Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Ngũ giới Ưu-bà-tắc/Ưu-bà-di là: cấm sát sanh, cấm trộm cắp, cấm tà hạnh, cấm nói láo, cấm uống rượu.

Gởi vợ chồng em Đường – Thạnh,

Đọc thư em, anh cảm nhận được cả vui lẫn buồn, anh rất thông cảm hoàn cảnh của hai em. Thư này anh viết cho cả hai em cùng đọc để từ từ thấm lần vào Phật pháp. Tất cả những câu hỏi của em, chắc chắn anh sẽ lần lượt trả lời rõ ràng. Anh rất thường viết thư trả lời thắc mắc, khuyên người tu tập, nhưng những cái căn bản nhất anh lại quên, ít bao giờ để ý tới. Từ nay có gì thắc mắc cứ tiếp tục hỏi, phải hỏi liền để hiểu, hỏi để em hiểu, hỏi cho anh khôn ra. Đây là sự thực, chứ không nên nghĩ rằng: “... Chẳng lẽ một chút cũng viết thư hỏi. Đây cũng là điều bất tiện...”. Có gì đâu mà bất tiện! Nhiều người cứ mãi lo nghĩ đến chuyện “sông sâu, biển rộng”, có ngờ đâu lại bị vấp ngã chỉ vì một “lỗ chân trâu”. Em nên nhớ, một sự nghi ngờ nhỏ nếu không giải tỏa nó sẽ trở thành chướng ngại lớn, có thể phá tan sự nghiệp hay bẻ gãy cái ý nguyện tốt đẹp ban đầu của mình chứ không phải thường đâu.

Đừng bao giờ nghĩ rằng những thắc mắc của mình là nhỏ, không mấy quan trọng. Ngược lại, cũng đừng bao giờ tự cho mình là người thông minh hiểu rộng. Tự ti và cống cao đều không tốt! Cống cao cuồng vọng so ra còn tệ hơn tự ti, cả hai đều nên tránh! Từ trong kinh điển của Phật mà nhìn, thì đó chính là nghiệp chướng đang hiện hành và xui khiến mình đi vào con đường sai lạc. Những người nghiệp chướng nặng thường rất dễ nhận ra, ví dụ như:

Một là, người không dám đối diện với Phật pháp, một khi nghe nói đến chuyện tu hành, đạo đức, thì họ cảm thấy tội lỗi, thấy sức mình nhỏ nhen không đủ sức, hoặc cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chán nản. Đây là dạng tự ti.

Hai là, người nghe đến Phật pháp thì chống báng, chán chê, khinh thị, bỏ đi xa. Đây là dạng cống cao hay cuồng vọng, khó được cứu độ. Cho nên trong việc khuyên người niệm Phật, chúng ta cũng cần phải tùy duyên, nghĩa là ai đủ duyên thì gặp, ai chưa đủ duyên thì đành chịu lăn lộn theo đường của họ cho đến khi trực nhận ra đạo lý mà tìm đường giải thoát vậy!

Phật giáo là một sự giáo dục chí thiện chí đức, dạy con người sống trên căn bản lòng từ bi, đừng nên tự tư ích kỷ mà hãy vì người, vì chúng sanh, vì xã hội mà phục vụ. Đây gọi là hạnh Bồ-tát. Tâm hạnh Bồ-tát có sáu điều là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí hue, trong đó cái nghĩa gần gũi và cụ thể nhất đối với chúng ta là biết giúp đỡ người khác gọi là “bố thí” và nhân nhượng lẫn nhau gọi là “nhẫn nhục”. Làm được hai điều này là tạm đủ cho ta để khởi đầu cuộc sống tốt đẹp, tạo dựng hạnh phúc gia đình, hòa mình vào xã hội. Bố thí là giúp đỡ người khác vì lòng thương, tùy theo hoàn cảnh mà tương thân tương trợ lẫn nhau. Hãy bố thí bằng cái tâm thành thật, hãy âm thầm và thành tâm giúp đỡ cho chúng sanh thì mới có phước đức, tự nhiên sẽ có cảm ứng.

Bố thí để phá tâm tham lam, còn nhẫn nhục thì phá tâm sân giận. Thực ra nhẫn nhục cũng thuộc về một dạng bố thí, gọi là “bố thí vô úy”, nghĩa là tâm từ bi, biết thương người, không làm người khác buồn khổ. Người tính tình nóng nảy hoặc nói năng vô lễ đều mất cái hạnh bố thí vô úy này, quả báo của nó là gia đình thường bất hòa, hoàn cảnh sống thường xáo trộn, tâm hồn thường sầu khổ, cử chỉ thường vụng về, suy nghĩ thường sơ sót và không được xã hội kính trọng. Người tính tình nóng nảy, lời nói vụng về hãy bắt đầu tu hành bằng chữ “NHẪN”. Cố gắng nhẫn nhịn, tự phản tỉnh, biết lắng nghe nhiều hơn hành động, có như vậy mới xây dựng được hạnh phúc. Anh Năm trước đây tính rất nóng nhưng nay đã biết tu sửa rồi, vì quá sợ cái nhân địa ngục nên anh không dám nóng nữa.

Trong Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội có dạy rằng: “Đối với người, ta không nên cầu được sự thuận thảo, người được thuận thảo thì dễ tự kiêu. Lòng đã kiêu căng tất chỉ thấy phần phải của mình”. Người lúc nào cũng cho mình là phải thì không bao giờ thấy lỗi của mình, chỉ đổ lỗi cho người khác. Đây là dạng người độc tài, bảo thủ, hẹp hòi, cố chấp, họ khó mà tiến bộ được. Càng ngày họ càng thấy lẻ loi, cô độc, họ khó có thể hòa hợp được với ai. Đây là do nghiệp chướng kết tụ từ nhiều đời nhiều kiếp mà thành. Muốn cứu độ họ cũng đành phải tùy duyên. Trong Phật giáo có pháp hồi hướng công đức, ví dụ ở đây cứ sau mỗi ngày niệm Phật anh đều hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh, gửi tặng “miễn phí” công sức tu hành của anh cho tất cả bà con cô bác, chắc chắn trong đó có các em, với ý nguyện rằng công đức này giúp cho mọi người được lợi lạc, soi sáng tâm linh, tiêu bớt nghiệp chướng. Một khi nghiệp chướng giảm nhẹ thì tự nhiên họ có cơ duyên để tỉnh ngộ mà quay đầu. Cách làm này gọi là “nhiếp thọ”. Nhiếp thọ hay nhiếp hóa có nghĩa là tự mình phải cố gắng tu hành, làm gương cho mọi người, chính công đức của mình sẽ ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, giúp cho họ thức tỉnh. Muốn thức tỉnh người khác thì tự mình phải biết thức tỉnh trước. Một trong những nguyên nhân sinh ra bệnh khổ của con người là chính mình không chịu tu sửa, cứ đi đòi hỏi người khác sửa tu. Vì cố chấp vào cái “Ta” quá nặng mà gây nên mất sự hạnh phúc trong gia đình, mất sự kính mến trong xã hội. Tất cả đều do thiếu chữ “NHẪN” vậy!

Những vấn đề của em đưa ra rất ý nhị, nhưng hôm nay có lẽ anh chỉ giải quyết được một vấn đề, còn những chuyện khác hãy chờ thư sau nhé.

Mới vào thư của em, anh gặp ngay câu này: “Đời này quá khổ, không biết bao nhiêu nỗi khổ kể cho hết!”. Đây là một phát hiện rất hay, thật là một giác ngộ đáng quí của em. Hôm nay anh lấy pháp “Tứ Diệu Thánh Đế” của Phật để nói rõ về sự khổ cho em hiểu. “Tứ Diệu Thánh Đế” hay “Tứ Diệu Đế” là pháp Phật nói về sự khổ (gọi là Khổ Đế), nguyên nhân sự khổ (Tập Đế), làm sao cho hết khổ (Diệt Đế), để thành đạo cứu khổ (Đạo Đế).

1) Khổ Đế: “Khổ” là khổ não, “Đế” là chân tướng, sự thật. “Khổ Đế” là chân tướng thật sự của cuộc đời ở trần thế này là khổ. Hôm nay em đã thấy được đời là khổ, thì đây là một sự phát hiện rất tốt, khai mở được cái nhìn mới, tư tưởng mới, đưa đến hành động mới. Những cái mới này có thể cứu em thoát khổ! Tại sao vậy? Vì một khi đã nhận thấy cái mặt thật của cuộc đời là đau khổ, thì ta đang sống giữa trần đời ta phải bị khổ, đó là sự đương nhiên. Đã là sự đương nhiên thì phải biết an nhiên tự tại, biết nhìn nó bằng con mắt bình thường quen thuộc, chứ cần gì phải than khổ! Đúng không em? Trước nay ta sai lầm, cứ cho nó là đẹp, cho nên ta bị đời gạt. Gạt nhẹ ta thấy lo, gạt nặng ta thấy buồn, khi chân tướng vô thường xuất hiện thì mới rõ ra vạn pháp chỉ là huyễn mộng, lúc đó ta bị rơi vào trạng thái thất vọng ê chề mà thành ra đau khổ! Như vậy, sự khổ này là do tại ta chưa hiểu thấu sự thật, mải mê muội chạy theo ảo vọng mà tạo thành nghiệp chướng, cho nên đã khổ lại càng thêm khổ! Nay đã biết rồi thì chắc có lẽ em được cứu khổ vậy.

Trong kinh Niết Bàn Phật dạy có tám cái khổ, gọi là Bát Khổ: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ (thương yêu phải chia lìa: khổ), oán tằng hội khổ (oán ghét gặp nhau: khổ), cầu bất đắc khổ (cầu xin không được: khổ), ngũ ấm xí thạnh khổ (thân tâm bất thường: khổ). Đây là tám cảnh khổ tượng trưng cho nỗi khổ vô tận của chúng sanh phải chịu. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy: “triển chuyển ngũ đạo ưu khổ bất tuyệt, sanh thời khổ thống, lão diệc khổ thống, bệnh cực khổ thống, tử cực khổ thống, ác xú bất tịnh vô khả lạc giả”. Ngũ đạo là trời, người, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục. Đây là cách nói khác của lục đạo, lục đạo có thêm cảnh giới a-tu-la. Khổ là khổ não, thống là đau đớn. Sanh, già, bệnh, chết, đều bị khổ đau, cuộc đời này xấu ác không thanh tịnh, không thể có an lạc được! Như vậy, thử hỏi rằng một chúng sanh như chúng ta sinh ra trên đời này làm sao thoát khỏi đau khổ đây? Trong bốn lời thệ nguyện, Phật dạy, “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, phiền não chính là sự khổ, sự khổ phải đoạn thì mới hết khổ. Nếu khổ não vô tận của chúng ta chưa đoạn thì làm sao không khổ? Khổ nhiều lắm, nhưng có lẽ “Sanh Khổ” và “Tử Khổ” khó thấy và đáng nói nhứt.

*) Sanh Khổ: sanh ra bị khổ. Nhiều người thường cho rằng vì khổ cho nên khi đứa bé mới sanh ra phải bật khóc, tiếng khóc giống như tiếng kêu “Khổ Quá! Khổ Quá!”. Thật ra, nếu xét sâu thêm vào cảnh khổ của chúng sanh, thì “sanh khổ” không phải chỉ đơn giản như tiếng khóc “khổ quá” này đâu. Ngược lại, một đứa bé mới sinh mà không khóc được thì coi chừng còn khổ quá hơn có tiếng khóc “khổ quá” nữa là khác.

Cái khổ thực sự của sanh khổ chính là cái khổ của một sự khởi đầu thọ nghiệp và tạo nghiệp. Thọ nghiệp là trả nợ nghiệp báo cũ của đời kiếp trước; tạo nghiệp là bắt đầu vay nợ mới. Nghiệp cũ và nghiệp mới chất chồng, để rồi một thần thức vừa mới xuất thai đó đành phải sẽ tiếp tục lăn lộn trong sanh tử, tử sanh, luân hồi bất tận trong lục đạo, tam đồ, để trả nghiệp. Cái khổ của một sự sanh nó kéo dài từ sự khổ của đời trước, đến cái khổ của sự chết, khổ trong cảnh trung ấm, rồi đến cái khổ qua sự chuyển thân, như: mê muội nhập thai, hôn mê trụ thai, và mất hết ký ức khi xuất thai. Mê muội, hôn mê, mất hết ký ức, thành ra vừa sanh ra đã bị vô minh che lấp mà mê muội tạo nghiệp, thọ nghiệp nặng hơn, để phải chịu khổ não triền miên vô lượng kiếp tới. Đây mới là điều đáng quan tâm. Một chúng sanh đã sống trải từ vô thỉ, bị khổ đau vô tận trong tam đồ ác đạo, ngày hôm nay được may mắn xuất khỏi bào thai, hiện thân ở cảnh người trong tam thiện đạo, nhưng khổ nỗi nó đã quên hết quá khứ rồi! Vì cái quên oái oăm này mà đứa bé đang khóc “khổ quá, khổ quá” này có thể đang chuẩn bị chờ ngày rơi vào tam ác đạo trở lại. Đây mới chính là cái khổ lớn của “sanh khổ”. Nói cách khác, sanh ra để chịu khổ gọi là “Sanh Khổ” vậy.

Cho nên em nói rất đúng, “Đời khổ quá, không biết bao nhiêu nỗi khổ kể cho hết...”. Sinh ra trên đời, nghèo có cái khổ của kẻ nghèo, giàu có cái khổ kinh khủng của kẻ giàu! Ngu có cái khổ của sự ngu, khôn cái khổ thê thảm của trí khôn! Người dân quê mộc mạc có cảnh khổ của dân quê, người quyền uy thế phiệt có cảnh khổ phải rơi nước mắt của người quyền thế... Đây là sự thật. Ai hiểu được vậy thì mau tìm đường thoát, ai không hiểu thì sự thật vẫn là sự thật. Sự thật này có khi chứng minh được, có nhiều khi không chứng minh được. Chứng minh được là dành cho người có duyên, không chứng minh được là vì người còn thiếu phước duyên. Có duyên hay vô duyên, thấy hay không thấy, điều này vô can hệ đến sự thật! Cho nên Phật dạy, “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, tin tưởng lời Phật dạy là mẹ sinh ra công đức, có công đức mới có cơ duyên chứng minh được sự thật, thấy được chân tướng sự thật mới có tâm cầu giải thoát, có tâm cầu giải thoát mới có cơ hội giải thoát. Người nào muốn được giải thoát thì tự mình phải tạo cái duyên này. Cái duyên này ở đâu? Phải hồi đầu, thành tâm niệm Phật, chính là duyên thoát khổ vậy.

Anh kể cho em nghe một câu chuyện có thực liên quan đến sanh khổ. Chuyện này đã được đóng thành phim và Hội Tịnh Tông Thế Giới đã phát hành khắp nơi. Chuyện kể lại một anh giám đốc trẻ có gia đình vợ đẹp với đứa con trai. Anh là một người rất thông minh, cương nghị, sự nghiệp khá thành công, nhiều tham vọng. Vì thiếu tính nhẫn, anh ta làm cho người bạn thân đang phụ tá cho mình buồn mà bỏ ra đi. Anh ân hận và lái xe đuổi theo, rủi ro xe bị nạn và anh ta chết bất ngờ. Liền sau đó anh đầu thai vào bụng chó.

Sinh ra, con chó còn nhớ hầu hết chuyện của quá khứ, khi vừa đủ lớn là nó đã tìm cách chạy về nhà cũ thăm vợ con và rất tha thiết với tình xưa. Nó gây được cảm tình với đứa con, hàng đêm nó lén vào ngủ dưới gầm giường của vợ. Con chó cố gắng rất nhiều để làm vợ nó biết rằng chính mình là người chồng mà nàng yêu thương nhất vừa chết cách đây vài năm. Nhưng chó là chó, người là người, làm sao thông cảm được! Một hôm, vì bực mình, người vợ toan bắn chết con chó, may mắn thay đứa con vừa về, kịp thời cản ngăn cứu thoát. Con chó đau khổ vô cùng, nó lặng lẽ ra đi! Người vợ tái giá với người bạn thân của chồng mình. Trước khi lên xe hoa, nàng ta đến thăm mộ chồng trong một đêm lạnh lẽo, tuyết rơi mù mịt. Khi đến nơi, trước ánh đèn xe nàng ta đã thấy con chó đang nằm trên nấm mộ hình như để chờ ai. Thấy vợ đến, nó đứng lên, nhìn nàng đắm đuối rồi rơi nước mắt! Nó bươi tuyết trên tảng bia, nó chỉ tên trên mộ bia rồi chỉ mình, sau cùng nó cuối đầu lặng lẽ bỏ đi vào trong đêm đen, mịt mù tuyết lạnh!...
Sanh khổ là vậy đó! Sanh ra làm người đã khổ thì sanh thành chó làm sao khỏi khổ! Tại sao lại thành thú vật? Dễ hiểu! Vì ngu si dại dột, vì cống cao ngã mạn, vì ganh tị đố kị, vì ngày ngày say sưa chè chén mà hại mờ trí huệ của mình, v.v... để từ địa vị một ông giám đốc trở thành con chó. Giờ đây, có ân hận thì đã quá muộn màng! Kiếp chó phải theo sống với chó, phải tìm ăn bên những đống rác chứ biết làm sao hơn?!

Đời là khổ thì nỗi khổ này không buông tha một ai, đừng vội vã nghĩ rằng mình khổ, còn người khác sung sướng. Không có đạo lý này đâu! Hãy bình tĩnh mà coi, có thể một ngày nào đó mình sẽ phát hiện ra trong nhà của người mình cho là quá sung sướng đó lại diễn ra cảnh đấm đá nhau còn dữ tợn hơn mình, họ than khổ còn thê thảm hơn mình, họ bị đổ vỡ còn tang thương hơn mình! Biết bao nhiêu hiện tượng tang thương, đổ vỡ, xảy ra trong giới thượng lưu giàu có. Biết bao nhiêu những sự cố dại dột, điên cuồng, xảy ra trong giới quyền uy. Người ta thường hâm mộ những nước cường quốc tân tiến trên thế giới, nhưng đâu ngờ rằng, ở đó thường có hàng triệu tội phạm xảy ra hàng ngày, hàng triệu người mất hết lý tưởng sống, hàng triệu người đang thất vọng ê chề, quẩn trí, tự chôn đời mình trong những cảnh sa đọa, v.v... Tại sao phải khổ như vậy? Vì không có hướng giải thoát, chưa nhận thấy đời là khổ, không biết nguyên nhân nào đã tạo ra sự khổ, cho nên cứ lăn xả vào việc tạo nghiệp. Một khi nghiệp chướng trùng trùng, tránh sao cho khỏi quả báo khổ não?! Đó là mới kể ra những cảnh khổ có thể thấy được, còn biết bao nhiêu nỗi khổ đau khác đang âm thầm xảy ra hằng ngày mà ta không hay, ví dụ tâm trạng con chó kia, biết bao giờ mới có người để ý đến!

*) Tử khổ: Chết là khổ! Người sắp chết thì sợ chết, người thân thì sợ mất người thân. Ai cũng khổ! Người sắp chết sợ chết, nên lúc chết thì tâm hồn bấn loạn, tinh thần hoảng kinh, thân tâm bất an. Khi sống kiêu hùng, oai thế, hách dịch chừng nào thì lúc xuôi tay càng thảm thương não nề chừng đó! Người thân thuộc thương tiếc người ra đi mà kêu gào thảm thiết, tưởng chừng như họ sắp phải chết theo người thân. Thế đời cho đó là khổ! Nhưng thực ra điều này chưa phải là khổ chính, thời gian có thể xóa nhòa tất cả! Nhiều người thấy cảnh đời quá bạc bẽo nên đâm ra sống bất tín, bất trung, để rồi thọ khổ. Hoặc đơn giản hơn, có người nghĩ rằng chết là hết, cho nên sống cẩu thả, sa đọa... để tự tìm cái khổ. Thật là khổ!

Các em nên nhớ rõ rằng, chết là khổ chứ không phải chết là hết! Dù nghèo hay giàu, dù người thương có chung tình hay bạc bẽo, thì chết cũng phải khổ! Tử khổ, không những là việc mất tiền tài, mất thân mạng hay nỗi bi ai của người thân, mà cái khổ chính yếu của “tử khổ” là chết rồi liệu có thoát khỏi đọa lạc hay không? Cho nên, chết thì ai cũng phải chết, không cần sợ, nhưng hãy biết sợ cái cảnh giới sống sau khi chết. Nếu tốt thì hay quá, nếu lạc vào ác đạo thì sẽ từng ngày phải đối diện với cảnh khổ trải qua hàng tỉ tỉ năm, một thân một mình âm thầm tự chịu, khó than vãn được với ai! Đây là nghĩa sâu nhứt của tử khổ vậy!

Anh kể em nghe một chuyện có thực khác, xảy ra năm ngoái (2002). Tại Úc có một gia đình người chú quen thân và rất thương anh chị, đã xảy ra chuyện buồn. Khi anh về VN thăm cha má vừa qua lại Úc thì gặp chuyện người con gái của chú qua đời. Sự việc là vì gấp đi làm, chị leo lên xe chưa kịp đóng cửa thì chồng chị đã vội vã lăn bánh, xe quẹo hất văng chị xuống đường, chị bị thương bất tỉnh. Người ta đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng cứu không nổi, chị đã tắt thở sau khoảng ba tiếng đồng hồ. Thật tội nghiệp! Chị ra đi trong lúc tuổi đời còn trẻ đẹp. Sự việc xảy ra quá bất ngờ đến nỗi một tuần sau đến kỳ cúng thất thứ nhất anh chị mới hay. Gặp tại ngôi chùa, chú thím gạt nước mắt mà tâm sự với anh rằng:

- Em nó ra đi sớm quá, bất ngờ quá, thật là tội nghiệp! Giờ hấp hối của em, mấy đứa cháu quá thương mẹ cho nên chúng cứ ôm lấy mẹ mà kêu khóc. Có đứa không muốn mẹ nó ra đi nên cứ bẹo vào má, vạch mắt mẹ ra, kéo mẹ nó dậy, chúng nó cố làm cho mẹ nó tỉnh lại, v.v... Nhưng em nó cũng không tỉnh được! Thấy vậy mà chú đỡ bớt xót xa, dù sao em nó cũng ra đi trong tình thương trọn vẹn của con cái, chắc cũng được an ủi phần nào!...

Đứng nghe vợ chồng chú thím tâm sự mà anh cảm thấy đau đớn đến rợn người! Thật tội nghiệp cho chú thím, tội nghiệp cho mấy đứa cháu, nhưng tội nghiệp nhứt và thương tâm nhất vẫn là cá nhân chị đó! Một người bị rơi khỏi xe va đầu xuống đường thì đã đau đớn biết chừng nào! Thế mà còn bị các con ôm kéo, bẹo má, va chạm mạnh đến thân thể lúc ra đi, thì sự đau đớn này làm sao kể cho xiết! Vì không rõ đạo, không hiểu những gì xảy ra lúc lâm chung, không thấy được cảnh giới sau khi chết, mà người cha lại cảm thấy an lòng khi thấy con mình đã bị nạn lại còn thêm nạn nặng hơn! Thật quá tội nghiệp!

Đường em, nếu thường đọc thư anh thì chắc chắn em đã biết rằng anh thường nhắc đi nhắc lại rất nhiều về việc này, mục đích chính là để cảnh tỉnh con người, cảnh tỉnh anh chị em chúng ta, phải tuyệt đối đừng bao giờ gây nên cảnh trạng thương tâm cho người ra đi. Nếu em đã giác ngộ, đã muốn quay đầu tu hành, thì chữ hiếu thảo đối với cha mẹ phải lo cho trọn trước đã. Phật dạy phải trọn hiếu hạnh, không hiếu không tu học Phật được. Anh nói vậy không có nghĩa bắt em phải nhịn đói để nuôi cha má, nhưng chính là phải có lòng hiếu dưỡng, nhất là lo trọn đại hiếu cứu độ cha má vãng sanh. Bằng cách nào? Cụ thể phải chuẩn bị hộ niệm. Muốn hộ niệm được ở ngày lâm chung thì giờ đây con cái chúng mình phải cố gắng tổ chức được những buổi niệm Phật hàng tuần với cha má, tu hành chung với cha má, tập cho cha má biết niệm Phật, biết buông xả tất cả để theo đúng thời khóa tu hành. Phải thay phiên nhau đọc thư của anh cho cha má nghe, giảng rõ đạo lý vãng sanh cho cha má hiểu. Có như vậy, ngày ra đi của cha má mới an nhiên, tự tại, và con cái chúng ta mới đủ sức hộ niệm.

“Sống hiền chết lành” là đại phúc đức của con người, trong đó vãng sanh Tây-phương Cực-lạc là đại phúc trong đại phúc. Sáu bảy tỉ người trên thế giới này chưa chắc tìm ra một người được vãng sanh về với Phật, thế mà anh Năm đã đưa cái đại phúc này đến tận tay cha má rồi mà con cái chúng mình không chịu hỗ trợ cho viên mãn, thì chúng ta quá bất hiếu vậy!

Hộ niệm có những điều tối kỵ, (không được làm), đó là kêu khóc, đụng chạm, ồn ào, khuấy động người đi... Trước đây chưa biết thì không kể, nay đã biết rồi mà còn ương ngạnh phạm phải, thì tội này không sông suối nào rửa sạch, không còn một đường thiện lành cho mình đi. Người niệm Phật là để vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, thành vị Bồ-tát bất thối chuyển, chờ ngày thành Phật. Nhưng một khi cuồng ngạo cố tình phạm tội bất hiếu, đày cha mẹ vào ác đạo, thì chắc chắn chính mình không thể thoát khỏi ngục hình. Cho nên, muốn tròn được hiếu hạnh, thì không những chính em phải lo báo hiếu, mà còn phải vận động anh chị em cùng lo báo hiếu. Phải nói cho họ hiểu cách hộ niệm, phải ngăn cản những ý nghĩ sai lầm, phải biết xem nhẹ cái nồi cám heo, biết quên cuộc cờ tướng, phải giảm bớt những mối kiếm tiền, v.v... để dành thời giờ về nhà thăm lom, sắp xếp thời giờ để niệm Phật chung với cha má. Hiếu là như vậy đó. Phải nhớ nhé.

2) Tập Đế: là nguyên nhân tạo ra sự khổ. Tập là chiêu tụ. Làm thiện được thiện, làm ác bị ác, nếu đời trước làm ác xấu thì đời này bị quả xấu ác, nếu đời này để thân, khẩu, ý, tiếp tục tạo nghiệp ác nữa thì tương lai nhất định không tránh khỏi quả báo khổ não, đó gọi là “Tập Đế”.

Như vậy, nguyên nhân của khổ não là sự tạo tác nghiệp chướng. Tạo nghiệp là sao? Vợ hỗn hào với chồng là vợ đang tạo nghiệp. Chồng vũ phu đánh đập vợ là chồng đang tạo nghiệp. Hỗn hào là “ác khẩu” thuộc về khẩu nghiệp. Đánh đập vợ con là “cường bạo” thuộc về thân nghiệp. Ác khẩu hay cường bạo có liên quan đến “sát nghiệp”, đều thuộc về tâm sân giận. Sân giận là chủng tử địa ngục, nhất định không tốt cho tương lai! Tạo nghiệp dễ vô cùng! Ở trên đời này buồn, vui, sướng, khổ, nghèo, giàu, vô ý, cố ý... đều có thể tạo nghiệp xấu. Cho nên, nếu không chịu tu hành, không chịu phản tỉnh tự sửa chữa, thì tội lỗi sẽ chất chồng. Chừng nào còn tạo nghiệp ác, chừng đó còn sống trong khổ đau, khổ đau cho hiện thế, khổ đau cho hậu thế. “Hiện thế khổ” là thân khổ và tâm khổ. Thân khổ là sanh, già, bệnh, chết... bất tịnh mà khổ. Tâm khổ là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... vô thường, sầu não mà khổ. Tâm khổ, thân khổ là những điều có thể chứng minh được. Còn “Hậu thế khổ” tức là bị đọa lạc tam ác đạo, hiện tượng này không ai thấy, nhưng chính nó là chuyện rất đau khổ của chúng sanh!

Hãy bình tĩnh nhìn lại sự khổ đau ngay trong hiện đời này, để tưởng tượng ra trong đời trước mình tạo bao nhiêu ác nghiệp. Nhìn lại coi có bao nhiêu phước báu mình đang hưởng ở đời này, thì biết trong đời kiếp trước mình làm bao nhiêu việc thiện. Làm lành được lành, làm ác bị ác. Bị nghèo khó là do keo kiệt; bị ngược đãi hoặc ốm đau là do ưa chửi bới đánh đập người; bị ngu si, khờ khạo là do không chịu tu hành nghe pháp, v.v... “Nhân duyên quả báo tơ hào không sai”, sự khổ trong đời này là do nghiệp ác chính mình đã tạo trong đời kiếp trước, bây giờ phải chịu quả báo, chắc chắn không sai. Cho nên mới có câu, “Bồ-tát thì sợ nhân, chúng sanh thì sợ quả”, nghĩa là Phật, Bồ-tát thấy rõ chuyện nhân quả, quí Ngài không bao giờ làm điều sai, còn chúng sanh không biết sự lý, cứ hung hăng làm điều tội lỗi, để phải chịu quả báo khổ đau. Rõ ràng đây là cảnh khổ bất tận của chúng sanh vậy.

Đường em, Thạnh em, anh dẫn giải tới đây để các em biết rằng tất cả mọi việc trên đời đều có định mệnh an bày. Định mệnh này chính là định luật nhân quả. “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, (một miếng uống, một miếng ăn cũng không ra khỏi định mệnh), thì sung sướng hay khổ sở đều do mình tạo, tương lai thiên đường hay địa ngục đều do mình tự chọn. Cho nên, suy cho cùng, tất cả những gì bây giờ mình đang có đều do chính mình dựng lên. Hãy chấp nhận nó mà tìm phương chuyển đổi là điều tốt nhất vậy.

3) Diệt Đế: Biết được nguyên nhân tạo ra khổ não, thì phải biết cách phá trừ khổ não, gọi là “Diệt Đế”. Diệt khổ thì hãy biết đối diện với sự khổ, nhìn cho rõ cái tập khí nào gây nên sự khổ mà liệng nó xuống, chứ không phải chạy trốn sự khổ. Nhiều người thấy đời quá khổ nên tìm cách chạy trốn sự khổ bằng các cuộc truy hoan, say sưa, sa đọa, v.v... Đó là cách nướng đời trong đau khổ để rồi phải chịu đau khổ nhiều hơn chứ không phải là diệt khổ! Nghiệp chướng của một chúng sanh giống như một khối đá cột chặt trên lưng, người chạy trốn nghiệp chướng là người đang mang khối đá mà chạy, càng chạy khối đá càng vằn vọc thân tâm nặng hơn. Các em hãy tưởng tượng, hai người cùng mang khối đá, một người chống trụ đứng yên, một người mang chạy, ai sẽ là người ngã gục trước? Diệt khổ là buông nghiệp xuống. Người khôn ngoan hãy biết ngừng lại, đặt khối đá xuống đất, dựa khối đá mà nghỉ. Sau giờ nghỉ, thân tâm tỉnh táo, biết đâu ta nghĩ ra cách cởi khối đá đó ra! Như vậy, hồi giờ ta bị khổ là vì ta cứ mang đá mà chạy. Hãy ngừng tay, đừng tạo nghiệp nữa. Hãy mau tìm cách bào mòn khối đá trên lưng, một ngày một nhẹ hơn, để một ngày nào đó nó rơi ra. Đó gọi là chuyển nghiệp, tiêu nghiệp, chuyển vận mệnh, hay gọi là Diệt Đế vậy.

Muốn chuyển nghiệp thì phải tu hành. Tu là tu sửa, hành là việc sai trái. Tu hành là sửa chữa sự sai trái của mình, chứ tu hành không hẳn là phải vô chùa ở. Vô chùa thì tâm phải ở trong chùa mới được, còn vô chùa mà tâm ở ngoài chùa thì coi chừng càng gây thêm họa đó! Tu hành cần nên phúc huệ song tu. Tu phúc để có phước báu. Tu huệ để thoát ly tam giới, siêu phàm nhập Thánh.

Lục độ Ba la mật có sáu cương lĩnh tu hành, thì tu phúc là tu bố thí, trì giới, nhẫn nhuc. Bố thí là giúp ích, cứu trợ tha nhân. Trì giới là thủ pháp. Người cư sĩ có thọ ngũ giới thì giữ năm giới của Phật, là cấm: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói láo, uống rượu và gìn giữ đúng luật pháp quốc gia. Người nào giữ được như vậy thì, theo HT Tịnh Không, có thể đủ gọi là trì giới. Nhẫn nhục để phá sân giận. Có đủ bố thí, trì giới, nhẫn nhục thì được tròn đầy phúc đức. Thực lý mà nói, thì tất cả đều là tu bố thí mà thôi. Bố thí có bố thí tiền tài, công sức. Bố thí vô úy tức là trì giới và nhẫn nhục. Bố thí pháp là tinh tấn, thiền định, trí huệ. Có thể nói, bố thí là hạnh tu chính của Bồ-tát. Cho nên, chân thành bố thí thì phước huệ đều được tăng trưởng vậy.

Tu phúc là làm lành làm thiện, có nhiều phương cách để tu. Muốn được viên mãn phước đức thì nên nhắm vào cái lỗi nào lớn nhất của mình mà tu sửa, dốc hết sức phá trừ cái đại lỗi đó để cầu giải nạn, thì những lỗi khác tự nhiên được biến chuyển theo. Ví dụ, người nóng giận phải khởi tu từ chữ Nhẫn. Nhẫn nhục để độ sân giận. Vì nóng giận là một đại nạn của người tu hành, nó sẽ dẫn đạo mình vào đường địa ngục. Cho nên, nếu không phá được sự sân giận thì không thể tránh khỏi bị đọa lạc. Một khi bị đọa lạc thì dù cho tất cả các phép tu khác có tốt cho mấy đi nữa cũng đều trở thành số “0”. Nhẫn là nhẫn nhịn, nhẫn nhường, nhẫn nhục, làm việc phải biết từ từ mà làm, nói năng hãy từ từ mà nói, quyết định chuyện gì hãy từ từ suy nghĩ... Sự nóng giận nó dễ bốc lửa theo âm thanh, dễ nổ tung theo hành động, thì tu “Nhẫn” là nói năng nên tập nhỏ nhẹ, chơi đùa không cười lớn tiếng, không nên thách thức cá độ, v.v... Nên nhớ, khởi một cơn sân giận thì bao nhiêu công đức tu hành, khó khăn bòn mót xưa nay, đều bị thiêu rụi biến thành tro bụi. Người tu 80 năm mà còn nóng giận, thì công đức chưa chắc đã bằng người mới tu một năm mà hiền lành. Cho nên sự nóng giận thật là nguy hiểm, nhất định phải phá trừ trước!

Tu phúc là chuyển đổi vận mạng từ xấu thành tốt do sự làm thiện, làm lành, tránh điều ác xấu. Ngài Tịnh Không đưa ra bốn cương lĩnh để làm thiện: là người thiện, nghĩ điều thiện, làm điều thiện, nói lời thiện. Tất cả đều hướng về thiện, không nhắc nhở gì đến điều ác cả. Ví dụ, như gặp người vô lễ, hỗn hào, thì đó là chuyện của họ, ta phải kính trọng họ, nhưng không khen họ là được. Nên tập giữ lời đừng chê bai người, vì nếu chê người thì ta phạm phải lời nói bất thiện, lời bất thiện phát xuất từ ý nghĩ bất thiện, sẽ khiến mình có cử chỉ bất thiện, như vậy chính mình là người bất thiện. Phạm một lỗi thì phạm hết tất cả lỗi! Ngài còn dạy, “Hãy biết ơn những người làm ta vấp ngã, vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn”, nên lấy châm ngôn này mà hành sự. Ấn Quang Đại Sư dạy, “Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, không nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt tới những hình dạng xấu xa, bại hoại...”. Tập như vậy tự nhiên ta sẽ thành người hiền, vận mệnh tự nhiên chuyển đổi. Đây là pháp tu tuyệt vời! Tất cả chúng ta nên thực tập. Có dịp anh sẽ mổ xẻ thêm cho em thấy cái đạo lý siêu tuyệt này.

Tu huệ để thành Phật. Nói theo lục độ vạn hạnh của Bồ-tát, thì tu huệ là “tinh tấn, thiền định, trí huệ”. Ngài Quán Đảnh pháp sư nói: “Thời mạt pháp nghiệp chướng của chúng sanh quá lớn, tất cả kinh, sám không thể giải nghiệp nổi, chỉ còn câu A-di-đà Phật...”. Như vậy, muốn sám nghiệp, giải nạn, chúng ta phải niệm Phật. Theo đúng tôn chỉ của pháp môn Tịnh-độ, tu huệ là niệm Phật. Chuyên cần niệm Phật, nhiếp tâm niệm Phật, tự nhiên khai mở trí huệ. Niệm Phật thành Phật, thành Phật thì phước huệ viên mãn. Thời mạt pháp nhiễu nhương, nghiệp chướng chúng sanh trùng trùng, khó mong tự lực diệt tội, phải biết quay đầu nhờ Phật cứu độ thì mới mong hết báo thân này được đới nghiệp vãng sanh mà thành Phật quả. Khi đã vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc là thế giới chân thiện, không có ác duyên. Người đới nghiệp vãng sanh là mang theo nghiệp mà vãng sanh. Tại thế giới Tây-phương ta còn nghiệp nhân, nhưng không có duyên khởi phát, cho nên nhân không thể biến thành quả báo, chính vì thế nghiệp chướng tự tiêu tan. Đây chính là lòng đại từ đại bi gia trì của A-di-đà Phật, với 48 lời nguyện độ sanh của Ngài, mà chúng ta mới thoát nạn.

Muốn được đới nghiệp vãng sanh thì làm sao? “Tín-Hạnh-Nguyện” niệm Phật thật đầy đủ. Nghiệp chướng nhiều không sao, miễn là phải thực lòng biết ăn năn sám hối, phải chấm dứt tạo nghiệp mới, còn nghiệp cũ thì bao phủ chúng lại. Làm sao bao phủ? “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, giây thứ nhứt nghĩ sai, giây thứ hai phải niệm Phật. khởi lên một ý thương ghét ai, hãy bỏ qua ngay, thay vào bằng câu A-di-đà Phật... Đó gọi là bao phủ nghiệp chướng. Phải nhớ rằng, ta là kẻ phàm phu tội lỗi thì làm sao tránh khỏi ý niệm xấu ác? Vậy thì, cứ tự nhiên, đừng lo, đừng sợ, đừng trốn chạy, nếu có một ý niệm nào vừa nảy lên, hãy niệm “A-di-đà Phật” liền để chận nó lại. Đó gọi là phục nghiệp để đới nghiệp vãng sanh. Phật đã phát nguyện quyết tâm cứu mình, mình quyết tâm theo Phật, thì tự nhiên đời này được độ thoát.

4) Cuối cùng “Đạo đế” là con đường cứu khổ, thì vãng sanh Tây-phương Cực-lạc lại là đường thành Phật. Đó là cảnh giới Cực-lạc, an vui, chắc chắn vĩnh ly tất cả khổ não. Tây-phương là nơi chư Thượng Thiện Nhân, Bồ-tát bất thối câu hội, ở đó ta chờ ngày viên mãn thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ-đề vậy.

A-di-đà Phật,
Anh Năm.
(Viết xong, ngày 12/6/03).