Luận tạng Bắc truyền
Dị bộ tôn luân luận
Bồ-tát Thế Hữu tạo Tam Tạng pháp sư Huyền Tráng dịch chữ Hán Nguyên Tuấn dịch và chú thích
26/07/2554 23:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sự Phân Chia Bộ Phái

Tôi nghe truyền lại như vầy, sau khi đức Phật nhập Niết-bàn hơn một trăm năm, thời gian cách đức Phật đã xa, như mặt trời đã khuất dạng từ lâu, tại thành Câu-tô-ma (Kusumapura) nước Ma-kiệt-đà (Magadha), có vị vua tên là Vô Ưu (Asoka)[1] thống lãnh toàn cõi Nam thiệm-bộ (Jambudvipa)[2], đức hóa cả trời người, cảm ứng được một tàng lọng trắng.[3]
Lúc bấy giờ, trong phật pháp đại chúng bắt đầu có sự phân hóa. Bởi nhân vì bốn chúng (Bốn chúng đó là: 1) Long tượng chúng, 2) Biên bỉ chúng, 3) Đa văn chúng, 4) Đại đức chúng.)[4] cùng nhau luận bàn năm vấn đề của ngài Đại Thiên[5] mà không đồng nhất với nhau nên phân chia làm hai bộ phái: một là Đại chúng bộ (Mahàsamghikàh), hai là Thượng tọa bộ (Sthaviràh).
Năm vấn đề [của Đại Thiên] được diễn giải qua bài tụng sau:
“Bị người khác dẫn dụ.                Lại còn có vô tri.
Tâm còn điều hoài nghi. Nhờ người mới ngộ nhập.
Lại nhờ vào tiếng khổ,                 Thánh đạo mới khởi lên.
Tất cả những điều trên,                Là chân thật Phật dạy”.[6]
a. Sự phân chia các chi phái thuộc Đại chúng bộ
Sau đó, khoảng trong vòng 200 năm sau Phật niết-bàn (PNB), Đại chúng bộ lại phân chia thành ba bộ phái: 1) Nhất thuyết bộ (Ekavyavahàrikah), 2) Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravadinah), 3) Kê-dận bộ (Kankkutikàh).
Kế đó cũng trong vòng 200 năm (PNB), Đại chúng bộ lại phát sinh thêm một bộ phái khác tên là Đa văn (Bàhusrutiyàh). Kế đó, cũng trong vòng 200 năm, Đại chúng bộ lại xuất hiện một bộ phái khác nữa tên là Thuyết giả bộ (Prajnàptivadinàh).
Vào khoảng cuối 200 năm, có một người tu sĩ ngoại đạo cũng tên là Đại Thiên,[7] bỏ tà quy chánh rồi xuất gia thọ giới Cụ túc ở trong Đại chúng bộ trên núi Chế-đa (Caitya). Ngài rất đa văn và tinh tấn nên cùng với tăng chúng bộ phái này trở lại nghiên cứu tường tận về năm vấn đề trên. Nhân đó lại phát sinh ra tranh luận chống đối lẫn nhau, liền phân chia làm ba bộ phái: 1) Chế-đa sơn bộ (Caityasailàh), 2) Tây sơn trụ bộ (Aparasailàh), 3) Bắc sơn trụ bộ (Uttarasailàh).[8]
Như vậy, Đại chúng bộ có bốn hoặc năm lần phân chia, tính cả bộ phái gốc và các chi phái gồm có 9: 1) Đại chúng bộ, 2) Nhất thuyết bộ, 3) Thuyết xuất thế bộ, 4) Kê-dận bộ, 5) Đa văn bộ, 6) Thuyết giả bộ, 7) Chế-đa sơn bộ, 8) Tây Sơn Trụ bộ, 9) Bắc sơn trụ bộ.
b. Sự phân chia các chi phái thuộc Thượng tọa bộ
Riêng Thượng tọa bộ cũng trong thời gian này vẫn một vị hòa hợp, mãi đến đầu 300 năm (PNB) mới có chút ít tranh cãi liền phân chia làm hai bộ phái: 1) Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada), cũng còn gọi là Thuyết nhân bộ (Hetuvàdàh), 2) chính là Thượng tọa bộ (Sthaviràh), được đổi tên thành Tuyết sơn bộ (Haimavàtàh).
Sau đó, cũng trong 300 năm (PNB), từ Thuyết nhất thiết hữu bộ phát sinh một bộ phái khác tên Độc-tử bộ (Vatsiputriyas). Kế đến, cũng trong 300 năm (PNB), từ Độc-tử bộ phát sinh ra bốn bộ phái khác gồm: 1) Pháp thượng bộ (Dharmaguptas), 2) Hiền trụ bộ (Dhadrayàniyàh), 3) Chánh lượng bộ (Sammitiyàh), 4) Mật lâm sơn bộ (Sandagirikàh).
Kế tiếp, cũng trong 300 năm (PNB), từ Thuyết nhất thiết hữu bộ, lại phát sinh một bộ phái khác nữa tên Hóa địa bộ (Mahisasakas). Kế nữa, cũng trong 300 năm (PNB), từ Hóa địa bộ phát sinh một bộ phái khác tên Pháp tạng bộ (Dharmaguptakàh). (Phái này) tự tôn ngài Mục Kiền Liên[9] làm thầy. Đến cuối 300 năm (PNB), từ thuyết Nhất thiết hữu bộ phát sinh ra một bộ phái khác tên Ẩm quang bộ (Kasyapiyas), cũng còn gọi là Thiện tuế bộ. Đến đầu 400 năm (PNB), từ Thuyết nhất thiết hữu bộ, lại phát sinh thêm một bộ phái nữa tên là Kinh lượng bộ (Sautrantikas), cũng còn gọi là Thuyết chuyển bộ (Samkràntivàdàh). Phái này tự tôn ngài A Nan[10] làm thầy.
Như vậy, trong hệ Thượng tọa bộ có bảy hoặc tám lần phân chia, tính cả bộ phái gốc và các chi phái gồm có 11 bộ: 1) Thuyết nhất thiết hữu bộ, 2) Tuyết sơn bộ, 3) Độc tử bộ, 4) Pháp thượng bộ, 5) Hiền trụ bộ, 6) Chánh lượng bộ, 7) Mật lâm sơn bộ, 8) Hóa địa bộ, 9) Pháp tạng bộ, 10) Ẩm quang bộ, 11) Kinh lượng bộ.
Các quan điểm căn bản và dị biệt của các bộ phái như thế, ta nay sẽ nói.


[1] Vô Ưu (無憂) là dịch từ chữ Aśoka (阿育), phiên âm làA-dục, là một hoàng đế của vương triều Khổng Tước (maurya) từ năm 273 đến 232 trước CN. Sau một loạt chinh chiến, vua A-dục toàn thắng và đã cai trị phần lớn vùng Nam Á, từ Afghanistan cho đến Bengal hiện nay và đi sâu đến miền Nam tận Mysore. Ông là vị vua đầu tiên của nước Ấn Độ cổ (s. bhāratavarṣa) đã thống nhất được một lãnh thổ vĩ đại, lớn hơn ngay cả Ấn Độ ngày nay.Là một vị vua ủng hộ Phật giáo, ông đã dựng lập rất nhiều trụ đá để ghi lại những thánh tích trong cuộc đời đức Phật và xây dựng các chùa tháp khắp toàn cõi Ấn Độ, do đó, tên tuổi của ông luôn được gắn liền với truyền thống và lịch sử Phật giáo. Ngoài ra, ông còn được biết đến qua tên gọi được khắc trên những trụ đá nổi danh cho đến ngày nay là Thiên Ái Hỉ Kiến (天愛喜見, sa. devānaṃpriya priyadarśi), nghĩa là "người được chư thiên thương mến”, hay “người nhìn sự vật với tấm lòng hoan hỉ".
[2] Nam-thiệm-bộ-châu 贍部州 (Jambudvipa), còn gọi là Nam-diêm-phù-đề, là một từ thường được dùng để chỉ cho một trong bốn châu thiên hạ (Nam-thiệm-bộ-châu, Bắc-câu-lô-châu, Tây-ngưu-hóa-châu, Đông-thắng-thần-châu). Tuy nhiên, chữ Nam-thiệm-bộ ở đây được chỉ cho toàn vùng lãnh thổ Ấn Độ mà thôi.
[3] Tàng lọng màu trắng là một điềm lành trong các điềm lành, được kết tinh bằng mây trắng bao che toàn cõi Nam-thiệm-bộ, biểu hiện sự thống nhiếp của vua A-dục khắp thiên hạ.  
[4] Thuật ký (X53n0844):Đây là 4 chúng Phật giáo trong thời đại vua A-dục. 1) Long tượng chúng còn gọi là Đại quốc chúng, là những môn đồ của Đại Thiên. Những người này cậy nhờ oai lực của vua quan đại thần nên thế lực của họ rất lớn và tánh tình rất kiêu căng, hung hãn. Chính vì họ nên mới phát sinh ra sự tranh luận và Phật pháp cũng từ đó bắt đầu có sự phân chia; 2) Biên bỉ chúng còn gọi Ngoại biên chúng, cũng là môn đồ của ngài Đại Thiên nhưng không phải là những người gây sự tranh cãi, cũng không có oai đức, thế lực; 3) Đa văn chúng là chúng chuyên nghiên cứu học rộng, trì giới tu tập thuận theo thánh đạo; Đại đức chúng tức chỉ cho chư vị Thánh chúng đã chứng đắc Tứ quả, chính là Thượng tọa bộ vây.
[5] Đại tỳ bà sa, q.99: Đại Thiên 大天 (Mahadeva) là một vị tăng ở Ấn Độ. Tương truyền Ngài là con của một thương nhân nước Mạt-thổ-la, ra đời sau đức Phật diệt độ hơn 100 năm. Trước khi xuất gia, Ngài có gây 3 tội nghịch, về sau sám hối xuất gia ở chùa Kê Viên. Ngài có đại thần lực và tam đạt trí, từng đến truyền đạo ở thành Hoa Thị và vua A-dục quy y với Ngài. Ngài còn là vị sư truyền đạo duy nhất được phái đến nước Ma-hê-sa Mạn-đồ-la, giảng kinh Thiên Sứ, bốn vạn người nhờ đó mà đắc đạo. Ngài đề xướng 5 việc (Đại thiên ngũ sự), do đó giáo đoàn của Phật giáo bị phân chia làm hai bộ phái: Đại chúng bộ (Ngài làm sơ tổ) và Thượng tọa bộ.
[6] Nguyên văn bài kệ tụng như sau:
餘所誘無知  猶豫他令入
(Dư sở dụ vô tri,               Do dự tha linh nhập         Đạo nhân thanh cố khởi,    Thị danh chơn phật giáo)
[7] Theo bộ luận này thì ngài Đại Thiên này khác với ngài Đại Thiên đầu tiên (người đề xướng lên 5 vấn đề của một vị A-la-hán) và cách nhau 100 năm. Tuy nhiên, cũng có thuyết cho rằng 2 Ngài này là một. Xin nêu ra đây để cùng tìm hiểu.
[8] Bản Chân Đế (Đ.2033) cho rằng chỉ có 2, gồm: Chi-đề-sơn bộ (Chế-đa sơn) và Bắc sơn bộ chứ không phải 3 như bản Huyền Tráng. Do vậy, theo Chân Đế, Đại chúng bộ có tất cả 4 hoặc 5 lần phân chia nhưng tổng cộng chỉ có 8 bộ phái, trong đó không có Tây sơn trụ bộ.
[9] Trong bản dịch Huyền Tráng dùng chữ Thái thúc thị (採菽氏) dịch từ chữ Mục Kiền Liên, một vị đại đệ tử của đức Phật khi còn tại thế.
[10] Tôn giả A-nan (À nanda), một đại đệ tử của đức Phật, có biện tài là Đa văn đệ nhất, thường được dịch là Khánh Hỷ, Hoan Hỷ hay Vô Nhiễm.

Tiêu điểm: