Vấn đáp-Chia sẻ
Lời chia sẻ đẫm nước mắt của các em về cha mẹ
01/07/2015 08:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không ồn ào, không sôi nổi như những bài giáo lý khác, bài giảng chủ đề “HIẾU KÍNH CHA MẸ” khiến các em lắng đọng tâm tư quay về quá khứ, nhìn lại mình đã sống và thể hiện thế nào với đấng sinh thành.


Bằng những câu chuyện, những video clip đặc sắc, đồng thời thông qua chất giọng nhẹ nhàng truyền cảm trên nền âm nhạc được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, sáng ngày 27/06/2015, sư cô Thích nữ Thành Hưng và sư cô Thích nữ Thành Giác đã chia sẻ với các em nhiều đạo lý, những triết lý sống trên bình diện tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Buổi học thật là đặc biệt, cả người dạy và người học đều không ngăn được cảm xúc trào dâng khi nghĩ về người cha người mẹ của mình.


Bài học đã dẫn dắt các em đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác khi nhìn dung lại cha mẹ - những người đã tạo tác ra ta, cho ta vóc hình, nuôi nấng, dạy dỗ, lo cho an học để khi lớn khôn được thành nhân chi mỹ. Tuy nhiên, có những lúc câu nói, thái độ vô tình của ta đã làm cha mẹ phiền lòng, nhưng ta không biết được.


Đạo lý nhà Phật dạy rằng: Nhiều khi ý mình khác với ý cha mẹ thì phải ưu tiên bỏ ý mình để nhu thuận theo ý cha mẹ. Nếu trường hợp phải làm khác đi thì phải hết sức giải thích lễ phép, cho đến khi cha mẹ vui lòng. Không được làm cha mẹ cảm thấy bị con chê bai. Lòng luôn mong ước nuôi dưỡng cha mẹ lúc tuổi cao sức yếu. Quan trọng hơn là tạo mọi điều kiện cho cha mẹ được an vui tu hành…

Dựa vào những câu chuyện kể có thật, các em liên tưởng và cảm thấy mình cũng vi phạm lổi lầm y như thế. Cái hay của các sư cô là tự nói lên những lỗi mình đã phạm phải khi còn nhỏ, điều đó nó khế hợp với tâm trạng các em bây giờ, cho nên các em dễ nhận ra lỗi lầm của mình và cảm thấy hối hận. Biểu hiện là có nhiều em khóc ngấc, khóc lâu, kể cả em trai. Khi cô hỏi: Các em có điều gì muốn bày tỏ tình cảm với bố mẹ. Thế là nhiều cánh tay giơ cao, các em vừa nói, vừa nấc nghẹn khi muốn nói lời xin lỗi ba – xin lỗi mẹ mà không biết làm sao. Có em mạnh dạn nói trước lớp học, chẳng hạn:

  Trương Gia Hân - Chính Hạnh đã gửi lời cảm ơn cha mẹ mình: Con cảm ơn ba mẹ nhiều lắm vì sự hy sinh ba mẹ dành cho con mà không đòi lại bất cứ điều gì. Ở khoá tu mùa hè tại Thiền Tôn Phật Quang con mới biết tình cha lại cao cả đến thế. Con được nghe rất  nhiều chuyện kể về ba và con chợt nhận ra ba mình cũng luôn quan tâm yêu thương con, nhưng tình yêu thương ấy được ẩn chứa thẳm sâu trong trái tim. Ba à, con cảm ơn ba và cũng xin lỗi ba rất nhiều.




Hoặc em Hoàng Nguyên - Chính Hạnh viết: Từ nhỏ đến lớn ba luôn là người thương yêu con nhất, mẹ luôn kể lại rằng chính ba là người lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, chính ba đút cho con từng muỗng cháo, chỉ cần con khóc một tiếng ba vội vỗ về…Trong tiềm thức con vẫn in rõ hình ảnh ba mỗi chiều chở hai chị em con trên xe đạp, ba mệt lắm nhưng vì nụ cười giòn tan của con mà ba vẫn cố sức đạp. Con vẫn nhớ chính ba là người đã dạy con từng chữ cái, từng số đếm đầu tiên, những lúc con quên bài ba đánh con đau lắm, con giận ba. Rồi lớn lên, con dường như quên mất tuổi thơ, quên mất ba. Những lúc vui con chỉ tìm về mẹ, lúc buồn con cũng khóc bên mẹ, lúc được điểm cao con cũng về khoe mẹ…hoàn toàn con không để ý đến dáng vẻ thầm lặng và ánh mắt đầy hụt hẫng của ba. Ba vẫn vây, vẫn yêu thương, dõi theo con, vẫn âm thầm yêu thương con, nhưng chẳng bao giờ ba đòi hỏi hay thể hiện ra ngoài. Giờ đây, con nhớ ba nhiều lắm, con muốn sau Khóa học này, khi trở về nhà sẽ sà vào lòng ba, ôm chặt ba mà hôn lên mái tóc lấm tấm bạc để nói với ba rằng "Con yêu ba nhiều lắm, con xin lỗi ba".


Riêng em N.Nhật - Chính Trí lại muốn gửi lời xin lỗi bố: "Bố ơi con nhớ bố nhiều lắm, bố đi làm xa cẩn thận nha bố. Con biết bố rất buồn khi năm nay con học hành sa sút, con muốn nói lời xin lỗi tới bố, nhưng giờ là không thể. Khi con đòi mua xe, bố không chịu vì lo con bị tai nạn. Nhưng con không hiểu, con đã hờn trách bố vì sao không mua xe cho con để con phải thua kém bạn bè. Bố đã phải bán phấn hoa để mua xe cho con, đúng không ạ?. Con biết để có số phấn hoa đó, bố phải rất cực khổ, suốt ngày lom khom gạn từng khay phấn. Con sai rồi bố ơi, đáng ra con không đua đòi như vậy. Con xin lỗi bố rất nhiều, bố ơi con thương bố lắm…"

Có những bạn nam mạnh mẽ là thế, ở nhà ít khi nói lời yêu thương dành cho cha mẹ, giờ đây cũng không kìm được nỗi xúc động, đôi mắt nhoè lệ, niềm hối hận dâng trào khi nhớ lại những lần làm trái ý mẹ cha. Một học sinh nam thuộc Chính Đạo đã gửi tới cha mẹ mình đôi dòng tự sự: "Bố mẹ thương!. Con lớn rồi, cái tôi lớn dần theo. Con chưa bao giờ nói được lời cảm ơn với bố mẹ. Thực sự nó rất khó nói, con sợ cái cảm giác ngượng nghịu khi phải nói ra. Hôm nay con muốn nói lời cảm ơn ba mẹ đã sinh con ra trên cuộc đời này để con được sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Cảm ơn bố mẹ vì luôn luôn nhẹ nhàng bảo ban con; con xin lỗi bố mẹ vì con luôn cãi lại, luôn ngỗ nghịch và muốn tránh xa bố mẹ khi bị la mắng; cảm ơn bố mẹ vì đã luôn tận tuỵ chăm lo, quan tâm con trong khi con vô tâm không biết đến sự hy sinh của bố mẹ…."

Lại nữa, em Lê Đức Gia Phong - Chính Trí đã bày tỏ lòng mình trong sự ân hận day dứt: "Con viết lá thư này để bày tỏ mọi suy nghĩ trong tim con mà bấy lâu nay không có cơ hội để nói. Đầu tiên con xin lỗi cha mẹ nhiều lắm ạ. Bấy lâu nay con là một đứa thờ ơ, vô tâm, bất hiếu và lười thay đổi bản thân. Con đã không sống xứng đáng với sinh linh của hai đứa em không được ra đời, với sự hy sinh cao cả một đời cha mẹ đã vất vả làm việc cực nhọc để con có được cuộc sống đầy đủ, ấm no bằng bạn bè. Con chấp nhận đoạ địa ngục vì đã để mẹ phải quỳ xuống van xin con thay đổi bản thân mình làm người có giá trị cho đất nước. Mẹ ơi!. Con nguyện cả cuộc đời này sẽ không còn để mẹ phải nhỏ một giọt nước mắt nào vì con nữa. Ba ơi!. Con xin nguyện học tập thật siêng năng, chăm chỉ để sau này ba không còn phải nhỏ một giọt mồ hôi  nào nữa. Con yêu ba mẹ nhiều!. Con xin lỗi và cảm ơn ba mẹ!"

Còn nhiều, nhiều nữa những tâm sự, những lời cảm ơn, những lời xin lỗi mà các em muốn gửi tới cha mẹ mình. Một lần đã nguyện lòng hiếu kính mẹ cha trước Phật đài thiêng liêng thì tâm nguyện đó, ước mong đó sẽ được Phật từ gia hộ. Hy vọng các em có thể giữ gìn trong tâm suốt đời và sẽ phát triển thành những tình cảm lớn hơn, cao thượng hơn, đó là tình yêu thương nhân loại đầy ắp trong tim, để tạo động lực cho các em phấn đấu hơn nữa trong học tập, đồng thời quyết tâm hơn để thay đổi chính mình và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Theo: PGVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch