Điểm sách hay
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt
13/12/2558 23:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kết Luận 

Một tác phẩm như thế quý vị đã đọc hay đang cầm trên tay để đọc là do sự cố gắng liên tục trong 3 cái cuối tuần mà hình thành. Đây là một tác phẩm mang tính cách giáo dục và luân lý, đạo đức; không phải để khuyên đời, mà để nhắc nhở cho mình cũng như cho người. Nếu có cái gì đó có thể dùng được thì quý vị trích ra mà xử dụng cho chính mình. Đức Phật đã dạy trong Đại Trí Độ Luận rằng: "Phàm người đi tìm học cũng giống như kẻ lột bẹ chuối. Đến khi nào hết bẹ rồi, tận lõi bên trong, tức đến lúc thành công". Vậy chúng ta hãy nên gia công đi tìm. Vì mỗi tác phẩm như thế nó cũng chỉ là một phần của thân cây chuối mà thôi.

Tuy là một tác phẩm mang tính giáo dục; nhưng trong nầy đa phần là tư tưởng của kinh Kim Cang do Ngài Tu Bồ Đề tu theo phép giải không số một hỏi Phật; nên tôi đã ảnh hưởng không ít. Vì lẽ trong thời gian nhập thất tại núi Đa Bảo nầy, mỗi đêm tôi đều trì kinh Kim Cang và niệm Phật. Tu Bồ Đề là vị Trưởng Giả thời Phật còn tại thế ở xứ Ma Kiệt Đà, đã thị hiện thành thân Cư sĩ, để biện luận về triết lý không, trong tinh thần kinh Kim Cang mà Ngài Huệ Năng ở thế kỷ thứ 7 chỉ nghe một câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" mà ngộ đạo và được trao truyền ngôi vị Đệ Lục Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Còn ngày nay chúng ta nghe cả hàng ngàn hàng vạn lần nhưng chúng ta đã hiểu gì?

Trong phần cuối của kinh, Phật có dạy rằng: Dẫu có người giàu có đem của quý bằng 7 thứ báu như: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô v.v... đem bố thí khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới đi nữa cũng không bằng một người đem 4 câu kệ của kinh Kim Cang ra giảng giải cho người khác nghe thì lợi ích được nhiều hơn. Vậy xin đem 4 câu cuối trong kinh Kim Cang ra hầu quý vị vậy.

"Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán"

Nghĩa là:

"Tất cả pháp hữu vi
Như mộng giả, ảo ảnh
Như sương lại như điện
Hãy quán sát như thế"

Rõ nghĩa như ban ngày. Có nghĩa là các pháp có hình tướng xưa nay, dầu là gì gì đi chăng nữa thì nó không có thật, mà tất cả đều giả tạo thành. Nó giống như ảo ảnh trong cuộc đời. Nó lại giống như sương mai, như điện chớp. Giọt sương mai trông long lanh sáng chói rất đẹp; nhưng khi ánh thái dương lên cao chiếu sang thì sương kia không còn nữa. Dòng điện trong thiên nhiên ta thấy nó chớp lòe lên đó; nhưng cũng thuộc về không thật tướng. Nếu người nào hiểu rõ và quan trọng là thực hành quán sát và liễu ngộ được những cái không to tướng nầy; kẻ ấy là người hiểu được giáo lý của Đức Phật.

Vậy thì những cái gì thuộc về đối đãi trong quyển sách nầy đã nêu ra nó cũng chỉ có tính cách ước lệ, chứ nó không là chân lý. Vì chân lý thì không cần lời nói, mà đã dùng đến lời nói hay văn tự để viết thành câu, hẳn đã là điều vẫn còn nằm nơi phương tiện chứ chưa phải là cứu cánh tuyệt đối.

Cũng như thế ấy, em bé mới đi học Tiểu Học thì lo học cộng, trừ, nhân, chia. Dĩ nhiên chưa biết phân số và rút-căn. Lúc nhỏ em bé muốn có con số 1, em phải cộng, hoặc, trừ, hoặc chia, hoặc nhân để em có con số ấy. Lớn hơn một chút, khi vào bậc Trung Học em học thêm phân số và rút căn. Lúc ấy em không cần làm 4 loại toán trên nữa mà em chỉ cần rút √1 tức sẽ bằng Ử1. Bây giờ số thành nó không là 1 nữa, mà là +1 và -1. Đó là kết quả của một bài toán ở bậc trung. Rồi em lên Đại Học, em có nhiều bài toán phức tạp hơn để giải đạo hàm X hoặc Y để tìm ra con số thích hợp, chứ không nhất thiết rút căn số √ nữa. Nếu tìm hiểu về toán học của Phật học thì con số tính của Ấn Độ còn xa thăm thẳm nữa. Nghĩa là dưới con số không (0) người ta còn tìm đến con số cực nhỏ gọi là: cực vi trần và con số lớn nhất gọi là Cu Tri hay Cu Ti. Một Cu Ti là một ức và hằng hà sa số Cu Ti như thế, quả là con số vô cực. Ngày ấy cách đây hơn 2.500 năm về trước, Ấn Độ và nhất là Phật Giáo đã tìm đến con số cực đại và cực tiểu như thế rồi và dĩ nhiên là không có cái cuối cùng và ngày nay khoa học dùng đến biết bao nhiêu phương tiện nhạy bén hơn, chi li tỉ mỉ hơn; nhưng cũng chẳng thấy được cái cuối cùng của vũ trụ vạn hữu nầy.

Ngày xưa cách đây hơn 200 năm về trước Cụ Nguyễn Du là một bậc quan lại của triều đình nhà Hậu Lê, một nhà nho lỗi lạc của triều Nguyễn; một nhà thơ, một nhà văn độc nhất vô nhị của Việt Nam qua tác phẩm nổi tiếng Kim Vân Kiều mà ông cũng đã phải đọc kinh Kim Cang 3.000 lần, vẫn chưa hiểu hết ý của Phật và từ đó lấy một số ý chính đem vào nội dung tác phẩm của mình.

Ngày hôm nay dưới thế kỷ thứ 20, đầu thế kỷ thứ 21 nầy, chẳng người Việt Nam nào là không nghe tên của Kim Dung, ông cha đẻ của những bộ sách kiếm hiệp Trung Hoa. Có người nghe tên, có người biết mặt và đồng thời cũng có người đã đọc sách của ông. Theo báo chí Hồng Kông cho biết, ông hiện có 300.000.000 (ba trăm triệu) độc giả khắp nơi trên thế giới. Hiện tại ông là Giáo Sư về Văn Chương tại một số Đại Học ở Trung Quốc và Hồng Kông. Tất cả những tác phẩm của ông đều hàm chứa tư tưởng Phật học. Một người tinh thông lão luyện như thế, công đã thành danh đã toại, mà bây giờ sắp tuổi về hưu, ông ta cũng chỉ để thời gian đọc kinh Phật mà thôi.

Như vậy kinh Phật quả là một điều tối thượng, đã làm cho tài tử điện ảnh nổi tiếng của Hollywood là Richard Geere phải nghiền ngẫm thực hành và anh ta đã trở thành đệ tử thân tín của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Giáo lý ấy cũng đã ảnh hưởng một nhà Bác học vốn lừng danh trên thế giới là ông Albert Einstein, người Đức gốc Do Thái, là cha đẻ của thuyết tương đối. Người đã được bình chọn là người của thế kỷ thứ 20. Trong thế kỷ thứ 20 có đến 6 tỷ người. Trong 6 tỷ người ấy chỉ bình chọn được một người và người ấy đã nói rằng:

"Phật Giáo không cần tìm kiếm nơi khoa học. Vì trong giáo lý của Đạo Phật đã đầy đủ tính cách khoa học rồi".

Ông ta tiếp:

"Trong những thế kỷ tiếp theo, một Tôn Giáo phát triển hợp với khoa học, thì đó là Phật Giáo".

Và ông cũng bảo rằng:

"Tôi là một người không tin theo một tôn giáo nào; nhưng nếu tôi chấp nhận một tôn giáo thì đó là Phật Giáo".

Đây là những lời xác minh quan trọng nhất để biết rằng giáo lý Đạo Phật là giáo lý vi diệu nhất, khiến cho bao nhiêu nhà Bác học, Sử học, Thần học, Kinh tế học phải ngả mũ chào và còn diễn dịch khuếch trương thêm để trong tương lai Tôn Giáo nầy xứng đáng là Tôn Giáo của nhân loại.

Giáo lý ấy nó giống như ông giáo già của một trường Tiểu Học; ông vốn là người cần cù như kẻ chèo đò, đưa khách sang sông, khen chê, nhớ quên mặc kệ. Có người qua bên kia sông rồi trở lại nhớ ơn ông làm thơ khen ngợi, hay có kẻ chẳng lên thuyền được vì lý do nầy, lý do nọ; nên có ý trách phiền ông; rồi chê bai ông; nhưng cuối cùng ông cũng vẫn là:

"Đón đưa bao kẻ qua sông
Nhớ quên mặc kệ vẫn ông chèo đò"

Giáo lý của Đức Phật cũng chỉ thế thôi! Có nhiệm vụ hướng dẫn con người trở về nẻo thiện. Còn hư nên do con người tự quyết định; chứ không do bản chất hoặc uy quyền của giáo lý ấy. Bằng chứng tiêu biểu là một ông quan của triều đình Việt Nam là Cụ Nguyễn Du, một nhà giáo dục, một tiểu thuyết gia của Hồng Kông là ông Kim Dung; một nhà Bác học người Đức gốc Do Thái Albert Einstein và một nhà đạo diễn thượng thặng của thế giới ở Mỹ, đó là Richard Geere đã minh chứng được điều đó. Thiết tưởng không cần phải vinh danh thêm ý nghĩa của giáo lý nầy nữa cũng đủ cho chúng ta tin theo và từ đó thực hành một cách miên mật thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến mục đích và không có gì để có thể nghi ngờ cả.

Tôi bắt đầu viết tác phẩm nầy vào ngày 16 tháng 11 năm 2003 và đến nay là ngày 1 tháng 12 năm 2003 thì đã hoàn thành. Đúng ra chỉ 3 cái cuối tuần. Mỗi cuối tuần 2 ngày và mỗi ngày viết 8 tiếng. Tất cả đều viết tay và tổng cộng là 158 trang viết tay giấy khổ lớn. Sau khi đánh máy và trình bày thành sách, số trang có thể tương đương như vậy hoặc hơn. Cuối cùng thì tác phẩm nầy chỉ có 6 ngày mà thôi. Khoảng giữa đó của 2 tuần nầy, mỗi ngày tôi cùng Thầy Đồng Văn và Hạnh Giới dịch Đại Tạng Kinh quyển thứ 51 về Đại Đường Tây Vức Ký, nói về sự chiêm bái của Ngài Huyền Trang đời nhà Đường nơi đất Phật. Một hành trình gian khổ cách đây 1.300 năm về trước, không có một phương tiện tối thiểu nào, thế mà Ngài đã thành công và ngày nay chúng ta cũng như những nhà Khảo cổ học Tây phương theo đó mà tìm tòi và những Thánh tích Phật Giáo ngày nay được tìm lại được cũng nhờ truyện Tây Vức Ký nầy.

Ngô Thừa Ân đời nhà Minh ở thế kỷ thứ 16 (1500-1583) cũng dựa theo đây mà tạo thành truyện Tây Du Ký có đầy đủ những nhân vật biểu hiện cho các thức của con người. Ngô Thừa Ân đã dùng tinh thần Duy Thức Học mà biến các nhân vật:

- Trư Bát Giới đại diện cho nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và nếu tu sẽ trở thành "Thành Sở Tác Trí".
- Tề Thiên đại diện cho thức thứ 6 là ý thức. Nếu hàng phục được sẽ trở thành "Diệu Quan Sát Trí".
- Sa Tăng tượng trưng cho Mạt Na Thức, Thức Thứ 7 hay thức chấp ngã và nếu có tu học, thức nầy sẽ chuyển thành "Bình Đẳng Tánh Trí", và cuối cùng
- Đường Tam Tạng tức Thức Thứ 8 - A Lợi Da Thức sẽ biến thành "Đại Viên Cảnh Trí".

Đó là cái giỏi giang của người sắp đặt câu chuyện và cuối cùng ta thấy câu chuyện ấy có cả một triều đình gồm vua là Tâm Vương, Hoàng Hậu là Thức Chấp Ngã thứ bảy; trung thần lẫn nịnh thần là Thức Thứ 6 và nhân dân trăm họ tức là 5 thức còn lại. Đây là một tuyệt tác phẩm của Ngô Thừa Ân đã làm say mê cả hàng triệu triệu khán giả đông tây. Còn nguyên tác của nó lại là: "Đại Đường Tây Vức Ký" đã được biên bởi Ngài Huyền Trang cách đây hơn 1.300 năm về trước và đã được Đại Học Kyoto thời vua Đại Chánh (Taisho) bên Nhựt cho biên tập lại mà thành 100 quyển, mỗi quyển của Đại Tạng Kinh độ 1.000 đến 1.500 trang.

Truyện nầy chỉ gần 100 trang mà chúng tôi đã dịch ra 180 trang đánh máy khổ A4. Nếu in thành sách độ 400 trang khổ A5. Cứ mỗi ngày tôi và Thầy Đồng Văn dịch từ 9 giờ sáng đến 11 hay gần 12 giờ trưa. Buổi chiều từ 14 giờ 30 đến 17 giờ 30 hoặc 18 giờ 30 tối. Như thế số giờ rất nhiều và số ngày tổng cộng gần 2 tháng dịch miệt mài như thế, ngoại trừ 3 cái cuối tuần để viết quyển sách nầy.

Trong mùa nhập thất năm nay tôi đã hoàn thành được 2 tác phẩm như thế. Một dịch phẩm và một tác phẩm viết tay nầy và cả hai tác phẩm nầy sang năm mới xuất bản. Đây là tác phẩm thứ 39 và 40 của tôi. Trước đó tôi và Thầy Đồng Văn cùng Hạnh Giới đã dịch một đoạn văn ngắn tên là: "Đường Đợi Đông Chinh Đại Hòa Thượng". Tác phẩm nầy chừng 30 trang đánh máy khổ A5, tôi đã trao qua Hòa Thượng Bảo Lạc để từ từ đăng lên Pháp Bảo cho mọi người cùng thưởng lãm nay mai. Nội dung của truyện nói về việc Ngài Giám Chân Hòa Thượng ở vào đời nhà Đường của Trung Quốc đã đi 5 lần qua biển và mong đến Nhựt để truyền đạo; nhưng lần nào cũng chìm thuyền hoặc gặp không biết bao nhiêu ngăn cản và lần thứ 6 Ngài mới đến được kinh đô Nara, nơi chùa Đông Đại Tự (Todaiji). Đó là một kết quả đã được dựng thành phim và được nhiều giải Oscar vào năm 1973 tại Nhựt. Tôi dịch phần nầy cũng để báo ơn Nhật Bản một phần. Vì nơi đó đã dạy và nuôi cho tôi nên người, cũng như nhớ ơn Thầy Bảo Lạc, Người cũng đã du học tại Nhật Bản và đã lo cho 5 Thầy trò chúng tôi có đầy đủ phương tiện để ở lại lo tu học, dịch kinh, viết sách trong suốt gần 3 tháng trường tại Tu Viện Đa Bảo, nơi núi đồi của xứ Úc nầy.

Nếu sau ngày 15 tháng 12 năm 2003 nầy thời gian còn cho phép, chúng tôi sẽ dịch một số luận ngắn trong quyển Đại Tạng thứ 32 để gởi đến quý độc giả của báo Viên Giác cũng như báo Tâm Giác tại Đức.

Những con ve sầu mùa hạ vẫn rên rĩ đó đây; những con thỏ vẫn còn giỡn trăng; những con kỳ đà lớn như con cá sấu vẫn còn chờ thức ăn thừa mà mỗi chiều sau 6 giờ rưỡi tối tôi vẫn mang cho chúng. Có lẽ chúng sẽ mừng rỡ lắm; nhưng sau 3 tháng ở lại đây chúng tôi sẽ về lại Đức, sẽ không có người cho chúng ăn như thế nữa, có lẽ chúng cũng chả biết tại sao con người lại bỏ chúng đói như thế. Hẹn chúng lại năm sau cũng vào những ngày cuối năm của 2004 chúng sẽ được toại nguyện. Nếu chúng biết được rằng chúng phải chờ đợi lâu như thế, chúng sẽ bảo rằng: "Sao mà con người không tốt với nó vậy". Mong vào năm tới sẽ gặp tất cả những chúng sanh ấy tại nơi nầy.

Viết xong vào lúc 12 giờ trưa ngày 1 tháng 12 năm 2003 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi