Tịnh độ
Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm, Bảo Đảm Vãng Sinh
Thích Minh Tuệ Phật Lịch 2554 - 2010
19/05/2554 02:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN IV

PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ

Phần bốn (Phương Pháp Hành Trì) và Phần năm (Niệm Phật Thế Nào Để Bảo Đảm Vãng Sanh) là căn bản của sách này nhằm trình bày từ lý thuyết đến thực hành một phương thức cụ thể bảo đảm vãng sanh bất kể tình huống nào xảy ra lúc lâm chung.

1.- LỢI ÍCH CỦA SỰ NIỆM PHẬT

Kinh nói:

Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba.
Dục thoát luân hồi khổ,
Tảo cấp niệm Di Đà.

Tạm dịch:
Sông ái rộng ngàn thước,
Biển khổ muôn trùng sóng.
Muốn thoát khổ luân hồi,
Hãy mau niệm Di Đà
.

Lợi ích niệm Phật có bảy điều thù thắng. Cam Lồ Sớ nói:

a.- Từ ngữ ít nên dễ thực hành: vì chỉ xưng một câu A Di Đà Phật nên tất cả mọi người đều có thể niệm.
b.- Niệm duyên theo cảnh Phật: vì nhất tâm niệm duyên nơi tướng hảo của Phật, lấy cõi thanh tịnh làm cảnh giới.
c.- Lìa tai nạn được an vui: vì được chư Phật và Bồ Tát gia hộ nên người niệm Phật không có các hoạn nạn, vui vẻ tốt lành.
d.- Xưng danh diệt tội: vì niệm Phật một câu, diệt trừ tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp.
e.- Trì niệm được phước: vì xưng một câu Phật hiệu được phước hơn bẩy loại báu trong tứ thiên hạ cúng dường Phật và A La Hán.
f.- Quả báo cảm được thấy Phật: vì chúng sanh niệm Phật, nên nhất định thấy Phật.
g.- Đích thân Phật đón rước vãng sanh: Hóa Phật và Bồ Tát phóng quang tiếp đón hành giả vãng sanh cõi Phật.

Kinh nói: "Người nào chí tâm thọ trì danh hiệu Phật, hiện đời sẽ được mười điều thắng lợi:

a.- Ngày đêm thường được tất cả chư thiên đại lực thần tướng và hằng sa quyến thuộc ẩn hình ủng hộ.
b.- Thường được hai mươi lăm(7) vị Đại Bồ Tát như đức Quán Thế Âm và nhiều vị Bồ Tát theo thủ hộ mình.
c.- Hằng được chư Phật ngày đêm hộ niệm, Đức Phật A Di Đà thường phóng ánh sáng nhiếp thọ người ấy.
d.- Tất cả ác quỷ như Dạ Xoa, La Sát đều không thể làm hại. Tất cả rồng độc, rắn độc và thuốc độc
đều không thể xâm phạm.
e.- Không bị những tai nạn như nước trôi, lửa cháy, giặc oán, đao tên, gông xiềng, tù ngục, hoạnh tử.
f.- Những nghiệp ác về trước lần lần tiêu diệt. Những oan mạng bị mình giết, nhờ công đức niệm Phật đều được giải thoát, không còn theo báo phục.
g.- Đêm nằm nghỉ yên ổn, hoặc mơ thấy điềm lành hay thấy sắc thân thắng diệu của Phật A Di Đà.
h.- Tâm thường an vui, nhan sắc sáng nhuận, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt.
i.- Thường được mọi người kính trọng giúp đỡ, hoặc hoan hỷ lễ bái cũng như kính Phật.
j.- Khi lâm chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được thấy Phật A Di Đà và các thánh chúng tay bưng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc, cùng tận kiếp vị lai hưởng thọ sự vui nhiệm mầu".

Niệm Phật Kính Luận của Nhị Tổ Thiện Đạo Đại Sư nói: “Các kinh niệm Phật vãng sanh nói niệm Phật có ba chục lợi ích, cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai:

a.- Quá khứ:

Diệt trừ các tội. Niệm một câu Phật hiệu diệt tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử (Kinh Quán Vô Lượng Thọ).

b.- Hiện tại:

(1) Diệt trừ các tội. Niệm một câu Phật hiệu diệt tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử.
(2) Công đức vô biên. Niệm một câu Phật hiệu được tám mươi ức kiếp công đức vi diệu.
(3) Được pháp thù thắng chư Phật.
(4) Chư Phật đồng chứng minh.
(5) Chư Phật đồng hộ niệm.
(6) Mười phương chư Phật đồng khuyên tin niệm.
(7) Nếu có họa hoạn, niệm Phật liền trừ.
(8) Khi lâm chung lòng không điên đảo .(Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ).
(9) Niệm Phật một pháp nhiếp nhiều pháp.
(10) Pháp môn Tịnh Độ bao gồm năm Tông, tám Giáo. Một câu A Di Đà Phật niệm được thuần thục ba Tạng, mười hai bộ kinh(8), những giáo lý cực tắc đều ở trong đó, một ngàn bảy trăm công án, đường lối hướng thượng đều ở trong đó, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cùng ở trong đó.
(11) Khi lâm chung Phật tự đến rước (Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ).
(12) Dùng ít công đức mau sanh Tịnh Độ (Kinh Pháp Cổ).
(13) Thọ mạng lâu dài. Tăng long phước thọ, kéo dài mạng sống, Phật hiệu là thuốc trường sinh của bậc Đại giác.

c.- Vị lai:

(14) Hóa sanh trong đài hoa. Thân màu vàng ròng. Kinh: "Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình". (15) Sống lâu không chết. Sống cho đến ngày thành Phật.
(16) Thân có ánh sáng.
(17) Đủ ba mươi hai tướng.
(18) Được sáu thứ thần thông. Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Túc mạng, Thần túc, Tha tâm, Lậu tận thông.
(19) Được Vô sanh pháp nhẫn.
(20) Thường thấy chư Phật.
(21) Cùng với Bồ Tát làm bạn. Kinh nói rằng: "Bồ Tát vi bạn lữ".
(22) Hương hoa, âm nhạc sáu thời cúng dường.
(23) Cơm áo tự nhiên nhiều kiếp không hết.
(24) Tự do tiến đạo thẳng đến Bồ đề.
(25) Thường tươi trẻ không có tướng già.
(26) Thường được khỏe mạnh không có bịnh tật.
(27) Không bị đọa ba ác đạo.
(28) Thọ sanh tự tại.
(29) Ngày đêm sáu thời thường nghe diệu pháp.
(30) Ở địa vị bất thối.

Tịnh Độ Quần Nghi Luận của đại sư Hoài Cảm nói: "Người sanh về Tây Phương có ba chục điều lợi ích:

(1) Vãng sanh cõi Phật.
(2) Được niềm vui pháp lớn.
(3) Thân cận chư Phật.
(4) Trải qua mười phương cúng dường Phật.
(5) Tận tai nghe Phật thuyết pháp.
(6) Tư lương phước huệ nhanh chóng tròn đầy.
(7) Mau chứng Bồ Đề.
(8) Các trời, Người cùng tụ hội một nơi.
(9) Không thối chuyển.
(10) Vô lượng hạnh nguyện tăng tiến.
(11) Chim Anh Vũ, Xá Lợi tuyên dương pháp âm.
(12) Gió thổi hàng cây tấu diễn thiên nhạc.
(13) Nước xoáy châu Ma ni diễn thuyết pháp khổ không.
(14) Tiếng nhạc tấu diễn âm thanh vi diệu.
(15) Bốn mươi tám nguyện của Phật nhiếp thọ.
(16) Thân sắc vàng ròng.
(17) Thân không xấu xa thấp hèn.
(18) Đầy đủ sáu thứ thần thông.
(19) Thường ở nơi chánh định tụ.
(20) Không có các điều bất thiện.
(21) Thọ mạng lâu dài.
(22) Y phục và ẩm thực tự nhiên hóa hiện.
(23) Chỉ thọ hưởng những điều vui.
(24) Được ba mươi hai tướng tốt.
(25) Thật không có người nữ.
(26) Không có tiểu thừa.
(27) Lìa khỏi tám nạn.
(28) Được ba pháp nhẫn.
(29) Thân thường có ánh sáng.
(30) Thân được sức mạnh kiên cố như kim cang".

Người đạt Bất Niệm Tự Niệm sâu, vọng niệm ít khởi. Thỉnh thoảng vẫn có khởi nhưng vừa khởi lên liền "tự dứt". Đây là điều vi diệu độc đáo nhất của pháp môn.

Người xưa nói: "Một niệm lành, niệm mãi trong tâm, tâm sẽ trọn lành". Kinh nói: "Niệm Phật một câu phước đức vô lượng". Nay ngày đêm chúng ta niệm ba ngàn, năm ngàn, một vạn, mười vạn, ba mươi vạn câu. Vậy thì phước đức biết bao nhiêu mà kể cho hết.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: "Tâm làm Phật, Tâm là Phật".

Liên Tông Cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư nói: "Mỗi tiếng niệm Phật của mình, tiếng nào mình cũng đã là Phật rồi".

Vậy thì Tâm ta đang làm Phật, quyết định Tâm ta phải là Phật.

2.- CÔNG ĐỨC NIỆM PHẬT

a.- Công đức:

Kinh Niệm Phật Ba La Mật dạy: "Muốn vãng sanh Cực Lạc chỉ cần xưng danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tượng của Pháp thân, cho nên niệm danh hiệu chính là niệm Pháp thân vậy".

Pháp sư Tịnh Không nói: "A Di Đà Phật là bổn danh (tên chung, tên gốc) của tất cả pháp giới chư Phật. Danh hiệu của từng vị trong tất cả pháp giới chư Phật là biệt hiệu của họ. A Di Đà Phật là bổn danh của họ cho nên gọi là Pháp Giới Tạng Thân".

Tuyết Hư Lão Nhân nói: "Một câu Nam Mô A Di Đà Phật là Pháp Giới Tạng Thân, bao gồm cả thập phương tam thế chư Phật. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật bao trùm cả mười hai loại bộ kinh điển trong tam tạng, tức là chữ A đã bao gồm toàn bộ giáo pháp của tam tạng. Sáu chữ Hồng Danh là vua của các chú, sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật là chữ bí mật, chẳng phiên dịch. Cả sáu chữ đều chẳng phải là tiếng Trung Hoa. Pháp này cao tột, thù thắng hơn trì tụng bất cứ chú ngữ nào khác".

Tổ thứ chín Ngẫu Ích Đại Sư nói: "A Di Đà Phật là một danh hiệu lớn lao, gồm có vạn công đức, niệm danh hiệu ấy để vời công đức thì công đức nào cũng phải đến hết".

Trong Quán Kinh Sớ, Tổ Thiện Đạo Đại Sư nói: "Niệm Phật một câu diệt tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử và được tám mươi ức kiếp vi diệu công đức".

Kinh Niệm Phật Ba La Mật nói: "Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật thì uy lực bất khả tư nghì của danh hiệu khiến cho tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết". Hiện tượng thanh tịnh hóa này, theo Duy Thức Học được giải thích như sau: Khi ta niệm Phật chủng tử vô lậu của danh hiệu Phật huân tập vào tạng thức, nó sẽ chuyển hóa những chủng tử hữu lậu, gọi là bạch tịnh hóa. Huân tập càng nhiều chủng tử vô lậu, sức chuyển hóa (bạch tịnh hóa) càng mạnh, đến giai đoạn nào đó, bạch tịnh hóa hoàn toàn thì không còn chủng tử hữu lậu, mà chỉ có chủng tử vô lậu, lúc đó tạng thức trở thành Bạch Tịnh Thức, cũng gọi là Vô Cấu Thức (Thức thứ chín). Sau đó chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí.

Do vậy, hành giả cần nỗ lực tinh tấn công phu ngày càng đắc lực hơn, hễ chủng tử vô lậu (danh hiệu Phật) tăng trưởng một phần thì chủng tử hữu lậu (phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến v.v...) giảm một phần; chủng tử vô lậu tăng trưởng mười phần thì chủng tử hữu lậu giảm mười phần v.v... Nhờ vào tiến trình bạch tịnh hóa nói trên, người đạt được Bất Niệm Tự Niệm cảm thấy an lạc, mát mẻ, vui vẻ, hạnh phúc không tài nào diễn tả được, nên nói: uống nước nóng lạnh tự biết. Vọng niệm ngày càng ít hơn, thỉnh thoảng nếu có cũng bị uy lực của danh hiệu Phật, và sức chuyển hóa chủng tử chận đứng, hủy diệt ngay khi vừa móng khởi. Nếu hành giả tiến sâu hơn, đạt Niệm Phật Thành Một Khối thì vọng niệm thô sẽ không móng khởi được nữa.

Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: "Tất cả chư Phật quá khứ vị lai và hiện tại trong mười phương ba đời đều học pháp niệm Phật, mau chóng chứng đắt đạo giác ngộ giải thoát". Thế nên biết, chư Phật trong ba đời đều do niệm Phật được thành Phật.

b.- So sánh công đức:

Theo phẩm Phổ Môn nói: "Có một người cúng dường chư Bồ Tát nhiều gắp sáu mươi hai ức (6.200.000) lần số Bồ Tát nhiều như cát sông Hằng chẳng bằng một thời lễ bái cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm".

Kinh Thập Luận nói: "Một trăm kiếp niệm Quán Thế Âm, chẳng bằng khoảng thời gian một bữa ăn niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng".

Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói: "Một đại kiếp niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, chẳng bằng niệm một câu A Di Đà Phật".

Pháp môn Tịnh Độ thu nhiếp quả của lục độ, vượt hơn số bố thí tiền của gấp trăm ngàn vạn lần.

Kinh Niết Bàn nói: "Một tiếng niệm Phật phân làm mười sáu phần công đức. Nếu có một người bố thí cho chúng sanh khắp cả một thế giới trải qua ba tháng nhưng chỉ đem một phần trong mười sáu phần công đức của một tiếng niệm Phật thì cũng hơn công đức người bố thí kia.

Thế nên biết niệm Phật hơn cả sự bố thí tiền của gấp trăm ngàn vạn lần.

3.- BỐN MÔN NIỆM PHẬT:

Nguyện mà không hành là nguyện suông. Người đời nói: Học, Hiểu, Hành. Nhà Phật dạy: Văn (nghe), Tư (suy nghĩ), Tu (thực hành).

Về hành có bốn cách: Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Trì danh niệm Phật.

a.- Thật tướng niệm Phật là niệm tánh Phật bản lai của chính mình. Đây là quán Pháp thân thật tướng của Phật. Pháp này dành cho bậc thượng căn thượng trí. Phàm phu hạ căn hạ trí chúng ta không kham nổi.

b.- Quán tưởng niệm Phật là pháp quán tưởng Y Báo Chánh Báo cõi Cực Lạc (Kinh Quán Vô Lượng Thọ). Tổ Thiện Đạo dạy: tâm chúng sanh thô, quán cảnh quá vi tế, sâu mầu nên khó thành tựu.

c.- Quán tượng niệm Phật là pháp quán tượng Phật. Để tượng Phật trước mặt, ghi nhận mọi nét của bức tượng, rồi quán tưởng cho đến khi dù không có tượng, lúc mở mắt, nhắm mắt đều thấy hình tượng Phật hiện rõ trước mặt.

- Trong kinh không thấy nói pháp này.
- Đây chỉ là cách thức phụ giúp cho sự trì danh hiệu Phật để hành giả tâm không tán loạn, dễ được chánh hiệm mà thôi.

d.- Trì danh niệm Phật là chấp trì danh hiệu Phật cũng gọi là xưng danh niệm Phật.

Cổ Đức dạy: "Pháp môn Tịnh Độ là con đường tắt trong con đường tắt. Cả ba căn thượng, trung, hạ đều có thể thực hành vừa dễ dàng vừa mau chứng".

Cách này có hai cách: Quán tưởng trì danh và Nhiếp tâm trì danh.

- Quán tưởng trì danh là pháp trì danh cộng thêm quán tưởng.

- Nhiếp tâm trì danh là pháp tôi đang hành trì theo đúng lời dạy của Đức Thế Tôn trong kinh A Di Đà, kinh Lăng Nghiêm và cũng chính là pháp được chư Tổ triển khai, phổ biến từ xưa đến nay. Điển hình nhứt là Tổ Thiện Đạo, Tổ Ngẫu Ích, Tổ Triệt Ngộ, Tổ Pháp Nhiên và các Hòa thượng Thiền Tâm, Trí Tịnh v.v...

4.- CÁCH TRÌ DANH:

Có năm cách trì danh: Cao thanh trì, Đê thanh trì, Kim cang trì, Mặc trì, Ý trì.

a.- Cao thanh trì là niệm ra tiếng lớn.

b.- Đê thanh trì là niệm ra tiếng nhỏ. Kinh Đại Tập dạy: "Đại niệm thấy đại Phật, tiểu niệm thấy tiểu Phật". Cổ Đức bảo: "Niệm Phật lớn tiếng thấy Phật lớn, niệm Phật nhỏ tiếng thấy Phật nhỏ".

Kinh Đại Tập dạy: "Niệm Phật ra tiếng có mười công đức:

- Đánh tan tâm hôn trầm mê ngủ.
- Thiên ma kinh sợ.
- Tiếng vang khắp mười phương.
- Ba đường ác được dứt khổ.
- Tiếng bên ngoài không xâm nhập.
- Niệm tâm không tán loạn.
- Mạnh mẽ tinh tấn.
- Chư Phật vui mừng.
- Tam muội hiện tiền.
- Vãng sanh về Tịnh Độ".

Nhưng khi niệm ra tiếng thì dễ bị hao hơi tổn khí nên không thể niệm lâu.

c.- Kim cang trì là niệm không ra tiếng, còn nhép môi.

Ưu điểm: không hao hơi, tổn khí, niệm được lâu.

Khuyết điểm: nhép môi làm thân động, tâm động theo.

Ba cách này là niệm bằng miệng, niệm lâu ngày có thể trở thành thói quen (tập khí), miệng tự động niệm mà tâm không niệm gọi là hữu khẩu vô tâm. Tổ Đức Nhuận nói: "Niệm như thế dù thét cho bể cuống họng cũng hoàn không". Nghĩa là vô ích. Do vậy có nhiều vị niệm Phật mấy chục năm rồi mà vẫn trơ trơ, không cảm nhận được chút an lạc nào, còn bị phiền não là khác, nên sanh ra chán nản.

d.- Mặc trì là vẫn niệm bằng miệng nhưng không ra tiếng (niệm thầm).

Ưu điểm: không hao hơi tổn khí.

Khuyết điểm: dễ hôn trầm (buồn ngủ)

e.- Ý trì là niệm bằng ý.

Chư tổ dạy: "Tâm vô nhị dụng". Nghĩa là tâm không thể làm hai việc cùng một lúc. Khi tâm lo nghĩ một việc nào khác thì tâm không thể niệm Phật được.

Kinh Pháp Cú dạy: "Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình".

Theo Duy Thức học: "Ý thức công vi thủ, tội vi khôi". Nghĩa là về công ý thức đứng đầu, về tội thì ý thức cũng đứng đầu. Làm ác do ý thức, làm thiện cũng do ý thức. Thí dụ: ý thức muốn đánh, muốn đá thì tay mới đánh, chân mới đá. Ý thức muốn chửi mắng, miệng mới chửi mắng v.v... Sa địa ngục do ý thức lôi kéo. Vãng sanh Cực Lạc cũng do ý thức đưa đẩy. Làm ma hay làm Phật đều do ý thức làm.

Bằng những lý lẽ trên. Với ý trì ta bắt ý thức phải niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc để thành Phật, thật đúng là diệu pháp. Khi ý thức niệm Phật thì, như đã nói ở trên, ý thức không còn làm được việc gì khác, bặt vọng niệm, vọng tưởng, mà câu Phật hiệu luôn hiện tiền.

Trong suốt thời gian ý trì không có vọng niệm vọng tưởng, đúng là tu chỉ của Thiền. Lại lắng nghe rành rẽ rõ ràng danh hiệu Phật đó là tu quán của Thiền. Như vậy ý trì không khác chỉ quán song tu của Thiền.

Cách tập ý trì:

Cách thứ nhứt:

- Bước 1: dùng máy (cassette hay chip) hát niệm Phật A Di Đà (6 chữ hay 4 chữ tùy ý thích), hành giả tịnh tọa, lắng lòng nghe (nhĩ căn = lỗ tai), dùng ý thức nghĩ, ghi nhận, đưa vào tâm từng chữ, từng câu rành rẽ, rõ ràng theo đúng nhịp điệu hát của máy. Đừng để bị xen tạp và gián đoạn.

Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày tự nhiên thuần thục.

Nhớ: khi tập cách này phải xả, bỏ quên, không quan tâm đến cách niệm trước đây.

Cách này quá dễ, ai ai cũng thực hành được, nhưng có khuyết điểm là tâm còn phan duyên theo tiếng bên ngoài, gọi là hướng ngoại.

- Bước 2: Không dùng máy nữa, mà dùng bốn hay sáu ngón tay để nhịp.

Hành giả tịnh tọa, lắng lòng, dùng ngón tay nhịp, dùng ý thức để nghĩ, niệm từng chữ, một cách rành rẽ, rõ ràng, theo từng nhịp của ngón tay.

Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày tự nhiên thuần thục.

- Bước 3: không dùng máy và ngón tay.

Hành giả tịnh tọa, lắng lòng, tự nghĩ và tự niệm rành rẽ, rõ ràng từng chữ, từng câu thánh hiệu A Di Đà.

Lúc đầu biết tâm mình đang niệm Phật A Di Đà, chứ chưa nghe tiếng. Quen dần, thuần thục sẽ nghe rành rẽ, rõ ràng, từng tiếng (từng chữ), từng câu thánh hiệu A Di Đà.

Cái nghe này là nghe bằng tánh nghe (không phải bằng nhĩ căn, lỗ tai). Tình trạng nầy gọi là "Phản văn, văn Phật hiệu".

Người mới (sơ cơ) ý trì chỉ năm hoặc mười phút là mệt, niệm không được nữa, thì thay đổi niệm bằng miệng (Kim cang trì hay mặc trì là niệm thầm, hay niệm ra tiếng) thời gian ngắn (5,10 phút) rồi lại tiếp tục niệm bằng ý (ý trì) luân phiên thay đổi như thế nhiều lần, lâu ngày ý trì sẽ thuần thục (hoàn toàn niệm bằng ý).

Cách thứ hai:

- Bước 1: Viết bốn chữ hay sáu chữ Thánh Hiệu A Di Đà lên bảng viết hay lên giấy.

Hành giả tịnh tọa, lắng lòng, mắt nhìn Thánh hiệu A Di Đà (4 hay 6 chữ) thay vì đọc bằng miệng thì đọc bằng ý (ý thức).

Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày thì tự nhiên thuần thục.

- Bước 2: Không dùng mắt nhìn tấm bảng hay giấy có viết Thánh Hiệu A Di Đà nữa.

Hành giả tịnh tọa, lắng lòng, tự nghĩ và tự niệm y như bước ba nói ở cách thứ nhứt.

Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày tự nhiên thuần thục.

Nói rõ hơn, khi dùng ý nghĩ từng tiếng, từng chữ, từng câu Thánh hiệu A Di Đà, là gieo (huân tập) hạt giống (chủng tử) Phật vào Tạng thức. Huân trưởng lâu ngày chày tháng, hạt giống vô lậu sẽ lớn mạnh dần dần, và khởi hiện hành qua nhiều trạng thái, từ thấp đến cao như sau:

- Giúp ta nhớ niệm Phật nhiều hơn.
- Giúp ta nghe thành tiếng (bằng tánh nghe)
- Thay vì ý thức mà Tạng thức tự niệm (nhập tâm).

Ưu điểm: không hao hơi, tổn khí, đúng như pháp, dứt trừ được vọng niệm, vọng tưởng, mau nhập tâm, đạt Bất niệm Tự niệm.

Khuyết điểm: khó thực hành.

Kinh nghiệm cho thấy, khi thực sự buông xả được vạn duyên, ý trì được sáu mươi (60) phút liên tục không gián đoạn, mỗi ngày hai lần, một tuần lễ sau là hoàn toàn có khả năng sẽ được nhập tâm.

GHI CHÚ:

(7) Mười hai loại bộ kinh: Cũng gọi là Thập Nhị Phần Giáo, chỉ cho mười hai loại kinh được phân biệt theo hình thức và nội dung giáo pháp của Phật:

1.- Khế Kinh cũng gọi là Trường Hàng, tức thể văn xuôi, trực tiếp ghi chép giáo thuyết của Phật.
2.- Ứng Dụng cũng gọi là Trùng Tụng, là phần kệ tụng giải thích lại cho rõ ràng những giáo thuyết mà Khế Kinh đã nói.
3.- Ký Biệt cũng gọi là Thọ Ký, vốn là thể loại giải thích về giáo nghĩa. Đời sau đặc biệt chỉ cho những lời ấn chứng trước của Phật về các việc làm trong vị lai của các đệ tử.
4.- Phúng Tụng cũng gọi là Cô Khởi, là thể loại kệ tụng độc lập, trực tiếp ghi chép giáo thuyết của Phật, không lặp lại ý nghĩa trong phần văn trường hàng đã nói trước đó như vai trò của Ứng Dụng.
5.- Tự Thuyết nghĩa là Đức Phật không đợi người khác thưa hỏi mà Ngài tự khai thị giáo pháp.
6.- Nhân Duyên ghi chép nhân duyên giáo hóa thuyết pháp của Phật.
7.- Thí Dụ là dùng thí dụ để giảng nói pháp nghĩa.
8.- Bổn Sự thể loại ghi chép về hành trạng của Phật về các đệ tử ở đời quá khứ ngoài bổn sinh giám. Hoặc các kinh mở đầu bằng câu "Phật thuyết như thị" cũng thuộc thể loại này.
9.- Bổn Sinh là thể loại ghi chép những hạnh đại bi mà Đức Phật tu hành trong các đời quá khứ.
10.- Phương Quảng là các kinh giảng nói giáo nghĩa sâu xa, rộng lớn.
11.- Hỷ Pháp cũng gọi là Vị Tằng Hữu pháp tức thể loại ghi chép những việc hiếm có của Phật và các đệ tử.
12.- Luận Nghị là thể loại kinh ghi chép việc Đức Phật nghị luận về thể tính các pháp, phân biệt rõ ràng ý nghĩa.

(8): Phật Thuyết Thập Vãng Sanh A Di Đà Phật Quốc Kinh nói: "Nếu có chúng sanh tin tưởng sâu xa kinh này, niệm A Di Đà Phật, nguyện vãng sanh thì Đức Phật A Di Đà trong thế giới Cực Lạc kia bèn sai Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Pháp Tự Tại Bồ Tát, Bảo Tạng Bồ Tát, Kim Tạng Bồ Tát, Kim Cang Bồ Tát, Sơn Hải Huệ Bồ Tát, Quang Minh Vương Bồ Tát, Hoa Nghiêm Vương Bồ Tát, Chúng Bảo Vương Bồ Tát, Nguyệt Quang Vương Bồ Tát, Nhất Chiếu Vương Bồ Tát, Tam Muội Vương Bồ Tát, Tự Tại Vương Bồ Tát. Đại Tự Tại Vương Bồ Tát, Bạch Tượng Vương Bồ Tát, Đại Oai Đức Vương Bồ Tát, Vô Biên Thân Bồ Tát, hai mươi lăm Bồ Tát ấy ủng hộ hành giả, dù đi hay đứng, dù nằm hay ngồi, dù ngày hay đêm, trong hết thảy thời, hết thảy nơi, chẳng cho ác quỷ, ác thần được dịp làm hại".

5.- THỰC HÀNH:

a.- Vì sao phải niệm Phật?

Người xưa nói: "Ngồi buồn lo nghĩ vẩn vơ, lo cau trổ muộn, lo già hết duyên" hoặc "Nhàn cư vi bất thiện".

Đức Phật dạy: "Tâm chúng sanh là tâm viên, ý mã". Tâm viên là tâm như con khỉ, leo trèo nhảy nhót không mệt mỏi. Ý mã là y như con ngựa chạy rong không ngừng nghỉ.

Kinh Pháp cú nói: "Tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác các pháp".

Liên Tông Thập Nhị Tổ Triệt Ngộ đại sư nói: "Phàm đã có tâm thì không thể vô niệm. Vì tâm thể vô niệm chỉ có chư Phật chứng đắc, còn từ Đẳng giác Bồ Tát trở về trước đều thuộc hữu niệm. Phàm khởi một niệm, nhất định sẽ rơi vào một trong mười cõi, vô niệm thì vượt ngoài mười cõi. Vì không một niệm nào vượt ra khỏi mười pháp giới. Cho nên vừa khởi một niệm tức là đã có một duyên thọ sanh như sau:

- Nếu tâm này tương ứng với lòng đại từ đại bi bình đẳng, công đức y chánh(9), cho đến hồng danh vạn đức, tức đã niệm pháp giới Phật.
- Nếu tâm này tương ứng với tâm Bồ Đề, Lục Độ vạn hạnh tức đã niệm pháp giới Bồ Tát.
- Nếu tâm vô ngã tương ứng với mười hai nhân duyên tức đã niệm pháp giới Duyên Giác.
- Nếu tâm vô ngã quán xét Tứ đế tức đã niệm pháp giới Thanh Văn.
- Hoặc tâm này tương ứng với Tứ thiền, Bát định cho đến Thập Thiện Thượng phẩm tức đã niệm pháp giới Thiên.
- Nếu tâm tương ứng với ngũ giới tức niệm pháp giới người.
- Nếu tu tập các pháp ngũ giới, Thập thiện mà trong tâm còn sân hận, kiêu mạn, thắng thua tức rơi vào pháp giới Tu La.
- Nếu dùng tâm yếu kém niệm Thập ác hạ phẩm tức rơi vào pháp giới Súc sanh.
- Nếu dùng tâm nửa yếu kém, nửa mạnh mẽ tương ứng với trung phẩm Thập ác thì liền rơi vào pháp giới Ngạ Quỷ.
- Nếu với tâm mạnh mẽ tương ứng với thượng phẩm Thập ác thì liền rơi vào pháp giới Địa ngục".

Con người sau khi thân hoại mạng chung, nghiệp lực nào mạnh nhứt sẽ đưa đi tái sanh ở cảnh giới tương ứng (gọi là nghiệp lực chiêu cảm). Ví như, cái cây bình thời nghiêng về hướng nào, khi ngã sẽ đổ về hướng đó. Người nào biết rõ lý lẽ và lời dạy trên của Chư Tổ và Đức Phật mà không niệm Phật thì chưa từng có; Vậy phải niệm Phật để về cảnh giới Phật (tránh rơi vào chín cảnh giới kia).

Vả lại, pháp môn niệm Phật là dễ tu, dễ chứng, hợp thời cơ như đã trình bày ở Phần một, và là pháp môn mà tất cả chư Phật trong ba đời mười phương phải thực hành để thành Phật (Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội).

b.- Tiếng niệm Phật:

(1) Tiếng niệm Phật phải rành rẽ (không lộn lạo), rõ ràng (không trại giọng), chắc thiệt, (tâm tiếng khắng nhau). Trong bốn chữ nên nhấn mạnh chữ đầu (A) hoặc chữ cuối (Phật). Kinh nghiệm cho thấy, nếu niệm không rành rẽ, rõ ràng thì khi nhập tâm sẽ không rành rẽ, rõ ràng. Khi niệm nhấn mạnh chữ nào, sẽ nhập tâm chữ đó trước, tiếp theo những chữ kế tiếp. Ví dụ, nhấn mạnh chữ A khi nhập tâm, sẽ ra A Di Đà Phật. Nhấn mạnh chữ Phật, khi nhập tâm nó sẽ ra Phật A Di Đà. Nhấn mạnh chữ Đà, khi nhập tâm nó sẽ ra Đà Phật A Di. Muốn điều chỉnh lại cũng được nhưng mất thời gian khá lâu.

(2) Niệm không quá mau, vì mau quá, tâm không bắt kịp tiếng (không chắc thiệt), dễ mệt, không niệm được lâu. Niệm quá chậm thì sẽ rời rạc, lơi lỏng, có kẽ hở vọng niệm dễ chen vào. Không niệm quá mau, không niệm quá chậm, tốc độ vừa phải.

(3) Tiếng niệm Phật phải xuất phát từ tâm, lên miệng ra tiếng, đến tai nghe, ý ghi nhận tiếng ấy vào tâm. Như vậy tâm khởi, miệng niệm, tai nghe, tâm ghi nhận, được vậy thân, khẩu, ý (tâm) đều niệm Phật, xoay vần liên tục như vậy không có kẽ hở thì nhứt định không còn vọng niệm, vọng tưởng nữa. Niệm như vậy là tiếng hiệp với tâm, chắc thiệt, hay nói tâm tiếng là một, hoặc nói tiếng ở đâu tâm ở đó, được vậy khi niệm Phật nhứt định tâm đã có Phật. Không thể nói gì khác hơn được.

Lại nữa, kinh niệm Phật Ba La Mật nói: "Danh hiệu Phật là biểu tượng Pháp thân Phật". Vậy niệm Phật là niệm Pháp thân Phật, nhớ nghĩ như vậy thì không thể nói hữu khẩu vô tâm được.

Nên nhớ; mỗi tiếng niệm Phật là một tiếng kêu cứu Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc đồng thời một lần đánh thức ông Phật tự tánh.

c.- Giọng niệm Phật:

Hòa thượng Tinh Vân ở Đài Loan nói: chúng ta cần thường niệm Phật bằng bốn tâm niệm như sau. Niệm Phật với:

(1) Tâm bi thiết là niệm với giọng bi lụy, thiết tha khẩn cầu Phật tiếp dẫn như con té giếng, thiết tha kêu cha mẹ cứu vớt. Giọng này buồn lắm nhưng dễ cảm ứng.

(2) Tâm hoan hỷ là niệm với tâm hớn hở vui mừng như người học đạo gặp diệu pháp, sẽ được Phật tiếp dẫn giải thoát, không khác người nghèo được của báu.

(3) Tâm như hư không là niệm với cái tâm thanh thản (không mong cầu), rỗng rang, vô sự, buông xả vạn duyên, không còn mảy may chấp trước, dính mắc ngũ dục lục trần, danh văn, lợi dưỡng v.v...

(4) Tâm thực tại là tùy duyên niệm Phật theo ngoại cảnh, như tiếng nước chảy, gió thổi, chim kêu, xe chạy, tiếng chuông, tiếng mõ v.v... đều giả tá tiếng niệm Phật. Mỗi mỗi bất luận là tiếng gì, thậm chí tiếng mắng chửi mình đều giả tá là tiếng niệm Phật.

Kinh Hoa Nghiệm dạy: "Nhứt thiết duy tâm tạo" nghĩa là tất cả đều do tâm làm ra, hay "Nhứt thiết pháp từ tâm tưởng sanh" nghĩa là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh ra.

Pháp sư Tịnh Không thường nói: "Tâm tưởng sự thành".

Hoà thượng Quảng Khâm nói: "Tất cả tiếng chim kêu, nước chảy, gió thổi Ngài đều nghe là tiếng niệm Phật, suốt thời gian như thế".

Dễ giả tá nhứt là tiếng mõ, tôi và một số liên hữu đã thực hành kết quả rất tốt.

Quý vị nên thực tập pháp "giả tá" này, càng nhiều càng tốt. Bao giờ quý vị nghe được lời cằn nhằn của ông xã hay bà xã mình là tiếng niệm Phật, chừng ấy quý vị mới đạt tới niệm Phật, không xen tạp, không gián đoạn, rồi tiến tới nhứt tâm.

d.- Thái độ niệm Phật:

Khi niệm Phật, tâm không nên trụ bất cứ chỗ nào trên thân cả, mà chỉ trụ vào câu niệm Phật (danh hiệu Phật). Gọi là tiếng ở đâu, tâm ở đó, nghĩa là khi miệng niệm Phật, tâm phải có Phật (chắc thật).

(1) Niệm Phật bằng cái tâm cung kính, chí thành, khẩn thiết, như vậy mới tương ưng, dễ cảm ứng. Tâm cung kính là tâm kính như đang đối diện với Phật. Tâm chí thành là tâm thành thật cùng cực như con xa nhà, thật lòng muốn gặp lại mẹ hiền. Tâm khẩn thiết là tâm thiết tha, gấp rút như cầu cứu lửa cháy đầu.

Dụng công vậy là hoàn toàn tốt, nhưng thực tế chúng ta khó dụng công nổi mà chỉ có thể dụng công trong thời khóa biểu hằng ngày.

Ngoài thời khóa ta niệm một cách bình thường như nói chuyện nhưng phải nghiêm túc không phải đùa.

(2) Niệm Phật bằng cái tâm buông xả vạn duyên, cái tâm không. Tâm không không phải là không có cái tâm mà là tâm rỗng rang, vô sự, không chấp trước, không dính mắc cái gì khác ngoài danh hiệu Phật, bằng cái tâm thanh thản nghĩa là không mong cầu gì cả, kể cả không mong cầu thành tựu tịnh nghiệp vãng sanh.

Nhà Phật dạy: người tu phải có nguyện cầu nhưng không mong cầu, vì mong cầu là vọng tưởng chướng ngại đường tu.

Trên đây phân tách tiếng niệm Phật, giọng niệm Phật và thái độ niệm Phật để cho hành giả sơ cơ chọn lựa pháp thích hợp mà hành trì. Đối với người niệm thuần thục, họ tùy duyên, an nhiên, tự tại trước mọi pháp (tiếng, giọng, thái độ niệm Phật). Hiểu như vậy, dù là sơ cơ cũng không nên phân biệt, chấp trước pháp này đúng sai, tốt xấu, hay dở mà gây chướng ngại đường tu.

e.- Những điều cấm kỵ:

Điều tối kỵ là niệm Phật một cách lơ là, lơi lỏng, giả dối, không quan tâm chú ý đến câu Phật hiệu, niệm lấy có, chiếu lệ, niệm cho đủ số. Niệm như vậy đúng là miệng niệm Phật mà tâm không có Phật. Tổ nói: "Thét cho bể cuống họng cũng hoàn không". Nghĩa là vô ích.

f.- Các bệnh đối trị:

Người niệm Phật thường bị các bịnh sau: phan duyên, hôn trầm, tán loạn, vô ký.

(1) Phan duyên là các căn, nhứt là mắt, tai mũi, chạy theo (duyên theo) sắc, thinh, hương v.v...

Đối trị: làm ngơ (xả bỏ) ngoại cảnh, tập trung tâm ý (nhiếp các căn) vào câu Phật hiệu.

(2) Hôn trầm là buồn ngủ, ngủ gục.

Đối trị: thay đổi vị thế, phương cách, nhịp độ như đang tịnh tọa thì đổi kinh hành, hay lễ Phật. Đang niệm thầm thì đổi niệm ra tiếng. Đang niệm ra tiếng hay niệm thầm thì gia tăng tốc độ (niệm nhanh hơn).

(3) Tán loạn là vọng niệm, vọng tưởng khởi dậy quá mạnh, suy nghĩ tứ tung, loạn xạ.

Đối trị:

- Áp dụng pháp Phản văn trì danh, miệng niệm tai nghe. Tập trung tinh thần, lắng lòng (thu nhiếp các căn) khởi dậy câu Phật hiệu rành rẽ, rõ ràng từng chữ, từng câu một.

- Đối với người sơ cơ (mới tập niệm Phật) dùng pháp trên không hiệu quả thì dùng pháp Thập Niệm Ký Số, như sau: Niệm rành rẽ, rõ ràng bốn chữ hay sáu chữ cũng được, niệm câu nào nhớ câu nấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Niệm nhớ đủ mười câu, bắt đầu niệm nhớ lại từ một đến mười. Luân chuyển mãi như thế.

Không được quá mười câu. Niệm rõ ràng, nhớ phân minh, nghe rành rẽ, không xen tạp, không gián đoạn, không có kẽ hở, làm sao vọng niệm chen vào được.

(4) Vô ký là trạng thái không hôn trầm, không tán loạn, lưng chừng, mơ mơ, màng màng, nửa thức, nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê. Có người lầm tưởng là đắc định.

Đối trị giống như tán loạn, hoặc hôn trầm nói trên.

Trên đây nói chung cách đối trị tổng quát, mỗi người có căn tánh, trình độ khác nhau nên khéo léo, linh động, uyển chuyển áp dụng cách đối trị của riêng mình.

j.- Thời khoá công phu:

Hành giả tịnh nghiệp phải dõng mãnh tinh tấn hành trì miên mật ngày đêm. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy: "Niệm Phật phải chuyên cần". Chuyên là tinh ròng, không xen tạp. Cần là không bỏ phí một phút, giây không gián đoạn. Đồng nghĩa này, Tổ thứ mười một, Tĩnh Am đại sư, và Tổ thứ mười hai Triệt Ngộ thiền sư đồng dạy: "Niệm Phật phải niệm KHÔNG XEN TẠP KHÔNG GIÁN ĐOẠN". Tổ thứ tám Liên Trì đại sư dạy: "Bí quyết của niệm Phật là NIỆM NHIỀU" nhiều ở đây phải hiểu là nhiều câu và nhiều thời gian (24/24 giờ).

Tại sao? Vì:

- Trong A Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư nói: "Mỗi tiếng niệm Phật của mình, tiếng nào mình cũng là Phật rồi".

- Cổ đức nói: "Nhứt niệm tương ưng(10), nhứt niệm Phật. Niệm niệm tương ưng, niệm niệm Phật". Chữ niệm này có thể hiểu hai nghĩa: một tiếng niệm Phật mà được tương ưng thì ngay tiếng niệm Phật đó mình là Phật rồi: hoặc một sát na (thời gian ngắn) niệm Phật được tương ưng, thì ngay sát na đó mình là Phật rồi. Nhiều sát na niệm Phật được tương ưng thì nhiều sát na mình là Phật rồi.

Có người nói: "Niệm Phật lai rai. Như Lai cũng độ. Niệm Phật tà tà Di Đà cũng rước". Quan niệm này hết sức tiêu cực, may ra ức ức người có một, nên tránh.

6.- NHẬP THẤT

a.- Tại chùa:

Phật tử nên cố gắng sắp xếp mọi việc gia đình để tham dự những khóa Phật thất do chùa tổ chức, vì đây là cơ hội, nhân duyên giúp ta hành trì niệm Phật mang lại kết quả tốt đẹp nhứt. Vì sao?

- Đất già lam là nơi được Thiện Thần Hộ Pháp thường bảo vệ.
- Đạo tràng niệm Phật nhất định được Chư Phật, Chư Bồ Tát trong mười phương thường hộ niệm.
- Từ trường công đức thanh tịnh của đại chúng rất mạnh. Nó tác động mãnh liệt qua lại lẫn nhau, giúp hành giả tỉnh thức, tự dẹp vọng tưởng, tự phá phiền não quay về với tự tánh rỗng lặng sáng suốt của mình mà niệm Phật, do vậy kết quả tối đa.
- Nhận được những kinh nghiệm quý báu về hành trì niệm Phật của quý Thầy, Sư cô và liên hữu, nên thực hành đúng cách, công phu đắc lực hơn.
- Nhờ hành giả tự khép mình trong khuôn khổ, nội quy, thời khóa tu học nên:

* Tránh được bịnh giải đãi mà dõng mãnh tinh tấn niệm Phật.
* Không tự do phóng túng mà thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, nhờ vậy mà thân tâm trang nghiêm, thanh tịnh. Đây là yếu tố đạt nhứt tâm.
* Dễ thành tựu tịnh nghiệp từng bước một.

Dù chưa thành tựu, cũng nắm được nguyên tắc căn bản, có thêm một số kinh nghiệm hành trì, thực tập được những bước hành vững chắc, có những tiến bộ vượt bực, làm cái đà để từng bước thành tựu tịnh nghiệp sau này, hầu bảo đảm vãng sanh thỏa chí nguyện thành Phật, cứu độ chúng sanh.

Chùa không đủ khả năng tổ chức Phật thất quanh năm suốt tháng nhưng vào những ngày nghỉ cuối tuần có "Ngày niệm Phật", vì những lợi ích nói trên, để tự tạo cho mình một hành trang đầy đủ về Cực Lạc, nghĩ vậy thì nhứt định phải tích cực tham dự thường xuyên không bỏ qua lần nào cả.

b.- Tại Tu Viện:

Chùa Tịnh Luật đã xây cất chùa mới ở Houston (Texas). Chùa cũ ở Waller (Texas) đổi tên là Tu Viện Tịnh Luật. Nơi đây rộng rãi, mát mẽ, yên tịnh, có những cốc nhỏ riêng biệt, đủ tiện nghi, cho từng vị một, rất thích hợp cho việc tịnh tu.

Dưới sự hướng dẫn của hai Thầy tu Tịnh Độ đã và đang có những vị Thầy, Sư cô, Phật tử (trong và ngoài tiểu bang Texas) nhập Phật thất tịnh tu nơi đây, thành tựu khả quan.

c.- Tại nhà:

Nhập Phật thất là cách tu hiệu năng cao nhứt. Do vậy nếu vì hoàn cảnh sanh hoạt không đến chùa hoặc tu viện được, thì nên tu Phật thất tại nhà. Thời gian dài ngắn gì cũng được, càng dài càng tốt, ít nhứt là một ngày. Người dù bận rộn cách mấy, một tuần cũng có ít nhứt một, hai ngày rảnh.

Như ông bà già phải giữ cháu để con đi làm. Hai ngày cuối tuần không đi làm thì chúng phải tự giử con, để bố mẹ nhập tu Phật thất tự tạo hành trang về Cực Lạc chứ.

Về hình thức và nội dung Phật thất, dựa vào cách tổ chức của chùa và tu viện, uyển chuyển tùy theo hiện cảnh gia đình, trọng nội dung hơn hình thức.

7.- ĐỊNH KHÓA HẰNG NGÀY

Ở chùa hoàn cảnh thuận lợi hơn nên dễ lập định khóa, quý vị là cư sĩ tại gia thì tùy hoàn cảnh sanh hoạt hằng ngày, tùy khả năng sức lực, khả năng hành trì mà lập định khóa thích ứng. Định khóa không nên quá thấp (uổng phí thời gian) cũng không nên quá cao (khi có, khi không). Chư tổ dạy: "Định khóa có tiến, nhứt định không có thối và thà chết chớ không bỏ qua định khóa". Lời dạy quý báu này, xin quý vị ghi nhớ cho.

Định khóa niệm Phật có ba phần: Tịnh tọa niệm Phật, Lễ bái niệm Phật và Kinh hành niệm Phật. Ba phần này, niệm Phật là chánh, tịnh toạ, lễ bái, kinh hành là phụ. Có nghĩa là danh hiệu Phật phải luôn luôn hiện tiền, không bị xen tạp, không bị gián đoạn.

Thế nào gọi là không xen tạp, không gián đoạn? Không xen tạp nghĩa là không hoài nghi, ngoài Thánh Hiệu A Di Đà Phật (sáu chữ hoặc bốn chữ) không có bất cứ gì khác, thí dụ như không có niệm Phật Thích Ca, Phật Dược Sư, Quán Thế Âm Bồ Tát, tham, sân, si… không có tạp nghĩ buồn giận, thương, ghét, muốn.

Không gián đoạn nghĩa là chữ nọ nối với chữ kia, câu sau đuổi câu trước nối tiếp liền tù tì không có kẻ hở.

a.- Tịnh tọa niệm Phật: là ngồi mà niệm Phật. Có nhiều cách ngồi.

- Toàn già (kiết già hay gọi là Kim Cang Tọa): gác bàn chân trái lên đùi chân mặt, gác bàn chân mặt lên đùi bên trái, gót hai bàn chân đều phải sát vào bụng.

- Bán già, có hai cách:

* Hàng ma tọa: gác bàn chân mặt lên đùi trái (như Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát).
* Kiết tường tọa: gác bàn chân trái lên đùi mặt (như Ngài Phổ Hiền Bồ Tát).

Tay: hai bàn tay để ngửa, bàn tay mặt đặt lên trên bàn tay trái, vừa sát bụng, và để nhẹ trên hai bàn chân, hai đầu ngón tay cái đâu lại (Tam Muội Ấn).

Lưng tay chân đều đâu vào đó rồi, phải lay chuyển thân thể độ ba bốn lần cho được ung dung và phải giữ xương sống ngay thẳng, chẳng khác nào một cây cột đối với cái nhà. Nếu cột xiêu thì nhà đổ vậy.

Ngồi đúng cách giúp máu huyết lưu thông điều hòa, không bị tê nhứt, thân an định giúp tâm dễ an định.

Hành giả vì lý do bịnh, có thể ngồi trên ghế một cách bình thường vẫn được, vì rằng niệm Phật mới là chánh, còn ngồi là phụ.

Trong suốt thời gian tịnh tọa phải giữ câu Phật hiệu hiện tiền, nghĩa là niệm Phật không xen tạp, không gián đoạn. Niệm tốt nhất vẫn là ý trì và mặc trì.

b.- Lễ bái niệm Phật:

Lễ bái niệm Phật cũng gọi là lễ bái trì danh. Lạy chậm rãi, khoan thai, đúng cách. Tốt nhứt là lạy theo sự hướng dẫn của Pháp sư Đạo Chứng chỉ rõ trong "Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư".

"Lễ Phật một lạy tội diệt hằng sa". Lạy càng nhiều càng tốt nhưng hành giả chuyên tu thì phải ưu tiên giữ câu Phật hiệu hằng hiện tiền (luôn luôn, không xen tạp, không gián đoạn). "Niệm Phật một câu phước đức vô lượng".

Tùy sức, không nên lạy một lần quá nhiều, mỏi mệt dễ chán nản. Lạy vừa sức mình, nhiều lần trong ngày vẫn tốt hơn.

c.- Kinh hành niệm Phật:

Kinh hành niệm Phật là vừa đi vừa niệm Phật. Niệm Phật là chánh, đi là phụ. Phải đi để thay đổi vị thế tránh mỏi mệt, không phải đi diễn hành, tâm trụ nơi Phật hiệu chứ không phải trụ nơi bước chân.

Kinh hành thân quá động, tâm khó an định lắm, nên thời gian dành cho kinh hành ngắn nhứt.

Suốt thời gian định khóa, bất luận là bao lâu, từ khi bắt đầu thắp nhang, đến khi kết thúc bằng ba tiếng chuông, phải niệm Phật không cho xen tạp và gián đoạn, nghĩa là ngoài Thánh hiệu Di Đà, không có bất cứ cái gì khác như định nghĩa trên. Định khóa rất cần thiết nó giúp ta tinh tấn không giải đãi.

8.- PHÁP THẬP NIỆM

Đối với người mới tập niệm Phật, hoặc người quá bận rộn, nên hành Pháp Thập Niệm như sau:

- Sớm mai thức dậy phục sức xong rồi, chắp tay hướng về hướng Tây, niệm: Nam Mô A Di Đà Phật. Nên lấy hơi dài, niệm liên tiếp một hơi, kể là một niệm, niệm đủ mười hơi là mười niệm. Nhưng đừng quá cố gắng, hơi hoặc dài ngắn, tiếng hoặc cao thấp, niệm hoặc chậm mau, đều tùy theo sức mình.
- Niệm xong, phát nguyện vắn tắt cầu sanh Tây Phương Cực Lạc.
- Nếu có thờ Phật, nên thắp hương cúng Phật xong đối trước Phật mà niệm, khi vào và lui ra phải lễ Phật ba lạy.
- Chỉ nên niệm mười hơi, vượt quá mười hơi, dễ sanh bịnh.

9.- KHÔNG ĐỊNH KHÓA

Hám Sơn đại sư(11) khai thị: "Mỗi ngày trừ hai thời công khóa, chỉ đem một câu A Di Đà Phật đặt ngang ngực, niệm niệm chẳng quên, tâm tâm chẳng mê. Với hết thảy sự đời chẳng nghĩ ngợi gì đến. Chỉ lấy một câu Phật hiệu làm mạng sống chính mình. Cắn chặt hàm răng quyết chẳng buông bỏ, thậm chí ăn uống, cử động, đi, đứng, nằm, ngồi, một tiếng niệm Phật này, thời thời hiện tiền. Nếu gặp cảnh giới thuận, nghịch, vui, giận, phiền não, lúc tâm chẳng yên, bèn đem một tiếng niệm Phật khởi lên, liền thấy phiền não ngay khi ấy tiêu diệt. Bởi niệm niệm phiền não là gốc sanh tử. Nay dùng niệm Phật tiêu diệt phiền não, chính là Phật độ nỗi khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tiêu được phiền não, liền có thể hết khỏi sanh tử, không có pháp gì khác. Nếu niệm Phật đến khi làm chủ được phiền não, thì làm chủ được mộng mị. Nếu trong mộng đã kiểm soát được thì trong khi bệnh khổ cũng làm chủ được. Nếu đã làm chủ được (bản thân) trong khi bịnh tật, thì lúc mạng lâm chung, liền biết chỗ sanh về. Sự này chẳng khó làm, chỉ cần làm với một niệm sanh tử, tâm khẩn thiết. Chỉ cần dựa vào một mình tiếng niệm Phật không có suy nghĩ gì khác. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc, được đại thọ dụng".

Thảo Am thiền sư dạy: "Trong hết thảy lúc, đều coi là lúc lâm chung, thì thời nào cũng là thời niệm Phật. Niệm Phật như thế mới là khẩn thiết. Tâm khẩn thiết như vậy mới sanh Tịnh Độ. Phải chí tử hạ thủ công phu, mới mong thành tựu tịnh nghiệp. Thường nghĩ đến lúc chết, tâm mới tha thiết. Phải như vậy mới có thể đạt đến thành Phật. Đấy mới là bí quyết niệm Phật chân thành".

Cổ đức dạy: "Hành giả niệm Phật, phải niệm ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, mọi hoàn cảnh, mọi tình huống ngay cả trong mộng cũng niệm, ấy mới gọi là chơn niệm. Niệm đến tâm xót lệ ứa, niệm đến lửa tắt tro lạnh, niệm cho thần gào quỷ khóc. Niệm đến trời vui, đất mừng. Vạc dầu sôi sau lưng, ao sen trước mặt, dẫu ngàn vạn người ngăn ta không cho niệm cũng chẳng làm gì nổi".

Theo đúng lời chỉ dạy trên, ta nên:

- Tập giữ câu Phật hiệu luôn luôn hiện tiền trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, ăn uống, mặc áo, tắm rửa, giặt dũ, vui buồn, phiền não, đau ốm...
- Tập thành thói quen, niệm Phật năm, mười câu trước và sau trong những trường hợp sau: Ba bữa ăn (sáng, trưa, chiều), khi tắm, đi vệ sinh, sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ, trước khi ra khỏi nhà, sau khi về đến nhà, hay làm những việc gì có tánh cách cố định. Chỉ cần tập một tuần lễ là quen, càng nhiều thói quen càng tốt. Tập thành "ghiền" niệm Phật càng quý.

Tổ thứ Tám, Liên Trì đại sư dạy: "Bí quyết của hành môn niệm Phật là NIỆM NHIỀU". Nhiều ở đây là nhiều câu và nhiều thời gian. Và phải KHÔNG XEN TẠP, KHÔNG GIÁN ĐOẠN.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: "Tùy duyên nhưng bất biến".

Tổ sư Ấn Quang đại sư dạy: "Một lòng không trụ, muôn cảnh đều nhàn".

Ngạn ngữ: "Ngọn núi cao không ngăn làn mây bạc" hay "Bụi trúc rậm chẳng ngại dòng nước chảy".

Vậy hành giả Tịnh độ phải khéo léo linh động, uyển chuyển, tùy duyên, tận dụng tối đa thời gian hành trì Niệm Phật.

Ví như người ở nhà bận giữ con cháu hay làm công việc nhà, người làm ở các công sở, hay lúc lái xe đến sở, hoặc lái xe về nhà, thì có thể mở máy cassette để nghe tiếng niệm Phật suốt thời gian này, gọi là khéo léo tận dụng tối đa thời gian niệm Phật để được vãng sanh Cực Lạc.

Ưu Đàm đại sư dạy: "Muốn vãng sanh Cực Lạc, cần chuyên nhất ý niệm, nắm chặt một câu A Di Đà Phật.

- Chỉ một niệm này là Bổn Sư của ta.
- Chỉ một niệm này là Hóa Phật.
- Chỉ một niệm này là dũng tướng phá tan địa ngục.
- Chỉ một niệm này là bảo kiếm chém bầy tà.
- Chỉ một niệm này là đèn sáng xua tan bóng tối.
- Chỉ một niệm này là thuyền lớn vượt qua biển khổ.
- Chỉ một niệm này là phương pháp hay thoát khỏi sanh tử.
- Chỉ một niệm này là đường tắt ra khỏi ba cõi.
- Chỉ một niệm này là bản tánh Di Đà.
- Chỉ một niệm này là thấu suốt Tịnh độ duy tâm".

Chỉ cần nhớ câu A Di Đà Phật này, ở nơi tâm niệm đừng bỏ mất. Niệm niệm thường hiện tiền, niệm niệm không rời tâm, rảnh rang cũng niệm như thế, bận rộn cũng niệm như thế, an vui cũng niệm như thế, bịnh khổ cũng niệm như thế, lúc sống cũng niệm như thế, khi chết cũng niệm như thế. Được vậy, bảo đảm vãng sanh Cực Lạc.

Vậy thì chúng ta phải: Quyết chí tử hạ thủ công phu để vãng sanh Cực Lạc thành Phật độ chúng sanh.

GHI CHÚ:

(9) Chánh báo: Là quả báo chánh thức mà thân tâm thọ dụng. Hết thẩy mọi sự vật thế gian mà thân tâm ta nương tựa gọi là Y báo.

(10) Tương ứng: Là khế hợp ví như thùng và nắp khớp với nhau vậy.

(11) Hám Sơn Đại Sư: Tự là Đức Thanh. Họ Thái, người đất Kim, Kim Lang. Xuất gia từ lúc 19 tuổi. Ngài chuyên tâm niệm Phật. Có một đêm, Đại sư nằm mơ thấy Đức A Di Đà hiện thân giữa hư không. Từ đó về sau, Ngài thấy tướng Phật dường như phưởng phất trước mặt. Đại sư tham thiền gần mười năm, khi được tỏ ngộ liền vào ẩn trong núi Lô Sơn tu tịnh nghiệp. Rồi Ngài đến Tào Khê niệm Phật mà hóa vãng, thọ 78 tuổi. Nhục thân vẫn còn thờ ở chùa Nam Hoa, Tào Khê chung với nhục thân của Đức Lục Tổ Huệ Năng.