Đời sống
Lành dữ nghiệp báo
Tác giả: Thích Chân Tính
20/04/2553 03:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chuyện dũng mãnh
   Xưa kia, có một vị Thiền sư tên là Diệu Pháp ở chùa Dư Sơn, tuổi đã ngoài bảy mươi. Một hôm, Thiền sư đang ngồi niệm Phật trên bàn thạch, bỗng thấy một người nhảy xuống suối tắm, cách thầy độ mười thước. Thầy trừng mắt nhìn một hồi lâu, rồi than rằng:
   - Bản tính chúng sinh chẳng phải là dữ, chỉ vì mê mà đến nỗi gây nên tội ác như kia, đời nay mắc lưới pháp luật, đời sau phải đọa vào tam đồ. Biết mấy kiếp mới ra cho khỏi.
Người đi tắm kia độ ba mươi tuổi, mi to mày rậm, vai rộng lưng dài, nghe tiếng được tiếng mất, vội vàng lên bờ mặc áo rồi đến hỏi:
   - Tôi tắm can chi đến thầy, mà thầy lại rủa tôi chi chi, những là tam đồ, là độc ác?
   Thầy Diệu Pháp đáp:
   - Nam mô A Di Đà Phật! Tôi là người tu hành, lẽ đâu sinh lòng rủa ai. Anh đừng ngờ vực mà mang lấy tội. Vì tôi thấy anh tai nạn sắp đến nơi, sẽ bị gông cùm khổ sở nên tôi thương xót, thở than một đôi lời, chứ không có ý gì ác cả.
   - Thầy già lẫn quáng mắt, thầy sao biết được tai nạn của tôi mà nói càn như vậy?
   - Anh thực là nóng nảy quá, tôi tu hành đã lâu năm, lẽ đâu phạm giới vọng ngữ. Khi vừa thấy anh tôi đã biết nghề anh làm không phải là nghề lương thiện. Có nhân duyên thì có quả báo, anh còn mê nên không biết đó thôi. Ước chừng trong một tháng nữa, dù anh cao bay xa chạy thế nào cũng mắc lưới pháp luật!
   Anh ta giật mình, chắp tay lạy thầy và nói:
   - Thầy thực là một vị đại sư đoán không sai một mảy may, con tự biết tội lỗi đã nhiều, xin thầy liệu có phương pháp gì cứu con khỏi tai, khỏi nạn!
   - Cứu khổ cứu nạn là bản nguyện của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhưng từ nay về sau, anh phải biết sửa đổi tâm tánh, thường niệm tên Ngài thì thế nào cũng thoát khỏi tai ách.
   - Bạch thầy, ngài Quán Thế Âm Bồ Tát vì sao mà được phép mầu như vậy?
   - Các vị Phật, Bồ tát cũng một tâm như mình cả, vì có công tu tập nên tâm ấy được hoàn toàn tấn hóa, rũ sạch các mê lầm và chứng được công đức vô lượng vô biên. Người đời cũng một tâm như vậy, nhưng vì không chịu tu tập nên bị màn vô minh bao phủ, dễ mắc vào lưới tham sân si, phải luân hồi mãi mãi. Cổ nhân có câu: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan phục”, nghĩa là một phen mất thân người, muôn kiếp khó được lại. Như thế, được sinh làm người, nghe được Phật pháp mà không biết tu hành cho giải thoát, thì uổng biết chừng nào. Lỡ làm điều tội lỗi rồi phải sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì muôn kiếp thoát ra không khỏi.    Anh nên nghe lời tôi, về nhà tự tu tự tỉnh, đừng để đến khi lửa cháy đến mi thì dù có lo cũng không kịp nữa!
   Anh nghe rồi, chào thầy đi về, ra tuồng hối hận. Vài bữa sau, khi thầy đương ngồi tọa thiền niệm Phật, thấy một người đến trước mặt quỳ lạy ba lạy và xin qui y làm đệ tử.
   Thầy hỏi:
   - Anh có phải là người tắm bữa trước không? Anh quê quán ở đâu, suy nghiệm thế nào mà nay đến đây xin xuất gia đầu Phật?
   - Nam mô A Di Đà Phật! Tên con là Dũng Mãnh, ở làng này, con nhà lương thiện, khi còn nhỏ cũng có theo học chút ít về Nho giáo, nhưng chẳng may cha mẹ mất sớm không ai dạy bảo, rong chơi trong xóm cờ đám bạc, bày mưu định kế, gian xảo đủ điều, mà gia tư càng ngày càng sa sút. Khi ấy, các bạn lại rủ rê thêm một nghề ăn trộm nữa. Lòng tham sẵn, biết đâu là phải trái, miễn được đồng tiền. Ban đầu còn e ngại rụt rè, đến sau tập dữ thành tánh, chỉ biết rình ngõ dò đường cho thành thuộc, nghĩ mưu mẹo cho khôn ngoan, cốt lấy được nhiều tiền là sung sướng, chứ không biết gì nữa hết. Con ma tham dục đã dắt lối đưa đường, dù mưa to gió lớn cũng ngồi chỗ xó vườn không biết chi lạnh lẽo. Một mực trèo tường đào ngạch, cậy đố, khoét vách. Vào nơi hổ huyệt mà cũng không biết gì là nguy hiểm, dẫu được của như nước mà cũng không giàu có hơn ai.
   Ngày tháng qua đi, từ khi gặp thầy, về
nhà ngồi nghĩ lại những hành động ấy mà rùng mình rởn ốc.
Ôi! Vì con mà bao nhiêu người tan nát cửa nhà, vì con mà bao người phải đau lòng xót ruột. Càng suy nghĩ càng thương, thương đến nỗi ước chừng các của lấy được giá có còn cũng đem trả lại.
   Ngờ đâu, ngẩn ngơ đôi ba ngày mà xem trong lưng gạo không tiền hết, con ma ích kỷ thúc giục bên tai con, cái đói đã tới kề bên tai. Thôi, xếp đạo đức lại mà đi kiếm gạo.
Bấy lâu rình nhà bà Quản Oai một nhà giàu có, đường xá thông làu cả rồi. Hôm nay lại mưa to gió lớn, trời tối như mực, cũng nên qua nhà ấy mà kiếm món tiền tiêu, thói cũ lại tuôn ra như nước.
   Con bất giác vai mang đồ nghề bước ra, đi thẳng đến nhà bà Quản Oai, bấy giờ chỉ có một mẹ một con ở nhà nên con lách dậu, thuốc chó rồi thì chắc có lẽ đêm ấy cũng được món tiền kha khá. Con lần bước đến gần, nhìn vào cửa thấy một người con gái tuổi trẻ đương ngồi tựa án, chong ngọn đèn khuya, đầu bù tóc rối ra dáng âu sầu khổ não.
   Con đứng nép bên chái nhà chờ cho cô ta đi ngủ, ngờ đâu từ canh một tới canh tư mà thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng đi ra đi vào, tâm sự con đêm hôm ấy bối rối tợ tơ vò.
   Khi nhớ đến thầy dạy thì muốn quay trở về, mà cứ hễ cất bước đi thì con ma tham dục kéo níu trở lại, không sao về được. Đêm khuya thanh vắng, nghe trong mình mỏi mệt nhường nào thì lòng tham lại thôi thúc lên chừng nấy. Khi sắp đến canh tư, trong lòng con chỉ còn là một thằng ăn trộm hung dữ mà thôi, không còn nhớ lời thầy dạy bảo gì cả, rồi lại nhìn lối cửa sau một lần nữa cũng vẫn thấy cô ta còn thức. Khi bấy giờ giận tức nổi lên, con rút dao phá cửa quyết vào giết đi cho đáng kiếp. Giận thực sao mà giận. Đến bây giờ, con nghĩ lại thật là vô lý quá, nhưng khi đó lòng tham đã nổi lên còn biết chi là phải trái. Của người ta để trong rương mà nghĩ như của mình, thì người thức không cho mình lấy tức là người giữ, phản đối với mình, vì vậy mà mình giận, mình quyết giết người ta cho bằng được.
    Ôi! Cái năng lực của con ma tham dục nghĩ mà ghê mà sợ. Một người đã được nghe lời phải, lại biết hối hận như con mà còn tối tăm mù mịt, làm càn làm dở, huống chi ai ai. Thật đáng thương cho những người còn mắc trong vòng tham dục.
Con vừa phá cửa vào thì người con gái ấy đứng dậy một cách tỉnh táo, bảo con rằng:
   “Chú ơi! Chú cứu mẹ tôi với, mẹ tôi đau mệt, thầy thuốc chạy cả chỉ còn một chút hơi thở thoi thóp mà thôi. Anh tôi đi xa, tin không về kịp, không biết làm sao bây giờ. Chú có phương chi cứu mẹ tôi thì dù bổ đầu lấy não, mổ bụng lấy gan tôi cũng đành lòng chết thay cho mẹ tôi. Xin chú làm ơn cứu mẹ tôi với!”.
   Lúc ấy, kỳ thực cô ấy chỉ biết có mẹ đau mệt, gặp ai thì xin cứu mạng chứ không còn biết chi nữa cả. Con thấy lòng cô ấy chí hiếu như vậy cũng cảm động rơi nước mắt. Sực nhớ lại thầy dạy, con liền khuyên cô ta đặt bàn thờ giữa sân mà niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu Ngài linh ứng cứu cho bà mẹ sống lại.
Cô ta nghe lời mừng rỡ khôn xiết, đặt hương án ngoài sân, khấn quỳ niệm Phật, lại nhờ con ngồi bên trông giúp bà mẹ cô ta.
   Con nghĩ cũng ngán thiệt, ai ngờ trong đời lại có người lạ như thế, ăn trộm đã phá cửa vào nhà, không kêu la người cứu thì thôi, lại trao cả nhà cửa tài sản cho người ăn trộm nữa.
   Cô ấy quỳ niệm Phật ngoài sân, đêm hôm tối tăm lại thêm gió trời lạnh lẽo mà không hề lay động, thực là chí thành chí kính.
   Khi ấy, nếu con muốn lấy của, dù vơ nhặt cả tài sản cũng không ai biết, nhưng con thấy người con gái hiếu hạnh như vậy, nghĩ đến phận mình làm trai càng thêm tủi hổ, lòng tham của con đã tiêu tan hết, con chỉ còn nghĩ thân người cũng như thân mình, lo trông nhìn bà mẹ cô ta chứ không còn nghĩ đến tiền bạc nữa.
   Con sực nhớ tới thầy là một vị cao tăng đại đức, mới thấy con mà thầy đã biết đầu đuôi gốc ngọn, chắc ai cầu khẩn chuyện chi thầy cũng hiểu rõ nên con cả đêm cầu thầy cứu mạng cho bà Quản Oai kẻo tội nghiệp quá.
   Quả nhiên, đến khi gần sáng, có một vị đạo nhân trong chùa ra đưa cho cô con gái quỳ ngoài sân một chén thuốc. Thuốc có linh nghiệm hết sức, vừa đổ vào miệng là bà Quản Oai đã hắt hơi thở một tiếng mạnh, chân tay nóng lên rồi mở mắt ra một cách tỉnh táo. Bà bảo người con gái: “Con ơi! Ngờ đâu mẹ còn sống được trông thấy mặt con!”.
Bà lại chỉ con mà hỏi: “Có phải nhờ chú này mà mẹ sống lại chăng?”. Cô con gái thưa: “Phải”. Bà bảo con gái lạy tạ ơn con rồi nói: “Mẹ trông chú này cũng thiếu túng lắm, con hãy vào trong nhà lấy một món tiền khá lớn đưa cho chú về tiêu dùng. Người sống hơn đống vàng, con đừng suy ít tính nhiều mà mang lấy tội. Chú túng cũng như mình túng, con lấy mau mang ra đây để chú còn về nghỉ kẻo chú thức khuya mỏi mệt!”.
   Con liền đáp: “Chút công nhỏ mọn đâu dám kể ơn, bà sống lại đây là nhờ lòng hiếu hạnh của cô em chí thành cầu nguyện cảm động đến chư Phật. Tôi không giấu chi bà, tôi chính là một thằng ăn trộm, khi tôi phá cửa vào nhà thấy cô em chí hiếu, cảm phục bội phần nên không nỡ hạ thủ. Một đêm tôi đã giác ngộ được rồi, muôn sự lỗi lầm từ trước xin sám hối, từ nay nhất định cắt tóc đi tu, của cải thế gian tôi không cần dùng làm chi nữa đâu mà bà phải đền ơn đáp nghĩa!”.
   Thưa thầy, sau khi từ giã hai mẹ con bà Quản Oai, con đi một mạch đến đây để bạch thầy xin xuất gia đầu Phật. Con xét lại ăn năn hết sức. Người ta cũng một tâm mà sao lại hiếu hạnh khiêm cung, mình cũng một tâm mà sao lại gian tham độc ác. Nói rộng ra, Phật cũng một tâm mà sao lại từ bi, hỉ xả, nhu hòa, nhẫn nhục, công đức vô lượng vô biên, con cũng một tâm mà sao lại tham sân si hiểm độc, ích kỷ hại người, tội ác vô cùng tận. Như vậy, nghĩ mà ghê mà gớm cho tâm mình, muốn bỏ cái tâm ấy đi, rồi tu theo cái tâm tốt lành như của chư Phật.
   Thưa thầy, con đã trình bày đầu đuôi gốc ngọn, muôn sự về trước đều sám hối cả, xin thầy tin lòng mà thu nhận làm đồ đệ, con nguyện một lòng xin theo lời thầy dạy bảo, dù có chết cũng không chối từ!
   Đại sư im lặng hồi lâu, rồi nhẹ nhàng bảo:
   - Tập quán anh đã nhiều kiếp nhiều đời, phép tắc giới luật nhà Phật e về sau anh chịu không nổi, nhưng anh đã nguyện thì hễ tôi dạy bảo chi anh cũng phải nghe lời, tinh tấn tu học dù thác cũng không nan từ!
   Sau đó, thầy liền làm lễ thế phát, truyền giới, giảng lý duy tâm và dạy Dũng Mãnh ngồi kiết già niệm Phật theo phép  Nhất Hạnh tam muội.
   Dũng Mãnh nhờ túc căn đã sẵn, giảng đâu hiểu đó, vừa thọ pháp xong liền tạ ơn thầy và thưa:
   - Con nhiều kiếp, nhiều đời, say mê trong bể khổ, nay nhờ thầy chỉ bảo đã biết đường tu tập. Nhưng con trộm nghĩ con còn phải mang lốt Dũng Mãnh này thì dù có cao đàm diệu luận đến đâu cũng khó lòng phát khởi tín tâm cho thế gian được. Vậy con xin phép thầy tọa thiền niệm Phật dưới gốc cây này, chờ đến khi nghiệp chướng tiêu diệt, thực tướng hiện tiền, bỏ thân này mà vãng sinh Tịnh Độ, về sau may ra mừng Phật thọ ký, con cũng nguyện phân thân trở lại xứ này để cùng thầy hoằng tuyên Phật pháp.
   Đại sư nhủ:
   - Nhất cú Di Đà vô biệt niệm, bất lao
đàn chỉ đáo Tây phương. Con hãy cố gắng trì niệm, tinh tiến niệm Phật, thì lo gì không chứng được quả vãng sinh Cực lạc.
Từ đấy, mỗi ngày đại sư thường thăm hỏi khuyên nhủ Dũng Mãnh và chỉ đường tu tập. Trong bảy ngày đêm Dũng Mãnh ngồi kiết già nhập định, đến ngày chót phá màn vô minh, thấy được chơn như bản tánh, Dũng Mãnh xét mình sắp xả báo thân, nên đến đảnh lễ tôn sư, giã từ đạo hữu.
   Trưa hôm sau, cả Tăng ni, đạo hữu trong chùa đều đến hộ niệm, bổn đạo xa gần nghe tin đến xem đông vô kể.
   Thầy Dũng Mãnh ngồi kiết già, hai tay chắp rồi niệm bài kệ rằng:
                    “Biến quan pháp giới,
                    Bản vô nhất vật.
                    Phóng hạ đồ đao,
                    Lập địa thành Phật”.
   Đọc bài kệ rồi, trời đã đúng ngọ, thầy
   Dũng Mãnh nhập tịch. Mùi hương bát ngát, hào quang sáng ngời. Tăng, ni, đạo chúng lại sờ mình thầy Dũng Mãnh thấy đã viên tịch.
   Nhìn cây đại thọ trước cửa chùa, cành lá đều ửng sắc vàng, các thứ chim tụ về kêu nhịp nhàng như là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Hơn ba ngày, bầy chim mới giải tán…