Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Con Đường Bồ Tát Nhập Thế Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác
Thích Viên Giác Nhà Xuất Bản Thời Đại
26/10/2554 06:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Con Đường Bồ Tát Nhập Thế Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác
Mục lục

 

Chương 2. Giải thích nội dung kinh Bát Đại Nhân Giác

 

Kinh Bát Đại nhân Giác, bố cục thành ba phần như sau:

I. Phần mở đầu chỉ một câu đơn giản như là giới thiệu tám điều giác ngộ.

II. Phần nội dung tám điều giác ngộ ấy.

III. Phần khuyến khích tu tập theo tám điều giác ngộ ấy, phần này coi như là phần kết thúc của Kinh.

Để giải thích sát với Kinh văn và phục vụ cho công tác giảng dạy, chúng tôi trình bày theo cách thông thường, nghĩa là mỗi bài gồm phần chánh văn, dịch nghĩa, giải thích và kết luận.


 

A. PHẦN MỞ ĐẦU

 

BÀI I

 

為佛弟子

常於晝夜

志心誦念

八大人覺

I. CHÁNH VĂN

Vi Phật đệ tử

Thường ư trú dạ

Chí tâm tụng niệm

Bát Đại nhân Giác.

II. DỊCH NGHĨA

Là đệ tử của đức Phật thì ngày cũng như đêm chí thành đọc tụng và quán niệm tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân.

III.GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Lời mở đầu ngắn gọn và đơn giản, có tính cách giới thiệu chủ đề, không như phần mở đầu của các Kinh khác thường có. Điều nầy chứng tỏ Ngài An Thế Cao đã trích lục, soạn thảo tám điều giác ngộ, Ngài chủ động giới thiệu để người đọc có thể đi thẳng vào nội dung.

Mặc dù ngắn gọn nhưng tha thiết, vừa nói lên trách nhiệm và bổn phận của người phật tử vừa chỉ dẫn những điều cụ thể phải thực hành.

Trách nhiệm của người phật tử là gì? Ở đây không nói là người xuất gia, vậy từ phật tử chỉ chung cho tại gia và xuất gia. Mang danh con của Phật thì phải thể hiện tính của Phật, đấy là chỗ khác biệt giữa người phật tử và không là phật tử; đấy là trách nhiệm của người phật tử, những biểu hiện ở hành vi và ngôn ngữ cũng như tâm ý của người phật tử luôn có sự cao thượng, lợi ích và hạnh phúc cho những người xung quanh.

Để xứng đáng với danh nghĩa là con của Phật, người phật tử phải có quá trình tu tập bản thân; không phải tụng Kinh, niệm Phật theo thời khóa nhất định mà sự tu tập ấy phải diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, lời mở đầu gọi là Trú Dạ, là ngày cũng như đêm. Như vậy mới đủ năng lực chuyển hóa tính phàm phu của mình.

Tụng niệm không có nghĩa là đứng trước bàn Phật tụng Kinh gõ mõ là đủ. Tụng là đọc tụng, còn niệm là an trú tâm vào đối tượng, còn gọi là chánh niệm, là hướng tâm, an trú tâm vào đối tượng, ở đây chính là Tám điều Giác ngộ của bậc Đại nhân. Do tụng và niệm thường xuyên làm huân tập chủng tử thiện pháp, trí tuệ ngày càng lớn, thân tâm càng thanh tịnh, càng ngày càng gần với tính Phật như vậy xứng đáng là con của Phật.

Bậc Đại nhân là người lớn, là người trưởng thành, chỉ cho những người không còn bị sai khiến hay bị chế ngự bởi các phiền não, dục vọng. Theo truyền thống Đại thừa thì chỉ cho Phật và Bồ tát, theo truyền thống Nguyên thủy, đó là những vị chứng quả A La Hán hay trên đường chứng quả A La Hán.

IV. KẾT LUẬN

Lời mở đầu Kinh Bát Đại Nhân Giác tuy ngắn gọn nhưng nói lên được mục đích và yêu cầu của một người phật tử. Dù tại gia hay xuất gia người Phật tử cần phải tu tập quán chiếu ngày đêm các thiện pháp để tăng trưởng công đức và thành tựu cứu cánh Niết bàn.

Điều quan trọng là những gì mà chư Phật, các bậc Thánh hiền đã tu tập, đã thành tựu thì con của Phật phải làm theo, không nhiều thì ít để phần nào xứng đáng với danh xưng phật tử.


 

B. PHẦN NỘI DUNG KINH

Bài II

第一覺悟

世間無常

國土危脆

四大苦空

五陰無我

生滅變異

虛偽無主

心是無源

形為罪藪

如是觀察

漸離生死

 

I. CHÁNH VĂN

Đệ nhứt giác ngộ

Thế gian vô thường

Quốc độ nguy thúy

Tứ đại khổ không

Ngũ ấm vô ngã

Sanh diệt biến dị

Hư ngụy vô chủ

Tâm thị ác nguyên

Hình vi tội tẩu

Như thị quán sát

Tiệm ly sanh tử

II. DỊCH NGHĨA

Điều thứ nhất, giác ngộ rằng cuộc đời là vô thường, vũ trụ mong manh tạm bợ. Sự cấu tạo của bốn đại là trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, tập hợp năm ấm là vô ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, không thực và không có chủ thể. Tâm ta là cội nguồn phát sinh điều ác, thân ta là nơi tích tụ tội lỗi. Quán chiếu như thế dần dần thoát ly sanh tử.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Điều giác ngộ thứ nhất, được coi là tu quán Tứ Niệm Xứ. Quán Tứ Niệm Xứ là pháp tu đặc biệt của Phật giáo, là pháp môn quan trọng, là con đường duy nhất dẫn đến Niết bàn (Ekayana). Tác dụng của pháp quán này được đức Phật dạy rất rõ trong Kinh Niệm Xứ, Trung A- hàm 98. “Nếu Tỳ kheo nào trong từng khoảnh khắc lập tâm chánh trụ nơi bốn Niệm Xứ, nếu buổi sáng thực hành như vậy thì buổi tối liền được thăng tấn. Nếu buổi tối thực hành như vậy thì nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tấn” (Trung A- hàm I. T578). Nội dung của chánh niệm chính là quán niệm về Tứ Niệm Xứ. Vì vậy điều thứ nhất giác ngộ được coi là tương đương với chánh niệm của Kinh Bát Niệm, phép quán niệm về bản chất của vũ trụ nhân sinh được đưa vào đầu tiên nhằm củng cố cái nhìn của người phật tử bằng chánh kiến, là sự nhận thức rõ về sự vật hiện tượng. Quán niệm không phải là cái suy nghĩ hay nhận thức thông thường mà là ý thức về đối tượng, duy trì ý thức ấy trên đối tượng, đồng thời đi sâu vào lòng đối tượng ấy, nhờ đó mà ta có cái nhìn rõ về đối tượng. Kết quả của sự quán chiếu đối tượng như thế là sự hợp nhất giữa chủ thể và đối tượng, ta hiểu đối tượng như chính ta.

Đối tượng của sự quán chiếu thứ nhất là nhân sinh và vũ trụ:

“Cuộc đời là vô thường

Vũ trụ mong manh tạm bợ.”

Quán chiếu về tính cách vô thường của đời sống con người và hoàn cảnh mà con người đang sống làm cho ta thấy rõ bản chất của sự vật. Chúng ta đau khổ vì chúng ta ngu si không thấy rõ tính chất vô thường mong manh tạm bợ của cuộc đời, vì không thấy rõ nên ta tham đắm chấp thủ cuộc đời rằng cái này là ta, là của ta, từ đó phiền não sinh ra: tham, sân, kiêu căng, hoàøi nghi, sợ seat...

Thân thể là vô thường: Đây là điều dễ hiểu dễ thấy nhưng ít người chấp nhận một cách sâu sắc, có sinh thì có già, có bệnh và chết. Sự chuyển biến hủy hoại theo thời gian của thân thể là một sự thật khách quan. Sự đau khổ của chúng ta không phải là do tính vô thường của thân thể mà chính là do chấp thủ, tham đắm vào thân thể mà đau khổ phát sinh.

Tâm lý là vô thường: Tâm của ta không đứng yên một chỗ mà là chuyển biến liên tục như dòng nước chảy xiết buồn, vui, thương, ghét, giận, lo lắng, những quan điểm, khái niệm đúng, sai, tốt, xấu thay đổi không ngừng nhấp nhô như sóng biển bất tận, vui đó rồi buồn đó, thương rồi giận… không ai làm chủ được tâm lý của mình.

Tình cảm là vô thường: Tình thương của cha mẹ đối với con cái, vợ đối với chồng, anh em, bạn bè, quê hương đất nước... không có gì là chắc chắn bền bỉ. Tình yêu rồi thù hận, trung thành rồi phản bội, thương nhau lắm cắn nhau đau...

Tài sản tiền bạc là vô thường: Có rồi không, được rồi mất, giàu rồi nghèo, hết sức mong manh tạm bợ, dễ bị lửa cháy, nước trôi, nhà nước tịch thu, trộm cướp và con cái phá tán.

Danh vọng địa vị là vô thường: Công danh sự nghiệp chức tước địa vị thăng giáng vô thường, vinh quang rồi tủi nhục, kính trọng hay khinh bỉ không có gì tồn tại mãi.

Hoàn cảnh vô thường: Hoàn cảnh xã hội, đường lối sách lược luôn luôn thay đổi, đất lở, sông bồi, núi non hay biển cả, mây gió trăng sao đều luôn luôn chuyển biến “thương hải biến vi tang điền” là điều thường thấy.

Tất cả đều nằm trong qui luật: vô thường, hoại diệt. Quán chiếu về tính chất vô thường của vũ trụ nhân sinh không nhằm mục đích đưa đến thái độ bi quan yếm thế mà chính là hướng dẫn ta có cái nhìn chính xác về sự thật của đời sống. Nhờ có cái nhìn rõ ràng và sáng suốt như vậy mà ta được an ổn, trầm tĩnh, không ưu tư sầu muộn, đau khổ về đời sống, ta đạt được giải thoát, tự do. Kinh Pháp Cú đức Phật dạy:

“Hãy nhìn như bọt nước

 Hãy nhìn như huyễn cảnh

Quán nhìn đời như vậy

Thần chết không bắt gặp”.

Đối tượng quán chiếu tiếp theo là bốn đại và năm uẩn để thấy được tính chất vô ngã của chúng, nghĩa là thấy được sự trống rỗng không có chủ thể của bốn đại và năm uẩn. Bốn đại là bốn nguyên tố vật chất theo quan điểm triết học Ấn Độ cổ đại tất cả hình thể vật chất đều do sự cấu thành của bốn nguyên tố nầy. Nhưng khi diễn tả sự cấu thành thân thể con người, đạo Phật không dừng ở đó mà thêm hai nguyên tố nữa là không đại và thức đại. Năm uẩn là năm nhóm tạo thành con người gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thân thể bao gồm bốn đại ở trên; thọ là nhóm cảm giác; tưởng là nhóm tri giác; hành là nhóm động lực tâm lý và thức là nhóm nhận thức. Nói một cách tổng quát thì con người do bốn đại và năm uẩn cấu thành, ngoài bốn đại và năm uẩn không có cái gì gọi là con người cả.

Quán chiếu về bốn đại tức là bốn yếu tố vật chất để thấy rõ bản chất trống rỗng của chúng. Cần chú ý là vật chất ở đây chỉ cho thân thể của ta. Thân ta nếu phân tích sẽ thấy nó gồm có đại địa, tức xương thịt, các chất rắn; thủy đại tức nước tiểu, mồ hôi, nước mắt nói chung là chất lỏng; hỏa đại là hơi ấm, nhiệt độ thân thể, còn nhiệt độ là còn sống; phong đại là thể khí như không khí để thở, khoảng không chứa đựng các loại khí... Nếu bốn yếu tố nầy đầy đủ điều hoà thì thân thể ta khỏe mạnh, nếu một trong bốn yếu tố mất thăng bằng thì thân thể bị bệnh hoặc khó chịu ngay. Bản chất của chúng là không có tự tính, chúng phải dựa vào nhau mà tồn tại hay nói cách khác chúng tồn tại do duyên sinh. Vì vậy không có gì là chắc chắn bảo đảm, chúng vô thường. Thân thể chúng ta là vô thường như phép quán đầu tiên, chúng vô thường vì chúng trống rỗng, nghĩa là vô ngã. Chúng vô ngã vì chúng tồn tại có điều kiện. Đó là qui luật của thực tại. Vì vậy Kinh văn nói: “Sự cấu tạo của bốn đại là trống rỗng”. Sự vô thường, vô ngã của bốn đại là qui luật khách quan, nhưng tại sao trong Kinh văn cho là “khổ”? Thực ra cái khổ không do vô thường hay vô ngã của thân thể mà do nhận thức chấp thủ rằng thân thể là thường, là ngã, là tôi, là của tôi mà sinh ra cái khổ, nên Kinh văn (được) dịch là “có tác dụng gây ra đau khổ”. Vậy đau khổ ở đây là do không quán chiếu để thấy rõ bản chất của thân thể (hay của bốn đại) là “vô ngã” mà chấp vào nó nên “khổ”.

Quán chiếu về bốn đại tức là quán chiếu về yếu tố sắc uẩn trong năm uẩn. Tiếp tục quán chiếu về bản chất của con người chính ta, bằng cách soi chiếu sâu sắc vào năm uẩn, về mặt tinh thần, tâm lý thì được chia thành bốn nhóm:

1. Nhóm cảm giác (Vedanà): Là thọ hay cảm thọ. Nhìn sâu vào nhóm cảm thọ ta sẽ nhận diện bộ mặt thật của chúng; chúng sinh trưởng và hoại diệt như thế nào? Cảm thọ có nhiều loại, khái quát có ba loại chính: cảm thọ khổ, cảm thọ vui sướng, cảm thọ trung tính (không khổ, không vui). Một cảm giác sinh khởi nó tùy thuộc các điều kiện nhân duyên. Nó không tự tồn tại và không có giá trị lâu bền. Một cảm giác dễ chịu thoải mái do đâu mà sinh? Nguồn gốc của nó có thể từ vật chất như ta có một món tiền lớùn hay một bữa ăn ngon chẳng hạn. Nguồn gốc của nó có thể từ tâm lý như khi ta thương yêu hay thưởng thức một bài thơ hay, ta khoan khoái dễ chịu. Quán chiếu sâu hơn ta thấy các cảm thọ còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố như không gian, thời gian, trình độ văn hóa, thời tiết, điều kiện xã hội…. Rõ ràng là cái cảm giác buồn hay vui chứa đựng cả một bầu trời duyên sinh; chỉ cần thiếu đi một yếu tố, chi tiết nào đó, cảm thọ vui sẽ giảm hoặc mất đi. Vậy ở trong cảm thọ cái gì là cái ta, cái của ta? Chúng không thực và không có chủ thể.

2. Nhóm tri giác: (Tưởng- sannakhandha) Chúng là sự nhận thức, sự cấu thành khái niệm về đối tượng là vật lý hay tâm lý. Đây là nhóm nhận thức sau khi các giác quan tiếp xúc với ngoại cảnh; nó thu nhận đối tượng và biểu tượng hóa cái đối tượng của giác quan. Tưởng thiết lập cơ sở các dữ liệu cho nhận thức lý luận, cho sự nhận thức sâu hơn về thế giới vật lý hay tâm linh. Nhóm tri giác có sáu loại tượng ưng với sáu giác quan tiếp xúc với sáu đối tượng mà sanh nhận thức về các đối tượng ấy.

Cũng như thọ (cảm giác ), nhóm tưởng đòi hỏi và tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhiều điệu kiện nhân duyên, sự cấu thành nhận thức, khái niệm về sự vật là như thế nào; tùy thuộc vào yếu tố không gian, thời gian, thời tiết, điều kiện văn hóa, xã hội... ở trong chúng không có cái gì gọi là bền vững hay riêng lẻ.

3. Nhóm tạo tác tâm lý: (Hành– sankhàra) hành là quá trình tạo tác tâm lý, một loại ý định, chủ tâm. Thực ra thọ hay tưởng đều thuộc về hành nhưng thọ và tưởng không tạo tác kết quả nghiệp nên được tách riêng. Hành mới có tác dụng tạo nghiệp đưa đến thiện, ác và tái sanh.

Những hiện tượng tâm lý gọi chung là tâm hành, duy thức học gọi là tâm sở– cảm giác và tri giác không phải là những hoạt động ý chí nên không bao gồm trong hành uẩn. Hành uẩn gồm những tâm lý phát sinh động lực và tạo tác dụng thúc đẩy năng lực đi tới như tham dục, sân hận, hãm hại hoặc ước muốn, tin tưởng, tinh tấn... Những hoạt động tâm lý thuộc hành uẩn diễn ra khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu đối tượng giác quan. Ví dụ khi mắt thấy sắc đẹp sinh ra tham muốn, sự vướng mắc vào đối tượng tham đắm hay giận hờn, nó tùy thuộc rất nhiều điều kiện khác nhau, nói cách khác nó cũng do duyên sinh không có yếu tố tạo tác tâm lý nào là cố định, tự phát. Chúng tùy thuộc vào nhân duyên mà sinh và nhân duyên mà diệt.

4. Nhóm thức (Vinnàna): Thức là một phản ứng căn bản khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, gồm sáu loại: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Về sau Đại thừa duy thức triển khai thêm hai thức nữa là Mạt na thức và A lại gia thức, gọi một cách tổng quát là tâm vương. Cần phân biệt thức uẩn và tưởng uẩn. Thức thì nhận biết đối tượng- sự hiện diện của đối tượng. Ví dụ khi mắt thấy sắc, thức nhận thức về sự hiện của một đối tượng như bông hoa chẳng hạn. Còn tưởng là tri giác sẽ nhận ra đấy là hoa hồng hay hoa lài, màu đỏ hay màu trắng.

Thức theo Phật giáo không phải là một linh hồn tồn tại độc lập, đức Phật dạy: “Thức được gọi tên tùy theo điều kiện, nhờ đó mà đó sinh khởi:, Nhờ con mắt và đối tượng con mắt mà thức phát sinh, gọi là nhãn thức...” Thức tồn tại nhờ sắc… nhờ thọ... nhờ hành...”. Như vậy thức không tồn tại độc lập và không có cái ngã trong thức.

Tóm lại quán chiếu để thấy rõ bốn đại và năm uẩn là trống rỗng, là vô ngã, là duyên sinh. Nhờ thấy rõ bản chất của chúng mà đoạn trừ được tham ái và chấp thủ vào chúng. Khi đã buông xả ý niệm về thân tôi, về tôi, về tự ngã của tôi thì mọi ảo tưởng về thân sẽ tan biến gọi là đoạn trừ thân kiến, bước đầu của bậc Kiến đạo.

Đối tượng quán chiếu thứ ba là khía cạnh bất thiện của thân và tâm, cũng có nghĩa phải thấy rõ mặt tiêu cực, nguy hiểm của thân và tâm để mà đề phòng, hạn chế xu hướng phát triển của chúng.

Kinh văn dạy: “Phải quán chiếu tâm ta là cội nguồn phát sinh điều ác, thân ta là nơi tích tụ tội lỗi”. Trước hết cần xác định rằng: Điều ác, điều bất thiện là do tâm tạo tác chứ không phải từ bên ngoài phát sinh, đây là lập trường căn bản của giáo lý về nghiệp. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm nhiễm ô để nói năng hay hành động thì kết quả đau khổ đi theo như bánh xe lăn theo con vật kéo xe… Nếu đem tâm thanh tịnh để nói năng hay hành động thì kết quả hạnh phúc đi theo như bóng theo hình”. Thiện, ác, đau khổ hay hạnh phúc đều xuất phát từ tâm ý. Tuy nhiên ở đây Kinh chỉ đề cập đến khía cạnh bất thiện, đau khổ mà thôi. Từ những nhận thức sai lầm dẫn đến các tâm lý bất thiện tham, sân, si, mạn, nghi, tạo thành động lực cho ác nghiệp. Cũng cần phải thấy rõ sức mạnh của nghiệp bất thiện nó có mặt từ quá khứ, tức là nhiều đời kiếp về trước nên khó đoạn trừ, đừng chủ quan, hời hợt và coi thường chúng; có quán chiếu sâu sắc mới thấy những tiềm ẩn vi tế, gốc gác sâu xa của chúng. Thân thể là nơi tích tụ tội lỗi, đây cũng là quán chiếu để thấy rõ mặt tiêu cực của thân. Thân vật lý nó có những quy luật tồn tại riêng của chúng; chúng có những nhu cầu (tồn tại) sinh tồn. Những đòi hỏi thỏa mãn nếu ta không nhận ra đâu là nhu cầu thực và chính đáng, đâu là nhu cầu giả tạo không cần thiết của thân thì rõ ràng ta bị thân lôi cuốn vào tội lỗi. Phần lớn những tội lỗi sinh ra do thân làm động cơ, làm điều kiện; tất cả những nhu cầu ăn, mặc thỏa mãn sinh lý, những lạc thú đều từ thân, do thân. Vì vậy, không nên coi thân là quan trọng mà phải thấy rõ chúng đề sử dụng chúng như là phương tiện tu tập và hành đạo.

IV. KẾT LUẬN

Điều giác ngộ thứ nhất là quán chiếu để thấy rõ pháp ấn: Vô thường, khổ, không, vô ngã ở nơi thân tâm của con người với mục đích bỏ những vướng mắc tham đắm, chấp thủ đối với con người và cuộc đời. Duy trì sự quán chiếu ấy trên đối tượng thân, tâm, hoàn cảnh của mình; mình sẽ có thái độ ứng xử thích hợp với chân lý. Đây không phải là lối nhìn bôi đen đời sống, là lối nhìn tiêu cực, mà chính là cách nhìn của tuệ nhãn đầy tích cực, nó có tác dụng mang lại sinh lực cho chúng ta. Con người đau khổ mất mát sinh lực chính là do nhìn đời ngược lại. Thành tựu các “niệm xứ” như Kinh đã dạy, tức là bước vào Thánh đạo, không có con đường nào khác. Nhãn quan của đạo Phật về cuộc đời quá rõ như Kinh Kim Cương dạy:

 “ Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán”.

 


 

BÀI III

 

第二覺知

多欲為苦

生死疲勞

從貪欲起

少欲無為

身心自在

 

I. CHÁNH VĂN

 

Đệ nhị giác tri

Đa dục vi khổ

Sanh tử bì lao

Tùng tham dục khởi

Thiểu dục vô vi

Thân tâm tự tại.

II. DỊCH NGHĨA

Điều thứ hai giác ngộ rằng ham muốn nhiều thì đau khổ nhiều. Những nỗi khốn khổ trong cõi sanh tử đều do tham dục mà sanh. Người ít ham muốn, không tạo tác (nghiệp bất thiện) nên thân tâm được tự tại.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Điều giác ngộ thứ hai nói về nguồn gốc đau khổ là do tham dục. Tham nhiều thì khổ nhiều, người ít tham dục thì không bôn ba tìm kiếm, không tạo nghiệp bất thiện, không bị các đối tượng của dục hay ngoại duyên chi phối nên được thảnh thơi, thoải mái, an vui.

Điều này nói lên một chân lý: Khổ và điều kiện sanh ra khổ, đó là lòng ham muốn nhiều của con người. Cái khổ do tham là một kinh nghiệm thực tế mà ai cũng kinh qua. Các đối tượng để mình tham muốn có năm loại tiêu biểu: tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, hay nói cách khác, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm vị ngon, xúc chạm êm dịu. Tại sao tham muốn các đối tượng nầy là khổ? Thực ra, khi ta tham muốn các đối tượng ấy là ta sướng chứ không phải khổ, khổ không bao giờ là đối tượng mong cầu của ai cả. Khổ có nhiều phương diện:

I. Khổ về cảm thọ hay cảm giác: sung sướng, hạnh phúc là một cảm giác mà Phật học gọi là lạc thọ, ngược lại đau khổ cũng là một cảm giác gọi là khổ thọ. Cả hai loại cảm thọ này thường đi đôi với nhau, đôi khi chúng làm điều kiện cho nhau: “cái này có nên cái kia có” vui quá thì sẽ buồn quá “trèo cao té nặng...”. Cảm giác hạnh phúc và khổ đau là bản chất của tham dục. Khi một đối tượng thích ý có mặt nó đem đến cho ta khoái cảm, nhưng khi đối tượng ấy thay đổi, không có mặt nữa nó đem đến cho ta đau khổ, cũng như có thương nên mới có hận, nếu không thương thì làm gì có thù hận!

Trong Kinh Đại Khổ Uẩn (Trung Bộ Kinh I) đức Phật dạy: Bản chất của dục có ba khía cạnh, mà người tu hành cần phải biết rõ : Vị ngọt của dục, vị đắng của dục và sự giải thoát khỏi chúng.

Vị ngọt của dục: Các đối tượng tham dục đem đến cho con người khoái lạc, sung sướng, thích thú. Vì vậy ai cũng mong cầu tham đắm chúng, những lạc thú này thỏa mãn cảm giác lạc thọ của các giác quan và bản năng hưởng thụ của con người, làm cho cuộc sống của con người trở nên thú vị, có ý nghĩa hơn. Sự hấp dẫn của chúng không dễ thấy được một cách sâu sắc. Có một chuyện ngụ ngôn Phật giáo kể rằng: “Có một người tử tù vượt ngục, bị các con voi của vua rượt đuổi phía sau. Trong cơn nguy kịch, anh ta bị rơi xuống một cái giếng sâu, may thay anh ta nắm được một sợi dây leo khá chắc. Các con voi đã đến và gầm thét trên miệng giếng. Anh nhìn quanh giếng thấy có ba con rồng đang há miệng chờ, bốn góc giếng có bốn con rắn độc đang lăm le chực mổ, nguy hơn nữa là có hai con chuột đang gặm nhấm hai đầu sợi dây leo mà anh đang bám vào, tình thế tuyệt vọng. Trong lúc ấy có một bầy ong bay ngang qua, anh ta ngước cổ há miệïng nhìn, bầy ong tình cờ làm rơi xuống năm giọt mật ngay miệng anh. “Ôi! giọt mật ngọt làm sao!” Anh thốt lên. Trong phút chốc anh ta quên mất sự khốn cùng của mình”. Năm giọt mật ấy dụ cho năm dục, nó tạo nên lạc thú cho con người. Nói chung những gì đem đến hỷ và lạc đó là vị ngọt của ngũ dục.

Cảm thọ lạc thú có một tính chất nữa là rất chóng tàn. Khi lạc thọ đã qua đi sẽ để lại tâm hồn ta một nỗi trống trải, lạc lõng, nó hình thành một nhu cầu, thúc đẩy tái tạo lạc thọ ấy và chúng ta lên đường tìm kiếm. Nhưng những lạc thọ đã kinh nghiệm không còn hấp dẫn nữa, không còn “lạc” nữa, phải tìm kiếm lạc thú mới, nghĩa là lạc thú có cường độ cao hơn... cứ thế mà tiếp diễn, rồi nỗi khổ xuất hiện...

2. Khổ vì đấu tranh: Để đạt được các đối tượng lạc thú không phải dễ dàng, phải có sự mưu tính, nỗ lực, phải tranh đấu, phải hy sinh... mới có được. Trong Kinh Đại Khổ Uẩn, Phật dạy: Vị đắng của dục hay sự nguy hiểm của tham dục cần phải hiểu rõ rằng:

- Để có các đối tượng tham dục, để thỏa mãn nhu cầu của tham dục, con người phải nỗ lực tìm kiếm chúng, phải đầu tắt mặt tối, phải vất vả, phải hy sinh... may ra mới có được những gì mình muốn.

- Những người vất vả như vậy mà vẫn hai bàn tay trắng không có kết quả gì, thất vọng buồn phiền.

- Có những nguời may mắn hơn, có được những gì mình muốn nhưng phải lo giữ gìn, sợ hãi sẽ mất mát, hao mòn.

- Do mình có tài sản hay mình muốn tài sản, lạc thú mà cha con tranh chấp, vợ chồng chia tay, bạn bè hãm hại, anh em kiện cáo nhau, dối trá lường gạt, hãm hại... xảy ra.

- Do tham dục mà xóm làng, băng đảng, quốc gia... gây chiến tranh đổ máu, chết chóc... xảy ra cục bộ hay toàn diện.

Do tham dục mà con người sống như cầm thú, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, ác nghiệp...

Do vậy chết trong đau khổ, đọa vào đoạ xứ, địa ngục... Đó là ý nghĩa của kinh văn: “Những nỗi khốn khổ trong cõi sinh tử đều do tham dục mà sanh”.

Người ít dục, ít ham muốn lạc thú thì ít khốn khổ hơn, được thanh thản thoải mái hơn như trong Kinh Đại Khổ Uẩn (sđđ) đức Phật dạy là sự xuất ly khỏi dục.

Trước hết, do nhận thức rõ vị ngọt và sự nguy hiểm của dục nên sự hấp dẫn của chúng không đủ lực để cuốn hút, chi phối ta nữa. Sau đó trong quá trình quán chiếu tu tập sự an lạc của thiền hay của pháp sanh khởi, chuyển hướng tư duy của ta và chuyển hóa bản năng hưởng thụ dục lạc. Nhờ đó, ta xuất ly khỏi tầm ảnh hưởng của dục. Đó gọi là thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.

IV. KẾT LUẬN

Ham cầu nhiều thì vất vả, khổ sở nhiều; đó là quy luật, đó là con đường phàm phu ngu muội. Con người cứ tưởng rằng họ đạt được nhiều tiền bạc hay địa vị cao là họ thỏa mãn, họ có hạnh phúc. Nhưng thực tế thì vui ít, hạnh phúc ít mà buồn sầu đau khổ thì nhiều. Cuối cùng con người cũng nhận ra chân lý đơn giản này khi họ buộc phải từ bỏ tất cả, như khi chết chẳng hạn...

Nỗi đau khổ của cuộc đời giống như nồi nước đang sôi, ngọn lửa làm cho nước sôi là ngọn lửa tham dục, ngọn lửa càng lớn, nước càng sôi và càng cạn kiệt, ngọn lửa càng yếu thì nước sôi sẽ bớt nhiệt độ và hết sôi. Cũng vậy, ngọn lửa tham dục bớt đi thì đau khổ sẽ giảm, giảm mãi hằng ngày đến lúc không còn gì để giảm nữa (vô vi) thì sự giải thoát tối hậu được thành tựu .


 

BÀI IV

 

第三覺知

心無厭足

唯得多求

增長罪惡

菩薩不爾

常念知足

安貧取道

惟慧是業

 

I. CHÁNH VĂN

 

Đệ tam giác tri

Tâm vô yểm túc

Duy đắc đa cầu

Tăng trưởng tội ác

Bồ tát bất nhĩ

Thường niệm tri túc

An bần thủ đạo

Duy tuệ thị nghiệp

II. DỊCH NGHĨA

Điều thứ ba giác ngộ rằng tâm ta không bao giờ biết chán đối với dục lạc, luôn muốn dược nhiều, vì vậy tội ác tăng trưởng. Bậc Bồ tát thì không như vậy, họ luôn nghĩ đến sự biết đủ, sống an vui thanh đạm để hành đạo, lấy trí tuệ làm sự nghiệp của mình.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

1. Như đã trình bày ở bài trước, dục lạc có vị ngọt, sự hấp dẫn nhưng đồng thời nó cũng có vị đắng, sự nguy hiểm. Sự nguy hiểm ấy chính là không bao giờ thỏa mãn. Vì vậy, không bao giờ người ta biết dừng lại đối với các lạc thú thế tục. Con người luôn tìm kiếm lạc thú, những kích thích mới; nó đẩy con người đi về phía trước một cách mù quáng giống như những con thiêu thân lao vào ánh lửa. Một người đã bị một lạc thú nào đó hấp dẫn, trở thành mục tiêu hay lý tưởng của đời mình, như đối tượng là tiền bạc chẳng hạn, thì lòng họ không bao giờ biết đủ hoặc biết dừng lại. Lòng tham của họ sẽ là “vô đáy”, như một guồng máy đã khởi động là không ngừng quay cho đến khi nào bị hư hay hết nhiên liệu, đây là một thực tế tâm lý. Vì vậy tội ác ngày càng nhiều do phải chiếm đoạt cho được mục đích vô tận ấy.

Xu hướng tìm kiếm lạc thú là xu hướng chung của loài người, các loài động vật cũng vậy, đó là bản năng thụ hưởng. Hạnh phúc là từ ngữ văn vẻ của từ lạc thú; hạnh phúc là mục tiêu của đời sống con người. Những quan niệm về hạnh phúc thông thường là chiếm hữu càng nhiều càng tốt các đối tượng dục lạc, thỏa mãn nhu cầu lạc thú của các giác quan mà trong Kinh gọi là dục lạc, phàm phu lạc. Vì nhu cầu hưởng thụ là bản năng nên nó không tự dừng lại được. Có người đọc câu “Nghĩ đến thân thể đừng cầu không tật bệnh. Vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh”, ở trong luận Bảo Vương Tam Muội, người ấy cho rằng đối trị tham dục bằng cách cứ để cho tật bệnh rề rề như vậy không cần chữa chạy dứt điểm. Họ quên rằng dù bệnh nặng tham dục vẫn tồn tại, chẳng qua “lực bất tòng tâm” mà thôi.

Làm sao dừng lại được lòng tham dục? Phải nỗ lực tu tập, phải “rèn luyện” mà thôi. Kinh Trung Bộ đưa ra công thức: “Nhàm chán đưa đến ly tham, ly tham đưa đến đoạn diệt, đoạn diệt đưa đến Niết bàn”. Vậy để dừng lại tham dục phải có thái độ nhàm chán. Bằng cách nào để được nhàm chán? Để giải quyết vấn đề, đạo Phật đưa ra tám vạn bốn ngàn pháp môn. Do vậy, có người cho rằng đạo Phật là đạo diệt dục, khô khan. đạo Phật chủ trương diệt dục nhưng dục ở đây là tham dục, dục vọng vị kỷ không phải dục hướng thượng, thiện dục hay pháp dục. Vấn đề nhàm chán trước hết tùy thuộc vào năng lực quán chiếu, thấy rõ bản chất của dục, sự nguy hiểm và không đáng kể về giá trị của chúng, một số phương pháp cụ thể được đưa ra ở trong Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, An Trú Tầm... nhờ quán thấy rõ mà đoạn trừ mầm móng tư duy bất thiện: dục, sân, si. Sau đó là sự gần gũi, tu tập trong chánh pháp phát triển xu hướng ngược lại của thói thường như trong Kinh văn gọi là “thường niệm tri túc”.

2. Vì biết rõ sự nguy hiểm của dục lạc và lòng ham muốn vô tận là cội nguồn sanh tử nên các bậc Bồ tát không nghĩ, không làm theo thói thường của phàm phu mà làm ngược lại. Bồ tát là chữ viết tắt của Bồ Đề Tát Đỏa(Bodhisattva). Nghĩa là chúng sanh giác ngộ. (Bodhi: sự giác ngộ, trí tuệ, sattva:chúng sanh). Người giác ngộ gọi là Bồ tát. (Hữu tình giác) và làm cho chúng sanh giác ngộ gọi là Bồ tát (Giác hữu tình). Bồ tát là người giác ngộ nên thấy rõ qui luật của hạnh phúc và khổ đau rằng tham muốn nhiều thì tội ác tăng trưởng, khổ đau có mặt; ít ham muốn, biết đủ thì trí tuệ tăng trưởng, hạnh phúc có mặt...

Người biết đủ là biết hài lòng với những gì mình có được, đó là hạnh phúc và giàu có nhất trên cõi đời nầy. Người giàu có là người thỏa mãn sung sướng. Ngược lại người nghèo là người luôn thiếu thốn, khao khát, người không biết đủ luôn luôn thiếu thốn khao khát, luôn tìm kiếm nên họ là người nghèo, cho dù tài sản của họ nhiều đến đâu đi nữa. Giàu hay nghèo, thiếu hay đủ, chỉ trong một ý niệm mà thôi. Trong Kinh Di Giáo Phật dạy: “Tri túc giả tuy ngọa địa thượng do vi lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý” (Người biết đủ dù nằm ở trên đất cũng thấy an lạc, còn người không biết đủ dù được ở thiên đường cũng không vừa ý).

- Người giác ngộ (Bồ tát) hay là người phật tử không có nghĩa là người hoàn toàn vô dục, vô cầu. Vô dục,vô cầu là đối với dục lạc phàm phu vị kỷ, tác hại đưa đến đau khổ. Người phật tử hướng tâm mong cầu của mình về tha nhân và về pháp mà Kinh Trung Bộ gọi là Thánh cầu (Dhamma chan da) Kinh văn nầy gọi là Duy Tuệ Thị Nghiệp. Kinh Thánh Cầu, Phật dạy: “Cầu cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm”. Đó là sự mong cầu của Bồ tát hay của các bậc Thánh nhân, các đệ tử của đức Phật.

- Tại sao tu hành là: “An bần thủ đạo”? Phải chăng đạo Phật muốn bần cùng hóa xã hội nhân sinh? Dĩ nhiên là không. Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ vào, bám víu vào những cái gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau. Lòng tham là đầu mối của các bám víu, vướng mắc như vậy, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc. Vậy một người nghèo mà tham đắm nhiều thì sẽ khổ vô cùng, còn một người giàu mà ít tham đắm thì vẫn hạnh phúc, thanh thản như thường.

- Mặt khác sống đạm bạc để hành đạo dễ hơn là sống với nhu cầu hưởng thụ cao. ”Giàu sang học đạo là khó” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Thật vậy, khi mình có quá nhiều nhu cầu không chán thì phải hướng tâm tìm kiếm, phải đầu tư ý chí, tình cảm, sức khỏe, trí khôn và thời gian để đạt được những gì mình cầu mong. Như vậy, con người ta bị nô lệ cho dục vọng, bị cuốn hút vào hướng đi và mục tiêu vô bổ. Trái lại, biết tri túc an phận thanh bần để có thì giờ, sức lực, ý chí làm giàu đời sống tâm linh, đời sống trí tuệ. Hướng đời mình vào hướng đi thánh thiện và siêu thoát, chỉ có trí tuệ mới đáp ứng cho nhu cầu và hướng đi ấy nên gọi là duy tuệ thị nghiệp.

IV. KẾT LUẬN

Có hai con đường mà ta phải chọn lựa: Một là lao đầu vào đời sống thế tục tìm kiếm lạc thú và đương nhiên hưởng thụ cả đau khổ, con đường đó được làm bằng dục vọng và tội lỗi. Hai là con đường xuất thế siêu thoát lên trên mọi cám dỗ dục lạc, thành tựu những an lạc siêu thế, chấm dứt khổ đau, con đường nầy được làm bằng tri túc và trí tuệ, đấy là con đường của đệ tử xuất gia, của người tu sĩ Phật giáo, đây là con đường của người cư sĩ thực hành Bồ tát hạnh.


 

BÀI V

 

第四覺知

懈怠墜落

常行精進

破煩惱惡

摧伏四魔

出陰界獄

 

I. CHÁNH VĂN

Đệ tứ giác tri

Giải đãi trụy lạc

Thường hành tinh tấn

Phá phiền não ác

Tồi phục tứ ma

Xuất ấm giới ngục.

II. DỊCH NGHĨA

- Điều thứ tư giác ngộ rằng lười biếng sẽ đưa đến sa đọa. Vì vậy nên thường tinh tấn tu tập để phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma, vượt thoát ngục tù của năm ấm và ba cõi.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Ba điều đầu của tám điều giác ngộ trang bị cho hành giả khả năng nhận thức về bản chất thế giới (điều 1), chỉ cho hành giả thấy rõ nguồn gốc của đau khổ là tham dục (điều 2) và con đường khởi hành là tri túc, khai mở trí tuệ (điều 3). Đến bây giờ điều thứ tư, chính là sự dấn thân thực hiện hành trì. Biết mà không làm thì cũng như không biết, học mà không hành thì không có kết quả thực tiễn.

Nhận thức là bước đầu, sự thấy biết một cách sâu sắc và triệt để về thiện và bất thiện, về phàm phu và Thánh đạo sẽ tạo cho tâm thức hành giả một ước vọng: Ước vọng đạt đến mục tiêu giải thoát. Ước vọng nầy kích thích hành động để hướng dẫn hành động, tức là sự nỗ lực hành trì. Sự tu tập hành trì có kết quả hay không, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhân duyên mà hành giả có được, nhân duyên chủ yếu là ý chí nỗ lực, Kinh gọi là Tinh Tấn.

Tu tập là một quá trình, đòi hỏi duy trì ước muốn và nỗ lực thường xuyên, như giọt nước tuy yếu nhưng cứ nhiễu giọt không ngừng có thể làm thủng một tảng đá. Tảng đá trong tâm ta là một nền tảng vô minh phiền não đã được kết tụ rất lâu ngày. Vì vậy, chỉ cần thiếu nỗ lực nhiệt tâm trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, trong khoảng không gian, hoàn cảnh nào đó là có thể làm đổ vỡ toàn bộ công trình mà ta đã xây dựng hoặc ít nhất cũng làm chậm bước tu tập của mình. Nên Kinh văn gọi là “lười biếng sẽ đưa đến đọa lạc”.

Lười biếng nghĩa là lười biếng làm điều thiện, biết đó là điều tốt mà không thực hiện, hoặc thực hiện mà không đến nơi đến chốn, nửa vời... Đọa lạc có nghĩa là rơi xuống hoặc thối lui, rơi xuống chỗ thấp kém hèn hạ của phàm phu, thối lui tức có tiến bộ trong tu tập mà không giữ được thành quả, không phát huy thành quả ấy được.

Người tu hành như là một chiến sĩ ra mặt trận chiến đấu với giặc phiền não. Phiền não được gọi là giặc vì chúng có khả năng tàn phá và gieo rắc đau khổ cho cuộc đời của chính mình và tha nhân. Tham lam, sân hận, si mê... là những phiền não có hoạt động rộng và có lực lượng rất mạnh mẽ, nổi có chìm có, khả năng biến hóa ẩn tàng khó phát hiện và rất khó đối phó. Thấy được chúng là một chuyện, biết chỗ ẩn trú của chúng là một chuyện khác và thắng nó hay tiêu diệt được nó lại là một chuyện khác nữa. Vì vậy mà nội dung của tinh tấn được coi là tứ chánh cần, tức là bốn phương diện tinh tấn:

1. Nỗ lực đoạn trừ các điều ác chưa sinh tức chúng còn trong trứng nước, chưa được sanh ra.

2. Nỗ lực đoạn trừ các điều ác đã sanh, không cho chúng phát triển.

3. Nỗ lực thực hành, khơi dậy các điều thiện chưa sinh được sinh ra.

4. Nỗ lực thực hành, phát huy các điều thiện đã được tăng trưởng.

Bốn khía cạnh của tinh tấn là những sách lược để chiến thắng. Một mặt kiềm chế, phát hiện và tiêu diệt giặc phiền não; một mặt nhận chân thúc đẩy, hỗ trợ cho các thiện pháp xuất hiện và tăng trưởng. Như vậy, trước hết là chặn đứng sự bành trướng của phiền não, sau đó quân bình lực lượng giữa trí tuệ và phiền não; cuối cùng phát triển khả năng và sức mạnh trí tuệ để chiến thắng giặc phiền não.

Bất cứ một công việc gì, một công trình gì, một pháp môn tu tập nào đều phải có sự nỗ lực cần thiết và đủ để đưa đến thành công. Trên con đường tu tập đoạn trừ các phiền não và phát triển các hạnh lành, tinh tấn là một yếu tố quan trọng. Tính chất của tinh tấn là một năng lực tổng hợp giữa sự thấy biết, ước muốn và chánh niệm tỉnh giác. Mục đích của tinh tấn ở đây nói rõ, đó là đoạn trừ giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma, thoát khỏi ngục tù của năm ấm ba cõi:

Giặc phiền não là những tâm lý ô nhiễm bất thiện, có loại thuộc bản năng tiềm ẩn, có loại thuộc mới huân tập, mặt nổi. Căn cứ của giặc phiền não là vô minh và chấp ngã.

Bốn loài ma: Ma là những gì làm chướng ngại sự tu tập.

a. Phiền não ma: Chính là giặc phiền não, khi ma này xuất hiện thì đau khổ, rối loạn tăng trưởng, thiện pháp tổn giảm.

b. Ngũ ấm ma: Do chấp thủ sai lầm về thân thể, bị các nhu cầu bất thiện của thân thể lôi cuốn, chi phối mà ta làm cho các ác pháp tăng trưởng, thiện pháp tổn giảm. Do chấp thủ các cảm thọ sung sướng, ghét bỏ các cảm thọ đau khổ và không tỉnh giác với cảm giác thọ không khổ, không vui mà tâm ta bị dẫn dắt, bị đẩy vào vòng cương tỏa của chúng làm cho tâm bất an, ác pháp tăng trưởng, thiện pháp tổn giảm. Do chấp thủ, vướng mắc vào khái niệm, tư duy, thành kiến, sai lầm, tức là bị tưởng ấm chi phối làm ngăn che sự sáng suốt của trí tuệ; do vậy các tưởng bất thiện sinh, trí tuệ tổn giảm. Do chấp thủ, vướng mắc vào sự hoạt động thầm kín, tức động lực tâm lý như tham lam, sân hận... tạo thành xu hướng nội tâm làm cho ác pháp tăng trưởng, thiện pháp khó sanh. Do sự qui định và hạn chế của tâm thức vốn chất chứa năng lực của cảm thọ, tư duy, ý chí bất thiện ô nhiễm mà ta không có cơ hội để tăng trưởng thiện pháp.

Giải thích về ngũ ấm ma, có thể hiểu hai phương diện: Chủ quan và khách quan. Chủ quan nghĩa là do sự chấp thủ, sự vướng mắc của nhận thức về năm ấm mà cản trở sự hiểu biết rõ về bản chất của chúng. Khách quan là chính năm ấm ấy tạo ra năng lực chướng ngại cho sự giác ngộ như câu nói “hữu thân hữu khổ”. Cả hai mặt nầy bao gồm trong nghĩa ngũ ấm ma.

c. Tử ma: Là một loại chướng ngại đưa đến chấm dứt sinh mệnh của con người, làm cho công trình tu tập dang dở hoặc không tu tập được. Như vậy những gì được coi là tử ma? Có thể đó là quỉ sứ yêu tinh tác họa, đó là bệnh tật hiểm nghèo, những tai nạn, có thể đó là những thế lực hữu hình hay vô hình nào đó. Tóm lại, những gì đưa đến chấm dứt sinh mệnh một cách bất thường thì gọi là tử ma.

d. Thiên ma: Đây là một loài ma đặc biệt và siêu hình, còn gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương Ma hay Ma Vương Ba Tuần, chỉ cho thế lực siệu nhiên trong vũ trụ tạo lực cản đối với một người sắp sửa giác ngộ, sắp vượt thoát khỏi sự cương tỏa của ma giới.

3. Thoát khỏi ngục tù của năm ấm ba cõi:

Năm ấm đã giải thích. Ba cõi là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Ba cõi được coi là ngục tù, là nhà lửa. “Tam giới vô an du như hỏa trạch”, là những trói buộc giam hãm của dục và ái. Dục giới là nơi chúng sanh bị trói buộc bởi sự tham dục, dục lạc của giác quan. Sắc giới là nơi chúng sanh bị trói buộc bởi các ái nhiễm của thọ lạc vi tế. Vô sắc giới là nơi chúng sanh bị trói buộc bởi sự ái nhiễm về tưởng. Dục hay ái đều cùng một bản chất và cùng tác dụng trói buộc chúng sanh gắn chặt với dòng sanh tử vô tận. Vì vậy, tinh tấn rất quan trọng, nó sẽ là sức mạnh để vượt qua từng cửa ái hoặc từng giai đoạn tu tập. Nếu vượt qua được các từng cấp của dục giới thì sẽ rơi vào sắc giới... tiếp tục tinh tấn sẽ vượt thoát trói buộc của ba cõi.

IV. KẾT LUẬN

Sự tu tập cũng như chèo thuyền ngược nước không chèo là bị dừng lại và thối chuyển, tinh tấn là một đức tính cần thiết cho sự chèo con thuyền Bát nhã vượt biển sanh tử. Đã là một đức tính thì cũng cần phải tu tập: Tinh tấn tu tập hạnh tinh tấn, không có cái gì tự có hoặc ngẫu nhiên. Tất cả đều tuân thủ các quy luật nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh. Nhân như thế nào, duyên như thế nào, thì quả báo như thế ấy.

Hạt nhân hay chủng tử vô minh chấp ngã phiền não đã được tích lũy nhiều đời, có sức mạnh rất lớn, không dễ đoạn trừ. Các loại phiền não, bốn ma, năm ấm, giới đều nằm trong đó. Chánh kiến nhận thức được bản chất, chỗ trú ẩn của chúng rồi mới dùng trí tuệ, tinh tấn đoạn trừ chúng. Những khả năng ấy cũng đều nằm trong tâm thức. Tinh tấn là khai thác triệt để khả năng ấy.


 

BÀI VI

 

第五覺悟

愚癡生死

菩薩常念

廣學多聞

增長智慧

成就辯才

教化一切

悉以大樂

 

I. CHÁNH VĂN

 

Đệ ngũ giác ngộ

Ngu si sinh tử

Bồ tát thường niệm

Quảng học đa văn

Tăng trưởng trí tuệ

Thành tựu biện tài

Giáo hóa nhất thiết

Tất dĩ đại lạc.

 

II. DỊCH NGHĨA

Điều thứ năm giác ngộ rằng: Do vô minh mà bị trôi dạt trong ba cõi sanh tử. Vì vậy các vị Bồ tát thường nhớ rằng cần phải học rộng, nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu khả năng biện tài để giáo hóa cho tất cả mọi người đều đạt được hạnh phúc chân thật.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

- Điều giác ngộ thứ năm nói đến sự quan trọng của trí tuệ trong vấn đề tu tập và trong công cuộc hóa độ chúng sanh. Trí tuệ cũng là khả năng quán chiếu để thấy rõ nguồn gốc của đau khổ phàm phu là do tham dục, mong cầu nhiều, để chấm dứt đau khổ ấy phải tu tập hạnh ít muốn, biết đủ và trí tuệ. Ý nghĩa này đã được đề cập ở điều một, hai, ba.

Trí tuệ trong điều năm này có phạm vi và tác dụng lớn hơn:

1. Trí tuệ là sự thấy rõ nguồn gốc của sinh tử, nguồn gốc của sinh tử là vô minh. Đau khổ của cuộc đời có mặt là do tham lam, sân hận; tham lam, sân hận có mặt là do ngu si. Ngu si đồng nghĩa với vô minh, cho nên cần phải rõ nguồn gốc của mọi thứ trên dòng sanh tử luân hồi là do vô minh.

Vô minh là gì? Chính là sự không hiểu rõ cuộc đời là vô thường, vô ngã, duyên sinh, không hiểu rõ khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến khổ diệt; không hiểu rõ lậu hoặc, nguyên nhân của lậu hoặc, sự đoạn trừ lậu hoặc và con đường đưa đến sự đoạn trừ lậu hoặc... Đó là định nghĩa về vô minh một cách căn bản và truyền thống. Vậy thì ta hiểu rõ các nguyên lý trên nhờ học tập, nhờ tu tập quán chiếu về đặc tính vô thường, vô ngã... Vô minh có chấm dứt hay không? Chưa thể chấm dứt vô minh hoàn toàn được. Bởi lẽ vô minh là một động lực tâm lý mù quáng thuộc bản năng, đó là tập khí được tích lũy qua nhiều kiếp sống. Vì vậy nó có cội nguồn rất sâu trong tạng thức của chúng sinh. Có khi ta biết rằng việc ấy là bất thiện, là không nên làm nhưng ta vẫn cứ làm, không đủ sức cưỡng lại. Hình như nó có một sức mạnh tiềm ẩn nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Đấy là vô minh.

Vô minh đã được tích lũy, nay nó chỉ biểu hiện ra những gì mà chúng vốn có. Tham dục, sân hận là biểu hiện của vô minh, càng phát triển tham sân thì lực lượng vô minh càng được củng cố vun bồi và nó tiếp tục có sức mạnh để biểu hiện trong tương lai. Vì vậy, để chặn đứng dòng chảy của vô minh, đức Phật dạy hãy khơi dậy, phát triển cái “minh”, cái vô si có trong mỗi người. Vô tham, vô sân, vô si là những động lực tích cực có thể chặn đứng sự phát triển của vô minh. Để phát triển được “minh”, con người cần phải được giáo dục để kiềm chế bản năng, để nâng cao nhận thức. Như vậy, giáo dục là con đường đưa đến “minh”. Bồ tát là người giác ngộ nên biết rất rõ quy luật đưa đến “minh”, đó là “học rộng nghe nhiều”. Trong Kinh Kitagiri (Kinh Trung Bộ quyển II) đức Phật dạy 14 giai đoạn tu tập đưa đến minh như sau:

1. Có lòng tin vào bậc Đạo sư: Bước đầu của lộ trình tu tập cần phải nương tựa vào một bậc Đạo sư, bậc Đạo sư ấy mình đã biết và tin tưởng rằng có khả năng giúp mình khai mở trí tuệ. Có lòng tin mình mới an tâm qui hướng về Đạo sư ấy.

2. Đến gần: Phải đến gần gũi với vị Đạo sư ấy mình mới có cơ hội tiếp nhận những gì cần thiết.

3. Tôn kính: Tỏ lòng tôn kính Đạo sư, phục vụ chăm sóc hầu hạ bậc Đạo sư những gì cần thiết, bày tỏ thành tâm của mình trên con đường tu học.

4. Lắng nghe: Là thái độ thành khẩn thiết tha trong học tập, sẵn sàng lắng nghe bất cứ điều gì từ bậc Đạo sư. Với thái độ sẵn sàng như vậy, bậc Đạo sư sẽ sẵn sàng dạy.

5. Nghe pháp: Đây là giai đoạn bước vào thế giới Phật pháp, những điều bậc Đạo sư dạy luôn được nghe với sự phấn khởi cần mẫn.

6. Thọ trì pháp: Nhờ nghe một cách phấn khởi thích thú ta sẽ nhớ những gì được nghe một cách đầy đủ.

7. Suy tư ý nghĩa: Là sự thọ trì một cách đầy đủ lời dạy của bậc Đạo sư. Qua đó, ý nghĩa sâu sắc của lời dạy dần dần hiển lộ bởi sự suy tư của mình, càng suy tư ý nghĩa càng sáng.

8. Chấp nhận học pháp: Sau khi suy tư hiểu rõ nghĩa lý, tâm không còn thắc mắc chống đối, tâm thuận theo pháp, chấp nhận học pháp ấy. Đến đây, tư tưởng đã thông suốt.

9. Ước muốn sanh khởi: Sau khi chấp nhận học pháp rồi, niềm hoan hỷ sẽ khởi lên trong tâm, tâm muốn dấn thân thực hiện các học pháp ấy, muốn thực hành.

10. Nỗ lực hành trì: Do ước muốn khởi lên nên tâm nỗ lực hành trì pháp mà Đạo sư đã dạy để tự mình đạt được những gì đã thông suốt trong lý thuyết.

11. Cân nhắc: Nỗ lực nhưng không bị mù quáng, bởi sự xác quyết trong quá trình thực hành sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, lệch lạc. Ta cần phải tỉnh táo để cân nhắc suy xét để tìm ra đường lối thích hợp nhất.

12. Tinh cần tu học: Sau khi vừa học, vừa làm, vừa cân nhắc đã đầy đủ, con đường đã ổn định, sự phát triển hướng đi bằng sự tinh tấn không gián đoạn sẽ có kết quả tốt .

13. Tự thân chứng sự thật: Với sự tinh cần trên, ta sẽ đạt được kinh nghiệm tự thân về thực tại vô ngã, cảm nhận được pháp vị giải thoát.

14. Trí tuệ thể nhập sự thật: Đạt được trí tuệ viên mãn, thành tựu giải thoát hoàn toàn. Nghĩa là “ minh” sanh, “ tuệ” sanh, chấm dứt sanh tử luân hồi .

Thành tựu được trí tuệ tối thượng bằng “quảng học đa văn” qua 14 giai đoạn như trong Kinh Kitagiri đề cập thì mới thật sự hữu hiệu. Có người học Phật vì nghĩ rằng cần “quảng học đa văn” nên lao đầu vào học tập, môn nào cũng học, trường nào cũng học, ai nói gì cũng nghe, thâm nhập rất nhiều tư liệu gọi là “kiến văn quảng bác” nhưng phiền não không vì vậy mà được đoạn trừ. Đây là một sự hiểu lầm tai hại, cả cuộc đời phung phí cho kiến thức bao la của thế gian.

2. Tác dụng của trí tuệ đặc biệt ở chỗ giáo dục mọi người đạt được hạnh phúc trong cuộc sống mà Kinh văn gọi là “Thành tựu được biện tài để giáo hoá tất cả đều được an lạc”. Trí tuệ biện tài là một khả năng bén nhạy về mặt lý luận để nhiếp phục tha nhân. Con người cảm nhận, tiếp nhận thế giới qua âm thanh ngôn ngữ, do đó giáo dục chủ yếu vẫn là ngôn ngữ, khả năng thuyết phục của ngôn ngữ rất cao làm cho con người chấp nhận, hiểu biết và thực hành theo chánh đạo. Kinh tạng Nikàya đưa ra bốn pháp vô ngại giải. (Patisambhidà) là nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Kinh tạng Đại thừa cũng có bốn pháp biện tài : Pháp vô ngại biện tài, nghĩa vô ngại biện tài, từ vô ngại biện tài và nhạo thuyết vô ngại biện tài.

a. Pháp vô ngại biện tài: Là thông suốt hệ thống tư tưởng Phật học, pháp môn nào cũng thông suốt, cũng hiểu nguyên tắc, đường lối của pháp môn ấy.

b. Nghĩa vô ngại biện tài: Ý nghĩa sâu xa của Kinh- Luật- Luận đều hiểu thấu, dù lời lẽ cổ xưa, phương thức diễn đạt không hiện đại, thuật ngữ khó hiểu, nghĩa là hiểu được ý tứ của bất cứ pháp nào.

c. Từ vô ngại biện tài: Hiểu biết phong phú về từ ngữ để diễn đạt tư tưởng, từ ngữ chuyên môn của các lĩnh vực khác nhau và hiểu được các loại ngôn ngữ khác nhau.

d. Nhạo thuyết vô ngại biện tài: Khả năng diễn đạt hấp dẫn dễ thuyết phục, phù hợp với căn cơ, trình độ văn hoá, phong tục tập quán của con người và xã hội, làm cho người nghe vui vẻ và chấp nhận.

Một người có được khả năng trí tuệ biện tài như vậy là một ngôi sao sáng ngời giữa bầu trời Phật pháp. Họ sẽ đem đến lợi ích rất lớn cho nhiều người, cho nhiều quốc độ khác nhau, Phật pháp đuợc truyền rộng, và hạnh phúc mà Phật pháp đem đến cho người tiếp nhận chính là niềm hạnh phúc chân thật nhất.

IV. KẾT KUẬN

Vô minh là cội nguồn của sanh tử, của đau khổ. Chấm dứt vô minh là mục tiêu của đạo Phật và của người đệ tử Phật. Con đường để đoạn trừ được vô minh là con đường phát triển trí tuệ, tức là làm cho “minh” xuất hiện thì “vô minh diệt”. Trí tuệ có được là qua quá trình học tập biết nhiều qua văn huệ, tư huệ, tu huệ. Nhờ học rộng biết nhiều mà thành tựu được khả năng trí tuệ biện tài tức là hiểu biết và lý luận sắc bén.Nhờ vậy mà giáo hóa được nhiều loại chúng sanh khác nhau, nhiều quốc độ khác nhau. Phật pháp được gieo rắc rộng rãi, sự hạnh phúc mọi loài chúng sanh được phổ cập.

Trí tuệ trong bài giác ngộ thứ năm nầy là trí tuệ đi vào lĩnh vực chuyên môn, nghĩa là phát huy tác dụng độ sanh, tác dụng giáo dục để thành đạt mục đích phổ cập hóa Phật pháp vào đời sống con người và xã hội.


 

BÀI VII

 

第六覺知

貧苦多怨

橫結惡緣

菩薩布施

等念怨身

不念舊惡

不憎惡人

 

I. CHÁNH VĂN

 

Đệ lục giác tri

Bần khổ đa oán

Hoạnh kết ác duyên

Bồ tát bố thí

Đẳng niệm oán thân

Bất niệm cựu ác

Bất tắng ác nhân.

 

II. DỊCH NGHĨA

Điều thứ sáu giác ngộ rằng sự nghèo khổ sinh ra oán hận, tạo thêm duyên nghiệp bất thiện. Vì thế, Bồ tát cần thực hành hạnh bố thí một cách bình đẳng giữa kẻ ghét với người thương. Hãy quên đi những điều xấu ác mà họ đã gây cho mình, không nên ghét bỏ những người ác.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Điều giác ngộ thứ sáu nói về công hạnh bố thí của người tu Bồ tát hạnh, bài nầy có hai ý.

1. Hiểu rõ cái vòng lẩn quẩn của người nghèo khó: Do nghèo nên con người dễ sinh ra bất mãn, ganh tỵ, hận thù. Đối với bản thân, họ không hài lòng với chính mình, tâm lý xáo trộn bất an. Đối với gia đình vợ con họ quạu cọ không vui, dễ sân hận vì họ cảm thấy mình không đủ tài, không được coi trọng, dễ gây đổ vỡ tình cảm. Đối với bạn bè xóm giềng, họ tự ty hoặc nghi ngờ và sanh tâm đố kỵ, ganh tỵ. Nói chung, họ bất mãn và không có niềm tin vào cái thiện, cái chân. Do vậy, cái nghèo dễ đẩy con nguời vào con đường tội lỗi, làm các việc bất thiện để mau giàu. Họ vi phạm luật pháp, đánh mất nhân cách, đạo đức… Vì vậy, cuộc đời của họ càng khốn đốn hơn, càng khốn đốn họ càng bất mãn oán hận… Đó là cái vòng lẩn quẩn của con người bị cái nghèo khó bức bách.

Người thực hành hạnh Bồ tát quán chiếu thấy rõ sự nghèo khó sẽ dẫn con người đến phạm tội, sẽ đưa xã hội vào sự bất an. Đức Phật đã từng nêu lên thực trạng ấy rằng: “Do nghèo khổ mà trộm cướp bạo hành, giết hại, dối trá tăng trưởng làm cho băng hoại xã hội”. (Kinh Trường Bộ: Chuyển Luân Thánh Vương và Sư Tử Hống) Ngài đã từng khuyên các vị vua cai trị không nên dùng hình phạt độc ác với ý nghĩa rằng nhờ đó mà trộm cắp cướp giật được diệt trừ. Ngài dạy rằng: “Những người nào có khả năng về nông nghiệp, chăn nuôi hãy cấp cho họ thực phẩm và thực vật; người nào có khả năng về thương nghiệp thì cấp cho họ vốn đầu tư; người nào có khả năng về quan chức thì cấp cho họ thực phẩm và lương bổng... tuỳ theo khả năng ngành nghề chuyên môn mà ban cho họ cái cần thiết... họ sẽ chuyên tâm vào công việc của mình, có phương tiện để sống nên không còn phạm tội quấy nhiễu trị an mà còn đóng góp vào ngân sách quốc gia” (Trường Bộ Kinh, Kutadanda). Để cho sự nghèo khổ giảm bớt áp lực, để cho tâm tư của người nghèo được an ổn và để cho xã hội được bình an thịnh vượng, Bồø Tát phát nguyện thực hành bố thí, nghĩa là bố thí tiền bạc, vật chất an ủi phần nào nỗi đau của sự nghèo khó. Chúng ta có thể thấy rằng đây là một công hạnh tu tập mà phần lớn là khả năng của người Bồ tát tại gia, tức người phật tử cư sĩ.

Có thể chúng ta có một cách lý giải khác rằng: Nghèo khổ ở đây là nghèo về đạo đức, nghèo về trí tuệ. Do vậy phiền não tham hận thù sinh ra, các ác nghiệp được nối kết. Thế nên Bồ tát phải thực hành pháp thí làm cho mọi người được mở con mắt trí tuệ thấy được chân lý, đoạn tận nghiệp duyên bất thiện. Nghèo tinh thần, nghèo trí tuệ sẽ đưa đến phiền não sanh trưởng và nghiệp ác sẽ phát sinh. Bố thí ở đây là pháp thí, đây là khả năng của Bồ tát xuất gia. Tuy vậy ý nghĩa của điều giác ngộ thứ sáu này nặng về hạnh bố thí tài vật, mà hạnh nầy hợp với sở trường của người cư sĩ tại gia hơn là xuất gia. Trong Đại Trí Độ Luận nói: “Như đức Phật dạy: Ở đời có hai hạng người khó được: một là trong hàng xuất gia, vị Tỳ kheo được phi thời giải thoát; hai là trong hàng tại gia, kẻ bạch y thường hành bố thí thanh tịnh”.

2. Bố thí bình đẳng: Tức là bố thí với tâm vô chấp, tâm vị tha và tâm giải thoát. Thường thì người bố thí có tâm phân biệt người mình thương hay người dễ thương, mình sẽ đối xử rộng rãi hơn, mau mắn hơn; còn người dễ ghét hay người nghịch với mình, có thể mình cũng cho nhưng có giới hạn hơn, ít hoan hỷ hơn. Thái độ bố thí của Bồ tát không phân biệt như vậy mà bố thí với tâm bình đẳng, vô chấp gọi là bố thí Ba la mật. Trong Đại Trí Độ Luận, bố thí Ba la mật là: “Nếu bố thí còn có ba thứ chướng ngại chấp có ta cho, người kia nhận và tài vật bố thí thì rơi vào cảnh giới ma, chưa lìa khỏi các nạn. Còn như Bồ tát bố thí cả ba thứ đều thanh tịnh không chướng ngại thì được chư Phật khen ngợi, gọi là Ba la mật” (ĐTĐL- trang 467 của H-T Thiện Siêu dịch).

Bố thí mà tâm không bình đẳng, bị các phiền não sai sử như thương, ghét, giận tức hay vui buồn thì bố thí rất hạn chế, kết quả không cao và không phù hợp với con đường giải thoát và chí nguyện độ sanh. Bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh. Theo Đại Trí Độ Luận bố thí không thanh tịnh là: “Hàng ngu si bố thí mà không hiểu gì; hoặc vì cầu tài nên bố thí; vì sợ hiềm trách nên bố thí; vì sợ sệt nên bố thí; hoặc vì muốn cầu ý người nên bố thí; hoặc sợ chết nên bố thí; hoặc dối người làm cho họ mừng nên bố thí; hoặc tự cho giàu sang nên bố thí; hoặc tranh hơn nên bố thí; hoặc ganh ghét sân si nên bố thí; hoặc kiêu ngạo tự cao nên bố thí; hoặc vì danh dự nên bố thí; hoặc vì chú nguyện nên bố thí; hoặc vì giải trừ suy hoại cầu tốt lành nên bố thí; hoặc vì qui tụ đông người nên bố thí; hoặc vì khinh hèn không cung kính nên bố thí. Cách bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh” (sđd T443). Quan điểm về bố thí thanh tịnh thì ngược lại các điều trên, bố thí như vậy có ý nghĩa rất cao dựa trên nguyên lý Không- VôTướng- Vô nguyện.

Trong Kinh tạng Nguyên thủy, các động cơ bố thí cũng được đề cập đến tương tự như trên:

1. Vì có người đến (đông đảo) nên bố thí.

2. Vì sợ hãi nên bố thí.

3. Vì nghĩ rằng “nó đã cho ta” nên bố thí.

4. Vì nghĩ rằng “nó sẽ cho ta” nên bố thí.

5. Vì nghĩ rằng “Bố thí là tốt lành” nên bố thí.

6. Vì nghĩ rằng “mình giàu có, người kia nghèo thật không xứng đáng nếu không cho” nên bố thí.

7. Vì nghĩ rằng “do ta bố thí mà tiếng tốt được truyền đi xa” nên bố thí.

8. Vì trang nghiêm tâm, trang bị tâm nên bố thí.

Tám động cơ khác nữa là:

1. Vì lòng tham mà bố thí

2. Vì sân hận mà bố thí.

3. Vì ngu si mà bố thí.

4. Vì sợ hãi nên bố thí.

5. Vì theo truyền thống nên bố thí.

6. Vì muốn quả báo cõi trời nên bố thí.

7. Vì nghĩ rằng: “Bố thí làm cho tâm được hoan hỷ” nên bố thí.

8. Vì trang nghiêm tâm trang bị tâm nên bố thí. (Anguttara Nikàya III, Chương VIII Pháp).

- Như vậy mười sáu động cơ bố thí không thanh tịnh của Đại Trí Độ Luận và mười sáu động cơ bố thí của Kinh Tăng Chi có khá nhiều điều giống nhau. Bố thí được coi là đúng chánh pháp và đúng hành vi của một người có trí tuệ là “để trang nghiêm tâm, trang bị tâm” (theo Kinh Tăng Chi), nghĩa là tâm được thanh tịnh vượt thoát các phiền não chấp thủ mà trong Đại Trí Độ Luận gọi là bố thí Ba la mật: Không chấp thủ người cho, kẻ nhận và của cho. Đó là tâm vô chấp, tâm bình đẳng xả bỏ được nhân ngã.

- Chấp thủ bất cứ một điều gì thô hay tế, trong hay ngoài đều có tác dụng làm cho tâm ô nhiễm. Thông thường, khi ta có thiện cảm với ai, thương mến ai thì ta rất dễ mở rộng lòng mà cho một cách vui vẻ không tiếc, ngược lại đã không thương thì cõi lòng khép lại, vì vậy tu tập lòng từ bi sẽ rất dễ dàng thực hành bố thí; bố thí là sự thể hiện của tâm từ bi. Tâm chướng ngại cho tâm từ bi là tâm sân hận; sự giận ghét đưa đến chướng ngại làm hạn chế hành động bố thí. Cho nên, điều giác ngộ thứ sáu này nói rất rõ rằng Bồ tát tu hạnh bốù thí phải có tâm bình đẳng không phân biệt người thương, kẻ thù và đặc biệt cần phải đối trị tâm sân hận và “không nên nghĩ nhớ đến điều xấu ác mà kẻ khác đã làm cho mình, cũng không nên có tâm ghét bỏ kẻ ác”. Điều đó nói lên ý nghĩa chân chính của hạnh bố thí theo Phật giáo.

Để có được hành động bố thí vô chấp, vô cầu, vô nguyện thì người hành bố thí phải có trí tuệ, thấy được tính vô ngã của vạn pháp. Nhờ đó mà tâm vượt thoát sự giới hạn của tình cảm thông thường thương, ghét. Tâm thương ghét, thù hận, làm trở ngại lớn cho hành động bố thí, như Jesus nói: “Nếu con chỉ thương những người thương con thì con có công gì đâu?”. (Đó chỉ là sự trao đổi mà thôi!). Không những không có công mà có tội là gây thêm sự bất mãn hận thù.

IV. KẾT LUẬN

- Bố thí là một công hạnh có tác dụng lợi ích rất đặc biệt, biểu hiện đủ hai mặt: Phước đức và trí tuệ.

- Phước đức có được là do đem đến cho chúng sanh bị đau khổ niềm an ủi, sự an tâm, sự đầy đủ, giảm cho họ những áp lực của đời sống mà có thể đưa họ vào con đường tội phạm tối tăm. Làm cho người khác được an vui hạnh phúc là ý nghĩa của phước đức.

-Trí tuệ là do thực hành bố thí mà quán chiếu thực trạng đau khổ của đời sống, nhận được chân lý khổ đế. Mặt khác, mình thấy được tự tính vô ngã trong mọi thứ mà mình nắm trong tay: Không có người cho kẻ nhận và của cho. Thực hành tâm bình đẳng, xả bỏ chấp thủ nhân, ngã, bỉ, thử, chủ thể, đối tượng… đạt được tâm thư thái thanh thản, giải thoát là ý nghĩa của trí tuệ.

Một người là đệ tử của Phật luôn được trang bị giáo dục để có được hai đức tính căn bản này là phước đức và trí tuệ. Qua hành động bố thí, ta có thể thành đạt hai đức tính ấy.


 

BÀI VIII

 

第七覺悟

五欲過患

雖為俗人

不染世樂

常念三衣

瓦缽法器

志願出家

取道清白

梵行高遠

慈悲一切

 

I. CHÁNH VĂN

 

Đệ thất giác ngộ

Ngũ dục quá hoạn

Tuy vi tục nhân

Bất nhiễm thế lạc

Thường niệm tam y

Ngõa bát pháp khí

Chí nguyện xuất gia

Thủ đạo thanh bạch

Phạm hạnh cao viễn

Từ bi nhất thiết.

 

II. DỊCH NGHĨA

Điều thứ bảy giác ngộ rằng: Năm loại dục là nguyên nhân gây ra tội lỗi và tai họa. Vậy tuy làm người cư sĩ mà sống không đắm nhiễm năm thứ vui phàm tục ấy. Tâm thường nghĩ đến ba y và bình bát. Tâm nguyện hướng về đời sống xuất gia. Vì vậy, sống thanh tịnh, giữ gìn đạo hạnh, tu tập phạm hạnh thanh cao, thương yêu tất cả muôn loài.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Điều thứ bảy giác ngộ về sự nguy hiểm của các dục lạc thế gian mà người cư sĩ đang sống ở trong đó; sự nguy hiểm ấy có hai mặt là phát sinh hành vi tội ác, nảy sinh những tai ương hoạn nạn, khổ đau.

Là một người cư sĩ tại gia thực hành Bồ tát hạnh, người phật tử phải có đời sống biểu hiện sự giác ngộ, nghĩa là phải vượt lên trên các dục lạc phàm tình, giống như hoa sen ở trong bùn vượt lên trên bùn mà không hôi mùi bùn. Trên căn bản đạo đức thanh tịnh ấy, người cư sĩ phát triển lòng từ bi và cứu độ chúng sanh có hiệu quả.

Điều thứ bảy nầy có các quan điểm khác nhau giải thích về nó; có người cho rằng đây là hạnh ly nhiễm của người xuất gia, nghĩa là người xuất gia hành đạo giữa đời thường có thể bị hệ lụy tham đắm năm dục. Như vậy cũng không có gì là sai. Tuy nhiên Kinh văn ghi rất rõ là: “tuy vi tục nhân” thì ta phải hiểu là người thế tục, “người đời”. Các giảng sư Trung Hoa như Ngài Thái Hư Đại sư, Ngài Tinh Vân... đều giảng là người cư sĩ. Trong tác phẩm “Dịch giải Tám điều Giác ngộ của bậc Thượng nhân” Hoà Thượng Trí Quang viết: “Điều giác ngộ thứ bảy dạy riêng cho phật tử tại gia. phật tử tại gia nên tâm niệm xuất gia, nên sống theo hạnh ly nhiễm: “cái hạnh hoa sen”. Chúng tôi cho rằng đây là điều dạy cho người cư sĩ để họ thực hành mục đích giải thoát trong đời sống thế tục. Nâng cao vai trò người cư sĩ trong đời sống xã hội, thực hành Bồ tát hạnh, hoằng pháp lợi sinh như người xuất gia là đường lối Phật hóa nhân gian của Phật giáo Đại thừa.

 Người cư sĩ đạt được giải thoát giữa đời sống thế tục qua các giai đoạn tu tập nhưng không nhiễm dục lạc, sống đời thanh bạch, phạm hạnh cao viễn và thương yêu muôn loài thì giá trị của người cư sĩ rất lớn, tác dụng rất lớn đối với cuộc đời. Đây là đời sống lý tưởng của Bồ tát đạo. Thực ra, trong Kinh tạng Nguyên Thủy, đức Phật đã đưa ra mô thức của đời sống giải thoát ở trong thế tục, như trong Kinh Tăng Chi, Ngài dạy có bốn hạng xuất gia:

 1. Thân xuất gia mà tâm không xuất gia.

 2. Tâm xuất gia mà tâm không xuất gia.

 3. Thân và tâm đều xuất gia.

 4. Thân và tâm đều không xuất gia.

(Chương bốn pháp)

Vậy, hạng thứ hai, tâm xuất gia thân không xuất gia, chính là mô thức tu tập của Bồ tát cư sĩ.

Đời sống của người cư sĩ tại gia bị vây quanh bởi năm dục thật không dễ dàng đoạn trừ chúng để thực hành hạnh ly nhiễm. Kinh Trung Bộ có ghi rằng: Có lần một vị cư sĩ đến gặp đức Phật và trình bày rằng ông ta nhờ thâm hiểu lời Phật dạy, nên thấy rất rõ năm dục là nguy hiểm, hạ liệt, ô uế, vui ít khổ nhiều... nhưng tại sao ông ta không đoạn trừ được chúng? Đức Phật đã dạy: Sở dĩ ông ta không đoạn trừ được năm dục là vì ông còn sống đời sống thế tục, nên dù biết rõ về dục mà vẫn không đoạn trừ được chúng.

Người tại gia sống với thói quen hưởng thụ các dục lạc, lệ thuộc các cảm thọ lạc thú, bị ràng buộc rất khó thoát ly. Hưởng thụ dục lạc là bản năng của sinh vật, của con người, vì vậy chỉ cần chạm nhẹ là đánh thức bản năng ngay. Đời sống của người cư sĩ đối với các đối tượng của dục lạc luôn kích thích bản năng hưởng lạc làm cho nó luôn tăng trưởng, rất khó xả ly chúng. Có những cư sĩ học rộng hiểu nhiều, học vị cao, có công đức lớn đối với đạo pháp, lãnh hội được Phật pháp cao siêu nên họ tưởng mình đã được tự tại giải thoát giữa đời thường. Thực ra, họ rất khó vượt ra cái thói quen hưởng thụ: ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nghỉ dễ chịu, nhu cầu tình dục, và các thú vui tế nhị khác... Thói quen tiện nghi đã tạo cho họ dấu ấn trên thân thể, não bộ... nên nó có sức mạnh tiềm ẩn khó nhận ra, vì vậy mà khó đoạn trừ được chúng.

Để đạt được trình độ “Bất nhiễm thế lạc” như Kinh văn đã dạy, người cư sĩ phải kiến tạo cho mình một thói quen, một lối tư duy mới, đó là thường nhớ nghĩ đến ba y và bình bát. Ba y và bình bát là tài sản bất ly thân của người xuất gia. Ba y gồm có An-đà-hội, dịch là Tác vụ y, nghĩa là khi chấp tác lao động phục dịch... thì bận y này; Y Uất-đa-la-tăng dịch là Nhập chúng y, nghĩa là khi vào trong chúng Tăng làm các Phật sự như: Trai tăng, nghe pháp, tụng Kinh, tọa thiền…thì bận y này; và y Tăng-già-lê dịch là Tạp- toái- y nghĩa là loại y này gồm nhiều mảnh ráp lại (có loại: y 9 điều, y 11 điều, y 13 điều...) dùng để bận khi thăng tòa thuyết pháp, vào làng khất thực, hàng phục ngoại đạo... Bình bát Phạn ngữ là Bát-đa-la dịch là ứng lượng khí nghĩa là phù hợp dung lượng để đựng thực phẩm. Y thì hoại sắc không đẹp, mang ý nghĩa giải thoát: giải thoát ý niệm đẹp đẽ của sắc tướng. Bình bát thể hiện tính chất giải thoát sự hệ lụy của món ăn. Thường nghĩ đến ba y và bình bát nghĩa là không tìm kiếm lạc thú ở nơi ăn và mặc, do đó không hệ lụy vấn đề ăn mặc. Thường nhớ nghĩ đến y bát tức đi ngược lại thói quen hưởng thụ về món ăn và mặc, đó là hai thói quen quan trọng của đời sống thế tục.

Vậy bước đầu chú tâm giảm thiểu nhu cầu hưởng thụ mang tính thô thiển bề ngoài, họ tạo được khoảng cách giữa đức hạnh và sự cám dỗ của lạc thú. Mặc dù sống trong vòng vây của các dục nhưng đã tạo được ranh giới cần thiết để có sự bảo hộ đạo hạnh. Như người Bồ tát cư sĩ ăn chay chẳng hạn, họ sẽ tự tại với các lạc thú và sự tranh giành món ăn ngon của những người xung quanh, họ cảm thấy “đứng ngoài” mặc dù ở chung với nhau.

Bước tiếp theo người cư sĩ nuôi dưỡng một ước muốn, một “chí nguyện” từ bỏ đời sống thế tục. Đây là một bước đi quan trọng để thoát vòng vây của dục. Ngũ dục là đối tượng của ước muốn, là nguyện vọng của đa số, của thường tình; nay ta không nuôi dưỡng ước vọng đó nữa, ta nuôi dưỡng ước vọng khác: đời sống giải thoát, đời sống viễn ly. Tâm dục bất thiện nay biến thành tâm dục thiện, hướng thượng, nhờ vậy mà thay đổi xu hướng của tâm, thay đổi được bản năng. Như vậy, ta tạo được một ranh giới cần thiết cho tâm hướng thượng trong biển tâm nhiễm ô.

Qua hai bước trên, người cư sĩ có được sức mạnh căn bản của thân và của tâm, từ đó họ tiến lên bước thứ ba: thay đổi toàn bộ lối sống của mình và của cả gia đình mình; nghĩa là sống một đời sống thanh bạch, đạm bạc về vật chất, về hình thức, nhưng phong phú giàu có về tinh thần, mà Kinh văn gọi là “thủ đạo thanh bạch”.

Cuộc sống của người cư sĩ không phải là một cuộc sống đơn độc mà còn có gia đình vợ con thân thuộc... Cho nên những bước tu tập của mình phải đủ sức cảm hóa gia đình vợ con... để họ cùng tu với mình, cùng nhìn về một hướng... đây là một điều khó cho một người tu tại gia. Cuộc sống đạm bạc thanh cao của ta sẽ đổ vỡ nếu không được sự trợ duyên của vợ con. Mặt khác, nếu ta không cảm hóa thuyết phục được vợ con tu tập thì ta chỉ là người cư sĩ thường thôi chứ không thực hành nổi vai trò và hạnh nguyện của một cư sĩ Bồ tát. Bởi lẽ, chúng sinh trong nhà mà mình không độ được làm sao độ được chúng sanh ở ngoài. Thiền truyện Trung Hoa có đề cập đến gia đình ông Bàng Long Uẩn đắc đạo cả nhà là một mô hình lý tưởng cho người cư sĩ tại gia.

Thay đổi lối sống từ hưởng thụ dục lạc qua lối sống thanh bạch đạo vị, tức là kiến tạo được một môi trường thuận lợi cho sự tu tập, là tạo điều kiện quá độ cho một đời sống mới- đời sống phạm hạnh và tình thương muôn loài.

Đời sống phạm hạnh là đời sống không có tình dục và các thú vui phàm tục, không coi trọng hay bị lệ thuộc vào ân ái vợ chồng, không bị ràng buộc bởi tình yêu giới tính. Tình ân ái là một loại tình thương mang tính trói buộc, vị kỷ có tác dụng làm con người gắn chặt hơn nữa vào đời sống bản năng và sự đau khổ. Cho nên, đời sống phạm hạnh là đời sống từ bỏ tình yêu vị kỷ, phát triển tình yêu vị tha. Đây là lý do tại sao Kinh văn lại đưa công hạnh, phạm hạnh vào trong đời sống của Bồ tát cư sĩ. Tâm từ đối với muôn loài không thể có nơi Bồ tát cư sĩ, nếu họ còn đắm nhiễm ân ái, lạc thọ vị kỷ. Sống phạm hạnh trong đời sống thế tục không dễ dàng và vấn đề giác ngộ đạo lý của vợ con là điều phải có. Vấn đề phạm hạnh của người cư sĩ có thể có hai cách hiểu: một là đoạn trừ dâm dục; hai là không bị trói buộc và đắm nhiễm dâm dục, không bị tình ân ái cản trở hay hạn chế sự phát triển từ bi tâm. Một đời sống như vậy thì không khác nội dung đời sống của một vị Bồ tát xuất gia.

IV. KẾT LUẬN

Người cư sĩ sống đời sống thế tục có Kinh nghiệm phong phú, có sự hiểu biết sâu sắc về con người: căn cơ, trình độ, tâm lý, ước muốn của họ; hiểu biết một cách trực tiếp về bản chất của đời sống xã hội. Vì vậy họ có thể hiểu biết cảm thông và thương yêu con người một cách chân thật. Tuy vậy, để đạt được một đời sống lý tưởng “tâm xuất gia mà thân không xuất gia”, đạt được mục đích và hạnh nguyện của một Bồ tát cư sĩ thì họ phải thực hành tuần tự từng bước:

Quán chiếu để thấy rõ bản chất của năm dục lạc đưa đến tội ác và tai ương hoạn nạn, mà hoạn nạn lớn nhất là bị che khuất trí tuệ và chìm đắm trong vòng sanh tử. Phải tu tập để chiến thắng sự kiềm tỏa của năm dục, phải triệt tiêu áp lực của chúng trong nội tâm mình.

Phải tạo thói quen, xu hướng mới cho tâm thức, hướng tư duy về sự giải thoát, về đời sống viễn ly thành tựu được chánh tư duy, thiện tâm bắt đầu tỏa sáng.

Kiến tạo một đời sống đạm bạc thanh cao. Trong đó bao gồm các đối tượng bên cạnh mình như vợ con... để thiết lập cuộc sống chung giàu trí tuệ và an lạc.

Từ đó, thiết lập đời sống phạm hạnh coi nhẹ tình yêu ân ái vợ chồng giới tính biến thành tình yêu vị tha đối với muôn loài, biến các chất liệu của tình thương đau khổ, hạn chế thành chất liệu tình thương vô lượng, an lạc.

Như vậy, người cư sĩ có thể kiến tạo đạo tràng giữa cõi nhân gian, hoàn thành hạnh nguyện độ tha của Bồ tát đạo.


 

BÀI IX

 

第八覺知

生死熾然

苦惱無量

發大乘心

普濟一切

願代眾生

受無量苦

令諸眾生

畢竟大樂

 

I. CHÁNH VĂN

 

Đệ bát giác tri

Sanh tử xí nhiên,

Khổ não vô lượng

Phát đại thừa tâm,

Phổ tế nhất thiết,

Nguyện đại chúng sanh

Thọ vô lượng khổ

Linh chư chúng sanh

Tất cánh đại lạc

 

II. DỊCH NGHĨA

Điều thứ tám giác ngộ rằng lửa sanh tử bừng cháy làm chúng sanh thọ khổ vô lượng. Vì vậy Bồ tát phát tâm Đại thừa cứu giúp tất cả. Nguyện thay thế cho chúng sanh chịu các khổ não vô lượng ấy. Làm cho mọi loài chúng sanh đạt được niềm vui tối thượng.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Điều thứ tám là điều giác ngộ sau cùng của Kinh Tám điều Giác ngộ của bậc Đại nhân. Điều giác ngộ này là đỉnh cao của Bồ tát hạnh, hay nói cách khác đây là đỉnh điểm của từ bi tâm. Có thể nói, điều giác ngộ thứ tám này là tư tưởng chủ đạo, là mục tiêu của Kinh Bát Đại nhân Giác.

Như đã nói ở phần nhận thức tổng quát, hướng đi của Kinh Bát Đại nhân Giác là cổ xúy tư tưởng Đại thừa. Khai triển Bồ tát hạnh và có hướng nghiêng về Bồ tát cư sĩ. Điều thứ bảy tình thương vị tha đã được xây dựng, tình thương ấy đã được trí tuệ bình đẳng làm nền ở điều thứ sáu, đến đây lộ trình tâm đã lên đến đỉnh cao, sự hợp nhất của trí tuệ và từ bi trí tuệ và từ bi này được thiết lập trên nền tảng tâm thanh tịnh, qua quá trình tu tập lâu dài (điều 1, 2, 3, 4, 5). Ngài AnThế Cao đã xây dựng lộ trình tu tập một cách hệ thống, biện chứng. Đỉnh điểm của trí tuệ và từ bi gồm có:

1. Sanh tử xí nhiên, khổ não vô lượng: Sự giác ngộ về thế giới chủ quan và khách quan bao gồm lục đạo, ba cõi đều nằm trong biển lửa, nói cách khác chúng là lửa, như Kinh nói: “Tam giới vô an du như hỏa trạch”- (ba cõi không yên giống như ngôi nhà lửa)- Thế giới ấy được kiến tạo bằng lửa tham dục, lửa sân hận và lửa ngu si mê muội. Như vậy chúng sanh nói chung, con người nói riêng đang sống ở trong đó phải chịu đựng nhiều nỗi đau khổ bất tận, chịu những kết quả của tham, sân, si, tứùc nghiệp báo nặng nề. Hình ảnh ngôi nhà lửa hay ngọn lửa bùng cháy của cõi sanh tử tạo ấn tượng mạnh mẽ về những nỗi khốn đốn thương đau của mọi loài. Chỉ nói về con người cũng thấy rõ nỗi khổ là vô lượng: có những loại khổ thuộc về thân thể sinh lý, có những loại khổ thuộc về tâm lý, có những nỗi khổ thuộc về hiện tượng, có những nỗi khổ thuộc về bản chất… Những nỗi khổ ấy có mặt thường xuyên hoặc âm ỉ, hoặc bộc phát, làm cho sự có mặt của con người luôn kéo theo sự có mặt của bất an, khổ đau và rối loạn. Bề ngoài thì có người giàu sang, kẻ nghèo hèn; người thông minh tài trí, kẻ đần độn ngu si; người thì thành công rực rỡ, kẻ thì thất bại chua cay; người thì mạnh mẽ vẹn toàn, kẻ thì yếu đuối bịnh hoạn… Nhưng tất cả mọi người đều có một mẫu số chung: đó là nỗi đau khổ. Mỗi người đều có nỗi đau khổ riêng tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh, địa vị… mà mỗi người gánh lấy niềm đau nỗi bất an của riêng mình, làm như đau khổ là tài sản của nhân loại như Ôn Như Hầu nói:

“Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế

Ai bày trò bãi bể nương dâu...”

Nhờ trí tuệ mới nhận chân ra được dòng sanh tử bùng cháy và nhờ từ bi mà cảm được nỗi khổ vô lượng.

2. Phát tâm Đại thừa phổ tế nhất thiết: Tâm Đại Thừa có nghĩa là tâm Đại Bi, tâm cứu giúp tất cả chúng sanh đều được thoát khổ, là tâm ước muốn và hành động vì lợi ích cho muôn loài. Để phát được tâm này ta phải thấy rõ và cảm thông được nỗi khổ vô tận của mọi người trong dòng đời đen bạc.

Khi ta thấy rõ nỗi khổ thực sự của người nào thì ta sẽ thương người ấy, ta không còn buồn, giận, đố kỵ với người ấy. Quán chiếu cái khổ của mọi người để phát khởi tình thương là một pháp tu tập từ bi tâm. Có những người hung dữ độc ác nhưng khi ta thấy họ bị đánh đập đầy thương tích, đang quằn quại trong vũng máu ta liền thay đổi thái độ: không ghét hay giận họ nữa mà ta thương xót và giúp đỡ họ.

Khi ta thấy ai khổ thì ta thương người ấy, đó là cái thấy hạn chế, nghĩa là cái thấy bằng mắt đòi hỏi phải có hình ảnh cụ thể, trường hợp cụ thể ta mới xúc động, ta mới thương. Vì vậy người được ta thương phải là người đang bị tai ương hoạn nạn và phải gần ta, ta mới thấy, mới gặp. Có người không có tình thương ai khi ở nhà, nhưng khi vào bệnh viện thấy cảnh đau đớn của bệnh nhân liền khởi tâm thương yêu. Đó là tình thương bình thường, không phải là Đại bi tâm.

Để đạt được tâm đại bi cần phải quán chiếu, phải thấy bằng tuệ nhãn đưa tâm từ bi đến với muôn loài không giới hạn, nhờ thấy được ngọn lửa sanh tử bùng cháy nên thấy nỗi khổ vô lượng của chúng sanh. Vì vậy phát triển tâm đại bi cứu giúp tất cả. Trong Kinh Từ Bi, đức Phật dạy: Người tu tập tâm thương yêu luôn tâm niệm rằng “Nguyện cho tất cả loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ở gần những loài ở xa , những loài đã sanh và những loài sắp sanh...”. “Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút gì hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi”. (Metta Sutta- Nhất Hạnh- dịch).

Lòng đại bi thương yêu một cách vẹn toàn viên mãn không có chỗ khuyết hay khoảng hở như được diễn tả trong Kinh Từ Bi và đối tượng của tâm đại bi cũng đầy đủ viên mãn không thiếu sót, không hạn chế, đó là ý nghĩa của “Phát đại thừa tâm phổ tế nhất thiết”.

3. Nguyện đại chúng sanh thọ vô lượng khổ:

Tâm đại bi đã viên mãn chín mùi thì sẽ tạo ra tác dụng tích cực một cách tự nhiên; như ta thương ai một cách đầy đủ thì ta sẽ có hành động, bước đầu là hành động giúp đỡ cho họ cái gì mà họ cần để bày tỏ sự cảm thông hoặc để thỏa mãn nội tâm chất chứa đầy tình thương của mình. Giả sử người kia không muốn nhận sự giúp đỡ của mình, họ từ chối... điều đó làm mình đau xót lắm! Đó là thái độ tâm lý của một bà mẹ thương đứa con của mình.

Bước thứ hai là muốn chia sẻ nỗi đau mà người kia đang gánh chịu mình không thể thờ ơ trước sự đau khổ của kẻ khác, mình không muốn đứng ngoài, hay nói cách khác mình không thể đứng ngoài được khi chánh niệm từ bi luôn có mặt. Với tâm từ bi bao trùm mọi loài viên mãn cả không gian và thời gian mình cảm được cái khổ của mọi người nên nỗi đau của người sẽ là nỗi đau của mình. Dưới trí tuệ quán chiếu duyên khởi thì mọi loài, mọi người và mọi vật tương quan tương duyên và tương tác với nhau, làm sao ta có thể tách rời khỏi vạn vật được?

Tâm đại bi muốn thay thế cho chúng sanh thọ khổ là đỉnh cao của công trình tu tập từ bi tâm, tiêu biểu cho hạnh nguyện đại bi này là Bồ tát Địa Tạng Vương: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề” (nếu chúng sanh trong địa ngục chưa hết, ta chưa thành Phật, chúng sanh đã độ hết rồi mới chứng quả Bồ Đề). Đây là một tâm nguyện, một ước vọng vĩ đại mà tâm vô ngã làm nền- ta và chúng sanh là một, ta ở trong chúng sanh, chúng sanh ở trong ta. Vậy chúng sanh chưa thành Phật ta làm sao thành?!

Có cách giải thích điều “Nguyện thay thế chúng sanh thọ khổ vô lượng” là một nghịch hành pháp môn, trong Túc Sanh truyện có khá nhiều chuyện minh họa cho pháp môn nầy như thí thân cho cọp đói, bố thí vợ con… Đó là một đời sống mang tính chất lý tưởng hơn là hiện thực. Điều thực hiện ở đây chính là tâm thương yêu rộng lớn biểu hiện trí tuệ thể nhập thực tại mà Kinh sách thường nói: “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Tâm nguyện thay thế chúng sanh thọ khổ chính là tâm từ bi viên mãn.

4. Linh chư chúng sanh tất cánh đại lạc:

- Diệu dụng của tâm từ bi là đem đến sự an vui hạnh phúc cho mọi người. Để đạt được kết quả tốt đẹp ấy, người tu Bồ tát hạnh phải dùng các phương tiện khác nhau để cảm hóa con người. Phương tiện độ sanh của Bồ tát rất đa dạng, đôi khi thi hành các phương tiện bề ngoài như là không tốt nhưng đạt được mục đích hóa độ, có thể nói phương tiện có đến tám vạn bốn ngàn môn. Trong Kinh Nguyên thủy cũng như Đại thừa, đức Phật khái quát bốn cách độ sanh chính, gọi là Tứ Nhiếp pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự.

Khi ta đã có sẵn tâm từ bi bao la thì tác dụng độ sanh là một nhu cầu thiết yếu như ăn, uống, hít thở... không kể Nguyên thủy hay đường lối Đại thừa đều như vậy, vì vậy ta sẽ có phương cách độ người, giúp người. Sự cứu giúp chúng sanh ở đây không còn đơn giản là bố thí vật chất hay tinh thần để con người có được niềm vui mà ta làm thế nào để mọi người đều đạt được niềm vui tối thượng, nghĩa là giải thoát hoàn toàn sanh tử. Nếu chưa đạt được như vậy thì Bồ tát không thể nào thỏa mãn được như hạnh nguyện của Bồ tát Địa Tạng Vương. Vì vậy, lời nguyện hằng ngày của Phật tử biểu hiện ý chí mạnh mẽ, lòng từ vô biên:

 “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

 Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

 Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

 Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

IV. KẾT LUẬN

Điều giác ngộ thứ tám là đỉnh cao của lộ trình tu tập Bồ tát hạnh. Ở đó thể hiện trí tuệ và từ bi viên mãn, đồng thời thể hiện tác dụng hóa độ chúng sanh một cách cao độ. Tất cả những khả năng ấy đều được nói đến trong Kinh tạng Nguyên thủy cũng như Đại Thừa. Ở đây biểu hiện rất rõ hướng đi của mẫu người lý tưởng: Bồ tát nhập thế. Đây là con đường mà người Bồ tát cư sĩ có rất nhiều điều kiện và cơ hội thực hành.

- Khổ và thoát khổ là mối tư duy chân chính xuyên suốt mọi pháp môn tu tập. Làm cho mình hết khổ, giúp cho người bớt khổ là một công trình đòi hỏi trí tuệ, sức lực và thời gian. Còn hòa vào đời chịu cảnh tối tăm lem luốc để dẫn dắt chúng sanh lên bờ giải thoát là một hạnh nguyện vĩ đại của những Đại sĩ, cũng gọi là hạnh nguyện hay sự giác ngộ của Bậc Đại nhân mà Kinh này đề cập đến.


 

C. PHẦN KẾT THÚC KINH

 

BÀI X

 

如此八事

乃是諸佛

菩薩大人

之所覺悟

精進行道

慈悲修慧

乘法身船

至涅槃岸

復還生死

脫眾生

以前八事

開道一切

令諸眾生

覺生死苦

捨離五欲

修心聖道

若佛弟子

誦此八事

於念念中

滅無量罪

進趣菩提

速登正覺

永斷生死

常住快樂

 

I. CHÁNH VĂN

 

Như thử bát sự

Nãi thị chư Phật

Bồ tát Đại nhân

Chi sở giác ngộ

Tinh tấn hành đạo

Từ bi tu huệ

Thừa pháp thân thuyền

Chí Niết bàn ngạn

Phục hoàn sanh tử

Độ thoát chúng sanh

Dĩ tiền bát sự

Khai đạo nhất thiết

Linh chư chúng sanh

Giác sanh tử khổ

Xã ly ngũ dục

Tu tâm thánh đạo

Nhược Phật đệ tử

Tụng thử bát sự

Ư niệm niệm trung

Diệt vô lượng tội

Tiến thú Bồ Đề

Tốc chứng chánh giác.

Vĩnh đoạn sanh tử

Thường trụ khoái lạc.

 

II. DỊCH NGHĨA

Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của chư Phật, các vị Bồ tát và các bậc Đại nhân. Các Ngài đã tinh tấn hành đạo, tu tập từ bi và trí tuệ, nương thuyền pháp thân mà lên bờ Niết bàn, rồi lại trở về cõi sanh tử để giúp chúng sanh được giải thoát. Các ngài lấy tám điều giác ngộ này mà chỉ dẫn chúng sanh. Làm cho mọi chúng sanh giác ngộ được nỗi khổ sanh tử mà buông bỏ năm dục lạc hướng tâm về con đường Thánh.

Nếu là đệ tử của Phật thì phải đọc tụng tám điều này. Ở nơi mỗi ý niệm đều như vậy diệt được vô lượng tội, hướng đến giác ngộ, mau lên chánh giác. Vĩnh viễn đoạn trừ sanh tử, thường ở trong sự an lạc Niết bàn.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG

Phần kết thúc Kinh là những lời nói lên tác dụng siêu việt của tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân nhằm khích lệ tinh thần tu tập của các hành giả phật tử. Phần nầy có thể chia thành hai ý chính:

1. Tác dụng xuất thế của tám điều giác ngộ:

Tám điều giác ngộ nầy không phải là pháp môn thông thường mà nó có giá trị và lợi ích rất lớn: Là phương tiện để giải thoát của chư Phật, Bồ tát, Thánh hiền… Các Ngài nhờ nỗ lực tu tập theo tám điều giác ngộ nầy mà viên mãn được đức tánh từ bi và trí tuệ, nhờ từ bi và trí tuệ viên mãn mà tạo thành chiếc thuyền pháp thân dẫn đến bến bờ Niết bàn- giải thoát tối hậu.

Tác dụng xuất thế gồm những gì? Đó là tu tập quán chiếu Tứ Niệm Xứ, trang bị cho mình nhận thức rõ về thân, về thọ, về tâm và về pháp. Tu tập hạnh thiểu dục tri túc sống đời thanh bạch từ bỏ các lạc thú ở đời. Nhờ vậy trí tuệ được tăng trưởng- tuệ giải thoát phát sinh.

- Con đường tu tập để làm thanh tịnh Thân- Khẩu- Ý, đoạn trừ các ác nghiệp và các ô nhiễm tâm lý, làm chủ được các hành vi bản năng, mở rộng đường cho trí tuệ và giải thoát; đó là con đường tu tập chung của mọi người phật tử. Dĩ nhiên người xuất gia có lợi thế hơn. Đây là công hạnh căn bản, là hiện tướng giải thoát của người tu, nếu không có hay không đạt được hoặc không qua lộ trình tâm thanh tịnh nầy thì không có lộ trình giải thoát nào, nghĩa là muốn qua sông thì phải biết bơi, còn sử dụng khả năng biết bơi để cứu người hay không là chuyện khác. Vì vậy không thể chấp nhận một người phật tử, nhất là phật tử xuất gia mà tham lam, sân hận quá lớn, không có lý do chính đáng nào biện minh cho các việc làm hay hành vi bất thiện.

- Con đường Bồ tát hạnh hay Đại thừa cũng dựa trên cơ sở giải thoát và thanh tịnh nầy mà hướng tâm về cứu độ chúng sanh.

- Thuyền pháp thân được làm bằng trí tuệ và từ bi, trí tuệ và từ bi được làm bằng chất liệu thanh tịnh không ô nhiễm. Con thuyền ấy đưa hành giả đến bờ giải thoát.

2. Tác dụng nhập thế của tám điều giác ngộ:

- Tu tập hạnh thanh tịnh giải thoát xuất thế đối với đường lối của Kinh tám điều giác ngộ có hai mục đích: Một là trang bị cho mình khả năng giải thoát khỏi sự trói buộc của sanh tử. Hai là sử dụng khả năng ấy để giúp cho chúng sanh cũng được lợi ích giải thoát như mình. Thực ra, bản chất của giáo pháp mà đức Phật dạy luôn bao hàm hai khả năng ấy.

- Trong lời kết thúc nói rằng: sau khi các Ngài đắc đạo nhờ tu tập tám điều giác ngộ, các Ngài từ cõi Niết bàn trở về cõi sinh tử giúp chúng sanh giải thoát. Điều nầy rất rõ ràng, trước khi hóa độ chúng sanh thì phải hóa độ mình trước, mình có giác ngộ, có giải thoát mới “trở về” hóa độ chúng sanh, chứ không phải mình chưa giải thoát mà vội độ sanh chỉ tăng trưởng phiền não và tội lỗi. Vì vậy, ta không có lý do gì để phê bình những người đang nỗ lực tu tập “độ mình” là những người tiêu cực, ích kỷ.

Tuy nhiên, nếu mình “độ mình” lâu quá, chúng sanh đang đau khổ mà mình chưa “công viên quả mãn” thì có phải đang bỏ rơi chúng sanh hay không? Có lẽ đó là một điều lo xuất phát từ thiện ý cũng như lo “voi chết không có hòm”, kiểu nói của tục ngữ Việt Nam.

Con đường tu tập của Phật giáo không nên phân cách quá cứng ngắc giữa độ mình và độ người. Nếu quán chiếu theo chân lý duyên sanh, ta sẽ thấy: độ mình là độ người, độ người cũng là độ mình. Chất liệu tu tập có chất liệu từ bi thì hệ quả tất nhiên là có độ chúng sanh. Vì vậy, không thể nói Đại thừa mới hoá độ chúng sanh được, còn các đường tu tập khác thì không!

Tác dụng nhập thế của tám điều giác ngộ là thành tựu biện tài thuyết pháp cảm hóa chúng sanh, giúp đỡ cho chúng sanh về mặt vật chất cũng như tinh thần để họ bớt khổ, tạo cho họ cơ hội để họ tu tập hướng thượng, hướng thiện. Lấy nếp sống mẫu mực thanh bạch và vô dục của mình làm tấm gương, làm thân giáo để mọi người quay về chánh đạo. Cuối cùng nếu cần thiết, mình có thể nhập cuộc nhận lãnh khổ đau nếu đó là điều giúp cho mọi người bớt khổ thêm vui. Đó là con đường nhập thế của Bồ tát, của Kinh Tám điều Giác ngộ.

Tất cả mọi phương tiện mà Bồ tát thực hành đối với chúng sanh đều phải hướng đến các tác dụng cụ thể:

a. “Linh chúng sanh giác sanh tử khoå”: Làm cho chúng sanh có được trí tuệ nhận chân Khổ đế mà cái khổ lớn nhất là cái khổ của sự sanh tử luân hồi. Điều nầy không dễ, người ta dễ dàng nhận thức hay chấp nhận chân lý khổ như: khổ về sanh, lão, bệnh, tử, thương yêu mà phải xa nhau, ghét mà phải gần nhau, hoặc cầu mong mà không toại ý, tức là những cái khổ mang tính hiện tượng, còn cái khổ bản chất thì họ không biết và rất khó biết. Vì vậy, họ chỉ mong hết khổ thông thường chứ không mong được giải thoát.

b. “Xả ly ngũ dục”: Làm cho chúng sanh nhận chân được Tập đế là nguyên nhân của khổ, tham ái ngũ dục. Chúng sanh đang ở trong cuộc đời, đang hưởng thụ ngũ dục, đang hướng tâm trí đến các đối tượng của dục và vì vậy mà họ đang đau khổ. Làm cho chúng sanh thấy rõ bản chất của dục là nguy hiểm luôn gây ra hậu quả đau khổ, để họ dần dần nhận thức và từ bỏ chúng.

c. Tu hành thánh đạo: Làm cho chúng sanh hiểu được Đạo đế, tu hành con đường dẫn đến đoạn trừ khổ đau.

- Tu hành thánh đạo là gì? Chính là tu tập hành trì Bát Chánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nếu chúng sanh tu tập thánh đạo nầy thì chắc chắn thoát ly khổ ách.

- Đoạïn cuối cùng nhắc nhở khích lệ người đệ tử phật phải đọc tụng và nhớ nghĩ đến tám điều giác ngộ nầy. Được như vậy thì trong từng ý nghĩ tiếp diễn chỉ có thiện pháp, không có ác niệm, ác pháp. Nhờ đó mà ác nghiệp được tiêu diệt, dẫn đến giác ngộ, thành tựu thánh quả và khổ sanh tử chấm dứt, hưởng niềm vui tối thượng, an lạc Niết bàn.

IV. KẾT LUẬN

- Lời kết thúc Kinh bao hàm ý nghĩa khái quát con đường tu tập của Kinh, đó là thực hành sự thanh tịnh làm cho tâm hết ô nhiễm thành tựu các đức tính trí tuệ và từ bi, nhờ đó mà được giải thoát tối thượng. Sau khi đạt được sự giải thoát thực hành hạnh lợi tha dùng khả năng giải thoát giác ngộ của mình giúp cho mọi người có điều kiện hướng về chân lý và giải thoát như mình.

- Đồng thời lời kết thúc cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho hành giả thực hành công cuộc hóa độ làm cho chúng sanh nhận chân về sự khổ, về nguyên nhân đưa đến khổ và con đường đưa đến diệt khổ.

-Cuối cùng là khích lệ tu tập bằng cách nêu bật lên công dụng quán chiếu chánh niệm đưa đến đoạn trừ ác nghiệp thành tựu Niết bàn.

Con đường mà Kinh Bát Đại nhân Giác giới thiệu là con đường thuận tiện cho đời sống của người cư sĩ thực hành để đáp ứng nguyện vọng của Bồ tát dấn thân vào đời cứu độ chúng sanh. Con đường ấy đặc biệt ở chỗ sống giữa cuộc đời bụi bặm mà không dính bụi, ngược lại có thể chuyển hóa bụi bặm ô nhiễm thành thanh tịnh thanh lương.

 

D. THAY LỜI KẾT LUẬN

GIỚI THIỆU MẪU NGƯỜI LÝ TƯỞNG

Ngài An Thế Cao khi chưa xuất gia là một hành giả phật tử, tinh thông Phật pháp, đức hạnh thanh cao. Ngài đã có một cuộc sống giải thoát giữa cuộc đời đầy biến động. Động cơ từ bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho chú mà đi tu chắc chắn là do chí nguyện xuất gia chín muồi.

Với tư cách là một người phật tử cư sĩ hiểu đạo và hành đạo giữa cuộc đời đầy ô nhiễm của lạc thú, Ngài hiểu rất rõ sự khó khăn của một cư sĩ hướng về con đường giải thoát. Đồng thời Ngài cũng hiểu rõ vai trò và tác dụng của người cư sĩ đối với cuộc đời- Chuyển tải đạo lý vào đời sống xã hội, khai mở tuệ giác xây dựng hạnh phúc cho nhân thế một cách phổ cập, điều mà vai trò tu sĩ thoát tục rất khó thực hiện.

- Ngài An thế Cao đến Trung Hoa vào thời nhà Hán. Bấy giờ, người Hán chưa được phép xuất gia làm tăng. Trong quá trình phiên dịch Kinh điển, Ngài có cộng sự là cư sĩ người Hán có trình độ thế học và Phật học cao như cư sĩ Trần Tuệ, Nghiêm Phù Điều, Hàm Lâm, Bì Nghiệp... công tác dịch thuật còn có Ngài An Huyền là người đồng hương với Ngài nhưng cũng là cư sĩ. Sau này cư sĩ Trần Tuệ, Bì Nghiệp sang giao châu mang theo một số kinh sách mà Ngài An Thế Cao đã dịch, họ đã tiếp tục sứ mạng của thầy mình truyền bá Phật giáo bằng con đường dịch thuật Kinh điển. Trần Tuệ đã chú giải Kinh An Ban Thủ Ý và Thiền Sư Tăng Hội viết lời tựa.

Những tác phẩm mà Ngài An Thế Cao dịch phần lớn thuộc về hệ Nguyên thủy, là những tác phẩm cần thiết và hướng đến người tăng sĩ. Như vậy, chắc chắn Ngài đã đọc qua Kinh Bát Niệm của Trung A Hàm. Trên cơ sở Tám điều suy niệm của bậc Đại nhân, Ngài thiết lập hệ thống tu tập qua Kinh Bát Đại nhân Giác mang sắc thái vừa Nguyên thủy vừa Đại thừa và mục tiêu hướng đến là người cư sĩ.

Như đã giới thiệu ở phần nhận thức tổng quát đường lối tu tập của Kinh Bát Niệm là đường lối tu tập đoạn trừ lậu hoặc và chứng quả A La Hán. Lộ trình tu tập của Kinh Bát Niệm tiêu biểu cho đường lối tu tập truyền thống của Sangha. Lộ trình này gồm ba bước Giới- Định– Tuệ mà Định là xương sống của pháp môn. Đây là đường lối tu tập không thuận tiện cho người cư sĩ tại gia. Để thiết lập một lộ trình tu có tính phổ biến hơn, tích cực hơn, để nhằm đáp ứng nhu cầu tu tập và hoằng pháp trong một bối cảnh xã hội mới như xã hội Trung Hoa vào thời Hán, Phật giáo chưa được chấp nhận một cách đầy đủ, các vị tăng sĩ chưa được xuất gia, thành phần cư sĩ là chủ yếu. Vì vậy mà Kinh Bát Đại nhân Giác ra đời. Đây như là sự kiện tất yếu, nghĩa là phải có một mô thức mới phù hợp với hoàn cảnh mới cho người cư sĩ tại gia thực hành, đặc biệt dành cho những người cư sĩ có đạo tâm lớn- tâm thì muốn xuất gia, thân thì ở thế tục. Con đường tu tập này không lấy Định làm cơ sở mà lấy chánh niệm làm cơ sở, từ đó ý chí và nguyện lực được thiết lập.

Sự ra đời của Kinh Bát Đại nhân Giác một mặt lấy nền tảng tu tập của Kinh Bát Niệm, mặt khác dựa vào giáo nghĩa Đạïi thừa mà lúc bấy giờ công cuộc vận động Đại thừa đang lên cao. Chắc chắn Ngài An Thế Cao đã thừa hưởng sắc thái của truyền thống Đại thừa một cách trọn vẹn nên những điều giác ngộ cuối đã chuyển hướng sang sắc thái Đại thừa một cách triệt để. Kinh Bát Đại nhân Giác rõ ràng là một hướng đi mới cho một điều kiện và xã hội mới. Đường lối ấy mệnh danh là Bồ tát đạo và mục tiêu hướng đến là người cư sĩ tại gia. Ngài An Thế Cao đã gởi gấm lòng mình qua mẫu người thực hành Bồ tát hạnh, giới thiệu một mẫu người lý tưởng để kiến tạo một xã hội lý tưởng, xã hội Phật hóa… Con đường tu tập này, chúng tôi cho rằng có thể chia làm sáu bước:

- Bước một: Xây dựng một con người có đầy đủ nhận thức sáng suốt về bản chất của cuộc sống, có một tầm nhìn chính xác và rộng rãi về cuộc đời, về vũ trụ thiên nhiên, về đời sống xã hội, về đời sống cá nhân gồm cả hai mặt thân thể vật lý và hoạt động tâm lý (Điều giác ngộ thứ nhất) có được một tầm nhìn như vậy gọi là có chánh kiến.

- Giáo dục trang bị tri thức hoàn chỉnh và căn bản là bước đi đúng hướng, cần thiết như đức Phật dạy trong Kinh Bốn Mươi Pháp: “Chánh kiến đi hàng đầu trong lộ trình tu tập”. Một người phật tử chân chính là người có cái nhìn sáng suốt và hiểu sâu về bản chất của hiện tượng giới.

- Bước thứ hai: Xây dựng đạo đức bản thân qua lối sống thiểu dục và tri túc. Đi vào thực tiễn của đời sống và dưới sự soi chiếu của nhận thức chánh kiến, người phật tử khép mình vào kỷ luật đạo đức qua tu tập hạnh thiểu dục và tri túc. Cần chú ý là trong Kinh Bát Niệm nói dứt khoát là vô dục chứ không nói là thiểu dục. Vô dục của Kinh Bát Niệm là đường lối Thánh đạo vô nhiễm, vô trước của người xuất gia. Thiểu dục tức là ít ham muốn, nghĩa là còn các dục nhưng hạn chế chúng tới mức tối thiểu. Nhờ đời sống kiềm chế nhu cầu tiêu thụ và hưởng thụ, đạo đức của người cư sĩ trở nên tăng trưởng và vững chãi. Nếu cứ để cho lòng ham muốn phát triển không có giới hạn chắc chắn sẽ phát sinh cướp đoạt, lừa đảo, gian trá và hãm hại...

- Bước thứ ba: Qua quá trình tu tập ít ham muốn và biết đủ, người phật tử sẽ tạo được cho tâm thức mình một xu hướng mới: Xu hướng vượt thoát bản năng, tâm thức trở nên hướng thượng thanh cao. Từ con người mang nặng dấu ấn thế tục bắt đầu hình thành con đường giải thoát, đó là một cuộc cách mạng tâm lý, đòi hỏi có sự nỗ lực lớùn để tạo một chuyển hóa đột phá trong tâm cũng như ngoại giới (Điều giác ngộ thứ tư).

Khi mà đời sống dục lạc, ham muốn vật chất giảm, xu hướng trí tuệ tăng, người phật tử có một hướng đi rõ: Những gì đưa đến tăng trưởng trí tuệ đều được quan tâm, coi trí tuệ là sự nghiệp của mình, do đó nhận thức càng sâu sắc và toàn diện (điều giác ngộ thứ năm).

- Bước thứ tư: Tri thức và trí tuệ đã vươn tới tầm cao, điều đó có thể tạo ra một hướng đi phi thực tiễn, trở nên cô độc, duy lý. Vì vậy để có sự quân bình, người phật tử hướng tâm và tuệ của mình vào đời sống thực tiễn để hiểu và cảm thông với nỗi đau của quần chúng, những thái độ bạo động, hằn học, căm thù xuất phát từ sự nghèo túng khốn đốn về đời sống vật chất. Người phật tử sử dụng năng lực trí tuệ để phát triển tình thương yêu cứu giúp mọi người, tu tập hạnh bố thí để quân bình trái tim và khối óc, đồng thời để tích lũy công đức trợ duyên cho đời sống tu tập và chí nguyện độ sanh dễ thành tựu (điều giác ngộ thứ sáu).

- Bước thứ năm: Điều hòa Bi-Trí song hành tạo được sự thăng bằng về tâm. Nhưng vì đời sống cư sĩ tại gia có những ràng buộc, những hệ lụy về tình ái nên dễ bị thối tâm và khó phát khởi tâm từ bi đến chỗ không giới hạn. Vì vậy đến trình độ này, người phật tử bắt đầu thực hành phạm hạnh coi nhẹ tình ái hay chấm dứt tình ái vị kỷ để khai mở cánh cửa đại bi tâm. Từ đây ảnh hưởng của người phật tử đã có tác dụng rộng, trước hết là đời sống gia đình được thuần hóa, sau đó là môi trường xã hội xung quanh đã có những ảnh hưởng đạo đức của mình.

- Bước thứ sáu- bước cuối cùng, trí tuệ thấu suốt bản chất nỗi khổ của chúng sanh. Vì vậy đại bi tâm mở rộng, tâm hồn của người phật tử thể nhập vào thế giới chúng sanh, cảm thông và chia sẻ niềm đau của quần chúng. Người phật tử không sợ đau khổ, dũng cảm dấn thân vào đời, thấy mình ở trong chúng sanh, chúng sanh ở trong mình, chúng sanh và mình là một. Vì vậy niềm đau của con người cũng chính là niềm đau của mình, nên không thể thờ ơ trước nỗi đau khổ của nhân loại. Họ dấn thân vào đời với trí tuệ vô ngã siêu việt, với trái tim thương yêu không giới hạn dưới mọi hình thức, dùng mọi phương tiện để đạt được mục đích đưa con người đến chỗ giải thoát an vui.

* Sáu bước đi của một người cư sĩ thực hành Bồ tát hạnh như vậy không phải là những bước đi siêu thực, mà đó là những bước đi hiện thực, là những điều kiện cho một con người toàn diện hay con người lý tưởng cho một xã hội lý tưởng: Một xã hội bình đẳng, an lạc, văn minh và giải thoát.