Đời sống
Đạo Học - Con Đường An Vui Hạnh Phúc
Vân Như Bùi Văn Nhự Nhà Xuất Bản Phương Đông
20/09/2554 10:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Phần thứ nhất: Khổ Đế (Dukkha Ariya Sacca)
- Đời người bất hạnh

 

 

Nhân Sinh

 

 Tạo Hóa gây chi giấc mộng đời,

 Đau buồn, thống khổ khắp nơi nơi !

 Mở mắt thấy bao điều bất thiện,

 Xem tâm nghe rặt chuyện không vui.

 Áp bức, bất công, đời bạo ngược,

 Giận buồn, thương ghét, lệ đầy vơi.

 Sầu khổ đan xen chiều bất tận,

 Vẽ đặt ra chi một kiếp người ?

 

 Xung đột trong ngoài giống hệt nhau,

 Nội tâm, ngoại giới thảy lo âu.

 Si mê, sân hận, tâm hoang loạn,

 Tham ái, cưu mang, dạ thảm sầu.

 Lừa lọc, mưu mô, lo trục lợi,

 Tệ bạc, hung tàn, nhắm hại nhau.

 Diễn trường khổ lụy miên man mãi !

 Thanh bình, an lạc tại phương nao ?

 

 Chồng chất nhân gian vạn nỗi sầu,

 Muôn ngàn thống khổ ngất trời cao !

 Buồn chán, bất an, rồi bực bội,

 Khát thèm, đố kỵ, lại lo âu.

 Bẹnh tật, tai ương, nhiều khốn đốn,

 Cơ hàn, binh lửa, lắm lao đao.

 Lầm lỗi, đa đoan theo trọn kiếp,

 Trần gian khổ lụy tại do đâu ?

 

 

 

 A. Đại cương về Khổ Đế ( )

 

 Khổ Đế : Sự Thực rõ ràng, hiển nhiên nói về trạng thái đau khổ của con người. Khổ Đế thuyết minh về trạng thái đau khổ của nhân loại: cuộc đời con người đầy rẫy những phiền não, khổ lụy vì vướng mắc trong Ngũ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Có những đau khổ về thân (Sắc) như sinh, bệnh, lão, tử. Có những đau khổ về tâm (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) như oán tắng hội (gặp những điều không ưa), ái ly biệt (xa lìa những điều ưa thích), cầu bất đắc (mong muốn không được toại nguyện).

Đạo Học nói chung, Phật giáo nói riêng, không phủ nhận cuộc sống, không kết án sự sống, mà chỉ bài xích cái tâm thái mê lầm, cái nhãn quan mù quáng, cách sử kỷ tiếp vật sai trái của con người trước cuộc sống, khiến cuộc đời, kiếp người đầy rẫy những phiền muộn, lo âu, bất an, căng thẳng, khó chịu, mâu thuẫn, rối loạn, đau khổ. Phật bảo sinh, bệnh, lão, tử là khổ, không phải chủ ý để kết án cái chu kỳ diễn biến tự nhiên, vô thường của vạn hữu mà để nêu rõ cái trạng thái tâm lý sợ hãi, đau khổ, mê lầm của con người đối với cái tiến trình tự nhiên đang hiện hữu này. Đạo Học yếm thế chứ tuyệt nhiên không bi quan. Đạo Học luôn ca ngợi sự sống, bao gồm cả sự chết là phi thường, là tuyệt diệu và khẳng định mọi người đều có khả năng chứng đạt hạnh phúc viên mãn, trọn vẹn, ngay trong cuộc sống đang diễn ra trong hiện tại.

Lục Tổ Huệ Năng (638–713) bảo: “Phật Pháp tại thế gian”, cái thanh bình, an lạc, tuyệt mỹ, tuyệt trần nằm ngay trong cuộc sống bình thường, đang diễn ra hàng ngày. Các kinh Thi của Nho Giáo, kinh Vedas của Ấn Giáo, có nhiều đoạn ca ngợi, đề cao sự sống, cuộc sống. Đạo Đức Kinh, một bản trường thi bất hủ, Nam Hoa Kinh, một kiệt tác văn chương đều đề cao, cổ xúy cho một cuộc sống hồn nhiên, tự do, tự tại. Phật bảo ai cũng có thể chứng quả Hữu Dư Niết Bàn (Sopadisesa Nibbana Dhatu) ngay khi đang tồn tại, hiện diện trong cuộc sống này. Đạo Học là cuộc cách mạng nội tâm, thay đổi nhãn quan, cách nhìn vạn hữu, từ đó phát sinh cách ứng xử theo chiều kích mới, chứ không phải cách mạng hoàn cảnh, hoán cải sự vật bên ngoài.

Chữ “Khổ” () nguyên nghĩa là đắng, được dịch từ Phạn Ngữ “Dukkha”, nghĩa là trạng thái khó chịu, không thoải mái, tự nhiên. Trạng thái khổ đa dạng ở vô vàn mức độ khác nhau như: buồn chán, bất an, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu, xót xa, nhớ nhung, lưu luyến, thương cảm, thèm khát, sợ sệt, ganh ghét, ân hận, hối tiếc, bực tức, căm thù, bất mãn, đau khổ, đau đớn...Đau khổ của con người là trạng thái hiển nhiên, bao trùm phổ quát, thường nhật: mọi người đều mê lầm, sai trái, do đó, mọi người đều phiền não, bất hạnh, đau khổ. Đạo Học không bi quan, cũng không cường điệu, mà chỉ có một cái nhìn khách quan, rõ ràng, trung thực về trạng thái đau khổ đang hiện diện cụ thể, đang tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống của con người để tìm cách tận diệt đau khổ, bứng gốc phiền não, giải thoát trói buộc, mê lầm, sai trái...trả lại cho con người cái tự do, thanh bình, an lạc, minh triết, bản nguyên, vốn có, mà con người đã đánh mất từ muôn kiếp, nghìn đời. Đạo Học chính là Đạo Sống trọn vẹn tuyệt vời, là con đường hạnh phúc viên mãn, là một nghệ thuật sống hoàn thiện phi thường, chứ tuyệt nhiên không phải là những học thuyết, kinh điển, giáo điều hoặc những pháp môn tu luyện đa đoan, kỳ bí, quay lưng với thực tại, chối bỏ cuộc sống, xa lánh cuộc đời, để đi tìm hạnh phúc không tưởng ở một Thiên Đường, Cực Lạc xa xăm, huyền hoặc nào.

 

B. Các trạng thái đau khổ

Phiền não, khổ đau được thể hiện dưới nhiều hình thức.  

I. Các phiền não nội tâm vi tế

Buồn chán, bất an, vọng động là những hình thức phiền não, khổ tâm vi tế, khó chịu, phổ quát nhất. Bất kể tuổi tác, chủng tộc, giới tính, trình độ văn hóa, địa vị kinh tế, xã hội...ai cũng có những khoảnh khoắc quạnh hiu, cô đơn, trống vắng, buồn chán vu vơ, phiền muộn, xót xa, day dứt vô duyên cớ, vọng tưởng miên man, nghĩ ngợi lung tung, đầu Ngô mình Sở… khi phải đối diện với chính mình. Con người thường xuyên phải lấp đầy, xua đuổi, lẩn trốn nỗi niềm hoang vắng, bất an, diệu vợi này bằng đủ mọi hình thức. Mọi người đều mê muội, sai lầm, nên mọi người đều phiền muộn và mọi người đều chinh phục hạnh phúc nhưng mọi người đều bất như ý, bất mãn, không toại nguyện, và đều bất hạnh.

Phiền não đã quấy rầy con người ngay từ thuở lọt lòng, ngay từ thời thơ ấu. Nó đeo bám con người như một mối sầu định mệnh, gắn liền với số kiếp nhân sinh. Tác giả Cung Oán Ngâm Khúc đã không ngoa ngôn, cường điệu khi hạ bút:

 “Thảo nào khi mới chôn nhau.

 Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra’”.

Trẻ thơ không thể ngồi yên một mình. Chúng phải cần đồ chơi để được thu hút, lôi cuốn, để được lấp đầy khoảng trống nội tâm, để được giải khuây, giải trí. Có những trẻ em ngồi không, ở yên, ở im không thể chịu được, chúng phải tìm cách nghịch ngợm, táy máy, phá phách, trêu chọc bạn bè hoặc vặt đầu, ngắt chân, xé cánh côn trùng, hành hạ thú vật...để tìm cảm giác lạ, kích thích mới. Lớn lên, chúng cần tham gia tổ chức các trò tiêu khiển mới như bắn bi, đá cầu, đá bóng, đánh khăng, đánh đáo, chơi trốn tìm, nhảy ô... Càng trưởng thành, nỗi buồn phiền của con người càng day dứt, thấm thía, man mác, mênh mang, triền miên, lê thê, bất tận.

Nhà thơ Lý Bạch (701-762), đời Đường gọi nó là “nỗi buồn muôn thuở” (vạn cổ sầu) và cổ súy, đề cao việc uống rượu để giải sầu, để quên vơi đi, xua tan đi cái phiền muộn thiên thu, thâm căn, bất trị này:

 “Ngũ hoa mã, thiên kim cừu,

 Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,

 Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu”

                                                Tương Tiến Tửu

(Gọi con đem ngựa hoa năm sắc, áo lông cừu ngàn vàng, đổi ngay lấy rượu ngon, cùng bạn bè thưởng thức để quên đi nỗi buồn muôn thuở)

Rượu là phương thuốc giải sầu đắc dụng, phổ biến, cũ xưa nhất của nhân loại. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ bộ lạc bán khai tới các thị dân văn minh, trí thức, đâu đâu người ta cũng rành rẽ cách sản xuất, phân phối, tiêu thụ đủ loại rượu khác nhau. Đỗ Phủ (712-770), cũng một thi gia nổi tiếng thời Đường, đã nhận định : Sống tới bảy mươi tuổi thì xưa nay hiếm thấy, nhưng cái nợ rượu thì xứ nào chẳng có.

 “Tửu trái tầm thường thùy xứ hữu,

 Nhân sinh thất thập cổ lai hy”

                                                Khúc Giang

 Nhưng buồn chán, sầu muộn, bất an chỉ được lãng quên tạm thời trong cơn túy lúy, mà di họa của rượu như bệnh hoạn, tai nạn, phạm pháp thì to lớn vô vàn.

Hiện nay, cuộc sống càng ngày càng đa đoan, phức tạp, phiền toái, căng thẳng, do đó nỗi buồn chán, mệt mỏi, vô vọng, bất như ý ngày một gia tăng. Vì vậy, con người tiến tới, lao vào sử dụng những chất gây cảm giác mạnh hơn, hữu hiệu hơn, lạ hơn, độc hại hơn như các loại thuốc hướng tâm, an thần (valium, seduxen, imenoctan, binoctan, codeine, phedidina, seconal, dolosal, maxiton, dolargan, amphetamine, metamphatamine, diadepam), ma tuý (cần sa hay bồ đà, cocaine, heroine hay bạch phiến), thuốc gây ảo giác (LSD, ecstasy hay MDMA)….khiến cơ thể bị lệ thuộc hơn, bị tàn phá nặng nề hơn, nguy độc hơn.

 Có người chọn giải pháp phóng túng tình dục để quên buồn.

Nhưng quan hệ tình dục bừa bãi, nạn mại dâm gây tình trạng xáo trộn gia đình, bất ổn xã hội, thúc đẩy tiến trình lây lan các bệnh nguy hiểm, đe dọa an toàn sinh mạng toàn cầu như phong tình, HIV, SIDA (AIDS)...

Có người lại giải buồn bằng các thú vui mang ít nhiều tính chất bạo lực, hung hãn như câu cá, săn bắn, chọi gà, tới việc xem đấu bò, võ đài, quyền Anh, đấu vật, cascadeur, đua xe tốc độ cao, đi dây tử thần, xem phim ảnh với các pha rùng rợn, hung hãn, tàn phá, chết chóc. Họ say sưa, thích thú khi được chứng kiến cái đau đớn của một con cá mắc câu, một con chim trúng đạn, một con thú vùng vẫy tuyệt vọng khi sa lưới, một đấu thủ đổ máu, đau đớn, ngã quỵ lúc trúng đòn. Do tập nhiễm, hung bạo trở thành một thói quen, một cá tính thâm căn, cố đế, tưởng như tự nhiên, mầm mống của mọi mâu thuẫn, hung bạo, áp bức, hỗn loạn. Lão Tử chí lý khi ông bảo:

 “Trì sỉnh điền liệp, linh nhân tâm phát cuồng”

 (Rong ruổi săn bắn khiến tâm hồn con người trở thành hung ác, cuồng bạo).

Người ta còn lẩn trốn thực tại, né tránh những phút giây cô đơn, trống vắng, phiền muộn, vu vơ, dao động vi tế, vô duyên cớ bằng những hình thức tiêu khiển nhẹ nhàng như: trồng hoa, ngắm cảnh, nuôi chim, cá, thú vật, tham gia thể thao, ca nhạc, làm thơ, vẽ tranh, du lịch, thám hiểm, mở đài, nghe băng, đĩa, xem truyền hình, hát karaoke, chơi game, lên mạng Internet, tham gia hội đoàn, công tác xã hội...Năng lực, thời giờ, tiền của, dành cho các dịch vụ mua vui, giải trí, giải buồn là quá lớn, quá nhiều và khi nguồn kích thích qua đi, nỗi bất an, cô quạnh, buồn phiền vẫn y nguyên tồn tại. Tứ đổ tường như cờ bạc, hút sách, nhậu nhẹt, trai gái, đều nhằm mục đích quên sầu, săn tìm khoái lạc, chinh phục niềm vui, trong khi chân hạnh phúc vẫn biệt tăm, mất bóng, hun hút, xa vời.

Hình thức giải trí, diệt sầu, khiển muộn này nhàm chán, người ta lại phải truy lùng, theo đuổi, chạy bắt những hình thức khác mới lạ hơn, cường liệt hơn. Nhưng cổ nhân đã thấy sự vật đạt được, cảm giác nếm được dù hấp dẫn, kỳ lạ tới đâu, khi kinh qua, toại nguyện rồi, đều trở thành nhàm chán, tầm thường:

 “Phàm sự nan cầu giai tuyệt mỹ.

 Cập năng như nguyện hựu thường tình”.

J.Krishnamurti (1895 – 1986) đã đặt tên nền văn minh nhân loại hiện nay là nền “Văn minh cảm giác” (Civilization of feeling) đầy mê lầm, tai họa.

Chú thích : J.Krishnamurti sinh tại Madnapalle, tiểu bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ. Ông được Hội Thông Thiên Học Thế Giới (International Theosophical Society) cho là hiện thân một Giáo Chủ siêu phàm của nhân loại trong thế kỷ 20, được Tiến Sĩ KS.Joshi, Đại Học Sagar, Ấn Độ, cho là nhà tư tưởng kiệt xuất nhất trong thời đại chúng ta, người đạt tới tuyệt đỉnh của nghệ thuật Yoga. Văn sĩ Hoa Kỳ Henry Miller so sánh ông với Chúa Jésus. Nhà văn Anh Aldous Huxley (1894-1963) ví lời ông trong sáng, uy nghiêm như ngôn từ của Đức Phật. Bà Zimbalist, (vợ một nhà sản xuất phim ảnh nổi tiếng của Hollywood, người hiến nhà cho ông cư ngụ trong thời gian ông lưu trú tại Hoa Kỳ, người tự nguyện làm thư ký cho ông trong hơn 20 năm cuối đời) đã nhận định về phẩm chất từ bi, minh triết trong lời ông giảng: nó không còn là sản phẩm của tâm trí loài người mà là của Thượng Đế, nếu Thượng Đế được khái niệm hóa theo tư tưởng con người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Cần mệnh danh ông là Trang Tử thời nay, một vầng Thiếu Dương ló dạng trên bầu trời văn minh nhân loại hiện đại. Học giả Trúc Thiên gọi ông là hiện tượng Nhân Vật Tam Tuyệt….

Phật tổ cũng đã nhiều lần nhắc nhở: “Thọ thị khổ” (chạy theo, bám víu vào cảm giác chính là phiền não, bất hạnh).

Một số người lại chọn giải pháp tôn giáo, một giải pháp thanh cao hơn, thánh thiện hơn, bằng cách nương tựa vào tín ngưỡng, tìm an ủi, dẫn dắt, che chở nơi Thượng Đế thiêng liêng. Nhưng lý trí lại vùng lên, phản kháng đức tin: Nếu Thượng Đế là đấng Toàn Thiện (tình thương vô biên) và Toàn Năng (quyền năng vô hạn) thì tại sao ngài lại không tạo ra những con người hoàn toàn thánh thiện, minh triết tuyệt đối, như vậy, làm gì có lỗi lầm, sai trái, sa ngã, hung bạo, áp bức, đau khổ...ở trần gian, cần gì phải thử thách vòng vo, đa đoan, rắc rối, nhiêu khê tại cuộc đời này, cần gì phải bày đặt thưởng phạt phiền hà vô ích nơi Thiên Đường, Địa Ngục.

II. Các phiền não nội tâm thô đại

Ngoài những hình thức phiền não, vọng động vi tế, nội tâm cá nhân còn triền miên những hình thức phiền não, bất an thô đại như: mâu thuẫn, tranh chấp đối kháng giữa ý niệm với thực tế, giữa lý trí với dục vọng, giữa ý thức với tiềm thức.

Con người phải thường xuyên đàn áp, dồn nén, kiềm chế, giám sát dục vọng để thích nghi với luật lệ xã hội, phong tục truyền thống, khuôn phép, tiêu chuẩn đạo đức. Họ huênh hoang, kiêu mãn, tự đắc khi thành công, lại bất mãn, bi quan, chán nản khi thất bại; nhớ nhung, xót xa, luyến ái khi chia ly, mất mát; ân hận, hối tiếc, dằn vặt khi lỗi lầm, sai trái; đố kỵ, ghen ghét khi thua kém; bực tức, sân hận, căm thù khi bị bạc đãi, áp bức, mưu hại...

Trăm ngàn thứ lo, đeo bám con người, lớn dần theo năm tháng, tuổi đời: lo học hành, lo thi cử, lo việc làm, sinh kế, lo nhà cửa, xe cộ, lo đóng thuế, lo nghĩa vụ, lo lập gia đình, lo nuôi dạy con cái, lo xây dựng cho con cháu, lo về hưu, lo tuổi già, lo sinh phần, hậu sự....

Vô vàn nỗi sợ hãi bao trùm lên cuộc sống: sợ dư luận, sợ không được tôn trọng, sợ không sang trọng, không lịch sự, sợ không được yêu thương, đùm bọc, sợ đơn côi, sợ nghèo đói, sợ thất nghiệp, sợ tai nạn, bệnh tật, sợ không an ninh, an toàn, sợ không thành đạt, sợ thất bại, sợ phạm tội, sợ già, sợ xấu, sợ chết, sợ địa ngục, sợ bị phán xét, trừng phạt, sợ thần linh, Thượng Đế, ma quỷ, sợ khủng hoảng kinh tế, sợ chiến tranh hạt nhân, sợ thiên tai, hỏa hoạn, sợ không là gì cả...Sợ chết là nỗi sợ hãi kinh hoàng nhất, ám ảnh nhất, dai dẳng, phổ biến nhất. Đó là cái sợ bị tan biến không còn gì cả, mất mát tất cả những gì sở hữu, xa lìa tất cả những gì quen biết, sụp đổ tất cả những gì đã kiến tạo, thủ đắc, đối diện với cái hư vô, xa lạ, khủng khiếp, không biết ra sao... Càng nỗ lực xua đuổi, trấn áp, loại trừ, né tránh, nỗi sợ càng bùng lên mãnh liệt.

III. Các xung đột, hỗn loạn ngoài xã hội

Ngoài xã hội đầy rẫy những tranh chấp, mâu thuẫn, đối kháng, hỗn loạn: bất hòa trong gia đình, gia tộc, đụng chạm giữa xóm giềng, tranh chấp giữa chủ và thợ, mâu thuẫn giữa chính quyền và dân chúng, chống đối giữa các tầng lớp xã hội, đối lập giữa các phe nhóm, đảng phái, phân biệt, chia rẽ, chống đối giữa các tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc, quốc gia, dân tộc...

Tranh chấp, xung đột thường xuyên giữa người và người dẫn đến mọi hình thức mâu thuẫn, căng thẳng, rối ren, hỗn loạn, lầm than, thống khổ như : ghen tuông, tự vẫn, cãi vã, lăng mạ, vu khống, chụp mũ, bôi nhọ, đánh lộn, trộm cắp, trấn lột, cướp bóc, lừa đảo, ăn xin, ăn bám, bóc lột, áp bức, bất công, độc đoán, ức hiếp, hành hạ, đe dọa, tống tiền, trả thù, đình công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình, tuyệt thực, tự thiêu, đàn áp, khủng bố, ôm bom tự sát, bom thư, bom xe, bắt cóc, đảo chính, ám sát, đầu độc, tập trung giam nhốt, tù đày, tra tấn, đánh đập, sát nhân, hãm hiếp, tàn sát tập thể, lò hơi ngạt, cánh đồng chết, tội ác diệt chủng, chiến tranh, xâm lược, bành trướng, bá quyền, thực dân, đế quốc, thống trị...

Tệ nạn xã hội nhan nhản ở mọi nơi, mọi lúc: cờ bạc, rượu chè, trai gái, ma túy, phá thai, buôn lậu, hàng giả, tiền giả, bằng giả, hối lộ, tham ô, lãng phí, mafia, côn đồ, du đãng, băng nhóm xã hội đen, ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, suy dinh dưỡng, đói rách, tai nạn, bệnh tật...

Sau hết, cái đau khổ hành hạ xác thân con người cụ thể và đau đớn nhất, thường xuyên nhất, mãnh liệt nhất là bệnh tật. Với cá nhân, nó là cái đau đớn cực kỳ ở thể xác, với xã hội, bệnh tật là một tai họa, một gánh nặng lớn lao vô cùng. Bệnh hoạn có thiên hình, vạn trạng, và nguyên nhân thì vô số, vô vàn: từ các bệnh dị ứng, nhiễm trùng, chấn thương, tai nạn, tới các bệnh bẩm sinh, di truyền, rồi các bệnh xã hội như phong, lao, phong tình, HIV, AIDS, tới các bệnh thời đại như hô hấp, tai mũi họng, ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thần kinh, tâm thần, đau nhức… Các chuyên khoa về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu, vận động... ngày càng được đào sâu, chuyên môn hóa. Các dưỡng đường, bệnh viện ngày một nhiều hơn, hiện đại hơn để đón nhận số lượng bệnh nhân ngày một gia tăng.

 

C. Các phương án giải khổ

 

Để đối trị vô vàn vấn nạn khổ đau, phiền não trên đây, nhân loại đã đưa ra nhiều phương án giải khổ, nhưng chúng đã hoàn toàn bất lực, vô hiệu, thất bại. 

I. Giáo dục đạo đức

 Tại hầu hết các quốc gia, môn Đạo đức và Giáo dục Công dân đã được đưa vào chương trình phổ thông và được dạy ngay từ mẫu giáo. Trước nay, các nhà mô phạm, luân lý, tâm lý, các lãnh tụ tinh thần, các chính khách, các nhà tư tưởng, đã đưa ra nhiều khuôn mẫu đạo lý, nhiều mô hình giáo điều, tâm niệm, nhưng con người vẫn lỗi lầm, quàng xiên, sa đọa. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, rồi Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ, rồi Tu, Tề, Trị, Bình để rèn luyện, đào tạo những con người hoàn thiện, nhằm kiến tạo một xã hội trật tự, thanh bình, an lạc, đã có từ ngàn xưa. Nhưng đạo đức, luân lý, khuôn phép, chuẩn mực, cương thường vẫn là cái gì gò bó, cưỡng ép, thúc phược, phản tự nhiên, dồn nén...nhất thời. Dục vọng, dù bị khống chế tới đâu, vẫn đợi dịp vùng lên đàn áp lý trí. Tiềm thức mênh mông, sâu thẳm, vẫn chế ngự, đè bẹp ý thức hạn hẹp, nông cạn. Có nhiều bậc phẩm hạnh, suốt đời tu dưỡng đạo lý, nhưng khi thời cơ đưa đẩy, vẫn sa ngã, tha hóa dễ dàng. Một Thượng Đế công bình tuyệt đối, toàn thiện, toàn năng, không còn đủ sức thuyết phục, răn đe nhân loại. Mê lầm, sai trái, hối tiếc hầu như những định mệnh ắt có, không thể không như vậy của kiếp nhân sinh. Vực sâu, hố thẳm sờ sờ trước mắt, nhưng con người vẫn không chùn chân bước tới. Ai cũng biết: uống rượu, hút thuốc, ma túy, cờ bạc, trai gái là tai họa, là độc hại, là vong thân, táng mệnh, nhưng họ vẫn cứ lao vào, cứ vướng mắc. Đông con hiển nhiên là vất vả nhọc nhằn, nhưng hành tinh này mỗi năm vẫn phải nuôi thêm trên dưới 100 triệu nhân khẩu. Không ai thoát khỏi cái chết, nhưng con người cố công, cùng sức tìm cách né tránh, đẩy lùi cái chết càng xa càng tốt, kéo dài thời gian âu lo, phấp phỏng, lẩn trốn, rồi cuối cùng thất vọng, hãi hùng, khiếp đảm, kinh hoàng, than khóc khi phải đối diện với tử thần.

II. Cải cách chính trị, luật pháp, an ninh, quốc phòng

Nhiều cuộc cải cách chính trị, cải tổ luật pháp, hoàn thiện tổ chức công quyền, củng cố, tăng cường an ninh, quốc phòng đã được thực hiện.

 Nhiều học thuyết chính trị, nhiều chủ nghĩa tiến bộ, dân chủ, khoa học xuất hiện. Nhiều hệ thống hiến pháp, luật pháp hoàn chỉnh ra đời.Nhiều cuộc đảo chính, lật đổ đã xảy ra. Nhiều cuộc cách mạng lớn, nhỏ đã bùng nổ. Nhiều cuộc bầu cử dân chủ tự do đã được tổ chức ở nhiều quốc gia để đưa ra những nhà lãnh đạo mới, những viên chức chính quyền mới. Nhiều chế độ chính trị tự do, dân chủ được thành lập. Nhiều tổ chức, mô hình cấu trúc công quyền phân lập, công bằng, hợp lý, hợp tình được áp dụng.

Các tổ chức chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, y tế, xã hội liên quốc gia … được khai sinh như : Khối Tự Do Tư Bản Tây Phương, khối Xã Hội Chủ Nghĩa, Khối Thế Giới Thứ Ba Phi Liên Kết, Khối Châu Mỹ La Tinh, khối Thịnh Vượng Chung (Commenwealth), khối NATO, SNG, EU, ASEAN, OPEC, APEC và trước đây như VARSAVA, ANZUS, SEATO, BAGDAD … tổ chức WTO, WHO (OMS), FAO, UNICEF, UNESCO … Hội Quốc Liên (League Of Nations), rồi Liên Hiệp Quốc (United Nations)… được thành lập để hòa giải, giữ gìn an ninh, trật tự, hòa bình, mưu cầu ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng nhân loại.

 Hệ thống an ninh, quân sự quốc gia, quốc tế được củng cố, tăng cường. Các cuộc chạy đua vũ trang diễn ra không ngừng, nhiều thế hệ vũ khí hiện đại, đa dạng được chế tạo để ngăn ngừa chiến tranh, răn đe xâm lược, đặc quyền, đặc lợi...Nhưng thành tựu vẫn xa vời, mục tiêu vẫn không đạt được, và hòa bình, trật tự, công bình, tự do, dân chủ vẫn chỉ được duy trì bằng sức mạnh, bằng kỷ luật giám sát, trong thời gian ngắn ngủi, tạm bợ, nhất thời.Thanh bình, an lạc, hạnh phúc vĩnh cửu trên hành tinh này trước sau vẫn mãi mãi chỉ là điều mơ ước, không hiện thực. Rối loạn, bất công, áp bức, bóc lột, kỳ thị, bá quyền vẫn tồn tại, hiện bày ở khắp nơi, khắp chốn. Con người vẫn phản kháng hiện tại, vẫn chống đối thực tiễn, vẫn không hài lòng như ý trong cuộc sống ngày càng đa đoan, phức tạp, phiền toái.

Cách nay hơn 2500 năm, Lão Tử đã khẳng định:

 “Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu”

 (Pháp lệnh càng được đề cao, trộm cướp càng nhiều).

Thực thế, hệ thống kiểm tra, giám sát, răn đe càng tinh vi, hiện đại, thì phản lực chống đối càng cường liệt. Hệ thống pháp lý, pháp đình, pháp trường, nhà tù phát triển, cùng với đội ngũ công an, cảnh sát với đầy đủ các phương tiện tối tân đã khoanh tay bất lực trước các tệ đoan, tội phạm, rối ren như: tham nhũng, hối lộ, bóc lột, đàn áp, khủng bố, bắt cóc, mại dâm, ma túy, cờ bạc, nhậu nhẹt, trộm cướp, lường gạt, ly hôn, tự tử...Chiến tranh, bạo động, mâu thuẫn, hỗn loạn không thể chấm dứt bằng kỷ luật, bằng sức mạnh, bạo lực.

Ở phương Đông, học thuyết “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” đã được Nho giáo đề xướng, phổ biến từ hơn hai thiên niên kỷ trước, nhưng các bậc chăn dắt dân, ở ngôi vị cao trọng xưa nay vẫn độc đoán, áp bức, hống hách, cửa quyền. “Tham quan, ô lại” bị lên án từ xưa, nhưng ngày nay vẫn đầy dẫy nhưng “Sâu dân, mọt nước”. “Cần kiệm, liêm chính” được nhắc nhở nhiều lần ở khắp các cơ quan, công sở nhưng “Tham ô, lãng phí” vẫn là chuyện tồn tại dài dài trên mặt báo hàng ngày.

III. Cách mạng khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội

Đây là giải pháp con người kỳ vọng không kém hai giải pháp trước đây. Trong những thập kỷ gần đây, nhờ những cách mạng vượt bậc về khoa học, kỹ thuật, thúc đẩy cách mạng kinh tế, con người ngày càng trí thức hơn, vũ trụ quan, nhân sinh quan được mở rộng hơn, đất đai được cày xới sâu hơn, nhanh hơn, diện tích canh tác gia tăng, vòng quay trồng trọt mau hơn, tài nguyên được khai thác tối đa, năng lượng được sử dụng nhiều hơn, đa dạng hơn, nông sản tăng cao về năng suất và sản lượng, hàng hóa được sản xuất hàng loạt, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phồn tạp, các phương tiện giao thông, vận tải, thông tin, liên lạc vô cùng thuận lợi, mau chóng... Do đó, về mặt xã hội, con người văn minh hơn, hiểu biết hơn, lịch lãm hơn, sử dụng nhiều phương tiện hiện đại hơn, tiện nghi vật chất đầy đủ hơn, hưởng thụ cảm giác đa dạng hơn.

Từ hạ bán thế kỷ 19, tri thức nhân loại gia tăng mau chóng. Ở Phương Đông, giáo dục không còn giới hạn trong đạo lý làm người hay từ chương, khoa bảng nữa. Khoa học duy lý, thực nghiệm, thực dụng của Tây Phương đã truyền bá khắp thế giới. Giáo dục ngày nay bao gồm hàng trăm ngàn môn học ở vô vàn địa hạt chuyên môn khác nhau. Sau Tiểu học có Trung học và Đại học, tiếp đó lại có Hậu Đại học, Chuyên Tu...Trí não con người được nhồi nhét đủ loại kiến thức ở rất nhiều lãnh vực khác nhau. Tham vọng của nền giáo dục hiện nay là buộc đầu óc một người bình thường phải lãnh hội, thấu đạt tích lũy được mọi công trình tư tưởng của nhiều nhà thông thái, nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, triết gia, nhà văn, nghệ sĩ, nhà chính trị, kinh tế...ở tất cả mọi thế hệ, mọi thời đại, mọi xứ sở trên hành tinh này. “Song tiền cần khổ và thập niên đăng hỏa” với ngày xưa là kỳ công, kỳ tích, lại là tối thiểu, bất cập trong nền giáo dục hiện đại. Hệ thần kinh con người mệt mỏi, quá tải, vì phải tiếp nhận, xử lý hàng ngày một lượng thông tin khổng lồ. Tiền của, năng lực, thời gian được đầu tư quá nhiều vào học hành, thi cử, vì giáo dục là một ngành mũi nhọn, chạy đua chất xám giữa các quốc gia. Học vấn trở thành một vấn nạn nhọc nhằn, vất vả, nặng nề, mệt mỏi cho giới trẻ, nói riêng, cho gia đình, quốc gia, xã hội nói chung. Trong học tập, khi phải ghi nhớ, suy nghĩ, ôn luyện, con người hao phí nhiều sinh lực, do đó thư sinh thì bạch diện, chân yếu tay mềm, trói gà không chặt. Trang Tử (369 – 298 TTL) từ hơn 2.000 năm trước đây, đã cảnh báo:

 “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai.

 Dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi hỹ !”

 Nam Hoa Kinh. Thiên Dưõng Sinh Chủ.

(Khả năng, sinh lực ta có hạn, mà tri thức thì vô hạn. Đem cái hữu hạn để theo đuổi cái vô hạn là nguy vậy).

Nhưng kiến thức, học thuật, mà nhân loại đã lao tâm, khổ trí, dụng công, nỗ lực theo đuổi tới cùng ấy, có đem lại minh triết, hạnh phúc vẹn toàn cho con người như họ kỳ vọng không? Đây là điều ta cần xem xét.

 Theo Tiến sĩ Vật Lý Fritjof Capra, trong cuốn The Tao of Physics (Đạo Vật Lý): Sau 5 thế kỷ nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, sang thế kỷ 20, khoa học đạt những bước tiến phi thường với sự ra đời của các thuyết Tương Đối (Relativism), thuyết Lượng Tử (Quantum Theory), thuyết Xác Suất (Probability), thuyết Liên Thể Không Thời Gian (Four Dimension Space Time Continuum)... Nhưng trong những thập kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ trước, cho tới những năm đầu cuả thiên niên kỷ này các nhà khoa học đã không thành công trong việc hợp nhất các thuyết trên để giải thích bản thể Vũ Trụ.

Chính những hệ thống lý thuyết, những mô hình ký hiệu, những phương trình Toán học, những sản phẩm của tư tưởng mà các nhà khoa học dùng để truyền thông, diễn đạt bản chất Vũ Trụ, đã là một bức tường trở ngại khiến các nhà khoa học không thể vượt qua để thấu hiểu rốt ráo bản thể uyên nguyên của Vũ Trụ, vạn vật.

Càng đi sâu vào thế giới vi mô và vĩ mô, khoa học thuần túy càng thấy cái vô cùng bí ẩn, cái huyền ảo, cái bất khả tri, cái bất khả tư nghị, ngôn thuyết. Dưới mắt các nhà khoa học hàng đầu hiện đại, Vũ Trụ, vạn vật diễn ra như một thế giới hiện tượng cực kỳ biến ảo, vô cùng huyền diệu mà tư tưởng không đủ khả năng lãnh hội và ngôn ngữ không diễn đạt được.

Trên con đường khám phá vạn sự, vạn vật, khoa học đã đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Vũ Trụ với các nhà nghiên cứu khoa học luôn là một cuốn sách được mở ra xem lần đầu, bất ngờ nối tiếp bất ngờ, phủ nhận tiếp theo phủ nhận. Cái vừa được khám phá như một chân lý, một sự thật bất di bất dịch, sau đó lại được nhìn nhận là lỗi thời, lạc hậu, bất toàn, chưa chính xác. 

Không một đầu óc khoa học siêu việt, xuất chúng nào tiếp cận được Chân Lý tuyệt đối cả: G.W.Leibniz (1645-1716) đã phản đối kịch liệt Isaac Newton (1643-1727); Niels Bohr (1885-1962) đã bất đồng sâu sắc với Albert Einstein (1879-1955); rồi Stephen W.Hawking đang tranh cãi với Roger Penrose…

Một nhà thiên văn lỗi lạc của thế kỷ 20 đã tuyên bố: “Tôi chỉ biết một điều chắc chắn nhất là tôi không biết gì hết”.

Thuyết Tương Đối (Relativism) của Albert Einstein (hiện được coi như sự minh triết cực điểm của trí năng nhân loại) đã khẳng định: “Thời gian, không gian, vật chất, năng lượng chỉ là những dạng khác nhau của một cái duy nhất”. Nhưng dưới cái nhìn của Đạo Học thì sự hiểu biết này còn hạn hẹp, bất toàn, chưa đầy đủ, vì thời gian, không gian, vật chất, năng lượng mà khoa học đề cập đó, mới chỉ là phần ngoại cảnh. Theo Đạo Học thì tâm năng và tướng sở là một, ý thức và ngoại cảnh là một, chủ thể và đối tượng là một. Khoa học chưa có khả năng vươn tới nhãn quan siêu việt, trực ngộ, thực chứng, phi tư tưởng, phi ngôn thuyết, phi luận giải của Đạo Học: “Ý thức và ngoại cảnh là một. Ý thức và không gian, thời gian, vật chất, năng lượng là một”. Với tôn chỉ nhị nguyên, duy lý, các nhà khoa học đã tách mình ra như một chủ thể tư tưởng để quan sát nghiên cứu sự vật như một khách thể bị quan sát. Sự thực, chủ thể và đối tượng là một. Vì vậy, sự hiểu biết của khoa học không bao trùm, quán triệt mà có tính chất cục bộ, vụn vặt, chia chẻ, phiến diện, không thể cảm thông được bản thể tuyệt đối của Vũ Trụ.

Hiện nay, trong thí nghiệm ở cấp độ vi mô, các nhà khoa học đã thấy chính tư tưởng của người nghiên cứu là một tác nhân tham gia trực tiếp vào các tương tác vật chất, vì tư tưởng chính là một dạng của vật chất, năng lượng. Vũ Trụ không phải là tập hợp những phần tử vật chất riêng lẻ, biệt lập, riêng biệt, mà các nhà khoa học có thể tách rời chúng khỏi cái Toàn Thể, để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Trái lại, Vũ Trụ là một tổng thể, một mạng lưới huyền ảo, bao gồm những thành phần vô cùng sinh động, đang đan kết nhau, chứa đựng nhau, tương tác nhau (interaction), cộng thông nhau (interpenetration). Các nhà khoa học đã phần nào tỉnh ngộ, khi thấy mình đích thực là một tham dự viên (participator) chứ không phải là một quan sát viên thuần túy (observator) như trước đây nữa.

Ngày nay, các nhà khoa học đã bước đầu nhận ra rằng thế giới hiện tượng mà ta nhận biết được không phải là những thực tại khách quan độc lập, mà nó tương tác với ý thức đang tra vấn nó. Có những nhà vật lý hiện đại cho rằng con người, vì sống trong không gian ba chiều và cách tư duy đặc biệt do không gian đó sinh ra, nên không có khả năng thấu hiểu Tự tính của Vũ Trụ, vạn vật vốn có chiều kích hoàn toàn khác lạ.

Tương tự quan điểm của nhà bác học giải Nobel, bác sĩ Alexis Carrel (1873-1944), trong cuốn “L’ homme, cet inconnu”, khoa Cận Tâm lý hiện nay (Parapsychology) đã nhận rõ: ngay bản thân con người đã là một vũ trụ vô cùng bí ẩn, diệu kỳ, mà các nhà khoa học hiện chưa biết được một cách tường tận, huống hồ việc thấu triệt bản chất của Vũ Trụ, vạn vật.

Trong khoa học hiện đại, chủ nghĩa Duy Thực (Realism: Kiến thức khoa học phản ảnh đúng thực tại khách quan, bản thể chân thật của sự vật), được tôn thờ từ 25 thế kỷ qua, đã nhường chỗ cho chủ nghĩa Công Cụ (Instrumentalism: Những lý thuyết và quy luật khoa học, do con người khám pha ra, chỉ là những phương tiện, công cụ để lý giải những gì quan sát được, chứ chưa nói nên thực tại khách quan, bản chất đích thực, cuối cùng của sự vật)

Triết thuyết “Bất Khả Tri” của triết gia nổi tiếng người Đức Immanuel Kant (1724-1804) trước đây, đang trở thành tư tưởng chủ đạo cho Vật Lý Học và khoa học hiện đại:

“Đầu óc, tư tưởng con người chỉ nhận thức, lý giải được thế giới hiện tượng đang diễn ra, chứ tuyệt đối không thể vươn tới bản thể của sự vật”.

 Đã đến lúc các khoa học gia tự hỏi: Có chăng một loại minh triết phi phàm, siêu lý trí, phi tư tưởng mà bản chất siêu việt sự thông minh nhị nguyên duy lý của khoa học? Họ đã bắt đầu thấy thấp thoáng bóng dáng của một sự hiểu biết bao trùm, phi ngôn ngữ, phi ký hiệu, phi tư tưởng của nền Đạo Học ngàn xưa. Con người phần nào đã lãnh hội được ý nghĩa uyên áo của những ngụ ngôn, ví dụ được nêu ra trong kinh Phật:

“Một người bằng muối, cầm một cây thước bằng muối lại mang tham vọng mê lầm là xăm xăm xuống nước để đo lường đáy biển” hay “Một người, bị trúng tên độc của kẻ thù, lại khước từ việc rút tên độc, điều trị cấp tốc, mà nằng nặc đòi thỏa mãn những câu hỏi vòng vo, vô ích về danh tính, lai lịch, đặc điểm kẻ đã bắn mình”.

Từ Thượng cổ, tại Đông phương, Lão Tử đã chỉ rõ:

 “Đạo khả đạo, phi thường Đạo.

 Danh khả danh, phi thường Danh.”

(Cái mà có thể đặt tên, bàn luận, diễn tả được thì không phải Thực Tại tuyệt đối).

 Thời Cổ đại phương Tây, nhà hiền triết Socrates (470-399 TCN) cũng xác nhận sự bất lực của trí năng, tư tưởng trong việc thấu hiểu bản chất của sự vật:

 “Tôi biết rõ là mình không biết gì cả”.

Ngày nay, J.Krishnamurti cũng khẳng định:

“Kiến thức, tư tưởng thì bất toàn, cục bộ, giới hạn, vì nó luôn được bổ túc, thêm vào. Nó không có khả năng thấu hiểu cái toàn cục, cái vô biên, vô lượng”.

Giáo dục ngày nay quá thiên về khoa học, kỹ thuật, thực dụng đã tạo ra những chuyên viên bấm nút, mắt mờ, đầu to, chân tay nhỏ dần. J.Krisnamurti đã cảnh giác:

 “Trong nền giáo dục hiện giờ, phần trí năng được trau giồi quá mức, trong khi các phần khác của tâm thức bị bỏ rơi, do đó những con người được đào tạo trở thành mất quân bình, như một chiếc ghế có ba chân, nhưng có một chân phát triển quá dài…Giáo dục không chỉ là việc trang bị những kiến thức về chuyên môn, về kỹ thuật, tạo công ăn việc làm, mà còn phải tạo cơ hội cho thanh niên thấu hiểu, giải quyết được mọi vấn đề đang nẩy sinh trong cuộc sống như tình dục, ghen tị, mâu thuẫn, thèm khát, nỗ lực, tranh chấp, bất công, bạo lực, sợ hãi, lo âu, hoang mang, rối loạn….”

Ông còn khẳng quyết:

 “Tinh thần giáo dục hiện nay của chúng ta mang tính độc hại. Nó luôn đề cao, sùng bái, khuyến khích sự thành công, thôi thúc lòng tham muốn, phát triển những khao khát, ganh đua vị kỷ. Vô số những tấm gương thành đạt được nêu ra để động viên giới trẻ noi theo: cậu bé nhà nghèo thức khuya chăm học, cuối cùng trở thành một thẩm phán nổi tiếng; một em bé bán báo nghèo khổ sau này thành nhà triệu phú….”.

 Tinh thần giáo dục này đã gieo vào lòng người, in sâu, củng cố nơi tiềm thức họ, những thành kiến ý niệm, những khuôn mẫu giá trị về tốt xấu, hơn thua, thành bại…. khiến tâm họ luôn so sánh, cân nhắc, lựa chọn, vươn tới, trở thành, luôn bất an, lo âu, vọng động. Nó chỉ làm tăng trưởng Bản Ngã, phát triển tinh thần hiếu danh, hiếu lợi, hiếu thắng, tâm lý ghen tị, đầu óc tranh chấp, lòng ham muốn ngày một sở hữu nhiều hơn, những đầu mối của mọi xung đột, mâu thuẫn, hỗn lọan. Bên cạnh những thành tựu, nền giáo dục duy lý, duy lợi, trục vật, thực dụng hiện đại mang nhiều điểm khiếm khuyết, bất cập, bất toàn hệ trọng. 

Hơn 2500 năm trước, Lão Tử cũng có những quan điểm giáo dục tương tự như J.Krishnamurti :

“Bất thượng hiền, sử dân bất tranh.

 Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân tâm bất vi đạo.

 Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn”.

 (Không đề cao người hiền tài, khiến dân không tranh giành. Không trọng của quý hiếm, khó được, khiến lòng dân không khởi lên ý muốn trộm cắp. Không khích động, khêu gợi lòng ham muốn, thèm khát, khiến lòng dân bình lặng, không đảo điên, loạn động).

Người xưa cũng đã cảnh báo lối giáo dục quá thiên về kỹ thuật qua nhận định:

 “Cơ khí tất cơ tâm.”

 (Tâm con người tất bật, hối hả chạy theo đời sống cơ khí).

Con người đã hoàn toàn lệ thuộc vào những sản phẩm kỹ thuật kỳ diệu do chính họ tạo ra. Máy móc tinh vi, tuyệt hảo đã trở thành những bảo bối thần kỳ trong truyện Phong Thần, mất nó, chủ nhân hoàn toàn bất lực, vô dụng.

Kỳ vọng mà con người đặt vào cách mạng khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội đã hoàn toàn tan vỡ, họa hổ bất thành, với các mặt phản tác dụng rất rõ nét. Con người ngày nay vội vã hơn. Đất đai phải làm 3 vụ, công nhân phải làm 3 ca. Cạnh tranh gay gắt diễn ra trong công nghiệp, trên thương trường. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong Nông nghiệp, ngoài những lợi lộc (nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm) đã kéo theo những hậu quả bất toàn: tác hại của dư lượng thuốc trừ sâu, của Nitrat từ phân hóa học, của hormone tăng trưởng, của nông sản biến đổi gènes, của các chất phụ gia, bảo quản thực phẩm…. Những gặt hái, thành tựu trong chăn nuôi, trồng trọt, trong cách mạng xanh không theo kịp áp lực nhân khầu, bùng nổ nhân số. Thiếu ăn, suy dinh dưỡng, đói rét của đa số trong cộng đồng nhân loại vẫn tồn tại bên cạnh sự phung phí, dư thừa của thiểu số giàu có, quyền lực. Chênh lệch giàu, nghèo giữa các giai tầng xã hội, giữa các dân tộc, các quốc gia, các châu lục ngày càng gay gắt.

 Chỉ nguyên nhu cầu sách báo đã lấy đi hàng chục nghìn mẫu rừng cây mỗi ngày, góp phần làm đảo lộn sự bình ổn môi trường sinh thái tự nhiên của Địa cầu. Ô nhiễm môi trường trầm trọng ở mức độ toàn cầu: rừng cây bị hủy diệt, tàn phá hàng loạt, chất thải của các phương tiện vận chuyển, của nhà máy đã đầu độc đất đai, nguồn nước, bầu khí quyển, tầng ozon bị thủng, mỏng dần, hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất tăng dần, các khối băng vĩnh cửu ở hai địa cực thu hẹp, mực nước biển dâng cao, thời tiết thay đổi bất thường...Thực là ấu trĩ, thiển cận khi người ta đã hy sinh những nhu cầu thiết yếu như nhu cầu hít thở, ăn uống, nhu cầu an toàn thân thể, sinh mạng cho những nhu cầu thứ yếu khác.

 Thêm vào đó, ta thấy đạo đức đã không phát triển song hành với trí thức. Khoa học, kỹ thuật giúp con người chế ngự, chinh phục, khai thác thiên nhiên, nhưng cũng cung cấp cho nhân loại những phương tiện chiến tranh, những khí cụ tàn sát, hủy diệt ngày càng khủng khiếp: vũ khí hóa học, sinh học, hạch tâm, tin học... Trong tương lai không xa, bom bẩn sẽ là thứ vũ khí kinh hoàng của thế lực khủng bố cực đoan. Kỹ thuật tin học phát triển kỳ diệu thì nạn tội phạm tin học, nạn gian lận, trộm cắp thông tin kỹ thuật cao cũng gia tăng phát tác hoành hành. Một cuộc chiến tranh trên mạng với những hậu quả khủng khiếp chưa từng có, đang được hình thành từ nhiều nước. Công nghệ Sinh Học có những bước tiến vượt bậc như kỹ thuật biến đổi gènes trong Nông nghiệp, cấy ghép gènes trong Y Học, kỹ thuật Sinh Sản Vô Tính, việc thành lập bản đồ Gènes sinh vật, con người…. Những tri thức và phương tiện thần kỳ ấy nếu nằm trong tay những người có tham vọng, vị kỷ, vô lương tâm, phi đạo đức… thì lại là những tai họa khôn lường. Các thành tựu phi thường của ngành Khoa Học Không Gian đã giúp ích rất nhiều trong cuộc nghiên cứu khoa học, nhưng cũng có khả năng đưa chiến tranh lên một tầm vóc cao hơn, khốc liệt hơn: “Chiến tranh giữa các vì sao”.

Cái học sở đắc kiến thức càng nhiều càng tốt, kiểu dạng giáo dục nối mạng internet, tuyệt nhiên không đem lại minh triết, hạnh phúc cho con người. Lão Tử đã cực lực phản bác cái học tích lũy tối đa kiến thức, duy lý, thực dụng, duy lợi, trục vật. Đạo Học của Đạo Đức Kinh là:

“Tuyệt học vô ưu...Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn...Thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc...Học bất học phục chúng nhân chi sở quá... Kiến tố, bão phác, thiểu tư, quả dục....”

(Dứt bỏ cái học thì không còn lo phiền...Theo học thì mỗi ngày một thêm, theo Đạo thì mỗi ngày một bớt...Biết ít thì được, biết nhiều lại mê...Cái học khác với lối học thông thường mới giúp con người thoát khỏi lỗi lầm...Hãy để tâm hồn mộc mạc, giản dị, chất phác, ít lo nghĩ, bớt tham vọng, nhu cầu...).

Ngay như Khổng Tử (551-478TCN), một đại sư biểu về đạo đức luân lý, cũng đã coi “Cách Vật, Trí tri” chỉ là phương tiện để đạt cứu cánh “Thành Ý, Chính Tâm” mà thôi. Mẫu người lý tưởng của ông là bậc Nhân chứ không phải người Trí. Học trò gương mẫu, tâm đắc nhất của ông là Nhan Hồi chân phương, bình dị chứ không phải Tăng Sâm kiến văn, uyên bác. Nhãn quan của Thiền Tông cũng thế, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601-674) đã truyền y bát cho Huệ Năng thất học, quê mùa chứ không phải Thần Tú làu thông kinh luận.

Về cải thiện đời sống xã hội phải kể đến giải pháp phát triển Y, Dược. Để đối phó với bệnh tật, ngành Y, Dược đã có những tiến bộ thần kỳ. Nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại ra đời như: ống nghe, nội soi, quang tuyến X, siêu âm, điện tim, điện não, phóng xạ ký, quang tuyến X điện toán, CT Scanner, cộng hưởng từ...Các vaccin đã chặn đứng được các bệnh nguy hiểm như đậu mùa, lao, uốn ván, bại liệt, bạch hầu, ho gà, dại, sởi, thủy đậu, viêm gan siêu vi...nhiều thế hệ thuốc kháng sinh, kháng viêm mới ra đời để đẩy lùi các bệnh viêm nhiễm. Để chế ngự cái đau đớn khủng khiếp do bệnh tật hành hạ, rất nhiều loại thuốc trấn thống, giảm đau thần diệu được bào chế: Acid Acétyl Alicylic, Acétaminophen, Phenylbutazon, Indometacin,

Ibuprophen rồi Morphin, Fentanyl, thuốc tê, thuốc mê…. Phương 

pháp chữa trị ngày một đa dạng: hóa trị, vật lý trị liệu, trị liệu bằng điện, laser, hồng ngoại, tử ngoại, siêu âm, vi phẫu, phẫu thuật laser, mổ nội soi, lắp ghép cơ quan, nội tạng, châm cứu, dưỡng sinh, dinh dưỡng...Tử suất trẻ sơ sinh và trẻ em hạ thấp, tuổi thọ trung bình lên cao.

Tuy nhiên, giải pháp Y Dược cũng bộc lộ nhiều mặt bất toàn, tiêu cực của nó. Bệnh nhiễm trùng được chặn đứng, nhưng bệnh thời đại lại gia tăng: Tai mũi họng, đau nhức, suy nhược thần kinh, tâm thần, tim mạch, ung thư, tiểu đường, mệt mỏi...Nhiều chủng vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện (hiện nay, Vancomycyne không còn là khẩu đại pháo bách chiến bách thắng trong tay thầy thuốc nữa). Cuộc chiến giữa các viện bào chế và vi trùng diễn ra liên tục, không bao giờ kết thúc. Tất cả thuốc men không có nhiều thì ít độc tính, tác dụng phụ: trấn áp được bệnh này lại gây ra các bệnh kia. Các bệnh gây ra do thuốc men và phương pháp điều trị không nhỏ. Chi phí điều trị rất tốn kém, nhiều khi vượt quá khả năng của tầng lớp dân chúng có lợi tức thấp và trung bình. Sau nữa, tâm hồn bất an, căng thẳng, lo âu, phiền muộn, mà tuổi thọ cao, chưa phải là vấn đề hạnh phúc.

 Đạo Đức Kinh bảo :

 “Sinh giả, Tử chi đồ.”

 (Chết là bạn đồng hành không thể thiếu vắng của cái Sống).

 Trái lại, Y học lại cho rằng Chết là kẻ thù đáng sợ, đáng ghét, đáng kỵ nhất, cần phải thanh toán, loại trừ, né tránh, đẩy lùi ra càng xa càng tốt. Kéo dài tuổi thọ, có nghĩa là kéo dài thời gian âu lo, phấp phỏng, trông chờ, có phải là sự thành công đúng nghĩa hay không?

Để kết luận về Khổ Đế, nỗi thống khổ về thân, tâm của con người là vô vàn. Con người bất mãn hiện tại, để đau buồn (Oán tăng hội), hoài niệm quá khứ để nuối tiếc (Ái ly biệt), mong cầu tương lai để thất vọng (Cầu bất đắc). Nhân loại không có hạnh phúc: Đấy là điều hiển nhiên. Các giải pháp chữa trị đều vô hiệu, vì nguyên nhân gốc rễ, cội nguồn của toàn bộ vấn nạn chưa được tìm ra. Mọi giải pháp đều là những thay đổi hoàn cảnh, sự vật bên ngoài, phần nội tâm sâu thẳm của con người vẫn nguyên trạng, tuyệt không mảy may biến chuyển, do đó cuộc cải cách nào cũng chỉ là những vá víu, trợ thời, tạm bợ, không hiệu quả.

Hơn 25 thế kỷ trước đây, Phật Tổ đã khẳng quyết: “Con người trầm luân trong bến mê, biển khổ”, và so sánh nỗi thống khổ của con người như một căn bệnh tối nguy, tối cấp, cực kỳ trầm trọng, cần phải cứu chữa lập tức như tình huống cấp cứu một người bị trúng tên độc của kẻ thù.

Ngày nay, Krishnamurti tuyên bố :

 “Cuộc khủng hoảng hiện nay của nhân loại là vô tiền khoáng hậu, cần phải cấp tốc cứu chữa như cứu chữa một ngôi nhà đang cháy.”

Tóm lại, đúng như lời Phật dạy : Cuộc sống con người đầy rẫy những khổ đau, phiền não. Đây rõ ràng không phải là một nhận định bi quan, cường điệu, mà là một sự thực hiển nhiên, không thể phủ nhận.