Lịch sử phật giáo Việt Nam
Tiểu Sử 13 Vị Tổ
Tác giả: HT.Thích Thiền Tâm
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tỉnh Thường đại sư, tự Thứu Vi, người đời Tống, con nhà họ Nhan ở Tiền Đường. Khi lên bảy, Ngài gặp duyên lành xuất gia và mới mười bảy tuổi đã thọ giới Cụ túc.

Trong niên hiệu Thuần Hóa, Đại sư đến trụ trì chùa Chiêu Khánh. Vì mến di phong của Lô Sơn, Ngài tạo tượng Phật A-di-đà kết hợp bạn sen, thành lập Liên Xã. Sau đó, Ngài lại chích máu tả phẩm Tịnh Hạnh trong kinh Hoa Nghiêm. Do nhân duyên ấy, lại đổi tên Liên Xã thành Tịnh Hạnh Xã. Hàng sĩ phu dự vào hội niệm Phật được một trăm hai mươi người. Ngoài ra, các hàng nam nữ thiện tín khác có đến hàng vạn, đều xưng là Tịnh Hạnh đệ tử. Trong đây, quan Tướng Quốc Hương Văn Đán làm hội thủ. Riêng phần Tỷ-kheo Tăng, Đại sư độ được hơn một ngàn người, đều tu môn niệm Phật.

Năm Thiên Hy thứ Tư, ngày 12 tháng Giêng, theo thường khóa, Đại sư ngồi kiết già niệm Phật. Giây lát, bỗng nói to lên rằng:  “Đức A-di-đà Thế Tôn đã đến!”. Rồi ngồi yên mà hóa, thọ 62 tuổi.

Trong giờ Ngài thị tịch, đại chúng thấy mặt đất biến thành sắc vàng ròng, rất lâu mới hoàn phục như cũ.

Li phu:

Kinh dạy: “Tâm tịnh thì cõi Phật thanh tịnh”. Đại sư đã tu nhân niệm Phật thanh tịnh, tất phải cảm tịnh quả. Nhưng vì tịnh quá mãnh liệt nên không đợi sinh về Tây Phương mà ảnh hưởng đến cảnh uế độ này tạm biến thành sắc hoằng kim. Đây là một bằng chứng cho biết cảnh đất vàng cây báu ở Tịnh độ là có thật, vì “Tất cả pháp do tâm tạo”.

Quả vị của Đại sư tất ở ngôi Thượng thượng phẩm.