Phật giáo & Tuổi trẻ
Thành hôn nơi cửa Phật - sự lựa chọn của giới trẻ ngày nay
29/10/2010 01:44 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thoát khỏi những lo toan của cuộc sống hàng ngày, thoát khỏi không khí náo nhiệt của nhịp sống hiện đại, không ít bạn trẻ đã đến chốn cửa Phật để tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống và mong muốn được… kết duyên hạnh phúc của mình. Tổ chức lễ thành hôn nơi cửa Phật đang trở thành một nếp sống mới trong giới trẻ hiện nay.


Chùa Quỳnh Lôi (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) một ngày tháng 10. Trong không khí se lạnh và phảng phất những hạt mưa chuyển mùa, 4 cặp bạn trẻ có mặt ở đây từ rất sớm. Hôm nay sẽ là một ngày rất trọng đại với họ.

Trước khi tổ chức lễ cưới theo phong tục cổ truyền, họ sẽ được tổ chức lễ thành hôn tại chùa. “Chủ hôn” của buổi lễ này là Đại đức Thích Đạo Thông - Chánh thư ký Phật giáo quận Hai Bà Trưng, trụ trì chùa Quỳnh Lôi. Đúng 9h hôn lễ được tiến hành tại chính điện với sự chứng kiến của cha mẹ, bạn bè hai bên gia đình các cô dâu và chú rể. Buổi lễ được mở đầu bằng nghi thức dâng hương lễ Phật.

Cô dâu trong trang phục khăn xếp, áo dài đỏ truyền thống sánh đôi cùng chú rể kính cẩn thắp hương trong không gian trầm mặc, trang nghiêm giữa những tiếng tụng kinh gõ mõ… Các cô dâu, chú rể tham gia buổi lễ thành hôn tại chùa được Đại đức Thích Đạo Thông đặt pháp danh (tên của nhà Phật) và được nghe giảng giải về 20 điều trách nhiệm của vợ chồng với nhau và của vợ chồng đối với gia đình hai bên.

Sau mỗi lời giảng giải, các cặp đôi sẽ hứa trước đức Phật, nguyện làm theo đúng bổn phận của mình và ký vào văn bản phát nguyện do nhà chùa soạn thảo. Khi 2 bên trao nhẫn cho nhau xong, thầy “chủ lễ” công bố từ nay họ chính thức là vợ chồng và trao quà kỷ niệm của nhà chùa là chữ Nhẫn với mong muốn vợ chồng biết nhường nhịn nhau sẽ tồn tại vững bền. Buổi lễ kết thúc bằng một bữa tiệc chay ấm cúng trong khuôn viên của chùa…

Trào lưu tổ chức lễ thành hôn tại chùa có từ khi nào, không ai biết một cách chính xác. Có người cho rằng ban đầu chỉ là sự bột phát của một số cặp vợ chồng muốn tổ chức đám cưới ở chùa để tìm sự may mắn trong cuộc sống. Lại có người bảo do phật tử trong chùa muốn tổ chức đám cưới cho con em mình tại đây để tìm sự ổn định trong tâm hồn.

Tuy nhiên Đại đức Thích Đạo Thông lại có một cách nhìn khác. Theo ông việc nhà chùa quyết định tổ chức lễ thành hôn hay lễ Hằng thuận (hàng ngày cùng sống hòa thuận với nhau) theo cách gọi của nhà Phật xuất phát từ chính thực tế xã hội hiện nay.

“Là một người thường xuyên tham gia các công tác xã hội và qua theo dõi trên các phương tiên thông tin đại chúng, tôi nhận thấy tỷ lệ ly hôn và tình trạng bạo lực trong gia đình có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều này xuất phát từ thực tế trong cuộc sống gia đình hiện đại có nhiều cặp vợ chồng thiếu sự hòa thuận, không có sự kiên nhẫn, chịu đựng nhau nên thường xảy ra những va chạm, xung đột và dẫn tới việc ra tòa ly hôn. Trong khi đó lời dạy của Phật có nhắc tới bổn phận, trách nhiệm phật tử tại gia, bao gồm cả bổn phận của người vợ với người chồng, của chồng với vợ. Do vậy, việc tổ chức lễ thành hôn tại chùa là sự kết hợp giữa giáo lý của đức Phật và nghĩa vụ của phật tử tại gia. Đó là một trong những tinh thần nhập thế rất tích cực của Phật giáo…” - Đại đức cho biết.

Đối với các bạn trẻ, việc quyết định tổ chức lễ thành hôn nơi cửa Phật cũng có những lý do riêng của họ. Lý giải về sự lựa chọn của mình, chị Phạm Hồng Hạnh, nhân viên Công ty chứng khoán VN Direct tâm sự: “Sở dĩ tôi chọn việc tổ chức lễ thành hôn tại chùa vì thấy ngoài ý nghĩa tâm linh, khi được cùng với người mà mình thương yêu quỳ gối chắp tay phát nguyện (hứa) với nhau trong sự chứng kiến của trời Phật cho tôi một cảm giác bình yên và thư thái. Với tôi đây thực sự là một sự trải nghiệm mới…”.

Còn với anh Ma Kiến Nghị (Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội): “Trước đây, tôi đã từng được tham dự một lễ thành hôn của người bạn tại chùa. Những điều được căn dặn về bổn phận của người vợ và người chồng đã thực sự để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Tôi nghĩ, lần này khi tổ chức lễ thành hôn tại chùa sẽ cho chúng tôi có một hành trang tốt trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân”.

Theo Đại đức Thích Đạo Thông, các bạn trẻ nếu muốn đều có thể tổ chức lễ kết hôn tại chùa. Tuy nhiên về mặt thủ tục đều phải tuân theo những quy định của pháp luật. Ngoài việc được sự đồng thuận của cha mẹ hai bên thì còn phải có giấy đăng ký kết hôn của chính quyền địa phương.

Đó là ứng dụng lời dạy của Phật và pháp luật của Nhà nước, tránh tình trạng có những đôi vợ chồng tảo hôn hoặc đang trong quá trình truy cứu trách nhiệm của pháp luật. Đại đức cho biết từ khi nhà chùa tổ chức lễ thành hôn tới nay, có rất nhiều đôi bạn sống hạnh phúc bên nhau, và thường xuyên lên chùa cầu an.

Có những đôi tuy con cái đã lớn nhưng năm nào vào dịp Tết đến xuân về, 2 bên gia đình cũng đều tới đây chúc Tết nhà chùa. Đặc biệt, mỗi khi có những mâu thuẫn, họ đều gặp thầy để được răn dạy, được khuyên bảo những lối đi đúng đắn.

Tổ chức lễ thành hôn tại chùa cho thấy một xu thế mới của giới trẻ hiện nay: được làm mới mình và tìm đến những ý nghĩa, những giá trị mang tính bản ngã. Tuy nhiên, vượt lên tất cả đó là một nét văn hóa tốt đẹp và rất đáng được coi trọng.

Theo Việt Phương - ANTĐ

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch