Đời sống
Chuyện đạo đời (Phần 2)
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
11/06/2553 23:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ba học trò
 
   Trong bất cứ một trường học nào trên thế giới, chúng ta đều có thể tìm thấy ba loại học trò khi phải làm bài toán cho thầy giáo.
   Loại một: tự mình loay hoay, kiên nhẫn giải bài toán một mình.
   Loại hai: “cọp dê” sao y bản chính của bạn, không cần phải tìm tòi thắc mắc chi cả.
   Loại ba: nhờ người khác hướng dẫn, biết đáp số, tập giải cho đến lúc tìm ra đáp số ấy.

   Thông thường, ba loại học trò trên đều có thể đạt đến số điểm giống nhau, nhưng đến lúc trường thi, sẽ có ba kết quả khác nhau:
   Loại một: nhờ đã tự giải một mình nên khi gặp lại đề cũ hoặc tương tự, trúng tủ liền.
   Loại hai: do “cọp dê” bạn hoặc chép sách nên đến lúc phải xoay sở một mình, liền bí tịt, xơi luôn một cặp trứng ngỗng.
   Loại ba: vừa “cọp dê”, vừa giải theo nên năm thuở mười thì, cũng có thể giải lấy một mình.

   Lời bàn
   Cuộc đời này há chẳng phải là một bài toán của mỗi chúng ta đó sao? Đức Phật và các bậc Độc giác là những người có thể tự giải bài toán một mình. Còn lại, các bậc Thánh đệ tử của đức Phật và chư vị Tổ sư, có thể ví như hạng giải bài toán loại thứ ba, vì các Ngài có trí lực và huệ lực nên vừa có thể học hỏi từ trong kinh điển, và áp dụng và đời sống tu tập của mình một cách nghiêm mật, nên trước sau gì đáp số của bài toán cũng sẽ tự hiển lộ.

   Còn chúng ta, chuyên môn “cọp bi” lời của Phật và Tổ mà không chịu nghiên cứu và áp dụng phương thức ấy để tìm ra cách giải!

   Vì vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao rồi chứ! Trong số đó, chúng ta nhiều khi diễn giải kinh rất lưu loát và thao thao bất tuyệt, có thể hay hơn cả những bậc đàn anh đi trước của mình, nhưng khi những khó khăn tìm đến thì ta lại trốn tránh một cách hèn nhát, và những lúc có khổ đau trổi dậy, chúng ta lại không thể vượt qua!