Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Cuộc Ðời Ðức Xá Lợi Phất (Sàrìputta)
Soạn Giả: Nyanaponika Thera Dịch Giả: Nguyễn Ðiều (1966)
29/10/2554 06:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

[05]

 

PHẦN THỨ NĂM

ÐẠI ÐỨC SÀRIPUTTA TRONG TÚC SINH TRUYỆN (JÀTAKA)

 

 

Theo kinh điển, chúng ta thấy rằng Ðại Ðức Sàrìputta xuất hiện rất thường trong Túc Sinh Truyện, tức những câu chuyện về tiền thân của đức Phật. Trong đó, tiền thân Phật (hay còn gọi là Bồ Tát) và Ðại Ðức Sàrìputta đã tái sinh làm nhiều nhân vật khác nhau nhưng có liên hệ.

Có những kiếp sống, chúng ta thấy Ðại Ðức Sàrìputta là một ông thầy, còn đức Bồ Tát là người học trò. Chẳng hạn như các câu chuyện Túc Sinh có tên là Susìma (số 163) Cùlanandiya (số 223), Sìlavimasa (số 305), Kàrandiya (số 356) và Mahà Dhammapàla (số 447).

Trong câu chuyện ghi sau cùng, tuy đức Bồ Tát là người học trò và Ðại Ðức Sàrìputta là ông thầy, nhưng người học trò cũng đã đem đến cho thầy mình một bài học giá trị là hãy nên phân biệt mỗi hạng người mà dạy dỗ. Không nên khuyên nhủ kẻ không muốn nghe hoặc không có ý định tìm hiểu kiến thức của mình.

Cũng có những lần luân hồi mà Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm người, còn đức Bồ Tát là một con thú. Ví dụ như trong các truyện: Romaka Jàtaka (số 227).

Chuyện Ðại Ðức Sàrìputta là một đạo sĩ rất khéo léo, có thể nuôi và huấn luyện một con chim đa đa (tiền thân Phật) theo ý muốn của mình. Và chuyện Bhojàjaniya Jàtaka (số 23) hay Dhammadhena Jàtaka (số 122).

Cũng có lắm khi vai trò của hai vị này lại đổi ngược. Chẳng hạn như trong Jaruda Pàna (số 256) và truyện Kundakakucchi Sindhava (số 254) thì Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một con thú, còn đức Bồ Tát thì làm người.

Nhưng ngộ nghĩnh hơn nữa là trong câu chuyện Kurunga Mìga, cả đức Bồ Tát lẫn Ðại Ðức Sàrìputta đều sinh làm thú.

Phần sau đây là những mẫu tóm tắt trong Túc Sinh Truyện. Ở đó ta thấy tiền thân của Ðại Ðức Sàrìputta đã xuất hiện một cách có ý nghĩa:

No 11. LAKKHANA JÃTAKA

Khi ấy Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một trong hai anh em con một gia đình nọ. Người em (tiền thân Sàrìputta) rất thông minh, còn người anh thì ngu tối. Cả hai đã giúp đỡ cha mẹ bằng cách chăn coi một đàn thú trên đồi. Từ nhà họ đến nơi cho đàn thú ăn cỏ phải trải qua một khu rừng nguy hiểm. Người em nhờ óc thông minh đã đưa bầy thú đến nơi một cách an toàn. Nhưng người anh ngu dốt (tiền thân Ðề Bà Ðạt Ða) đến phiên mình đã làm mất cả đàn gia súc.

No 23. BHOJÃJANIYA JÃTAKA.

Truyện này thuật lại kiếp ấy đức Bồ Tát sinh làm một con ngựa chiến phi thường và Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một kiếm sĩ kỵ mã được giao phó trách nhiệm đi bắt bảy vị vua đối nghịch. Sau đó người kiếm sĩ đã thành công nhờ tinh thần bền chí của ông và sự hy sinh của con ngựa tuyệt diệu.

No 69. VISAVANTA JÃTAKA.

Câu chuyện kể lại một con rắn (tiền thân Sàrìputta) có một thứ nọc trị khỏi bịnh nan y của người, nhưng khi nhả nọc ra thì rắn phải chết. Kết quả con rắn chịu chết vì muốn cứu ân nhân của mình.

No 99. PAROSAHASSA JÃTAKA.

Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm đệ tử của một đạo sĩ tu theo phái ẩn dật. Người đệ tử ấy đã thấu hiểu rõ ràng mọi câu nói vừa ngắn gọn vừa cao xa của thầy (tiền thân Phật). Ðây là câu chuyện được xem như nhiều kiếp tu luyện óc thông minh của Ngài.

No 122. DUMMEDHA JÀTAKA.

Truyện kể lại kiếp ấy Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm vua xứ Bénares (Ba La Nại). Ðây là một ông vua rất thông minh, có tài nhìn thú biết được giống tốt. Lúc đó đức Bồ Tát sinh làm một con bạch tượng loại quí, còn Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) đồng thời là vua Ma Kiệt Ðà và là chủ con bạch tượng ấy. Sau đó ông bị mất con voi quí chỉ vì tánh ganh tị.

No 151. RÀJOVÀDA JÀTAKA.

Tiền thân của hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna là hai người đánh xe ngựa chiến của hai vương quốc hùng mạnh.

Một hôm nọ cả hai người cùng đánh xe gặp nhau trên một con đường hẹp. Mỗi bên đều muốn bên kia nhường lối cho mình đi trước. Và họ đã quyết định ăn thua bằng cách tán dương oai lực của những nhân vật mà họ kính trọng nhất.

Kết quả, người đánh xe thứ nhất (tiền thân Ðại Ðức Sàrìputta) thắng cuộc, vì ông đã minh chứng được giới đức của vị vua lãnh đạo xứ sở mình. Vị vua được ca ngợi ấy không ai khác hơn là tiền thân đức Phật.

No 256. ALINACITTA JÃTAKA.

Chuyện tiền thân Ðại Ðức Sàrìputta là một con voi rất khôn ngoan hiền lành và rất nhớ ơn người.

No 206. KURUNGA MIGA JÃTAKA.

Trong kiếp nọ, Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một con chim gõ kiến, và Ðại Ðức Mahà Moggallàna sinh làm một con rùa. Cả hai đã hợp lực cứu được mạng sống của bạn mình là một con nai tức là tiền thân Phật, khỏi tầm sát hại của tên thợ săn (tiền thân Ðề Bà Ðạt Ða). Nhưng sau đó đến lượt con rùa bị bắt và nhờ con chim gõ kiến giải thoát.

No 223. CŨLANANDIYA JÃTAKA.

Thuở kia Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một giáo sư Bà-la-môn, và Ðề Bà Ðạt Ða sinh làm học trò của Ngài. Ngài luôn luôn khuyên đồ đệ chẳng nên khó tính, hiểm ác và tàn bạo, nhưng lời dạy dỗ ấy đã trở nên vô ích.

No 254. KUNDAKA KUCCHI SINDHAVA JÃTAKA.

Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một con ngựa thực kỳ diệu, và đức Bồ Tát là một người buôn ngựa. Con ngựa lúc trước do một người đàn bà làm chủ, nhưng về sau lại thuộc vào tay người lái buôn.

No 256. JARUDAPÀNA JÀTAKA.

Câu chuyện nói về Mãng xà vương (tiền thân Ðại Ðức Sàrìputta) đã giúp Bồ Tát lúc đó là một người lái buôn để chuyên chở một số vàng bạc mà người thương gia ấy vừa may thu hoạch được.

No 272. VYAGGA JÀTAKA.

Có một lần Tỳ-khưu Kokàlika sinh làm một con chằn tinh, vì thế nên không thể sống chung được với tiền thân hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna.

No 227. ROMAKA JÀTAKA.

Truyện thuật Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một đạo sĩ rất trí tuệ. Vị đạo sĩ ấy đã nuôi và huấn luyện một con chim đa đa, tiền thân đức Bồ Tát.

No 281, 292. ABBHANTARA VÀ SUPATTA.

Ðây là hai chuyện kể lại sự ngẫu nhiên trong kiếp chót. Truyện số 281 thuật lúc ấy Ngài Ràhula nhờ một ít nước xoài pha đường của Ðại Ðức Sàrìputta, đã giúp cho mẹ là một Tỳ-khưu ni trị khỏi bịnh no hơi. Còn trong câu chuyện số 292 thì Ðại Ðức Sàrìputta đã đích thân tìm hộ những món ăn dễ tiêu để giúp bà. Ðây là kết quả của việc một kiếp trước bà đã nuôi dưỡng tiền thân của hai Ðại Ðức Sàrìputta và Ràhula.

No 310. SAYHA JÀTAKA.

Kiếp ấy Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một ông vua có viên cận thần tên Sayha là tiền thân Ðề Bà Ðạt Ða. Vua sai người cận thần đi chiêu dụ một đạo sĩ thông thái vừa là bạn cũ của vua về giúp triều đình, nhưng việc chiêu dụ đã thất bại. Vị đạo sĩ thông thái ấy chính là tiền thân đức Phật.

No 313. KHANTIVÀDI JÀTAKA.

Tích thuật khi đức Bồ Tát sinh làm một đạo sĩ rất đức hạnh. Người thuở bấy giờ vẫn gọi Ngài là một đạo sĩ nhẫn nại (Khantavàdi), đồng thời Ðề Bà Ðạt Ða sinh làm một vị vua hung bạo. Ðể thách thức đức nhẫn nại, bạo vương đã đem vị đạo sĩ kia ra hành hạ một cách tàn nhẫn, nhưng không lay chuyển nổi phạm hạnh của người chân tu. Kết quả đức nhẫn nại của vị đạo sĩ đã cảm hóa được viên quan tổng chỉ huy quân đội trong triều đình (tiền thân Ðại Ðức Sàrìputta, và chính vị võ quan này đã đến băng bó những vết thương cho đức Bồ Tát.

No 315. MAMSA JÀTAKA.

Khi ấy Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một người thợ săn và đức Bồ Tát làm con trai một người lái buôn. Lúc cả hai quen nhau và trở thành bạn hữu, thanh niên lái buôn đã dùng những lời lẽ chân chánh để thuyết phục bạn mình từ bỏ cái nghề hung ác ấy.

No 361. VANNARODHA JÀTAKA.

Truyện nói về kiếp chót khi hai vị Ðại đệ tử Sàrìputta và Mahà Moggallàna còn đang sống trong một nơi vắng vẻ. Lúc ấy có một người ăn xin hằng sống nhờ vật thực còn dư của hai Ngài. Nhưng tên ăn mày lại có ác ý muốn gây sự bất hòa giữa hai Ngài. Kết quả người ăn xin đã thất bại vì hai vị Ðại đệ tử này lúc nào cũng cảnh giác, không nghe những lời gièm xiểm xấu xa và sau cùng đồng bảo hắn hãy đi nơi khác.

Trong Túc Sinh Truyện có đoạn còn thuật lại rằng: Trường hợp tương tự như thế đã xảy ra trong một kiếp nọ, khi người ăn xin kia sinh làm một con chó sói, còn hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahahà Moggallàna sinh làm một con sư tử và một con cọp.

No 412. KOTISIMBALI JÀTAKA.

Tích kể lại khi Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm ông vua xứ Garada hay còn gọi là vua Supanna. (Supanna Ràja). Vị vua này đã cứu sống một cây cổ thọ khỏi bị hại vì nơi đó là chỗ ở của một vị thọ thần (tiền thân Bồ Tát).

No 444. KANHA DIPÀYANA JÀTAKA.

Kiếp đó Ðại Ðức Sàrìputta sinh làm một vị đạo sĩ tên Ànimandiviya đã bị một ông vua kết tội oan và đem ra hành hạ bằng cách dùng khí giới đâm xuyên qua thân thể. Nhưng vị đạo sĩ vẫn giữ hạnh nhẫn nại, không để tâm oán hận và ghi nhớ rằng đó chỉ là kết quả của những nghiệp ác từ kiếp trước.

Ðức Bồ Tát lúc ấy cũng là một đạo sĩ, bậc huynh trưởng của tiền thân Sàrìputta tên là Kanda Dipàyana, đã hết lời ca ngợi thái độ cao thượng của người sư đệ mình.

No 472. MAHÀ PADUMA JÀTAKA.

Truyện kể lúc Bồ Tát sinh làm Hoàng tử Mahà Paduma và tiền thân của Ðại Ðức Sàrìputta là một vị thần núi. Nhờ vị thần ấy mà Ngài Hoàng tử thoát chết.

Các tin đã đăng: