Triết học
Con đường dẫn đến giác ngộ Đại thừa Khởi Tín Luận
Tác giả: MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
09/03/2553 08:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Luận Đại thừa Khởi Tín phần II

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN 

Lại nữa, nghĩa huân tập có 4 pháp nên nhiễm pháp và tịnh pháp khởi chẳng dứt. Thế nào là 4?

1. Tịnh pháp, gọi là chân như.
2. Nhân của tất cả nhiễm ô, gọi là vô minh.
3. Vọng tâm, gọi là nghiệp thức.
4. Cảnh giới hư vọng, đó là 6 trần.

HUÂN là xông ướp. TẬP là lặp đi lặp lại, ta hay dùng từ  thói quen để chỉ cho việc này. Như vậy HUÂN TẬP là chỉ cho tính xông ướp do việc lặp lui lặp tới mà thành. Những gì được lặp lui lặp tới mãi mới thành huân tập. Như ngày nào cũng ngồi thiền là mình đang huân tập việc ngồi thiền vào thức tạng. Ngày nào cũng học Hán văn là mình đang huân tập Hán văn vào thức tạng. Ngày nào cũng nổi sân là đang huân cái sân vào thức tạng. Ngày nào cũng hét là đang huân cái hét vào thức tạng.

Đặc tính của huân tập là thứ gì được huân tập nhiều thì thứ đó trở nên bền bĩ và có sức mạnh vượt trội. Như áo quần đem ướp hương càng lâu thì mùi thơm càng nhiều. Thần đồng về âm nhạc, toán học v.v… là do âm nhạc hay toán học được huân tập sâu xa trong thức tạng. Bảy tám tuổi đã muốn xuất gia vì chủng tu hành được huân tập sâu dày. 

NGHĨA HUÂN TẬP CÓ 4 PHÁP là việc huân tập đây dựa vào 4 pháp mà phát khởi. Đó là chân như, vô minh, nghiệp thức và cảnh giới 6 trần. 4 thứ này huân tập qua lại mà có nhiễm pháp và tịnh pháp. NHIỄM PHÁP là chỉ cho pháp thuận dòng với bất giác. TỊNH PHÁP thì thuộc thủy giác ngược dòng hoàn tịnh. 

TỊNH PHÁP mà đây chỉ nói CHÂN NHƯ vì chân như là nền tảng của tịnh pháp. Ngài Hiền Thủ nói “Tịnh pháp, gọi là chân như’ là chân như trong môn sanh diệt. Vì có 3 nghĩa nên nói là tịnh pháp. 1/ Ước về thể mà nói, từ xưa đến nay nó vốn thanh tịnh. 2/ Ước về tướng của thể mà nói, vì nó làm nội huân lật nhiễm thành tịnh. 3/ Ước về dụng huân biến mà nói, là ứng cơ thì thành tịnh duyên”.

NHIỄM Ô là chỉ cho 6 nhiễm, 3 tế và 6 thô. Tất cả đều do vô minh mà có. Vô minh là nhân sanh ra các thứ đó nên nói “NHÂN nhiễm ô gọi là vô minh”.

VỌNG TÂM là chỉ cho tâm vọng tưởng của chúng sanh. Bất giác tâm động sanh cái năng thấy cùng cảnh giới bị thấy. Trên những thứ hư vọng ấy lại sanh phân biệt, chấp thủ v.v… Tất cả đều thuộc vọng tâm. Nghiệp thức là nhân nên nói “VỌNG TÂM gọi là nghiệp thức”.

Chân như, vô minh, nghiệp thức và 6 trần huân tập qua lại ra sao khiến tịnh pháp và nhiễm pháp khởi chẳng dứt sẽ được làm rõ ở các phần sau. Đầu tiên là nêu ví dụ để người có thể hình dung về nghĩa HUÂN TẬP. Sau là đi vào chi tiết. 

Nghĩa HUÂN TẬP là, như ở thế gian áo quần thật không hương, nếu người dùng hương xông ướp thì tất có mùi hương. Đây cũng vậy, chân như tịnh pháp thật không ô nhiễm, chỉ do vô minh mà huân tập nên có tướng nhiễm. Vô minh nhiễm pháp thật không có nghiệp thanh tịnh, chỉ do chân như mà huân tập nên có dụng thanh tịnh.

Nghĩa HUÂN TẬP, đây dùng ví dụ áo quần vốn không có mùi hương, nhưng do dùng hương xông ướp mà thành có mùi hương để hình dung về nghĩa của huân tập. XÔNG ƯỚP là chỉ cho việc huân tập. 

ĐÂY CŨNG VẬY là, nhiễm pháp và tịnh pháp cũng như áo quần bị đem ủ hương mà có mùi thơm : Nhiễm pháp là do vô minh xông ướp chân như mà thành. Tịnh pháp là do chân như  xông ướp lại vô minh mà có dụng thanh tịnh. Việc huân tập đã như dùng hương xông ướp thì khi không xông ướp mùi hương sẽ hết. Không để vô minh huân mà chỉ lấy chân như huân thì nhiễm pháp hết, tịnh pháp sẽ hiển lộ hoàn toàn. 

Sau là đi vào chi tiết.

Thế nào là HUÂN TẬP KHỞI NHIỄM PHÁP CHẲNG DỨT?

Đây hỏi để giải thích quá trình chân như bị vô minh huân mà có nhiễm pháp. Chính là quá trình bất giác. Nói CHẲNG DỨT vì một khi sự huân tập thành hình thì nó có lực khiến sự huân tập càng nối tiếp. Như trạng thái nghiện thuốc hoặc nghiện rượu. Do đã tập quen với thuốc lá và rượu nên thói quen ấy tạo ra một lực khiến việc uống và hút ấy tiếp diễn không ngừng. Vì thế một khi thứ gì đã thành thói quen thì bỏ rất cực.

Đó là do nương pháp chân như mà có vô minh. Vì có vô minh nhiễm pháp làm nhân liền huân tập chân như. Do huân tập nên có vọng tâm. Vì có vọng tâm liền huân tập vô minh.

Đây là nói sơ qua quá trình huân tập khởi nhiễm pháp. Đầu tiên là giới thiệu vô minh từ đâu mà có. Trong Như Lai Tạng có 2 nghĩa minh và vô minh. Minh, là giác thể vốn minh. Vô minh, là giác thể vốn không tánh, vì cực chân nên không phân biệt, trong cái không phân biệt mà trạm nhiên thường trụ gọi là diệu, trong cái không phân biệt mà mờ mịt chẳng tỉnh gọi là vô minh. Vì vậy nói “NƯƠNG PHÁP chân như mà có vô minh”. 

“Vì có vô minh nhiễm pháp làm nhân liền HUÂN TẬP CHÂN NHƯ” là, vô minh nương chân như mà khởi, rồi lại lấy chân như làm chỗ huân, huân chân như thành nghiệp thức. Nghiệp thức xuất hiện lại huân tập vô minh mà thành các tướng bất giác kế tiếp nên nói “Vì có vọng tâm liền HUÂN TẬP VÔ MINH”. Theo đây thì thấy, năng huân có 2 thứ là VÔ MINH và VỌNG TÂM. Phần dưới phân thành 2 là vọng tâm huân tập và vô minh huân tập là vì vậy. 

Kế là trình bày quá trình trên một cách chi tiết.

Chẳng rõ được pháp chân như, bất giác niệm khởi hiện cảnh giới hư vọng. Do có cảnh giới hư vọng và nhiễm pháp làm duyên liền huân tập vọng tâm khiến tâm ấy niệm trước tạo mọi thứ nghiệp, thọ tất cả khổ của thân lẫn tâm. 

“CHẲNG RÕ ĐƯỢC pháp chân như” là nói vô minh nương chân mà khởi. BẤT GIÁC NIỆM KHỞI là chỉ cho quá trình vô minh nhiễm pháp huân chân như thành vọng tâm. Vọng tâm đây chỉ cho phần tế là nghiệp thức. Nghiệp thức lại huân tập vô minh làm phát sanh 2 tướng Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng nên nói HIỆN CẢNH GIỚI HƯ VỌNG. Trên cảnh hư vọng ấy lại sanh phân biệt và chấp thủ nên nói “Do có cảnh giới … làm duyên liền huân tập vọng tâm, khiến tâm ấy NIỆM TRƯỚC”. NIỆM là chỉ cho Trí Tướng và Tương Tục Tướng. TRƯỚC là chỉ cho Chấp Thủ Tướng và Kế Danh Tự Tướng. Đã chấp thủ dính mắc thì TẠO MỌI THỨ NGHIỆP, chỉ cho Khởi Nghiệp Tướng. Tạo nghiệp rồi thì phải THỌ TẤT CẢ KHỔ của thân lẫn tâm, chỉ cho Nghiệp Hệ Khổ Tướng. 

Nghĩa huân tập cảnh giới hư vọng có 2 thứ. Thế nào là 2? 

1. Huân tập tăng trưởng niệm. 
2. Huân tập tăng trưởng thủ.

Đây là nói rõ lại quá trình “Cảnh giới hư vọng và nhiễm pháp làm duyên liền huân tập vọng tâm khiến tâm ấy niệm trước” trên. Cảnh giới làm duyên huân tập vọng tâm là vọng tâm nương nơi cảnh giới hư vọng mà xông ướp thêm vô minh nên nói HUÂN TẬP CẢNH GIỚI. Tức lấy nghiệp thức làm nhân, cảnh giới hư vọng làm duyên, sanh 4 tướng đầu của 6 thô. Trí Tướng và Tương Tục Tướng thuộc về NIỆM. Chấp Thủ và Kế Danh Tự thuộc về THỦ.

Bởi quá trình trên được lặp lui lặp tới với tất cả pháp ở thế gian khiến người đời CÀNG THÊM phân biệt, so đo, dính mắc đối với ngoại cảnh, dòng vọng niệm ngày một tương tục bền chắc, nên nói HUÂN TẬP TĂNG TRƯỞNG NIỆM và HUÂN TẬP TĂNG TRƯỞNG THỦ. 

Dưới là nói rõ về sự huân tập của vô minh và vọng tâm. Vô minh và vọng tâm làm năng huân, huân tập chân như và nghiệp thức.

A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?

Vô minh nương chân mà khởi, rồi huân lại chân như mà có nghiệp thức. Đây thuộc vô minh huân tập. Còn nghiệp thức huân vô minh làm phát sanh cảnh giới hư vọng, rồi nương nơi cảnh giới hư vọng ấy mà khởi 4 thô … thì thuộc VỌNG TÂM HUÂN TẬP. Vọng tâm huân tập này có 2 thứ :

1. Căn bản nghiệp thức huân tập : Làm cho A La Hán, Bích Chi Phật và tất cả Bồ tát phải chịu cái khổ sanh tử. 

CÁI KHỔ SANH TỬ là lấy theo bản trực giải của ngài Hám Sơn, còn bản sớ giải của ngài Hiền Thủ thì ghi là “Cái khổ sanh diệt”. Song khổ của sanh diệt hay sanh tử cũng đều chỉ cho cái khổ của ‘biến dịch sanh tử’. 

Đây là nghiệp thức làm năng huân, huân tập vô minh làm phát sanh Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng. A LA HÁN và BÍCH CHI PHẬT là quả tối cùng của Thanh văn và Duyên giác. Trụ trong định này thì chư vị không còn bị sanh tử trong 3 cõi, lìa được cái khổ của phần đoạn thô, nhưng vẫn bị sự sanh diệt của phần chuyển thức chi phối, nên nói “PHẢI CHỊU cái khổ của sanh diệt”. TẤT CẢ BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát từ Tín Tương Ưng Địa trở đi, là các vị Bồ tát đối với nhân không đã được tự tại (đã nói trong phần 6 nhiễm trên). Các vị đã lìa được cái khổ thô nhưng còn cái khổ tế nên nói “CHỊU CÁI KHỔ của sanh diệt”. 

2. Tăng trưởng phân biệt sự thức huân tập : Làm cho phàm phu phải chịu cái khổ do nghiệp trói buộc. 

PHÂN BIỆT SỰ THỨC là chỉ cho ý thức trên. Đây, ý thức làm năng huân, huân tập nghiệp thức làm tăng trưởng tướng Chấp Thủ và Kế Danh, rồi khởi hoặc tạo nghiệp mà chịu cái khổ của ‘phần đoạn sanh tử’, nên nói “CHỊU CÁI KHỔ do nghiệp trói buộc”.

B. Nghĩa VÔ MINH HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?

Đây, vô minh làm năng huân. Năng huân đều là vô minh nhưng tùy thô tế mà có 2 thứ :

1. Căn bản huân tập : Vì hay thành tựu nghĩa nghiệp thức. CĂN BẢN là chỉ cho căn bản vô minh. Vô minh này huân tâm thể thành nghiệp thức v.v... nên gọi là CĂN BẢN HUÂN TẬP. 

2. Sở khởi kiến và ái huân tập : Vì hay thành tựu nghĩa phân biệt sự thức.

SỞ KHỞI là được sanh khởi từ … Dùng bổ nghĩa cho từ kiến và ái. Kiến và ái là 2 thứ được sanh ra từ căn bản vô minh nên gọi là SỞ KHỞI KIẾN VÀ ÁI. Tên khác của chúng là tứ trụ địa vô minh hay chi mạt vô minh. Được 2 thứ này xông ướp mà ý thức tăng trưởng nên nói “Vì THÀNH TỰU nghĩa phân biệt sự thức”. 

Trên là nhiễm huân, dưới là tịnh huân.

Thế nào là HUÂN TẬP KHỞI TỊNH PHÁP CHẲNG DỨT?

Đây hỏi để giải thích quá trình chân như huân vọng tâm mà có tịnh pháp. Đó là quá trình ngược dòng hoàn tịnh, nói về trí thủy giác. 

Là, vì có pháp chân như nên hay huân tập vô minh. Do lực nhân duyên huân tập, khiến vọng tâm chán sanh tử khổ, thích cầu niết bàn. Vì vọng tâm ấy có nhân duyên chán và cầu nên liền huân tập chân như.

LÀ, tức trình bày quá trình huân tập khởi tịnh pháp. Chân như tuy bị vô minh huân thành 6 nhiễm, nhưng bản thân nó vẫn có lực huân lại vô minh. Tâm chán cái khổ ở thế gian muốn cầu sự yên tịnh thánh lạc của niết bàn là biểu hiện cho lực tác dụng ấy. Ngay đời sống đây, đang quây cuồng trong tình cảm, vật chất hay gia đình mà bỗng khởi niệm ngao ngán và muốn sống một đời sống bình lặng, không đấu tranh v.v… dù chỉ một thoáng, cũng là biểu hiện của lực chân như. Hình tướng biểu hiện này bao gồm nhiều dạng, tùy thô tế mà thấy khác nhau. Song chúng có cùng một điểm chung là không muốn dính mắc vào danh lợi thế gian và mang khuynh hướng vị tha. 

Tâm chán thế gian và cầu niết bàn xuất hiện thì quá trình vọng tâm huân tập chân như bắt đầu. Nói vọng huân vì cái chán và cầu ấy thuộc vọng tâm sanh diệt, song nó chịu sự chi phối của chân như nên tuy là vọng huân mà lại thành tịnh hạnh. Đây là phần thô của trí thủy giác. 

Tự tin tánh mình, biết tâm vọng động, không có cảnh giới trước mắt, tu pháp xa lìa. Vì như thật biết không có cảnh giới trước mắt nên mỗi mỗi phương tiện khởi hạnh tùy thuận, không thủ không niệm, cho đến lâu xa ... 

Tin ‘Tức tâm tức Phật’, tin ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’, tin mình có khả năng làm Phật v.v… đều gọi là TỰ TIN TÁNH MÌNH. Song cái TIN nói đây chỉ mới là tin vào kinh luận hay thiện hữu tri thức giảng dạy mà tu tập, chưa phải là niềm tin bắt nguồn từ việc trực chứng của bản thân. Vì thế, BIẾT đây cũng là do tin mà biết, vẫn còn nằm trong sự hiểu biết thuộc ý thức nhưng là phần ý thức hoàn tịnh. 

BIẾT TÂM VỌNG ĐỘNG là biết những thứ mình vẫn cho là tâm mình như suy nghĩ, phân biệt, nhớ thương, vui buồn … chỉ là tâm hư vọng không có thật thể. KHÔNG CÓ CẢNH GIỚI TRƯỚC MẮT vì vạn pháp chỉ do thức biến. Do có niềm tin như thế nên bắt đầu tu tập.

TU PHÁP XA LÌA là dùng những phương tiện giúp trừ bỏ những thứ làm tâm mình vọng động. Quán những suy nghĩ, vui buồn khởi lên trong tâm là vọng rồi buông, không để chúng nối tiếp là đang thực hiện tu pháp xa lìa. Miên mật niệm Phật để nhiếp dòng vọng niệm là đang tu pháp xa lìa v.v… Tùy căn cơ của chúng sanh ở mỗi thời mà pháp tu để xa lìa này nhiều vô số. Song nhiều thế nào thì điểm chung của chúng vẫn là đưa tâm trở về trạng thái vốn trong lặng, không dính mắc mà thôi.

NHƯ THẬT BIẾT là biết không do học hỏi mà là qua sự trực nghiệm của bản thân. Đây là chỉ cho cảnh giới trực chứng của Bồ tát Sơ Địa. “MỖI MỖI PHƯƠNG TIỆN, khởi hạnh tùy thuận, không thủ không niệm, cho đến lâu xa …” là nói về quá trình tu hành của hàng Thập Địa. HẠNH TÙY THUẬN là tu hạnh tùy thuận với chân như pháp tánh. Sơ địa chứng được nhất niệm vô sanh, y cứ nhất niệm ấy mà tu chân như tam muội nên nói là TÙY THUẬN. Bồ tát Sơ Địa trở đi tập trung phá trừ phần Trí Tướng là nhân của 3 tướng Tương Tục, Chấp Thủ và Kế Danh nên nói KHÔNG THỦ KHÔNG NIỆM, chính là tu chân như tam muội nói trên. Song chỉ ở Bát địa, trí phân biệt mới thật sự dứt, nên từ Sơ Địa đến mãn tâm Thất Địa cái ‘không thủ không niệm’ này vẫn còn trong vòng dụng công. Đến Bát Địa mới thật là hoàn toàn ‘không thủ không niệm’.

CHO ĐẾN LÂU XA là trải qua quá trình tu hành lâu xa[36]  … đến địa vị cuối cùng của Bồ tát, thì có kết quả như sau :

Bởi lực huân tập nên vô minh diệt. Do vô minh diệt nên tâm không khởi. Do không có khởi, cảnh giới diệt theo. Do nhân duyên đều diệt nên tướng của tâm đều hết, gọi là đắc niết bàn thành nghiệp tự nhiên.

Do lực huân tập của trí thủy giác, ngược dòng 4 tướng là diệt, dị, trụ và sanh mà diệt được căn bản vô minh. Tuy quá trình diệt là diệt từ thô đi lần về tế - phải là tâm không khởi thì mới thấy được phần căn bản vô minh mà diệt - nhưng chỉ khi cái tế dứt rồi thì cái thô mới thật sự hết, vì nhân diệt thì quả mới thật sự diệt, nên nói “DO VÔ MINH diệt nên tâm không khởi”, là từ tế thuận lại thô. KHÔNG KHỞI này là chỉ cho Nghiệp Tướng và Năng Kiến Tướng. Vô minh hết thì tâm không còn bị lực ấy làm động mà có Nghiệp và Năng Kiến. Năng Kiến không thì Cảnh Giới Tướng cũng không, nên nói “Do KHÔNG CÓ khởi, cảnh giới diệt theo”. Cảnh giới diệt rồi thì tâm không nương đâu mà khởi phân biệt, tạo nghiệp, chịu khổ ... Tức căn bản vô minh hết thì 9 tướng trong phần Bất Giác cũng hết. Căn bản vô minh là NHÂN, Cảnh Giới Tướng là DUYÊN làm sanh khởi 6 thô, nên nói “Do nhân duyên đều diệt nên tướng của tâm đều hết”. TƯỚNG CỦA TÂM là chỉ cho 9 tướng bất giác hay 6 nhiễm. 

ĐẮC NIẾT BÀN là chỉ cho quả vị Phật. Đây là chỉ cho tâm thể đã sạch hết vọng nhiễm, thuần thanh tịnh và sáng suốt. Thành Phật thì có được tất cả mọi loại trí thông hết tất cả cảnh giới của chư Phật cũng như chúng sanh mà khởi nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn, nên nói THÀNH NGHIỆP TỰ NHIÊN. Loại nghiệp dụng này chẳng do tác ý mà thành, chỉ tùy sự cảm ứng với chúng sanh mà hiện nên nói TỰ NHIÊN.

Phần ‘Huân tập khởi tịnh pháp chẳng dứt này’ cũng có 2 phần là vọng tâm huân và chân như huân. Huân tập khởi tịnh pháp mà nói VỌNG TÂM HUÂN, vì phần tu tập này vẫn còn y cứ trên tâm sanh diệt mà tu. Song phần vọng tâm này không phải là thứ vọng tâm gây nghiệp để thọ khổ trong 6 đường mà là phần vọng tâm chịu sự chi phối của chân như. Luận đây gọi là trí thủy giác. 

A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?

VỌNG TÂM HUÂN TẬP tức vọng tâm làm năng huân. Vọng tâm huân này có 2 thứ. Một là Ý THỨC huân tập. Hai là Ý huân tập. 

1. Phân biệt sự thức huân tập : Phàm phu và Nhị thừa chán cái khổ sanh tử, tùy sức mình mà tu tập, từ từ hướng về đạo vô thượng.

PHÂN BIỆT SỰ THỨC chính là ý thức trên. CHÁN CÁI KHỔ SANH TỬ vì còn chấp ngoài tâm có cảnh giới. ĐẠO VÔ THƯỢNG là chỉ cho quả vị Phật. Phàm phu và Nhị thừa thấy cái khổ vô thường ở thế gian mà tu quả giải thoát, không hề biết có thức Alaida. Đó là lý do hướng về đạo vô thượng chậm nên nói TỪ TỪ. Ngài Hiền Thủ nói “Thức này chẳng biết các trần chỉ do thức biến hiện nên chấp ngoài tâm thật có cảnh giới. Phàm phu và Nhị thừa tuy có phát tâm hướng đến giải thoát, mà còn tính có sanh tử đáng chán, niết bàn đáng vui, chẳng rõ đạo lý duy tâm, vẫn còn lực tác ý, phải lâu xa về sau mới hoàn đắc được bồ đề, nên nói ‘Tùy sức tu tập, từ từ hướng về đạo vô thượng’”.

2. Ý huân tập : Chư vị Bồ tát phát tâm dũng mãnh, chóng đạt niết bàn. 

Ý đây bao gồm 5 thứ là nghiệp thức, chuyển thức, hiện thức, trí thức và tương tục thức. Vì chư Bồ tát biết thân, tâm và cảnh giới chung quanh đều là duy tâm sở hiện. Sanh tử hay niết bàn chỉ do phân biệt mà ra : Vì có ta có người, có thân có sơ, có yêu có ghét v.v… mà khổ đau và hạnh phúc tràn đầy, 6 đường trói buộc, thế gian mới thành sanh tử đáng chán, rồi tìm cầu niết bàn để ra. Một khi phân biệt đã buông thì thân sơ không khác, yêu ghét không còn, sanh tử không khác niết bàn ... Vì thế, chư vị tập trung xả bỏ sự phân biệt đối với ngoại cảnh. Căn cứ theo 9 tướng bất giác thì chỗ hành ở địa vị này là phá thẳng vào phần Trí Tướng, là tướng đầu trong 6 thô. Trí tướng đã phá thì sự tương tục của dòng vọng niệm cũng hết, tâm chấp thủ ngoại cảnh chẳng còn.

Chỉ cần một động tác BUÔNG mà ngay sanh tử là niết bàn, nên nói CHÓNG ĐẠT NIẾT BÀN. Xét về quá trình ngược dòng của 9 tướng bất giác thì chỗ hành của chư vị cũng gần với quả vị Phật hơn phàm phu và Nhị thừa, nên nói là CHÓNG. Tu thẳng pháp môn bất nhị đây, nếu không phải là người đầy đủ thiện căn đời trước, niềm tin và ý chí không vững thì không dám hành, nên nói PHÁT TÂM DŨNG MÃNH.

Theo cách phân đây thì thấy, gọi phàm phu, Nhị thừa hay Bồ tát là căn cứ vào hướng phát tâm, chỗ hành trì cũng như phần lý mà hành giả nhận được. Ngược lại, muốn biết chỗ hành trì của mình thuộc Ý HUÂN TẬP hay Ý THỨC HUÂN TẬP cũng căn cứ vào hướng phát tâm, chỗ hành trì và phần lý nhận được mà biết. Nếu phát tâm tu Phật, tin vào lý duy tâm, tất cả mọi phân biệt, niệm thiện, niệm ác gì cũng buông thì công phu của mình thuộc phần Ý HUÂN TẬP. Còn tu hành chỉ để có một cuộc sống ở tương lai sung sướng hơn, hoặc tu để nhập niết bàn mà thoát cái khổ ở thế gian … Nói chung, chưa thấu đượïc lý duy tâm hoặc có hiểu mà việc tu hành còn đặt nặng trong sự phân biệt thiện ác mang tính đối trị thì công phu ấy thuộc Ý THỨC HUÂN TẬP. 

B. Nghĩa CHÂN NHƯ HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?

Đây là chân như làm năng huân. Chân như huân có 2 loại. Một là tự thể huân tập. Hai là dụng huân tập. TỰ THỂ HUÂN TẬP là nói về cái dụng của tự tánh. Dụng này mọi loài hữu tình đều sẵn đủ. DỤNG HUÂN TẬP là nói về cái dụng của chân như. Không phải tự tánh khác chân như mà lập ra 2 cái dụng khác nhau. Tự tánh không khác chân như nhưng phân dụng tự tánh hay dụng chân như vì dụng chân như này chỉ có khi hành giả đã trực chứng lại được pháp thân, tức đã qua quá trình sàng lọc ô nhiễm. Nó thuộc về dụng làm lợi ích cho tha nhân. Tùy mức độ địa mà dụng này nhiều hay ít. Địa càng cao thì dụng càng khắp.

1. Tướng tự thể huân tập : Từ vô thủy đến nay, đầy đủ pháp vô lậu, có đủ nghiệp chẳng thể nghĩ bàn làm tánh cảnh giới. Y nơi 2 nghĩa ấy thường hằng huân tập. Bởi có lực này nên hay khiến chúng sanh chán cái khổ sanh tử, thích cầu niết bàn, tự tin thân mình có pháp chân như, phát tâm tu hành. 

Đầy đủ PHÁP VÔ LẬU và NGHIỆP DỤNG chẳng thể nghĩ bàn là 2 thứ mà tự thể sẵn đủ từ xưa đến nay, mê hay ngộ thì vẫn đó, chẳng qua là ẩn hay hiện mà thôi nên nói LÀM TÁNH CẢNH GIỚI. Việc này không phải là chỗ thức tâm đến đuợc nên nói CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN. 

VÔ THỦY là không có mờ mé ban đầu. Do 2 thứ này làm nhân ngầm huân tập bên trong mà chúng sanh mới có thể chán sanh tử khổ thích tìm cái vui niết bàn. Tin tâm mình là Phật, tin có pháp chân như và phát tâm tu hành đều do dụng của phần tự thể huân tập này. Đặc tính của dụng này là dù còn trong địa vị mê, nó vẫn có tác dụng đối với chúng sanh. 

Hỏi : Nếu nghĩa đúng như vậy thì tất cả chúng sanh đều có chân như, đều cùng huân tập, vì sao “có tin và không tin” trước sau vô lượng sai biệt? Đều nên đồng thời tự biết có pháp chân như, siêng tu phương tiện, cùng nhập niết bàn. 

Đây là nêu thắc mắc khi nghe sự phát biểu trên : Nếu mọi người đều có sự huân tập thường hằng của tự thể mà hay phát tâm tu hành vì sao hiện nay có người tin, có người không tin? TIN là chỉ cho những người tin tâm mình là Phật rồi phát tâm tu hành. KHÔNG TIN là chỉ cho những người có khi nhân quả cũng không biết, thấy người ăn chay thì nói ngu, thấy người giữ giới tu hành thì bữu môi khinh bỉ, thấy người ngồi xếp bằng quán tâm cho là làm chuyện ruồi bu … Đây đều thuộc dạng không tin.

Đó là về mặt tin và không tin. Còn về mặt tu hành thì vì sao cũng đồng có sự huân tập của tự thể vô lậu mà việc thành Phật lại không đồng, người trước kẻ sau đều sai khác? 

Đáp : Chân như vốn một mà có vô lượng vô biên vô minh – từ xưa đến nay – tự tánh sai biệt dày mỏng chẳng đồng. Vô lượng loại thượng phiền não nương vô minh khởi sai biệt. Phiền não ngã kiến và ái nhiễm nương vô minh khởi sai biệt. Như vậy tất cả phiền não đều nương nơi vô minh mà khởi, trước sau vô lượng sai biệt. Duy chỉ có Như Lai hay biết mà thôi.

Đây là lời giải thích : Tuy chân như là đồng nhưng có sự sai khác là do mức độ vô minh trong mỗi người có khác nhau. “TỰ TÁNH sai biệt dày mỏng chẳng đồng” là muốn nói về tính chất của vô minh sai biệt chẳng đồng. Gồm 2 loại : THƯỢNG PHIỀN NÃO là chỉ cho sở tri chướng. PHIỀN NÃO ngã kiến và ái là chỉ cho phiền não chướng. Tính theo 6 nhiễm thì cái nhiễm tương ưng đầu thuộc phiền não, 5 cái nhiễm kế thuộc thượng phiền não. 2 thứ này gốc đều từ vô minh mà có nên nói NƯƠNG VÔ MINH MÀ KHỞI. 

Tất cả những thứ này chỉ có một mình Như Lai hay biết nên nói là DUY. HAY BIẾT là thấu được chỗ vô minh sản sanh ra vô lượng thượng phiền não và phiền não ở chúng sanh.

Phần vô minh nói đây là yếu tố căn bản để hiểu vì sao cùng được sự huân ngầm của tự thể chân như bên trong mà chúng sanh lại có sự sai khác trong việc phát tâm cũng như tu hành. Yếu tố căn bản này kết hợp với nhân duyên của mỗi người mà càng có nhiều cái khác trên cái đồng đó. Phần sau sẽ nói rõ về nhân duyên ấy. 

Lại, pháp của chư Phật có nhân có duyên. Nhân duyên đầy đủ thì pháp mới được thành. Như tánh lửa trong cây là nhân chánh của lửa, nếu người không biết, chẳng mượn phương tiện mà cho là cây tự cháy thì không có chuyện này. Chúng sanh cũng vậy. Tuy có lực huân tập của chánh nhân, nếu chẳng gặp chư Phật, Bồ tát và các bậc thiện tri thức lấy đó làm duyên, mà có thể tự đoạn phiền não, nhập niết bàn thì không có việc ấy. Nếu, tuy có lực của ngoại duyên mà trong chưa có lực huân tập của tịnh pháp thì cũng chẳng đến mức có thể chán cái khổ sanh tử thích cầu niết bàn. Nếu nhân duyên đầy đủ. Nghĩa là, tự có cái lực huân tập, lại được cái nguyện từ bi của chư Phật và các vị Bồ tát hộ trì thì hay khởi cái tâm chán khổ, tin có niết bàn, tu tập thiện căn. Bởi tu thiện căn thành thục nên được gặp chư Phật và Bồ tát chỉ dạy mà lợi hỉ, mới có thể tiến thẳng đến đạo niết bàn. 

Duyên Khởi là thật lý chi phối thế gian. Vì thế, việc tu hành cũng không thể thoát khỏi cái lý ấy. DUYÊN KHỞI là, bất cứ pháp nào ở thế gian cũng phải đủ 2 phần là nhân và duyên mới thành tựu được. NHÂN là yếu tố chính, DUYÊN là các yếu tố phụ. Phụ và chính phải đủ, pháp mới thành hình. Như lửa muốn có thì yếu tố chính là nằm ở chất dễ cháy. Đây lấy chất dễ cháy là cây. Song chỉ có cây không thì không thể tìm thấy lửa, mà phải có các điều kiện khác như nhiệt độ cực nóng v.v… thì cây mới có thể tạo ra lửa. Các điều kiện ấy gọi là duyên.

Tương tự, dù mỗi người có đủ cái nhân huân tập bên trong là tự thể chân như, nhưng nếu không có cái duyên bên ngoài là thiện tri thức chỉ dạy. Hoặc có thiện tri thức bên ngoài, nhưng bên trong việc huân tập tịnh pháp chưa đủ … thì đều rơi vào trường hợp nhân duyên không đủ. Nhân duyên không đủ thì việc tu hành không thể thành tựu. Như Hòa thượng Trúc Lâm dạy thiền, thành lập các Chiếu từ năm 1975. Không phải mình không biết, nhưng bận làm ăn và nhiều thứ khác nữa nên biết thì biết mà tu thì không tu. Mười mấy năm sau hoặc đến bây giờ, gần hết một quãng đời lên voi xuống chó, cộng thêm kinh sách và băng giảng của Hòa thượng, mình mới nhận ra được sự bấp bênh giả tạo của danh lợi mà chịu phát tâm tu hành. Nhận ra được sự vô thường của danh lợi, biểu hiện cho sự huân tập của chánh nhân chân như. Song phải nhờ lực ngoại duyên là sự bấp bênh về tiền tài và danh lợi, cùng với duyên thiện tri thức là khơi lại tâm Bát Nhã sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, mình mới có thể phát tâm chán thế gian cầu Phật đạo. Không có cái duyên bấp bênh về danh lợi thì chánh nhân dù có cũng không đủ mức làm mình chán và cầu. Chưa chán thì thiện tri thức có đó mà cũng như không. Chán rồi mà không gặp được thiện tri thức dạy cầu Phật đạo lại gặp các vị tu tiên, xuất hồn thì mình lại thành tiên ông hay xuất hồn tản mạn đâu đó, còn không thì nhảy cầu Bình Lợi chẳng hạn … Đó là nói về chủng nhân bên trong chưa được vững nên cần nhiều duyên bên ngoài. Còn người mà chủng nhân bên trong đã vững, như Lục Tổ chẳng hạn, thì không cần đến cái duyên bấp bênh như trên, nhưng cũng phải có cái duyên là nghe được kinh Kim Cang, gặp được Tổ Hoằng Nhẫn v.v… mới tu hành thành đạo được.

Bậc tri thức của người dù thuộc Phật giáo chăng nữa, cũng hằng hà sa số dạng : Vị có công phu chứng ngộ, vị thì chỉ toàn tri thức, vị thì danh lợi không thiếu chút gì, rồi Đại thừa và Tiểu thừa v.v... Gặp thiện tri thức rồi, việc huân tập tịnh pháp ở mỗi người cũng không giống nhau. Người khoẻ tu hành tốt hơn người ốm yếu thì lực huân tập tịnh pháp mạnh hơn. Song có khi người khỏe gặp duyên thuận lại không muốn thành Phật, chỉ tu tà tà cho qua ngày qua tháng, nên việc huân tập tịnh pháp trở thành yếu. Cứ vậy mà sự sai khác ngày càng nhiều ... Nên tuy cùng được chân như nội huân mà lòng tin, sự tu hành và kết quả làm Tổ thành Phật có sai khác. “Tu THIỆN CĂN thành thục được gặp chư Phật ...” là chỉ cho nhân duyên đầy đủ. LỢI HỈ là lợi ích và hoan hỉ.

Sau nói về dụng của chân như. 

2. Dụng huân tập : Chính là lực ngoại duyên của chúng sanh. Như vậy, ngoại duyên có vô lượng nghĩa. Lược nói có 2 thứ. Thế nào là 2? Một là duyên sai biệt. Hai là duyên bình đẳng.

Loại dụng này phải chứng pháp thân rồi mới có, dùng làm ngoại duyên giúp chúng sanh tu hành. Dụng này tùy vào căn nghiệp của chúng sanh hữu duyên mà ứng hiện. Bởi tâm chúng sanh có vô lượng sai biệt nên ngoại duyên cảm ứng cũng có vô lượng nghĩa. VÔ LƯỢNG NGHĨA là nhiều hình thái khác nhau đến nỗi không đếm xuể. Song sai biệt thế nào cũng không ngoài 2 thứ là bình đẳng và sai biệt. Vì sao gọi là bình đẳng và sai biệt, phần sau sẽ giải thích.

2a. Duyên sai biệt : Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ tát. Trong đó, hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm bạn hữu, hoặc làm oan gia, hoặc khởi tứ nhiếp ... cho đến tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sanh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy nếu nghe đều được lợi ích.

Khi một người phát tâm cầu Phật đạo là có sự hộ trì của chư Phật và chư vị Bồ tát. Việc hộ trì này được thể hiện bằng nhiều cách. HOAËC THẤY là thấy thân tướng của các ngài. HOAËC NIỆM là nhớ nghĩ đến công đức của các ngài. Nhờ cái thấy và nghĩ ấy mà tinh tấn tu hành. HOAËC LÀM quyến thuộc, cha mẹ, người thân v.v... là những cách khác mà chư vị Bồ tát dùng để trợ giúp người cầu đạo. Thuận hạnh như làm những người thương yêu, nghịch hạnh như làm kẻ oan gia … đều là tùy căn nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện. Như người phải dùng biện pháp cứng rắn là la rầy hay gặp khổ nạn mới chịu tu thì chiêu sách oan gia và la mắng được lập bày. Người mà sự la mắng chỉ khiến họ điên tiết, chỉ có sự chịu đựng và tha thứ mới khiến họ hồi tâm thì hình ảnh nhân đức luôn tha thứ xuất hiện ... Tùy căn nghiệp của người tu mà ứng hiện thành đủ loại duyên với nhiều hình thức khác nhau, nên nói VÔ LƯỢNG DUYÊN HẠNH.

Theo đây thì thấy, tu hành không phải chỉ có thầy mới là bậc thiện tri thức của mình. Chồng, vợ, con cái, cha mẹ, người thân hay những chuyên gia chuyên làm mình điêu đứng khổ sở đều có thể là ứng thân của chư vị Bồ tát giúp mình phá trừ bản ngã, chóng được bất động. Hướng ra mà than thở, phiền trách ... là bé cái lầm! Đây mới thấy giá trị của câu nói ‘Phản quan tự kỷ bổn phận sự’ trong nhà thiền. Nghịch hay thuận chỉ nên quay về quán ở tâm mình. 

TỨ NHIẾP gồm 4 pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Dùng 4 pháp này cũng với mục đích là tạo mọi thứ duyên hạnh để dẫn dắt chúng sanh về đạo vô thượng. 

Duyên ấy có 2 loại. Một là duyên gần nên chóng được độ. Hai là duyên xa nên lâu xa mới được độ. 2 duyên xa và gần này, phân biệt có 2 loại. Thế nào là 2? Một là duyên tăng trưởng hạnh, hai là duyên thọ đạo.

Duyên sai biệt này có 2 loại là xa và gần. Nói xa và gần là căn cứ vào thời gian được độ mà nói. Duyên xa và gần này lại có 2 loại là tăng trưởng hạnh và thọ đạo.

DUYÊN TĂNG TRƯỞNG HẠNH là nói về những duyên giúp người tu tăng trưởng thiện hạnh. DUYÊN THỌ ĐẠO là duyên giúp người tu thọ nhận hay nhập đạo. 

2b. Duyên bình đẳng : Tất cả chư Phật và Bồ tát đều nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh, tự nhiên huân tập thường hằng chẳng bỏ. Bởi cùng lực trí thể nên tùy theo thấy nghe cảm ứng mà hiện làm các nghiệp. Nghĩa là, chúng sanh nương nơi tam muội đều bình đẳng được thấy chư Phật. 

BÌNH ĐẲNG là như nhau, không có sai khác. Chư Phật và Bồ tát đều có tâm bình đẳng độ thoát chúng sanh. Chư vị không có ý độ người này bỏ người kia như người đời khi làm việc thiện : Nghèo thì cho, giàu thì không, thương thì cho, ghét thì không. Tâm bình đẳng ấy được huân tập một cách thường hằng chẳng bỏ. Vì cái bình đẳng ấy mà tất cả chúng sanh bất kể là giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ v.v... một khi có được tam muội thì đều sẽ thấy được chư Phật. ĐƯỢC TAM MUỘI là muốn nói đến tâm thức đã được lóng lặng các loại phiền não kể trên. Như chỗ nào nước trong thì trăng liền hiện không có chọn lựa phân biệt. THẤY nói đây là muốn nói đến việc thể nhập cảnh giới Phật. 

Thể dụng huân tập ấy, phân biệt lại có 2. 

THỂ DỤNG HUÂN TẬP là nói về tướng thể huân tập và dụng huân tập. Đây đều thuộc về chân như huân. Thể dụng huân tập này phân làm 2 thứ là huân chưa tương ưng và huân đã tương ưng. 

Thế nào là 2?

 (1+2) a. Huân chưa tương ưng : Phàm phu, Nhị thừa và các vị Bồ tát sơ phát tâm do ý, ý thức huân tập, nương nơi tín lực mà tu hành, nên chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được nghiệp tu hành tự tại cùng dụng tương ưng.

HUÂN CHƯA TƯƠNG ƯNG là, tuy là huân tập tịnh pháp nhưng sự huân tập này chưa tương ưng được với chân như. Nói CHƯA TƯƠNG ƯNG vì sự huân tập này do ý và ý thức huân tập. Đây là phần thủy giác thô, tương đương với 2 tướng giác đầu là bất giác và tương tợ giác của phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát mới phát tâm. Chưa chứng được nhân Phật tánh nên nói “Nương nơi TÍN LỰC mà tu hành”. Lúc này chưa phá được trí phân biệt khiến tâm chưa tương ưng được với trạng thái bình đẳng của chân như, nên nói “Chưa được TÂM VÔ PHÂN BIỆT cùng với thể tương ưng”. Mọi thứ vẫn còn trong vòng tác ý dụng công, nên nói “Chưa được nghiệp TU HÀNH TỰ TẠI cùng dụng tương ưng”.

Ngài Hám Sơn nói “Đây làm rõ, năng huân là chân như thì thể và dụng bình đẳng mà sở huân là căn cơ thì có sai biệt. Phàm phu, Nhị thừa, Bồ tát sơ phát tâm chỉ y nơi ý thức huân tập, chỗ phát tâm cạn, chỉ nhờ tín lực mà tu hành, chưa thể thâm nhập chân như tam muội nên chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được trí nghiệp tự tại cùng dụng tương ưng. Sự sai biệt này có là tại căn cơ”.

(1+2) b. Huân đã tương ưng : Pháp thân Bồ tát được tâm vô phân biệt cùng với trí dụng của chư Phật tương ưng, chỉ nương nơi pháp lực, tự nhiên tu hành, huân tập chân như, diệt trừ vô minh. 

HUÂN ĐÃ TƯƠNG ƯNG là sự huân tập tịnh pháp lúc này đã tương ưng được với chân như. Đây thuộc phần thủy giác tế, tương đương với 2 tướng giác sau là tùy phần giác và cứu cánh giác. PHÁP THÂN BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát thuộc hàng Thập Địa. Sơ Địa chứng được căn bản trí chân như nên bắt đầu tương ưng với chân thể chân như. Đến Bát Địa về sau được tương ưng luôn với dụng, nên nói “Được tâm vô phân biệt cùng với trí dụng của Phật tương ưng”. PHÁP LỰC là chỉ cho phần lực có được khi chứng nhân Phật tánh. Y cứ nhất niệm ấy mà tu nên nói “CHỈ NƯƠNG nơi pháp lực”. Từ Bát Địa trở đi, mọi hành tác đều thuộc vô công dụng hạnh nên nói TỰ NHIÊN TU HÀNH. 

Như vậy, TỰ THỂ chân như tuy vẫn âm thầm huân tập bên trong một cách thường hằng nhưng với phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát sơ phát tâm thì cái huân ấy chưa tương ưng, bởi tác dụng của nó còn bị vô minh che phủ. Phải đến Sơ Địa trở đi, tuy chưa hoàn toàn nhưng tự thể chân như đã thật sự hiển lộ, nên từ đó trở đi mới gọi là tương ưng. Còn DỤNG HUÂN TẬP của chân như thì trong khoảng từ Sơ Địa đến Thất Địa không phải không có, nhưng phải đến Bát Địa mới gọi là tương ưng vì lúc ấy dụng này mới thật sự có tác dụng đúng mức của nó. 

Đến đây là xong phần nhiễm tịnh huân tập qua lại. Dưới là làm rõ nghĩa tận và bất tận của việc huân tập giữa nhiễm và tịnh. 

Lại nữa, nhiễm pháp từ vô thủy đến nay huân tập chẳng dứt, đến khi thành Phật sau mới đoạn dứt. Tịnh pháp huân tập thì không có đoạn, tận đến vị lai. Nghĩa ấy thế nào? Vì pháp chân như thường hằng huân tập. Vọng tâm tất diệt, pháp thân hiển hiện, khởi dụng huân tập nên không có đoạn. Lại, tướng tự thể chân như của tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, chư Phật không có tăng giảm, chẳng phải mé trước sanh chẳng phải mé sau diệt mà rốt ráo thường hằng. Từ xưa đến nay, tự tánh đầy đủ tất cả công đức.

Nhiễm pháp thì có đoạn dứt mà tịnh pháp thì không bao giờ đoạn vì chân như vốn không có bờ mé, thường hằng bất biến, nên sự huân tập của nó cũng không có bờ mé. Thấy đầu, thấy cuối, thấy sanh, thấy diệt là do vô minh mà thấy. Đến quả vị Phật thì vô minh diệt nên sanh diệt cũng diệt. Nói vô minh diệt là không còn lầm. Phân thành phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát hay Phật là theo phần nhiễm vô minh mà phân, không phải vì ở phàm phu chân như giảm còn ở Phật chân như tăng. Chân như tùy duyên mà có thân Phật, thân chúng sanh còn bản thân nó thì chưa từng tăng chưa từng giảm.

TỪ XƯA ĐẾN NAY là khi nào cũng vậy, tự tánh chân như luôn đầy đủ các công đức, chỉ vì vô minh che lấp mà phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát không sử dụng được các công đức ấy. Sau là kể về nghĩa của công đức. 

Đó là :

Đại trí tuệ quang minh 
Chiếu khắp pháp giới
Chân thật hiểu biết 
Tự tánh thanh tịnh tâm 
Thường, lạc, ngã, tịnh 
Thanh lương, bất biến, tự tại 

Đây là nêu các công đức mà tự tánh chân như vốn đầy đủ. ĐẠI TRÍ TUỆ QUANG MINH là chỉ cho trí tuệ của Phật, nó thường được biểu trưng bằng con mắt thứ ba phát sáng giữa 2 chặng mày của đức Như Lai. Vì là quang minh nên nó CHIẾU KHẮP PHÁP GIỚI. Trí tuệ ấy thấu đạt được tất cả mọi cảnh giới đúng như chính chúng, nên nói CHÂN THẬT HIỂU BIẾT. Vì đã lìa hết hoặc nhiễm nên tâm được TỰ TÁNH THANH TỊNH. Vì tánh đức tròn đầy nên được THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH. Vì tánh đức không biến đổi nên THANH LƯƠNG, BẤT BIẾN, TỰ TẠI.

Như vậy có đầy đủ vô lượng Phật pháp chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đầy đủ không thiếu một nghĩa nào, gọi là Như Lai Tạng, cũng gọi là pháp thân Như Lai.

Đây là phần tổng kết về công đức của pháp thân. Đầy đủ VÔ LƯỢNG PHẬT PHÁP là chỉ cho mọi loại công đức. Các thứ này không ngoài chân như mà có nên nói CHẲNG LÌA. Vô thủy tương tục nên nói CHẲNG ĐOẠN. Đồng vị với chân thể nên nói CHẲNG KHÁC. Chẳng thể dùng tri thức đây mà lường định nên nói CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN. 

Ngài Hiền Thủ nói “Nếu chân thể này không có tánh đức thì Như Lai chứng rồi, chẳng nên đầy đủ công đức. Còn chứng tánh rồi mà vạn đức tròn đủ thì biết chân như vốn đầy đủ vô lượng công đức. Nên nói ‘Đầy đủ không thiếu một nghĩa nào’. Khi ẩn thời có thể sản sanh ra Như Lai nên gọi là Như Lai Tạng. Khi hiển thời làm chỗ y chỉ cho vạn đức nên gọi là pháp thân”. 

Hỏi : Trên nói thể chân như bình đẳng, ly tất cả tướng, vì sao đây lại nói thể ấy có mọi thứ công đức? Đã nói chân như lìa ngôn không tướng vì sao đây lại nói có đầy đủ vô lượng Phật pháp chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đầy đủ không thiếu một nghĩa nào?

Đáp : Tuy thật có các nghĩa công đức ấy nhưng không có tướng sai biệt, cùng đồng một vị chân như duy nhất. Nghĩa ấy thế nào? Bởi do không phân biệt, lìa tướng phân biệt, cho nên không hai. Lại do nghĩa gì mà nói sai biệt? Bởi y nơi tướng nghiệp thức sanh diệt mà nói.

Tuy có các nghĩa công đức ấy nhưng chúng đều đồng một vị chân như, không có tướng sai biệt. KHÔNG TƯỚNG SAI BIỆT vì không có năng phân biệt cùng sở phân biệt. Nói sai biệt đây là y nơi nghiệp thức sanh diệt mà nói, cũng như thấy sai biệt là y nơi nghiệp thức mà thấy sai biệt. Dưới là giải thích. 

Vì sao nói vậy? Bởi tất cả pháp vốn chỉ là tâm, thật không có niệm. Mà có vọng tâm, bất giác niệm khởi, thấy các cảnh giới, nên nói vô minh. Tâm tánh chẳng khởi tức là nghĩa đại trí tuệ quang minh. Nếu tâm khởi thấy thì có tướng chẳng thấy. Tâm tánh lìa thấy tức là nghĩa chiếu khắp pháp giới. Nếu tâm có động thì chẳng phải là sự hiểu biết chân thật, không có tự tánh, chẳng phải thường, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, chẳng phải tịnh, nhiệt não suy biến thì chẳng tự tại, cho đến có đủ vô lượng nghĩa vọng nhiễm. Đối lại với nghĩa ấy là tâm tánh bất động, thì có vô lượng các tướng công đức thanh tịnh thị hiện. Nếu tâm khởi, lại thấy các pháp được niệm hiện trước thì có chỗ “thiếu”. Như vậy vô lượng công đức tịnh pháp tức là nhất tâm, lại không có chỗ niệm, cho nên đầy đủ, gọi là pháp thân Như Lai Tạng.

VÌ SAO NÓI VẬY là để giải thích vì sao nói y nơi nghiệp thức mà nói sai biệt. Vì tâm vốn không niệm chỉ do bất giác vọng động mà sanh cái thấy cùng cảnh giới bị thấy, rồi y nơi trí phân biệt mà pháp pháp thành sai biệt. Nếu tâm tánh không khởi, tức không bị vô minh làm động chuyển thành nghiệp thức, thì chỉ là đại trí tuệ quang minh chiếu khắp, không có tướng sai biệt. Nói vô lượng các tướng là do đối lại với vô lượng vọng nhiễm mà nói. Nghĩa là, tâm không vọng động thì pháp pháp đều chân, không có tướng sai biệt, mọi thứ trí tuệ công đức đều hiển bày nên nói ĐẦY ĐỦ. Vô lượng tướng công đức ấy không lìa nhất tâm mà có, nên nói là TỨC. Nếu tâm vọng động thì tất cả công đức trí tuệ kia đều ẩn, mọi thứ trở thành hạn cuộc, có cái thấy được có cái không thấy được. Như cái thấy hiện nay của mình, bị ràng buộc trong các căn nên không thể thấu hết mọi thứ. Đó là nghĩa THIẾU.

Pháp thân với đầy đủ công đức thanh tịnh gọi là pháp thân Như Lai Tạng. 

Lại nữa, dụng chân như là chư Phật Như Lai khi còn ở tại nhân địa, phát đại từ bi, tu các ba la mật nhiếp hóa chúng sanh, lập đại thệ nguyện muốn độ hết thảy chúng sanh trong các cõi, chẳng giới hạn kiếp số, đến cùng tận vị lai. Bởi vì coi hết thảy chúng sanh như thân mình mà chẳng nắm giữ tướng chúng sanh. Nghĩa ấy thế nào? Vì là, thật biết tất cả chúng sanh cùng với thân mình, chân như bình đẳng không có sai khác.

Đây nói về dụng của chân như. NHÂN ĐỊA là chỉ cho địa vị khi mới tu, là cái nhân để có cái quả là Phật quả nên gọi là nhân địa. Dụng này có là do khi mới phát tâm tu Bồ tát đạo - địa vị Tín Thành Tựu Phát Tâm dưới - đã phát 3 thứ tâm, trong đó có tâm muốn bạt tất cả khổ cho chúng sanh. Phát tâm xong, tu 4 thứ hạnh và chuyển sang giai đoạn Giải Hạnh Phát Tâm. Từ đó trở đi, tùy thuận tu 6 độ ba la mật mới đủ năng lực thực hành hạnh nguyện đã phát này, nên nói “TU CÁC BA LA MẬT nhiếp hóa chúng sanh”. Vì sao phải tu các ba la mật? Vì không tu 6 ba la mật thì ngã tướng không hết. Không hàng phục được ngã thì nhiếp chính thân mình còn khó, huống là nhiếp người khác với thời gian vô tận. 

Lập đại thệ nguyện muốn độ hết chúng sanh trong các cõi, chẳng giới hạn kiếp số, cùng tận đến vị lai là nhờ TRÍ và BI đã hiển, nên nói “Vì coi hết thảy chúng sanh như thân mình mà chẳng nắm giữ tướng chúng sanh”. “CHẲNG NẮM GIỮ tướng chúng sanh” là không dính mắc vào tướng thân tâm của chúng sanh mà mình đang nhiếp hóa. Không dính mắc vì nhận ra được mặt huyễn tướng của vạn pháp. Tuy mọi thứ là như huyễn nhưng khi đang mê thì khổ đau không như huyễn, nên vì chúng sanh đang mê mà phát bi nguyện độ hết tất cả. COI CHÚNG SANH NHƯ THÂN MÌNH vì như thật biết “Chúng sanh cùng với thân mình, chân như bình đẳng không có sai khác”.

Vì có trí đại phương tiện như vậy, trừ diệt vô minh, thấy pháp thân mình, tự nhiên có mọi thứ dụng của Bất tư nghì nghiệp, liền cùng chân như đồng khắp tất cả chỗ. Lại cũng không có tướng dụng có thể được.

TRÍ ĐẠI PHƯƠNG TIỆN, là những gì đã thực hành khi còn ở nhân địa. Do những phương tiện ấy mà trừ diệt được vô minh. Vô minh hết thì pháp thân hiển bày. Đây là cái quả tự lợi. Pháp thân hiển bày thì đối cơ ứng duyên hiện mọi thứ báo hóa thân, lợi ích khắp tất cả, nên nói “Tự nhiên có mọi thứ dụng của Bất tư nghì nghiệp”. BẤT TƯ NGHÌ NGHIỆP nói đây là chỉ cho ‘Bất tư nghì nghiệp tướng’ ở phần Tâm Chân Như. Dụng này do vô tâm mà ra, không do tác ý mà thành, nên nói “Không có tướng dụng có thể được”. Đây là nói về cái quả của lợi tha. 

Vì sao? Vì chư Phật Như Lai chỉ là thân trí tướng pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế, lìa hành tác, chỉ tùy theo sự thấy nghe của chúng sanh khiến họ được lợi ích, nên nói là dụng.

VÌ SAO là để giải thích câu “Không có tướng dụng có thể được”. Vì thật tướng của chư Như Lai chỉ là chân trí quang minh, chiếu khắp v.v… không có tướng thân tâm như ta thấy thân tướng Phật Thích Ca Mâu Ni. Thân đó chỉ là hóa thân cảm ứng theo tâm chúng sanh mà hiện. Thân Như Lai thật sự thì không có hình tướng, nên nói “THÂN TRÍ TƯỚNG pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế”. THẾ ĐẾ còn gọi là tục đế, là chỉ cho những gì thuộc về thế gian. ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ còn gọi là chân đế, là chỉ cho chân lý thâm diệu như thật tướng, chân như v.v...

Không tướng, không thân, song có cảm liền ứng, khiến chúng sanh được muôn vàn lợi ích nên gọi là DỤNG. Dụng này không do tác ý mà thành nên nói LÌA HÀNH TÁC. 

Dụng ấy như thế nào sẽ được làm rõ ở phần sau. 

Dụng ấy có 2, thế nào là 2?

Dụng này có 2. Một là cảnh giới do tâm phàm phu và Nhị thừa cảm mà ứng ra. Hai là cảnh giới do hàng Bồ tát cảm mà ứng ra. SỞ KIẾN là chỉ cho cảnh giới ấy. Nó là đối tượng của tâm Năng Kiến. Để nguyên từ sở kiến không dịch là để nhớ, cảnh giới ấy không lìa tâm mà có. Tuy nói dụng của chư Phật, song chân tâm của chúng ta cùng với thể tánh của chư Phật bình đẳng không hai. Cho nên, Phật thân là ứng hóa thân hay báo thân đều không lìa tâm này mà có, chỉ tùy sự huân tập của ý thức hay nghiệp thức mà trên dụng thấy có sai biệt. 

1. Sở kiến của tâm phàm phu và Nhị thừa, là y nơi phân biệt sự thức, gọi là ứng thân. Vì chẳng biết là chuyển thức hiện, thấy từ ngoài đến, nhận lấy phần tề của sắc, nên chẳng thể biết hết.

“SỞ KIẾN của phàm phu và Nhị thừa” là chỉ cho phần Phật thân mà phàm phu và Nhị thừa thấy được. PHÂN BIỆT SỰ THỨC là chỉ cho ý thức. Song phần ý thức này là phần ý thức ngược dòng hoàn tịnh, là phần thô của trí thủy giác. Nhị thừa không biết có thức Alaida, chưa thấu đạt lý duy tâm, thấy ngoài tâm có pháp là nghĩa của ‘phân biệt sự thức’, nên nói “Y NƠI phân biệt sự thức”. Cảnh giới Phật thân chỉ là sở kiến của tướng Năng Kiến, tùy nhiễm tịnh mà có sai biệt. Song phàm phu và Nhị thừa chỉ mới biết có ý thức, nên nói “VÌ CHẲNG BIẾT là chuyển thức hiện, thấy từ ngoài đến”. THẤY TỪ NGOÀI ĐẾN như thấy thân Phật với 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp mà không biết là duy tâm sở hiện.

PHẦN TỀ CỦA SẮC là chỉ cho sắc với từng phần, từng đoạn, có giới hạn và phân chia rõ ràng như hiện trạng ta đang thấy hiện nay. “NHẬN LẤY phần tề của sắc” tức chấp những sắc chất ấy là thật. Thấy vạn pháp thật là cái thấy bị vô minh chi phối, không phải là đại trí tuệ quang minh chiếu khắp pháp giới nên KHÔNG THỂ BIẾT HẾT. 

2. Sở kiến của tâm Bồ tát từ sơ phát tâm đến cứu cánh địa, y nơi nghiệp thức, gọi là báo thân. Thân có vô lượng sắc, sắc có vô lượng tướng, tướng có vô lượng tướng tốt. Chỗ trụ y nơi quả cũng có vô lượng. Mọi thứ trang nghiêm, tùy chỗ mà thị hiện, không có bờ mé, chẳng thể cùng tận, lìa tướng phần tề, tùy chỗ cảm ứng, thường hay trụ trì, chẳng hủy, chẳng mất. Các công đức như thế, đều nhơn nơi các hạnh vô lậu ba la mật huân tập và sự huân tập chẳng thể nghĩ bàn mà được thành tựu, đầy đủ vô lượng tướng lạc nên nói là báo thân.

Vì chịu sự huân của nghiệp thức nên sở kiến của tâm Bồ tát từ khi mới phát tâm cho đến địa vị tận cùng không gọi là ứng thân mà gọi là báo thân. Bồ tát từ địa vị Tín Thành Tựu Phát Tâm đã được học hiểu về nghĩa duy tâm sở hiện, nên nói Y NGHIỆP THỨC. Dưới là nói về báo thân.

“THÂN CÓ VÔ LƯỢNG SẮC, sắc có vô lượng …” ngài Hám Sơn nói “Đây là Hoa Nghiêm Lô Xá Na Phật, thân tự độ tha không chướng không ngại, đẳng đồng pháp giới nên lìa phân ranh, chỉ là một báo cảnh chân thật”. CHỖ TRỤ Y NƠI QUẢ là chỉ cho phần y báo. Chánh báo là nhân để có cái quả là y báo nên nói chỗ trụ y nơi quả. Chánh và y báo đó là do tu tập các ba la mật như bố thí, trì giới v.v… mà có, nên nói “NHƠN NƠI CÁC HẠNH vô lậu ba la mật huân tập”. Khi thực hành sự tu tập thường hằng không bỏ ấy là ta đang nương lực chân như huân tập lại vọng tâm, khiến vô minh diệt, pháp thân hiển bày, nên nói “Nhơn NƠI SỰ HUÂN TẬP chẳng thể nghĩ bàn mà được thành tựu”. 

Dưới là nói về sở kiến Phật thân của mỗi hạng vị.

Lại sở kiến của phàm phu là sắc thô, tùy theo 6 đường mà có cái thấy chẳng đồng, mọi loài khác nhau, chẳng phải là tướng thọ lạc nên nói là ứng thân.

Sắc thô là chỉ cho sắc có phần đoạn như hiện nay. “TÙY THEO 6 ĐƯỜNG mà có cái thấy chẳng đồng, mọi loài đều khác” là tùy theo tập nghiệp của từng loài mà thấy thân Phật có khác nhau. Ngài Hiền Thủ nói chúng sanh ở 3 cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh thấy thân Phật là thân đen dài 3 thước to như chân voi, cõi Trời thì thấy Phật là thần cây hay thiên thần … Tất cả đều chẳng phải là tướng xuất thế nên CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG THỌ LẠC. Còn Nhị thừa thì thấy Phật là bậc thánh A La Hán xuất thế. 

Lại nữa, sở kiến của các bậc Bồ tát sơ phát tâm là do tin sâu pháp chân như nên hiểu được ít phần. Biết sắc tướng và các sự trang nghiêm này không đến không đi, lìa hẳn phần tề, chỉ y tâm hiện, chẳng lìa chân như, nhưng các vị Bồ tát ấy còn tự phân biệt, bởi chưa nhập được vị pháp thân.

Sở kiến của Bồ tát thì khác với phàm phu và Nhị thừa. Phàm phu và Nhị thừa vẫn cho thân tâm và cảnh giới quanh mình là thật. Bồ tát dù là sơ phát tâm, tuy chưa thấu đạt vạn pháp vô ngã nhưng đã BIẾT vạn pháp duy thức nên nói “BIẾT SẮC TƯỚNG và các sự trang nghiêm …”. Cái BIẾT này tuy còn trong giới hạn của sự học hỏi và lòng tin, nhưng nó là kim chỉ nam cho việc tu tập cũng như cách hành xử của hàng Bồ tát này. 

BỒ TÁT SƠ PHÁT TÂM nói đây là chỉ cho những vị chưa chứng được chân như. Tức bao gồm 2 hạng Tín Thành Tựu và Giải Hạnh nói trong phần Tướng Đạo Phát Tâm sau. Song nói TIN SÂU, thì biết đây đặt nặng ở hạng Giải Hạnh. Hạng này, về LÝ thì đã được thâm hiểu rõ ràng lý chân như, về SỰ thì đã giác vào tướng dị, đã được ‘tương tợ giác’.

CÒN TỰ PHÂN BIỆT là muốn nói : LÝ thì biết như vậy nhưng trên SỰ thì chưa được hoàn toàn như LÝ, phải dụng công tu tập và dùng pháp đối trị nhiều. Theo kinh và luận đây thì phải đến địa vị Bát Địa trở về sau SỰ và LÝ mới viên dung. Đây là chỗ tâm chứng của chư Tổ. 

Nếu đạt được tâm thanh tịnh thì sở kiến vi diệu, dụng của nó trở nên thù thắng, cho đến Bồ tát địa tận thấy được cứu cánh. Nếu lìa nghiệp thức thì không Kiến Tướng. Vì pháp thân của chư Phật không có sắc tướng đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy.

Đây là nói về phần sở kiến tế của hàng Bồ tát Thập Địa. Không phải là ứng hóa thân với sắc thô như của phàm phu và Nhị thừa, nên nói “Dụng của nó TRỞ NÊN THÙ THẮNG”. Tâm càng thanh tịnh thì sở kiến càng vi diệu, tức không cần đến sự dụng công mà tâm càng KHÔNG bao nhiêu thì báo thân càng vi diệu bấy nhiêu. THẤY ĐƯỢC CỨU CÁNH là thấy được chỗ rốt ráo sanh ra thức tâm. KIẾN TƯỚNG, để nguyên âm Hán như vậy vì có nhiều nghĩa : Người cho nó là Năng Kiến Tướng. Người cho nó là KIẾN và TƯỚNG. Kiến là chỉ cho cái thấy. Tướng là chỉ cho cái bị thấy. Nếu Việt dịch thì thành TƯỚNG THẤY. Do trong bộ luận, không thấy dùng từ TƯỚNG để chỉ cho cái bị thấy mà chỉ thấy dùng từ Cảnh Giới Tướng. Nếu Việt dịch thì nó cũng chỉ cho tướng Năng Kiến. Nên đây chọn nghĩa của kiến tướng là NĂNG KIẾN TƯỚNG. Song dù dùng theo cách nào thì ý cũng như nhau. Vì một khi năng kiến xuất hiện thì sở kiến cũng xuất hiện, chỉ là thô hay tế mà thôi. 

LÌA NGHIỆP THỨC là chỉ cho cảnh giới của người tu khi đạt được cội nguồn chân thật, là thể nhập thể tánh của vạn pháp. Lúc ấy không có năng thấy sở thấy, nói chính xác là không còn năng biết sở biết. Không năng biết nhưng không gì chẳng biết. Vì không năng biết mà không biết gì hết là đang ngủ gục hay rơi vào hang ổ của vô minh.

“Pháp thân của chư Phật KHÔNG CÓ SẮC TƯỚNG đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy” là muốn hiển bày, pháp thân không phải là đối tượng của cái thấy cũng như sự nhận biết. Đó là do đã lìa nghiệp thức nên không có Kiến Tướng cùng Cảnh Giới Tướng. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến”. Khi thấy tánh thì cái thấy ấy không có thấy. Ngài Hám Sơn nói “Chân thể pháp thân là nhất tâm chân nguyên, chẳng thuộc mê ngộ, chẳng mượn duyên sanh. Chính cái thiên chân này là chánh nhân Phật tánh, nên ý tóm kết đây là chuẩn mực để hiểu về chỗ rốt ráo vậy”. Nghĩa là, muốn biết mình đã thấy được chỗ rốt ráo chưa thì cứ lấy đoạn kết này làm tiêu chuẩn. Nếu chưa thì tiếp tục công phu đến khi nào thâm nhập được những điều luận đã nói đây mà tâm không còn chút nghi ngờ. 

SƠ ĐỊA tuy cũng chứng pháp thân nhưng chỉ mới chứng được cái thể, gọi là nhân Phật tánh. Luận đây gọi là ‘không’, chỗ khác nói ‘tánh không’. Còn ở quả vị Phật thì nhân đã tròn đầy nên thể, tướng và dụng đầy đủ. Luận đây gọi là ‘không, bất không’, chỗ khác nói ‘Chơn không diệu hữu’. Đây là cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm. Trên mặt lý thì TÁNH KHÔNG hay CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU không khác, song khác tên là do một bên chỉ nói đến thể, một bên đã đủ thể - tướng - dụng. Cái khác này là do sự gọt giũa vô minh có cạn sâu, không phải tự chân như có sai khác. Như phần trên nói về dụng của tự tánh và dụng của chân như vậy. Song dù chỉ mới là thể hay đầy đủ cả thể - tướng - dụng thì tất cả đều không thuộc cái thấy năng sở của ta hiện nay.

Cho nên, ngồi thiền mà còn thấy đủ thứ thì chưa dính gì đến việc thấy tánh, huống chỉ mới tin tâm là Phật. Song thấy tánh rồi thì sao? Cũng phải tu 2 a tăng kỳ nữa mới thành Chánh đẳng chánh giác. Cũng phải giác 5 tướng Tương Tục, Trí Tướng, Cảnh Giới, Năng Kiến và Nghiệp Tướng mòn con mắt đến khi chúng hiện nguyên hình là vọng mới thôi. Không phải kiến tánh là xong. Hòa thượng Trúc Lâm nói KIẾN TÁNH KHỞI TU. Nó có thể áp dụng cho người mới tin mà tu, lúc ấy tu là có tu. Cũng có thể áp dụng cho người đã thật kiến tánh mà tu, thì tu mà không tu, nhưng không hẳn là không tu. Đến khi vọng tưởng đều dứt, huyễn cảnh thật sự hiển bày, lúc ấy mới thật là tu mà không tu. 

Hỏi : Nếu pháp thân của chư Phật lìa sắc tướng, vì sao hay hiện sắc tướng? Hỏi để hiểu vì sao pháp thân lìa sắc tướng mà có thể hiện sắc tướng?

Đáp : Pháp thân ấy chính là thể của sắc nên hay hiện sắc. Nghĩa là, từ xưa đến nay, sắc và tâm chẳng phải hai. Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân. Bởi trí tánh tức là sắc nên gọi là pháp thân khắp giáp tất cả chỗ. Sắc sở hiện ấy không có phần tề, tùy tâm hay hiện mười phương thế giới, vô lượng Bồ tát, vô lượng báo thân, vô lượng trang nghiêm, mỗi mỗi sai biệt, đều không có phần tề mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau. Đó chẳng phải là chỗ thức tâm phân biệt có thể biết, vì nó là dụng của chân như tự tại.

Pháp thân Như Lai có 2 thứ : LÝ PHÁP THÂN là chỉ cho tánh thể tịnh sáng mà chúng sanh và Phật đồng, xưa nay ly niệm, khắp giáp tất cả chỗ. TRÍ PHÁP THÂN là trí rốt ráo của thủy giác khế hợp hoàn toàn với lý bản giác. Ngài Hàm Thị nói “Mê lý pháp thì thành vọng giác, theo nhân duyên vọng giác ấy mà có 12 loại thân trong 3 cõi. Ngộ lý pháp thì chuyển vọng giác làm thủy giác. Thủy giác hợp nhất với bản giác thành căn bản trí. Do sức căn bản trí vô tác này cảm phát bi nguyện mà báo và hóa thân thành tựu”. Đây là LÝ và TRÍ dung nhau. Sắc và tâm chẳng phải hai. SẮC nói đây là chỉ cho sắc thân Phật, tức là báo và hóa thân.

BÁO THÂN có 2 thứ : TỰ THỌ DỤNG THÂN là viên mãn báo thân, do chư Phật trải qua vô số kiếp tu tập thiện căn mà cảm nên, khắp giáp cả pháp giới, thân và cõi chẳng lìa nhau, gọi là thật báo trang nghiêm độ. Thân này chư vị Bồ tát chỉ được nghe tên chứ không thể thấy. THA THỌ DỤNG THÂN là thân do cảm với từng căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện. Đây là do chư Phật muốn chư vị Bồ tát thọ đại pháp lạc, tiến tu thắng hạnh mà tùy nghi ứng hiện. 

Các thứ sai biệt của báo thân gọi là hóa thân. HÓA THÂN có 3 thứ : ĐẠI HÓA là chỉ cho thân Lô Xá Na ngàn trượng, hoặc hiện vi trần vô số tướng tốt... gia bị cho Bồ tát Đại thừa. TIỂU HÓA là chỉ cho thân vàng một trượng sáu với 32 tướng tốt... ứng cho Tiểu thừa, trời và người. TÙY LOẠI HÓA là tùy loài mà hóa hiện như voi lớn, anh võ, vượn, nai, Chuyển luân thánh vương... Báo và hóa này đều nhiếp thuộc sắc thân, từ trí pháp thân mà được. Trí pháp thân, luận đây gọi là TRÍ THÂN. 

SẮC là từ TRÍ THÂN mà hiện. Song TRÍ THÂN tức là PHÁP THÂN. Vậy PHÁP THÂN chính là tánh thể của SẮC, nên nói “Pháp thân ấy chính là thể của sắc nên hay hiện sắc. Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân”. 

SẮC và TRÍ vốn không hai, nên nói “Bởi SẮC TÁNH chính là TRÍ nên thể của sắc không hình. Bởi TRÍ TÁNH tức là SẮC nên gọi là pháp thân khắp giáp tất cả chỗ”. SẮC là thứ được hiện từ TRÍ nên gọi là SẮC SỞ HIỆN.

PHẦN TỀ là có hạn định, phân ranh, không toàn nhất. Chúng là những thứ được thấy bởi nghiệp thức phân biệt. Pháp thân thì lìa nghiệp thức, chỉ là một thể toàn nhất, không có bờ mé, nên sắc sở hiện của nó không có bờ mé cũng không phân ranh. Vì vậy nói “Sắc sở hiện ấy không có phần tề”. TÙY TÂM là tùy theo căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện. Có cảm liền ứng không chướng ngại, khắp giáp tất cả chỗ nên nói HIỆN MƯỜI PHƯƠNG THẾ GIỚI. 

“VÔ LƯỢNG BỒ TÁT ... mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau” là nói về cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm. Ngài Hám Sơn nói “Sở dĩ trong biển Hoa Nghiêm, các độ duyên khởi trùng trùng vô tận, mỗi mỗi giao kết với nhau là do lý sự vô ngại nên được sự sự vô ngại. Đây chẳng phải là chỗ biết của thức tâm. Đều là đại dụng của chân như tự tại”. THỨC TÂM là chỉ cho tâm thức hiện tại mình đang dùng nó để quan sát mọi sự mọi vật đây. Bởi nó bị chi phối bởi thức phân biệt nên mọi thứ trở thành có phân ranh, ngăn ngại. DỤNG CỦA CHÂN NHƯ là chỉ cho báo hóa thân Phật. 

Phần Hiển Thị Chánh Nghĩa được phân làm 2 là Tâm Chân Như và Tâm Sanh Diệt, là muốn hiển bày từ nhất tâm chân như khởi thành 2 môn phân biệt, động và tịnh chẳng phải một. Sau là hiển động và tịnh chẳng phải hai. Nhờ cái không hai này mà chúng sanh mới có thể thành Phật. 

Lại nữa, hiển thị từ môn sanh diệt ngay đó mà nhập môn chân như. Nghĩa là, truy tìm 5 ấm, sắc và tâm cùng cảnh giới 6 trần rốt ráo đều vô niệm. Vì tâm không hình tướng, tìm khắp mười phương chẳng thể được. Như người mê nên lầm đông là tây mà phương hướng thật chẳng dời đổi. Chúng sanh cũng vậy. Bởi vô minh mà lầm nên cho tâm là niệm. Tâm thật chẳng động. Nếu hay quán xét biết tâm vô niệm thì được tùy thuận vào môn chân như.

HIỂN THỊ là nêu bày. “Từ môn sanh diệt NGAY ĐÓ MÀ NHẬP môn chân như” là ngay nơi tâm sanh diệt đây mà về lại cái không sanh diệt. Về bằng cách nào? Nhận ra đúng bản chất của tâm sanh diệt tức là đang tùy thuận với tâm không sanh diệt.

SẮC là chỉ cho sắc ấm. TÂM chỉ cho thọ, tưởng, hành. thức ấm. “TRUY TÌM 5 ấm, sắc và tâm cùng cảnh giới 6 trần rốt ráo đều vô niệm” là quán tận đến cội nguồn của sắc tâm cùng cảnh giới 6 trần thì thấy tất cả đều vô niệm. Vốn vô niệm nhưng do bất giác vọng động mà thành sắc tâm cùng cảnh giới 6 trần, niệm niệm tương tục. Lại nhận cái sắc ấy làm thân, nhận cái tâm niệm niệm tương tục ấy làm tâm mà quên mất cội nguồn vô niệm. Luận đây dùng ví dụ “NHƯ NGƯỜI MÊ lầm đông là tây mà phương hướng thật chẳng đổi” để ta hình dung về cái lầm đó của mình. NHƯ NGƯỜI MÊ là chỉ cho người không tỉnh, hay lầm lẫn. Do lầm lẫn nên dù đang đứng ở phương đông nhưng vẫn cho là phương tây. Nói tây là do lầm mà nói chứ phương đông vẫn là phương đông chẳng hề thay đổi. Đang trong tâm vô niệm nhưng do lầm nên không nhận tâm vô niệm ấy mà chỉ nhận những tơ tưởng, suy nghĩ, vui, buồn là tâm mình, rồi nhận cảnh giới hư vọng bên ngoài là thế giới của mình. Song nhận đó là tự mình nhận chứ không phải tâm và cảnh vốn như vậy. Tâm và cảnh vốn vô niệm. Chỉ vì nhận những thứ hư vọng là mình nên sự hư vọng mới nối tiếp mà che mờ cái không hư vọng. Ý là, dù trong cảnh giới nào, chúng ta vẫn không hề rời cái chân thật, chỉ cần ngay nơi cảnh giới ấy mà quán thấy tướng hư vọng của nó là mình đang trở về cái chân thật của mình.

Do vô minh mới lầm niệm là tâm, nên nói “BỞI VÔ MINH mà lầm, nên cho tâm là niệm”. TÂM THẬT CHẲNG ĐỘNG là nói về thực chất cái gọi là tâm. Nếu thật là tâm mình thì nó không động, không có tướng sanh diệt. Thứ gì là sanh diệt vọng động thì thứ ấy không phải tâm chân thật của mình. 

“NẾU HAY QUÁN XÉT biết tâm vô niệm” là phương cách tu tập để nhập môn chân như. HAY là thường hằng. QUÁN XÉT biết tâm vô niệm là quán tất cả những niệm tưởng hiện lên trong tâm đều không có thật thể. Như Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Biết tất cả là vọng”. Biết là vọng thì không để những thứ ấy dẫn thành hành động mà tạo nghiệp thọ khổ, nên nói BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Biết được vậy là mình đang tùy thuận để nhập môn chân như. Được vô niệm là nhập môn chân như.

Ngài Hám Sơn nói “5 ấm của chúng sanh đều nhơn nơi nhất niệm mà có. Nay bất tất phải so đo chúng sanh là chân hay là giả? Chỉ cần quán chỗ khởi của nhất niệm vốn tự vô niệm. Vô niệm tức vô sanh. Vô sanh thì chúng sanh vốn không, lại hỏi có sắc tâm cùng các pháp ư? Sở dĩ dạy quán thẳng vô niệm là vì quán vô niệm là đốn ngộ ngay môn chân như vậy. Một cái thuật quán vô niệm này là yếu chỉ tu hành bí truyền của Phật Tổ. Nên Tổ Đạt Ma từ Tây sang dạy Nhị Tổ ‘Đem tâm ra ta an cho!’. Nhị Tổ trả lời ‘Con tìm tâm chẳng thể được”. Lục Tổ cũng nói “Xưa nay không một vật’. Các Tổ về sau không gì là không chỉ rõ cảnh giới ly niệm. Nên nay tham thiền, chẳng biết ý chỉ vô niệm, lại khởi mọi thứ tư lương huyền diệu, há là ý của Tổ sư từ Tây sang ư? Chẳng phải chỉ có một luận này mà ngay cả toàn bộ Đại Tạng 1700 tắc cũng đều qui về một câu vô niệm. Học giả nên ghi nhớ điều này”.

Phần Hiển Thị Chánh Nghĩa đã xong. Sau là phần Đối Trị Tà Chấp, là phần thứ 2 của chương Giải Thích.