BUDDHADASA - Quyển Sách Cho Nhân Loại
Hoang Phong chuyển ngữ
14/06/2556 23:53 (GMT+7) Kích cỡ chữ:
Những thứ gì đã trói buộc chúng ta ? Cái gì trong cuộc sống này đã khiến chúng ta phải bám chặt vào nó đến thế ? Câu trả lời sẽ là : cái "thế giới này". Đối với Phật Giáo những chữ ấy bao gồm tất cả : không phải đấy chỉ là cái thế giới của con người, mà cả của thiên nhân, các vị trời, súc vật, quỷ sứ nơi địa ngục, ma đói, thánh nhân và tất cả các lãnh vực hiện hữu khác nữa.
Thật khó để biết được cái thế giới mênh mông này là gì, bởi vì có một số thể dạng mà ta không nhìn thấy được; thường thì ta chỉ trông thấy những gì hiện ra ở trên mặt, đấy là cái lớp vỏ ngoài gồm toàn những thứ sự thực tương đối liên hệ với trí thông minh trung bình của con người. Chính vì lý do đó mà Phật Giáo đã phải giảng dạy cho chúng ta về một "thế giới" bao gồm toàn thể tất cả mọi lãnh vực.
Theo giáo lý của Ngài thì Đức Phật phân chia thế giới này làm hai : thế giới vật chất hay vật lý và thế giới phi-vật-chất hay tâm-thần. Sau đó thì Ngài lại phân chia thế giới tâm thần làm bốn, vì thế nếu đem thế giới vật lý cộng thêm vào đấy thì sẽ có năm thành phần tất cả và Đức Phật gọi chung là "năm thứ cấu hợp" (ngũ uẩn). Trong phần thảo luận về thế giới dưới đây, chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm đến thế giới của những sinh linh hàm chứa sự sống (có thể gọi chung là "chúng sinh" hay "chúng sinh mang giác cảm", thế nhưng một số kinh sách tiếng Việt gọi rất sai là "chúng sinh hữu tình"!) và trong số đó sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến con người, bởi vì chính cái thế giới đó gây ra mọi vấn đề. Năm thành phần vừa kể đều hiện hữu nơi con người: thân xác vật lý của con người là cấu hợp vật chất, tâm thức con người gồm bốn cấu hợp còn lại (do đó nên hiểu chử "thê giới" là ngũ uẩn của chính mình và tất cả các hiện tượng khác thuộc thế gian này).
Cấu hợp thứ nhất thuộc tâm thức là giác cảm (vedana - thụ), cấu hợp này gồm có ba thể dạng : thích thú hay thỏa mãn, khó chịu hay bất toại nguyện, và cảm giác trung hòa tức không thích thú cũng không khó chịu, tuy nhiên đấy cũng là một hình thức giác cảm. Trong những lúc bình thường, giác cảm luôn luôn hiện ra với chúng ta, do đó chúng ta luôn bị tràn ngập bởi giác cảm, chính vì thế mà Phật Giáo xem giác cảm như là một trong các thành phần tạo ra tâm thức con người.
Cấu hợp thứ hai của tâm thức là sự cảm nhận (sanna - tưởng), đấy là quá trình giúp giúp ý thức được bối cảnh chung quanh, đại khái tương tự như lúc thức, trái hẳn với những lúc đang ngủ hay cái chết. Quá trình đó cần đến trí nhớ và cả tri thức giác cảm, và do đó nó bao gồm cùng một lúc các giác cảm sơ khởi (trong hiện tại đang xảy ra) phát sinh do sự tiếp xúc của một đối tượng với mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân xác và cả các kỷ niệm giác cảm đã có trong quá khứ. Do đó ta có thể nhận biết trực tiếp được màu sắc, kích thước, thể loại... của một đối tượng, và đồng thời cũng nhận biết được những đặc tính ấy đã xảy ra trước đây bằng cách thoái lùi về quá khứ nhờ vào trí nhớ.
Cấu hợp thứ ba của tâm thức là tư duy tích cực (sankhara – hành, tức sự diễn đạt, tác ý...), đấy là ý nghĩ cho rằng ta sẽ làm một cái gì đó hay nói lên một điều gì đó, có thể đấy là một tư duy mang bản chất tốt hay xấu, một thứ tư duy duy ý, mang tính cách chủ động.
Cấu hợp thứ tư là tri thức giác cảm (vinnana - thức), đấy là chức năng của tâm thức giúp nhận biết được (ý thức được, hiểu được) các đối tượng bằng ý nghĩa – có nghĩa là bằng thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác (sự va chạm với thân thể) ... và bởi cả chính tâm thức nữa (tức có nghĩa là một sự hiểu biết phát sinh từ sự phối hợp giữa những gì cảm nhận được từ các cơ quan giác cảm và tri thức - consciousness).
Bốn thứ cấu hợp ấy và cả phần thân xác vật lý tạo ra cơ sở cho bốn loại bám víu đã được trình bày trong chương IV. Tốt hơn hết nên dừng lại đây để đọc lại chương IV để tìm hiểu thật rành rẽ thế nào là bốn loại bám víu. Và ta sẽ hiểu rằng năm thứ cấu hợp trên đây vừa làm đối tượng lại vừa làm cơ sở cho sự bám víu và các sự sợ hãi của ta. Ta có xu hướng nhận diện mình xuyên qua các cấu hợp ấy, và tùy theo mức độ vô minh của mình mà ta sẽ tự nhận diện mình thuộc vào cấu hợp nào trong số năm thứ cấu hợp ấy. Thí dụ một đứa bé bị đau vì đập đầu vào một cánh cửa, nó bèn đá cánh cửa một cái cho hả giận và cảm thấy bớt đau. Nói cách khác thì đấy cũng là cách mà nó xem cánh cửa như là một "con người", tuy đấy chỉ là một thực thể hoàn toàn vật chất, sự bám víu ấy thuộc vào một cấp bậc đơn sơ nhất. Trong khi đó đối với một người lớn, thì khi nổi xung đối với thân xác của mình thì người ấy có thể sẽ lấy tay đấm lên đầu mình, đấy là cách mà người ấy tự nhận diện mình qua thân xác của chính mình, tương tự như đứa bé xem cánh cửa như một thân xác bên ngoài đã làm cho thân xác nó bị đau đớn.
Đối với một người thông minh hơn một tí thì biết tự nhận diện mình qua các giác cảm của mình, sự cảm nhận của mình đối với các vật thể, tư duy của mình và tri thức giác cảm của mình, tuy nhiên người ấy vẫn không phân biệt được từng cấu hợp một và chỉ biết nhận diện mình dựa vào tổng thể của những thứ ấy.
Ngoài trường hợp tự nhận diện mình qua thân xác vật lý như trên đây, thì cũng dễ sinh ra khuynh hướng tự nhận diện mình qua các giác cảm, dù cho các giác cảm ấy thuộc loại dễ chịu, đau đớn hay trung hòa. Thí dụ trường hợp ta bị xâm chiếm bởi các giác cảm vô cùng thú vị, chẳng hạn như các thứ tuyệt vời mang đủ loại màu sắc, hình tướng, âm thanh, hương thơm, vị ngọt, sự đụng chạm êm ái khiến ta ngất ngây từ tâm hồn đến thể xác. Trong trường hợp đó giác cảm sẽ mang tính cách thích thú, và sự thích thú phát sinh từ các cảm giác ấy sẽ khiến cho ta bám víu vào chúng. Thông thường thì mọi người đều tự nhận diện mình qua các giác cảm của mình, và đấy cũng không phải là khó hiểu lắm bởi vì tất cả mọi người đều yêu thích những thứ giác cảm dễ chịu, nhất là đối với xúc giác, tức là các giác cảm phát sinh từ sự va chạm của da. Vô minh và ảo giác làm cho ta mù quáng khiến ta chỉ nhìn thấy các đối tượng của sự khoái cảm để bám víu vào chúng và để gọi đấy là "tôi". Giác cảm, dù thích thú hay khó chịu, đều là một cơ sở đích thật của khổ đau. Trên phương diện tâm linh thì có thể bảo rằng các giác cảm ấy đồng nghĩa với khổ đau bởi vì nó chỉ mang lại đau buồn cho tâm thức: sự thích thú khiến nó bị chao đảo, sự khó chịu thì đày đọa nó. Được, thua, hạnh phúc hay lo buồn, tất cả cũng chỉ là những hình thức dao động của tâm thức mà thôi, chúng làm cho tâm thức phải xoay tít như một con quay. Những gì vừa trình bày là sự bám víu bằng cách tự nhận diện mình qua giác cảm.
Chúng ta cần phải hiểu thật tường tận quá trình trên đây. Nếu tâm thức đủ khả năng nhận ra được giác cảm chỉ đơn thuần là một đối tượng của sự bám víu, thì nó sẽ tự giải thoát cho mình một cách dễ dàng. Thói thường thì các giác cảm đứng ra chỉ huy tâm thức, nó lôi cuốn ta vào những hoàn cảnh mà sau này ta phải hối tiếc. Đức Phật đã vạch ra con đường tu tập hầu giúp chúng ta đạt được sự hoàn thiện (hay viên mãn tức thể dạng của vị A-la-hán), và trên con đường đó Ngài luôn cảnh giác chúng ta phải biết quan sát thật cẩn thận, nghiên cứu và tìm hiểu các hiện tượng thuộc vào giác cảm. Nên hiểu rằng đã có rất nhiều người thoát khỏi khổ đau và đạt được sự hoàn thiện bằng cách ý thức được giác cảm chỉ là một thứ đối tượng đơn thuần của sự quan sát (nhìn các giác cảm như là những gì "bên ngoài" và không nhận diện chúng là "tôi" hay là cái "của tôi").
Giác cảm nguy hiểm hơn bất cứ thứ cấu hợp nào khác, bởi vì nó có thể biến thành cơ sở cho sự bám víu của ta, lý do thật đơn giản là vì mọi sự khuấy động và tất cả các hành động của ta đều hướng vào giác cảm như một mục đích tiên khởi nhất. Chúng ta cố gắng học hành, làm việc để kiếm tiền, sử dụng đồng tiền ấy để mua đủ mọi thứ cho mình: từ các vật dụng hằng ngày cho đến thực phẩm, các trò giải trí, các món ngon ở những nhà hàng sang trọng và kể cả tình dục. Ta thụ hưởng các thứ ấy với một mục đích duy nhất : tạo cho mình các thích thú giác cảm, nói cách khác thì đấy là những kích thích mang lại sự thích thú cho mắt, tai, mũi, lưỡi và thân xác. Ta dồn tất cả tiền bạc, sức lực và tinh thần của mình vào mục tiêu duy nhất là mong cầu tìm được những giác cảm thích thú. Thế nhưng từ nơi sâu kín của lòng mình thì mỗi người trong chúng ta đều hiểu rằng không nên bỏ hết vốn liếng học hành, công của, nghị lực để chỉ mưu cầu tìm được một chút thụ hưởng mang tính cách thích thú giác cảm.
Do đó thật rất hiển nhiên là những gì trình bày trên đây đều thật là những điều hết sức then chốt. Nhận thấy và hiểu được tầm quan trọng của các giác cảm sẽ giúp ta kiểm soát được chúng, vượt khỏi vòng kiềm tỏa của chúng, hầu mang lại cho ta khả năng thực hiện trọng trách của mình một cách hiệu quả hơn.
Tương tự như thế, các vấn đề xã hội cũng phát sinh từ những thứ giác cảm thích thú, và nếu quan sát thật kỹ thì ta cũng thấy những sự xung đột giữa các quốc gia hay giữa các khối cường quốc sở dĩ xảy ra chẳng qua cũng là vì cả hai phía đều bị nô lệ bởi những thứ giác cảm thích thú (quyền lợi, miếng ăn, của cải, đất đai...). Chiến tranh không xảy ra vì đức tin nơi giáo điều, vì lý tưởng hay bất cứ gì khác, mà chỉ vì muốn nhắm vào việc tìm kiếm các thứ thích thú giác cảm (cướp đoạt). Mỗi phe đều tưởng tượng ra là mình sẽ thu góp được mọi thứ lợi nhuận và của cải. Chủ nghĩa chỉ là một thứ ngụy trang hoặc nếu khá hơn thì cũng chỉ là một động cơ thứ yếu. Nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến các cuộc xung đột chính là sự kiện không cưỡng lại được sự áp đặt của sự thích thú giác cảm. Hiểu được giác cảm là gì có nghĩa là ý thức được nguyên nhân quan trọng nhất khiến ta phải nô lệ vào những thứ ô nhiễm của tâm thức, vào các điều xấu và mọi thứ khổ đau (xin chú ý đại sư Buddhadasa không giải thích giác cảm giới hạn trong khuôn khổ một quá trình vật lý và tâm lý, mà nhìn xa hơn như thế rất nhiều và đã chứng minh cho chúng ta thấy đấy là nguyên nhân sâu xa mang lại mọi thứ khổ đau cho con người, từ những thứ đọa đày có tính cách cá nhân cho đến những cuộc xung đột rộng lớn trên bình diện toàn cầu và nhân loại. Đấy là một tầm nhìn thật bao quát, sâu xa và triết học về giác cảm).
Nếu xem đấy là tình trạng chung của thế giới con người, thì cũng nên hiểu là các thiên nhân cũng không khá gì hơn. Họ cũng bị chi phối bởi sự thích thú giác cảm, và có thể còn hơn cả chúng ta. Dù cho họ có nhìn sự quyến rũ ấy dưới một khía cạnh tinh tế hơn, thế nhưng không phải vì thế mà họ ít bị thu hút hơn bởi những thứ giác cảm tuyệt vời mang lại từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác và tâm thức. Đối với các vị trời tức cao hơn các vị thiên nhân, thì các thứ thích thú giác cảm đại loại như trên đây tất nhiên đã bị loại trừ, thế nhưng vẫn có một thứ thú vị khác tạo ra nguyên nhân cho sự bám víu : ấy là sự thích thú liên kết với sự tập luyện phát huy sự tập trung sâu xa (tập trung sâu xa - tu định - chưa đủ để mang lại sự giải thoát, vì còn phải cần đến sự quán thấy sâu xa về bản chất của mọi sự vật - tức tu tuệ). Khi tâm thức tập trung một cách sâu xa thì sẽ cảm nhận được một sự thích thú, một cảm giác thú vị khiến cho tâm thức bám víu vào đấy (thể dạng của các vị trời theo ý nghĩa trình bày trong câu trên). Hàng thú vật thấp hơn con người, tất nhiên sẽ phải là con mồi của giác cảm dưới một hình thức thô thiển hơn chúng ta nhiều. Hiểu được bản chất của giác cảm và nhất là ý thức được rằng ta không phải là các giác cảm và ta không có một lý do gì để bám víu vào chúng để đồng hóa mình là chúng, thì đấy sẽ là một sự trợ lực thật quý giá cho chúng ta trong cuộc sống này.
Sự cảm nhận (sanna- tưởng) cũng là một khía cạnh khác của tâm thức rất dễ nhận biết. Thí dụ như những người bình dị luôn quả quyết rằng trong lúc ngủ thì sẽ có một thứ gì đó gọi là "linh hồn" thoát ra khỏi thân xác, và thân xác thì sẽ trở thành một khúc gỗ vô tri, hoàn toàn mất hết khả năng cảm nhận bất cứ một sự kích thích giác cảm nào. Khi mà "cái ấy" hội nhập trở lại với thân xác, thì khi đó tri thức cùng với thể dạng tâm thần trong lúc tỉnh sẽ được hồi phục. Rất nhiều người đồng hóa một cách thật ngây thơ "cái ấy" với "cái ngã". Thế nhưng Đức Phật đã giảng rằng sự cảm nhận không nhất thiết bắt buộc phải liên hệ đến sự hiện hữu của một "cá thể con người". Sự cảm nhận chỉ là một tổng hợp gồm các giác cảm và kỷ niệm, có nghĩa đấy là những sự hiểu biết được tích lũy và nhất định sự cảm nhận sẽ còn tiếp tục hiện diện cho đến khi nào thân xác vẫn còn vận hành một cách bình thường. Khi các chức năng của thân xác bị xáo trộn, cái mà ta gọi là sự "cảm nhận" sẽ biến đổi và ngưng hoạt động. Đấy là lý do giải thích tại sao những người Phật Giáo chân chính không chấp nhận đồng hóa sự cảm nhận với một "cái tôi" (cái ngã) mang tính cách cá thể. Do đó, việc nghiên cứu thật tỉ mỉ và sâu sắc đúng theo những lời giảng dạy của Đức Phật sẽ mang lại các kết quả ngược lại và cho thấy sự cảm nhận không liên hệ gì đến một "cái ngã", đấy chỉ là kết quả mang lại từ một quá trình tự nhiên, không hơn không kém.
Một nguyên nhân khác gây ra sự bám víu phát sinh từ tư duy tích cực (sankhara – hành, tác ý, sự diễn đạt, tạo nghiệp), đấy là cách hoạch định sẽ thực thi một việc gì đó hay chiếm giữ một cái gì đó, đấy là một hành động của tâm thức (tâm ý, tác ý, hành động duy ý), và nó có thể mang bản chất tốt hay xấu. Tư duy cũng là cơ sở tạo ra sự nhận diện vững chắc về một cái tôi mang tính cách cá thể. Người ta cho ta biết là nếu muốn nhận diện mình là một thứ gì đó thì sự kiện "biết suy nghĩ" sẽ giữ vai trò ưu tiên nhất giúp cho mình tự nhận diện lấy mình. Chính vì thế mà một triết gia thuộc thế kỷ XVII (René Descartes, 1596-1650, một nhà toán học, vật lý học và triết gia nổi danh người Pháp) đã xây dựng tất cả các triết thuyết của mình căn cứ vào định đề sau đây : "Tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu" (nguyên gốc bằng tiếng La-tinh do R. Décartes nêu lên lần đầu vào năm 1634 là "Cogito, ergo sum". Sau đó ông tiếp tục khai triển thêm và đến năm 1641 thì gọi tránh né đi một chút là "Ego sum, ego existo" có nghĩa là "Tôi đang như thế này [tức là] tôi hiện hữu", có thể R. Décartes đã thấy chỗ sơ hở trong định đề do ông nêu lên, thế nhưng những gì đã sai thì dù có cố tránh né bằng mọi cách thì căn bản vẫn là sai. Thí dụ ta đặt ngược định đề của R. Déscartes như sau : "Trước khi tôi biết suy nghĩ, khi tôi không suy nghĩ và sau khi tôi không còn suy nghĩ được nữa thì tôi có hiện hữu hay không ?" Một người bị hôn mê – coma - hoặc hoàn toàn mất trí và trở nên ngớ ngẩn, không còn biết mình là ai thì có hiện hữu hay không? Hoặc một người điên loạn chỉ thấy trong đầu mình toàn là ma quỷ, đâm chém và máu me, và chỉ biết la hét thì có đủ sức để nghĩ rằng "Tôi như thế này [tức là] tôi hiện hữu" hay không? Quả thật định đề do R. Décartes nêu lên trên đây quá ư ngây thơ và ấu trĩ, thế nhưng tiếc thay nó đã ảnh hưởng lớn lao đến nền tư tưởng và văn hóa cận đại của Tây phương). Các triết gia thuộc thời kỳ khoa học của chúng ta đã không tỏ ra tiến bộ chút nào cả về chủ đề này : bởi vì đã từ hàng ngàn năm họ vẫn cứ nghĩ rằng tư duy là cơ sở để xác định một cái tôi cá thể ; theo họ "cái tôi" chính là người suy nghĩ. Như chúng ta đã thấy, đối với Đức Phật thì giác cảm cũng như sự cảm nhận không phải là những thứ đã tạo ra "cái tôi". Ngài cũng phủ nhận luôn cả tư duy, tức là dạng thể suy nghĩ của tâm thức, như là một cái ngã, bởi vì sự sinh hoạt phát hiện dưới hình thức tư duy chỉ là một quá trình hoàn toàn mang tính cách tự nhiên. Tư duy phát sinh từ kết quả tương tác của một chuỗi dài các biến cố xảy ra trước đó. Nó chỉ là một tổng thể các cấu hợp gồm các thành phần khác nhau tạo ra một "cá thể" và tuyệt nhiên cái tổng thể ấy không cho thấy sự hiện hữu nào là "tôi" hay là một "cái tôi" nào cả. Do đó chúng ta có thể giữ vững ý kiến là thành phần "tư duy" không hàm chứa bất cứ một thực thể cá nhân nào, tương tự như trường hợp của những thứ cấu hợp đã trình bày trên đây.
Sở dĩ việc tìm hiểu về vấn đề trên đây gặp nhiều khó khăn là cũng chỉ vì bản chất của tâm thức không được hiểu biết đầy đủ. Chúng ta biết khá rõ về thân xác, tức cấu hợp vật chất, thế nhưng lại không biết gì nhiều về tâm thức, tức là một tổng thể của nhiều thứ cấu hợp phi-vật-chất. Đối với vấn đề này thiết nghĩ cũng chỉ cần nêu lên một cách ngắn gọn là Đức Phật đã giảng rằng "cá thể" là một tổng thể gồm có năm thứ cấu hợp, vừa vật chất vừa tâm thần. Khi cái mà ta gọi là "tư duy" hiển hiện ra, thì tức khắc ta nhìn vào đấy để cho rằng có "một người nào đó" đứng phía sau (tư duy ấy), với tư cách là một người đứng ra để suy nghĩ, một linh hồn thống trị thân xác, hoặc là một thứ gì đại loại như thế. Thế nhưng Đức Phật bác bỏ hoàn toàn cách nhìn đó. Khi phân tách cái-gọi-là "cá thể" ra làm năm thành phần (ngũ uẩn), thì sẽ không còn lại gì cả, điều ấy cho thấy chỉ có các thành phần là hiện hữu, thế nhưng "con người" thì không. Tư duy cũng không làm hơn được, cũng chẳng chứng minh được sự hiện hữu của cái ngã như người ta vẫn thường tin.
Cấu hợp cuối cùng là tri thức giác cảm (vinnana - thức), đấy chỉ là chức năng giúp ý thức toàn vẹn các đối tượng do năm thứ giác cảm nhận biết được. Và nhất định đấy cũng không phải là một cái tôi cá thể nào cả. Các cơ quan (giác cảm) chỉ đơn giản giữ vai trò ghi nhận màu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi, vị và các vật thể sờ mó được, chúng trực tiếp tác động đến các cơ quan ấy (cũng xin ghi nhận thêm là tri thức tự nó cũng là một cơ quan giác cảm và các đối tượng cảm nhận của nó là những hình ảnh tâm thần, tức là những vật thể phi-vật-chất). Kết quả sẽ có một sự ý thức về các đối tượng vừa kể được hình thành theo ba giai đoạn khác nhau (giác cảm - sự cảm nhận – tư duy tích cực). Thí dụ đối với trường hợp thị giác thì sẽ xảy ra sự ý thức minh bạch về hình dạng của đối tượng được quan sát; có thể đấy là một con người hay một con thú, to lớn hay nhỏ bé, trắng trẻo hay đen đúa, v.v... Sự ý thức ấy là một quá trình hoàn toàn máy móc, tự nó vận hành một cách tự động (tùy thuộc vào nghiệp, kinh nghiệm cá nhân và giáo dục... của mình). Thế nhưng một số người lại cho đấy là "linh hồn" và nó có thể nhập vào hay thoát ra khỏi thân xác, tiếp nhận được các thứ kích thích nhờ vào các cơ quan giác cảm, và "cái tôi" thì trú ngụ trong cái linh hồn đó. Các người Phật Giáo chỉ xem đấy là một sự vận hành tự nhiên; khi có một đối tượng của thị giác tiếp xúc với mắt và dây thần kinh thị giác của mắt thì một hình ảnh sẽ hiện ra, và từ hình ảnh đó sẽ hình thành một tri thức thị giác. Thêm một lần nữa sự vận hành của quá trình trên đây cho ta thấy rằng không cần phải có một sự hiện diện nào của cái ngã.
Sau khi đã phân tích "một chúng sinh" và chia cắt nó ra thành từng cấu hợp riêng rẽ - tức thân xác, giác cảm, sự cảm nhận, tư duy và tri thức giác cảm – thì ta sẽ không tìm thấy bất cứ gì có thể xem đấy là cái tôi hay thuộc vào một cái tôi. Do đó ta có thể bác bỏ hoàn toàn ý nghĩ sai lầm ấy để kết luận rằng chẳng có gì có thể là một cái ngã hay hàm chứa một cái ngã cả. Người nào không còn nắm bắt các vật thể, không yêu quý hay ghét bỏ chúng nữa, thì có thể xem người ấy đã quán nhận được tính cách vô-ngã của tất cả mọi sự vật. Chỉ cần nhờ vào các tư duy duy lý cũng đủ để chứng minh là không có cái ngã ; thế nhưng thông thường thì đấy chỉ tượng trưng cho một sự tin tưởng hay một quan điểm, không phải là một sự quán thấy minh bạch, toàn diện giúp cắt đứt vĩnh viễn sự bám víu vào một "cái tôi". Chính vì lý do đó mà ta nên tìm hiểu thật tường tận năm thứ cấu hợp dựa vào cơ sở của ba phép luyện tập để phát huy một sự quán thấy nội tâm đủ khả năng giúp ta loại bỏ được sự bám víu vào ý nghĩ về sự hiện hữu của một cái tôi. Phép luyện tập đó nhằm phát huy trí tuệ và loại bỏ vô minh. Tóm lại chính ta phải tự mình nhìn thấy không có một cấu hợp nào là cái ngã cả, và chẳng có cái ngã nào đáng cho ta bám víu vào nó, và nhờ đó tất cả các hình thức bám víu, kể cả các thứ bản năng hiện hữu từ lúc mới sinh, sẽ phải chấm dứt một cách vĩnh viễn. Chính vì thế mà ta phải học hỏi để đào sâu thêm sự hiểu biết về năm thứ cấu hợp làm cơ sở chống đỡ cho huyền thoại về một "cái tôi". Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh này trong giáo lý của Ngài và có thể tóm tắt lại như sau : « Không có bất cứ một cấu hợp nào của ngũ uẩn là cái ngã cả ». Đấy là một điểm thật then chốt trong giáo lý Phật Giáo, dù trên phương diện triết học, khoa học hay tôn giáo cũng thế. Khi đã ý thức được sự thật đó thì sự bám víu và sợ hãi – phát sinh từ vô minh - sẽ tan biến, và sự thèm muốn không còn một phương cách nào để phát hiện được nữa, và như thế thì khổ đau cũng sẽ chấm dứt.
Vậy thì lý do nào đã khiến chúng ta không nhận biết được năm thứ cấu hợp đúng với bản chất của nó ? Khi mới sinh ta không biết một thứ gì cả về thế giới chung quanh, sau đó thì ta mới bắt đầu thu đạt được các sự hiểu biết nhờ vào những gì xảy ra trong bối cảnh chung quanh dạy cho chúng ta biết, và cách mà chúng truyền đạt sự hiểu biết sang cho ta luôn ẩn chứa ý nghĩ là có một cái tôi cá thể nằm trong các vật thể (khi đứa bé mới sinh, nó không tự phân biệt được sự khác biệt giữa nó và bối cảnh chung quanh, dần dần nhờ kinh nghiệm nó nhận ra rằng những gì chung quanh nó khác với nó – thí dụ nó bị va đầu vào cạnh bàn làm cho nó bị đau – sự hiểu biết đó mang lại cho nó ý nghĩ về một cái tôi tách rời nó ra khỏi bối cảnh chung quanh, thí dụ như cái bàn). Đấy là động cơ thúc đẩy sự tin tưởng vào một cái ngã, mang tính cách bản năng và sơ đẳng nhất đã phát sinh từ lúc đứa bé vừa ra đời, và sức mạnh của động lực đó tiếp tục gia tăng không ngừng theo dòng thời gian. Trong lãnh vực ngôn từ và giao tiếp, chúng ta sử dụng các chữ như "tôi", "anh", "chị", "nó"..., và đấy cũng là một cách làm gia tăng thêm ý nghĩ về một "cái tôi". Chúng ta cũng thường phát biểu như sau : "Đây là ông X., đây là bà Y. Hắn là con của ông Z. và là cháu của bà W". Cách phát biểu đó khuyến khích ta tự nhận diện mình như là một "cá thể con người". Do đó không có ai trong chúng ta chịu quan tâm tìm hiểu tại sao mình lại bám víu vào cái tôi như thế, và sự bám víu ấy thì cứ ngày càng gia tăng thêm mà thôi. Trong khi đó thì nếu đã bám víu vào cái tôi thì hậu quả tất nhiên phải xảy ra : đấy là sự ích kỷ sẽ phát sinh, sự ích kỷ đó phản ảnh trong từng hành động thường nhật của ta (do đó cũng dễ hiểu là chủ trương của Đại Thừa Phật Giáo cũng như của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma là phát động lòng từ bi thật mạnh để hóa giải sự ích kỷ, và đấy cũng là một cách gián tiếp diệt bỏ cái ngã của mình). Nếu chúng ta phát huy đầy đủ được sự sáng suốt để quán nhận được đấy là một sự sai lầm, thì chúng ta sẽ không còn bám víu vào ý nghĩ đây là ông X, đây là bà Y, và họ thuộc giai cấp nào trong xã hội, đấy là những con người hay thú vật, v.v... và chúng ta sẽ nhận ra rằng các danh xưng ấy chỉ là những thuật ngữ mà con người sáng chế ra để sử dụng vào việc giao tiếp mà thôi. Khi đã hiểu được điều đó thì cũng có thể bảo là chúng ta đã vượt thoát khỏi một sự "gian lận của xã hội" (con người trong xã hội giao tiếp với nhau bằng "quy ước", tức là một sự "móc ngoặc" hay "hiểu ngầm" với nhau, những thứ ấy không phản ảnh một sự thật nào cả, và tác giả xem đấy như là một hình thức "gian lận" trong sự sinh hoạt chung của xã hội). Khi chúng ta khảo sát cái tổng thể tạo ra ông X, thì ta sẽ nhận thấy ông ta chỉ là một sự kết hợp gồm thân xác, giác cảm, sự nhận biết, tư duy và tri thức giác cảm. Đấy là một cách nhìn mọi sự vật một cách khôn ngoan hơn (không bị đánh lừa bởi sự "gian lận" của cái nhìn mang tính cách quy ước). Thực hiện được như thế là cách giúp ta tránh khỏi cái bẫy do sự thật tương đối giăng ra trong thế giới này.
Ngoài ra chúng ta còn có thể đẩy sự phân tích trên đây xa hơn nữa. Đối với thành phần thân xác vật chất chẳng hạn, chúng ta có thể phân chia nó thành nhiều thành phần - đất, nước, khí và lửa - hoặc sử dụng khoa học để phân tích nó thành carbon, thán khí, dưỡng khí, v.v.... Khi càng phân tích sâu xa hơn thì ta càng thấy mình ít bị ảo giác về một "cá thể con người" đánh lừa ta hơn. Khi nhìn thấy được những gì ẩn dấu bên dưới cái ảo giác ấy thì ta sẽ nhận thấy đấy chỉ là những cấu hợp vật chất và tinh thần. Nhìn dưới góc cạnh đó, thì "cá thể con người" sẽ biến mất. Ý nghĩ về ông X, bà Y hay một giai cấp xã hội nào đó cũng sẽ biến mất. Ý nghĩ về "con tôi, chồng tôi, vợ tôi..." cũng biến mất. Khi chúng ta biết nhìn mọi sự vật dưới ánh sáng của sự thật tuyệt đối, thì chúng ta chỉ thấy toàn là những thứ cấu hợp, và nếu phân tích cẩn thận các cấu hợp ấy thì chúng ta sẽ nhận thấy có một mẫu số chung cho tất cả: đấy là tánh không. Trong từng cấu hợp mà ta phân tích thì không có một cấu hợp nào mà lại không trống không về cái mà người ta gọi là "cái ngã". Tất cả chúng ta đều có khả năng để quán thấy sự vắng mặt đó (của cái ngã). Khi đã quán thấy được điều ấy thì sự bám víu và sợ hãi sẽ không còn lý do gì để tồn tại và kéo dài được. Chúng tự biến mất, hòa tan, và vĩnh viễn bay bổng vào không trung, không lưu lại một vết tích nào cả.
Cũng chẳng còn súc vật, chẳng còn con người, chẳng còn thành phần, chẳng còn cấu hợp. Chẳng còn gì cả ngoài tánh không, tức sự vắng bóng của "cái ngã". Nếu dừng lại không nắm bắt các vật thể nữa thì ta cũng sẽ không còn biết đau khổ là gì. Một người khi đã cảm nhận được tánh không của tất cả mọi sự vật và nếu như có ai tìm cách đánh giá mình và cho mình là một người tốt hay hung ác, vui vẻ hay buồn rầu, hay bất cứ thứ gì, thì cũng không thể khiến cho mình bị dao động một mảy may nào. Đấy là quả mang lại từ sự hiểu biết, tức là sự thông suốt và sự cảm nhận nội tâm minh bạch về bản chất đích thật của năm thứ cấu hợp. Sự hiểu biết đó sẽ giúp ta loại bỏ hoàn toàn bốn thứ bám víu.
Tóm lại, trong thế giới này tất cả mọi thứ đều nằm trong năm thứ cấu hợp - tức là vật chất, giác cảm, sự cảm nhận, tư duy, và tri thức giác cảm (nói cách khác là tất cả thế giới này đều phát sinh từ năm thứ cấu hợp đó: đây là một quan điểm rất gần với Duy Thức Học trong Đại Thừa Phật Giáo). Mỗi cấu hợp đều tạo ra cho ta sự sai lầm, bởi vì dù cho nó không hàm chứa một "cái ngã" nào cả, thế nhưng nó vẫn có thể khích động được sự bám víu và sợ hãi của ta. Vì thế nên một con người thường tình luôn ham muốn được chiếm hữu, ham muốn được hình thành, hoặc không muốn chiếm hữu, hoặc không muốn được hình thành. Điều đó cho thấy rằng dù trong trường hợp nào thì cũng đều mang lại khổ đau, cái khổ đau đó không nhất thiết phải được phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật, mà thật sự là nó rất kín đáo. Vậy tốt hơn hết mỗi người trong chúng ta nên noi theo các lời giáo huấn về đạo đức, sự tập trung và trí tuệ (ba phép tu tập), hầu giúp mình loại trừ vĩnh viễn và tận gốc những ảo giác liên quan đến năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn). Đấy là con đường đưa đến sự tự do, sự giải thoát khỏi mọi khổ đau. Cuộc sống sẽ trở nên trong sáng và tuyệt vời, tâm thức sẽ vượt lên trên tất cả mọi sự vật, tất cả sẽ tiếp tục duy trì như thế cho đến những ngày cuối cùng trong kiếp sống này. Đấy là quả mang lại từ sự quán thấy sâu xa, trong sáng và hoàn hảo về năm thứ cấu hợp.
|