Đời sống
Tịnh Tư Ngữ
Pháp Sư Chứng Nghiêm Thích Giải Hiền dịch
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tịnh Tư Ngữ
Pháp Sư Chứng Nghiêm
Thích Giải Hiền
dịch
Sàigòn 2001 ; PL. 2545

PHẦN HAI

(tiếp theo)

11. NÓI VỀ SỬA LỖI

. Tôi biết tôi có rất nhiều khuyết điểm, tôi sẽ từ từ sửa đổi !

Nếu bạn muốn từ từ sửa đổi thì tốt nhất là đừng sửa đổi gì cả ! Đời người vô thường, có bao nhiêu thời giờ dư dả để ta từ từ tiêu hoa chứ.

. Tại sao người khác làm sai mà họ chẳng cần phải sửa đổi lỗi lầm.

Nếu ai không muốn thành Phật thì cứ tính toán so đo với người. Một niệm giác ngộ là Phật, một niệm mê muội tức thành phàm phu.

. Lúc nghe thì hiểu nhưng khi đụng chạm thực tế thì quên mất chân lý, phải làm sao khắc phục ?

Phải phát khởi nghị lực, quyết tâm; lập chí không tái phạm lỗi lầm. Thường luôn cảnh tỉnh bản thân. Có dũng khí thì mới tinh tấn được.

12.NÓI VỀ NGHÈO VÀ BỆNH

. Tại sao ở đời có người nghèo khổ ?

Truy xét căn nguồn, tôi phát hiện đa số người ta do bệnh nên nghèo. Nếu có thân thể khỏe mạnh thì họ có thể làm việc, sống yên ổn. Nếu có bệnh, nhiều khi biến thành gánh nặng lớn cho một gia đình nhỏ. Vì vậy trị bệnh là công đức lớn nhất.

.Vai trò các vị y tá quan trọng như thế nào ? Vì sao họ phải lấy tinh thần Đức Quán Âm (Bạch Y Đại Sĩ)làm chủ đạo ?

Y tá (hộ lý) là một khâu then chốt quan trọng của việc trị liệu. Lúc người ta bệnh, ba phần là tâm bệnh. Dù bác sĩ và thuốc men có tốt đến đâu cũng phải nhờ các y tá quan tâm chiếu cố thì mới hoàn thành việc trị liệu. Vì vậy, ngoài năng lực nghề nghiệp ra, các vị y tá còn phải khởi tinh thần của Đức Quán Âm : từ bi thấy người khác bệnh khổ thì mình đau lòng và hạ quyết tâm cứu khổ nạn. Được biểu hiện ra bên ngoài bằng sự nhu hòa và lòng quan hoài.

13. NÓI VỀ TÌNH YÊU

. Có cô thiếu nữ hỏi về vấn đề nam nữ làm sao thì mới tốt.

Phải chuyên nhất; phải giữ nề nếp quy củ.

. Lại hỏi : Chuyện tình và tư tình khác nhau ra sao ?

Tư tình thì muốn chiếm hữu. Chuyên tình thì chân thành. Kẻ tư tình dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng. Kẻ chuyên tình chỉ muốn thấy đối phương hạnh phúc.

. Có người bị khổ vì tình, nên hỏi : Con người có cắt đứt được tình chăng ?

Tình thật khó cắt. Đạo Bồ Tát là giác ngộ hữu tình, không phải là cắt đứt tình. Tình yêu của Phật thì triệt để, vô nhiễm, nhưng Ngài không nói rằng cắt đứt tình thương. Tư tình tư dục (dục vọng ích kỷ) làm chúng sinh thống khổ. Chỉ có tình thương bao la không bờ bến (lòng đại bi) thì mới làm chúng sinh thoát khổ.

. Con tôi được cưng chiều quá mức, nhưng nó cứ cảm thấy chẳng đủ, phải làm sao ?

Cha mẹ phải tạo cơ hội để con cái tham dự vào công việc nhà. Thương con nhưng không thể quá lố, quá yếu ớt, phải thường vận dụng trí tuệ hướng dẫn và phát khởi cho con cái. Đối với người ngoài, với chúng sinh, cũng nên phát huy tình thương, xem mình như là cha mẹ họ để đối đãi, quan hoài, và phục vụ. Từ từ con cái sẽ nhờ đó màc hiểu ra ý nghĩa của tình thương chân chính.

. Có vị làm công tác xã hội, vì quẫn bách nên hỏi rằng : Tôi thường thấy bạn bè hiến thân phục vụ xã hội, nhiệt tâm vì công ích, đến độ chẳng có rảnh rang lo lắng gia đình. Người như vậy : thương yêu cả thiên hạ nhưng lại bỏ quên người trong nhà, tôi cảm thấy dường như chẳng đúng.

Chẳng phải dường như chẳng đúng mà là thật sự không đúng.

. Có vị ủy viên hỏi : Lúc một người đem tình thương ra phục vụ giúp đỡ kẻ bần khố, y phải có tâm lý như thế nào ?

Phục vụ nhưng đừng mong cầu lợi ích gì, bất kỳ quả báo gì. Như vậy thì mới tới được chỗ chân thiện mỹ.

. Một vị ủy viên đi làm giấy tờ hiến cơ phận (bộ phận cơ thể).

Nếu bạn có thể hiểu thấu triệt tình thương và sinh mạng, không có tâm chiếm hữu gì cả, thì đó tức là tình thương của Bồ Tát.

. Tìm ở đâu tình thương vĩnh hằng ?

Tìm nơi lòng kiên thành cung kính. Tìm nơi chốn ban sơ, tìm nơi tôn giáo.

14. NÓI VỀ PHẬN CON DÂU

. Cô con dâu hỏi : Tôi đối xử với mẹ chồng tốt, thế mà bà không xử sự tốt với tôi.

Mẹ chồng đối với cô không tốt là chuyện của bà. Nhưng đối xử với bà nhạc cho thật tốt là bổn phận của cô. Nên biết, mỗi một cử chỉ hành động của cô, kẻ hậu bối đều chú ý nhìn và bắt chước đó. Nếu cô đã xử sự tốt đến 99 phần trăm, chỉ còn một phần trăm, thì hãy ráng làm cho tròn trăm phần trăm nhé.

. Cha mẹ chồng đối xử làm sao với con dâu ?

Khi con gái kết hôn, không phải rằng bác (gả) mất cô con gái, mà là bác được thêm đứa con trai (là anh rể). Khi con trai lấy vợ, không phải là đem về cô dâu, mà là thêm một đứa con gái. (ý là phải xem dâu rể như con đẻ).

. Đạo xử thế giữa con dâu và mẹ chồng ra sao ?

Con dâu xử tốt với mẹ chồng, đừng làm tâm linh họ sinh bệnh thì đó là phước của con cái. Nếu không hạp với cha mẹ chồng khiến họ tức bực sinh bệnh; thì đến lúc phải săn sóc (họ bệnh) chẳng lẽ cô dâu không góp phần vào sao ? Nên quan hoài, vui vầy với nhau. Đi chợ mua thức ăn, không nên chỉ nghĩ tới mua đồ gì con mình thích, mà chẳng nghĩ tới sở thích của cha mẹ chồng. Làm gì cũng phải có lòng cung kính.

15. NÓI VỀ VIỆC DẠY CON

.Làm sao dạy dỗ con cái cho thích đáng?

Dưỡng dục con cái thì cũng như gieo mầm. Mầm gieo xuống đất rồi cố ý bón phân và tưới nước thật nhiều thì gốc sẽ hư nát. Trong thiên nhiên đã có đủ nước và ánh sáng, không khí rồi. Thiên nhiên sẽ bồi dưỡng mầm cây. Chăm lo cho con cái cũng vậy : cha mẹ sinh con, dưỡng dục cho con lớn lên, nhưng quá sủng ái thì sẽ hại nó .

. Nhiều phụ mẫu vì con cái gây gổ nên sinh phiền não.

Nên (xem đó) là chuyện đùa. Chẳng qua con cái thiếu kinh nghiệm đời (do đó đây là cơ hội để chúng bắt đầu học hỏi). Không nhất định chúng nó xem rằng đó là cãi lộn. Làm bậc cha mẹ, mình không nên coi nặng chuyện này quá.

. Con cái không ngoan chẳng chịu học hành phải làm sao ?

Thật ra cha mẹ chỉ có nghĩa vụ đối với con cái; chỉ cần làm hết trách nhiệm, chẳng có quyền lợi gì cả. Nên trồng phước lành cho con cái. Dùng lòng thương yêu của người mẹ để quan hoài, yêu mến chúng sinh. Dùng trí tuệ Bồ Tát để dạy dỗ con cái. Không nên quá lo lắng cho con cái. Làm vậy thì vô hình trung mình khiến cho con cái mang thêm nghiệp nặng.

. Có cô thiếu nữ vì yêu đương nên bị gia đình cấm cản. Sau nhiều sóng gió, người cô yêu kết hôn với cô gái khác, khiến cô này tâm ý tiều tụy, lòng muốn xuất gia. Người nhà tuy buồn bã hối hận, Nhưng khó lòng khuyên giải cô ta. Thỉnh ý Sư phải làm sao ?

Xuất gia là chuyện chung thân, cũng giống như chuyện con cái đi lấy chồng vậy. Cần phải vô cùng thận trọng. Lấy chồng : không nên kích động, đường đột quyết định. Xuất gia : càng cần chọn lựa chắc chắn với lòng thanh tịnh sáng suốt. Lấy chồng thì bước vào một gia đình khác. Xuất gia thì bước vào nhà Như Lai. Nó cần bạn gánh vác gia nghiệp của Như Lai, tức là gánh vác toàn thể chúng sinh vậy. Nó khác hẳn với người tại gia. Sự gánh vác này không những vừa nặng mà lại vừa lâu, vạn nhất nếu gánh không nổi thì phải làm sao ? Bạn phải suy nghĩ cho kỹ càng, không nên trong lúc cảm tình nông nổi, phiền não xao động rồi lập tức quyết định. Đối với cha mẹ : Nuôi nấng con cái là trách nhiệm của cha mẹ, nhưng các bác không nên sử dụng quyền y (bắt buộc, áp chế, đe dọa, nạt nộ cho sợ ). Chẳng nên nghĩ rằng mình là phụ mẫu, nên chuyện gì cũng bắt con cái phải nghe theo. Tánh cha mẹ như vậy thì quá sức khổ sở, quá sức khắc khe. Ngay cả tình thương cũng bị tổn thương, làm sao chẳng mất đi lòng yêu mến con cái chứ !

. Có vị giáo sư y khoa, cho rằng trị bệnh là công đức lớn nhất nên khi đứa con trai vào đại học thì ông ta bắt buộc nó phải tuyển chọn trường y. Nhưng chí của người con không muốn vậy, nên nó không chịu ghi danh. Người cha căn dặn người nhà nhất định phải ép cho được con mình ghi danh vào trường y.

Cố nhiên chúng ta ai cũng biết công đức của bác sĩ thì lớn lắm. Cha mẹ nào cũng hy vọng con mình đi trên con đường tốt nhất. Đó là ý tốt. Tuy nhiên làm bậc cha mẹ, tốt nhất mình nên dùng phương thức chỉ dạy, nuôi dưỡng hứng thú của con cái. Không thể dùng mệnh lệnh để ép buộc con cái; làm vậy chúng sẽ khổ. Tuy xuất phát từ ý tốt, nhưng không nhất định nó đem lại kết quả tốt. Cha mẹ nên dùng lòng rộng rãi nhu hòa và con mắt trí huệ để đối đãi với con cái. Khiến con cái bước theo con đường nó muốn, đường nó có thể đi thì mới tốt.

16. BA Ý NGUYỆN ĐẦU XUÂN

. Tân xuân năm 1983. Hội vên thăm Tết, hỏi nguyện vọng của sư trong năm mới là gì ?

Sư có ba nguyện vọng :

-Một, không mong cầu sự như ý. Chỉ cần có đủ dũng khí để đối diện với hiện thực.

-Hai, không cầu thân thể khỏe mạnh. Chỉ hy vọng lúc nào cũng có tinh thần sung túc trí tuệ, với tình thương không hề bị lui sụt.

 - Ba, không hy vọng gánh nặng nhẹ bớt. Chỉ yêu cầu có thêm sức mạnh để đảm đang những việc phải làm trên cõi đời này.