Thể loại sách khác
Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu Qua Cái Nhìn Phật Giáo
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Hải Phòng
16/09/2554 03:53 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 1.
Cái nhìn Phật giáo về bản chất khủng hoảng kinh tế toàn cầu

 

 

Bài tham luận của ĐĐ. Thích Nhật Từ - Hội thảo về xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập (HVPGVN- Hà Nội ngày 22.02.2009).

Dựa trên nền tảng bốn chân lý và hoạch định hai lớp nhân quả trong đạo Phật; thứ nhất, nhìn nhận bế tắc như một thực tại của xã hội bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế; thứ hai, nhằm giải quyết để tháo gỡ những bế tắc đó, chúng tôi xin trình bày dưới góc độ phác thảo về bức tranh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những giải pháp từ góc độ cái nhìn của Phật giáo.

Khủng hoảng kinh tế - Nguyên nhân và giải pháp

Trước nhất, cần thừa nhận cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu có điểm xuất phát như vết sơn đầu tiên tại thị trường chứng khoán Wall street (phố Wall) -Trung Tâm Tài Chính Toàn Cầu trong thời điểm giữa năm 2007, với đỉnh cao nhất của nó vào khoảng tháng 08 năm 2008 và kéo dài cho đến tháng 01 năm 2009 này. Trong suốt mười tám tháng đó, nền kinh tế chứng khoán Mỹ đã suy sụp một cách nghiêm trọng như gây bất ổn về tài chính, đói tín dụng, mất cân đối trong việc thu hồi nợ, mất giá tiền tệ, giảm sút chứng khoán… khiến thị trường này bị mất đi 1.200 tỉ USD; đồng thời tác động trực tiếp đến chỉ số Dow Jone bị mất thêm 1000 tỉ USD nữa. Kết quả của sự khủng hoảng đó khiến các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực từ cấp quốc tế, quốc gia cho đến địa phương cũng lâm vào cơn khủng hoảng tương tự như cơn sóng thần đi qua; dẫn đến việc doanh nghiệp nhỏ chết trước, doanh nghiệp lớn thì đang thoi thóp như vừa trải qua cơn biến cố tai biến mạch máu não trong kinh doanh mà sự phục hồi của nó phải vượt qua giai đoạn tạm gọi là sự nhũn não hoặc phải mất một thời gian dài mới có thể gượng dậy.

Gốc rễ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ sự mất kiểm soát về thị trường bất động sản của Mỹ vốn được xem là nhân tố châm ngòi cho cuộc suy thoái này. Năm 2008, kết quả Mỹ đã nợ 10.000 tỉ USD, một món nợ lớn nhất mà chưa có quốc gia nào có, và đồng thời cũng phá kỷ lục trong lịch sử nhân loại. Theo dự kiến trong năm 2009 này, với gói kích cầu về kinh tế thì Mỹ sẽ phải nợ thêm 2.200 tỉ USD nữa. Liệu việc kích cầu kinh tế Mỹ có thể dẫn đến thành công hay không đó là một câu hỏi lớn mà các nhà lãnh đạo quốc tế, các nhà kinh tế thế giới đang phải điên đầu với nhiều lo ngại và hoài nghi.

Toàn bộ 335 tổng sản phẩm mà Mỹ có được phần lớn dựa trên những hợp đồng vay bất động sản thế chấp với tổng giá trị lên đến 12.000 tỉ USD. Trong đó, 33% thuộc các khoản đầu tư dưới chuẩn gây nên tình trạng nợ khó đòi từ các nhà đầu tư và dẫn đến nguy cơ phá sản. Thế mà Wall street (phố Wall) đã liều lĩnh và mạo hiểm mua lại tất cả các tổng sản phẩm và phát hành dưới dạng chứng khoán phát sinh để bán ra trên thị trường quốc tế. Điều đó dẫn đến tình trạng chứng khoán bị mất giá, thị trường không có người mua, ngân hàng bị đóng băng, bảo hiểm không bán được, doanh nghiệp mất dần khả năng thanh khoản dẫn và thanh toán. Tất cả đều bị đảo chiều, sụp đổ hoặc sự sụp đổ và phá sản của người trước dẫn đến sự chật vật, đuối sức và kéo theo sự sụp đổ của người sau.

Nước Mỹ là thành viên chủ chốt của nhóm G7, và khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ cũng kéo theo sự khủng hoảng nghiêm trọng cho sáu nước còn lại là: Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada, riêng nhóm G8 có thêm nước Nga. Những nước khác cũng bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại suy thoái này bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Singapore v.v… mà theo giáo sư kinh tế học người Mỹ Paul Krugman - người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008 thì cơn khủng hoảng này phải mất tối thiểu là ba năm, tức là vào cuối năm 2011 mới có thể phục hồi. Điều này vẫn còn nằm trong vòng tranh luận rất lớn.

Đứng từ cái nhìn của Phật giáo, bản chất của sự phát triển nền kinh tế thị trường là kích cầu lòng tham trong tiêu thụ nhằm đạt lợi nhuận ở mức độ cao nhất. Do phát xuất từ việc kích cầu lòng tham trong tiêu thụ, nên khá nhiều nhà đầu tư đã cho vay nợ một cách dễ dãi, vô tội vạ dẫn đến hậu quả khủng hoảng trên. Khi lòng tham được kích thích như một quả bom để nền kinh tế thị trường phát triển, sẽ kéo theo khuynh hướng của lòng sân như một phản ứng tất yếu. Chính lòng sân đã biến thương trường thành chiến trường mà nền kinh tế phương Tây là một điển hình với sự loại trừ không thương tiếc các doanh nghiệp và tiểu thương nhỏ. Điều này tiếp dẫn đến một khuynh hướng nữa đó là lòng si. Người ta nghĩ rằng nguồn tài sản thiên nhiên là vô hạn tận, mặc sức khai thác một cách cạn kiệt và không tạo điều kiện cho nó tái phục hồi. Hậu quả từ chỗ khủng hoảng kinh tế dẫn đến những khủng hoảng nghiêm trọng khác bao gồm khủng hoảng hâm nóng toàn cầu và khủng hoảng môi trường sinh thái nói chung.

Giải pháp theo quan điểm nhà kinh tế học

Từ những bất toàn vừa nêu, theo quan điểm các nhà kinh tế học, cần đánh giá lại trên bốn phương diện:

1. Nên chăng suy nghĩ chuyển hướng từ nền kinh tế tự do vốn được xem là bản chất của kinh tế thị trường trở thành nền kinh tế có sự can thiệp của nhà nước mà trong những năm qua chủ nghĩa cộng sản và đặc biệt là Việt Nam đang đi. Tuy nhiên, hiện các nhà nghiên cứu kinh tế đang có những bất đồng; bởi nếu đi theo hướng đơn cực, quá đặt nặng về cơ chế tự do trong thị trường tuyệt đối, hoặc đặt nặng về quản lý tuyệt đối thì kết quả đều dẫn đến sự tương đồng như nhau, tức là dẫn đến những khủng hoảng tương tự.

2. Nguồn tài nguyên năng lượng trên thế giới có thể bị kết thúc nếu quốc tế và các quốc gia không nỗ lực toàn cầu nhằm đưa ra những giải pháp ngăn chặn.
3. Cần có một khuynh hướng tác động để điều chỉnh tiêu dùng của Mỹ vốn là sự kích cầu và đẩy mạnh lòng tham dựa trên nền tảng của tiêu thụ cá nhân. Nên tạo một cái nhìn mới để làm thế nào giảm thiểu mức độ hoang phí trong tiêu dùng vốn được xem là nền văn hóa nợ và là văn hóa doanh nghiệp của phương Tây không bị lún sâu trong cơn lốc hiện nay.

4. Cần cải cách lại hệ thống tài chính thế giới, không nên đơn cực quá nhiều quyền lực.
Trong bài phát biểu của tổng thống Mỹ Barack Obama, khuynh hướng này được nêu lên rất rõ. Bởi trước đây Mỹ là một đơn cực về quyền lực chính trị, quân sự và kinh tế. Bây giờ giảm bớt đi quyền lực và phân quyền đó cho các đa cực khác, dẫn đến việc giảm bớt tính liên minh đối kháng lại Mỹ thể hiện rõ trong những cuộc khủng hoảng, khủng bố về chính trị, quân sự từng diễn ra trên đất Mỹ và những nước đồng minh của Mỹ.

Nhà kinh tế học người Scotland Adam Smith (1723-1790) được xem là "cha đẻ" của nền kinh tế học hiện đại, nổi tiếng với bộ sách “Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia” (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations). Tác phẩm này là một trong những nỗ lực nghiên cứu đầu tiên lý giải có hệ thống về lịch sử phát triển của kinh tế châu Âu, cung cấp những cơ sở hợp lý về học thuyết thương mại tự do, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do. Đồng thời, ông cũng đưa ra các học thuyết phê bình và chỉ trích một cách nghiêm khắc bản chất và khủng hoảng tiềm ẩn của nền kinh tế tự do tạo ra nền kinh tế tự do mới; nhưng rất tiếc tác phẩm đó chưa được đánh giá đúng mức. Nếu chú ý về thời điểm ra đời của tuyên ngôn độc lập Mỹ vào ngày 04.07.1776 sẽ thấy rõ giữa học thuyết này với nền tảng kinh tế tự do và chủ nghĩa tự do của Mỹ có mối quan hệ biện chứng với nhau. Ông đã đưa ra ba vấn đề được xem là nổi cộm, lớn nhất và đề nghị các quốc gia không nên đi theo:

1. Phải vạch bộ mặt nạ nguy hiểm của chủ nghĩa trọng thương đặt quyền lực của quốc gia vào sự tích trữ tiền bạc và tiền tệ quốc tế. Đây chính là cực quan trọng nhất dẫn đến quyền lực đối kháng, loại trừ lẫn nhau trên nền tảng của lòng sân và lòng si.
2. Các quốc gia tận dụng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, quốc gia nào khai thác trước thì các quốc gia khác sẽ không còn cơ hội. Chính vì thế, chủ nghĩa thuộc địa hóa bắt đầu có mặt khắp toàn cầu để gom góp nguồn tài nguyên thiên nhiên về quốc gia của mình.

3. Xuất khẩu sản phẩm từ phát minh và sáng kiến của quốc gia xâm lăng sang quốc gia thuộc địa để họ tiếp tục bị lệ thuộc về phương diện kinh tế và các phương diện khác trong xã hội. Đồng thời, rút, mua và nhập nguyên liệu rẻ tiền từ quốc gia thuộc địa để làm giàu cho quốc gia của mình. Kết quả là kinh tế của quốc gia thuộc địa bị bóp chết, nền tài nguyên thiên nhiên bị khai thác một cách cạn kiệt, khủng hoảng về môi trường sinh thái, biến các quốc gia nghèo khó trở thành sọt rác của chủ nghĩa tiêu thụ trên nền kinh tế thị trường toàn cầu.

Giải pháp theo quan điểm Phật giáo

Trong Phật giáo, các giải pháp được thể hiện rõ ở khá nhiều bản kinh, điển hình là hai bản kinh:


- Kinh Trường Bộ, trong đó chủ yếu là bài kinh Khởi Thế Nhân Bản bàn về nguồn gốc con người và các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội v.v…
- Kinh Dược Sư, vốn được xem như một ứng dụng trị liệu tâm linh khi con người với những khủng hoảng cá nhân, gia đình và xã hội cần đến sự quản trị để thoát khỏi nó.
Khi đất nước lâm vào khủng hoảng lớn bao gồm nhiều phương diện thì nội dung của hai bài kinh này đều có điểm chung nhất với ba giải pháp cần phải được thực thi như sau:
1. Chính phủ cần hỗ trợ vốn cho mọi thành phần trong xã hội, điều này được hiểu đó là các gói kích cầu kinh tế mà hiện nay toàn cầu đang làm.

2. Lãnh đạo quốc gia và các thành phần trong xã hội cần tu tập về hai phương diện chân lý và đạo đức. Có đạo đức, ta có văn hóa trong doanh nghiệp. Có chân lý, ta có cái nhìn đúng hơn, không đi vào hai thế cực của kinh tế thị trường đặt nền tảng tuyệt đối vào tự do, và cái đối lập với nó một cách thái quá.

3. Nỗ lực tạo dựng phước báu góp phần về phương diện tâm linh vượt qua bế tắc và xử lý tình huống.

Trên cơ sở và quan điểm của đạo Phật, chúng tôi trình bày về bốn giải pháp đó là duyên khởi, đạo đức, nhận thức và xử lý cảm xúc.

1. Giải pháp duyên khởi

Giải pháp này vốn được xem là trọng tâm triết lý của đạo Phật, thể hiện qua việc thế giới và các quốc gia cần nỗ lực nhập cuộc để ngăn chặn. Riêng tại Mỹ, với gói kích cầu của họ làm sao đạt mức tối thiểu là 4% GDP trong năm 2009 nhằm mang lại 4 triệu việc làm cho người dân trong năm nay. Tiến trình này được nỗ lực thực hiện trong mấy tháng qua, nhưng trên thực tế mới chỉ đạt tối đa là 250 nghìn việc làm trên mỗi đầu tháng, nghĩa là nhu cầu cần kích cầu mới chỉ đạt khoảng 1/10 cho đến 1/16.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng thông qua một gói kích cầu khác gồm 1.639 tỉ USD để giải cứu nền kinh tế với 152 tỉ USD cho chính sách giảm thuế, 700 tỉ USD cho chính sách hỗ trợ ngân hàng, 787 tỉ USD để kích cầu nền kinh tế với 36% cho chính sách giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, và 64% còn lại cho chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở, giáo dục và an sinh xã hội; 50 tỉ USD cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tư nhân đang lâm vào nguy cơ mất nhà do không kịp thời thanh toán các khoản nợ vay từ ngân hàng. Riêng ba tập đoàn ôtô Mỹ là General Motors, Ford và Chrysler cũng đã được chính phủ thông qua bằng gói bảo trợ trị giá 39 tỉ USD.

Mục đích các gói bảo trợ này nhằm giảm một phần sự khống chế về kinh tế của những quốc gia không bị lâm vào tình trạng như Mỹ; đồng thời để đảm bảo các hoạt động bảo hiểm y tế, an sinh xã hội được xem là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại những quốc gia này. Các nước hưởng ứng trên gói kích cầu của Mỹ bao gồm Trung Quốc đầu tư 586 tỉ USD, Nhật 500 tỉ USD, Châu Âu 257 tỉ USD với hy vọng nền kinh tế đang bị khủng hoảng có thể sớm hồi phục. Thế nhưng các nhà kinh tế học dự đoán rằng, khi mà nền kinh tế toàn cầu được hồi phục sẽ dẫn đến một hiện tượng lạm phát phi mã, đây lại là một thái cực khác. Nói chung, giải pháp nào cũng có những hậu quả nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, thủ tướng chính phủ cũng vừa thông qua các dự án để kích cầu đầu tư, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ duy trì sản xuất đặc biệt là xuất khẩu với các ngành dệt may, da giày, thủy sản, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trong nước, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề để tất cả mọi người cùng dấn thân theo tinh thần tương tác; không thể nào chỉ có doanh nghiệp trong nền văn hóa và đạo đức doanh nghiệp thực hiện được nếu không có sự quan tâm đúng mức từ chủ trương và chính sách của chính phủ.

2. Giải pháp đạo đức

Đạo Phật với học thuyết chánh mạng và chánh nghiệp, nghĩa là nghề nghiệp chân chính cũng như hành động bảo hộ cho nghề nghiệp chân chính đó được luật pháp tán dương, không vi phạm tòa án của đạo đức; và nó vốn là thước đo rất chuẩn để hành nghề trong doanh nghiệp bên cạnh những nghệ thuật đạt được mà không làm thương tổn đến lợi ích của tha nhân.

Chúng tôi xin nêu hai sự kiện mà trong bài phát biểu khai mạc, phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có đề cập đến nền văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi tất cả mọi thành phần doanh nghiệp phải dấn thân, và đề cao vai trò đạo đức lên hàng đầu.

Tỉ phú “lừa” Allen Stanford

Sự kiện tỉ phú bang Texas Mỹ Allen Stanford, được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 605 thế giới với tài sản trị giá 2,2 tỉ USD. Ông là chủ sở hữu một tờ báo lớn nhất Antigua, làm chủ một ngân hàng thương mại địa phương và là nhà đầu tư số một. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên được chính quyền Antigua phong tước “hiệp sĩ” như một huyền thoại vì đã mang lại nền kinh tế và sự phát triển cho đất nước này.
Tòa án Mỹ đã truy tố tỉ phú “lừa” Stanford về tội “đạo diễn” vụ lừa đảo chứng chỉ tiền gửi được cho là có thể gây chấn động đến giới tài chính và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Ông đã lừa đảo 30.000 khách hàng trên 131 quốc gia bằng chiêu thức bán ra số chứng chỉ tiền gửi lên đến 8 tỉ USD với lãi suất cực cao để kích cầu lòng tham của các nhà đầu tư, và cam kết sẽ đầu tư số tiền này vào các loại chứng khoán an toàn, dễ bán với một nhóm hơn hai mươi chuyên gia phân tích và kiểm soát. Tuy nhiên, trên thực tế ông đã dồn phần lớn số tiền mua các loại cổ phiếu chưa niêm yết và địa ốc mạo hiểm, đồng thời áp dụng chiêu lừa đa cấp “kinh điển” là lấy tiền người sau trả người trước. Ngoài ra, ông còn giả mạo các dữ liệu tài chính để nhà đầu tư tin tưởng mà đầu tư vào. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Baldwin Spencer thừa nhận vụ lừa đảo này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và trở thành một “thảm họa” đối với hai đảo quốc Antigua và Barbuda không biết đến khi nào mới có thể tái phục hồi.

Cú lừa 50 tỉ USD

Sự kiện tỉ phú Bernard Madoff -Cựu chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq bị phát hiện với cú lừa ngoạn mục chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ. Madoff bị cáo buộc điều hành vụ lừa đảo đa cấp dưới vỏ bọc một quỹ đầu tư mạo hiểm với số tiền lên đến 50 tỉ USD. Công ty ông đã hoạt động dưới chiêu bài giả mạo, lừa đảo, bỏ quên những tiêu chuẩn đạo đức như là thước đo văn hóa trong doanh nghiệp. Madoff kêu gọi các định chế tài chính và cá nhân giao tiền cho mình kinh doanh giống như quỹ đầu tư mạo hiểm. Để tạo uy tín cá nhân mình, ông cho thuê một đạo quân cò mồi sang trọng dùng chiến thuật tung tin đồn rỉ tai nhằm vào giới thượng lưu và đại gia về “cách đầu tư rất béo bở tại công ty Madoff ”. Cách thức rỉ tai này đã thành công dễ dàng với các đại gia, tập đoàn và ngân hàng trên khắp thế giới như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Thụy Sĩ v.v…

Trên thực tế, số tiền lời hi hữu và đều đặn 1% mỗi tháng và liên tục trong mười năm Madoff trả cho khách hàng chỉ là một hệ thống lừa đảo theo mô hình đa cấp, lấy nguồn vốn đầu tư của nhà kinh doanh trước trả lãi cho nhà đầu tư sau. Dĩ nhiên, Madoff luôn tránh né khi bị truy hỏi về chiến lược đầu tư của mình, nhưng với số tiền lãi đều đều kể cả trong thời kỳ các thị trường rối loạn đã khiến người ta phải chú ý. Vào năm 1999, mặc dù có người từng cảnh báo, thế nhưng Ủy ban An ninh và chứng khoán liên bang (SEC) đã không điều tra đến nơi đến chốn, dẫn đến kết quả cú lừa ngoạn mục này làm mất đi nguồn tài sản và tiền tệ của thế giới, gây ảnh hưởng và điêu đứng chung đến hệ thống ngân hàng, một số nhà chính trị và tổ chức từ thiện trên khắp thế giới.

Qua hai sự kiện trên, rõ ràng kinh doanh tiền tệ với mức lãi suất quá cao, không tương xứng với hoạt động thực tế dẫn đến lòng tham kích cầu; từ đó, người ta sẵn sàng đầu tư vào mà không cần biết tương lai sẽ ra sao. Theo tinh thần của kinh Kim CangPhàm sở hữu tướng, giai thị hữu vọng”, đánh giá một tổ chức, đơn vị hoạt động dựa trên trên nền tảng hình thức và quảng cáo coi chừng ta dễ bị lừa ngay từ phương pháp luận. Hậu quả là toàn thế giới đang khủng hoảng lại lâm vào tình trạng khủng hoảng cao hơn, chân đã bị sụi nay lại bị liệt thêm một bàn tay, cựa quậy để sinh tồn là cả một thách đố và đòi hỏi đến nhiều giải pháp khác.

3. Giải pháp nhận thức

Nhận thức đóng vai trò khá quan trọng, bởi nhận thức sai sẽ đi đến khuynh hướng giải quyết vấn đề sai. Đạo Phật đưa ra hai loại nhận thức chính, đó là nhận thức vô ngã và nhận thức vô thường.

- Nhận thức vô thường xác định mỗi giai đoạn trôi qua, nhân quả của kinh tế toàn cầu có khác, cung và cầu phải tương thích với nhau để mỗi đầu tư của chúng ta có được khoản lợi nhuận thích đáng.

- Nhận thức vô ngã xác định khổ đau có mặt dựa trên hai phương diện, hoặc liên hệ đến thân bao gồm khủng hoảng kinh tế về tài chính, hoặc liên hệ đến tâm bao gồm sự mất cân bằng về cảm xúc, ý niệm hóa, tâm tư và nhận thức phân biệt.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vốn ảnh hưởng đến đời sống hạnh phúc gia đình, cần thực tập rằng khổ đau đó không dính đến tôi, tôi không bị lệ thuộc vào nó, tôi có thể sống vượt qua nó… Có như thế, nỗi khổ đau dù có mặt như một hiện thực nhưng không trở thành thách đố và bế tắc. Sự thực tập này sẽ giúp ta vượt qua được nỗi đau trong khi chờ đợi một nền văn hóa doanh nghiệp toàn cầu, phát triển đạo đức trên nền tảng lợi nhuận.

Nhà kinh tế học Adam Smith cũng có lời phát biểu khá sâu sắc và rất gần với nhận thức luận về vô ngã trong đạo Phật: “Không có tài sản vĩnh hằng, chỉ có sự quản trị giỏi được sử dụng như là phương thức và công cụ để làm chủ sở hữu tài sản trong một không gian và thời gian tương đối”. Ứng dụng lời phát biểu trên trong bối cảnh Việt Nam với 1000 năm bị thuộc địa của Trung Hoa, 300 năm của Pháp và 30 năm của Mỹ, sẽ thấy rõ tài sản mà chúng ta bị mất chỉ vì do họ có uy lực về quân sự và kinh tế nên đã quản trị bằng cách biến nước ta trở thành thuộc địa. Sau những nỗ lực tập thể của các quốc gia, nhà yêu nước trong lịch sử, và dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam mới trở thành một nước độc lập và có chủ quyền như hiện nay. Do đó, tài sản và nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam không hề bị mất hẳn.
Chúng ta nên quan niệm sự mất đi về tài sản của gia đình, của công ty và nhiều cổ đông khác trong cơn lốc khủng hoảng không phải là bản chất mà là hiện tượng. Hễ là hiện tượng thì chỉ mang tính tạm thời và hoạt động dưới cấu trúc của sự tương đối, còn bản chất mới là sự vĩnh hằng.

Trong đạo Phật, sự tuyệt đối hay vĩnh hằng của thế giới bao gồm mọi sự vật hiện tượng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Hiểu nhân quả của sự tương đối đó, ta nên mở mắt thật to để nhận diện và vượt qua khổ đau. Bởi rất nhiều doanh nhân đã bế tắc và chọn con đường tự tử như là một giải pháp, một số khác phải tìm niềm vui thông qua các loại hình ăn chơi như rượu, thuốc lắc, ma túy để quên đi nỗi đau. Kết quả là bế tắc này dẫn đến bế tắc khác, kéo theo khủng hoảng về đời sống gia đình, tình cảm, đạo đức và những khủng hoảng xã hội khác.

Trên nền tảng nhận thức về vô ngã với tất cả sở hữu của chúng ta chỉ là công cụ để phục vụ giúp ta có được hạnh phúc, chứ nó không phải là bản chất của hạnh phúc. Nếu cho rằng tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên là sở hữu vĩnh viễn của chúng ta thì đây là một sự sai lầm. Bởi theo Adam Smith, nó chỉ là tài sản tạm thời và là chủ sở hữu trong một thời gian nhất định đối với những ai quản lý giỏi, có phương pháp luận hay. Từ quan niệm đó, không nên cường điệu hóa những khổ đau mất mát từ đời sống kinh tế hoặc thậm chí ngay cả trong đời sống tâm lý của con người.

4. Giải pháp xử lý cảm xúc

Hãy nhận diện khổ đau có mặt như là một thực tại, sẽ là sai lầm nếu ta bịt mắt, mũi, miệng không cho cảm xúc của mình dâng trào để tìm ra tiếng nói chung như một giải pháp thích đáng. Đạo Phật dạy con người không cường điệu hóa khổ đau và mất mát, bởi lẽ nó luôn xảy ra với tất cả mọi người. Nếu con người có khuynh hướng cường điệu hóa thì một hạt cát của khổ đau vật chất có thể được nâng lên thành một viên sỏi, một viên sỏi thành một tảng đá, một tảng đá trở thành dãy Trường Sơn.
Trái lại, người có năng lực kiểm soát được tâm thức của mình sẽ biến khổ đau của dãy núi Trường Sơn thành một hạt cát để vượt qua và làm chủ bản thân. Có như thế, trong cơn lốc của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ta vẫn sống trong hạnh phúc ít nhất là với bản thân, và những người xung quanh đang quan tâm đến ta. Muốn được như thế, đạo Phật dạy hãy thực tập nghệ thuật buông xả, nó là sự quyết định để giữ lại một cái và buông hết mọi thứ. Hình dung đời sống vật chất bị tổn thất qua cơn lốc khủng hoảng như cái kẽm gai đang dính vào trong lòng bàn tay, và việc mở lòng bàn tay ra để cho chúng rơi xuống thì đó là nghệ thuật buông xả. Nó được bắt đầu từ nhận thức, không quan niệm thường hằng vĩnh cửu về cái chúng ta có hoặc cái đã mất đi. Ký ức về quá khứ làm cho nỗi đau sống dậy lần thứ hai trên nền tảng của huyễn vọng tương lai mà không có giá trị nhân quả trong hiện thực là sự khổ đau.
Xa rời hai khuynh hướng đó, đạo Phật dạy con người hãy trở về với đời sống an lành của hạnh phúc hiện tại bằng đạo đức, trách nhiệm, luật pháp, tư cách và văn hóa doanh nghiệp. Thực tập được điều đó, nỗi đau sẽ dần vẫy tay chào với ta; không dại gì ta làm đám cưới trung thành và vĩnh cửu với nỗi đau, mà cần ly dị nó càng sớm càng tốt. Trên nền tảng của học thuyết vô ngã, hãy tin tưởng với những nỗ lực chân chính của đời sống đạo đức, với chánh mạng và chánh nghiệp mà đức Phật đã dạy, chúng ta sẽ trở thành chủ sở hữu mới của tài sản mà ta đang nỗ lực trong ngày hôm nay. Do đó, không nên quá bi quan trước lời nhận định của ông Paul Krugman-người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, ta vẫn có thể ngăn chặn và vượt qua nỗi đau bằng ý chí và nỗ lực của bản thân.

Dưới sự hướng dẫn tâm linh của đạo Phật, chúng tôi đề nghị quý vị doanh nghiệp hãy thực tập thở và cười. Cái thở không chỉ là công cụ của sự sống mà là chính sự sống. Cái cười không chỉ là phương tiện để giải phóng những căng thẳng vật lý, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong máu và làm tươi nhuận các nơron thần kinh, mà còn là nghệ thuật để thiết lập niềm an vui và hạnh phúc nội tại vốn sẵn có trong mỗi con người. Đức Phật đưa hình ảnh ẩn dụ về đóa hoa sen tuy có mặt dưới bùn nhơ, nhưng nó không bị bùn nhơ tác động mà vẫn tỏa ngát hương thơm với hương, nhụy, cánh và hạt. Trên tinh thần và phát xuất từ nỗ lực chân chính như một điểm tựa của tâm linh, chúng tôi tin chắc đất nước Việt Nam sẽ vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu một cách thành công. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua chính mình với những thách đố, nhờ đó ta trở nên có giá trị với những đóng góp lớn hơn.