Nụ cười của Phật
Có lẽ đa số chúng ta nghĩ rằng con đường tu học sẽ là buồn chán lắm, vì ta sẽ phải buông bỏ đi hết những say mê của mình trong cuộc sống. Và nếu như ta không còn có một sự ham thích nào nữa thì cuộc sống mình sẽ ra sao? Nếu như ta chỉ biết chấp nhận và buông xả hết mọi việc, ta có trở nên dửng dưng với mọi việc xảy ra chung quanh mình chăng?Nhưng theo ông Andrew Olendzki thì tâm xả không phải là một thái độ dửng dưng đối với cuộc sống, mà nó lại là một cảm xúc rất sâu sắc, và có thể mang lại cho ta những niềm vui và hạnh phúc lớn.
Cũng như một ly nước đục, khi ta lọc bỏ đi phần cặn dơ thì nó sẽ được trở nên trong sạch hơn, chứ nước đâu có mất đi. Cũng vậy, khi ta buông xả đi những độc tố của lòng tham ái, thì ta chỉ bỏ đi phần khổ đau, chứ tình thương, sự rộng lượng, lòng tha thứ vẫn còn có mặt. Và nhờ vậy mà những hạnh phúc trong cuộc sống lại trở nên nhiệm mầu hơn.
Xin gửi bạn những chia sẻ của ông Andrew Olendzki về nụ cười của đức Phật.
--- oOo ---
Một trong những khái niệm khó giải thích nhất trong đạo Phật, theo sự khám phá của tôi, không phải là lý duyên khởi và cũng không phải là lý vô ngã, mặc dù chúng cũng rất là rắc rối, mà đó chính là cái ý niệm về một tâm xả (equanimity).
Buông xả là buông bỏ lòng tham ái
Chúng ta có thể nào có thái độ bất cần đối với một việc gì, mà lại không cảm thấy dửng dưng hoặc không dính mắc vào nó được chăng? Chúng ta bị liên kết vào với sự ham muốn của mình chặt chẽ đến nỗi ta tin rằng, nếu như mình không có một sự ưa thích nào, hoặc không còn muốn cái này hơn cái kia nữa, thì chúng ta không thể nào hiện hữu được. Không còn vướng mắc (nonattachment) nghe thấy khô khan làm sao! Tôi bao giờ cũng thích một đức Phật Di Lặc bụng to cười thật tươi, hơn là hình ảnh một đức phật khắc khổ ngồi trong thiền đường với một nụ cười nhẹ trên môi.
Thật ra thì đức Phật không hề bảo chúng ta đừng bao giờ biết xúc cảm nữa, mà ngài chỉ khuyên chúng ta hãy buông bỏ đi những cảm xúc bất thiện và thô thiển của mình mà thôi. Lòng tham ái, được biểu hiện qua hai mặt khác nhau là sự ham muốn và ghét bỏ, là một cảm xúc bất thiện và sẽ đưa ta đến khổ đau. Tuy ta không dễ gì lúc nào cũng thấy được điều ấy, nhưng đó là một sự thật.
Chúng ta dễ thấy rõ được những hậu quả nguy hại của một sự tham muốn cực độ, ví dụ như là thói nghiện, hoặc của một sự ghét bỏ mù quáng, như là lòng thù hận muốn tàn diệt lẫn nhau. Nhưng ngay cả khi ở một mức độ trung bình thôi, sự tham ái cũng được vận hành bởi cùng một năng lượng cảm xúc ấy, nhẹ nhàng lôi kéo ta về phía những gì mình thích và đẩy ta ra xa những gì mình không muốn. Mặc dù ảnh hưởng của chúng rất là vi tế, nhưng đức Phật nhắc nhở chúng ta phải nhận diện đươc rằng chúng cũng đều có thể nguy hại y như nhau.
Vì đó là kẻ xây nhà
Nhưng bạn cũng có thể đặt câu hỏi rằng, có gì là nguy hại nếu như ta ưa thích màu tím hay là cảm thấy chút bực mình trước sự thô lỗ của một người nào đó? Đúng vậy, nó không có nguy hại gì nhiều. Nhưng vấn đề là lòng tham ái đó cũng chính là người làm nhà, mà đức Phật đã khám phá trong đêm ngài thành đạo:
Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Người không làm nhà nữa.
Ðòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.
Dhammapada 154
Chính lòng tham ái đã xây dựng nên rường cột để khổ đau có nơi nương tựa lên. Bạn biết không, chỉ có cái ngã mới có tham ái. Nhưng không phải vì nó có một đặc tính tâm linh cá biệt nào trong vũ trụ, mà là vì chính sự ham muốn hoặc ghét bỏ một cái gì đó, tự chính nó đã tạo nên một cái ngã, cái tôi thương ghét ngay trong giờ phút này. Và rồi chính việc ấy làm điều kiện cho khổ đau phát khởi. Phải có một cái ngã mới có khổ đau. Chúng ta chỉ có thể thất vọng nếu như mình tách rời xa thực tại, với những gì đang có mặt, bằng sự mong muốn rằng thực tại phải khác hơn với như nó đang là.
Lòng tham ái làm giới hạn thực tại
Điểm chính yếu của Tập Đế, Sự Thật Mầu Nhiệm Thứ Hai, là nguyên nhân của khổ đau không phải do những gì ta muốn mà là bởi vì ta muốn.
Trong Trung Bộ Kinh 43, Majjhima Nikaya 43, Phật dạy rằng, tham và sân là nguyên nhân của sự hạn lượng, và vì chúng có hạn định nên chức năng của chúng cũng bị giới hạn. Chúng ngăn chia tâm thức ta ra thành từng gian, từng khâu, đóng khung ta lại bằng những thói quen, ước mơ, mong muốn, và những nhu cầu cá biệt.
Tâm ta, tự nó là trong sáng và có thể soi chiếu được những gì nó tiếp xúc không ngăn ngại, nhưng bây giờ bị trở nên giới hạn, méo mó và đôi khi còn là gian xảo, vì những cảm xúc thương ghét theo thói quen, mặc dù đôi khi chúng có vẻ như vô thưởng vô phạt. Và trong tình trạng này, chúng ta không thể nào nhìn thấy được sự vật như nó thật-sự-là được nữa.
Thật ra thì chúng ta lại rất trân quý và bảo vệ những sự thiên vị và các thành kiến của mình, chúng ta đồng nhất mình với lại sự ưa thích và không ưa thích của ta. Đó cũng chính là một sự vướng mắc khăng khít giữa lòng tham ái và cái Tôi, mà khó làm sao có thể tháo gỡ ra được.
Một phương cách tháo gỡ tham ái
May thay, có một phương cách tương đối khá dễ dàng và có thể ứng dụng được, để giúp ta hóa giải năng lượng dính mắc này của tham ái: phát triển một tâm buông xả.
Mỗi giây phút của chánh niệm là một giây phút của buông xả. Và đây không phải là một sự tách rời xa với đối tượng nhận thức của mình, mà ngược lại chính là một sự có mặt hoàn toàn và trọn vẹn với nó. Khi ta biết hoàn toàn có mặt với hơi thở, với cảm thọ, với tâm ý, với những gì đang xảy ra, cùng một lúc, vừa không muốn nó sẽ tồn tại mãi, mà cũng không muốn nó phải là khác hơn như nó đang là.
Ý thức mà không có sự ham muốn không có nghĩa là không có cảm xúc, vì tâm buông xả (equanimity) tự chính nó cũng là một cảm xúc. Nếu như một cảm thọ trung hòa nằm ở chính giữa lạc thọ và khổ thọ, thì xả là một phản ứng cảm xúc nằm ở ngay giữa cái thích và không thích, muốn và không muốn, tham và sân.
Cảm thọ trung hòa cũng là một sắc thái của cảm thọ, nhưng chỉ là nó không có lạc và cũng không có khổ. Và tâm xả cũng vậy, nó có thể là một cảm xúc khá mãnh liệt, nhưng nó không ngả về một phía này hoặc rơi vào phía kia của sự tham ái.
Tâm xả là một cảm xúc mãnh liệt
Tâm từ ái là một ví dụ cho điều này. Khi chúng ta thực tập quán tâm từ, ta mong cầu sự an lành đến cho người khác, nhưng không hề có một sự dính mắc cá nhân vì lòng ưa thích hay từ một cái muốn riêng tư nào hết. Nó không phải là một tình yêu nhỏ hẹp, cũng không phải là tình phụ mẫu cao rộng, mà nó là một tình thương vô ngã.
Tình thương một khi bị vướng mắc vào cái ngã, thì cho dù trong sạch hay cao thượng đến đâu, cảm xúc của mình sẽ nghiêng từ vô ngã sang một cái tôi nhỏ hẹp. Thật ra điều ấy không có gì là sai trật hết, nhưng nó dễ có khuynh hướng làm phát khởi khổ đau.
Tình thương với sự buông xả vẫn có thể là một cảm xúc rất mãnh liệt, và cũng như hạnh phúc, ngay cả muộn phiền nữa, và luôn cả nhiều những cảm xúc không có độc tố khác, khi chúng không có một cái Tôi xen vào.
Nụ cười của Phật
Bạn biết không, chúng ta không hề đánh mất hay làm giảm bớt đi phần người của mình khi ta loại bỏ những độc tố ra khỏi đời sống cảm xúc của mình, mà ngược lại sẽ được trở thành cao quý hơn. Khi ta buông bỏ những tham, sân và si, cuộc sống cảm xúc của ta vẫn có đầy đủ những hạnh phúc, với mọi sắc thái và những thiện lành chung quanh ta.
Và cũng như mọi giáo pháp sâu sắc khác trong đạo Phật, chúng ta chỉ có thể thật sự hiểu được điều này qua sự trải nghiệm của chính mình chứ không thể bằng lý luận suông. Bạn hãy thực tập tâm buông xả trong chính những kinh nghiệm của mình đi, và thử xem bạn có khám phá ra rằng đức Phật đang mỉm cười về điều gì chăng.
Nguyễn Duy Nhiên