Truyện tích
Truyện Cổ Sự Tích Cứu Vật Phóng Sinh(Tập 1)
Tác giả: Pháp sư Tịnh Không Việt dịch: TT. Thích Phước Sơn Saigon, PL: 2544 ; TL: 2000
31/10/2553 03:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

5. Bảo Vệ Sinh Mệnh Loài Vật Được Thêm Tuổi Thọ (^)

Tiêu Chấn người huyện Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, thuở bé, một hôm ông nằm mộng, thấy một vị thần mặc áo giáp vàng, nói với ông: "Này chú bé, tuổi thọ của con chỉ có mười tám năm mà thôi". Khi thức giấc, Tiêu Chấn cảm thấy bàng hoàng, trong lòng đầy mối u sầu, đau khổ. Thân phụ ông vốn là một vị quan thanh liêm, được thăng chức và đổi đến trấn nhậm tỉnh Tứ Xuyên. Lúc ấy, ông nghĩ mình không còn sống được bao lâu nên không muốn theo cha, nhưng thân phụ ông lại muốn ông theo hầu bên mình, nên buộc lòng ông phải đi theo.

Đến nhiệm sở được hai ngày thì quan chủ tỉnh Tứ Xuyên thiết tiệc đãi phụ thân ông. Ông cũng bị bắt buộc đến dự tiệc. Theo tục lệ của tỉnh Tứ Xuyên, hễ sau ba tuần rượu ngon thức lạ, thì nhà bếp sẽ dâng lên một bát canh rau.

Phương pháp chế biến bát canh này rất là tàn nhẫn, thảm khốc. Người ta dùng lửa để hơ dưới vú một con bò cái để cho sữa vọt ra, đọng lại trong một cái bát làm bằng sắt, kết thành một món ăn hảo hạng. Ngẫu nhiên, Tiêu Chấn đi xuống nhà bếp, thấy con bò bị cột nơi cây cọc, liền hỏi người đầu bếp, đầu bếp trình bày tường tận với ông. Ông vô cùng kinh ngạc, lập tức đi đến chỗ thân phụ, trình bày đầy đủ những gì đã trông thấy và thưa với phụ thân: "Người ta vì ngon miệng khoái bụng mà đem lửa nung vào vú bò, để sửa chảy ra, như thế con bò chắc chắn sẽ đau đớn vô cùng, xin phụ thân ra lệnh đình chỉ việc pha chế một thức ăn đầy tính chất vô nhân đạo như thế này.

Thân phụ ông vốn là người nhân từ, liền ra lệnh miễn dâng thức ăn đặc biệt ấy. Nhờ thế con bò cái liền được cứu thoát. Mấy hôm sau, Tiêu Chấn nằm mơ thấy một vị thần mặc áo giáp vàng đến nói với ông: "Này cậu bé, con đã làm một việc phúc đức nên không những không bị chết yểu mà còn được sống lâu, làm quan đến Tể tướng, hy vọng con sẽ thương yêu bảo vệ mọi loài sinh linh nhiều hơn nữa".

Quả nhiên về sau, Tiêu Chấn làm đến chức Thừa tướng và thọ hơn chín mươi tuổi mới qua đời.