Thiền học
Ngũ Tổ Ngữ Lục
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn
17/11/2554 11:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mục Lục

Lời phi lộ

I) Có phương thức rõ ràng

II) Kim Cang Công Truyền: Không trụ vào đâu cả!

III) Chỉ thẳng Chân Tâm

IV) Giữ Chân Tâm

V)... Nên vọng niệm không sanh,Tâm ngã sở diệt

VI) Công phu dứt thức của Bồ Tát

VII) Niệm niệm không trụ

VIII) Nghe pháp, Kiến Tánh liền!

IX) Kiến Tánh là Thành Phật

X) Kết: một hệ thống liền lạc

Lời phi lộ

Bài viết này rất quan trọng, vì diễn tả Pháp Thiền của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, vị thiền sư vĩ đại.

Pháp Thiền của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, vị thiền sư vĩ đại, là như thế nào? _Hầu hết mọi người đều biết rằng Ngũ Tổ dạy: thọ trì Kinh Kim Cang thì có thể Kiến Tánh. Và hầu hết chỉ biết có thế.

Dĩ nhiên, không phải Ngũ Tổ chỉ dạy có thế. Khi vừa được truyền ngôi Tổ, ngài đã dạy Kinh Kim Cang và không phải chỉ dạy có một câu: thọ trì Kinh Kim Cang thì có thể Kiến Tánh. Dạy như thế thì chán chết, làm sao có thể có hơn 1000 người lúc nào cũng tụ họp ở Đông Thiền Tự?

Sách vở không ghi lại Ngũ Tổ thuyết pháp ra sao. Chắc chắn là ngài biện tài vô ngại ; không thế thì sao các Phật tử nườm nượp về Đông Thiền Tự ( và sau đó, về Đông Sơn) cầu pháp và Thiền Tông hưng thịnh?

Sách vở không ghi lại ngay cả việc quan trọng nhất: tại sao thọ trì Kinh Kim Cang thì có thể Kiến tánh. Chắc chắn là Ngũ Tổ có giảng _mọi người đều hiểu và thấy không cần ghi lại. Việc này tôi đã trả lời bằng bài luận:

            "Không trụ vào đâu cả! " thì Kiến Tánh tức thì!

Sự giảng dạy của Ngũ Tổ chỉ được ghi lại khá sơ sài trong:

_Luận Tối Thượng Thừa

_vài lời dạy trong Kinh Pháp Bảo Đàn

_và lời Ngũ Tổ dạy: thọ trì Kinh Kim Cang thì có thể Kiến Tánh.

Và xưa nay , chưa có ai khảo sát kỹ lời dạy của ngài , để theo đó tu hành. Thật là một khuyết điểm lớn lao của đệ tử Thiền Tông! Thật lạ lùng! trong khi ngài là giáo chủ của Đông Sơn Pháp Môn _và Đông Sơn Pháp Môn là tên xưa của Thiền Tông!

 

May thay, tôi thấy rằng ta có thể gom lại những điều ghi lại sơ sài đó thành môt hệ thống liền lạc. Đúng như ý của Ngũ Tổ: phương thức, phương thức,và phương thức!...

 

Cũng nên nhắc lại rằng , theo ý tôi, Luận Tối Thượng Thừa được bắt đầu viết khi Ngũ Tổ còn là sa di. Và theo truyền thuyết, Ngũ Tổ là thân sau của Tài Tòng Đạo Giả, mà vị này, theo ý tôi, thì đã Kiến Tánh...

I) Có phương thức rõ ràng

Đặc điểm của Ngũ Tổ: có phương thức rõ ràng! trong khi người ta thường nói Thiền Tông là Cửa Không Cửa hay Cửa Ải Không Cửa.

Thực ra, từ ngày Ngũ Tổ được truyền ngôi Tổ, thì cửa Ải Thiền tông đã có cửa.

Không phải chỉ một cửa mà có nhiều cửa.

Đó là đề tài bài viết này.

II) Kim Cang Công Truyền: Không trụ vào đâu cả!

Ngay sau khi được truyền y bát, Ngũ Tổ đã dạy pháp Kim Cang Công Truyền: dạy mọi người dùng Kinh Kim Cang để Kiến Tánh.

Xem bài viết

Kim Cang Công Truyền và thời kỳ hưng thịnh của Thiền Tông

Như tôi đã viết nhiều lần, đại ý của Kinh Kim Cang là

- Không trụ vào đâu cả!

Chúng ta được biết đến ‘tuyệt chiêu’ này của Thiền Tông là nhờ Ngũ Tổ.

Xem bài viết

"Không trụ vào đâu cả! " thì Kiến Tánh tức thì!

III) Chỉ thẳng Chân Tâm

Việc đầu tiên của Luận Tối Thượng Thừa của Ngũ Tổ là để Chỉ thẳng Chân Tâm.

Trích Luận Tối Thượng Thừa , Ngũ Tổ:

{{ Phàm người tu cần phải biết bản thể, chính nơi thân tâm nầy xưa nay thanh tịnh, không sanh không diệt, không có phân biệt, tâm tự tánh thanh tịnh viên mãn là bổn sư, vượt hơn niệm mười phương chư Phật.

Hỏi: Làm sao biết tâm mình xưa nay thanh tịnh?

Đáp:Kinh Thập Địa nói: "Trong thân chúng sanh có Phật tánh Kim cang, ví như mặt trời tròn đầy sáng suốt không ngăn ngại. Chỉ vì bị mây đen ngũ ấm che đậy, như ngọn đèn để trong bình, ánh sáng không thể chiếu soi. Thí như thế gian tám hướng mây mù đều dậy, khắp nơi đều tối tăm. Mặt trời đâu có tan hoại, tại sao không có ánh sáng? Ánh sáng nguyên không hoại, vì bị mây mù che. Tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh cũng như thế. Chỉ vì bị mây đen vin theo vọng niệm phiền não và các kiến chấp che đậy. Nếu hay giữ tâm lắng lặng, vọng niệm không sanh thì pháp niết bàn tự nhiên hiển hiện".

Cho nên biết, Tâm mình xưa nay thanh tịnh.

Hỏi: Làm sao biết Tâm mình xưa nay không sanh diệt?

Đáp: Kinh Duy Ma nói: "Như không có sanh, Như không có diệt". Như là Chơn như Phật tánh tự tánh thanh tịnh. Thanh tịnh là nguồn của tâm. Chơn như vốn không từ duyên sanh. Lại nói: "Tất cả chúng sanh đều Như, các hiền thánh cũng Như".

Tất cả chúng sanh là chúng ta vậy. Các hiền thánh tức là chư Phật vậy. Danh tướng tuy khác, chơn như pháp tánh nơi thân đều đồng. Không sanh không diệt nên nói đều "Như".

Thế là, biết Tâm mình xưa nay không sanh không diệt. }}

IV) Giữ Chân Tâm

Liền sau khi Chỉ thẳng Chân Tâm , trong Luận Tối Thượng Thừa , Ngũ Tổ dạy chúng ta phải Giữ Chân Tâm.

Trích Luận Tối Thượng Thừa , Ngũ Tổ:

Hỏi: Sao gọi Tâm mình là bổn sư?

Đáp: Chơn tâm nầy sẳn có, không từ ngoài đến, không ràng buộc trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai). Chổ chí thân không gì hơn tự giữ Tâm nầy. Nếu người biết tâm, giữ tâm ắt đến bờ kia. Người mê tâm, bỏ tâm thì đọa tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Chư Phật ba đời đều lấy tâm làm bổn sư. Luận nói: "Rõ ràng giữ tâm thì vọng niệm không khởi, tức là vô sanh".

Cho nên biết Tâm là bổn sư.

Hỏi: Sao nói Tâm mình vượt hơn niệm các đức Phật?

Đáp: Thường niệm các đức Phật chẳng khỏi sanh tử, giữ bổn tâm mình thì đến bờ kia. Kinh Kim Cang nói: "Nếu do sắc thấy ta, do âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai".

Cho nên nói "giữ chơn tâm nầy vượt hơn niệm các đức Phật".

Vượt hơn chỉ là lời nói nhằm vào sự tu hành và khuyên người, kỳ thật quả thể cứu cánh không hai.

Hỏi: Chúng sanh cùng Phật về chơn thể đã đồng, tại sao chư Phật không sanh không diệt, thọ vô lượng khoái lạc tự tại không ngại, chúng sanh chúng ta đọa trong sanh tử chịu các thứ khổ?

Đáp: Chư Phật mười phương ngộ đạt pháp tánh, đều tự nhiên chiếu sáng nơi nguồn tâm, vọng tưởng không sanh, chánh niệm không mất, tâm ngã sở diệt, nên được không thọ sanh tử. Không sanh tử nên rốt ráo vắng lặng, cho nên muôn cái vui đầy đủ. Tất cả chúng sanh mê chơn tánh, không biết gốc tâm, các thứ vọng duyên, không tu chánh niệm, nên tâm yêu ghét dấy khởi. Do yêu ghét nên hồ tâm bị bể chảy; hồ tâm bị bể chảy nên có sanh tử, có sanh tử thì các khổ đều hiện. Kinh Tâm Vương nói: "Chơn như Phật tánh lặn trong biển sáu thức thấy biết, chìm đắm sanh tử không được giải thoát".

Cố gắng lãnh hội chỗ ấy, giữ chơn tâm thì vọng niệm không sanh, tâm ngã sở diệt, tự nhiên cùng Phật bình đẳng không hai.

Hỏi: Chơn như pháp tánh đồng một không hai, nếu mê lẽ ra đồng mê, ngộ lẽ ra đồng ngộ, tại sao Phật giác ngộ bản tánh, chúng sanh thì mờ tối, nhơn đâu như vậy?

Đáp: Từ đây về trước là vào phần bất tư nghì (không nghĩ bàn), không phải chỗ phàm phu đến. Biết tâm nên ngộ, quên tánh nên mê, duyên hợp liền hợp, nói không thể định, chỉ tin quả quyết gìn giữ tâm mình. Kinh Duy Ma nói: "Không tự tánh, không tha tánh, pháp xưa không sanh, nay cũng không diệt, ngộ pháp nầy liền lìa hai bên vào trí vô phân biệt". Nếu người hiểu được nghĩa nầy, chỉ khi tu biết được pháp yếu giữ tâm là bậc nhất. }}

Ngũ Tổ dạy phải Giữ Chân Tâm.

Tất có người phản đối: Chân Tâm nếu chưa chứng,chưa có được thì làm sao mà Giữ Chân Tâm?

Ngày xưa, Đức Phật có dùng một chữ tương tợ, đó là: bảo tồn Chân Lý (Pháp Trích Lục, Những Nguyên Tố). Trong trường hợp này, Phật dạy bảo tồn Chân Lý cho những người chưa đắc Chân Lý ; chẳng có ai thấy đó là mâu thuẫn...

Vậy thì, ta có thể hiểu Giữ Chân Tâm là như sau:

1) Hành giả tu thiền phải hiểu, biết, tin nhận Chân Tâm.

2) Sau đó, Hành giả tu thiền phải giữ gìn cái hiểu, biết, tin nhận Chân Tâm đó.

3) Hành giả tu thiền phải cư xử cho hợp với Chân Tâm, hằng ghi nhớ Chân Tâm:

- Chân Tâm thanh tịnh

- Chân Tâm không sinh không diệt

- Chân Tâm sẵn có trong tâm ta, trong mỗi chúng sinh

V)... Nên vọng niệm không sanh,Tâm ngã sở diệt

Điều kiện cần thiết để tu thiền Thiền Tông là phải hiểu, biết, tin nhận Chân Tâm.( Nếu ta không tin có Chân Tâm thì theo Thiền Tông làm gì?).

Điều lý thú ở đây là: Ngũ Tổ nói Giữ Chân Tâm... nên vọng niệm không sanh,Tâm ngã sở diệt.

Có thể như vậy chăng?

- Tôi nghĩ rằng chắc chắn là như vậy!

Bởi lẽ nếu chúng ta hằng Giữ Chân Tâm (giữ gìn cái hiểu, biết, tin nhận Chân Tâm; hằng ghi nhớ Chân Tâm ) thì ta đâu thèm để ý đến, chấp nhất cái Vọng Tâm điên đảo của ta, của thế nhân mà ta chung đụng hằng ngày?.

Tức là,

            Ta lấy cái Tình rộng lớn diệt Tình nhỏ nhít

 

Như tôi có viết, trong bài thơ Đổi Tâm:

                        Như tình nhân phải đổi thôi (!),

            Tâm sầu rơi rụng, sáng soi Tâm Từ!

                        Tình yêu rộng lớn như như ,

            Đổi thay nhỏ nhít tình tư thế tình!

Đại Tình dần dần sẽ diệt được Tiểu Tình

Đại Tình diệt thất tình!

Xem bài:

Thánh Nhân không có tình , chỉ có... Đại Tình!

Chú Thích:

"Tâm ngã sở diệt", theo ý tôi, xuất phát từ Kinh Kim Cang: Không còn Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sinh tướng, Thọ giả tướng.

VI) Công phu dứt thức của Bồ Tát

Tri = biết ; Thức = nhận biết.

Ngũ Tổ dạy phải quán thức: ngồi quán sự nhận biết của ta, mỗi nhận biết đều quán, rồi sau đó...

Ngũ Tổ gọi đó là Công phu dứt thức của Bồ Tát. Đây là phương thức số 2 của Luận Tối Thượng Thừa.

Đây là một cách quán tâm. Quán tâm là pháp mà Tổ Đạt Ma bảo là cực kỳ khẩn yếu.

Trích Luận Tối Thượng Thừa:

{{ Đáp: Hội thì lòng tin đầy đủ, chí nguyện thành tựu, tâm an ổn yên lặng. Nếu chưa hội, lại một lần nữa dạy ông khéo tự thân tâm yên lặng; tất cả không duyên theo cái gì, ngồi ngay thẳng chánh niệm, khéo điều hòa hơi thở, xét lại tâm nầy không ở trong, không ở ngoài, không ở khoảng giữa, an ổn như như. Quán được yên lặng thuần thục thì thấy rõ dòng tâm thức nầy trôi chảy như giòng nước, sóng nắng liên tục chẳng dừng. Khi thấy thức nầy chỉ là không ở trong, không ở ngoài, an ổn như như, quán được yên lặng thuần thục thì xoay lại tiêu dung lóng đứng rỗng lặng, thức trôi chảy nầy nhẹ nhàng tự diệt. Diệt được thức nầy rồi là diệt được cái chướng hoặc trong chúng Bồ tát bậc Thập địa. Thức nầy diệt được rồi tâm kia liền lóng lặng trong sạch sáng sủa an lành, tôi không thể nói hết hình trạng của nó. Ông muốn biết rõ lấy Kinh Niết Bàn trong quyển thứ ba phẩm Kim Cang Thân và Kinh Duy Ma quyển thứ ba phẩm Kiến A Súc Phật, tâm chín chắn thong thả xem xét thật kỹ sẽ thấy... }}

VII) Niệm niệm không trụ

Như tôi đã viết nhiều lần, đại ý của Kinh Kim Cang là

- Không trụ vào đâu cả!

Chúng ta được biết đến ‘tuyệt chiêu’ này của Thiền Tông là nhờ Ngũ Tổ.

Yếu chỉ thứ nhì của Thiền Tông là "niệm niệm không trụ". Đây cũng là đệ nhị tuyệt chiêu của Thiền Tông.

Yếu chỉ này là phương thức số 1 của Luận Tối Thượng Thừa của Ngũ Tổ.

Xem bài:

            Ngũ Tổ và Luc Tổ: niệm niệm không trụ!

            (Yếu chỉ thiền tông và giải quyết vấn đề vô niệm)

VIII) Nghe pháp , Kiến Tánh liền!

Ngũ Tổ xác định tính cách Đốn Ngộ của Thiền Tông: Nghe pháp , Kiến Tánh liền!

Hãy đọc lời Ngũ Tổ:

{{Phàm người thấy tánh, khi nghe pháp rồi thì phải thấy liền.}}

{{ Ngũ Tổ nói (với Thần Tú): Ông làm bài kệ ấy, tỏ ra chưa thấy bổn tánh. Ông mới tới ngoài thềm cửa, chưa vào trong nhà. Cứ như chỗ thấy hiểu ấy mà tìm đạo Vô Thượng Bồ Đề thì rõ ràng không thể được. Theo đạo Vô Thượng Bồ Đề, hễ khi nghe nói pháp rồi, liền phải biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh của mình. Tâm của mình chẳng sanh chẳng diệt, trong cả thảy thời gian, niệm niệm mình thấy tánh. Đối với muôn pháp, tâm mình suốt thông, không ngưng trệ. Một pháp, mình thấy hiểu chơn tướng. Cả thảy các pháp, mình đều hiểu thấu chơn tướng. Đối với muôn cảnh, tâm mình như như. Tâm như như tức là tâm chơn thật. Thấy như thế, tức là thấy Vô Thượng Bồ Đề của mình.}}

IX) Kiến Tánh là Thành Phật

Ngũ Tổ khẳng định Kiến Tánh là Thành Phật:

{{ Cả thảy các pháp, mình đều hiểu thấu chơn tướng. Đối với muôn cảnh, tâm mình như như. Tâm như như tức là tâm chơn thật. Thấy như thế, tức là thấy Vô Thượng Bồ Đề của mình.}}

Thấy Vô Thượng Bồ Đề của mình là Thành Phật

Ngũ Tổ còn khẳng định rõ ràng hơn nữa, trong Luận Tối Thượng Thừa:

{{ Người nghe cố gắng sau nầy sẽ thành Phật, nguyện hiện tiền độ môn đồ của tôi.

Nếu có người y văn tu hành thì hiện đời thành Phật. Nếu tôi nói dối ông thì đời sau sẽ đọa trong mười tám địa ngục, chỉ trời đất mà thề vậy}}

X) Kết: một hệ thống liền lạc

Có thể nói Ngũ Tổ là một nhà toán học lỗi lạc: luôn luôn tìm phương thức! Và đã tìm ra.

Pháp thiền của ngài có thể xếp đặt lại thành một hệ thống liền lạc.

Này nhé:

1) Hành giả tu thiền phải hiểu, biết, tin nhận Chân Tâm.

2) Sau đó, Hành giả tu thiền phải giữ Chân Tâm.

Hành giả tu thiền phải cư xử cho hợp với Chân Tâm, hằng ghi nhớ Chân Tâm

3) nên vọng niệm không sanh,tâm ngã sở diệt.

( Như vậy, đã ở trình độ khá)

4) Nhưng chưa đủ, cần Kiến Tánh. Vì Kiến Tánh là Thành Phật.

5) Muốn Kiến Tánh Thành Phật thì luyện Kinh Kim Cang.

Cụ thể là: "Không trụ vào đâu cả! "

6) Cũng có thể dùng pháp "niệm niệm không trụ" thay thế cho pháp "Không trụ vào đâu cả!"

7) Pháp "niệm niệm không trụ" này còn giải quyết được vấn đề Vô Niệm

8) Nếu không tập được hai pháp trên thì có thể tập "Công phu dứt thức của Bồ Tát"

Ngài xác định:

a) Tu hành như vậy thì sẽ thành Phật!

Dĩ nhiên, nếu tâm ta không làm nổi việc "Không trụ vào đâu cả!" thì đó không phải là lỗi của Ngũ Tổ

b) Ta có thể tự tu tự chứng

c) Tính cách Đốn Ngộ của Thiền Tông.

Đặc tính này không mâu thuẫn với hệ thống phương thức ở trên vì:

- Tu hành bao giờ cũng là tiệm tu

- Sự Kiến tánh bao giờ cũng là Đốn Ngộ

Trước Ngũ Tổ, chưa có vị Thiền-sư nào đưa ra những phương thức rõ ràng như vậy.

Sau Ngũ Tổ, cũng chẳng có ai!

Mấy trăm năm nay, Thiền Tông có phương thức Khán Thoại Đầu; nhưng phương thức này nhiêu khê và không có nguyên lý vững chắc (mãi đến cách đây mấy mươi năm, mới có thiền-sư Nguyệt Khê giải thích được tại sao:

            Khán Thoại Đầu = = > Kiến Tánh)

Ngoài ra, không phải Ngũ Tổ chỉ đưa ra phương thức Kiến Tánh , mà cả hệ thống tu hành Thiền Tông.

Vào thời Ngũ Tổ, Thiền Tông là thiền của Ngũ Tổ.

Bây giờ ta cũng có thể nói rằng 80% thiền Thiền Tông là thiền của Ngũ Tổ.

Ngày nay, nghiên cứu và tu học những phương thức Ngũ Tổ là điều khẩn yếu!

Chính vì thế mà khi xưa, Tài Tòng Đạo Giả gặp Tứ Tổ , Tổ đã bảo Tài Tòng Đạo Giả đi đầu thai để nhận ngôi Tổ...

*

*

* Lê Anh Chí *.

_____________

Kinh sách tham khảo

Kinh:

            Kinh Đại Bát Niết Bàn, dịch giả Thích Trí Tịnh

            Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận

            Cuộc đời Đức Phật (Trích dẫn Kinh), dịch giả Thích Trung Quán

            Kinh Kim Cang, dịch giả Đoàn Trung Còn

            Kinh Kim Cang, dịch giả Thích Trí Tịnh

            Kinh Kim Cang và Chánh Pháp chưa từng có, dịch và chú giải: Thích Huyền Vi

            Kinh Kim Cang, dịch giả Thích Duy Lực

            Pháp Trích Lục, Huỳnh văn Niệm trích lục.

Ngữ Lục (đến đời Lục Tổ):

            Sáu cửa Thiếu Thất, Đạt Ma Sư Tổ, dịch giả Trúc Thiên

            Luận Tối Thượng Thừa , Ngũ Tổ, dịch giả Thích Thanh Từ

            Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ, dịch giả Thích Minh Trực

            Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ, dịch giả Thích Duy Lực

            Chứng Đạo Ca, Huyền Giác, dịch giả Trúc Thiên

Ngữ Lục (sau đời Lục Tổ):

            Bá Trượng Ngữ Lục, dịch giả Thích Duy Lực

            Truyền Tâm Pháp Yếu, Hoàng Bá, dịch giả Thích Duy Lực

            Cội nguồn truyền thừa và phương pháp tu trì của thiền tông, Nguyệt Khê, dịch giả Mai Phúc Hiền

            Chơn tâm trực thuyết, Phổ Chiếu

            Lâm Tế Ngữ Lục

            Thiền Đốn Ngộ, nhiều tác giả: Huyền Giác, Huệ Hải, Thạch Thành Kim, Oánh Sơn, Hư Vân; dịch giả Thích Thanh Từ

            Tọa Thiền Luận, Đại Giác, dịch giả Như Hạnh

            Tu tâm quyết, Phổ Chiếu

Sách:

            Tứ Diệu Đế, Thích Thiện Hoa

            Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ

            Tổ Thiền Tông, Thích Thanh Từ

            Cao Tăng Dị Truyện, Hạnh Huệ biên dịch