Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Sự Tích Quan Âm Thị Kính
Thiền sư Nhất Hạnh
21/02/2558 21:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiếng đồn sư chú Kính Tâm là gái chạy từ thôn trên xuống xóm dưới, từ làng nọ tới làng kia nhanh như chớp giật. Từ dưới làng và từ các làng kế cận, người ta đổ về chùa không ngớt. Thiện nam, tín nữ, người già, người trẻ, người theo, kẻ chống, tất cả đều bị xúc động mãnh liệt. Mặt trời vừa đứng bóng mà trong khung viên chùa đã chật nghẹt cả người. Hòa thượng Phương Trượng đã đọc lá thư của sư chú Kính Tâm gửi cho ngài. Ngài cho phép đại đức Chí Tâm đưa chú bé Thiện Tài lên đường về quê quán của Kính Tâm, đem theo lá thư của sư chú gửi về bố mẹ. Và ngài cũng cho chú Mãn Tâm mang lá thư sư chú viết cho Thị Mầu xuống cho nàng. Chú xuống tới nhà nàng thì nàng không còn đấy nữa. Thì ra nàng đã nghe tin và đã lên chùa từ đầu giờ Tỵ. Chú Mãn Tâm phải trở lại lên chùa và khó nhọc lắm mới tìm ra được cô Mầu và trao cho cô bức thư ấy. Nhục thân của Kính Tâm được di chuyển vào Tây đường, đèn nến sáng trưng và khói hương nghi ngút suốt cả ngày đêm. Đích thân hòa thượng Phương Trượng đứng ra hướng dẫn các thời tụng niệm. Mỗi khi ngài mệt thì thầy Thành Tâm đứng ra thay thế. Tiếng tụng kinh niệm Bụt vang khắp điện trong sân ngoài. Có biết bao nhiêu là người khóc. Người ta nói với nhau: "Tu như thế mới là chân tu đấy. Nhẫn được điều khó nhẫn, thế mới là nhẫn nhục ba la mật. Khốn khổ! Thế mà đày đọa người ta hơn cả sáu năm trời." Có nhiều ông mắt đỏ hoe. Có nhiều bà cụ khóc bù lu bù loa. Tiếng niệm Bụt vọng lên không ngớt.

Nhục thân của sư chú Kính Tâm sẽ được quàng ở Tây đường trong bảy hôm trước khi được đưa lên dàn hỏa ở khu đồi phía trước chùa; ngay trên chiếc tịnh thất của sư chú. Thầy Chí Tâm đã được lệnh đi ngựa để có thể đưa gia đình sư chú về kịp dự lễ trà tỳ. Gia đình của phú ông, trong đó có Mầu, đã đến trình làng xin đứng ra đài thọ cho tất cả những phí tổn của tang lễ. Mọi người trong gia đình Mầu đều nghe theo lời khuyến thỉnh của hòa thượng Phương Trượng lên ở hẳn trên chùa, ăn chay, nằm đất, đọc kinh, sám hối và cầu nguyện. Mầu đã khóc hết nước mắt. Trong lễ phát tang, nàng đã quỳ xuống xin thọ tang cho sư chú với tư cách một người em ruột. Nàng vâng theo tất cả những lời chỉ dạy của thầy Thành Tâm. Một điều rất lạ đã xảy ra: từ khi phát kiến được sự thật và thọ tang, nét mặt nàng và con người nàng đã biến đổi hẳn: nét u sầu và tuyệt vọng đã biến mất, mặt nàng rạng rỡ như vừa tìm thấy được một người yêu đích thực của đời nàng. Theo lời dạy của Hòa Thượng trú trì, Kinh Lục Độ Tập của thiền sư Tăng Hội được đưa ra trì tụng cả ngày đêm. Và ai cũng đã thuộc lòng những bài kệ mà kinh dạy về hạnh nhẫn nhục ba la mật.

Cuối cùng, đại đức Chí Tâm về tới. Thầy báo tin chiếc xe song mã chở bố mẹ, em Châu của sư chú, chàng Thiện Sĩ và chú tiểu Thiện Tài sắp về tới. Thầy nói Thiện Tài đã được ông bà chấp nhận như một đứa cháu ruột. Hai ông bà đọc thư đã khóc ròng. Tám năm trời trông tin con gái mà không thấy một tăm hơi, đến khi thư tới, thì con gái đã trở nên người thiên cổ. Xe ngựa dừng dưới chân đồi. Nhìn lên chùa, ông bà Lý đã trông thấy phấp phới bay trong gió bức minh tinh mầu đỏ có đề danh hiệu Kính Tâm. Hai ông bà lại oà lên khóc. Đúng ngọ mới là lễ trà tỳ hỏa thiêu nhục thân của người quá cố, vậy mà giờ này sân chùa đã đen nghịt cả người. Thiện nam tín nữ đến dự lễ trà tỳ đông quá, có đến trên ba ngàn người. Sân chùa vẫn vang tiếng tụng kinh niệm Bụt. Một cây cầu làm bằng tấm lụa trắng hàng trăm thước bề dài đã được giăng lên. Chiếc cầu này tượng trưng con đường từ bờ khổ đau qua bến giải thoát. Hòa thượng đích thân ra đón ông bà họ Lý, Châu, Thiện Sĩ và chú tiểu Thiện Tài rồi đưa họ vào phương trượng. Ngài phủ dụ mọi người, hướng dẫn mọi người lạy Bụt rồi vào Tây đường chiêm bái nhục thân của sư chú Kính Tâm. Nét mặt sư chú rất bình thản; trên môi vẫn còn dấu tích nụ cười của giờ phút nhập diệt. Mọi người quỳ xuống trước bàn thờ Tam Bảo và làm lễ thọ tang. Châu thọ tang chị, Thiện Sĩ thọ tang vợ và Thiện Tài thọ tang sư bố. Mọi người đều phát nguyện ăn chay, thực tập năm giới, và tụng kinh niệm Bụt.

Chuông trống Bát Nhã vang dội lên báo giờ di quan và rước nhục thân người quá cố ra dàn hỏa. Thiện nam tín nữ được lệnh nép ra chừa lối cho đám rước. Ông bà họ Lý, ông bà phú hộ, Châu, Thiện Sĩ, Mầu và chú tiểu Thiện Tài đều mặc tang phục đi sau linh cửu. Các thầy Chí Tâm và Thành Tâm chủ trì lễ nghi, hướng dẫn xướng tán và hộ niệm. Trầm hương xông ngát. Lòng người theo với trầm hương mở rộng và tỏa ra tận mười phương. Chuông đại hồng điểm từng tiếng khoan thai, vỗ về lòng người, giúp cho tâm tư mọi người lắng đọng. Giờ phút này không còn trái tim nào mang tư tưởng hận thù, chia rẽ. Giờ phút này không còn trái tim nào còn mang chất liệu oán hận và căm thù. Trên ba ngàn người có mặt, mà tâm người nào cũng được đánh động bởi tình thương. Trái tim của sư chú Kính Tâm đã đi vào trái tim mọi người. Sư chú Kính Tâm đang có mặt một cách rất hiển nhiên, vừa trong cõi thế gian vừa trên bờ giải thoát.

Trong lúc hỏa đàn bốc cháy, hòa thượng Phương Trượng, trong y hậu đại lễ, chỉ cho tứ chúng thấy một vầng sáng trên trời. Mọi người ngửng đầu nhìn lên. Có rất nhiều vị thấy được một vùng hào quang nơi tập hợp của nhiều đám mây ngũ sắc. Sư chú Kính Tâm là người chân tu, sư chú chắc chắn đã được siêu thăng.

Tới giữa giờ Mùi, lửa hỏa đàn mới tắt. Các đại đức Chí Tâm và Thành Tâm ra lệnh rưới nước thơm dập tắt than lửa, và thu thập tro tàn của nhục thể Kính Tâm. Hai đại đức đã tìm thấy trong tro bảy mươi lăm hạt xá lợi, có hạt lớn bằng đốt tay út, long lanh như hạt châu, có hạt nhỏ như hạt vừng, tất cả đều long lanh chiếu mầu ngũ sắc. Hai thầy tự tay thu nhặt xá lợi và bỏ vào trong một bình bằng sứ trắng để đem vào chùa thờ phụng.