Hôn nhân - Gia đình
Đôi Dép - Triết Lý Về Hạnh Phúc Hôn Nhân
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Phương Đông
29/10/2554 06:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chương 5. Hôn nhân và hạnh phúc

Giảng tại Chùa Sơn, Boston, Hoa Kỳ, ngày 07-07-2007

 

 

Con số 7 và hôn nhân

Phần lớn các dân tộc trên thế giới kỵ ngày 06 tháng 06 năm 2006 vì nghĩ rằng đó là ngày bất hạnh. Gốc rễ của nền văn hóa phương Tây, cụ thể là Thiên Chúa giáo thường né tránh con số 6 khi đăng lý số nhà, số xe hay số điện thoại… Trong khi đó, số 6 trong nhà Phật tượng trưng cho hành động trọn vẹn và gắn liền với sáu pháp môn toàn hảo giúp hành giả đến được bến bờ an vui giải thoát, đó là sáu Ba La Mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.

Riêng thứ bảy ngày 07 tháng 07 năm 2007 được thế giới quan niệm là ngày may mắn đặc biệt trong hôn nhân. Cứ mỗi 100 năm chỉ có một ngày 07 tháng 07. Bản chất của con số 7 đuợc phần lớn các nền văn hóa quan niệm tượng trưng cho sự may mắn. Theo thống kê của công ty môi giới hôn nhân, theknot.com, Hoa Kỳ có đến 65,000 cặp trai gái đăng ký đính hôn trong ngày này.

Nền văn hóa phong thủy của Trung Quốc đã tác động khá tích cực vào Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới. Văn hóa Trung Hoa quan niệm con số 7 là con số hội tụ, nó được lý giải rằng khi hai trái tim yêu thương đã thông qua một khế ước hôn nhân dưới sự chứng kiến của hai họ tộc thì cần phải có sự hòa hợp và nối kết với nhau. Bằng không sẽ dẫn đến tình trạng “đồng sàng dị mộng”, mỗi người mỗi khuynh hướng, mỗi cá tính, mỗi cách ứng xử.

Người ta còn tính toán đong đo để được càng nhiều con số 7 càng tốt. Chẳng hạn, họ sẽ tổ chức vào 7giờ 7phút sáng hoặc tối, mời 7 cặp cô dâu và chú rể phụ, làm 7 loại bánh với 7 sắc màu… Nói chung, càng nâng cao cấp số cộng của con số 7 thì niềm tin vào sự may mắn càng gia tăng.

Ước muốn một đời sống hôn nhân hạnh phúc trên nền tảng biểu tượng của con số 7 phản ánh thái độ và lòng quyết tâm duy trì cuộc hôn nhân như một khế ước xã hội lâu dài. Nhưng bản chất của sự lâu dài với hiểu biết của hai trái tim yêu thương đến mức độ nào thì đời sống sẽ kéo dài đến mức độ đó, nó sẽ tồn tại theo ý muốn chủ quan của con người. Nương vào quan niệm phong thủy của các con số chỉ có ý nghĩa biểu tượng cho sự ước muốn. Để biến ước muốn đó thành công thì phải cần đến rất nhiều yếu tố khác mà nhà Phật gọi là nhân quả.

Đa số các nhà tư tưởng không có cảm tình về hôn nhân có thể vì đã thất bại nhiều lần. Cho nên họ thường đưa ra các phát biểu rằng “Tình yêu là bình minh của hôn nhân” và “Hôn nhân là hoàng hôn của tình yêu”. Vì có tình yêu cho nên hai trái tim nỗ lực nối kết thông qua cuộc đính hôn, nhưng khi đã đính hôn thì tình yêu đó dần dần phai nhạt và mất đi các giá trị ban đầu.

Nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết:

Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên

Nhưng sự thật thì người ta quên rất nhanh và không mấy người trong chúng ta nhớ những kỷ niệm đẹp với niềm hạnh phúc dồi dào khi còn ở trong mối tình đậm đà nhiều ấn tượng.

Con số 7 trong tôn giáo và khoa học

Thế giới duy trì con số 7 qua việc bầu chọn bảy kỳ quan thế giới. Người Mỹ gốc liên hệ số 7 đến phương hướng đông, tây, nam, bắc, trên, dưới và trung tâm gộp lại thành một cái gì đó hội tụ. Nền văn hóa của Hoa Kỳ dễ dàng tiếp nhận con số 7 phong thủy của nền văn hóa Trung Hoa và đã nâng tầm quan trọng của biểu tượng này làm cho người ta có cảm giác đó là biểu tượng của sự may mắn trong hôn nhân.

Do Thái giáo quan niệm thứ bảy là ngày Sabát, tức là ngày tinh thần và tâm linh. Thiên Chúa giáo khi phát sinh và làm mới nền văn hóa của Do Thái giáo lại cho ngày Chúa nhật, chủ nhật, mới là ngày quan trọng, vì theo vị thứ thì ngày đó đúng là ngày thứ bảy, ngày nghỉ ngơi của Chúa sau khi công trình tạo dựng được hoàn tất.

Ấn độ giáo lý giải cấu trúc nhân thể học của con người gồm bảy vùng. Mỗi vùng tương ứng với một luân sa, và mỗi luân sa là tâm điểm quan trọng nhất cho phần nhân điện về sự phát quang của con người. Nếu biết huấn luyện để bảy luân sa này được phát huy theo nghệ thuật có lợi thì sức khỏe, thể trí và tinh thần của con người sẽ ngày càng phát triển. Sử dụng các luân sa giúp con người sống lạc quan và hạnh phúc trong cuộc đời.

Đức Phật được mô tả trong kinh điển, khi được sinh ra dưới cội cây Vô ưu, ngài đi bảy bước, mỗi bước có một đóa sen nâng đỡ bàn chân, và ngài đã tuyên bố: “Trên trời dưới đất chỉ có ta là trên hết”. Chúng ta cần lý giải để hiểu điều này trên phương diện biểu tượng và triết lý hơn là hiểu theo nghĩa đen của nó.

Đạo Phật có mặt chịu ảnh hưởng một cách gián tiếp hay trực tiếp từ nền văn hóa của Ấn Độ giáo cũng đã sử dụng các dữ liệu văn hóa này để mô tả thuyết lý của nhà Phật. Nếu bạch thoại là loại ngôn ngữ nói huỵch toẹt mà người Trung Hoa sử dụng như là quốc ngữ để thống nhất về sự giao tiếp và quan hệ hành chính, thì nền văn hóa Ấn Độ mà đạo Phật sử dụng để mô tả trong kinh điển là cách mô tả mang tính biểu tượng. Người Ấn Độ không thích nói huỵch toẹt. Các tác phẩm văn học Ấn Độ đều ít nhiều sử dụng nghệ thuật tu từ làm cho tác học đó được xem như là một kiệt tác về văn chương. Triết lý của người Ấn Độ cũng vậy, nói đâu hiểu đó thì người ta sẽ không cảm tưởng có ấn tượng rằng đây là một đạo lý hấp dẫn. Vì vậy sự mô tả về cách thức ra đời của Thế Tôn cũng mang tính cách biểu tượng trong nền văn hóa Ấn Độ.

Nếu chỉ mô tả rằng “Thế Tôn có mặt trong cuộc đời này mang lại sự trang nghiêm, thanh tịnh, an lạc, hạnh phúc, và giải thoát cho con người” thì người Ấn Độ không thấy ấn tượng, vì nó không có giá trị nào để phải tư duy giải mã các biểu tượng chứa đựng trong sự mô tả đó. Cho nên thay vì vậy, người ta mô tả mỗi bước chân đi của đức Phật có một đóa sen nâng đỡ. Giác ngộ của ngài được nở trên đống sình của sinh tử trần ô. Đây là triết lý nhập thế rất sâu sắc giúp các hành giả Phật giáo không chán nản những cảnh bất hạnh vốn như là thực tại có mặt trong cuộc đời này. Trên thực tế, không có bất kỳ người nào ngay cả đức Phật vừa ra đời có thể đi được, huống hồ phát biểu tuyên ngôn. Chúng ta buộc phải hiểu cách mô tả đó chỉ mang tính biểu tượng. Câu tuyên ngôn trong tình huống này được hiểu như một sự quyết tâm cao độ dẫn đến lý tưởng không thuộc về việc thừa kế ngôi vua mà là sự lựa chọn con đường tâm linh để giải quyết nỗi khổ niềm đau cho toàn nhân loại và tất cả chúng sinh.

Các nhà bác học Hy Lạp cổ đã phát kiến ngẫu nhiên về sự kết hợp của con số 3 và con số 4 để tạo thành con số 7. Hình tam giác có ba cạnh nối kết với hình vuông bốn cạnh mang đến sự tuyệt hảo trọn vẹn đầy đủ của hình học không gian. Không có hình vuông và hình tam giác thì không có hình học không gian. Không gian n chiều là không gian của các hình tam giác và hình vuông.

Niềm tin và biểu tượng

Như nhiều nước trên thế giới, nền văn hóa Nhật Bản cũng cho rằng con số 7 tượng trưng cho hạnh phúc thế gian. Hạnh phúc đó được hiểu cao nhất là hôn nhân, mặc dù trên thực tế nhiều người không thấy tầm quan trọng của hôn nhân đối với đời sống của người tại gia. Người ta cho rằng gia tài, địa vị, chức tước mới là tiêu chí quan trọng nhất. Nhưng thực ra, cái mà người ta hướng về đầu tiên là hôn nhân. Và cũng vì tình yêu giới tính đó mà kinh điển nhà Phật xác quyết rằng nó trở thành như là điểm hội tụ và lực hút của sinh tử. Đó là quỹ đạo của tiến trình tái sinh làm cho các chủng loại có mặt chạy theo nghiệp và trở thành kẻ thừa tự những gì mình đã tạo thông qua lời nói, ý nghĩ và việc làm.

Ngày 07 tháng 07 năm 2007 cũng là lần thứ hai chính phủ Tony Blair, Anh Quốc, làm lễ tưởng niệm 52 người chết tại London do cuộc khủng bố diễn ra vào ngày này hai năm về trước. Nếu so sánh đối chiếu những điều bất hạnh diễn ra trên hành tinh này thì chúng ta sẽ thấy rằng con số 7 chỉ mang ý nghĩa biểu tượng hơn là mô tả một sự thật rằng bất cứ điều gì gắn liền với số 7 thì tượng trưng cho may mắn, thành tựu.

Nếu thống kê xã hội học về giao thông thì lưu lượng di chuyển trên đường phố vào ngày 07 tháng 07 có thể cao hơn những ngày thường, bởi vì người ta đổ xô ra đường với mục đích đi dự tiệc cưới hay những sự kiện quan trọng. Ở những quốc gia thuộc về thế giới thứ ba, các bữa tiệc hầu như đều gắn liền với rượu bia. Sau những buổi tiệc nhậu như thế, ẩu đả, đánh đập dẫn đến thương tích và cái chết là điều khó tránh khỏi.

Cho nên trong quan niệm số 7 mang lại hạnh phúc lớn nhất của hôn nhân, chúng ta vẫn thấy đồng hành với nó còn có sự bất hạnh. Từ góc độ Phật giáo, chúng ta nên sử dụng ý niệm biểu tượng này là nỗi niềm mong đợi của con người trong cuộc đời hơn là những sự thật. Bản chất của ước muốn theo nhà Phật là động năng đẩy chúng ta tới phía trước, lực đẩy đó trở thành một trong những yêu cầu đầu tiên mà nếu thiếu nó, chúng ta không thể tiến xa và thành công được. Trong 37 phẩm trợ đạo nó được gọi bằng khái niệm “Dục như ý túc”. Một ước muốn chân chính phù hợp với đời sống đạo đức kết hợp với các yếu tố tâm linh sẽ tạo ra sự thành công và làm cho người nỗ lực được hài lòng. Bản chất của ước muốn hoàn toàn không xấu nếu chúng ta biết sử dụng nó cho những mục tiêu tích cực.

Tu theo Phật giáo không phải là diệt dục mà là chuyển hóa các dục vọng tiêu cực có ích lợi cho bản thân nhưng lại hại cho cộng đồng. Còn những ước muốn và các nguyện vọng chân thành thì cần phải phát huy. Liên tưởng đến sự kiện Thế Tôn quyết tâm ngồi liên tục bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ Đề, lời phát nguyện của ngài là một ước muốn rất chân thành, “nếu không thành tựu được đạo quả giác ngộ giải thoát thì dù cho thịt nát xương tan vẫn không rời khỏi nơi này”. Lòng quyết tâm đó là điểm hội tụ của những nguyện ước chân thành và sử dụng có nghệ thuật các nguyện ước đó có thể đạt thành công.

Nguyện ước ngày đính hôn là làm thế nào để các hôn nhân được bền bỉ trong hạnh phúc, còn các quan niệm mê tín thông thường chỉ dựa trên con số mà không có sự chuẩn bị về đời sống tinh thần, tri thức và đạo đức, thì dù sử dụng bài toán cấp số cộng để có nhiều con số 7 vẫn không có giá trị gì, ngược lại nó có thể để lại nhiều sự tiếc nuối khi gặp thất bại về sau. Mong mỏi mà không thành tựu làm cho con người thất vọng dẫn đến khổ đau được gọi là “cầu bất đắc khổ”.

Nguyện ước về một đời sống hôn nhân bền vững thì ai cũng có nhưng không mấy ai thành công. Thống kê năm

2007, Hoa Kỳ có tỷ lệ ly dị lớn nhất thế giới, 49.5%, có nghĩa là trung bình hai cặp hôn nhân thì có một cặp ly dị. Khó có quốc gia nào có tỷ lệ lớn như thế. Có nhiều cách lý giải nguyên nhân dẫn đến ly dị. Một trong những lý giải đó cho rằng Hoa Kỳ là quốc gia tự do nhất, tự do cá nhân đã làm cho cái “tôi” của con người nhân rộng trở thành hàng rào kẽm gai bao bọc xung quanh. Phát triển tự do cá nhân theo tình huống vừa nêu thì cái “tôi” trở nên mang tính thách đố trong tất cả các mối quan hệ đặc biệt là quan hệ hôn nhân. Khi hai cái “tôi” của vợ và chồng đụng nhau sẽ có một cái bị vỡ và một cái bị thương tật. Nền văn hóa tự do tuyệt đối ở Hoa Kỳ là tiêu điểm hướng đến của phương Tây và các nước Châu Á, gây ra sự hụt hẫng rất lớn về phương diện hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Vì tự do quá mức mà phần lớn những bà vợ khi không cảm thấy hài lòng về hôn nhân đã đương đơn ly dị.

Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ ly dị thấp nhất thế giới, 1,1%. Tuy nhiên hôn nhân kéo dài tuổi thọ chưa chắc phản ánh rằng gia đình đó được hạnh phúc. Thử làm một so sánh nhỏ các cặp hôn nhân ở Hoa Kỳ và Ấn Độ. Cứ vào ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, quốc gia Ấn Độ có khoảng vài trăm tờ nhật báo tiếng Anh và các ngôn ngữ địa phương, trong đó từ tám đến ba mươi trang quảng cáo về hôn nhân dưới sự sắp đặt của cha mẹ. Nội dung bài quảng cáo nêu rõ rất nhiều tiêu chuẩn tìm bạn đời. Chẳng hạn, phía đàng trai đăng thông tin tuổi tác, vóc dáng, nghề nghiệp, học vị,… của chú rể, và nêu nhu cầu tìm một cô dâu đáp ứng các tiêu chuẩn abcd. Hồ sơ thủ tục phải nộp gồm sơ yếu lý lịch, một bài tử vi đính kèm hai tấm hình chân dung và toàn thân. Bên đàng trai sẽ dựa vào những đương đơn mà chọn lựa. Sau đó, người ta thỉnh mời nhà tiên tri, nhà phong thủy, hoặc nhà tử vi lỗi lạc theo truyền thống này để định đoạt ngày tháng năm lễ cưới.

Người Ấn Độ xưa nay có khuynh hướng thích được cha mẹ đặt để. Từ khi Hồi Giáo và Anh Giáo có mặt tại Ấn Độ thì quan niệm hôn nhân này được thay đổi đôi chút nhưng vẫn không ảnh hưởng đến nền văn hóa của quốc gia. Dù thuộc về tôn giáo nào thì quan niệm văn hóa hôn nhân đó vẫn có sức đè mạnh rất lớn và con người luôn hoan hỉ hoặc chấp nhận. Nghĩa là họ cưới người mà cha mẹ họ muốn hơn là chính bản thân họ muốn. Ấy thế mà các cuộc hôn nhân đó vẫn rất thọ và hạnh phúc. Bởi vì các cặp vợ chồng luôn xem nhau như những người bạn.

Hôn nhân theo lời Phật dạy

Tình yêu trong quan hệ như những người bạn có gốc rễ từ văn hóa Phật giáo. Trong kinh, đức Phật giảng cho cô con dâu cư sĩ Cấp Cô Độc. Vì cô dâu này ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ chồng, nên nhân cơ hội đức Phật đi ngang qua nhà và nhận phẩm vật cúng dường, Cấp Cô Độc đã thỉnh cầu Thế Tôn dành chút thời gian giáo dục đứa con dâu của mình. Thế Tôn đã giảng một bài kinh ngắn rất ấn tượng nói về bảy loại vợ đối chiếu với bảy loại chồng. Trong đó, loại vợ thứ tư được xem là lý tưởng nhất, “người vợ là bạn đồng hành cùng người chồng”.

Cách đây 26 thế kỷ mà Thế Tôn đã dạy quan niệm hôn nhân như bạn đồng hành, điều đó cho thấy, yêu cầu về quyền lợi được giảm ở mức độ tối đa. Trong hôn nhân, ai quan niệm cần nhận được nhiều hơn cho thì hôn nhân đó đã bị đỗ vỡ ngay từ cách thức đặt vấn đề. Đây là yếu tố dẫn đến sự ly dị cao nhất của nền văn hóa phương Tây khi nền tảng kinh tế không còn đứng vững.

Xem chồng như người bạn đồng hành chúng ta không chỉ quý người đó như người bạn thân, người tâm giao hoặc tri kỉ mà còn thể hiện trách nhiệm bình đẳng giữa hai bên. Điều hoàn toàn phù hợp với học thuyết bình đẳng về giới tính mà cuộc cách mạng Pháp trở thành niềm hãnh diện nhất của dân tộc nước này. Nhờ đó, thế giới phương Tây nương theo, tạo ra sự bình đẳng giữa nữ giới so với nam giới. Đôi khi sự bình đẳng đó đi quá đà, thay vì hiểu vai trò vị trí xã hội của hai bên ngang nhau thì một số người nữ có khuynh hướng đánh đồng mình như nam giới. Họ bắt đầu dấn thân vào các loại thể thao mạnh, như đô vật, quyền anh,… làm mất đi phong cách dịu dàng, mềm mại vốn có. Quan điểm đánh đồng đã vượt ra khỏi yếu tố bình đẳng. Bình đẳng mục đích là sử dụng các dữ liệu giới tính vốn có để khẳng định sự đóng góp của mình trong xã hội và cộng đồng như là một thế mạnh, không có nghĩa đánh đồng những gì mình chưa có với thế giới đàn ông và cố gắng để người ta thấy rằng đàn ông vai u thịt bắp thì phụ nữ cũng tương đồng như vậy. Đánh đồng và bình đẳng khác biệt rất cơ bản, đôi lúc nhiều phụ nữ không thấy được điều này. Càng lao theo nhiều chừng nào càng đánh mất đi nét đặc trưng của nữ tính.

Khi vợ chồng xem nhau như người bạn đồng hành thì cả hai bên sẽ không đòi hỏi các quyền lợi cho bản thân, và người chồng sẽ không còn thói quen ứng xử với vợ như quan tòa, buộc vợ và con phải tuân theo.

Nguyên nhân rạn nứt

Một thống kê xã hội học cho biết tỷ lệ ly dị của những cặp vợ châu Á định cư trên đất nước Hoa Kỳ trong vòng 30 năm trở lại khá cao so với người bản địa. Lý do phần lớn người di dân từ Châu Á có quan niệm trọng nam khinh nữ.

Họ nhập cảng nguyên xi nền văn hóa châu Á sang Hoa Kỳ. Do đó khi sống với người vợ có kiến thức, bằng cấp, học vị, tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây nói chung, nhiều ông chồng cảm thấy dị hợm vô cùng. Hôn nhân bắt đầu rạn nứt khi người chồng không còn được phục vụ và trở thành tâm điểm của gia đình.

Chúng ta có thể định nghĩa ly hôn là việc kết thúc khế ước hôn nhân giữa vợ và chồng khi cả hai còn đang sống, nó khác với tình trạng một trong hai người ra đi do tuổi thọ, tai nạn, bệnh tật. Sự chấm dứt khế ước hôn nhân như vậy làm cho tình yêu trong hai trái tim với nhu cầu cùng nhịp đập trở nên lạnh nhạt và không còn như thuở ban đầu nữa. Mỗi bước đi của mỗi người tạo thành sự song song chứ không còn đan xen và nối kết với nhau. Càng đi, càng dấn thân thì điểm kết thúc còn rất xa và ly tâm. Tình yêu là hướng về để hóa giải những khác biệt trở thành thống nhất thì tình yêu đó mới có thể lâu dài, bền bỉ với niềm an vui và hạnh phúc.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một quốc gia tự do như Hoa Kỳ lại có tỷ lệ ly hôn cao nhất thế giới, trong khi Ấn Độ là quốc gia có hôn nhân định đoạt bởi cha mẹ lại có tỷ lệ ly hôn thấp nhất, mặc dù Ấn Độ giáo và Hồi giáo tại đây không hề cấm việc ly hôn như giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã?

Các nhà xã hội học Ấn Độ đưa ra lý giải rằng, phần lớn người phụ nữ Ấn Độ sống trong xó nhà chỉ làm hai công việc chăm sóc chồng và nuôi con. Những đứa trẻ đa phần được gần gũi mẹ hơn mười tiếng đồng hồ mỗi ngày nên đa số rất nên người. Họ phân công chức năng rõ rệt, người cha tạo dựng kinh tế còn người mẹ đóng vai trò giáo dục, đi ngược nền văn hóa Việt Nam ở một vài điểm, chẳng hạn, người cha đóng vai trò giáo dục nhiều hơn người mẹ và cũng đồng thời gánh vác luôn vai trò kinh tế. Gắn liền tình mẫu tử thì yếu tính tình cảm sẽ được phát triển một cách thăng bằng ở những đứa con dẫn đến sự bền bỉ và hạnh phúc trong gia đình.

Một lý do khác, vì kinh tế lệ thuộc vào người chồng cho nên dù phải sống trong hoàn cảnh bi đát và bất bình đẳng, nhiều người nữ đã chấp nhận như một thói quen không hề có sự lựa chọn nào khác.

Vấn đề thứ hai được đặt ra, tại sao đất nước Tích Lan vốn đạo Phật là quốc giáo, lại không hề chịu sự áp đặt hôn nhân như Ấn Độ mà vẫn có tỷ lệ ly hôn thấp thứ hai trên thế giới?

Do đó, tính đồng hành giữa vợ và chồng theo quan niệm loại vợ chồng thứ tư được nêu trong kinh Tăng Chi là dữ liệu chúng ta cần phải tham khảo.

Tổ ấm gia đình

Nho giáo có quan niệm ứng xử vợ chồng như khách quý. Cho nên các nhà tâm lý học phương Tây đã đề nghị một phương cách nhằm giảm bớt tỷ lệ ly dị vì lý do nhàm chán có thể xuất hiện, đó là vợ chồng nên ngủ riêng gường và phòng, để mỗi buổi sáng thức dậy gặp nhau sẽ tạo ra sự thu hút giới tính. Gần gũi sinh nhàm chán là yếu tố tâm lý khi bản năng của sự hưởng thụ các khoái lạc giác quan được bảo bọc bởi luật pháp dưới hình thức tự do cá nhân ở mức độ cao nhất. Nghiên cứu về phương diện khoái lạc giác quan với những vướng mắc và nhàm chán của nó, các nhà kinh tế phương Tây đã khai thác thị hiếu của con người. Cứ vài tháng họ đưa ra các sản phẩm với mẫu mã mới mặc dù nội dung không thay đổi bao nhiêu.

Trong quan hệ tình bạn, hiếm khi chúng ta cảm thấy nhàm chán vì chúng ta đến với nhau vì tình thân, hỗ trợ, giúp đỡ, và trong bàn tay giúp đỡ đó chúng ta cảm giác mình có giá trị đóng góp. Tính cách giúp đỡ đó là vô điều kiện, không tính toán như trong tình yêu.

Hãy tâm niệm “hơi đâu mà giận người dưng”. Tập buông xả nếu ai đó lỡ làm chúng ta phiền lòng. Thực tập như vậy, chúng ta sẽ buông được nỗi khổ niềm đau, sự chướng tai gai mắt được xả bỏ một cách dễ dàng. Tuy nhiên có một số người lại cho rằng “anh ta là chồng tôi, tại sao lại đối xử với tôi như thế?”, từ đó tự cho mình quyền nhớ dai, thù hận. Nếu đi theo khuynh hướng tâm lý ứng xử lợn cợn như thế, nó sẽ trở thành những cái gai gây đau thương, bất hạnh và kết thúc hôn nhân như là cơ hội để giải phóng sự bế tắc. Một nhà tư tưởng đã nói, “hôn nhân là hoàng hôn của tình yêu”, khi đã đạt được nó thì giá trị hạnh phúc không còn là chính nó ngay thời kỳ thịnh vượng của bình minh

Có rất nhiều lý do xã hội, gia đình, cá nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân. Nếu chúng ta không quan tâm để ý thì dù có tổ chức đính hôn vào những ngày có hàng loạt con số 7 cũng không bảo đảm được hạnh phúc.

Đức Phật lý giải mọi thứ trong cuộc đời dù khổ đau hay hạnh phúc đều có các nguyên nhân gần hay xa, trực tiếp hay gián tiếp, mình hay người. Học thuyết Tứ Diệu Đế của ngài gồm hai giai trình nhân quả. Lớp nhân quả đầu tiên là nhân quả khổ đau của cuộc đời. Ngài đã dạy nhân loại bản lĩnh nhìn thẳng vào khúc mắc nội kết, những khó khăn nhất mà con người hay vấp phải, sau đó nâng nó lên tầm quan trọng nhất gọi là “khổ”.

Sau đó ngài yêu cầu chúng ta truy manh mối dây mơ rễ má để xem nguồn gốc của khổ là gì. Bản lĩnh của thái độ nhận thức như thế giúp chúng ta lạc quan đối mặt với khó khăn xuất hiện xung quanh.

Nhiều người khi tiếp xúc với chân lý về nỗi khổ niềm đau mà đức Phật khám phá trong lớp nhân quả thứ nhất đã vội vã cho rằng Thế Tôn chủ trương yếm thế, cường điệu quá nỗi khổ niềm đau, bôi đen bản chất hạnh phúc trong cuộc đòi. Trong khi đó chân lý đức Phật phát hiện trong Tứ Diệu Đế gồm có bốn bước: bản chất bất hạnh, gốc rễ của nó, hạnh phúc khi giải phóng bất hạnh và con đường đạt được.

Lớp nhân quả thứ hai là cách thức giải quyết vấn đề. Bám víu vào lớp thứ nhất mà bỏ qua những lớp còn lại là bỏ đi cơ hội tìm hạnh phúc. Phê bình chỉ trích đạo lý đó chẳng những phản ánh rằng chúng ta không hiểu được đạo lý đức Phật dạy mà còn trở thành nạn nhân của quan niệm sai lầm. Ứng dụng hai lớp nhân quả này vào trong các bế tắc của xã hội, nhất là bế tắc của hôn nhân, chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp.

Ngoại tình và bất hạnh

Phản ứng phổ biến trước tình huống bị ngoại tình là thái độ “ông ăn chả, bà ăn nem”. Hôn nhân giới tính theo cái nhìn của Phật giáo là một sự ích kỉ có thể chấp nhận dưới góc độ của con người với hạnh phúc giác quan giới hạn cần phải có. Tính chất ích kỉ đó không cho phép con tim của một trong hai người đã kết hôn được quyền nghĩ tưởng đến người thứ ba ngoài vợ hay chồng mình. Trong tình yêu mà không có sự ích kỉ thì không thể nào bền bỉ vì nó thiếu yếu tố yêu thương nhau tha thiết. Vì vậy mà thái độ ghen tuông trở thành một yếu tính “bóng không rời hình” và nó gần gũi với tình yêu.

Phụ nữ có khuynh hướng sống về cảm xúc, cho nên khi cơn ghen xuất hiện làm cho tình cảm vợ chồng bị thách đố rất lớn. Nếu không biết thể hiện thì nỗi ghen đó trở thành sự đe dọa, khiến người thương cảm thấy ngột ngạt khó thở, và phát sinh nhu cầu tìm kiếm nơi khác bình yên hơn. Giải quyết bế tắc về tính hoa nguyệt, chúng ta phải tạo cơ hội cho người đó quay về và đừng khơi gợi hay cường điệu hóa nỗi đau vốn đã từng xảy ra trong quá khứ.

Vừa qua, một anh chồng ở Melbourn, Úc châu, khóc sướt mướt khi tâm sự với chúng tôi rằng hôn nhân của họ đã kết thúc sau mười năm chung sống. Lý do chính yếu do người vợ quá ghen. Sự ghen tuông làm cho người vợ không thể nào chấp nhận sơ xuất của anh chồng. Có lần khi mối quan hệ của vợ chồng anh đang lận đận, nỗi khổ niềm đau kéo dài khiến anh mỏi mệt. Ngay lúc đó, một người phụ nữ khác đã xuất hiện nâng đỡ và lấp đầy nỗi trống vắng trong anh. Anh đã rơi vào tình cảm và mối quan hệ bất chính với cô này. Sau đó anh biết đây là điều sai lầm. Anh ăn năn hối lỗi kể lại cho vợ mình. Nhưng ngờ đâu cô vợ không thể vượt qua cú sốc khi biết sự thật. Cô nhất quyết không tha thứ và bỏ qua. Cuối cùng, cuộc hôn nhân của họ bị đổ vỡ hoàn toàn. Anh chồng khóc lóc vì nghĩ rằng, nếu không chân thật báo cáo cho vợ thì có lẽ đâu dẫn đến kết thúc bế tắc như hiện nay.

Bản chất tình yêu cần sự hiểu biết rộng lượng để hai bên có thể tha thứ những lỗi lầm của nhau. Sai lầm là thuộc tính của người phàm. Vấn đề ở chỗ người đó có nhận diện sự sai lầm của chính mình và không tái phạm. Nếu chúng ta may mắn gặp được một người như thế thì hãy tạo cơ hội để người đó trở về, hơn là đẩy họ đi đến với một người khác mà vốn chúng ta không muốn.

Kinh điển của nhà Phật dạy, có hai hạng thánh trong cuộc đời. Hạng thứ nhất là chưa từng tạo tội lỗi, sơ xuất cũng như lỗi lầm. Hạng thứ hai là người biết đứng dậy sau khi vấp ngã, cảm nhận đó là một vết nhơ trong lương tâm, và không bao giờ tái phạm. Đức Phật nói, hạng thánh nhân thứ hai mới đáng tôn kính và tán thán hơn cả. Điều này khiến rất nhiều người ngạc nhiên, đặc biệt những người có thái độ tâm lý nghiêm túc, muốn chuyện gì ra chuyện đó, chỉ cần một lần sai phạm thì con người đó không còn được sử dụng trong tương lai. Người mang thái độ tâm lý như thế khó có thể chấp nhận đạo lý vừa nêu.

Đức Phật thấy rõ tâm lý con người có những lúc rất yếu. Trong lúc phần tâm lý bị sa sút tới mức độ yếu nhất thì bất kỳ cái gì khác đến sẽ trở thành cái nêm gài vào sự trống vắng dẫn dắt con người đến với những sai lầm. Vấn đề ở chỗ nhận ra sai lầm, không tái phạm mới là con người đáng quí, đáng trân trọng. Tất cả các sai lầm đều có khả năng chữa trị và làm mới. Nhận dạng và hiểu điều này thì tất cả những tình huống ngoại tình đều có cơ hội quay về, trở về với con người trước kia của chính mình. Quên đi quá khứ của nhau trở thành yếu tố vô cùng quan trọng.

Nhiều người có cái “tôi” rất lớn. Mỗi khi cái “tôi” bị xúc phạm, họ cảm thấy khổ đau cùng cực, và sẵn sàng vẫy tay chào với người mình thương, mặc dù người đó không có gì đáng trách. Cái “tôi” đó cho rằng mình phải là cuộc tình đầu tiên của vợ hay chồng. Sau thời gian vui vẻ với nhau, khi tình cờ biết hay được khơi gợi lại chuyện tình cũ của bạn đời, nhiều người đã nổi cơn ghen. Cái “tôi” bị tổn thương, dằn vặt dẫn đến kết quả chia tay nhau.

Cái “tôi” đòi hỏi sự trọn vẹn đó đã làm cho người ta không còn rộng lượng và tha thứ, dù trên thực tế, trước cuộc hôn nhân diễn ra như một khế ước xã hội thì ai cũng được quyền yêu người khác, thậm chí có thể yêu vài ba lần mới có thể chọn ra mẫu người lý tưởng nhất. Miễn không vi phạm tinh thần đạo đức của nhà Phật thì không có gì được coi là lỗi lầm. Yêu một người nào đó nhưng phải chia tay, đến với người khác bằng hôn nhân thật sự. Suốt thời gian duy trì hôn nhân trong khế ước xã hội, người này không hề ngoại tình dù chỉ trong tâm tưởng thì người đó không được xem là có lỗi lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, với người xem yếu tố đầu tiên là quan trọng thì khi phát hiện người bạn đời đã từng có những mối tình trước đó, họ phản ứng gay gắt và không thể chấp nhận.

Tảo hôn và bất hạnh

Phần lớn các hôn nhân tảo hôn đến với nhau vì thiếu sự chuẩn bị tâm sinh lý. Cả vợ lẫn chồng chưa chín chắn trong tình cảm và nhận thức. Kết thúc của các cuộc hôn nhân này là tờ đơn li dị và những đứa con dại khờ, mô côi dù cha mẹ chúng vẫn còn đang sống.

Người Việt Nam có câu “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Câu đối này cho thấy bản chất các mối quan hệ giới tính đòi hỏi tính cách đặc biệt, cái gì dễ dàng được thì sẽ dễ dàng mất. Cuộc tình giống như ngọn lửa, rơm dễ cháy nhưng cũng dễ tàn. Đến với nhau bằng quan hệ giới tính trong nền văn hóa phương Tây là điều được luật pháp bảo vệ nhưng nó lại trở thành một trong những đoạn tuyệt của hôn nhân. Quan hệ giới tính diễn ta trước khi khế ước xã hội được thiết lập sẽ không bền bỉ vì hai bên không cảm thấy còn cái gì đó quý trọng.

Nền văn hóa phương Tây ảnh hưởng rất nhiều từ phim ảnh và nghệ thuật quảng cáo kích thích khoái lạc giác quan một cách tinh vi và khéo léo, đã làm cho yếu tố gợi dục, gợi tình gia tăng. Do đó tuổi trẻ với phản ứng của hooc môn làm cho cơ thể phát triển sớm, khoái lạc về tình yêu tăng sớm hơn các quốc gia phát triển chậm về kinh tế.

Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tảo hôn lớn nhất thế giới. Ngày nay, nữ 13 tuổi vẫn được quyền làm mẹ. Phụ nữ ở tuổi 50 đã trở thành bà nội hoặc bà ngoại. Khi sự chuẩn bị tâm sinh lý và kiến thức nuôi dưỡng con cái không được đảm bảo thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Rất may tỷ lệ ly dị ở nền văn hóa này vẫn không cao.

Khi áp lực của sự dị biệt giữa hai bên đã lên tới mức độ đỉnh điểm thì tuổi trẻ với các cuộc tảo hôn, có khuynh hướng dùng kim nhọn đâm vào bong bóng của hôn nhân để nó vỡ tung.

Một số quốc gia xem hôn nhân không phải trò đùa. Người ta thường khuyên các cặp vợ chồng trẻ phải giữ lời, giữ ý tứ với nhau, rộng lượng thông cảm và vượt qua những sơ xuất. Còn theo nền văn hóa đề cao sự tự do thì dù một xúc phạm nhỏ chẳng đáng cũng trở thành vấn nạn lớn dẫn đến ly dị.

Sự lệch lạc về vai trò giới tính

Phần lớn mâu thuẫn phát sinh khi người vợ thành công hơn chồng, không còn nhu cầu lệ thuộc vào chồng như trước đây. Do đó người vợ có suy nghĩ mình phải được ứng xử bình đẳng trong gia đình. Điều này làm cho người chồng bắt đầu cảm thấy bị va chạm.

Người nữ thấy được giới hạn của chồng hay nam giới nói chung thì cần phải khéo léo hơn. Dù thăng tiến trong xã hội nhưng phải giả vờ ứng xử thua chồng mà vẫn không để chồng rơi vào trạng thái cống cao ngã mạn trong cách ứng xử đối với chúng ta. Hai bên duy trì được mức độ tôn kính lẫn nhau thì độ bền và tuổi thọ trong hôn nhân mới có thể kéo dài.

Khuynh hướng những người vợ thường đòi hỏi chồng có học thức cao hơn, mạnh mẽ về mọi phương diện để có thể làm điểm tựa. Ngay trong cách thức xưng hô của Việt Nam đã cho thấy rất rõ điều đó, người vợ luôn là người em gái cho nên xưng hô là “em” và chồng là “anh”. Thấy rõ nhu cầu cần được bảo bọc ở mọi phương diện, nên mối quan hệ giữa tiếng “anh” và “em” trong vợ chồng đã làm cho cặp hôn nhân đó bền bỉ hơn. Nhưng khi người vợ có vai trò xã hội cao thì quan hệ này có thể bị mất. Nếu vợ không khéo ứng xử thì cái “tôi” của người chồng bị thách đố, người chồng sẽ cảm thấy vai trò của mình thương tổn và mình không là gì trong xã hội.

Sự thay đổi vai trò vị trí của người vợ gây khó khăn cho người chồng, nếu người chồng không thông cảm, hoan hỉ với sự thành công của vợ. Đặc biệt khi vai trò vị trí xã hội của chồng xuống dốc, ức chế tâm lý xảy ra hằng ngày, hằng giờ. Vì luôn muốn vợ con và người thân tôn trọng mình như ngày nào nên chỉ cần một lời nói lầm lỡ vô tình nào đó có thể tăng mức độ căng thẳng của người chồng. Anh ta sẽ nghĩ rằng mình không còn chức vị nên mới bị lấn lướt khinh thường, con cái không coi ra gì. Mặc dù trước đây cũng với những câu nói vô tình ấy, anh đã không để tâm. Trong tình huống như vậy, không ai khác hơn người vợ phải nâng đỡ chồng, giải thích và giúp chồng vượt qua khó khăn.

Ngoài ra còn hàng trăm ngàn lý do dẫn đến sự ly dị và hôn nhân không hạnh phúc.

Không chấp tướng chung và riêng

Tướng chung là đặc điểm chung của một chủng loại nào đó, chẳng hạn chủng loại động vật, chủng loại con người, chủng loại chư thiên, chủng loại ngạ quỷ v.v... Trong mỗi quốc gia có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có một chủng loại khác nhau. Chẳng hạn người Việt Nam da vàng, mũi tẹt, thấp bé... Người Châu Âu, Châu Mỹ da trắng, tóc vàng, mắt xanh... Tất cả các chủng loại đó được gọi là đặc điểm chung.

Khi nhãn thức con người tiếp xúc với thẩm mỹ, văn hóa y phục thời trang, các trang sức phẩm, ngoại hình, nhà cửa,… thì tướng chung sẽ dễ dàng thu hút. Nhiều người thích kết hôn với người khác tướng chung, cho nên khi gặp người ngoại quốc, họ có thiện cảm hơn. Đó là vì họ đặt nặng tướng chung.

Bám vào tướng chung thường không dẫn đến đổ vỡ hôn nhân nhiều như việc bám vào tướng riêng, vì tướng riêng thường để lại ấn tượng. Chẳng hạn, đôi mắt bồ câu, mũi dọc dừa, má nũng nịu đồng tiền, nước da hồng hào, tướng đi yểu điệu thướt tha v.v... trở thành một hấp lực giới tính đối với người nam là điều không thể phủ định.

Khác biệt giới tính đối với ngoại hình hai giới tạo ra sự hấp dẫn tính dục, và người ta đến với nhau bằng sự hấp dẫn này. Đó là lý do tại sao đàn ông không thương đàn ông, đàn bà không thương đàn bà, ngoại trừ người đó rơi vào tình trạng đồng tính luyến ái. Do đó sự hấp dẫn ngoại diện của con người trở thành những đặc điểm riêng mà chỉ có ở người này mà người khác thì không. Có người thương mái tóc đen, có người thương chân mày đậm, có người thương nụ cười, có người thương ánh mắt,...

Bám vào tướng riêng, con người sẽ so sánh đối chiếu với bạn đời của mình. Càng so sánh đối chiếu, sự ám ảnh của tướng riêng và tướng chung đó càng trở thành cơ hội đầu tiên của ngoại tình tâm tưởng. Về nhà mà tâm trí nhớ nhung cô bạn nói chuyện có duyên trong khi vợ mình đanh đá. Cảm giác tủi phận và tiếc nuối sẽ đánh mất hạnh phúc trong hiện tại. Cơ hội tiếp xúc với tướng riêng như thế làm cho người chồng trong tình huống này đi quá đà, và trở thành người lén lút.

Các hành giả Phật giáo cần thực tập quan sát, không chấp lấy tướng chung cũng không bám víu tướng riêng. Hãy quan niệm đơn giản rằng, đó chỉ là một người nam hay người nữ không có đặc điểm gì. Thái độ liên hệ đến tính từ đẹp xấu, hấp dẫn hay không hấp dẫn, trắng đen v.v... ở tướng trạng của người khác phái không được ý thức chúng ta diễn dịch, phân tích, so sánh, quy nạp, loại suy, thì lúc đó yếu tố của sự chấp trước về tướng riêng không được thiết lập. Nhờ thế, con người có thể giao du tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, thậm chí với người đẹp hơn, giàu hơn, hấp dẫn hơn bạn đời của mình, nhưng mình vẫn không cần ghé mắt, để tai. Do hài lòng và hiểu biết bản chất của hạnh phúc không phải chỉ dựa trên giá trị thẩm mỹ như vừa nêu mà nó còn bao gồm cả tổng thể của tình cảm, tình yêu, tình thương, sự chăm sóc, tương trợ, cộng nghiệp, và biệt nghiệp khác nhau, mà các yếu tố kia không trở thành sự đe dọa ám ảnh chúng ta.

Thực tập Bát quan trai

Ngày bát quan trai thường được diễn ra vào những ngày thập trai. Theo nền văn hóa Ấn Độ, ngày thập trai là ngày ma hiện hồn về phá phách con người. Đức Phật đã sử dụng dữ liệu nền văn hóa đó để tạo cơ hội cho cả nam lẫn nữ, cả vợ lẫn chồng cùng tu tập vượt qua nỗi khủng hoảng sợ ma, và thấy rằng hồn ma đang có nhu cầu tâm linh cần sự hỗ trợ của những người còn sống thông qua các lễ thức cầu siêu. Trong ngày thọ bát quan trai, vợ lẫn chồng cần được thực tập chuyển hóa năng lực khát ái của tình dục như là nỗi ám ảnh của rất nhiều cuộc hôn nhân và tình yêu.

Nếu trong một tháng, cả vợ lẫn chồng thực tập Bát Quan Trai được một ngày thì ngày đó, chúng ta trở thành tu sĩ khống chế nỗi ám ảnh của hoạt động tính dục đang đe dọa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ly dị ở thế giới phương Tây là vì không thỏa mãn được nhu cầu này. Cho nên thực tập tiết hạnh và sự thanh tịnh trong một ngày sẽ làm cho nhu cầu hưởng thụ đó giảm đi và không còn là yêu cầu tiên quyết.

Những triệu phú, tỷ phú rất thành công trong nhiều phương diện khác nhau. Đối với họ, giá trị thẩm mỹ và giá trị tính dục là quan trọng nhất vì những thứ còn lại, họ đều không thiếu. Nếu có người tình gợi cảm và hưởng thụ cái đẹp đó thông qua sự thỏa mãn tính dục sẽ làm cho cái “tôi” của họ được thỏa mãn. Từ đó có khuynh hướng “giàu sang đổi vợ” khá phổ biến.

Thực tập Bát quan trai để thấy rằng, yếu tính của hạnh phúc liên hệ đến nghệ thuật thăng bằng cảm xúc. Cảm xúc con người thường đi theo hai khuynh hướng, một là hưng phấn dẫn đến chấp trước và tư hữu hóa; hai là ức chế dẫn đến chối bỏ, chán nản, thất vọng. Cả hai thái độ này đều là hai phản ứng khác nhau về cái “tôi”, khống chế, làm mất thăng bằng về phương diện cảm xúc. Thấy rõ điều này thì nhu cầu hưởng thụ tính dục sẽ giảm bớt, con người sẽ vượt qua được những nỗi ám ảnh.

Thực tập quán tình thân

Đức Phật dạy phương pháp này cho tất cả người tại gia và xuất gia để không có những ái cảm diễn ra đối với người khác phái, ngoài vợ hay chồng chính thức của mình. Gặp tất cả những người nam thì chúng ta phải quan niệm rằng họ đã từng là ông, bác, cha, chú, cậu, anh trai, em trai của mình ở một kiếp khác nào đó. Quan niệm về tình thân giúp chúng ta giữ được lương tâm con người và không rơi vào tình trạng loạn luân.

Người ta thường nghĩ quan niệm loạn luân chỉ có ở trong họ tộc huyết thống ngay đời hiện tại này mà không để ý đến loạn luân khác mang tính gián tiếp. Khi ta quán tất cả người nam và nữ đều là thân thuộc của mình, thì ngoài vợ hay chồng chính thức, chúng ta không còn ý niệm muốn thoả mãn tính dục, tình yêu với người khác, do đó hạn chế được tối đa thói quen ong bướm dẫn đến ngoại tình.

Giới trẻ có khuynh hướng đến với hôn nhân sớm, bởi vì nỗi khát ái về ngoại hình và sự hưởng thụ tính dục đã trở thành nỗi ám ảnh, nếu không thoả mãn được nó, nỗi khổ niềm đau xuất hiện. Cho nên đạo Phật dạy, hãy lấy sự nghiệp làm đầu, trí tuệ là sự nghiệp. “Duy Tuệ Thị Nghiệp” không chỉ là phương châm cho những người xuất gia mà còn cho cả người tại gia. Muốn có cuộc hôn nhân bền bỉ lâu dài, chúng ta phải lấy tuệ giác làm đầu.

Trong nhận thức của tình yêu, trái tim có phần nghiêng nặng đặc biệt, mọi sự phán đoán của chúng ta đa phần có nhiều cảm xúc, và do đó sự lựa chọn trong trường hợp này thường mang tính chất thiên vị về những gì mình thích và không thích. Cho nên việc chúng ta tuyển chọn người sai, người không phải là mẫu lý tưởng sẽ diễn ra ở mức độ cao và kết cuộc sau khi nhận diện rằng người mình thương yêu không thật sự là người mà mình mong đợi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, thì chúng ta lo cho bản thân ổn định sự nghiệp và kinh tế, mọi thứ chín chắn về nhận thức, cảm xúc và đời sống trong xã hội. Tới lúc đó việc đính hôn mới thật sự bền vững. Đây là phương châm đạo Phật dạy mà chúng ta không thể nào quên.

Truyền thông giữa vợ chồng

Kém truyền thông là một bế tắc mỗi khi có hiểu lầm va chạm cá tính và cái “tôi” diễn ra giữa hai bên. Phản ứng thông thường là rút cảm xúc, nhận thức và sự ứng xử của bản thân vào mai, biến mình thành con rùa để tìm cảm giác trấn an, nỗi khổ đau tạm thời được nguôi ngoai.

Văn hóa ở của phương Tây theo khuynh hướng thiết kế căn nhà gồm nhiều phòng riêng biệt. Vợ chồng con cái đều có phòng riêng. Khi mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình xảy ra, mỗi người thường chọn giải pháp tự giam mình trong phòng riêng, tránh tiếp xúc với bất cứ ai ngoài ti-vi, radio, máy vi tính và các phương tiện khác. Họ thường chia sẻ tâm sự với những người bạn thân mà họ tin tưởng. Do vậy bế tắc trong truyền thông giữa các thành viên gia đình sẽ dâng lên. Nếu cả hai đều tự ái cao thì sự đổ vỡ là rất thường tình và tự nhiên.

Vừa rồi, chúng tôi có dịp trở lại thăm một gia đình Phật tử quen đã trên mười năm. Chúng tôi thấy khổ đau xuất hiện trong gia đình này, vợ chồng vừa mới ly dị chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong việc dạy dỗ con cái. Người mẹ theo văn hóa phương Tây, chiều con quá mức, hễ nó muốn gì thì được đó. Trong khi người cha lại sống theo truyền thống Việt Nam, muốn con cái phải nối theo truyền thống của mình. Bất đồng quan điểm khiến vợ chồng tự ái dồn dập, mỗi khi nói chuyện thường lớn tiếng cãi vã nhau. Cuối cùng không ai chịu nói với ai và việc này kéo dài ba năm trời. Ai cũng nghĩ rằng nếu làm lành trước thì vô tình đã tự thừa nhận mình có lỗi và người kia là người chiến thắng. Cho nên thà im lặng còn hơn chấp nhận mình có lỗi. Người vợ lý luận rằng, nếu anh chồng thật sự là người chồng lý tưởng và thương yêu vợ thì anh ta phải xin lỗi trước, vì trong nền văn hóa Hoa Kỳ lady first chứ không phải là đàn ông. Cả hai bên cứ chờ đợi lời xin lỗi mà không cần thanh minh, cuối cùng người vợ đương đơn li dị vì cho rằng chồng không còn xem mình là quan trọng nữa.

Một câu rất hay trong luận Bảo dư tam muội, nhưng nếu không khéo sử dụng sẽ dẫn đến bế tắc, “oan ức không cần biện bạch vì biên bạch là hèn nhát”. Oan ức mà biện bạch không đúng tình huống sẽ làm cho vấn đề rắc rối hơn. Mọi người thường cho rằng nếu không có tật thì đâu cần phải sốt sắng thanh minh, cho nên thanh minh là che đậy tội lỗi. Thật ra, khi gặp đúng tình huống, đúng người, đúng thời điểm thì chúng ta hãy nên giãi bày để cơ chế bị hiểu lầm đó được tháo gỡ. Có những tình huống không cần thanh minh nếu yếu tố thanh minh đó không cần thiết. Khi được hỏi thì hãy nói, nói cho việc hiểu lầm không tiếp tục diễn ra.

Vế thứ hai “vì biện bạch là hèn nhát” cũng cần được sử dụng đúng tình huống. Muốn biết cảm giác của sự chịu đựng, cho rằng mình là người đứng đắn thì không sợ bị hiểu sai quấy nên chọn cách im lặng, câm như hến, vợ chồng gặp nhau không thèm bày tỏ với nhau lời nào vì sợ rằng việc bày tỏ chứng minh mình là kẻ hèn nhát. Ứng xử này làm cho cái “tôi” bắt đầu lớn mạnh. Giữ nguyên sự hiểu lầm ở người khác, cuối cùng sự hiểu lầm đó trở thành băng giá không phải là giải pháp của các vấn nạn liên hệ đến nghệ thuật truyền thông trong hôn nhân.

Vợ và chồng nên bằng lòng ngồi với nhau, thuận vợ thuận chồng để giải quyết, thì chỉ cần năm giờ, năm ngày hay tối đa là năm tháng, bế tắc đó sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng. Nếu nói lần thứ nhất mà người kia chưa hiểu thì lần thứ hai trong cơ hội người kia đang hạnh phúc hay khổ đau, muốn có người tri kỷ cùng chia sẻ, chúng ta đến bằng cả trái tim và tấm lòng. Trách nhiệm của chúng ta là tháo gỡ sự hiểu lầm. Tuy nhiên, giống như gỡ mìn, nếu không biết cách, chúng ta sẽ bị vỡ tung trong trách móc, đổ lỗi và quy kết tội và như thế vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Chúng ta chỉ cần giãi bày sự thật, nói bằng thái độ cảm thông vì biết người kia hiểu sai nên mới ứng xử không khôn ngoan. Cảm thông để tháo gỡ, không chấp nhặt để vượt qua căng thẳng.

Truyền thông là nghệ thuật tháo gỡ bế tắc. Con người có phước hơn các loài động vật khác ở khả năng truyền thông. Thắng thua, thành công thất bại lệ thuộc vào lời ăn tiếng nói.

Trong tình yêu, mỗi lời hằn học như là nỗi ám ảnh làm con người có khuynh hướng muốn vẫy tay chào một cách lâu dài và vĩnh viễn.

Nói để hai bên cùng hiểu và chia sẻ với nhau, không phải để chỉ trích, hơn thua, quy trách nhiệm. Nếu mẫu số chung của cả hai được tôn trọng thì nó sẽ trở thành ranh giới với sự tương nhượng. Hai bên phải thấy rằng cần phải tôn trọng và đừng xúc phạm lẫn nhau. Đôi khi thói quen, bản lĩnh chịu đựng trong cuộc đời đã khiến văn hóa ứng xử của người chồng xúc phạm đến cái “tôi” của vợ mình, đặc biệt nếu người vợ lại có tính tình mềm mỏng, cá tính yếu, mỗi khi va vấp cần có sự nâng đỡ của người chồng thì người chồng lại ứng xử thô lỗ và mất ý tứ. Khi phải ôm nỗi đau chịu đựng một mình thì nỗi đau đó lớn dần trở thành nỗi đe dọa quan hệ hôn nhân. Trong tình huống đó, sự xuất hiện của một người đàn ông khác ga lăng hơn, cảm thông hơn, thì sự so sánh trong người vợ không thể nào tránh khỏi. Hình ảnh của người đàn ông mới bắt đầu can thiệp vào như cái nêm ghim vào tâm thức của người vợ. Từ đó những khúc mắc nho nhỏ lẽ ra trước đây hai vợ chồng có thể chịu đựng được với nhau, bây giờ trở thành sự khủng hoảng diễn ra ở mức độ mỏi mệt hơn.

Như bạn đồng hành

Kinh Tăng Chi, đức Phật định nghĩa vợ chồng như những người bạn đồng hành. Khái niệm đồng hành trong thế giới phương Tây có thể hiểu theo cách thức rất thoáng ở chỗ người ta đến với nhau không cần hôn thú, không cần trách nhiệm gia đình. Hưởng thụ tính dục trước hôn nhân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly dị.

Đồng hành trong nền văn hóa Phật giáo là phải hiểu cả hai có vai trò trọng trách ngang nhau trong việc thiết lập hôn nhân và không nên lý tưởng hóa rằng “túp lều tranh hai quả tim vàng”. Phải sống bằng trí tuệ và thiết thực, hiểu biết cảm thông để tháo gỡ những bế tắc.

Chúng tôi có quen một gia đình rất thuần từ, hiền lương ở Sacramento. Gia đình này có thói quen tổ chức thỉnh mời các vị thầy hoặc sư cô đến thuyết pháp dù vị giảng sư đó thuộc bất kỳ truyền thống tông môn pháp phái nào từ Tây Tạng, Việt Nam, Trung Hoa v.v... Nhìn bề ngoài có vẻ đây là gia đình hạnh phúc và đồng thuận. Vợ phát tâm tổ chức và người chồng phụ giúp âm thanh, ánh sáng, bàn ghế v.v... Sau mỗi buổi giảng, gia đình này tổ chức bữa tiệc chay nhỏ với những món ăn khá ngon, miễn phí mời người tham dự chỉ để khích lệ tinh thần. Nhưng đằng sau vẻ hạnh phúc đồng thuận ấy lại là cuộc sống băng giá giữa quan hệ vợ chồng. Về nhà hai vợ chồng không nói chuyện với nhau, việc ai nấy làm.

Chúng tôi đã mời cả hai vợ chồng đến để tâm sự và chúng tôi yêu cầu anh chị thay vì đóng kịch với nhau trước mặt mọi người thì hãy làm thật với nhau khi chỉ có hai người. Cái “tôi” sợ bị mặc cảm tự ti rằng vợ hoặc chồng mình không đồng lòng đã làm nhiều người phải giả tạo và trong cái giả tạo đó, khổ đau trỗi lên.

Hãy ngồi lại với nhau nói về cá tính của nhau. Nói với nhau hay hơn nói về nhau. Chúng ta thường có những cách thức xỉ vả, uất hận đổ trút lên những người thân thay vì chia sẻ với người bạn đời. Nói về nhau như vậy tạo ra rất nhiều vết hằn gây tổn thương người khác và chính bản thân mình. Hãy đóng kịch thật với nhau một cách nhập vai, mà nhập vai theo Phật giáo không gì khác hơn là nhập tâm, tức là thể hiện bằng tấm lòng thật sự, thấy rõ hai người thương yêu nhau đắm đuối và cần nhau trên mọi nẻo đường trong sinh tử luân hồi, và phải hài lòng với hạnh phúc như vậy. Chỉ khi nào nhập vai thật sự trước mặt quần chúng thì chúng ta mới có thể nhập vai thật sự khi chỉ có hai người. Bằng không thì thà đường ai nấy đi.

Cần để ý tới nhu cầu cảm xúc, nhu cầu tình thương, nhu cầu chăm sóc và được chăm sóc của người khác khi chúng ta thương và xem người đó như bạn đồng hành suốt cuộc đời của mình. Khi nhu cầu này được tưới tẩm thì không có việc gì mà hai bên không thông cảm với nhau được.

Từ ái và tôn trọng

Qua truyền thông, vợ chồng có thể nói thẳng với nhau bằng lòng từ bi, được gọi là ngôn ngữ từ ái. Dùng lòng từ bi cho chúng ta hiểu nếu sử dụng lòng từ bi ứng xử có nghệ thuật thì dù người đối diện có cộc cằn thô lỗ chúng ta vẫn tha thứ bỏ qua. Quan trọng trong truyền thông chúng ta phải hiểu giới hạn của người bạn đời. Không cường điệu hóa khi người đó không làm được theo cách thức mà chúng ta thể hiện. Thực tập như vậy thì chúng ta không bị hòa tan trong người kia và người kia cũng không hòa tan trong ta mà hai bên vẫn giữ riêng cá tính và phong cách của mình nhưng có thể sống yên bình. Bằng không sẽ trở nên “đồng sàng dị mộng”, ngủ chung trên cùng một chiếc giường mà tâm tư mơ tưởng, nhận thức giải quyết vấn đề hoàn toàn khác biệt.

Khi chúng tôi tiếp xúc với cặp vợ chồng đang trong nguy cơ đổ vỡ ở Sacramento, thì người chồng mới tâm sự rằng vợ anh không hề tôn trọng anh. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe lời tâm sự thẳng thắng như thế. Chúng tôi hỏi lý do tại sao thì anh trả lời rằng, vợ anh tỏ ra nhiệt tình chăm lo cơm, nước, thức ăn uống ngon, quý nhất cúng dường các quý thầy mà bản thân anh thì chưa bao giờ được chăm sóc như vậy. Đó là sự va chạm của cái “tôi”.

Tâm lý người nữ là có thể tôn kính mà không có tình thương đối với tôn giáo. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu có tình yêu mà không tôn trọng lẫn nhau. Phụ nữ thường có sự phân biệt về phương diện cảm tính, cảm xúc, cho nên người chồng cũng cần thông cảm. Trong tâm người nữ có thể có hai đối tượng, tâm linh và tôn giáo. Đối tượng tôn giáo dù muốn hay không vẫn có vai trò cao hơn vị trí của người nam, bày tỏ lòng tôn kính như thế là chuyện rất bình thường. Nếu không cảm thông được quan niệm như vậy thì mâu thuẫn của cái “tôi” sẽ có mặt.

Người vợ xông xáo năng động lại khó có được hạnh phúc, vì tính cách đó thường nằm ở người nam. Nam giới thích thể hiện mình có khả năng nâng đỡ, bao bọc, lo lắng cho phái yếu. Nếu người vợ trở thành người quán xuyến cả trong lẫn ngoài, xem chồng như em trai, con trai, thì rất nhiều người chồng bị va chạm, nghĩ rằng mình mất vai trò, mất tư thế, mất sự tôn trọng v.v...

Kéo dài tình huống này mà không có sự rộng lượng, thông cảm dần dần sẽ trở thành thế giới của biệt lập. Người vợ nỗ lực tôn kính Tam Bảo nhiều chừng nào thì người chồng có khuynh hướng xa lánh chừng đó. Cho nên phải hết sức để ý đừng để cái “tôi” của người bạn đời bị va chạm. Đây là nghệ thuật đòi hỏi tuệ giác, khôn ngoan, sáng suốt thì mới có thể giải quyết.

Nói với nhau bằng tình thông cảm của trái tim yêu thì mỗi sự giao lưu tiếp xúc sẽ tạo ra một giá trị nồng nàn. Khi nỗi đau có mặt, nếu được nói những gì mình muốn thì nỗi đau đó sẽ được phóng thích ra. Đây là phương pháp xả hơi trong tâm lý học trị liệu của phương Tây.

Đừng để cho tình trạng lặng tắt kéo dài quá lâu sẽ gây ngạt thở. Hai người cần thực tập hạnh bồ tát, nghĩa là ôm

phần lỗi về phía mình mặc dù mình không có lỗi. Nhận mình có lỗi để người kia có cơ hội nối kết và hàn gắn, còn hơn là lặng thinh. Tịnh khẩu theo Phật giáo không phải là sự ngưng nói, mà là nói những điều có đạo đức, có giá trị đoàn kết, thương yêu, xây dựng, hỷ xả, bao dung. Nói cách khác, tịnh khẩu là nói những điều tích cực.

Trong kinh Tăng Chi, đức Phật nói: Không có sự hấp dẫn giới tính nào bằng giọng nói ngọt ngào của người nữ dành cho người nam, và lời nói của người nam đối với người nữ. Trong sự thu hút giới tính, sắc thái và lời lẽ qua âm thanh đóng vai trò quan trọng. Khó ai có thể thương một người câm, vì thiếu sự truyền thông để biểu đạt tình cảm. Hành động là yêu cầu không thể thiếu nhưng phải thể hiện ra bằng lời nói để người khác cảm nhận sâu sắc hơn. Không phải ai cũng có được sự tinh tế của tâm lý học để thấy não trạng và sự vận hành cảm xúc cũng như tâm tính của người kia, do đó chúng ta phải thể hiện.

Tác phẩm “Bông hồng cài áo” của thiền sư Nhất Hạnh có một câu ấn tượng mang chất liệu Phật pháp rất lớn, thể hiện tình thương kính của người con đối với mẹ, “Mẹ ơi! Mẹ có biết rằng con thương mẹ không?”. Cách biểu đạt như thế là một trong những nghệ thuật truyền thông, mà nếu thiếu nó nhiều người sẽ không cảm nhận được. Người cha vốn kiệm lời hơn người mẹ, còn người mẹ thương con và thường tâm sự với con như bạn thân, do đó sự bế tắc giữa mẹ và con ít hơn. Người cha nghiêm nghị, ít nói, khô khan nên dù thương con mà la rầy đôi lúc khiến con không cảm nhận được tình thương, ngược lại chỉ thấy rằng cha khác mẹ như lửa và nước. Gần mẹ cảm thấy thoải mái còn gần cha cảm thấy dội ngược. Kiệm lời quá mức là không tốt, nhưng nói quá nhiều sẽ làm người khác mỏi mệt.

Nên nói đủ lời, đủ câu, tròn chữ, nói những điều cần nói và có giá trị thì lời nói đó tăng cường nội dung của tình yêu, tình thương, chất liệu hạnh phúc. Nhờ sử dụng ngôn ngữ, con người mới hơn động vật. Các động vật thương con cái của chúng nhưng không thể bày tỏ bằng lời. Phạm vi truyền thông của động vật kém hơn thế giới loài người và con người phải tận dụng giá trị truyền thông bằng ngôn ngữ này để giải quyết các bế tắc với nhau. Trong gia đình nếu có người ít nói và người nói quá nhiều thì nó chỉ hấp dẫn nhau trong giai đoạn đầu, nhàm chán nhau trong giai đoạn phát triển và phải ly thân trong giai đoạn cuối vì hai bên không hợp. Truyền thông cần đi hai chiều, không phải bên này nói còn bên kia chỉ im lặng và ngược lại. Nói với nhau đúng phương pháp có thể tháo gỡ những bế tắc trong xã hội và cộng đồng.

Hàn gắn bằng tình yêu

Sẵn sàng bỏ ra một phần tiền bạc, thể hiện qua một món quà hoặc một chuyến du lịch xa để hai vợ chồng có không gian riêng tư hâm nóng lại những kỷ niệm đẹp trong tình yêu hôn nhân. Hình thức này rất phù hợp với đạo Phật và đây cũng là nhu cầu tâm sinh lý của con người. Trong kinh Thiện Sanh có nêu ra một trong năm yếu tố dẫn đến hạnh phúc hôn nhân lâu dài, đó là người chồng nên dành ra khoản tiền nhỏ tô điểm cho vợ mình trở nên xinh đẹp hơn bằng phần quà hay những trang sức.

Người nữ thường cảm thấy hạnh phúc và đặc biệt các cô có thể cảm nhận được đều này từ sự chăm sóc dù nho nhỏ nhưng cụ thể. Cho nên khi bế tắc diễn ra, người chồng hiểu tâm lý hiện đại từ lời kinh Phật dạy có thể mua một phần quà nào đó gợi kỷ niệm đẹp của của nhiều năm về trước hoặc kỷ vật nào đó mà người bạn đời của mình không thể nào quên khi nhìn thấy, kỉ niệm ngày xưa sẽ tái hiện trong tâm thức hai người trong cuộc.

Đèn xanh của hòa bình, hàn gắn, sẽ khiến hai bên đều đi tới phía trước chứ không dừng lại ở đèn vàng hay đỏ. Đây là dấu hiệu cần thiết và là khởi điểm không thể thiếu.

Biểu tượng tình yêu phải thể hiện qua hành động cụ thể. Trong các ngôi chùa thường thờ rất nhiều hình tượng của Quan Âm, đôi khi có đức Thiên thủ thiên nhãn như một biểu tượng. Trong mỗi bàn tay của Quan Âm đều có một con mắt. Con mắt tượng trưng cho nhãn thức hay tuệ giác, còn bàn tay tượng trưng cho hành động cụ thể là tình thương yêu. Như vậy, yêu một người nào đó thì không thể không có sự chăm sóc lo lắng, bảo hộ, nâng đỡ, tặng biếu v.v...

Ngay cả tình thương kính của con cái đối với cha mẹ, ông bà, anh em cũng cần được thể hiện bằng hành động cụ thể. Món quà không cần lớn nhưng phải nói lên trọng tâm của tình thương yêu và sự hàn gắn. Chúng ta có thể chọn những phần quà mang tính văn hóa biểu tượng. Trong biểu tượng đó, người thân yêu của mình đủ năng lực để giải mã nó, bằng không chúng ta phải nói bằng lời để giải thích ý nghĩa của món quà nhằm được người kia dễ dàng cảm thông, xúc cảm dâng trào và dễ dàng bỏ qua những bế tắc trong mối quan hệ tình thân.

Ngày nay, các loại thiệp điện tử được phát minh cho phép chúng ta gởi lời chúc mừng để làm quà trước đó vài ngày hoặc xa hơn nữa. Chúng ta có thể ấn định ngày nhận nhằm gây sự ngạc nhiên cho người mà ta yêu mến. Cảm giác ngạc nhiên mang lại hiệu ứng rất đặc biệt duy trì hạnh phúc lâu dài.

Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới có dịch vụ gửi quà đến mọi nơi. Hai vợ chồng giận nhau dù người ở phương trời này và người ở phương trời nọ nhưng họ vẫn có thể tặng quà cho nhau. Chỉ cần tốn một khoản tiền nho nhỏ yêu cầu dịch vụ mang đúng loại quà theo nhu cầu đến tận nơi, vào ngày tháng này, dịch vụ sẽ gọi điện thoại báo trước có quà và sẽ trao nhận tận tay. Chúng ta còn có thể yêu cầu người giao quà phải ăn mặc quần áo, hình thù, màu sắc theo ý muốn để gợi nhớ những kỉ niệm ngày xưa. Dịch vụ này khá phổ biến trong thế giới phương Tây. Cảm giác ngạc nhiên làm cho người ta thích thú và dễ dàng bỏ qua những chuyện buồn.

Có hai tình huống tâm lý mà sự hàn gắn dễ dàng nhất là trong lúc những người trong cuộc có quan hệ khúc mắc, đau khổ cùng cực thì sự quan tâm chăm sóc trong lúc này cho thấy chúng ta đang thương yêu người đó, cho nên chúng ta đến với họ một cách có dụng ý ở một thời điểm phù hợp cần thiết.

Tình huống thứ hai là tình huống trong hạnh phúc dâng trào. Người ta có cảm giác tâm mình rộng lượng sẵn sàng tha thứ, và nâng đỡ. Hai tình huống này, việc tặng quà chia sẻ tình cảm, biểu hiện qua những hành động cụ thể làm cho người kia đón nhận dễ dàng hơn. Một trong những nghệ thuật đó là cùng đi du lịch để hàn gắn vì không bị các yếu tố, điều kiện và hoàn cảnh khác chi phối. Khi đó qua sự hàn gắn, sức sống tình yêu bắt đầu tái hiện trở lại.

Với tư cách người tại gia, chúng ta có thể sử dụng các kĩ năng này mặc dù biết rằng bản chất của tình yêu là đắm trước, dính mắc một cách ghê gớm. Trong sự dính mắc đó, con người nảy sinh nhiều hận thù với nhau. Người ngoài đôi khi không gây hận thù cho chúng ta nhiều bằng những người thân yêu nhất. Lúc đó phải biết thực tập buông xả để khi người ta thể hiện thiện chí muốn quay trở về thì chúng ta đừng bao giờ bật đèn đỏ khiến sự nối kết đó lẽ ra trở thành hạnh phúc cho cả hai, cho gia đình, cho những người thân và họ tộc trở thành vết đau khó chữa lành.

Trong tình huống người muốn hàn gắn nhưng không có tiền, chúng ta vẫn có thể căn cứ qua việc thể hiện tấm lòng bằng ánh mắt, nụ cười, sự săn sóc và quan tâm. Nếu người kia có tính hờn dỗi, thái độ tâm lý bất cần, thì chúng ta thể hiện nụ cười dù không được đáp lại. Trước phản ứng không cần, quay mặt đi, chúng ta cũng đừng tự ái mà phải nỗ lực hàn gắn một cách kiên trì và thành tâm. Thái độ mệt mỏi muốn rút lui sẽ hoàn toàn đổ vỡ mối quan hệ. Sự đổ vỡ này khó có thể hàn gắn trở lại.

Cho nên một khi đã nỗ lực hàn gắn thì phải nêu quyết tâm lớn dẫn đến thành công, không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc nửa chừng. Đây là nghệ thuật tâm lý rất quan trọng, và khi đã thành công thì tình cảm đó sẽ không còn phải hàn gắn thêm lần nào nữa.

May mắn trong tình yêu

Bản chất của niềm tin vào ngày may mắn của tình yêu không có gì là sai trái nhưng chúng ta có thể nương vào niềm tin đó để tạo giá trị hiện thực. Tâm lý học hiện đại có vài kỹ năng về việc ứng dụng hành trì Phật pháp giúp chúng ta có nhiều giải pháp giải quyết khúc mắc trong tình yêu. Nền văn hóa phương Tây có lệ tổ chức kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới như là nghệ thuật làm mới. Đôi khi hôn nhân lâu dài bền bỉ khiến người ta cảm thấy nhàm chán thì vào những dịp mười năm, hai mươi năm, ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm, người ta tái hôn, mặc dù vợ chồng đó chưa từng ly dị nhau. Đây là truyền thống văn hóa khá hay mà chúng ta có thể tham khảo.

Ngày 07/07/2007, người Phật tử nên ứng dụng với tư cách những người tại gia cùng ngồi bên gia đình nhắc nhở lại những kỉ niệm đẹp ngày xưa. Đây cũng là cách hâm nóng hạnh phúc.

Bản chất của tình yêu không có gì xấu, đạo Phật không bao giờ kháng cự lại tình yêu. Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi đọc lại những trang kinh của đức Phật nói trong suốt 49 năm của ngài. Trong số đó có vài chục bài kinh đức Phật dạy về các kỹ năng xây dựng hạnh phúc hôn nhân tình yêu gia đình. Có thể khẳng định chính xác rằng đạo Phật có số bài kinh đề cập đến bản chất của tình yêu và các nghệ thuật xây dựng hạnh phúc nhiều nhất trong các loại văn học tôn giáo.