Sách hay
Thái độ của người tu tập Phật Giáo đối với sự đau đớn
22/04/2557 08:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vài lời ghi chú của người dịch

           

            Dí dỏm, thẳng thắn, chân thật và giản dị, bài thuyết giảng trên đây của nhà sư Ajahn Brahmavamso Mahathera đã nêu lên thật sâu sắc các sự đau đớn xảy ra trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta. Không nhất thiết là phải trông thấy một người múa may ca hát trên đường phố hay một người bị tai nạn lưu thông máu me lênh láng, mới ý thức được sự đau đớn là gì: đau bụng, muỗi đốt, đau răng, cảm cúm... cũng đã là đau đớn rồi. Thế nhưng dù là đối với những sự đau đớn thô thiển và "lặt vặt" đó hay là những sự đau đớn tinh tế và sâu kín hơn phát sinh từ bản chất trói buộc của sự hiện hữu, thì chúng ta đều tìm cánh chống lại. Sự chống trả đó là một cách dàn quân để gây chiến với chính mình. 

 

            Chúng ta nào có thể vật lộn và gây chiến với chính mình trong suốt cuộc sống được. Cuộc chiến hay sự vật lộn ấy Đức Phật gọi là "mũi tên thứ hai" (Kinh Sallatha Sutta) mà mình tự bắn vào tâm thức mình. Sự đau đớn tâm thần đó sẽ tác động đến kẻ khác qua các mối quan hệ tương giao với họ dưới các hình thức xúc cảm đủ loại do mũi tên thứ hai gây ra. Bởi vì xúc cảm chỉ có thể dấy lên trong bối cảnh tương tác với người khác, chúng không hiện ra một cách đơn độc và vô cớ mà luôn phải cần đến một đối tượng - tức là những người khác trong bối cảnh sinh hoạt gia đình và xã hội - để có thể bùng lên. Nói cách khác thì những xúc cảm ấy là mũi tên thứ hai mà chúng ta nhắm bắn vào các người khác. Hằng ngày chúng ta bị không biết bao nhiêu mũi tên bắn trúng và đồng thời thì chúng ta cũng bắn ra không biết bao nhiêu mũi tên từ tâm thức mình nhắm vào người khác. Đấy là lý do cho thấy tại sao chiến tranh xảy ra không bao giờ ngừng trên thế giới và trong suốt lịch sử của nhân loại,.

 

            Thế nhưng  một số người cũng có thể cho rằng tầm nhìn ấy cũng chỉ có thể biểu trưng cho khía cạnh tiêu cực của xúc cảm mà thôi. Điều này rất đúng, bởi vì cũng có những mũi tên xuyên vào tim mình hay mình bắn trúng vào tim của người khác mà mình gọi là "tình yêu". Cái mũi tên "tình yêu" ấy sẽ làm phát sinh ra đủ mọi thứ phức tạp: từ thi phú, văn chương, nghệ thuật, phim ảnh, ca nhạc, cho đến quần áo, phấn son, thể dục thẩm mỹ... Phía sau các thể dạng "hạnh phúc" ấy tàng ẩn những khổ đau thật kín đáo. Đức Phật gọi đấy là cách tránh né sự đau đớn hay một hình thức bù đắp cho các sự đau đớn của chính mình. Thái độ hành xử đó được thúc đẩy bởi động cơ dục tính (Kinh Sallatha Sutta), mà chúng ta gọi trệch đi là mũi tên "tình yêu" đâm vào tim mình một cách thật "êm ái".

 

            Bài giảng trên đây của nhà sư Ajahn Brahm nêu lên các hình thức đề kháng đó của chúng ta trước sự đau đớn, và đồng thời đưa ra một phương thức hành xử ngược lại, giúp chúng ta bẻ gẫy mũi tên thứ hai, khiến không còn một xúc cảm nào dấy lên được nữa, và đấy chính là cách mang lại sự an vui cho mình và hòa bình cho thế giới.  

                       

            Trước khi chấm dứt và nhằm mục đích tìm hiểu thêm quan điểm của nhà sư đáng kính này về Phật Giáo nói chung, xin mạn phép trích dẫn một vài câu phát biểu của ông trong các bài thuyết giảng khác để cùng với người đọc suy tư:

 

- "Niềm phúc hạnh mang lại từ việc hành thiền vượt xa hơn các lạc thú dục tính"

- "Mục đích trong việc giảng huấn của tôi là giúp cho người nghe tự giải tỏa các thắc mắc cho mình và sẽ không còn cần đến những lời thuyết giảng của tôi nữa. Thế nhưng nếu cứ nhìn vào số người đến nghe ngày càng đông hơn, và như thế cũng đã từ lâu, thì sẽ phải hiểu rằng tôi là một người giảng huấn thật tồi"

- "Không có kinh sách nào gọi là thiêng liêng trong Phật Giáo cả, sự thiêng liêng là ở trong việc hành thiền" (lý thuyết không mang tính cách thiêng liêng, thiêng liêng chỉ có thể hiện ra khi tréo chân ngồi xuống)

- "Kết quả của một cuộc nghiên cứu thật nghiêm chỉnh đã cho thấy là việc cúng dường cho một nhà sư ít tốn kém hơn là nuôi một con chó. Vì thế mỗi gia đình nên có một nhà sư trong nhà"

- "Tại sao mình lại phải giao phó cho người khác quyền quyết định về niềm hạnh phúc trong nội tâm mình?"

- "Sự sống tương tự như một bông hoa: nở ra được một vài ngày và các cánh hoa sau đó sẽ phải rơi xuống, thế nhưng đấy lại là cách giúp cho đất trở nên phì nhiêu hơn hầu giúp cho các bông hoa khác có thể vươn lên trong tương lai"

-"Nếu ai đó có hỏi tôi sẽ đi về đâu sau khi chết, thì tôi sẽ trả lời rằng có ba nơi mà tôi có thể đến được ấy là: Karrabatta, Pinnaroo và Fremantle" (tên của ba nghĩa địa của thành phố Perth, nơi tọa lạc của ngôi chùa Bodhinyana của nhà sư Ajahn Brahm)

- "Một số người chỉ trích Phật Giáo là chỉ biết trốn chạy hiện thực. Tôi xin trả lời với họ rằng: Thật đúng, các bạn đã hoàn toàn hiểu được sự tinh túy của Phật Giáo là gì!" (theo giáo lý Phật Giáo bản chất của "hiện thực" là sự đau đớn, bất toại nguyện và thể dạng trói buộc của sự hiện hữu, và cũng là Sự Thật Thứ Nhất trong số bốn Sự Thật Cao Quý. Không chấp nhận bản chất ấy của "hiện thực" chính là cốt lõi của Phật Giáo) 

- "Tôi sẽ phải phản ứng ra sao nếu một người nào đó vứt kinh sách Phật Giáo vào lỗ cầu? Thật hết sức hiển nhiên: tôi sẽ gọi người ấy là một người thợ ống nước"

- " Dù bạn là ai và dù bạn có làm gì đi nữa, thì cánh cửa của con tim tôi cũng luôn mở rộng..."

"Càng biến mất đi thì bạn sẽ càng được hạnh phúc và hân hoan hơn, càng hiện hữu ít đi thì bạn sẽ càng cảm nhận được sự giác ngộ dễ dàng hơn"

- "Nếu bắt buộc phải nói lên ý nghĩa của sự sống là gì thì sẽ phải nói như thế này: "Bạn thật xứng đáng được hạnh phúc" (kính trọng kẻ khác, nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, mang lại hạnh phúc cho kẻ khác, yêu thương kẻ khác: chính là ý nghĩa của sự sống. Chữ từ bi đã bị lạm dụng quá nhiều và đã trở thành một sáo ngữ)

- "Nếu bạn không tin vào sự tái sinh, thì cũng chẳng sao cả. Bạn sẽ tin điều ấy trong kiếp sống sau"

- "Chớ bao giờ để cho đức tin trở thành một chướng ngại ngăn chận sự thật"

 

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 21.04.14

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ