Đời sống
Tịnh Tư Ngữ
Pháp Sư Chứng Nghiêm Thích Giải Hiền dịch
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN MỘT

(tiếp theo)

 

6. HẠT LÚA CHÍN TRÒN ĐẦY

KHIÊM NHƯỢNG, NHU NHẪN; TRANH VÀ HÒA

. Đức Phật thường nhắc nhở đệ tử rằng : tuy đã có trí tuệ viên dung, còn cần phải hàm súc tánh khiêm tốn. Hệt như hạt lúa vậy, lúa nặng hạt càng trĩu thấp hơn.

. Cuộc sống tràn đầy trí tuệ chân thật nhất định được biểu thị bằng thái độ thành khẩn, khiêm cung. Có trí tuệ thì mới phân biệt được thiện ác, chánh tà. Có khiêm cung thì mới xây dựng được cuộc đời mỹ mãn.

. Mục đích chủ yếu (tối hậu) của tu hành vô ngã. Bởi vì khi biết thu nhỏ mình, mở rộng con tim bao dung hết thảy. Tôn trọng người khác thì họ cũng sẽ tôn trọng lại mình, chấp nhận mình.

. Chỉ có kẻ biết tự trọng thì mới mạnh dạn thu nhỏ tự ngã.

. Hãy thu nhỏ bản ngã : làm sao khiến trong mắt, trong tai người khác mình thật nhỏ bé. Không những chẳng hại ai mà mình còn ở sâu trong lòng mọi người.

. Một hạt cát nhỏ : bạn cũng vướng chân. Một hòn sỏi con : bạn cũng bận tâm. Thế thì đối diện với công việc, bạn làm sao gánh vác nổi ?

. Những ai chẳng thể cúi đầu xuống (khiêm tốn) là vì họ cứ ngắm mãi thành công (của họ) trong quá khứ.

Xem nhẹ chính mình : Đó là trí bát nhã. Xem trọng chính mình quá (nặng tánh tự ái) : đó là chấp trước.

. Chúng sinh có phiền não là vì có chấp trước. Khi bạn lấy tính ích kỷ của cái ngã làm trung tâm, xem mình là lớn lắm thì bạn sẽ khiến mình đau khổ và làm ảnh hưởng những người chung quanh cùng tranh chấp đau khổ theo bạn. Quên mình, bỏ ngã thì trong quá trình tu tâm dưỡng tánh, bạn mới xây dựng được nhân sinh quan lành mạnh, hạnh phúc.

. Tình thương là một sức mạnh ở trên đời. Nhưng nếu chỉ có tình thương không thì chưa đủ. Bạn phải có thêm lòng nhẫn : Nhẫn nhục, nhường nhịn, nhẫn nại. Năng nhẫn tắc năng an.

Muốn được người ta hoan nghênh, thương mến, trước tiên bạn phải chăm sóc chính mình : dáng điệu, lời lẽ, hành động, cử chỉ. Những thứ ấy đều do bạn tu dưỡng tánh nhẫn nhục trong sinh hoạt hàng ngày mà có được.

. Bổn phận của người tu là nhẫn nại và phục vụ. Bởi vì tu dưỡng vốn là hành vi của mỗi người.

. Có tiền cũng khổ, không tiền cũng khổ. Bận rộn cũng khổ. Nhàn nhã cũng khổ. Ở đời ai cũng khổ ! Nói khổ là bởi người ta không biết kham nhẫn. Càng không biết nhẫn chịu, người ta càng thêm khổ đau.

. Thế giới Ta bà còn được dịch là thế giới Kham nhẫn. Ý của nó là phải kham cho được nhẫn nại thì mới có thể sống trên đời một cách tự tại được.

. Nhẫn nại chưa phải là cảnh giới tối cao đâu. Nếu bạn đạt tới cái nhẫn thấu suốt thì bạn sẽ cảm thấy mọi nghịch cảnh đều là việc rất tự nhiên, rất bình thường.

. Làm việc gì bạn cũng phải giữ vững nguyên tắc Chính đáng và Thành khẩn. Đối xử với người thì phải giữ thái độ Khoan dung và Nhu hòa. Phải lấy hình thái siêu nhiên và tấm lòng độ lượng của người có niềm tin tôn giáo để dung nhiếp tất cả mọi người.

. Bậc thánh chân chính vừa cương vừa nhu. Cương nghĩa là trong sự mềm mại có sự cứng rắn có sự mềm mỏng. Tánh nhu hòa có thể điều phục dạy dỗ chúng sinh. Tánh cứng rắn sẽ làm kiên cố ý chí của mình.

. Nếu ai cũng biết lấy tình thương và sự nhẫn nhịn để đối đãi trong gia đình và với hết thảy mọi người thì thế gian sẽ mãi ngập tràn ánh sáng chói chang của tình thương triệt để.

. Tranh : chỉ nên cạnh tranh làm lành, cạnh tranh với thời gian. Một khi đối tượng của tranh được chuyển từ bản thân đến người khác thì tranh là một chữ không lành và là việc rất đau khổ.

. Sự cạnh tranh vốn hàm tàng nuôi dưỡng hạt giống tổn hại. Chỉ cần có cạnh tranh là có phân biệt trước sau, trên dưới, ý niệm được mất, chiếm hữu và xả bỏ. Thế sự do vậy chẳng sao an ổn.

. Kẻ không tranh mới nhìn thấu sự thật mọi việc. Hễ tranh là loạn. Hễ loạn thì vi phạm (luật lệ). Vi phạm thì thất bại. Nên biết : cả thiên hạ chẳng một ai thật sự là thắng cả.

. Con người vì quá chấp trước mà sinh tâm phân biệt. Đây là mình, kia là người : phân vạch rõ ràng. Dẫn đến vì cái mình yêu nên cắm đầu tranh dành, cầu mong, đố kỵ. Tâm đã hẹp rồi thì thế nào cũng là chướng ngại cả.

. Người ta thường nói phải tranh đấu trong từng hơi thở. Thật ra kẻ có công phu thật sự là biết nhịn cả hơi thở.

. Hãy nuôi dưỡng hun đúc khí chất (cốt khí, nhân cách) cho tốt. Đừng thèm tranh thể diện (đừng sợ bị mất mặt). Cái gì do tranh mà có đều là giả. Thứ gì do hun đúc mới là thiệt.

.Người ta phần lớn ai cũng có lòng tham danh lợi, tranh với người, dành với việc. Nếu không tranh với người thì cả hai đều an. Nếu không dành trong việc thì việc thuận lợi. Với người không tranh với việc không dành thì thế giới sẽ bình an.

. Biết dùng chữ hòa thì việc gì cũng lợi lạc, không chuyện gì chẳng thành công.

. Biết hòa thì chẳng sinh thị phi. Sự nghiệp tu hành xuất thế gian sẽ vĩnh viễn bất hủ cũng là do bắt nguồn từ chữ hòa này.

 

7. CỎ VÔ MINH VÀ DUYÊN GIÚP ÍCH

QUAN ĐIỂM VỀ NGHỊCH CẢNH VÀ THỊ PHI

. Khi nghịch cảnh và chuyện thị phi tới, bạn hãy giữ trong tâm chữ Khoan dung.

. Ở đời chẳng có chuyện gì dễ dàng. Không có nghịch cảnh, thì mình không xứng đáng làm ngọn hải đăng cho cõi đời.

. Trong Phật giáo, nghịch cảnh được gọi là duyên giúp ích (tăng thượng duyên). Do đó khi bạn gặp nghịch cảnh, bạn nên sinh lòng cảm kích. (Duyên lành ngẫu nhiên) có thể gặp mà chẳng thể cầu.

. Việc gian nan, rắc rối đều là thử thách. Cũng giống như thanh kiếm phải nhờ mài nơi đá thì mới sắc bén được. Viên ngọc thô phải gọt dũa mới phát huy được nét đẹp sáng chói của nó.

Tu hành phải vượt qua thử thách. Phải rèn luyện tâm động thành ra tâm tĩnh. Khiến mình dù ở trong cảnh động mà tâm không động.

. Tu hành thì từng giờ, từng phút, từng giây, mãi hoài chẳng nghỉ. Làm việc cũng phải trải qua vô số lần thử thách.

. Người ta thường kẹt ở trong cái nhìn ở chính mình. Tri âm tức là chân lý. Không phải tri âm thì biến thành thị phi.

. Cái mà người ta khó thấy nhất là bản ngã, là chính mình. Thường ngày ai cũng mở to mắt nhìn bên ngoài ; nói người này thế nọ, bàn chuyện đời như thế kia, mà chẳng biết rằng mình cũng nằm trong phạm vi đó. Nếu tách riêng cái tôi này ra, đem bản ngã làm đối tượng để quan sát thì mới thấy rằng sự lý mọi chuyện.

Hãy tha thứ cho kẻ vô ý làm tổn hại người khác. Cũng chớ nên dễ dàng bị người talàm tổn thương.

. Hễ đã nghi ngờ ai, bạn chẳng thể yêu mến người ấy. Hễ nghi ngờ ai, bạn cũng khó tha thứ họ. Hễ nghi ngờ ai, bạn cũng chẳng tin tưởng họ.

. Thêm một phần hoài nghi người nào thì mình sẽ bớt đi một phần tự tin. Khi phủ nhận mọi thứ trên đời, bạn sẽ mất hết lòng tin nơi mình.

. Hãy xem những chuyện thị phi là bài học giáo dục. Xem khen ngợi là lời cảnh giác (đừng kiêu ngạo, hãy tự kiểm đức hạnh). Xem việc hiềm ghét ruồng bỏ là cơ hội phản tỉnh. Lấy lỗi lầm làm kinh nghiệm (đặng cải thiện). Bất kỳ sự phê bình nào cũng là bài học quí giá.

. Khi người ta mắng chửi mình, chẳng tha thứ mình, hủy báng mình, mình nên sinh lòng cảm kích họ. Hãy cám ơn họ vì họ đã tạo ra cảnh giới để mình tu hành.

. Khi tâm thuần chính thì không sợ ai hủy báng cả. Chỉ cần bạn làm việc cho chính chắn (đúng đắn, đàng hoàng), cho chân thành thì mặc ai muốn hủy báng, họ chỉ làm nhân cách của bạn thêm thăng hoa (trở nên cao thượng hơn) mà thôi.

. Việc sai lầm tới ; biến nó thành đúng đắn. Chuyện xấu ác đến : biến nó thành tốt lành. Bất luận chuyện thị phi gì bạn cũng hãy khéo léo hiểu thấu thì không còn gì là thị phi nữa. Nghe chuyện thị phi gì, bạn cũng xem nó như là duyên giúp ích việc tu hành. Nhất định chớ để cỏ vô minh mọc đầy tràn trong tâm bạn.

. Nếu ai cũng diệt trừ được ngã mạn, ngã chấp và vo minh thì giữa người với người sẽ chẳng bao giờ sanh chuyện thị phi cả.

. Nên lấy việc thị phi làm bài học giáo dục. Không nên đem chuyện người ra làm đề tài thị phi.

 

8 PHIỀN NÃO VÀ BỒ ĐỀ

TỪ THAM DỤC MÀ NÓI

. Tất cả mọi chuyện nhân ngã, thị phi, trong ngoài, lý sự… chẳng thể hòa giải được cũng bởi do bắt nguồn từ tham sân si mà ra. Có ba thứ này nên mới có tranh chấp cãi vã… vĩnh viễn chẳng ngừng.

. Lòng tham không đáy, dục vọng không bờ. Hễ có mong cầu thì sẽ có tâm muốn được. Có cầu có đắc thì sẽ có đau khổ khi bị mất mát.

. Biển cả có thể lấp bằng, nhưng phía dưới mũi-cái miệng nhỏ bé thì vĩnh viễn chẳng bao giờ có thể lấp đầy được.

. Nhiều mong cầu thì nhiều biến đổi. Nhiều biến đổi thì nhiều chuyện sinh . Nhiều chuyện sinh thì cũng nhiều chuyện diệt. Sinh diệt, diệt sinh : năm tháng trôi mãi.

. Ai cũng sống như nhau ; nhưng người nhiều dục vọng thì tốn thật nhiều sức lực mới có thể thỏa mãn tham vọng đời họ. Còn kẻ ít dục vọng thì sống ít đòi hỏi, ít phiền não, lại còn yên ổn suốt cuộc đời.

. Rũ bỏ lòng tham thì chuyện sẽ đơn giản. Tâm linh của bạn đạt tới chỗ yên tịnh và giải thoát.

. Đạo tâm cũng là lý tánh. Nếu dục vọng tiếp tục bành trướng mãi thì lý tánh sẽ bị chôn vùi. Nếu phát triển lý tánh thì bạn sẽ khống chế chặn đứng được dục vọng.

. Cái gọi là phiền não vốn không lấy cuộc sống vật chất làm tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn của nó là trạng thái phân biệt của tâm. Nếu không biết trí tuệ thì vĩnh viễn ngụp lặn trong phiền não.

. Khổ não của đời người thì chẳng kể gì giàu nghèo, bần tiện, cao quí.

. Chúng sanh vốn đã có thể cùng nhau chung sống tự tại, tràn đầy tình cảm vui vẻ hòa thuận và bình an,nhưng chỉ khác ở chỗ"vị đắc đa cầu". Bởi vì "tâm vô yểm túc". Vì quá mong cầu nên khó tránh khỏi tâm sanh phiền não, tăng trưởng ác nghiệp.

.Ai ai cũng muốn có. Thế nào là có ? Có tức phiền não.

. Bệnh tật đau đớn, đừng xem nó quá nghiêm trọng.Lòng có phiền não thì không sao giải thoát được. "Thống" có hai chữ. Một là "thống khổ" (đau đớn) và một là "thống khoái" (thích thú). Khi đối mặt với đau đớn thì mình phải phấn chấn lên. Nghĩa là xem sự đau đớn như là tai họa. Khi đau đớn mất thì tai họa cũng tiêu trừ. Tức là thay đổi được nỗi đau đớn của bệnh tật thành niềm vui sau khi thoát khỏi tai nạn.

. Hãy làm mất đi tâm phiền não trong quá khứ và hãy làm sống dậy cảnh giới giải thoát trong hiện tại.

. Mình phải học cho có tâm bình thường. Hễ ai có tâm bình thường thì bất luận gặp hoàn cảnh gian nan, thử thách gì họ cũng đều an nhiên tự tại. Họ thấu suốt chuyện đời vốn là như vậy, do đó không sợ hãi, bàng hoàng,âu lo hoặc khổ não.

. Muốn giữ cho lòng lúc nào cũng an vui thì bạn tuyệt đối chớ (nói) thị phi về chuyện người khác. Có những kẻ lòng luôn bực bội phiền não là vì khi họ nghe người khác nói một lời vô ý (chạm tự ái) thì họ lại (cho là cố ý nói về mình, nên họ ) để nó trong lòng.

. Mở rộng cõi lòng thì phiền não tự nhiên tan biến. Vì sao người ta có phiền não ? Bởi vì lòng quá nhỏ hẹp, chẳng sao dung nạp được người mình không thích, hoặc kẻ tài giỏi hơn mình.

. Mỡ rộng cõi lòng thì phiền não tự nhiên tan biến. Vì sao người ta có phiền não ? Bởi vì lòng quá nhỏ hẹp, chẳng sao dung nạp được người mình không thích, hoặc kẻ tài giỏi hơn mình.

. Giận giữ bực bội ở trong lòng hay ngoài mặt, đều là phiền não. Tức tối trong lòng là tự mình sinh phiền não. Giận dữ ra mặt là phiền hà rối loạn kẻ khác.

. Bệnh hãy xem bệnh khổ, gian nan, phiền não như một thứ (cơ hội) để mình sạc điện, một cách giáo dục tốt nhất cho đời mình. Mỗi ngày trôi qua cũng như người đọc sách lật qua một trang mới. Mà mỗi người, mỗi việc, mỗi phiền não mình gặp trong ngày là những câu danh ngôn, những lời cảnh cáo trên trang giấy ấy.

. Dùng phiền não để chuyển hóa chúng thành trí huệ thì phiền não đó mới có ý nghĩa.

. Có một công án trong nhà thiền nói rằng phàm làm chuyện gì nếu ta cứ lo lắng, sợ hãi thì đó là biểu hiện của sự ngu chấp. Có một thiền sư nọ khi đang ngồi thiền thì trước mắt hiện ra một cảnh giới. Ngài nhìn thấy một kẻ không đầu hiện ra. Ngài liền nói :Không đầu thì bạn chẳng có đau đầu! Nói xong thì cảnh giới tiêu tan liền. Một lúc sau thì lại hiện ra một kẻ chỉ có đầu và tứ chi nhưng không có thân mình. Thiền sư nói : Không ruột không tim thì bạn chẳng đói chẳng lo! Lập tức cảnh giới ấy biến mất. Chặp sau lại hiện ra một kẻ không chân. Thiền sư lại nói : Không chân thì bạn chẳng chạy lăng xăng ! Nói dứt, cảnh cũng bién mất. Thiền sư như vậy mới ngộ rằng : trần cảnh đều không có thật tánh.

. Phiền não tức bồ đề (giác ngộ).

 

9.NGỘ RẰNG TRỜI ĐẤT BAO LA

HIỂU BIẾT HẠNH PHÚC VÀ TÀI PHÚ

. Hạnh phúc trong đời không có gì làm tiêu chuẩn. Ai được người quan tâm, được người yêu mến, lại biết quan tâm, được người yêu mến, lại biết quan tâm kẻ khác, yêu mến kẻ khác : y là kẻ hạnh phúc trong những người hạnh phúc.

. Trong thế gian này còn có nhiều kẻ bi thảm hơn mình nữa. Có thể phục vụ người luôn hạnh phúc hơn là được người phục vụ.

. Tha thứ cho người một lần là làm phước một lần. Tâm càng mở rộng thì phước báo càng lớn.

Tội và phước trong đời là do mình tự tạo ra. Đáng sợ nhất là người và đáng yêu nhất cũng là người.

. Có lòng thì có phước. Có nguyện thì có sức mạnh.

Tự phước điền, tự hưởng phước duyên.

. Chịu khổ hiểu thấu được khổ. Khổ tận cam lai (hết khổ sẽ vui). Hưởng phước hiểu thấu được phước. Phước tận bi lai (hết phước sẽ khổ).

. Cầu phước cầu thọ không bằng cầu bình an. Bình an tức là thêm phước tăng thọ rồi vậy.

. Thường nghe hai chữ "xả đắc". Bố thí thì có phước hơn là thọ nhận. Sự sung sướng chân chính là cõi lòng thanh tịnh, yên ổn và an vui sau khi mình thí xả.

. Người hết sức bình thường mới là người hết sức giàu có.

. Vật chất trên đời này chỉ là thứ trào lưu (như nước thủy triều, tới rồi đi không ngừng). Vào thời hòa bình thì vàng bạc châu báu là của quý. Giá trị của vật chất thật hoàn toàn do lòng người chuyển theo (quan niệm về) trào lưu và lòng tôn sùng hư vinh mà ra.

. Tiền tài là vật ngoài thân. Nếu đã là vật ngoài thân, hẳn nhiên có lúc tụ lúc tán. Do vậy, khi có tiền, bạn chớ đắc ý. Khi không tiền, cũng chớ bi ai.

. Suy nghĩ thấu triệt một chút về đời người : chẳng có chuyện gì vật gì vĩnh viễn là bạn của mình. Dù cho người mình có thương yêu cách mấy, dù cho tiền tài mình có nhiều bao nhiêu, rốt cuộc có lúc chúng sẽ rời mình. Thế thì còn gì nữa mà chưa chịu buông xả ?

. Chẳng phải có tiền là sung sướng đâu ! Nếu tự hỏi lòng, chẳng gì hổ thẹn thì an ổn nhất. Có thể phục vụ, đem sức giúp người, cứu người thì mới thật là niềm vui cao tột nhất.

. Phàm phu truy cầu tài vật, thánh nhân tầm cầu chân lý.

. Mọi thứ vật hình tướng đẹp đẽ trên đời bất quá chỉ làm thỏa mãn lòng phàm phu tìm cầu hư vinh nhất thời mà thôi.

. Nếu không bị sự nghèo hèn làm họ cảm thấy bị thất bại, đày đọa và kẻ không bị sự giàu sang khiến cho trở nên kiêu ngạo xa xỉ, bủn xỉn. Cả hai loại người ấy mới là kẻ thành công.

. Từ trong vòng dục vọng, tham muốn vật chất vùng vẫy thoát ra : nếu ít dục, hết tham thì tự nhiên bạn sẽ thấy trời rộng đất bằng, sung sướng vô hạn.

10.NHẸ CHỪNG NÀO, NẶNG CHỪNG ẤY

NÓI VỀ ÂM THANH, SẮC TƯỚNG

. Người ta tiếp xúc nhau ai cũng dùng âm thanh sắc tướng làm phương tiện. Lời nói là thanh thái độ là sắc. Bởi thế, khi nói chuyện với người : lời nói nên nhẹ nhàng tinh tế. Khi đối đãi người : thái độ cần khoan nhu, tươi cười.

. Một lời nói không thích hợp chỉ làm người nghe sinh lòng bực bội bài kích. Vì vậy bạn nên nói cho hợp thời, đúng chỗ. Nói dư một lời hay thiếu một lời đều dở cả.

. Khi nói năng, bạn phải cẩn thận, uyển chuyển. Đối với người tri âm, bạn chẳng cần dài dòng tâm sự, y cũng thấu hiểu bạn rồi. Đối với kẻ chẳng phải tri âm thì dù bạn kể lể tỉ mỉ tới đâu cũng vô ích.

. Khi dạy dỗ kẻ khác, bạn phải chia ra trong và ngoài. Bên trong bạn phải nhu hòa mềm dịu. Bên ngoài bạn phải chân chính ngay thẳng.

. Khi nổi nóng, miệng buông lời xấu thì dù tâm địa có tốt gì đi nữa bạn không được xem là người tốt được.

. Nghe thì nghe cho đúng (chính xác). Nói thì nói cho thật (đúng với thực tế). Chớ nên chỉ tuyển chọn nghe câu này, nghe câu kia rồi ráp chúng lại thành lời sắc nhọn đâm xóc tim người. Lời nói ác ôn như thế tổn thương người nghe, chẳng gì có thể cứu vãn nổi.

. Không nên dùng cái miệng biết nói năng này nói chuyện thị phi, tạo khẩu nghiệp. Cũng chớ nên dùng tấm thân biết hoạt động này ăn uống chơi bời đắm luyến vật dục.

. Khi nghe lời nói tốt lành mình nên như miếng xốp (foam : một vật liệu có khả năng thấm nước) : gặp nước thì lập tức hút vào. Khi nghe chuyện thị phi ở đời, mình nên như đá xi măng ; nước chảy qua rồi nó liền khô.

. Đối diện (chịu đựng, nhẫn nhịn) lời nói thô ác, độc hại : đó cũng là một pháp môn tu hành.

. Không nên chanh chấp bởi vì chuyện thị phi, nhân ngã bỉ thử ; Lời nói đem ra cân thì nhẹ hều; nhưng nếu thiếu chút cẩn thận thì (lời nói) có thể đè nặnh trình trịch lên tâm người ta. Bạn cũng nên tự phản tỉnh ( tìm đáp án nơi chính mình, đừng trách kẻ khác đừng đổ thừa), tự huấn luyện, đừng để mình bị lời nói của kẻ khác làm tổn thương (chạm tự ái).

. Trong sinh hoạt hằng ngày, mình nên thường tự cảnh giác, thường tự phản tỉnh. Phải nhớ : rộng lượng đối với người, tế nhị trong lời nói. Làm vậy thì bạn có thể hóa giải tâm trạng hàm độc (oán ghét, tức hận, thù hằng trong lòng), viên dung tất cả chúng sinh.

. Khi nội tâm an bình, yên lặng và vui vẻ, đầu óc thảnh thơi thì bạn khảo sát tư duy mọi sự hết sức rõ ràng. Nói ra lời gì cũng sẽ hữu lý hữu tình.

. Dùng tâm nhãn (con mắt trong lòng) thanh tịnh để nhìn người thì bạn sẽ chẳng có va chạm xích mích với ai cả. Âm thanh thì vô hình, vô lượng; hình sắc chỉ là tưởng giả : đừng để chúng lấn át tâm nhãn của bạn.

. Dùng lỗ tai thanh tịnh để tiếp nhận lời nói thanh tịnh. Dùng tánh nghe viên thông để hấp thụ thiện âm khắp trần gian.

. Một lời nói là trọng thì mới đáng tín nhiệm, tin cậy sâu dày. Tin cậy có sâu dày thì mới có công dụng lớn.

. Cái đẹp của chân tánh không gì bằng lòngthành. Lòng thành là nguồn cội của ,mọi thiện pháp. Cái quí của nhân tánh không gì hơn chữ tín. Chữ tín là căn bản lập thế, xây dựng sự nghiệp của đời người.

. Thành mà bất nhất thì tâm không vững được. Tín mà bất nhất thì lời nói không thể dùng được. Cổ nhân có nói : Thà thiếu ăn thiếu mặc chứ không bao giờ để mất sự thành tín.