Sách hay
Bản đồ tu Phật
07/07/2558 12:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Chương II: Con đường tu thông thường của quảng đại quần chúng


Người đời, dù sống trong hoàn cảnh nào, ai cũng ước ao đạt được chân, thiện, mỹ. Do lòng ước ao đó mà chữ “Tu” đối với mọi người rất cần thiết. Chưa nói đến những hạng người đi theo một tôn giáo này hay một tôn giáo khác mới gọi là tu, những người thường không theo tôn giáo nào cũng có cách tu của họ.

1. Trong phạm vi cá nhân, đối với họ, “tu” cả ba phương diện: Đức, Trí và Thể. 

Đức: Họ chú trọng sửa chữa những tật xấu của tâm tánh như: tham lam, sân hận, khinh mạn, cống cao, nghi ngờ, dối trá, nịnh bợ, bỏn sẻn, khó khăn, lười biếng, buông lung, nhỏ mọn, tiểu nhơn… vv. (Xem quyển “Tu tâm dưỡng tánh”). Họ cố bài trừ những tánh xấu ấy và thay thế vào những đức tánh tốt đẹp như: từ bi, hỷ xả, nhu hòa, nhẫn nhục, tin tưởng, ngay thật, vị tha, cần mẫn, hăng hái, quảng đại, quân tử… vv. Họ cố kềm hãm, ngăn chận những hành vi tội lỗi như sát nhân, hại vật, trộm cướp, tà dâm và thay thế bằng những hành vi đẹp đẽ như cứu người, độ vật, bố thí, trung trinh... vv, như thế là tu về Đức. 
Trí: Về phương diện trí dục, họ cố gắng trau giồi trí tuệ, mở mang kiến thức, phá tan thành kiến hẹp hòi, thêm nhiều sáng kiến để có thể phán đoán các việc hay dở, lợi hại,... vv, vượt qua mọi trở ngại khó khăn, cùng bí, như thế là tu về Trí. 
Thể: Về phương diện thân thể, họ cố gắng luyện tập cho thân thể được khỏe mạnh, nở nang, dẻo dai, để có thể chịu đựng bền bỉ trước những sự tấn công của bệnh tật, lao nhọc, những cuộc vật lộn với đời để mưu sống, như thế là tu về Thể. 
Không những mỗi người chỉ cần lo tu dưỡng thân tâm, mà còn phải tu bổ những vật sở hữu của mình nữa. Họ sửa sang nhà cửa hư dột, may vá lại quần áo rách nát, (tu bổ) vun xới lại ruộng vườn hoang phế (sửa), tu bổ lại đường sá cầu cống hư sập... vv, như thế đều gọi là “Tu” cả. 
Tóm lại, mỗi cá nhân, bất luận lớn bé, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, sang hèn, đều phải lấy việc tu luyện thân tâm (tu tâm, tu thân), sửa sang (tu bổ) những vật sở hữu làm trọng. Nếu xem thường vấn đề này, thì cuộc đời của những kẻ ấy chẳng bao lâu sẽ trở thành mục nát xấu xa và sẽ bị đào thải một cách mau lẹ ra khỏi cuộc sống.

2. Trong phạm vi đoàn thể: Nếu muốn tồn tại và tiến triển, thì tu luyện cũng phải được xem là vấn đề chánh yếu. 

Một gia đình có tu thì được hòa thuận, yên vui hạnh phúc. Trái lại, một gia đình thiếu tu, thì cha mẹ thường xung đột, con cái bất hòa, anh em ly cách, chồng vợ chia lìa, nghĩa là gia đình sẽ trở thành địa ngục trần gian. Một xã hội có tu, thì dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà không cần đóng cửa, của rớt ngoài đường không mất, phong tục được thuần lương, nước nhà được thạnh trị. Trái lại, một xã hội không tu thì trộm cướp hoành hành, mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, giàu bóc lột nghèo, nước nhà loạn lạc. Một thế giới có tu, thì hòa bình được thực hiện, thế giới được đại đồng, trần gian sẽ trở thành Cực Lạc. Trái lại, thế giới không tu thì giặc giã hoành hành, thế giới bất bình đẳng và trần gian sẽ trở thành địa ngục. 
Vấn đề tu quan trọng như thế, cho nên không thể không tu, mặc dầu mình không theo một tôn giáo nào cả. Đã sống là phải tu, hoặc tu cách này hay cách khác. Không tu thì không thể sống được, không tu thì xem cuộc sống như đồ bỏ, và cuộc sống sẽ trở thành đồ bỏ thật sự, vì có ai săn sóc tới nữa đâu? 
Để tóm tắt đoạn này, chúng ta hãy nhớ lại câu nói của thánh nhơn sau đây:
“Tâm có tu thân mới tốt, thân có tu thì gia đình mới được chỉnh đốn, gia đình có tu quốc gia mới thạnh trị, quốc gia có tu thì thế giới mới hòa bình an lạc”. (Tâm chánh nhi hậu thân tu, thân tu nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình). 
Vậy muốn thế giới hòa bình an lạc thì bắt đầu từ mỗi cá nhơn của chúng ta cần nghĩ và thực hành ngay việc tu dưỡng thân tâm. Xem qua đoạn này, quý vị hãy nhận xét kỹ về lối tu này có thực tế và cần thiết cho chúng ta không?