Truyện tích
Truyện ngắn: Thoát vòng tục lụy
Bản Dịch của HT Thích Quảng Độ Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1987
20/02/2553 04:49 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương Sáu

Sau khi từ giã Vương tiẻu thư và tướng phủ, Ngọc Lâm lủi thủi một mình trở về chùa Sùng Ân, thầy có cảm tưởng như một tù binh vừa được phóng thích, thầy thấy nhẹ nhõm, khoan khoái.Ánh nắng ban mai hòa dịurọi trên hai gò má Ngọc Lâm, gió sớm hây hẩy lướt qua mặt thầy, trên đường vẫn chưa có người qua lại, và sự tịch mịch còn tràn ngập mặt đất; thời khắc ấy, Ngọc Lâm có cảm tưởng như mình vừa mất một vật gì, song chỉ một phút sau, thầy nghĩ đến sự tôn quý và thanh sạch của cuộc đời còn nguyên vẹn, bất giác thầy đắc ý và mỉm cười một mình!Ngọc Lâm bước nhanh thêm. Cửa tam quan chùa Sùng Ân đã hiện ra trước mặt thầy. Hai con sư tử oai hùng ngồi trước cửa tam quan như mỉm cười tiếp đón thầy ca khúc khải hoàn, Ngọc Lâm cũng hãnh diện đưa mắt nhìn chúng.Trong lòng thầy tưởng sư phụ biết tin thầy về sớm chắc cũng vui mừng.Ngọc Lâm đang nghêng ngang tiến vào cửa, thì từ sau pho tượng Bồ Tát Di Lạc có chiếc bụng thật to, người sư huynh duy nhất của thầy - Ngọc Lam một vị sư suốt ngày chỉ ăn rồi ngủ - vội chạy ra chặn thầy lại.

- Sư đệ, chú mình đã từ Cực Lạc thế giới trở về đây hả?

- Sư huynh chỉ nói nhảm mà, tôi sẽ mách sư phụ cho coi!

Ngọc Lâm biết sư huynh vốn lười biếng, nên xưa nay cứ coi thường, thậm chí còn chán ghét là khác.

- Sư phụ cũng đã hiểu thế giới cực lạc được xây cất ngay trên sự nhơ nhớp và đau khổ của chúng sinh.

- Tôi không thèm nói với sư huynh!

Ngọc Lâm nhìn Ngọc Lam với ánh mắt khinh miệt, Ngọc Lâm vẫn chưa hết tính kiêu ngạo, nhất là đối với sư huynh Ngọc Lam.

- Tôi nói cho chú biết, hoa sen sạch sẽ, thơm tho cũng từ nơi bùn lầy, nước đục mà nhô lên.

- Sư huynh có biết lúc nầy tôi đang muốn gặp sư phụ không?

Ngọc Lâm tỏ vẻ bực dọc.

- Phải tìm sư phụ đâu xa, chú gặp tôi, tôi nói chuyện với chú cũng thế.

- Sư huynh cả gan thế kia à? Sư huynh nói không sợ sư phụ?

- Âm thanh ngôn ngữ đều là vô thường, lời nói của tôi không có cả gan!

- Xưa nay sư huynh không thích nói chuyện với ai, sư huynh là người chỉ thích ăn, không muốn làm, chỉ thích ngủ, không chịu tu, tại sao hôm nay cứ nói lải nhải hoài vậy?

- Xin Bồ Tát chỉ giáo!

- Tôi đâu dám!

- Tiền đồ của chú xán lạn vô cùng, thanh danh sẽ tràn khắp muôn phương!

- Tôi không thích nghe lời khen của sư huynh!

- Xin mời!

Ngọc Lam cười khà, đứng tránh sang một bên nhường lối cho Ngọc Lâm, Ngọc Lâm ngẩng đầu đi thẳng.Ngọc Lâm rẽ qua lối vào tịnh thất của hòa thượng trụ trì, lòng thầy đang rộn lên niềm hân hoan vì tưởng tượng đến Vương tiẻu thư đã được cứu sống và cảm hóa, thì từ nãy giờ lại bị ông sư huynh làm cho cụt hứng.Thầy hồi tưởng từ khi đi tu, thầy đã phải nghe bao nhiêu người đàm tiếu về sư huynh, thầy nhớ rõ đã có lần họ nói:

- Sư huynh của Ngọc Lâm có bữa ăn hết tám tô cơm!

- Nói đến sư huynh của Ngọc Lâm thì chán mớ đời, chỉ thích ăn, cấm chịu cất nhất việc gì!

- Sao mà hòa thượng trụ trì nuôi được ông đệ tử quý thế!

- Các ông không biết chứ hòa thượng trụ trì thiên lệch thấy mồ, ngài thường khen là ngài nuôi toàn đệ tử giỏi cả, cứ như rồng như voi, nhưng kiểu rồng, voi mà cứ ăn với ngủ thế thì chẳng thà nuôi mèo, chó để chúng bắt chuột giữ nhà còn hơn.Những lời chê cười của những kẻ thiển kiến, nông nổi ấy như mũi dao đâm xói vào tim Ngọc Lâm, thầy tự nghĩ: có một sư huynh như vậy thật xấu hổ!

- Ngọc Lam là Ngọc Lam - Ngọc Lâm nói với các người dèm chê - Các ông nói thì nói một người, việc gì cứ phải nói "sư huynh của Ngọc Lâm" để dây dưa cả đến tôi.

- A! Hể động đến ông anh quý là ông em lại bênh ngay.

Mọi người đáp một cách chế riểu.Ngọc Lâm cho rằng có một người sư huynh như vậy thật xấu hổ suốt đời, bởi thế thầy càng chán ghét ông anh.

Còn đang nghĩ lan man thì Ngọc Lâm đã đến cây nhãn trước cửa tịnh thất của hòa thượng, lúc ấy thầy mới sửa soạn lời lẽ để thuật lại cho hòa thượng nghe các việc đã xẩy ra trong đêm tân hôn hôm qua tại tướng phủ, đồng thời những ý nghĩ về ông sư huynh cũng chìm xuống dần dần.Ngọc Lâm chắp tay chào hòa thượng rồi đứng sang một bên và kể lại đầu đuôi câu chuyện một cách rất tỉ mỉ. Nghe xong, hòa thượng khẽ nở một nụ cười hiền từ, ngài khen trí sáng suốt và chí kiên quyết của Ngọc Lâm đã không để cho danh lợi và tài sắc cám dỗ, song ngài lại sợ Ngọc Lâm vì thế mà kiêu ngạo hơn, nên với giọng vừa khen ngợi, vừa khuyên bảo, ngài nói:

- Ngọc Lâm, con đã cắt đứt được mối duyên nghiệp giữa con và Vương tiẻu thư một cách rất hợp tình, hợp lý, thầy cũng biết trước là con sẽ hành động như thế; lần này con đã tỏ được niềm kiên trinh xuất gia học đạo, và nêu cao nhân cách thuần khiết của con, con đã biết giữ mình song thầy khuyên con cũng phải tôn kính người khác, hai đức tính đó người học Phật không thể thiếu được!

- Con xin ghi nhớ lời sư phụ chỉ dạy!

- Bây giờ con lại trở về với chức đèn hương trên điện Phật, công việc của con sau này sẽ rất bề bộn, sự quang vinh của tăng đồ sẽ hoàn toàn nhờ cậy nơi con, con phải giữ mình thận trọng!

Ngọc Lâm chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của lời hòa thượng trụ trì.Lúc ấy sư chú thị giả vào thưa là có mấy vị lão tăng đến thăm hòa thượng, Ngọc Lâm chắp tay cúi đầu rồi lui ra.Ngọc Lâm trở về căn phòng nhỏ của mình đàng chái chùa, sau Phật điện. Thấy Ngọc Lâm mới từ tướng phủ trở về, mọi người trong chùa ngạc nhiên, xúm lại hỏi thăm. Sư ông trực nhật là người đầu tiên nói với Ngọc Lâm:

- Sư ông Ngọc Lâm, ồ không, công tử con quan tể tướng! Thầy mặc bộ áo này trông càng đẹp trai thêm!

- Thầy thật là "chuột sa chĩnh gạo", Vương tể tướng quyền cao, chức trọng, ngài lại gọi thầy vào làm rể, đã được vợ đẹp lại nhiều tiền của, sau này ông nhạc lại cất lên làm quan, thật là sung sướng, ai thấy cũng phát thèm! Nhưng mới có một đêm, tại sao thầy đã về? 

Sư ông coi vườn hỏi.

Ngọc Lâm không trả lời câu hỏi của họ vội, thầy nhìn họ mỉm cười, rồi chỉ vào chiếc giường của mình mời họ ngồi, còn mấy người thấy căn phòng chật hẹp không vào ngồi, chỉ đứng ngoài cửa, trông họ như những ký giả đi săn tin, trước mắt họ, lúc này Ngọc Lâm là một nhân vật rất uy quyền, không ai muốn bỏ qua dịp phỏng vấn hiếm có này.Ngọc Lâm vội cởi bộ áo mới của chàng rể ra, rồi từ từ khoác tấm áo nâu cũ mèm, rách mướp vào, đồng thời ngỏ lời cám ơn người đã thay chức hương đèn cho mình trong ngày hôm qua.

- Sao sư ông lại mặc áo nhà chùa nữa vậy?

Chúng tôi nghe nói hôm qua sư ông đã thành hôn với Vương tiẻu thư rồi mà? Thế sư ông không vào tướng phủ nữa?Sư bác trông việc gánh nước ngạc nhiên hỏi.

- Không vào nữa!

Ngọc Lâm thong thả vuốt lại những nếp gấp nhăn nheo trên áo.

- Sao không vào nữa? Chúng tôi nghe nói Thiên Kim Tiểu Thư thương yêu sư ông lắm mà? Nàng yêu sư ông thế nào? Sư ông có thể kể lại cho chúng tôi nghe một lượt không?

Sư bác trông nom cửa ngõ hỏi.Mọi người reo lên như phụ họa:

- Đúng! Đúng! Việc này ngoài sư ông Ngọc Lâm ra không ai có thể biết được!

Người này một câu, người kia một câu, Ngọc Lâm thấy khó chịu, song cũng không thể tìm cách thoái thác, thầy đưa mắt nhìn một lượt, rồi thung dung đỉnh đạc, nói với mọi người:

- Thưa quý vị, xưa nay tôi vốn là người an phận thủ thường, chưa từng cùng ai thảo luận qua vấn đề luyến ái, và thật cũng không biết thảo luận ra sao; còn đối với Vương tiẻu thư, từ thuở cha sanh mẹ đẻ, hôm qua chúng tôi mới gặp nhau lần đầu tiên, chẳng ai dám nói đến yêu đương, vậy dĩ nhiên là tôi không gì để kể lại!

- Sư ông nói dối, hôm qua sau khi sư ông vào tướng phủ, thầy tri khách mới nói là hôm Vương tiẻu thư đến chùa lễ, đã tỷ tê nói chuyện với sư ông mà!Đó là nguyên nhân mà sư bác trông nom cửa ngõ muốn Ngọc Lâm thuật lại chuyện luyến ái giữa thầy và Vương tiẻu thư.

- À, hôm ấy cô chỉ hỏi có mấy câu, và cũng có cả thầy tri khách ở đấy!

- Nhất định hôm ấy còn nói nhiều chuyện ấm ớ lắm ạ!

Nói xong, chú gánh nước cười sằng sặc.

- Vậy sư ông thử thuật lại hôm Vương tiẻu thư đến lễ xem nào!

Họ vẫn cứ tò mò, và hình như không hỏi cho ra nhẽ thì họ không chịu.

- Hôm ấy cũng chả có gì đáng nói. Sau khi Vương tiẻu thư lễ xong, thầy tri khách kêu tôi lên, tôi không thể không tuân mệnh. Khi tôi lên thì cô ấy chỉ hỏi tôi có hai câu.

- Hỏi sao sư ông đẹp trai thế? Phải không?

Bác coi vườn sỗ sàng hỏi và mọi người phá lên cười!Ngọc Lâm hơi đỏ mặt, thầy đã hiểu tính tình của họ, và cho họ là những người không đáng kể!

- Cô ấy hỏi tôi có hai câu một cách rất lễ phép.

- Hai câu gì? - Sau câu hỏi của bác gánh nước, mọi người đều nhìn Ngọc Lâm.

- Lúc đầu cô ấy hỏi là mỗi ngày thắp hết bao nhiêu hương, nến.

- Thế sư ông trả lời thế nào?

- Tôi nói thắp hết lại thắp, chứ không có tính.

- Cô ta hỏi gì nữa?

- Sau cô ấy lại hỏi trong chùa có bao nhiêu người, và pho tượng chính giữa có phải tượng Phật Thích Ca Mâu Ni không, câu này tôi nhờ thầy tri khách trả lời hộ, chứ tôi không nói, sau đó cô ấy và người hầu gái ra về.

Trong khi họ chất vấn như một ông quan tòa hỏi khẩu cung, Ngọc Lâm thấy lòng bực bội, nếu câu chuyện không liên quan đến vấn đề rắc rối, thì nhất định thầy phải cho họ một bài học.

- Thôi, thế đủ rồi. - Sư ông coi kho nói vọng vào - Giờ xin hỏi thầy Ngọc Lâm: Người đi tu nếu không giữ được giới cấm mà hồi tục, thì việc đó Phật cũng cho, tại sao thầy không nhờ cơ hội này nắm lấy hạnh phúc mà lại trở về? Hay Vương tiẻu thư không biết chiều chuộng, hoặc tiền tài, danh vọng của họ không đáng quý bằng lý tưởng của thầy? Dứt lời, sư coi kho đưa mắt nhìn mọi người, tỏ ra mình có kiến thức cao minh.

- Sư ông nói rất đúng! Nếu không giữ được giới, Phật cũng cho hồi tục, và đó không phải là việc xấu xa, song sư ông nên hiểu rằng, tôi không phải là người không giữ được giới. Còn nói đến hạnh phúc, chiều chuộng, danh vọng và tiền tài, thì những người tu hành chân chính không nên ham cầu. Mục đích của người học Phật chân chính là giải thoát khỏi vòng sinh tử, khổ não, đến cảnh giới vĩnh viễn yên vui. Tôi vào tướng phủ làm rể là theo tiếng gọi từ bi phát ra tự đáy lòng; vì muốn cứu Vương tiẻu thư mà tôi bắt buộc phải đi, hiện giờ mục đích cứu người đã đạt, tôi còn ở lại làm gì?Những lời của Ngọc Lâm như một tiếng chuông buổi sớm, thức tỉnh bao nhiêu người ngu si trong mê mộng, mọi người đều tỏ vẻ cảm phục và nhìn Ngọc Lâm bằng ánh mắt tôn kính. Ngọc Lâm mỉm cười đắc ý!

- Sư ông cùng với con gái người ta bị nhốt trong phòng một đêm mà?

Sư ông coi kho hỏi gạn.

- Đúng vậy! Song tôi nhờ cơ hội ấy để thuyết Pháp!

- Sư ông thuyết những gì?

Ngọc Lâm lại đem chuyện tối hôm qua kể lại một lượt, và cuối cùng nói:

- Sau hết Vương tiẻu thư không phải người con gái tầm thường, nghe lời tôi, nàng giác ngộ ngay cho nên mới chịu để tôi trở về; không bao lâu có lẽ nàng sẽ xuất gia.

- Nghe nói người hầu gái của Vương tiẻu thư rất tức với sư ông, tại sao vậy?

Họ còn đang hỏi lai rai, thì đúng lúc ấy thầy tri khách và thầy Duy Na mở cửa Phật điện tiến vào. Những người hiếu sự và tò mò ấy thấy họ liền ngậm miệng, chắp tay, cúi đầu và đưa mắt nhìn nhau.

- Ngọc Lâm! Mừng Bác đã về!

Thầy tri khách và thầy Duy Na đều cười.

- Bạch quý thầy, tôi đang định lên chào quý thầy, thì quý thầy lại đến đây rồi, xin quý thầy tha lỗi! Ngọc Lâm chắp tay, tỏ vẻ ân hận.

- Vừa giờ chúng tôi đưa mấy vị khách tăng vào thăm hòa thượng (chỉ hòa thượng trụ trì), hòa thượng đã đem chuyện của bác nói hết cho chúng tôi nghe, ý chí bác thật là sắc đá!

Thầy tri khách đối với vị sư hương đăng trẻ tuổi ấy bất giác cũng khởi lòng kính mến!

- Các người không còn việc gì làm nữa sao mà súm sít cả lại đây?

Thầy Duy Na đứng bên cạnh, thái độ uy nghiêm như một ông tướng lãnh, hỏi những người tò mò.

- Nếu lát nữa hòa thượng trụ trì đưa các vị khách tăng đi xem các nơi, họ mà thấy các người tụ tập cả một đống ở đây, họ sẽ cười là chùa này không có qui cũ, thế bây giờ không đi làm đi, còn đứng thưỡn cả ra đây hả?

Cả bọn lui lủi giải tán, sau mấy lời khen ngợi và khích lệ Ngọc Lâm, thầy tri khách và thầy Duy Na cũng đi làm phận sự của mình. Lúc này Ngọc Lâm mới có thì giờ xếp đặt lại căn phòng lung tung, bừa bãi của mình.Vừa thu dọn, Ngọc Lâm vừa nhớ những lời nói của mọi người lúc nãy, thầy hơi tức mình, đồng thời cũng lại buồn cười. Thầy tự nghĩ: Đại đa số những người ấy không biết làm cách nào nữa, mới đến ở chùa, tăng không ra tăng, mà tục cũng chẳng phải tục; lúc bé ở nhà không được học hỏi, khi đến chùa cũng không chịu tìm hiểu đạo lý, suốt ngày làm quần quật những việc khổ cực và cứ nghe lời nói và nhìn cử chỉ của họ cũng đủ biết họ là những người không hơn gì bọn phàm phu tục tử.Rồi cũng nhân những người ấy mà Ngọc Lâm nghĩ đến những người xuất gia không hạn chế. Xuất gia là một việc cao quý, khó làm, mỗi vị sư phải là người gương mẫu, mô phạm và là bậc thầy của dân chúng, song chế độ xuất gia quá bừa bãi đến nỗi di hại cho Phật Giáo rất nhiều. Một số lớn tăng chúng không nhận chân được nhiệm vụ cao quý của người xuất gia, sứ mệnh thiêng liêng của Tăng già, nên phần nhiều họ đã có phụ chí xuất gia.Có người tưởng rằng dành cho được chức vị trụ trì hoặc đương gia là đã đạt mục đích xuất gia; cũng có người cho rằng, mỗi ngày vài buổi tụng kinh, niệm Phật thế là đã làm trọn nhiệm vụ người tu hành rồi; lại còn một số như sư huynh Ngọc Lam, ngoài việc ăn, ngủ ra, không còn việc gì khác. Một đoàn thể xuất gia phức tạp như vậy thì làm sao duy trì và hoằng dương được Phật pháp?

Đang lúc Ngọc Lâm suy nghĩ lan man về những vấn đề ấy, thì hòa thượng trụ trì cùng mấy vị tăng khách mở cửa tiến vào Phật điện. Ngọc Lâm thấy họ đứng trước Phật điện chắp tay, cúi đầu, vội đến đánh ba tiếng chuông để tỏ lòng cung kính các bậc tôn túc. Các vị khách tăng lễ Phật xong, hòa thượng trụ trì chỉ vào Ngọc Lâm nói với họ:

- Đây là tiểu đồ đệ Ngọc Lâm.

Mắt các vị khách tăng đều hướng về Ngọc Lâm. Hòa thượng trụ trì lại bảo Ngọc Lâm:

- Ngọc Lâm, con hãy lại chào các vị đi!

Ngọc Lâm vội đến vái mỗi vị một vái. Các vị khách tăng mỉm cười nhìn Ngọc Lâm và đều nói Ngọc Lâm là người thông minh, nếu có dịp, phải cho đi các nơi để học hỏi thêm. Lúc họ đi ra, Ngọc Lâm nghe thấy một trong những vị khách tăng hỏi hòa thượng trụ trì:

- Hòa thượng được tất cả mấy người đồ đệ?

- Không dám, mới chỉ được có hơn một người!

Một trận cười vang lên. Họ đi ra hồ sen phía trước chùa.Sau khi hòa thượng trụ trì nói với các vị khách tăng như thế, một làn mây nghi ngờ vẫn lên đầu óc Ngọc Lâm. Thầy cho rằng hòa 

thượng trụ trì nói hơn một người đồ đệ, thì một nửa người nhất định phải là sư huynh Ngọc Lam, còn một người là chỉ chính mình, vì sư huynh là người lười biếng, nhất định sư phụ không thể coi như một đồ đệ. Tuy nghĩ thế, song Ngọc Lâm vẫn không tin một cách quyết đoán, lòng hiếu thắng cứ ray rứt thầy.Mãi đến tối, Ngọc Lâm tưởng phải lên hỏi sư phụ cho ra nhẽ.Thầy rón rén bước vào phòng hòa thượng trụ trì, lúc đó ngài đang ngồi ngay ngắn, nhắm mắt trên giường.

- Bạch sư phụ, sư phụ đã yên nghỉ chưa ạ?

Hòa thượng trụ trì khẽ mở đôi mắt.

Ngọc Lâm ấp úng:

- Sư phụ nói là sư phụ có hơn một người đệ tử?

- Ừ!

- Con và sư huynh là hai người kia mà?

- Không, con chỉ có thể được xem như một nửa thôi!

- Sư phụ nói một người là chỉ cho sư huynh?

Hòa thượng trụ trì gật đầu:

- Ừ!

Lời hòa thượng trụ trì như một bát nước lạnh dội lên đầu Ngọc Lâm, thầy không dám hỏi gì thêm, thầy lui ra, thầy không thể tưởng tượng hòa thượng lại có thể nói như thế!

Ngọc Lâm trở về phòng ngủ, mở tung cửa sổ ra, nhìn ánh trăng lấp lánh trên các tầu lá chuối, lẩm bẩm:

- Mình chỉ được coi là một nửa đồ đệ thôi!

Các tin đã đăng: