Thể loại sách khác
Lời người còn ghi lại
Tác giả: Thích Chân Tính
11/05/2553 04:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TRẠCH PHÁP TU TÂM

 

Nói đến tu tâm chắc cũng có nhiều người hiểu rằng nay ở trong đời không luận tinh thần hay vật chất, hễ cái gì thay đổi đều là vô thường, đều là giả dối; còn cái gì không thay, không đổi mới chắc chắn trường tồn. Cái trường tồn đó tức là chân tâm của chúng ta. Nay chúng ta bị vô minh nghiệp hoặc che lấp nên không biết chân tâm đến nỗi bỏ mất đi mà lại nhận lầm cái tư tưởng vô thường giả dối kia, nên cứ chìm đắm trong bể sinh tử luân hồi không khi nào ra khỏi.

 

Vậy nay chúng ta đã tìm được chánh pháp của đức Thích-ca Mâu-ni và tin vào nhân quả, thì nên thay đổi phương châm, lựa chọn một phương pháp hợp với chân lý. Khi tu cũng theo pháùp chắc chắn trường tồn và đến khi chứng cũng chứng được pháp chắc chắn trường tồn, ấy chính là thường trụ chân tâm của chúng ta. Nó bao trùm cả trạng thái hư, thường còn mãi mãi. Không theo vật chất mà thay đổi, không theo tinh thần tư tưởng mà thiên biến, ấy là ngọc báu vô giá của chúng ta nên trong kinh Lăng-nghiêm có câu: “Tâm bình thế giới bình”. Tâm an trụ là nơi thanh tịnh. Vậy thì niệm tâm tức là niệm Phật, cho nên Phật pháp thiên kinh vạn quyển cũng chỉ dạy người giác ngộ cái tâm ấy là Phật, nên niệm Phật tức là niệm tâm.

 

Tâm là một thể bản nhiên thanh tịnh không có sinh diệt, không có xưa nay, không có lớn nhỏ, không có số mục, không có hình tướng. Phật cũng tâm, chúng sinh cũng tâm, khắp cả ba giới mười phương, đâu đâu cũng là tâm, nên nói đến Phật tức là nói đến tâm. Ví như trong một thế giới, nào núi, nào sông; nào thành thị, biển cả; nào động vật, thực vật… từ xưa đến nay biết bao nhiêu là hình trạng, lớp cũ có, lớp mới có, đời trước khác, đời nay khác. Cảnh tượng dù thay đổi đến đâu nhưng vẫn trong cùng một thế giới. Tâm ta cũng vậy. Dù là Thánh phàm, dù là ngu trí, tất cả cũng từ nơi tâm mà ra cả. Thành quách, núi sông nương theo thế giới mà có cũng như các pháp ở thế gian đều do nơi tâm mà sinh, chỉ trong một tâm chứ chưa nói đến toàn thể chúng sinh. Chỉ nói riêng từng người từ vô thủy đến nay đã có biết bao nhiêu thân, biết bao nhiêu kiếp, sinh rồi tử, tử rồi sinh; khi giàu khi nghèo, khi sang khi hèn, khi vui khi buồn, khi lành khi dữ, tùy theo nhân quả mà xoay vần trong biển sinh tử luân hồi. Đã nhiều phen hưởng phước trên các cõi trời mà cũng đã nhiều phen chịu khổ trong ba đường dữ. Đó cũng do một tâm tạo ra.

 

Cho nên, kinh Hoa Nghiêm có câu: “Biến quan Pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm là cả vũ trụ, cả Pháp giới, dù trời đất, địa ngục, Thiên đường, tất cả chúng sinh, tất cả chư Phật, dù quá khứ, hiện tại, vị lai cũng không có một thứ gì ra ngoài phạm vi tâm được.

 

Vậy nên, muốn giác ngộ nguồn gốc các pháp hoàn toàn như chư Phật thì phải phát minh cái tâm. Phát minh cái tâm cho thật đến toàn thể, toàn dụng là mục đích nhất định của người tu học Phật giáo. Nhưng tâm ấy không phải một người có, không phải nhiều người có, không phải riêng, không phải chung, không phải Phật có mà phàm không, cũng không phải ngoài người ta ra mà có. Tâm cũng như nước biển, chúng sinh cũng như sóng, sóng nổi nước biển không thêm, sóng lặng nước biển không bớt, thì dù sóng nổi bao nhiêu nước biển vẫn là nước biển. Tâm chúng ta cũng vậy. Hiểu rõ được rồi thì tự mình làm chủ lấy mình, trong một tâm vẫn hiện ra một thân, một cảnh mà không phải bước vào cảnh giới nào để ràng buộc mình cả. Được như vậy mới biết rằng tâm khắp vũ trụ. Muốn làm Thánh thì Thánh, muốn làm Trời thì Trời, muốn làm Tổ thì Tổ, muốn làm Phật thì Phật. Nhân nào quả nấy, mảy may không sai. Tỏ được tâm là Phật, không tỏ được tâm là chúng sinh. Hết thảy điều thiện hay điều ác cũng do tâm mình. Tâm mình tu thiện thì thân được an vui, tâm mình ác thì thân mình chịu khổ.

 

Tâm là chủ của thân, thân là dụng của tâm. Phật bởi tâm mà thành, đạo bởi tâm mà học; đức bởi tâm mà tích, công bởi tâm mà tu; phúc bởi tâm mà làm, họa bởi tâm mà gây. Trong một tâm có thể làm ra thiên đường, địa ngục, làm ra Phật, làm ra chúng sinh. Cho nên, tâm chánh thì thành Phật, tâm tà thì hóa ma; tâm từ bi là thiện nhân, tâm độc ác là La-sát. Tâm là hạt giống để gieo ra hết thảy tội hay phước. Vì thế, mê ngộ khác nhau, tâm vẫn đồng một thể. Chúng sinh vì mê nên mắc phải cảnh giới che lấp tâm tánh, không biết cái tâm rộng lớn bao nhiêu như thế là vì tâm của mình gây nghiệp chúng sinh, rồi chịu quả báo chúng sinh kiếp kiếp đời đời. Còn Phật là bậc đại giác ngộ, công đức trọn vẹn, trí huệ đầy đủ, cũng hoàn toàn giác ngộ từ một tâm đó mà ra.
 

Nhưng muốn giác ngộ cái tâm cho hoàn toàn thì phải nhận theo thể thức của tâm rộng lớn mà phát nguyện rộng lớn, không cho thân thể sai khiến, không cho hoàn cảnh bó buộc, rồi sau mới thấy được cái thể rộng lớn kia, mới dần dần chứng được Bồ-đề như chư Phật.