Phật giáo & Tuổi trẻ
Suy ngẫm "nhìn người mà lại thấy ta"
Đã đến lúc các bạn sinh viên của chúng ta cần phải “Think different” – suy nghĩ khác!
23/04/2010 03:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mới đọc lướt qua các hàng tít lớn: “Kiến thức từ giảng đường chưa đủ”; “50% Sinh viên phải đào tạo lại”...của tác giả Vũ Thơ đăng trên báo Thanh niên số 329, ra ngày 25-11-2009, tựa đề “Cử nhân đi ....học lại”, khiến mọi người không khỏi... giật mình, nhưng đó lại là sự thật.

Ành Minh Họa
Mới đọc lướt qua các hàng tít lớn: “Kiến thức từ giảng đường chưa đủ”; “50% Sinh viên phải đào tạo lại”...của tác giả Vũ Thơ đăng trên báo Thanh niên số 329, ra ngày 25-11-2009, tựa đề “Cử nhân đi ....học lại”, khiến mọi người không khỏi... giật mình, nhưng đó lại là sự thật.

Nhận định của tác giả bài viết khi cho rằng không chỉ thiếu thốn về kiến thức chuyên môn, điểm yếu nhất của sinh viên hiện nay là thiếu các kỹ năng “mềm”, điều này khiến bản thân họ không đủ tự tin để đối diện với yêu cầu của nhà tuyển dụng... là hoàn toàn có cơ sở.

Cho đến thời điểm này các nhà khoa học mới công bố những con số đáng giật mình về định hướng tương lai của sinh viên tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu Hiáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức tuy chưa phải là muộn nhưng nó cho chúng ta biết được đích đến của cả một thế hệ tương lai – thế hệ nắm giữ vận mệnh của đất nước sau này.

Việc lượng giá về quy chuẩn đào tạo cũng như về sinh viên với những cụm từ như: Sinh viên thiếu tự tin, chưa có phương pháp dạy học tích cực, thời lượng học tập của sinh viên còn quá ít, thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực tế... đáng để chúng ta suy ngẫm.

Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI được gần tròn một thập niên, thế nhưng ngay từ những thập niên thuộc kỷ XX, tổ chức UNESCO đã đưa ra 4 tiêu chuẩn được coi là “mù chữ”  đối với các đối tượng sau:

1. Người không đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ.
2. Người ngoài tiếng mẹ đẻ ra không thông thạo một ngoại ngữ nào khác.
3. Người không hiểu biết tí gì về lịch sử nước mình cũng như các nước khác trên thế giới.
4. Người không biết sử dụng máy vi tính và thấy được sự hữu hiệu của chúng trong đời sống hàng ngày.

Thế mà, như lời nhận xét của các đại diện ngân hàng khi cho rằng: sinh viên mới ra trường thường quá hãnh tiến hoặc quá tự ti, mặc cảm do thiếu các kỹ năng “mềm” hỗ trợ công tác chuyên môn; khả năng bắt nhịp vào thực tế nghề nghiệp chậm. Nhiều tân cử nhân không thực hành được những kỹ năng cơ bản như sử dụng các thiết bị, vật dụng văn phòng, soạn thảo văn bản... quả là những lỗ hổng kiến thức cần được lắp đầy đáng lẽ ra không thuộc về sinh viên. Rõ ràng dù không nói thì ai cũng biết, thời đại này là thời đại “con chíp điện tử”, thời đại thông tin bùng nổ; kẻ nào làm chủ thông tin kẻ đó làm chủ thế giới này. Phải chăng vì thế mà có chuyện những sinh viên kiến thức về chuyên môn thuộc loại siêu đẳng; thế nhưng khi đi thi tuyển lại thất bại thảm hại ngay từ vòng sơ tuyển; vì nhà tuyển dụng hỏi về văn hóa làng quê- là nơi chốn mà sinh viên nọ đã lớn lên đã ra đi từ đó thì sinh viên này lại quá...mơ hồ.

Ở đây bài viết xin đề cập đến việc sinh viên thiếu tự tin. Phải thừa nhận rằng các sinh viên của chúng ta hoàn toàn chưa chú trọng đến việc trang bị cho mình những kỹ năng “mềm”, tức sự dấn thân, sự tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Chính sự thiếu hụt phần “mềm” này mà rất nhiều sinh viên học thuộc vào hàng Top ở trường nhưng lại trở nên ngờ nghệch đến... đáng thương hoặc vô cảm đến lạnh lùng khi giao tiếp với các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Điều này được thể hiện rõ qua các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi sinh viên...gần đây, rất nhiều em mặt đẹp như hoa, giọng nói thánh thót như chim, dáng dấp thì mềm mại, uyển chuyển như... gió nhưng khi tham gia phần thi ứng xử lại trả lời một cách ngây ngô, ngớ ngẩn như phỗng đá khiến khán giả dù buồn tê tái nhưng cũng phải bật... cười xót thương.

Có một quy luật bất thành văn là các nhà lãnh đạo có tâm, có tài được nhân dân kính trọng, tin yêu phần lớn các sinh viên, các đoàn viên từng có quá trình tham gia các hoạt động xã hội một cách năng nổ, có thái độ tích cực về bản thân mình, có kỹ năng giao tiếp tốt từ khi còn ngồi trên ghế học đường, chính những phần mềm này đã giúp họ có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và cuộc sống. Các hoạt động đoàn thể, những “chiến dịch mùa hè xanh”, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa  thực sự là một sân chơi bổ ích, nó không chỉ giúp sinh viên sống có trách nhiệm đối với chính mình và xã hội mà nó còn có tác dụng hướng nghiệp cho các sinh viên sau này định hướng được tương lai của mình một cách độc lập, tự tin không cần phải nhờ đến gia sản của cha, mẹ hay vai vế gia đình. Người viết bài này nhận thấy cứ mỗi lần Báo Giác Ngộ hay chùa Hoằng Pháp tổ chức các “khóa tu mùa hè” ngắn ngày cho các đối tượng là thanh, thiếu niên thì rất nhiều các sinh viên đăng ký tham gia.

Sự chuyển biến từ trong nhận thức, tư duy của các em đã khiến cho các bậc phụ huynh rất hài lòng. Rõ ràng sau thời gian tham gia các khóa sinh hoạt tại chùa các em đã “thể hiện” những gì các em đã trải nghiệm bằng hành động cụ thể đối với các mối quan hệ xung quanh một cách tốt đẹp. Ấy vậy mà có nhiều em cứ nghĩ rằng kiến thức nhà trường sẽ là “lá bùa hộ mệnh”, tự bằng lòng với những gì mình đã có, đã xong, chẳng chịu trau giồi vốn xã hội mà vốn xã hội là tổng thể những yếu tố hỗ trợ cộng đồng qua đó đẩy mạnh sự phát triển cá nhân và xã hội bao gồm đạo đức, văn hóa, kinh tế, triết lý sống...

Thực tế cho thấy xã hội càng văn minh thì ngoài việc trang bị các kiến thức về chuyên môn còn cần trang bị các kiến thức, sự hiểu biết về vốn xã hội đặc biệt là văn hóa giao tiếp, thái độ ứng xử. Những nhà tuyển dụng khôn ngoan sẽ không nhìn vào văn bằng, chứng chỉ khi tuyển dụng nhân sự cho công ty. Bởi vì họ biết, đó chỉ là những điều kiện đủ. Cái mà họ cần sẽ là thái độ của bạn trước cuộc sống và nhân sinh. Thái độ đúng sẽ mở nhận thức đúng để học tập, lao động và thành đạt.

Phải chăng vì lẽ này mà Đức Phật luôn luôn nhắc nhở các Tỳ Kheo của mình phải trang bị đầy đủ Ngũ minh để thực hiện tốt sứ mạng lợi sinh bao gồm:

- Nội minh: Kiến thức nội điển thuộc Phật giáo
- Nhân minh: Kiến thức về luân lý đạo đức, triết lý nhân sinh...
- Thanh minh: Kiến thức về các mặt khác trong xã hội như ngoại ngữ, văn học, địa lý...
- Y phương minh: Kiến thức về y học để cứu người trên hai phương diện thân và tâm
- Công xảo minh: Kiến thức, kỹ năng - khả năng thực hiện và ứng dụng các phương tiện thiện xảo, kỹ thuật tiên tiến khoa học trong đời sống tu tập và hành đạo giáo hóa chúng sinh.

Lịch sử đã chứng minh, sở dĩ thời Lý – Trần đạo Phật trở thành quốc giáo vì  hàng tại gia, xuất gia đều thực hành triệt để tinh thần “Duy tuệ thị nghiệp”. Các vị sư ngoài việc chăm lo tín ngưỡng cho người dân, còn là những ông đồ dạy chữ cho con trẻ, là những thầy lang mát tay bốc thuốc, chữa bệnh cứu người...Chính từ việc trang bị đủ đầy cho bản thân những phần “mềm” này mà dân tộc Việt Nam ta nói chung và đạo Phật nói riêng đã có được một Vạn Hạnh Thiền sư; một Kiến trúc sư tài hoa của Kinh thành Thăng Long, một Thiền sư đạt ngộ chân tính duyên sinh như huyễn, một thi nhân với những vần thơ mà năng lực biểu đạt của nó khiến bao người tìm ra được sự giải ngộ ngay trong những con chữ tưởng như vô hồn...

Nếu chỉ chú trọng đến việc nâng cấp “phần cứng”- học lên cao, lên cao mãi mà không kịp trang bị cho mình một chút ít “phần mềm”, thì người đó theo như Đức Phật định nghĩa như người đi rừng chỉ đem về được vỏ cây, cành, lá ..mà không mang về được lõi cây; phần giá trị nhất của một thân cây.

Một dân tộc chỉ thực sự tiến bộ khi thế hệ trẻ của chúng ta nhận thức được rằng cày ruộng cũng cao quý cũng như làm một bài thơ. Khái niệm về sự thành đạt không nằm ở chỗ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà nó nằm ở chỗ chúng ta đã đạt được nó bằng phương tiện gì và thái độ, cách mà chúng ta chia sẻ sự thành đạt đó như thế nào đối với cộng đồng xã hội.

Các bạn sinh viên ơi! Hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết này tôi sẽ nhìn thấy tia sáng từ trong mắt, ngọn lửa từ trong tim và sức bật từ những bước chân của các bạn.

Đã đến lúc các bạn sinh viên của chúng ta cần phải “Think different” – suy nghĩ khác!

Linh Thuần

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch