Châu (Giám đốc Trung tâm cảm xạ địa sinh học, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng):

“Qua đo chỉ số RFI (thiết bị hiện ảnh trường cộng hưởng, cho ra thông tin chi tiết các dạng hào quang và các trường năng lượng sinh học) thì thấy nghi ngờ bán cầu não bên phải có vấn đề, nên cho bé đeo vòng đá thạch anh ở tay bên trái để tác động cân bằng cho não phải. Gia đình cho biết khi đeo vòng thì hiện tượng cháy không còn nhưng bé bị co giật, nên chúng tôi cho tháo vòng ra. Chúng tôi rất quan tâm và vẫn tiếp tục theo dõi, tìm hiểu trường hợp lạ này”.

10. ThS Vũ Đức Huynh (Chuyên gia nghiên cứu về ngoại cảm, tâm linh - tác giả của gần 20 cuốn sách về vấn đề này):

Đây là hiện tượng mới cần nghiên cứu cụ thể, chớ nên phủ định bởi con người tàng chứa nhiều khả năng mà chúng ta chưa khai phá hết. Với bé gái này, nguồn năng lượng ở dạng sóng, nên cô bé có thể phát năng lượng sóng giống như sóng viba làm chập điện, gây cháy, nổ cầu chì...

11. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin - Dự báo của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người):

“Không như mọi người nghi ngờ về chuyện cô bé và gia đình đốt cháy để đánh bóng tên tuổi mà việc gây cháy này là có thực”.

Theo Vũ Chương - KTO

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch