Đời sống
Vì sao tôi khổ?
Nguyên Minh
21/10/2554 02:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

4. Thực hành Chánh nghiệp

Chánh nghiệp (tiếng Phạn là sammā-kam­man­ta) là hành động, việc làm chân chánh. Thực hành chánh nghiệp là biết quan tâm kiểm soát mọi hành động, việc làm của mình, chỉ thực hiện những điều có ý nghĩa, mang lại lợi lạc cho bản thân và người khác, cũng như không gây hại cho bất cứ ai.

Tất nhiên là việc thực hành chánh nghiệp phải dựa vào chánh kiến. Không có chánh kiến, bạn không thể phân biệt được ý nghĩa đích thực của mỗi việc làm để biết được việc làm nào là chân chánh và việc làm nào là không chân chánh.

Có một cách đơn giản, dễ hiểu hơn – nhưng không có nghĩa là dễ làm hơn – để chúng ta thực hành chánh nghiệp. Đó là thọ trì và giữ theo Ngũ giới1 của hàng cư sĩ. Bởi vì giới luật do chính đức Phật chế định ra với một sự khái quát và chính xác tuyệt đối, đến nỗi chúng ta không thể nào trở thành người xấu nếu không phạm vào giới luật! Hay nói một cách dễ hiểu hơn, chỉ cần giữ đúng theo giới luật là chắc chắn chúng ta sẽ trở thành người tốt, chắc chắn mọi hành vi, việc làm của chúng ta đều sẽ phù hợp với chánh nghiệp.

Nghiệp (kar­ma) là một khái niệm rất quan trọng trong đạo Phật. Mỗi một ý tưởng, lời nói hay việc làm của chúng ta đều tạo ra một kết quả tương ứng với tính chất thiện hoặc ác của nó. Một ý tưởng, lời nói hay việc làm thiện sẽ mang lại kết quả tốt (thiện nghiệp). Ngược lại, một ý tưởng, lời nói hay việc làm ác chắc chắn sẽ mang lại một kết quả xấu (ác nghiệp). Quy luật về nghiệp quả này thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi là luật nhân quả, nói một cách nôm na dễ hiểu là “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”.

Theo ý nghĩa này, việc thực hành chánh nghiệp chính là gieo nhân chân chánh để gặt hái được những quả chân chánh vậy.