Triết học
Con đường dẫn đến giác ngộ Đại thừa Khởi Tín Luận
Tác giả: MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
09/03/2553 08:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Luận Đại thừa Khởi Tín phần I

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN 
Giải thích đề tựa 

Đề mục của luận là cương lĩnh chính của toàn luận. 

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN là, làm phát khởi niềm tin đối với Đại thừa.

ĐẠI THỪA là, trong Thập Nhị Môn Luận, Bồ tát Long Thọ nói “Vì sao gọi là Đại thừa? Vì đối với Nhị thừa là trên nên gọi là ĐẠI THỪA. Chư Phật là bậc tối đại mà thừa này hay đến nên gọi là ĐẠI. Chư Phật là bậc đại nhân mà ngồi thừa này nên gọi là ĐẠI. Hay diệt trừ các đại khổ của chúng sanh, cho việc đại lợi ích nên gọi là ĐẠI. Vì là chỗ nương của các đại sĩ như Quán Âm, Văn Thù … nên gọi là ĐẠI. Thừa này tột biên để của tất cả pháp nên gọi là ĐẠI. Trong kinh Bát Nhã, Phật nói về nghĩa Đại thừa vô lượng vô biên nên gọi là ĐẠI. Phần thâm nghĩa của Đại thừa chính là KHÔNG. Nếu thông suốt nghĩa này là thông suốt Đại thừa, đầy đủ ba la mật, không có chướng ngại ...”. 

Như vậy, nghĩa của ĐẠI THỪA thì vô lượng vô biên, khó mà định nghĩa hết, nhưng không ra ngoài một nghĩa KHÔNG. 

LUẬN là,[2]  quyết trạch đúng sai, phát minh chánh lý, giảng trạch những thứ chẳng phải là kinh luận, dùng luận để minh chứng. Luận này được làm khoảng 600 năm sau khi Phật nhập diệt. Tiểu thừa thì chẳng tin duy tâm, ngoài tâm thủ pháp, khởi nhiều tranh luận. Ngoại đạo thì tà chấp, phá hoại chánh pháp. Nên Luận chủ khởi lòng thương xót mà tạo luận này.

Luận này vốn y cứ theo trăm bộ Đại thừa như Lăng Già, Tư Ích … mà làm ra, phát minh ý chỉ duy tâm duy thức, tóm qui về nhất tâm. Nó là cương yếu của 2 tông Tánh Tướng, thâm cùng cội nguồn của mê ngộ, chỉ bày yếu chỉ thẳng tắt của việc tu hành. Nghĩa là, tổng nhiếp tất cả nghĩa lý sâu mầu mà Như Lai đã nói. Thật là cương lĩnh chính yếu của Đại giáo, ý chỉ đích thực của Thiền Tông! 

BỒ TÁT MÃ MINH TẠO LUẬN :

MÃ MINH là tên của người tạo luận. Ngài là người Trung Thiên Trúc, xuất hiện khoảng 600 năm sau khi Phật nhập diệt, là Tổ thứ 12 trong Phật giáo Ấn Độ và có công rất lớn trong việc chuyển Phật giáo Tiểu thừa qua Đại thừa. Tương truyền, khi ngài vừa sanh ra đã cảm đến bầy ngựa khiến chúng kêu lên bi thiết. Sau giảng pháp ở Bắc Thiên Trúc, bầy ngựa của vua cũng bỏ ăn nghe pháp mà hí vang. Vì thế, người đời gọi ngài là Bồ tát Mã Minh (Mã nghĩa là ngựa, Minh là kêu).

Ngài là người thông minh, hiểu rộng, về mặt biện luận thì không ai bằng. Lúc đầu xuất gia làm sa môn của Ngoại đạo. Một lần, ngài xướng lên rằng “Tỳ kheo nào có thể cùng ta tranh luận thì hãy gõ kiến trùy. Nếu không thắng được thì không được nhận lễ cúng dường”. Bấy giờ, trưởng lão Hiếp đang ở vùng Bắc Thiên Trúc, biết ngài là người có thể giáo hóa, bèn dùng thần thông bay đến Trung Thiên Trúc, sai mọi người gõ kiến trùy cùng ngài tranh luận. Ngài thua và trở thành đệ tử của trưởng lão Hiếp từ đó. 

Sau, Trưởng lão trở về bản quốc. Ngài ở lại, hoằng dương Phật pháp một thời gian thì vua Tiểu Nguyệt Thị nước Bắc Thiên Trúc mang quân đánh chiếm Trung Thiên Trúc. Ngài và chiếc bát của Phật là 2 báu vật mà vua Trung Thiên Trúc phải dâng nạp cho Bắc Thiên Trúc mới được cầu hàng. Từ đó về sau, ngài hoằng pháp ở Bắc Thiên Trúc, biện luận thuyết pháp không ai sánh được, có thể cảm hóa cả loài phi nhân. 

Tác phẩm của ngài gồm có : Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Tông Nghĩa Huyền Văn Bản Luận, Phật Sở Hành Tán, Thập Bất Thiện Nghiệp Đạo Kinh, Lục Thú Luân Hồi Kinh, Ni Kiền Tử Vấn Vô Ngã Nghĩa Kinh. 

TAM TẠNG CHÂN ĐẾ DỊCH : 

TAM TẠNG là người học thông ba tạng kinh, luật và luận. Lại giỏi cả ngôn từ của một số nước như tiếng Hoa, tiếng Phạn v.v... giúp việc truyền bá Phật pháp được rộng rãi. 

CHÂN ĐẾ là tên người dịch. Tiếng Phạn gọi là Câu Na La Đà. Sư người nước Ưu Thiền Ni ở Tây Ấn Độ. Năm Đại Đồng thứ 13 đời Lương, hơn 30 tuổi, Sư sang Trung Quốc, được vua Vũ Đế tri ngộ. Sau gặp quốc nạn, bỏ sang Bắc Tề rồi sang Đông Ngụy. Trong lúc lưu lạc bôn ba, Sư đã soạn thảo và phiên dịch các bộ Kim Quang Minh Kinh, Luận Nhiếp Đại Thừa, Luận Duy Thức và Thế Thân Truyện … gồm 278 cuốn. Ngày 11 tháng 01 năm Đại Kiến thứ nhất, Sư viên tịch, thọ 71 tuổi.