Đời sống
Sống theo lời Phật
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
15/04/2553 01:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lòng ngưỡng mộ Phật của vua A Dục

   Vua A Dục trước là người độc ác nhưng từ khi theo Phật, vua đã thay đổi thành người rất nhân từ. Hồi mới theo Phật, vì lòng cảm mộ quá dồi dào nên mỗi khi ngự ngoài đường, hễ gặp các vị Tỳ kheo nào đi ngang qua, liền xuống kiệu khấu đầu lạy.

   Có vị đại thần tên Da–Tát, thấy thế là quá đáng bèn cản ngăn vua rằng: “Các thầy Tỳ kheo kia chẳng qua là những người đi hành khất ngoài đường, không đáng tôn trọng”. Vua im lặng không trả lời. Cách vài ngày, vua truyền cho các quan văn võ, mỗi ông phải đem bán một đầu súc vật và cho biết giá bán là bao nhiêu. Ông Da–Tát thì phải bán một đầu người. Các đầu súc vật thì các vị quan bán được với một giá tiền sai khác hơn kém nhau chút ít, duy có đầu người của ông Da–Tát bán thì không ai mua.

   Vua hỏi cớ sao, ông Da–Tát trả lời: “Vì đầu người là một vật hèn hạ, không có giá trị gì”. Vua lại hỏi: “Chỉ có một cái đầu này là hèn hạ hay tất cả đầu người đều hèn hạ?” Ông đáp: “Tất cả đầu người đều hèn hạ”. Vua bèn hỏi: “Vậy đầu trẫm đây cũng là hèn hạ sao?”. Ông Da–Tát sợ hãi không dám nói. Sau vua bắt ép ông phải thú thật rằng đầu vua cũng hèn hạ. Vua bèn giảng cho ông Da–Tát nghe: “Ngươi muốn cản ta đừng lạy các vị Sa môn là ngươi có ý kiêu căng, tự đắc. Nhưng cái đầu của Trẫm đây là một vật hèn hạ không ai thèm mua vì cúi đầu xuống mà được thêm công đức, thêm giá trị thì phỏng có hại gì? Nhà ngươi muốn chỉ trích các thầy Sa môn không sang trọng nhưng nhà ngươi không rõ ân đức của các thầy. Khi nào có đi ăn tiệc, ăn đám cưới thời mới nên hỏi đến giai cấp, chớ đã đi tu học mà phân biệt giai cấp làm gì? Người sang trọng, danh giá bị tội nặng thì ai cũng nói người này là kẻ có tội và ai cũng đem lòng khinh bỉ. Nếu con người hèn hạ mà tu nhân tích đức thì ai cũng kính trọng, ai cũng cúi đầu”. Vua nói đến đây, bèn chỉ hẳn vào ông Da–Tát nói lớn rằng: “Ngươi há không nhớ câu này của Phật Thích Ca sao? Ngài dạy: người có trí thời dầu vật không có giá trị cũng làm nên có giá trị. Ta muốn theo Phật, ngươi lại can gián ta, ấy là bất trung. Đến khi ta nằm xuống đất như cây mía kia, thì dẫu muốn lạy, muốn cung kính cũng không được nữa, thời làm thế nào có công đức? Vậy ngươi nên để yên ta lạy các vị Sa môn kiếm chút phúc đức. Nếu người nào dám tự nói: ta là người đáng tôn trọng hơn tất cả, thời ấy là người u mê nhất đời. Nếu lấy huệ nhãn của Phật mà xem xét thân thể, thời biết thân ông vua và thân mọi người cũng giống nhau, cũng da thịt xương, khác nhau chỉ cái phù hoa bề ngoài. Nhưng cốt yếu ở đời là lòng đạo đức thì trong thân thể người hèn hạ nhất đời cũng có thể được. Chính cái ấy làm bậc trí giả gặp đâu cũng phải cung kính, phải vái lạy vậy”.
 
  
Lời bàn:
   Giáo pháp của Thế Tôn là vị lương dược cam lồ có thể chữa trị tất cả mọi tâm bệnh chúng sinh. Dù là người đó có tàn bạo và độc ác đến đâu nhưng một khi đã thấm nhuần diệu pháp cam lồ của đức Phật cũng có thể trở thành một con người thuần thiện đạo đức. Điển hình như vua A Dục. Sau Phật nhập diệt 200 năm, ban đầu là một vị vua khét tiếng tàn bạo. Sau, nhờ Phật pháp cảm hóa, trở thành vị minh quân sáng suốt, hết lòng yêu dân và một mực chí thành hộ pháp kính tín Tam bảo.

   Giáo pháp của Thế Tôn còn như cơn mưa pháp thấm nhuần cho tất cả giống cây lớn nhỏ. Tất cả ai muốn tu cũng đều được cả, không phân biệt giai cấp, trình độ, tuổi tác, không có một sự kỳ thị nào xảy ra trong trong tăng đoàn. Bởi đạo Phật quan niệm rằng: “Tất cả mọi người đều có Phật tánh, đều có khả năng giác ngộ tu hành và thành Phật”. Điển hình như vào thời đức Phật, có rất nhiều người xuất thân từ giai cấp thấp nhất trong xã hội cũng được chấp nhận cho xuất gia, như Tôn giả Ưu ba ly, vốn là thợ hớt tóc của các hoàng thân đã đắc quả A La Hán và đã chủ trì Luật tạng của giáo hội. Nên tập thể tăng già là một tập thể mở rộng, được đối xử bình đẳng về mọi mặt, không phân biệt màu da, giai cấp. Như chính Thế Tôn là bậc Thiên Nhân Sư, vô thượng ở đời, Ngài vẫn dung dị trong tấm y vàng, có những lúc mặc y phấn tảo, đi chân không, dùng tấm lót ngồi (tọa cụ) đan bằng cỏ khô. Có những lúc Ngài trú mưa qua đêm trong một chái nhà lá của thợ làm đồ gốm một mình. Ngài sinh ra dưới cội cây, xuất gia tu tập dưới cội cây, thành đạo dưới cội cây và nhập Niết bàn dưới cội cây. Chỉ đơn giản là nằm nghiêng trên chiếc võng dây treo giữa hai cây Sa la. Cuộc sống dung dị ấy thơ mộng biết bao, đẹp đẽ biết bao, cảm xúc biết bao! Chính những hình ảnh, những nét dung dị đó là những hào quang tối thượng và kỳ diệu nhất để cho đời chiêm ngưỡng. Cũng từ những hình ảnh và đức tính cao đẹp đó mà giáo pháp của Ngài nói ra như một vị cam lồ có thể tưới mát tất cả mọi chúng sinh, khiến cho kẻ ác quay về đường thiện, kẻ lạc đường tìm lại được nẻo chính. Dù đến muôn đời sau, Ngài vẫn là một bậc đạo sư vĩ đại được tôn kính, mến yêu nhất của nhân loại.