Giáo dục
Nếp Sống Đạo
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
24/11/2554 12:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cuộc sống và công việc
Trong cuộc đời, có lẽ một câu hỏi mà thông thường chúng ta phải hỏi là phải cống hiến điều gì? Chúng ta cứ mãi suy nghĩ về những điều mà có thể đạt được từ công việc, một chức vụ… mà quên đi rằng chúng ta sống có nghĩa là chúng ta phải cống hiến. Nhiều lúc vì một cảm xúc nào đó ta có thể đặt câu hỏi mà không cần phải có sự trả lời từ chính tâm hồn mình, chúng ta cứ mãi truy tìm về tương lai mà quên đi thực tại. Mỗi công việc đều có thể đem lại cho ta một nguồn vui sống, một sự quan tâm thiết thực cho những người khốn khó hơn. Công việc thường mang lại cho ta giá trị vật chất, nhưng nếu giá trị vật chất đó chỉ sử dụng cho mình và người thân yêu của mình thì niềm hạnh phúc sẽ rất nhỏ. Nhưng nếu ta biết chia những thành quả từ công việc mà ta có được cho những con người bất hạnh hơn ta như những cụ già neo đơn, các em bé mồ côi và những người tàn tật thì giá trị hạnh phúc trong ta sẽ được nâng lên rất nhiều lần. Chúng ta cũng nên biết rằng cuộc sống cho ta công việc, nhưng công việc phục vụ lại cho nhu cầu cuộc sống. Chúng ta sống là phải làm việc vất vả và cũng từ công việc vất vả ấy cho ta biết được giá trị của sự khốn khổ, điều chúng ta học được từ sự khốn khổ có thể chuyển hóa chúng ta.
Công việc, nói cho cùng cũng một nhu cầu giải trí và cao hơn nữa, nó còn có thể là một pháp môn tu. Vì công việc sẽ giúp chúng ta lãng quên đi những giao động trong tâm hồn và những sự buồn chán trong lúc rỗi rảnh, giúp chúng ta tìm về với chính mình nhiều hơn. Từ những công việc lặt vặt như dọn dẹp sau bữa ăn, rửa chén bát khoan thai trong chánh niệm… sẽ giúp ta phát triển định lực và thật sự sống một cách có ý nghĩa. Trong xã hội hiện đại của chúng ta, lối sống thường rất vội vã. Cho nên, những hạnh phúc, khổ đau khi tiếp xúc với công việc cũng đa dạng và phức tạp hơn. Nhưng nếu ta có thể làm mọi công việc một cách có chánh niệm thì ta đạt được nhiều hạnh phúc trong công việc.