Phật giáo & Tuổi trẻ
Tuổi Trẻ và Thần Tượng Đừng Biến Một Chút Thành Tất Cả
Đinh Minh Hải
10/04/2010 11:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cuộc sống luôn cần một chút gì đó để yêu thích. Một chút gì đó để ngưỡng mộ. Một chút gì đó để giải nhiệt cuộc sống… nhưng chỉ một chút thôi, không phải là tất cả.

Trong thế giới tinh thần của “fan hâm mộ”, nhu cầu được nhìn, được nghe, được gần gũi, gặp gỡ… thực chất là cách để thỏa mãn dục vọng của họ, hiểu theo nghĩa dục vọng là một danh từ. Thần tượng hay đối tượng được hâm mộ thường là sản phẩm của những sự đồng điệu bất chợt, những tình yêu tình cờ với nhiều cung bậc khác nhau của những người hâm mộ, tôn thờ.

Nói chung là các “fan” tìm thấy ở thần tượng một sự “hợp gu” nào đó, chẳng hạn như quan niệm thẩm mỹ trong giao tiếp, trong ăn mặc… nhưng quan trọng hơn cả là cái dáng vẻ bên ngoài, là đời sống tình cảm mà thần tượng của họ đã sống… trong vai diễn nào đó.

Với cách hiểu đó, thần tượng là hoàn toàn “bị động”, họ chỉ là đối tượng được chọn lựa, mà là chọn lựa ngẫu nhiên thôi, nhưng họ lại có “quyền uy” lớn, có can hệ rất lớn với cuộc sống của các “fan”. Thần tượng có thể có xuất xứ từ nhiều lĩnh vực khác nhau: hoặc là ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, cầu thủ… cho đến những người làm công tác lãnh đạo như Bill Clinton, Condoleezza Rice... Vấn đề đặt ra là “có hay không mối tương quan giữa thần tượng và các fan?

Không ai thiết lập nên mối ràng buộc này cả. Nó vốn dĩ là một sự tự nguyện. Nếu có, nó là một luật bất thành văn. Người ca sĩ, người diễn viên, nói chung là các “sao”… không bắt buộc phải có một bổn phận nào với các “fan” cả, và ngược lại.

Điều đó là lý đương nhiên. Nhưng trong ý nghĩa là những người làm công tác nghệ thuật, mà nghệ thuật là hướng tới cái đẹp, hướng tới một sự thăng hoa, họ dường như có trách nhiệm với “fan” của mình, nhất là giới trẻ. Hơn nữa, nói là trách nhiệm vì thực tế cho thấy, đa số các thần tượng đều có hình thành những câu lạc bộ của “fan” mình. Làm thế nào để các fan có một điều gì đó hay ho cho bản thân họ khi sinh hoạt trong đó, chí ít là không để cho họ say quên tất cả cuộc sống đời thường của họ để theo đuổi niềm đam mê nào đó nơi mình, đó là chỗ mà thần tượng nên lưu tâm.

Càng có nhiều người hâm mộ thì càng thể hiện sự thành công của thần tượng. Thành công là một niềm vui, có danh tiếng là một niềm vui, gặt hái được nhiều thứ có lợi là một niềm vui. Niềm vui rất người đó ở thần tượng không có gì để nói là xấu hay tốt, chỉ có điều là khi đã xem các “fan” là một nguồn lợi, ngoài niềm vui tinh thần, thần tượng cần phải cân nhắc trách nhiệm của mình trong đó.

Cái mà một thần tượng muốn là sự “sống mãi” trong lòng người hâm mộ. Và người hâm mộ là người của “đám đông”, đương nhiên thần tượng không thể biết đến hết được, nên trách nhiệm, với họ mà nói, đó là một điều mơ hồ và áp đặt. Việc của họ là làm tốt lĩnh vực họ tham gia, để sự phục vụ của họ đến với mọi người được nhiều hơn, tốt hơn mà thôi. Nếu họ làm tròn trách nhiệm của họ: đem lại niềm vui và chút tô điểm cho cuộc sống thì mối tương quan của họ xem như đã trọn vẹn.

Người hâm mộ, có lẽ, không phải có trách nhiệm gì, hầu như họ thấy họ chỉ có trách nhiệm ủng hộ thần tượng của họ mà thôi. Nhưng thần tượng của họ cũng như đóa hoa, chỉ có một mùa xuân sắc. Và thần tượng vinh hạnh nhất là được “fan” cất giữ hình ảnh thời xuân sắc đó cả khi họ đã trở thành dĩ vãng. Vì vậy, các “fan” nên hiểu rằng, đã gọi là thần tượng, tuy là thần tượng của mình, nhưng đó là thứ không nên chiếm giữ. Cái mà chúng ta nói rằng “hãy sống tốt trước khi gặp thần tượng” là điều nên khuyến cáo, mặc dù thần tượng đó là thần tượng của nghệ thuật đem làm thần tượng sống của con người đời thường.

Nhu cầu giải trí của giới trẻ ngày nay là bất tận. Khả năng thỏa mãn của họ là những cơn sóng gối đầu. Và khả năng đáp ứng của người nghệ sĩ, cũng như các nhà kinh doanh trong lĩnh vực này cũng phát triển theo. Họ bị cuốn hút trong đó. Bạn trẻ hầu như choáng ngợp, hầu như quay cuồng trong mọi hình thức “giải trí”. Mọi thứ đi qua họ đều nắm bắt, đều say mê, đều tiếp nhận một cách vô điều kiện. Dù đó không phải là tất cả nhưng cũng là số đông.

Vấn đề không phải là việc đối phó khi “cơn sốt” lên. Lý do đơn giản là ngoài thời gian, ngoài sự tự “hạ nhiệt”, khó có một giải pháp nào khiến cho “fan” cuồng nhiệt tỉnh ra mà không đau khổ. Vì vậy, bạn trẻ cần phải luôn ý thức trách nhiệm của mình trước bản thân. Trong cuộc sống, mỗi người đều tham gia vào nhiều mối quan hệ khác nhau: quan hệ gia đình, quan hệ bạn bè, quan hệ công việc…, và do đó, chúng ta cần sống cho quân bình để trọn vẹn các quan hệ đó.

Thời đại hiện nay, khó còn có người tin tuyệt đối và một đấng toàn năng nào đó. Và thay vào đó, người ta tôn thờ những thứ “thực tiễn” hơn, đa dạng hơn, thiên về sự tiện nghi, êm dịu, có giá trị giải trí tức thời như ngôi biệt thự, xe hơi, điện thoại di động, hay người mẫu, diễn viên điện ảnh, sao ca nhạc… Họ khát khao, ngưỡng mộ, tìm kiếm, tôn thờ.

Thật ra, cái gọi là thẩm mỹ, đạo đức, văn hóa đều có những đặc tính dân tộc riêng. Không có một tiêu chuẩn là thước đo cho những giá trị này. Nhưng chắc chắn rằng, cái đẹp phải là một sự chọn lựa phù hợp với bản thân người sử dụng: trong đó, tiêu chí văn hóa sẽ góp phần làm nên một cái đẹp thật sự, bởi trong văn hóa đã bao hàm các yếu tố của truyền thống và hiện đại.

Tố chất văn hóa cần được hun đúc bằng cách nào đó là trách nhiệm cha mẹ, của cộng đồng, để nó như là một “khả năng miễn dịch” đủ để bạn trẻ biết tiếp thu có chọn lọc những mời gọi của cuộc sống, ít ra là biết nó có phù hợp với con người mình, hoàn cảnh mình hay không, nếu không phù hợp thì khó mà đẹp mà có ích, dù đó là cái model, cái hiện đại.

Nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh hay cầu thủ bóng đá (trong đó có sự một phần do tác dụng của báo chí truyền thông), đã làm nên những làn sóng hâm mộ rất cuồng nhiệt mà người ta gọi là những cơn sốt. Thật khó giải nhiệt khi những cơn sốt này đang ở vào hồi cao độ của nó. Có thể bạn trẻ sẽ phản ứng rằng tại sao mọi thứ đều quy trách nhiệm về cho họ? Tại sao không ai hiểu họ?

Không phải tất cả các fan đều cuồng nhiệt như vậy. Cũng không phải vấn đề phải quan trọng hóa lên. Có một thần tượng sẽ tốt nếu fan không trao gửi tất cả ước mơ, hy vọng của mình vào thần tượng, không vì theo thần tượng mà quên hết các mối quan hệ khác và mụ mị chính tinh thần của bản thân. Cuộc sống luôn cần một chút gì đó để yêu thích. Một chút gì đó để ngưỡng mộ. Một chút gì đó để giải nhiệt cuộc sống… nhưng chỉ một chút thôi, không phải là tất cả.

 

Đinh Minh Hải

(Theo Văn hóa Phật giáo)

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch