Điểm sách hay
Những Lời Dạy của Ðức Phật về Hòa Bình và Giá Trị Con Người
21/04/2557 23:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG BA

TRÍCH DỊCH VỀ TĂNG GIÀ

 

Khi đức Phật thành lập đoàn Tăng-già đầu tiên, Ngài chú ý bận tâm nhất là chế đặt một số giới luật căn bản để bảo đảm một đời sống thật sự hòa hợp nhất trí giữa các chúng Tăng. Do vậy, Ngài dạy sáu pháp cần phải ghi nhớ hay sáu phép hòa kỉnh. Ngài khuyên các đệ tử của Ngài sống với nhau trong tinh thần hòa hợp hoan hỷ với nhau như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt đầy thiện cảm. Khi các Tỷ-kheo ở Kosambi cãi vã nhau, lời khiển trách của đức Phật thật nghiêm khắc và thẳng thắn.

Thiên chủ Ðế Thích có sự kính trọng lớn đối với chúng Tăng, vì chúng Tăng tượng trưng cho thành phần "không chiến giữa giao chiến, trầm tĩnh giữa dao gậy". Ðế Thích xem những hạng người này là thắng trận hai lần, thắng trận đối với mình, thắng trận đối với người khác, những người, khi bị mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại.

Ðức Phật khuyên các Tỷ-kheo nên làm cho Pháp Luật khéo giảng này được chói sáng với hạnh kham nhẫn và nhu hòa của mình; nên sống đời sống thanh thoát và an tịnh, một đời sống thật sự hạnh phúc, khi tâm tư của chư vị đạt được hòa bình, hòa bình trên chính mình, hòa bình trên thế giới.

* * *

Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp nhất trí. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Lại nữa, này các Tỷ- kheo, Tỷ-kheo an trú từ khẩu hành... an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp nhất trí. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tài vật nhận được đúng pháp, hợp pháp, cho đến những tài vật thâu nhận chỉ trong bình bát, Tỷ-kheo không phải là người không san sẻ các tài vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Pháp này... (như trên) ... đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này... (như trên)... hòa hợp, nhất trí. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tri kiến, thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến như vậy, cùng với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này, cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí". (Trung Bộ I. 321 B)

"Này các Anuruddhà như thế nào các Ông sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?" - "Bạch Thế Tôn ở đây chúng con nghĩ như sau: "Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các vị đồng phạm hạnh như vậy?" Bạch Thế Tôn, do vậy đối với các vị đồng phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ khẩu nghiệp trước mặt và sau lưng,con khởi lên từ ý nghiệp trước mặt và sau lưng. Bạch Thế Tôn, do vậy chúng con nghĩ như sau: "Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này. Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con khác thân nhưng giống như đồng một tâm". (Trung Bộ I. 206)

"Này các Tỷ - kheo, các Thầy nghĩ thế nào? Trong khi các Thầy sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, trong khi ấy các Thầy có an trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng không? Các Thầy có an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng không? Các Thầy có an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng không?" - "Bạch Thế Tôn, không". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy đã chấp nhận rằng, trong khi các Thầy sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, trong khi ấy không an trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng, không an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng, không an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Như vậy, này các kẻ ngu kia, do biết gì, do thấy gì các Thầy sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi, và các Thầy không tự thông cảm nhau, không chấp nhận hòa giải. Như vậy, này các kẻ ngu kia, các Thầy sẽ phải chịu bất hạnh, đau khổ trong một thời gian dài ". (Trung Bộ I. 321A-321B)

(Ðế Thích):
"Chư Thiên chiến Tu-la,
Loài Người cùng gây chiến,
Không chiến giữa gây chiến.
Trầm tĩnh giữa đao gậy,
Không chấp giữa chấp trước,
Vậy ta kính lễ chúng ". (Tương Ưng I. 299 - 300)

Sakka vua các chư Thiên nói lên những câu kệ này:

"Người đầy đủ sức mạnh,
Chịu nhẫn người yếu kém,
Nhẫn ấy gọi tối thượng,
Thường nhẫn kẻ yếu hèn.
Sức mạnh của kẻ ngu,
Ðược xem là sức mạnh,
Thời sức mạnh kẻ mạnh
Ðược gọi yếu hơn sao?
Người mạnh hộ trì pháp,
Không nói lời phản ứng.
Bị mắng, nhiếc mắng lại,
Ác hại nặng nề hơn.
Bị mắng, không mắng lại
Ðược chiến thắng hai lần,
Thắng mình và thắng người ". (Tương ưng I. 280-281)

"Bà-la-môn tịch tịnh,
Luôn luôn sống an lạc,
Không đèo bòng dục vọng,
Thanh lương, không sanh y,
Mọi ái trược đoạn diệt,
Tâm khổ não điều phục,
Tịch tịnh sống an lạc,
Tâm tư đạt hòa bình ". (Tương Ưng I. 265)

"Như Lai, bậc Giác ngộ,
Thương xót mọi hữu tình,
Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,
Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.
Ta không thích hận thù,
Ta nhận tội các Ông". (Tương Ưng I. 29)

*
* *