Triết học
Tâm Lý và Triết học Phật giáo áp dụng trong đời sống hàng ngày
25/02/2553 13:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chương 24: Giác ngộ

Chúng ta không thể nào thành đạt sự giác ngộ mà không có tu tập những điều kiện chân chánh. Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (V, Mahàvagga, quyển XI, Tương Ưng Dự lưu, chương I, §5, Sàriputta) về 4 điều kiện trở thành một bậc Dự lưu. Kinh nói rõ:

Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta:

"Dự lưu phần, Dự lưu phần", này Sàriputta, được nói đến như vậy. Này Sàriputta, thế nào là Dự lưu phần?"

"Bạch Thế Tôn, thân cận bậc chân nhân là Dự lưu phần. Nghe diệu pháp là Dự lưu phần. Như lý tác ý là Dự lưu phần. Thực hành pháp và tuỳ pháp là Dự lưu phần."

"Lành thay, này Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta. Thật sự đây là những Dự lưu phần"

"Lại nữa, này Sàriputta, "dòng sông, dòng sông" được nói đến như vậy. Này Sàriputta, thế nào là dòng sông?"

"Bạch Thế Tôn, đây là dòng sông Thánh đạo tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định."

"Lành thay, lành thay, này Sàriputta, đây là dòng sông Thánh đạo tám ngành."

"Lại nữa, này Sàriputta, "Dự lưu, Dự lưu", được gọi là như vậy. Này Sàriputta thế nào là Dự lưu?"

"Bạch Thế Tôn, ai thành tựu Thánh đạo tám ngành này, người ấy gọi là bậc Dự lưu, vị Tôn giả với tên như thế này, với họ như thế này."

Ðiều kiện thứ nhất, thân cận với bậc chân nhân là quan trọng nhất. Ðiều đó không thể do tự mình có thể khám phá ra con đường chân chánh. Chỉ có chư Phật đã tích lũy trí tuệ như thế đến nỗi tự các ngài có thể khám phá ra con đường, mà không cần sự trợ giúp của một vị thầy. Tuy nhiên những người khác cần có những lời dạy của một Ðức Phật để có thể thấy chánh đạo, bởi vì vô minh đã huân tập trong một thời gian dài vô tận. Chúng ta cần giao thiệp với bậc chân nhân, người bạn tốt trong giáo pháp mà có thể chỉ cho chúng ta con đường chân chánh, bởi vì những phiền não của chúng ta ngăn chận chúng ta tìm thấy con đường chân chánh. Người bạn trong giáo pháp của chúng ta có thể khuyến khích chúng ta tu tập sự hiểu biết chân chánh về danh và sắc.

Câu hỏi có thể được đặt ra là chúng ta nên làm gì nếu chúng ta không thể tìm gặp người bạn chân chánh trong giáo pháp. Xem kinh điển không phải là một điều kiện tìm thấy con đường dẫn đến giác ngộ sao? Ðiều đó thì đúng việc đọc những kinh điển cũng rất hữu ích bởi vì chúng có thể khuyến khích chúng ta chú niệm về danh và sắc trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải thích những lời dạy trong tà đạo. Nó tùy thuộc những điều kiện chúng ta thân cận với bậc chân nhân có thể giúp chúng ta nhận thức những lời dạy cũng như sự thực hành phù hợp với những lời dạy hay không. Nghiệp thiện đã tiùch trử có thể là điều kiện cho chúng ta thân cận bậc chân nhân.

Khi chúng ta đã nghe pháp từ bậc chân nhân, chúng ta nên như lý tác ý, đây là điều kiện thứ ba. Chúng ta không nên mù quáng tin theo người dạy chúng ta giáo pháp, nhưng chúng ta nên tự nghiên cứu những kinh điển, tư duy về pháp và chiêm nghiệm cẩn trọng, để thử nghiệm chân lý.

Thử nghiệm chân lý này là tự thực hành. Cho nên điều kiện thứ tư là "thực hành theo Giáo pháp", người thực hành theo giáo pháp là đang phát huy Bát chánh đạo. Nhờ chú niệm về hiện tượng xuất hiện qua 6 môn chúng ta có thể tự mình khám phá thật sự là những hiện tượng này chỉ là danh và sắc phát sanh vì những nhân duyên không. Chúng ta có thể tự mình quan sát chúng vô thường hay là thường hằng, chúng khổ hay vui, chúng vô ngã hay hữu ngã. Chúng ta có thể tìm thấy qua sự thực hành, chúng ta có thực sự hiểu giáo pháp không. Nếu chúng ta thực hành theo tà đạo, cuối cùng chúng ta có thể khám phá thấy rằng điều này không đưa đến chánh kiến về những pháp chân đế trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Qua việc tu tập Bát chánh đạo chúng ta sẽ có nhiều niềm tin trong giáo pháp của Ðức Phật hơn. Chúng ta sẽ có nhiều niềm tin hơn khi chúng ta biết rằng nhờ hiểu biết đúng đắn về danh và sắc trong đời sống hàng ngày thì chúng ta sẽ ít cố chấp vào bản ngã.

Những tâm siêu thế không thể nào phát sanh mà chúng ta không có tu tập những điều kiện đúng đắn. Một số người mong đoạn trừ khổ đau nhưng họ không tu tập chánh kiến trong đời sống hàng ngày. Họ hy vọng rằng một ngày tâm siêu thế sẽ phát sanh. Ðức Phật chỉ cho thấy rằng sự thực chứng về Tứ thánh đế thì rất hiếm có và Ngài dạy điều này không phải là không động viên mọi người, nhưng để nhắc nhở cho chúng ta không nên dể duôi.

Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (V, Mahàvagga, quyển XII, Tương Ưng Sự Thật, chương V, §5, Lỗ khóa), khi Ðức Phật ngự ở Vesàli (Xá vệ), trong đại lâm, Ðại đức Ànanda đi vào thành Vesàli để khất thực. Trong thành Vesàli Ðại đức thấy những thanh niên Licchavi đang thực tập bắn cung. Sau đó Ðại đức hầu Ðức Phật và bạch hỏi:

"Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy rất nhiều thiếu niên Licchavi trong hội trường tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác không sai trợt lần nào. Thấy vậy con nghĩ như sau: "Thật sự là có tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Thật khéo tập luyện các thiếu niên Licchavi này! Vì rằng từ xa họ bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp nối lông đuôi mũi tên khác, không sai trợt lần nào!"

"Này Ànanda ông nghĩ thế nào? Việc này khó làm hơn, khó đạt đến hơn: giống như bắn xuyên qua một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần."

"Cũng vậy, này Ànanda, chúng đâm xuyên ngang qua một cái gì khó đâm xuyên hơn là những ai như thật đâm xuyên qua: đây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là khổ diệt, đây là phương pháp thực hành để chấm dứt khổ đau."

Do vậy này Ànanda, ông phải cố gắng để nhận thức rằng: đây là khổ. Ðây là nguyên nhân của khổ. Ðây là chấm dứt khổ . Ðây là phương pháp thực hành để chấm dứt khổ đau."

Người ta cảm thấy chán nản khi đọc kinh điển này; có lẽ dường như nó không thể đạt được sự giác ngộ. Tuy nhiên nếu chúng ta tu tập Bát chánh đạo, chúng ta sẽ thực chứng được Tứ thánh đế; chúng ta sẽ chứng đắc được quả vị giác ngộ. Phương pháp để thực chứng được Tứ thánh đế là ngay khi chánh niệm về những pháp chân đế khi chúng xuất hiện: thấy, cảnh sắc, tham, sân. Chúng ta không nên ngã lòng khi chúng ta không thấy mình tiến bộ. Hầu hết người ta dính mắc vào thành quả đạt được và họ trở nên thiếu kiên nhẩn khi họ không chú trọng đến thành quả hiện tại; tuy nhiên sự dính mắc vào thành quả thì không thể giúp ích gì cho việc phát huy trí tuệ, vì đó là tâm bất thiện.

Một số người cảm thấy rằng việc phát huy thiền định có thể dẫn đến một thành quả thiết thực hơn. Thiền định khi chúng ta tu tập theo phương pháp chân chánh sẽ có được định tâm. Khi chúng ta đạt được thiền thì tham, sân, si sẽ đoạn trừ một cách tạm thời. Tuy nhiên việc thành tựu thiền định thì cực kỳ khó khăn và phải tu tập nhiều điều kiện. Nếu chúng ta tu tập thiền chỉ thì năm triền cái có thể phát sanh: tham dục, sân hận, hôn thụy, trạo hối và hoài nghi, cho đến khi nào chúng ta đạt được cận hành định hay đạt được thiền định thì lúc đó năm triền cái không còn phát sanh nữa.

Mục đích của Thiền quán không phải là định, nhưng nó thì đoạn trừ tà kiến và phiền não. Mục tiêu này có lẽ dường như xa vời quá, nhưng mỗi khoảnh khắc chánh niệm về danh sắc thì rất có hiệu quả; nó giúp chúng ta đoạn trừ sự cố chấp về bản ngã. Trong khi chúng ta chánh niệm thì không có tham, sân, si. Mặc dù mục đích của Thiền quán không phải là định, nhưng ở khoảnh khắc chánh niệm thì có tâm thiện và tâm thiện thì do an tịnh câu hành.

Thiền quán là phát huy chánh kiến để nhận biết danh và sắc khi chúng xuất hiện trong đời sống hằng ngày. Thiền quán được người ta tu tập theo những giai đoạn khác nhau và trong tiến trình phát huy những đặc tướng của danh và sắc thì chúng ta sẽ hiểu chúng rõ ràng hơn và sự sanh diệt của chúng sẽ được biết qua sự cảm nhận trực tiếp. Khi Thiền quán đã được tu tập từng bước thì danh và sắc có thể được thấy rõ ràng qua sáu căn như vô thường, khổ và vô ngã. Khi trí tuệ đã được người ta tu tập đến mức độ thành tựu giác ngộ thì pháp vô vi, Níp bàn sẽ được hành giả cảm nhận trực tiếp. Sự cảm nhận trực tiếp Níp bàn thì khác biệt với suy nghĩ về Níp bàn. Níp bàn được người ta cảm nhận trực tiếp trong tiến trình tâm ý môn. Níp bàn không thể nào cảm nhận được qua bất cứ năm căn nào, nó có thể được cảm nhận chỉ qua Ý môn mà thôi.

Trong tiến trình chúng ta đạt được sự giác ngộ, tâm khán ý môn biết cảnh của nó là một trong tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Ðiều này có nghĩa là ở thời điểm đó, chúng ta có thể thấy chúng là vô thường hoặc khổ não hoặc vô ngã. Tam tướng là ba khía cạnh của pháp hữu vi. Nếu chúng ta thấy một khía cạnh thì chúng ta cũng thấy những khía cạnh còn lại. Tuy nhiên, tam tướng không thể nào thấy cùng một lúc, bởi vì tâm chỉ biết một cảnh. Ðiều đó tùy thuộc vào sự tu tập của chúng ta về Tam Pháp Ấn trong tiến trình chúng ta đạt đến sự giác ngộ: có người thấy pháp hữu vi ở lúc đó là vô thường, một số khác thấy như là khổ não, một số khác nữa thấy như là vô ngã. Tâm khán ý môn của tiến trình đó nhận biết một trong tam pháp ấn này và do đó nó được tiếp nối bởi ba hoặc bốn sát na tâm mà nó chưa phải là Tâm siêu thế, nhưng nó là Tâm đại thiện câu hành với trí tuệ [1]. Tâm đại thiện đầu tiên gọi là tâm chuẩn bị (Parikamma), nó vẫn có cùng một cảnh như tâm khán ý môn. Bất cứ tam tướng nào của pháp hữu vi mà tâm khán ý môn nhân biết thì tâm chuẩn bị thực chứng đặc tướng đó. Tâm chuẩn bị được nối tiếp bởi tâm cận hành mà nó vẩn có cùng một cảnh như tâm khán ý môn. Tâm này là sát na tâm đại thiện thứ hai trong tiến trình đó thì gần hơn đối với khoảnh khắc tâm siêu thế sẽ phát sanh. Tâm cận hành thì tiếp nối bởi sát na tâm Thuận Thứ. Tâm này vẫn có cùng một cảnh như tâm khán ý môn. Tâm thuận thứ thì tiếp nối bởi tâm chuyển tánh. Tâm này là sát na tâm dục giới sau cùng trong tiến trình đó. Tâm chuyển tánh có trong Thiền Chỉ lẫn Thiền Quán. Tâm chuyển tánh là sát na tâm dục giới cuối cùng trong một tiến trình trước khi tâm cõi khác phát sanh. Tâm cõi khác có thể là tâm sắc giới, vô sắc giới hoặc tâm siêu thế. Trong thiền chỉ, tâm chuyển tánh là tâm dục giới sau cùng trước khi tâm thiền sắc giới hoặc tâm thiền vô sắc giới phát sanh. Trong thiền quán, tâm chuyển tánh là tâm dục giới sau cùng của kẻ phàm phu trước khi tâm siêu thế phát sanh và vị đó trở thành một bậc thánh. Cảnh của tâm chuyển tánh phát sanh trước tâm siêu thế thì khác biệt với cảnh của tâm chuyển tánh trong Thiền chỉ; tâm chuyển tánh biết cảnh Níp bàn trước tâm siêu thế. Ðây là tâm đầu tiên trong tiến trình biết cảnh Níp bàn, nhưng nó không phải là tâm siêu thế. Ở sát na tâm chuyển tánh người sắp sữa thành tựu sự giác ngộ thì vẫn còn là kẻ phàm phu. Tâm chuyển tánh chưa đoạn trừ các phiền não. Tâm Chuyển tánh thì tiếp nối bởi tâm đạo mà tâm đạo đoạn trừ các phiền não đó là bậc thánh Tu đà hườn đoạn trừ ở giai đoạn này. Tâm đạo là Tâm siêu thế đầu tiên trong tiến trình tâm đó. Khi tâm đạo diệt nó được nối tiếp bởi hai (hoặc ba) sát na tâm quả mà nó là kết quả của tâm đạo và nó vẫn có Níp bàn làm cảnh. Như chúng ta đã thấy, tâm đạo được tiếp nối ngay tức khắc bởi những kết quả của nó trong cùng một tiến trình tâm [2]. Tâm đạo không thể trổ quả trong hình thức sanh tử, như tâm thiện của những cõi khác. Tâm quả được tiếp nối bởi tâm hộ kiếp [3].

Một số người không cần sát na tâm chuẩn bị này và trong trường hợp đó ba sát na tâm quả phát sanh thay vì là hai.

Trong tiến trình đạt đến sự giác ngộ, tâm được tóm tắt như sau:

Tâm khán ý môn
Tâm chuẩn bị
Tâm cận hành
Tâm thuận thứ
Tâm chuyển tánh

Tâm đạo
Tâm quả

Níp bàn có thể là cảnh của tâm dục giới mà nó phát sanh sau tâm siêu thế đã diệt. Trước khi chúng ta trở thành bậc thánh, chúng ta có thể suy đoán về Níp bàn. Tuy nhiên đối với bậc thánh, điều này thì hoàn toàn khác biệt. Bởi vì các ngài đã cảm nhận trực tiếp Níp bàn, sau đó các ngài có thể suy xét về sự cảm nhận của mình. Chúng ta xem trong Thanh Tịnh đạo (XXII, 19) nói về một người đã đạt đến sự giác ngộ, sau khi những tâm siêu thế đã diệt, quán tưởng về đạo, quả, phiền não đã được đoạn trừ không còn dư sót và Níp bàn. Vị ấy quán tưởng những điều này trong những tiến trình tâm ý môn khác nhau.

Một số người nghĩ rằng sự giác ngộ không thể xuất hiện trong đời sống hằng ngày, họ tin rằng điều đó cần phải sống một nơi thanh vắng để chứng đắc Níp bàn. Sự tu tập Tuệ quán là phát huy chánh kiến về tất cả những pháp chân đế xuất hiện trong đời sống hằng ngày. Khi trí tuệ đã được phát huy đến mức có thể đạt đến sự giác ngộ, sự chứng đắc có thể xảy ra trong giữa những sự sinh hoạt hằng ngày của một người. Như chúng ta đã thấy, sự đạt đến giác ngộ chỉ là một vài sát na tâm sanh diệt trong khoảng thời gian từng giây.

Chúng ta xem trong Kinh Trường Trảo (Dìghanakha) (Trung Bộ Kinh II, số 74) Ðức Phật thuyết pháp cho du sĩ Trường Trảo ở núi Linh Thứu gần Ràjagaha. Ngài dạy ông ta về việc từ bỏ tà kiến và về vô thường của các pháp hữu vi. Ðại đức Sàriputta là một bậc thánh nhân nhưng chưa đắc chứng A la hán quả cũng có mặt cùng thời gian của thời pháp đó. Chúng ta xem:

Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta đứng sau lưng Thế Tôn và đang quạt Thế Tôn. Rồi tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau:

"Thế Tôn đã thuyết cho chúng ta về sự đoạn trừ các pháp và nhờ đó đạt được thắng trí. Ðức Thiện thệ đã thuyết cho chúng ta về sự từ bỏ các pháp ấy nhờ thắng trí." Trong khi tôn giả Xá Lợi Phất suy nghĩ như vậy, tâm của tôn giả giải thoát các lậu hoặc không còn chấp thủ. Nhưng đối với du sĩ ngoại đạo Dìghanakha, pháp nhãn ly trần, vô cấu được khởi lên, pháp gì được khởi lên tất cả các pháp ấy được đoạn diệt...

Tôn giả Xá Lợi Phất đạt được quả vị A la hán đang khi đứng quạt Phật chứ không phải tôn giả chứng đắc bằng cách độc cư thiền định. Du sĩ Dìghanakha nghe Ðức Phật thuyết pháp và sau đó chứng đắc đạo quả Tu đà hườn.

Chúng ta xem Tương Ưng Bộ Kinh (III, Khandhavagga, năm mươi kinh ở giữa, chương 4, §89, Khema) Khema là bậc thánh A na hàm, ông ta đạt được quả vị A la hán trong khi đang thuyết pháp và chư Tỳ khưu đang thính pháp cũng chứng đắc A la hán. Chúng ta xem:

Trong khi lời dạy này được nói lên, khoảng sáu mươi vị Tỳ khưu được tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, kể cả tôn giả Khemaka...

Nếu chúng ta đang tu tập Bát chánh đạo, trí tuệ của chúng ta có thể phát huy, bất cứ là hoàn cảnh nào thậm chí ngay cả ở mức độ giác ngộ. Người ta có thể tự hỏi không biết mình có thể chú tâm vào điều đó không, khi mình đạt đến Níp bàn. Nhưng người ta có thể thấy người khác có chánh niệm hay không chánh niệm chăng? Ai biết được tâm của người khác? Chúng ta không thể nào biết khi người khác đang chú niệm về danh sắc hoặc khi các vị chứng đắc Níp bàn.

Câu hỏi có thể được đặt ra là tất cả bốn bậc Thánh có thể đạt được trong tiến trình của một kiếp sống không. Chúng ta xem trong kinh điển về các vị đệ tử của Ðức Phật thành tựu thánh nhân mà chưa phải là A la hán và chứng đắc quả vị A la hán sau này. Ví dụ đại đức Ànanda chưa chứng đắc A la hán trong khi Ðức Phật còn sanh tiền, nhưng ngài chứng đắc A la hán sau khi Ðức Phật viên tịch vào một buổi chiều trước khi đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất khai mạc (chú giải Hạnh phúc Kinh, Tiểu Bộ Kinh).

Bậc thánh A la hán đã đoạn trừ tất cả những phiền não và do đó các ngài chấm dứt sanh tử luân hồi. Bậc thánh A La Hán sẽ không còn tái sanh nữa, nhưng các ngài vẫn còn phải nhập diệt và như thế người ta có thể hỏi dù các ngài thật sự chấm dứt khổ đau ở thời điểm các ngài thành tựu quả vị A la hán. Thậm chí vị A La Hán vẫn còn phải chết bởi vì các ngài đã sanh. Các ngài cũng có thể biết những nghiệp bất thiện trước khi ngài trở thành vị A la hán. Tuy nhiên, các ngài không còn phiền não nữa và không còn tạo bất cứ nghiệp nào mà có thể trổ quả, thật sự các ngài đã giải thoát khổ đau.

Trong Phật thuyết như vậy (Itivuttaka, pháp hai chi, chương II, §7, Tiểu Bộ Kinh ) có hai loại Níp bàn giới (Dhàtu) đã được Ðức Phật giải thích. Trong kinh này hữu dư Níp bàn (Sa upàdisesa nibbàna), là nói đến vị A la hán đã đoạn trừ tất cả phiền não, nhưng các ngài vẫn còn thân ngũ uẩn này, bởi vì các ngài chưa nhập Níp bàn, các ngài vẫn còn có tâm, sở hữu tâm và sắc pháp sanh và diệt. Vô dư Níp bàn (Anupàdisesa nibbàna), là nói đến vị A la hán đã nhập Níp bàn, các ngài không còn năm uẩn, không còn tâm, sở hữu tâm và sắc pháp sanh diệt nữa.

Chúng ta xem bài kệ của kinh này:

Có hai loại Níp bàn giới
Ðã được các ngài chứng đắc
Người chứng đắc không dính mắc
Có một loại Níp bàn giới
Ở đây thuộc về hiện tại
Vẫn còn có các dư y
Lại nuôi dưỡng hữu bị diệt
Vô dư y Níp bàn là
Nó lại thuộc về tương lai
Với người thành đạt giới này
Mọi hữu vi diệt hoàn toàn
Ai có gia tăng chánh trí
Biết được con đường vô vi
Tâm tư luôn được giải thoát
Nuôi dưỡng hữu vi bị diệt
Những ai thành đạt quả
Là gốc lỏi của giáo pháp
Hân hoan trong sự diệt tận
Những vị ấy là như thế
Ðã xả ly với tất cả
Không còn mọi sanh hữu nữa.

Khi chúng ta trở thành bậc A la hán thì sẽ không còn tái sanh nữa. Khi chúng ta thành tựu giác ngộ ở tầng thánh Tu đà hườn, các ngài đã là vị thánh, nhưng các ngài chưa chấm dứt tái sanh. Bậc thánh Tu đà hườn vẫn còn tái sanh, nhưng không quá bảy kiếp; như vậy đối với các ngài chắc chắn sẽ chấm dứt tái sanh. Nếu người không tu tập Thiền Quán con đường sanh tử sẽ dài vô tận. Vì lòng từ bi của Ðức Phật nên ngài thuyết về sự nguy hiểm của tái sanh; ngài muốn khích lệ mọi người tu tập chánh kiến. Chúng ta xem Tương Ưng Bộ Kinh (V, Mahàvagga, quyển XII, tương ưng về sự thật, chương V, §6, hắc ám) Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu:

"Này chư Tỳ khưu, có một sự hắc ám giữa các thế giới không có trần che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám, ở đây ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy."

Ðược nghe nói như vậy một Tỳ khưu bạch Thế Tôn:

"Bạch Thế Tôn thật là to lớn, tối tăm, bạch Thế Tôn, có một tối tăm nào khác còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?"

"Này Tỳ khưu, có một tối tăm khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy."

"Bạch Thế tôn, sự tối tăm ấy là gì còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?"

"Này Tỳ khưu, những Sa môn hay Bà la môn nào, không như thật rõ biết: đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là chấm dứt khổ, đây là con đường dẫn đến chấm dứt khổ, họ hoan hỷ với các pháp hành đưa đến tái sanh. Vì họ hoan hỷ với các pháp hành đưa đến tái sanh, họ tạo dựng các pháp hành đưa đến tái sanh. Vì tạo dựng các pháp hành đưa đến tái sanh, họ rơi vào sự tối tăm của tái sanh, tối tăm về già và chết, sầu, bi, khổ, ưu và não. Họ không giải thoát khỏi sanh, già, bịnh và chết, không giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu , não. Họ không thoát khỏi khổ đau, Như Lai tuyên bố.

Nhưng này Tỳ khưu, những Sa môn hay Bà la môn nào như thật rõ biết: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là đạo đế, họ không hoan hỷ những pháp hành đưa đến tái sanh... Như Lai tuyên bố họ đã giải thoát khổ đau.

Do vậy này Tỳ khưu, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là con đường chấm dứt khổ đau."

Dịch xong, ngày 10 tháng 4 năm 2000
Tỳ kheo Thiện Minh
Kỳ Viên Tự

Chú thích:

[1] Xem Thanh Tịnh đạo, chương XXI, 129-136 và cũng được thấy trong Ðạo Vô Ngại Giải (Patisambhidàmagga) I, Trí luận, chương VI- chương X

[2] Xem chương XXII

[3] Những tên gọi của tâm phát sanh trong tiến trình này suốt thời gian giác ngộ không chỉ xuất hiện trong chú giải mà còn cả trong kinh điển, Vô ngại giải đạo và bộ Vị trí. Trong bộ vị trí, tam thọ, cận duyên có đề cập đến: tâm thuận thứ, chuyển tánh, tâm đạo và hai tâm quả. Vì những tên gọi khác nhau được đặt ra cho những tâm đổng lực này mà chúng ta có thể biết con số của chúng. Những tên gọi tâm chuẩn bị và tâm cận hành không phát sanh, nhưng Thanh Tịnh đạo (XXI, 130) dạy rằng trong tiến trình đó có tâm đại thiện đầu tiên có thể được gọi bằng một tên; chúng có thể gọi là tâm thuận thứ (tâm chuẩn bị hoặc tâm cận hành). Tiến trình giác ngộ xuất hiện không phải là một tiến trình bình thường; nó là một tiến trình khác biệt với những loại tâm thực hiện chức năng đổng lực. Tuy nhiên, ví dụ này làm cho điền này rõ ràng hơn theo chú giải, khi họ nói rằng thường có bảy sát na tâm đổng lực trong một tiến trình, điều này dựa vào truyền thống kinh tạng (xem chương 14)

 

---o0o---