Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Sự Tích Quan Âm Thị Kính
Thiền sư Nhất Hạnh
21/02/2558 21:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đứng trên một pháp tòa cao, hòa thượng bắt đầu thuyết pháp cho đại chúng. Giọng ngài rền lớn như tiếng chuông đồng, dù tuổi ngài đã suýt soát bảy mươi. Ngài dạy rằng sư chú Kính Tâm tuy mới là một vị sa di, chưa được thọ giới lớn, nhưng đã tu hành đắc đạo. Sư chú quả là một vị bồ tát hiện thân. Hạnh tu từ bi và nhẫn nhục của sư chú chứng tỏ sư chú đã là một vị bồ tát chân nhân ngay từ hồi sư chú còn hiện tiền hành đạo. Tâm của sư chú đã trở thành tâm vô lượng, tâm không biên giới, không ngằn mé, và tâm ấy là tâm từ, bi, hỷ, xả có khả năng ôm lấy và dung chứa được mọi loài. Đêm qua, trong giờ thiền tọa, hòa thượng đã thấy đức Thế Tôn thị hiện. Tay trái của ngài nâng một đài sen, tay phải của ngài bắt ấn cát tường. Ngài dạy hòa thượng là Kính Tâm đã đạt tới quả vị của một vị đại bồ tát an trú trong Pháp Vân Địa, nghĩa là quả vị cao nhất của một vị bồ tát. Và từ ngón tay trỏ của đức Thế Tôn trong ấn cát tường một tia sáng phát ra. Theo dõi tia sáng đó nhìn lên, hòa thượng thấy một tòa sen báu ngàn cánh; ngồi trên tòa sen là một vị bồ tát dung mạo cực kỳ đoan chính; khuôn mặt đúng là khuôn mặt của sư chú Kính Tâm. Bồ tát mỉm cười chắp tay làm lễ hòa thượng. Lòng tràn đầy hỷ lạc và quy kính, hòa thượng cũng chắp tay kính lễ bồ tát. Điều lạ lùng nhất là hòa thượng thấy chú tiểu Thiện Tài cũng có mặt, đang chắp tay đứng bên tòa sen của bồ tát. Giây phút thị hiện rất ngắn ngủi, nhưng thật thâm sâu và rõ ràng. Trong phương trượng của hòa thượng tự nhiên phảng phất một mùi hương kỳ diệu mà hòa thượng chưa bao giờ ngửi thấy.

Hòa thượng tuyên bố giữa đại chúng là ngài phát nguyện khởi xướng việc xây cất một ngôi chùa cho người nữ xuất gia tu tập, theo di chúc của bồ tát Kính Tâm. Bồ tát Kính Tâm đã tu hành đắc đạo, đã độ được cha mẹ và mọi người, từ thân đến sơ. Ngôi chùa này cũng sẽ thờ xá lợi của bồ tát Kính Tâm. Hòa thượng dạy rằng tuy mình là thầy bản sư của Kính Tâm, ngài cũng đã học hỏi được rất nhiều từ công hạnh của bồ tát. Ngài bảo khi một người tu đắc đạo thì không biết bao nhiêu người khác được nhờ cậy. Ngài dạy cho đại chúng niệm: Nam mô đức bồ tát Quan Âm Kính Tâm, vô lượng từ bi, vô lượng hỷ xả, vô lượng nhẫn nhục. Tất cả mọi người trì tụng danh hiệu này một trăm lẻ tám lần, với giọng điệu thiết tha và tâm ý thành khẩn. Hòa thượng còn dạy mọi người là mỗi khi trong lòng có sự bực bội, ganh tức, phiền muộn hoặc oán hờn thì phải trì niệm danh hiệu bồ tát nhiều lần. Nếu một lòng trì niệm danh hiệu ấy thì chỉ trong khoảnh khắc những tâm niệm khổ đau kia sẽ được chuyển hóa.

Rồi hòa thượng kết thúc bài pháp thoại bằng một đoạn kinh trong đó đức Thế Tôn giáo hóa vị sa di La Hầu La về phương pháp hành xử với cuộc đời. Năm ấy sa di La Hầu La được mười bảy tuổi, đã có khả năng tiếp nhận giáo lý sâu sắc. Bụt dạy:

"Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của đất. Dù người ta có đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt và sữa thơm, hoặc người ta có đổ lên đất những thức hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, đàm giải và phân rác thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc tự hào cũng không oán hờn hay tủi nhục. Tại sao? Tại vì đất là địa đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa. Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.

Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của nước. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho đẹp đẽ hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn và hôi hám, thì cũng không phải vì thế mà nước bị vướng mắc, tự hào hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục. Tại sao? Tại vì nước là thủy đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận. Nếu tâm con rộng lớn, bao la, vô lượng như nước, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con khổ đau và buồn tủi.

Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của lửa. Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù là những cái xấu xa dơ bẩn, mà lửa vẫn không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Tại sao? Tại vì lửa là hỏa đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả những gì người ta đem tới. Nếu tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được hạnh phúc và bình an trong con.

Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của gió. Gió có thể tiếp nhận, thổi đi và chuyển hóa mọi mùi hương, dù thơm, dù thối, mà không bị vướng mắc, tự hào hoặc buồn khổ hay tủi nhục. Vì sao? Vì gió là phong đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi thường. Nếu tâm con rộng lớn, nếu tâm con có khả năng chuyển hóa và di động thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức mà kẻ khác trút lên con, và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong con được."

Những bài kinh mà hòa thượng trú trì đọc lên có âm hưởng của những bài kệ mà ngày xưa sư chú Kính Tâm đã xướng lên mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều trong những giờ thỉnh đại hồng chung. Những lời kinh ấy như nước cam lộ tưới xuống trái tim của mọi người. Châu, em trai của sư chú Kính Tâm sau khi nghe kinh đã đến quỳ xuống dưới chân hòa thượng để cầu xin xuất gia tu học tại chùa. Thiện Sĩ cũng đến quỳ lạy dưới chân ngài để cầu xin xuất gia. Thị Mầu cũng đến quỳ lạy dưới chân hòa thượng. Nàng bạch với hòa thượng là khi ngôi chùa sư nữ đầu tiên được thành lập, nàng sẽ xin xuống tóc để xuất gia tu học nơi ấy. Hai ông bà phú hộ bố mẹ của Mầu cũng như hai ông bà họ Lý bố mẹ của bồ tát Kính Tâm cũng quỳ xuống phát nguyện xin thọ trì năm giới và hết lòng yểm trợ hòa thượng trong việc xây dựng ngôi chùa sư nữ đầu tiên trên đất nước Giao Châu.

Chùa Pháp Vân, gọi tắt là chùa Vân hay chùa Dâu, là nơi phát tích của bồ tát Quan Âm Kính Tâm. Để người ta mãi mãi nhớ rằng đức Quan Âm này xuất thân từ một người con gái, nên dân chúng thay vì gọi ngài là đức bồ tát Quan Âm Kính Tâm, đã thường gọi ngài là bồ tát Quan Âm Thị Kính. Ta cũng nên tùy hỷ theo ước muốn ấy và chắp tay cung kính niệm Nam Mô bồ tát Quan Âm Thị Kính. Và ta cũng có câu ca dao:

Xem trong cõi nước Nam ta, Chùa Vân có đức Phật Bà Quan Âm.


Phật Bà Quan Âm đây là Phật Bà Quan Âm Kính Tâm, hay nói gọn hơn là Quan Âm Thị Kính.