Lịch sử phật giáo thế giới
Những Hộ pháp vương trong lịch sử Phật Giáo Ấn Độ
Tác giả: Trần Trúc Lâm
29/10/2554 06:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

4. Triều Đại Harshavardhana (606-647)

A. Sự Thịnh Suy:

Triều đại Harshavardhana hay gọi tắt là Harsha – cùng khỏang thời gian giữa cuối triều Tùy và đầu triều Đường bên Trung quốc - được xem như triều đại vững chắc sau các triều Gupta. Thời ông đã được biết đến nhiều nhờ đại sư Huyền Trang (Hiuen Tsang) ghi lại trong bộ ‘Tây vực ký’ khi ngài sang Tây trúc thỉnh kinh từ 629 – 645; nhờ từ các công văn của Trung quốc; từ các đồng tiền cổ và bia ký; từ các bài viết của các danh nhân đương thời và nhất là nhờ tác phẩm Harshacharita (Những thành tích của vua Harsa) do thi hào trong triều tên là Banabhatta đã ghi chép lại nhiều chi tiết bằng tiếng Sanskrit kể cả phần thiếu thời của nhà vua. Harshacharita là cuốn sách đầu tiên viết về danh nhân lịch sử Ấn. Ông còn là tác giả của cuốn Kadambini được xem như một viên ngọc quí của nền văn học Sanskrit.

Như đã nói ở trên, sau thời kỳ nhiểu nhương hậu Gupta đến đầu thế kỷ thứ 7, dòng họ Pushabhukti trở nên một thế lực lớn mạnh ở Ấn với vua Prabhakaravardhana cai trị xứ Thaneshwar. Con gái của Prabhakaravardhana tên là Rajyasri và cũng là chị của Harshavardhana được gã cho vua Grahavarman của xứ Maukhari có kinh đô ở Kannauj. Lúc bấy giờ PG vẫn còn thịnh hành trong vùng, và tín đồ BLM giáo và Kỳ na giáo thường vẫn chung sống hòa hợp. Tuy vậy trong chương 7 của cuốn Harshacharita của Banabhatta đã cho thấy luôn có sự tranh chấp âm ĩ giữa các giới tăng lữ của BLM và PG.  Banabhatta viết “không có một Parasari (nhà sư áo vàng) nào ưa thích tăng sĩ Bà-la-môn, nhưng các tăng của 17 phái khác nhau đều sống dung hòa.” [Agrawala 1969: 225]. 

Sau khi vua Prabhakaravardhana mất năm 605; vua Deva Gupta xứ Malwa (có lẽ là hậu duệ xa của thời Gupta cũ) tấn công và giết chết vua Grahavarman và hạ ngục hòang hậu Rajyasri. Vua Rajyavardhan, là anh cả của Rajyasri và Harshavardhana liền kéo quân tấn công Malwa để trả thù và đánh bại được Deva Gupta. Bấy giờ vua Shashanka của xứ Gauda, vốn đã âm mưu liên minh cùng Deva Gupta, đến gặp Rajyavardhan giả làm trung gian giảng hoà và thừa cơ hạ sát Rajyavardhan rồi chiếm đóng Kannauj. 

Shashanka là tín đồ BLM giáo – Śaivites - rất thịnh hành ở phía nam Ấn. Khi Shashanka chiếm thành Kannauj thì dân chúng Phật tử không ủng hộ và còn chống đối nên Shashanka đã ra tay đàn áp và tàn sát rất nhiều tín đồ PG [Sharma 1970: 245]. Vì thế khi Harshavardhana cất quân tái chiếm, quần chúng Phật tử trong kinh đô đã đồng nổi dậy tiếp tay ủng hộ nên chiến dịch chóng thành công, và Harshavardhana đã dánh đuổi Shashanka về cố thủ một vùng nhỏ ở Orissa dọc bờ biển vịnh Bengal. Trên đường tháo chạy quân của Shashanka còn đốt phá PHV Nalanda.

Điều này đã được Huyền Trang ghi lại trong cuốn ‘Tây Vực Ký’; và cuốn biên niên sử PG, The Arya Manju Sri Mulakalpa, cũng mô tả Shashanka là một ông vua tàn ác. Theo truyền thuyết thì vua Shashanka đã cưỡng đoạt một điện thờ Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng Bodhgaya) rồi cho dựng một Shivalinga thay thế. Thực tế về sau cho thấy chuyện ấy không hề xảy ra; vì vào năm 1234 có vị sư Tây tạng tên là Dharmaswamin đến viếng thánh địa đã khám phá ra rằng tượng Phật đã được xây tường che kín để khỏi bị quân đạo Hồi xâm lăng phá hũy. Tuy vậy người Hồi tiếp tục đàn áp PG và nương tay với BLM giáo nên PG bị tàn lụi và ngôi đền bị hoang phế cho mãi đến năm 1590, quan cai trị địa phương lại giao quyền quản trị ngôi đền cho người Shaivite Mahant. Nhưng gần đây ngôi đền đã được chuyển lại cho PG và đã được trông coi bởi một ủy ban BLM và PG. 

Cũng theo truyền thuyết thì Shashanka đã hũy diệt các thánh tích, quẳng cả tảng đá có in dấu chân Đức Phật xuống sông, hoặc đốn ngã cây Bồ đề cổ thụ ở Bồ đề Đạo tràng. Nhưng rồi nhờ có phép lạ nên tảng đá trở về chỗ cũ và một cây bồ đề to lớn khác được mọc ra từ nhựa cây cũ đã bị đốn. [Theo ‘Tây Vực Ký’ - Elst 1992]. Nhưng có lẽ các chuyện ấy chẳng hề xảy ra. Tảng đá có dấu chân Phật này vốn đã được Đại sư Pháp Hiển nhắc đến khi ngài ghé qua Ô trường (Udỳnana), bắc bộ Thiên trúc. Ngài viết trong ‘Phật Quốc Ký’: “Phật để dấu chân lại ở đây, và dấu chân ấy thấy dài hay ngắn là tùy tâm niệm của người nhìn. Dấu chân ấy hiện nay vẫn còn như vậy. Lại có viên đá Phật phơi y, có chỗ Phật hóa độ rồng dữ, tất cả hiện nay vẫn còn. Viên đá Phật phơi y thì cao 1 trượng 4 thước, rộng chừng 2 trượng, một bên bằng phẳng.”
Tiền có hình HĐ Harshavardhana

Sau khi thắng trận, Harshavardhana liền thay anh lên làm vua vừa lúc 16 tuổi, rồi dời kinh đô từ Thaneshwar đến Kannauj và từ đó đã bành trướng đất đai tòan vùng bắc Ấn. Năm 612, ông đã cai trị một vùng rộng lớn bao gồm Punjab, miền đông xứ Rajasthan, thung lũng Hằng Hà, một phần Bihar và Bengal cho đến xứ Assam; ngoại trừ vùng tây và nam Ấn. 

Năm 620 Harshavardhana đem quân xâm lấn các xứ ở phía nam Ấn nhưng bị vua Pulakesin II của xứ Chalukya phía bắc Mysore ngăn chận; và ông cũng không thâu tóm được các xứ Valabhl, Nandipurl, Kashmir, Gujarat và Sind ở phía tây, như dưới thời Gupta. Riêng ở phía đông thì từ khi đối thủ là vua Shashanka mất vào năm 636 thì không còn một sự chống cự nào đáng kể. 

Hoàng đế Harshavardhana là một nhà lãnh đạo có tài ngọai giao giỏi nổi danh khắp vùng. Vua Bhaskravarman của xứ Kamarupa (Assam) tuy theo đạo Bà-la-môn nhưng đã liên minh chặt chẻ với ông đánh đuổi được Shashanka và còn giúp cho sự chinh phục thiên hạ thêm thuận lợi. Harshavardhana cũng đã duy trì mối quan hệ mật thiết với nhà Đường ở Trung quốc, và vua Đường Thái Tôn cũng đã gởi nhiều đoàn sứ giả đến thăm vua Harsa.

Vua Harshavardhana rất cần mẫn trong việc cai trị vương quốc rộng lớn ở bắc Ấn. Ông đích thân quán xuyến việc nước và đốc thúc các quan cai trị dưới triều. Ông đặt các tiểu vương thuộc hòang gia cai trị các xứ nhỏ. Sử Ấn ghi nhận về ông như một minh quân, có tài quân sự như Samudra Gupta và chính trị cùng đạo đức như Ashoka. Ông còn là một thi sĩ và nhà uyên bác. Ông còn được nhắc đến như là tác giả của ba bộ kịch thơ viết bằng tiếng Sanskrit là Ratnavall, Priyadarshika, và Nagananda, mà cuốn sau chứa đựng nhiều tư tưởng PG.

Vua Harshavardhana rất sùng kính PG, đồng thời bao dung với các tôn giáo khác. Sự thực hành tín ngưỡng của tín đồ PG và BLM giáo vẫn tiếp tục pha trộn lẫn nhau trong việc thờ cúng đa thần như dưới thời Gupta. Vua Harshavardhana cũng thường mở đại thí đàn như các vua cuối của thời Gupta (mà theo bản dịch từ Hán ngữ của HT Trí Quang theo cuốn ‘Cao tăng Pháp Hiển’ thì gọi là ‘ban giá việt’). Nhà vua mở đại hội mỗi 5 năm ở Prayag để ông bố thí tài vật cho dân chúng và cầu nguyện thần linh của các tôn giáo. “Khi mở đại hội thì mời chư tăng mọi nơi cùng đến vân tập. Vân tập rồi chỗ ngồi chư tăng được trần thiết, treo lụa, treo cờ và cắm lọng. Lại làm hoa sen bằng vàng bằng bạc đặt sau chỗ ngồi chư tăng, trải lên trên chỗ ngồi ấy những tấm tọa cụ sạch sẽ. Quốc vương cúng dường đúng phép trong 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng, và phần nhiều cử hành vào mùa xuân. Cúng dường rồi, quốc vương lại khuyến khích quần thần cúng dường trong 1 ngày 2 ngày cho đến 7 ngày. Sau đó quốc vương đem ngựa của mình cho trọng thần cưỡi, lại đem lụa trắng, mọi thứ quí giá, và những vật dụng cần dùng của chư tăng, cùng quần thần phát nguyện cúng dường chư tăng, rồi xin chư tăng mà chuộc lại những thứ quí giá.” 

Dưới triều Harshavardhana, Kannauj trở nên một trung tâm đạo học quan trọng và đã được xây dựng to lớn và phồn thịnh ngang tầm cở với Hoa thị thành (Patilaputra) của thời Gupta và Ashoka. 
 


Cảnh HĐ Harshavardhana cung nghinh Đại sư Huyền Trang

Năm 643 để đón tiếp đại sư Huyền Trang đến hành hương thỉnh kinh Phật từ Trung quốc, vua Harshavardhana đã tổ chức một cuộc đại hội liên tôn rất trang trọng kéo dài khỏang hai tháng gồm các cao tăng của BLM giáo, PG và Kỳ na giáo và sự có mặt của các tiểu vương khác như vua Bhaskaravarman của xứ Kamrupa (Assam) và vua Dhuvabhatti xứ Vallabhi để nghe đại sư Huyền Trang thuyết pháp và để cùng nhau trao đổi đạo học. 

Sau Kannauj, Huyền Trang còn được đưa đến bờ sông Hằng (Ganga), Yamuna và Saraswati để tiếp tục hoằng pháp. Sau nhiều lần tiếp xúc với Huyền Trang, vua Harshavardhana rất tín ngưỡng đại thừa. Vào thời gian Huyền Trang được vua Harshavardhana tiếp đón trọng vọng thì khối tăng lữ BLM giáo không mấy hài lòng, và đã âm mưu hạ bệ Harshavardhana. Khi cơ mưu bị bại lộ, vua Harshavardhana đã đầy 500 người BLM ra biên cương. 

Đầu năm 644, Huyền Trang vượt ông Indus để trở về Trung quốc sau 10 năm lưu lạI ở Ấn. Ba năm sau thì vua Harshavardhana bị giết và thêm một đoạn sử rực rỡ của Ấn Độ kết thúc.

Ông mất năm 647, thọ được 57 tuổi. Sau khi ông mất, lại không có người kế vị nên vương quốc bắc Ấn lại rơi vào hổn lọan nhiểu nhương vì nội bộ tranh dành quyền lực. Vua Narasinghavarman, một tiểu vương của xứ Kanchi trở nên hùng mạnh, và vua Bhaskravarman của xứ Kamarupa (Assam) thâu tóm đất đai xưa vốn thuộc vua Harshavardhana. 

Mặt khác khối tăng lữ BLM khi thấy đế quốc của Harshavardhana bị tan rã liền cấu kết với dân Rajputs ở biên cương xâm lăng Ấn để “tái lập vai trò chính trị tối cao ở Aryavrata sau khi nhà vua mất” như Havel đã viết. [E.B.Havell, History of Aryan Rule in India, p. 217, Quoted by Swami Dharma Teertha, p. 118]. Theo truyền thuyết (Puranas) thì dân Rajputs vốn là hậu duệ của Hung nô lại được BLM thu phục biến chúng thành giai cấp Kshatriya, tức giai cấp vương tướng để phục vụ cho quyền lợi của họ và cả hai phía cùng hưỡng lợi. 

Nhưng đến năm 724 tức khỏang đầu thế kỷ thứ 8 thì quân Hồi (Turkic Muslim) đã chiếm được đất Sind, vùng viễn tây đất Ấn, và trở thành mối đe dọa về sau cho sự an nguy của Ấn. Nhiều bia ký của các tiểu vương ở phía tây đã ghi lại những cuộc chống các làn sóng xâm lăng của “dân mleccha”, có nơi khác ghi “dân yavana” (chỉ dân Ả rập). Từ sau triều đại của Harshavardhana không còn có triều nào của Ấn oai hùng cả nên đến năm 1193, quân Hồi dưới sự lãnh đạo của Bakhtiyar Khalji đã xâm lăng thành công và đặt nền thống trị trên đất Ấn.