Lịch sử phật giáo thế giới
Những Hộ pháp vương trong lịch sử Phật Giáo Ấn Độ
Tác giả: Trần Trúc Lâm
29/10/2554 06:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

6. Vài Nét Về Các Đại Sư Nổi Danh Chiêm Bái Tây Trúc Đương Thời

A) Pháp Hiển (Fa-Hsien) 

Thích Pháp Hiển họ Cung, người huyện Vũ dương, tỉnh Bình dương. làm sa di (Sramanera) từ lúc còn rất nhỏ. Ngài thường than là vì ở Trung quốc kinh luật (Vinaya-pitaka) thiếu sót nên đạo hạnh của chư tăng thời bấy giờ chưa được tu trì đúng mức; vì vậy mà quyết tâm sang Tây trúc (Ấn độ) để tìm cầu. 

Năm 399, Đời Tống An đế, lúc 25 tuổi Ngài đã cùng bốn tăng sĩ khác đi đường bộ về hướng tây vượt sa mạc và núi tuyết, sau 6 năm, tức năm 405 mới đến được xứ Magadha vào thời vua Chandra Gupta II (380-414). Ngài ở lại đó 3 năm học tiếng Sanskrit rồi sưu tập và sao chép được luật tạng của Đại-chúng-bộ, Thuyết-hữu-bộ, Tạp-a-tỳ-đàm-tâm, kinh Phương-đẳng nê-hoàn, vân vân. Sau đó lại vượt sông và biển xuôi nam đến được Tích Lan rồi ở lại 3 năm sao chép luật bộ Sa-di-tắc, Trường-a-hàm, Tạp-a-hàm, Tạp-tạng, mà ở Trung quốc chưa hề biết đến. 

Năm 411, Pháp Hiển theo thuyền buôn trở về Trung quốc, bấy giờ đoàn chiêm bái chỉ còn lại một mình ngài. Sau 3 năm đầy gian truân với phong ba bảo táp, nhiều khi tưởng đã bỏ mình trên biển cả, mới về được đến Thanh Châu vào năm 414, là năm thứ 12 niên hiệu Nghĩa Hy của nhà Tấn. Trong bản dịch cuốn ‘Cao tăng Pháp Hiển truyện’ của HT Trí Quang có một ghi chú thú vị là sau 90 ngày bị bảo, thuyền của Pháp Hiển lạc đến một xứ tên là Da-bà-đề, mà ghi chú của Thái Viêm, soạn giả bộ ‘Phật học đại từ điển’ của Trung quốc cho đó là nước Ecuador, Nam Mỹ. Thái Viêm kết luận, người phát hiện Mỹ châu đầu tiên là Pháp Hiển, chứ không phải là Columbus sau này. Thực ra Da-bà-đề là âm của Vajrabodi thuộc xứ Sri Vijaya – Sumatra. 

Sau đó Pháp Hiển trở về Trường An cùng thiền sư Ấn là ngài Buddhabhadra (Phật-đà bạt-đà-la) ở chùa Đạo tràng, dịch Ma Ha Tăng Chỉ Luật (Mahàsàmghika-vinaya) thường được gọi tắt là “Tăng Chi Luật”, kinh Phương-đẳng nê-hoàn (Vaipulya-sutra), luận Tạp a-tì-đàm tâm (còn gọi là Tạp A-tì-đàm tâm luận). Nhưng phần lớn những bộ khác mang về được, chưa dịch kịp thì bị hỏa hoạn thiêu đốt mất. 

Chuyến du hành chiêm bái của Pháp Hiển đã được ghi lại sau khi ngài trở về Trung quốc vào thời Đông Tấn. Truyện ký lữ hành còn gọi là ‘Pháp Hiển truyện’ mà ta hay biết đế dưới tên khác là ‘Phật quốc ký’ hay ‘Lịch Du Thiên Trúc Ký Truyện’.  Đó là bộ sử liệu và địa dư quý giá sớm nhất nói về những miền đất nước lạ mà ngài đã đi qua, cùng những Phật tích và sinh hoạt ở Ấn độ, Tích Lan vào đầu thế kỷ thứ 5. Dù vậy nhiều nhận xét lại bị pha trộn với những huyền thoại tôn giáo do ngài nghe được ở từng địa điểm chiêm bái qua cảm quan của một tăng sĩ sùng tín PG, nên thiếu tính khoa học đối với độc giả ngày nay. Thế nhưng có nhiều đoạn ngài lại có những nhận xét rất rõ nét về tín tâm của Phật tử của thời đại bấy giờ như: “Quốc vương các nước Thiên trúc phía tây sa mạc đều tín ngưỡng Phật pháp, cúng dường chư tăng. Có khi các vị ấy bỏ vương miện, cùng thân quyến và quần thần tự tay bưng dọn đồ ăn cúng dường chư tăng. Bưng dọn rồi, các vị ấy trải tấm lót xuống đất, ngồi đối diện thượng tọa và chư tăng, chứ không dám ngồi trên giường ghế. 
Thời đại của Phật, phong cách các quốc vương cúng dường thế nào thì đến nay vẫn truyền lại thế ấy cho nhau.”

Đại sư Pháp Hiển mất lúc 86 tuổi ở chùa Tân thuộc Kinh Châu. 

B) Huyền Trang (Hsuan-tsang, cách ghi mới Xuánzhuǎng: 600-664)

1) Tiểu sử:

Ngài còn được vinh danh là Tam Tạng Pháp sư, một tăng nhân vĩ đại và là một trong bốn dịch giả lớn nhất của PG Trung quốc. Ngài còn là người sáng lập Pháp tướng tông (Faxiang), một dạng của Duy thức tông (yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc.

Tượng của Huyền Trang ở Chùa Từ Ân, Trường An (Xi'an)

Thích Huyền Trang, tên là Trần Vỹ, sinh vào năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (596 TL) tại tỉnh Hà Nam trong gia đình sùng kính Khổng học. Năm lên 13 tuổi ngài đã xuất gia và năm 21 tuổi thọ cụ túc giới. Ngài được kinh sách mô tả là người rất thông minh mà tánh tình nghiêm cẩn, hòa nhã, và khiêm tốn và có lòng từ mẫn, đại độ, cương quyết và trầm tĩnh.

Dù trong vài thế kỷ qua trước đã có nhiều sự giao lưu của các tăng sĩ giữa Ấn và Hoa và đã có nhiều dịch bản kinh Phật lưu hành ở Trung quốc. Tương truyền năm 67 TL, đời vua Minh Ðế nhà Hậu Hán có hai đại sư Ấn là Kasyapa-matamga (Ca Diếp Ma Ðằng) và Trúc Pháp Lan truyền pháp đến Trung quốc. Vua Min Ðế cho cất Bạch Mã Tự để thờ Phật và để hai vị trú mà dịch kinh. Bản dịch đầu tiên là Tứ Thập Nhị Chương. Hai vị này là người đã đặt giềng mối cho Phật Giáo ở Trung quốc từ đấy.

Rồi những vị sư Ấn Ðộ khác tiếp tục đến Trung Hoa như vào năm 147 có Arsakes (An Thế Cao) đến Lạc Dương, ngài đã dịch kinh Tiểu thừa như Tứ Ðế Kinh, Chuyển Pháp Luân Kinh, Bát Chính Ðạo Kinh rồi sau đó trong khoảng 178-189, ngài Lokaraksa (Chi Lâu Ca Sấm) đến Trung Hoa đã dịch nhiều kinh điển Ðại thừa như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Bang Chu Tam Muội, Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác. Nhưng người học kinh lại vì có nhiều kiến giải Phật học khác nhau nên mới nẩy sinh các tông phái, hệ phái như Tịnh Độ tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Chân ngôn tông, Cu xá tông, Duy thức tông, vv... làm ngài càng thêm hoang mang. 

Việc này đã thúc đẩy Huyền Trang lên đường đi Ấn Ðộ để tự mình tìm hiểu. Năm 627 ngài rời Trường An lúc 27 tuổi; năm 631 đến Peshawar viếng tháp mộ của vua Kanishka (Ca-Nị-Sắc-Ca Vương); năm 633 đến Tây trúc chiêm bái các Phật tích như Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ) quê hương của thái tử Tất Đạt Đa. Năm 636 đến kinh đô Kanauji của hoàng đế Harshavardhana, Huyền Trang nhìn thấy hàng trăm tăng viện, hàng chục ngàn tăng sĩ. Sau đó Huyền Trang đến Savastis (Xá-Vệ) nơi Phật thường đến thuyết pháp, rồi đến vườn Lumbini nơi Phật đản sinh, Kusinagara (Câu-thi-ma-kiệt-la) nơi Phật nhập diệt, Benares (Ba-nại-la) thăm Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển thánh luân, Vaisali (Vệ-xá-lị) nơi Phật thường an cư kiết hạ, Pataliputra (Hoa thị thành) và Bodhgaya (Bồ đề đạo tràng hay Giác Thành) và cuối cùng tìm đến và trúng tuyển sinh vào PHV Nalanda khoảng 638. Bấy giờ viện chủ là Đại sư Giới Hiền (śīlābhadra) tuy tuổi đã cao, đã truyền cho Pháp môn Duy thức. Hai năm sau, Huyền Trang rời Nalanda đi thăm xứ Odradeca, Kalinge, Andhra, Pallava và Tích Lan để mở mang liến thức, rồi trở về lại Nalanda tiếp tục tu học cho đến 643. 

Huyền Trang là người biện luận giỏi, trong 10 năm ở Ấn, đã hóa giải những cuộc tranh luận với nhiều tăng lữ Tiểu thừa cũng như Bà-la môn nên danh tiếng lừng lẫy và nhiều vua chúa mời ngài thuyết pháp. Năm 645, ngài được 44 tuổi, Huyền Trang về đến Trường An trong sự đón tiếp tưng bừng của sư sãi, thần dân kinh thành nhà Đường sau nhiều năm gian khổ bộ hành qua 123 xứ lớn nhỏ. Huyền Trang đã mang về Trung Quốc150 Xá lợi tử, bảy tượng Phật bằng gỗ quý cao từ 1 thước tới 3 thước rưỡi, và 647 bộ kinh Tiểu thừa và Ðại thừa. Tất cả đều được đưa về chùa Hoàng Phúc, rồi một năm sau đưa về chùa Từ Ân vừa mới được triều đình xây dựng cho ngài.

Suốt 19 năm sau, ngài đã dịch được 75 bộ 1.335 cuốn kinh. Vì ngài thông thái cả văn hệ Sanskrit nên đã dịch ngược hai bộ kinh từ Hán văn ra Sanskrit là ‘Ðại thừa khởi tín luận’ (mahāyānaśraddhotpāda-śāstra), vì nguyên bản đã thất truyền; và ‘Đạo đức Kinh’ của Lão Tữ. Qua những công trình này ngài đã đem lại cho ngôn tự và văn học Trung Hoa trên ba vạn từ ngữ và ý niệm triết học mới. Điều này đã làm cho văn học đời Đường thêm khởi sắc. 

Huyền Trang mất ngày mùng 5 tháng 2 năm Lân Đức nguyên niên (664). Ngày 14 tháng 4, một triệu người ở Trường An và tứ xứ lại đưa linh cửu ông tới an táng ở Bạch Lộc Nguyên. Vua Thái Tông nhà Đường lúc đó đã băng; Vua Cao Tông ra lệnh quốc táng rất long trọng. 

2). Liệt kê vài thành quả sáng tác và dịch thuật của HT Huyền Trang:

a) Sáng tác:Đại Đường Tây Vực Ký’, còn gọi tắt là ‘Tây Vực Ký’, nổi danh kim cổ, do Huyền Trang ghi lại về cuộc hành trình qua Ấn thỉnh kinh của Ngài khoảng từ năm 627 đến năm 645; về sau có đệ tử là Hwui-li (Huệ Lý) nhuận bút. Lần đầu được dích sang Anh ngữ bởi Samuel Beal, năm 1884, tái bản năm 1911; bởi Thomas Watters và nhuận bút bởi T. S. Rhys Davids và S.W. Bushell, ở London năm 1905. 

Về đời nhà Minh có Ngô Thừa Ân (Wú Chéng'ēn: 1506-1582) đã dựa vào cuốn ‘Tây Vực Ký’ của Huyền Trang mà sáng tác cuốn truyện nổi tiếng trong văn học Trung quốc là ‘Tây Du Ký Diễn Nghĩa’ khi ông đã ngoài 70 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số ý kiến cho rằng ông không phải là tác giả của cuốn tiểu thuyết này.

b) Dịch thuật: Đơn cử một số (dựa vào cuốn ‘Đại Tạng Kinh Nhập Môn’ của Thích Ấn Hải, Thích Nguyện Quỷnh, do TT Thích Viên Lý dịch từ Hán văn):

1) Giải Thân Mật Kinh (Sạmdhinirmaocana-sùtra), kinh điển căn bản của Pháp Tướng Tông, nội dung nói về tư tưởng của trường phái Duy Thức (Yogacara hay Vijnanavada).
2) A Ti Đạt ma Câu Xá Luận (Abhidharmakósa-bhàsya) thường được gọi tắt là “Câu Xá Luận,” Do Thế Thân (Vasubandhu) viết.
3) Du Già Sư Địa Luận (Yogàcàrabhùmi) tương truyền do Di Lặc (Maitraya) thuyết giảng và Vô Trước (Asanga) ghi chép.
4) Thành Duy Thức Luận (Vijnãptimàtratàsddhi-sàstra) do Hộ Pháp Đẳng (Dharmapala) viết. Luận này là thánh điển căn bản của tông phái Pháp tướng ở Trung Quốc và Nhật Bổn.
5) Duy Thức Tam Thập Luận Tụng (Trimsíkà: Ba Mươi Câu Kệ Về Giáo Lý Duy Thức) do Thế Thân (Vasubandhu) viết. [mà cuốn “Thành Duy Thức Luận” (Vijnaptimatratasiddhi-sutra) là sách chú giải căn cứ vào cuốn này].
6) Duy Thức Nhị Thập Luận (Vimsátikà: Hai Mươi Câu Kệ Bàn Luận Về Giáo Lý Duy Thức) do Thế Thân viết.
7) Đại Thừa Thành Nghiệp Luận (Karmasiddhiprakarana) do Thế Thân viết.
8) Nhơn Minh Nhập Chánh Lý Luận (Nyàyapravésa) do Thương Kiết La Chủ (Sankarasvamin) viết. Nhơn Minh là dịch từ chữ Sánkrit “Nyana” có nghĩa là “luận lý” và nhan đề Luận này là “dẫn nhập vào luận lý học,” là sự giới thiệu đơn giản và ngắn gọn về những lý thuyết của Trần Na (Dignaga), người sáng lập tông phái Phật giáo “Tân Nhơn Minh”, do đệ tử của Trần Na là Thương Kiết La Chủ viết.
9) Di Bộ Tông Luân Luận (Samayabhedo) do Thế Hữu (Vasumitra) soạn. Sách này được viết từ lập trường của những người thuộc phái “Nhất Thiết Hữu Bộ” (Sarvastivadin), nhưng nó cũng mô tả chi tiết về những đặc tính giáo lý của các tông phái khác.

C) Nghĩa-Tịnh (I-tsing: 635-713)

Thích Ngĩa Tịnh là một đại sư đi Tây trúc cầu đạo vào thế kỷ thứ 7 bằng đường thủy. Ngài sinh năm 635 ở Phần Dương (Fan-Yang) gần Bắc Kinh bây giờ. Ngài được học chữ từ năm lên 7 tuổi, nhưng rồi sư phụ qua đời lúc ngài được 12. Ngài được nhận làm sa di vào năm 648 lúc 14 tuổi. Sau khi thọ cụ túc giới năm 654, ngài dành 5 năm chuyên học về Luật tạng (Vinayapitaka). 

Nghĩa Tịnh rất ngưỡng mộ gương thỉnh kinh của các đại sư tiền bối nhất là Pháp Hiển và Huyền Trang. Ngài đến Trường An vào năm 664, trong lúc kinh thành có đám tang của Huyền Trang, và quyết tâm noi theo con đường các ngài. 

Nghĩa Tịnh xuống thuyền vượt biển vào năm 671 ở Quảng Châu (Canton), 12 ngày sau đến một xứ thuần PG tên là Bhoga thuộc đảo Sumatra rồi trú ngụ sáu tháng ở đấy để học tiếng Sanskrit. Sau đấy vua xứ Bhoga giúp thêm phương tiện để ngài đi tiếp đến xứ Malayu (Sri-vijaya) trước khi đến Ấn Độ năm 673. Ngài ca ngợi lòng nhiệt thành tu học của tăng già không những của xứ Bhoga mà hầu như toàn thể hải đảo ĐNA. Sau khi thăm viếng các Phật tích ở xứ Magadha, ngài được nhận vào tu học ở Nalanda khỏang 10 năm từ 676 đến 685, và cũng chuyên tâm học Luật tạng. Theo truyện ký của ngài thì tuổi tối thiểu để được nhập học ở Nalanda là 20. 

Trên đường trở về Trung quốc năm 685 cũng bằng đường biển Nghĩa Tịnh có ghé lại xứ Bhoga để tiếp tục dịch kinh từ Sanskrit. Năm 689 Ngĩa Tịnh về đến Trung quốc, và được triều đình nhà Đường trợ cấp thêm cho công cuộc thỉnh kinh và dịch thuật, nên ngài quay lại Sri Vijaya và ở đó thêm 5 năm. Đến năm 695 ngài trở về Trung quốc dưới thời của Tắc Thiên Võ Hoàng Đế, một người sùng kính PG, mang theo rất nhiều kinh điển. 

Nghĩa Tịnh cũng noi gương Huyền Trang, dành phần đời còn lại để dịch các kinh Phật. Ngài dịch ra 68 bộ gồm 290 quyển, trong số đó có Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (Suvarnạprabhàsa-sùtra) còn được gọi là “Tối Thắng Vương Kinh”. Ngài còn sáng tác ‘Ðại Ðường Cầu Pháp Cao Tăng’ và ‘Nam Hải Ký Quy Truyện’ ghi chép trạng thái Phật Giáo ở Ấn Ðộ và Sumatra đương thời. Pháp Hiển đã phân biệt được 18 bộ phái Phật Giáo thành 4 nhóm dưới ảnh hưởng của các bộ phái chủ lực: Mahasanghika, Sthavira, Sarvastivada và Sammitiya. Ðồng thời còn ghi rõ địa bàn hoằng đạo của từng bộ phái. Ngài kể rằng trong thời Ngài, Hữu Bộ phát triển mạnh từ Magadha (trung tâm điểm phát triển), lan ra đến Lata (Gujarat), Sind, Nam Ấn, Ðông Ấn, Sumatra, Java, Lâm Ấp, một số tỉnh ở Trung quốc (miền Ðông, Tây, Nam) và Trung Á (đặc biệt các nhánh nhỏ của Hữu Bộ đều rất phát triển ở khu vực này).

Ngài đã dịch viên tịch lúc 79 tuổi vào năm 713 dưới triều vua Đường Huyền Tôn.

Ôi, cảnh xưa, người xưa, nay còn đâu?

Trần Trúc-Lâm
Seattle, vào thu 2006