Sách hay
Sự Tích Quan Âm Thị Kính
Thiền sư Nhất Hạnh
21/02/2558 21:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kính Tâm đã suy nghĩ cách thức trả lời Thầy và các sư anh về việc sư chú tiếp nhận đứa hài nhi, đã cầu xin các sư anh hiểu và chấp nhận, nhưng điều đó không ngăn sư anh Thành Tâm nổi giận và không nhìn mặt sư chú luôn mấy ngày. Không phải sư chú Thành Tâm không thương sư chú Kính Tâm, nhưng sư chú Thành Tâm không có đủ sức để chịu đựng được một sự kiện như thế. Mình không phải là cha đứa bé, mình đã trình với làng mình không phải là cha nó, thì tại sao bây giờ mình lại nhận đứa bé về nuôi? Cái ách đã thoát ra rồi, tại sao mình lại tự tròng trở lại trong cổ mình? Sư chú đã nghe lý luận "dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người", nhưng sư chú vẫn không chấp nhận được. Tại sao không phải là cứu cho bất cứ một người nào khác mà lại cứu ngay " cái người ấy"? Nhưng Kính Tâm có một lập trường sắt đá, còn cứng hơn cả sắt đá, đó là trái tim kim cương của chú. Hễ chú nghĩ cái gì là phải thì chú cứ làm ngay cái ấy, ai ngăn cũng không được. Tại sao một con người thánh thiện, dịu dàng và ngọt ngào như thế mà cái đầu lại cứng rắn đến thế? Tuy nhiên, chỉ bảy ngày sau là Thành Tâm đổi thái độ. Sự trì chí của sư em chú đã thay đổi được cái nhìn của chú. Còn sư anh Chí Tâm? Sư anh Chí Tâm cũng đã bắt đầu bằng sự không đồng ý, nhưng sư anh im lặng, không phản đối. Có lẽ sư anh bị giằng co bởi hai khuynh hướng trong lòng: một khuynh hướng là sợ người đời cười chê, một khuynh hướng là có đức tin nơi người sư em kỳ lạ có một không hai trên cuộc đời này của mình. Về phía thầy bản sư thì thật là kỳ lạ. Sau khi nghe sư chú Kính Tâm thỉnh cầu, thầy chỉ im lặng. Rồi thầy nói: "Để cho con tự định liệu. Con đã khôn lớn, con đã có tuệ giác. Con hãy làm theo cái mà con nghĩ là đúng."

Nuôi em bé quả là một vấn đề lớn. Thím Hãn dưới xóm không có nhiều sữa, nhưng Thím cũng sẵn lòng chia sẻ bớt cho bé Thiện Tài. Sư chú đã đặt tên cho đứa con nuôi này là Thiện Tài. Và sư chú phải nhai cơm thật nhuyễn để mớm cho bé. Rồi sư chú ru bé ngủ bằng những bài thi kệ trong kinh Bụt, toàn là bằng thi kệ. Sư anh Thành Tâm thích nhất là bài Hải Chấn Triều Âm :


Phổ môn vọng tiếng triều dâng Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen Cam lộ một giọt tưới lên Xuân về trên khắp mọi miền núi sông

 

Chú tiểu Mãn rất thích được ôm bé Thiện Tài. Lâu lâu Mãn lại chạy ra lều, xin được ôm bé, hoặc ít nhất là được ngồi một bên bé, nhìn bé ngủ. Có bé Thiện Tài, cuộc sống trong chùa lại vui hơn lên. Sư chú Kính Tâm nuôi bé Thiện Tài với tất cả lòng thương yêu của mình, và việc nuôi con trở thành một pháp môn thực tập. Từ khi có bé, chú đã phải nhờ sư anh Thành Tâm thỉnh hộ đại hồng chung buổi chiều, bởi vì vừa ẵm con vừa thỉnh chuông rất bất tiện. Tiếng chuông đại hồng lớn quá thường thức bé dậy và làm cho bé khóc. Có khi nhớ chuông quá thì sư chú nhờ sư anh ẵm bé hộ, để sư chú lên thỉnh chuông và xướng kệ chuông. Chú tiểu Mãn cũng xin thỉnh thoảng được ẵm em bé trong thời gian sư chú Kính Tâm thỉnh chuông và hô kệ. Ai cũng đã biết thưởng thức tiếng hô kệ của sư chú. Vắng tiếng ấy, ai cũng cảm thấy có một cái gì thiếu thốn.

Vốn thạo nghề vá may, sư chú đã may áo quần cho bé Thiện Tài. Sư chú dùng toàn vải nâu, và may cho bé những chiếc áo thầy tu nhỏ xíu. Khi bé đã được hai năm, sư chú dạy bé kêu mình bằng "sư bố". Hai sư anh nghe thấy ai cũng bật cười, nhưng cứ để mặc sư chú. Thiện Tài lớn lên, lạ thay, không giống mẹ gì cả, trái lại, khuôn mặt càng lúc càng giống "sư bố" của nó. Điều này lại làm cho người ta nghi ngờ thêm sư chú Kính Tâm. Có ai ngờ là những hạt giống đạo đức và công phu tu tập từ cha nuôi em bé đã được gieo trồng và tưới tẩm nơi em bé, còn hơn cả những hạt giống di truyền của cha mẹ huyết thống của nó. Sư chú Chí Tâm, mà bây giờ ai cũng gọi là thầy Chí Tâm hoặc đại đức Chí Tâm, được xem như là người tu học lâu năm nhất ở chùa, là người rất chuyên cần tu tập, mà cũng phải công nhận là công phu tu tập của mình không thể nào được so sánh với công phu tu tập của sư em Kính Tâm. Quả thật Kính Tâm đã để hết tâm lực vào công phu thiền quán. Tối nào Kính Tâm cũng thiền tọa cho đến khuya. Mỗi khi Chí Tâm nhìn ra phía đồi thông mé trước cổng tam quan, thầy cũng thấy ánh đèn dầu từ chiếc lều của Kính Tâm chiếu ra. Không một buổi thực tập nào hay sinh hoạt nào trong chúng mà Kính Tâm vắng mặt, trừ những khi sư chú đau yếu. Thầy Chí Tâm thường bắt gặp sư chú đi thiền hành từng bước chậm rãi, thảnh thơi và vững chãi trên con đường mòn phía trước tam quan. Có khi thầy tự thẹn đã không tinh tiến tu học bằng người sư em của mình. Đối với Kính Tâm, bé Thiện Tài là cả một đề tài quán chiếu. Nó là con của Mầu thật đấy, nhưng nó cũng là con của sư chú. Nó là công án mà sư chú phải quán chiếu cho đến khi thấu triệt. Trong những giờ thiền quán, Kính Tâm thấy trong những vụ oan ức và khổ đau của mình có tới ít nhất là bốn năm người trẻ can dự. Người đầu là chính sư chú. Sư chú đã từng khổ đau, đã từng trải qua bao nhiêu tai ương và hoạn nạn. Nhưng đâu phải chỉ có một mình sư chú phải gánh chịu tai ương và hoạn nạn? Người thứ hai là Thiện Sĩ. Thiện Sĩ cũng đang đứng vào một thế kẹt. Con nhà giàu, có cơ hội học hỏi và tiến thân, nhưng chàng không làm chủ được cuộc đời chàng. Thiện Sĩ chỉ là cái bóng của cha mẹ, hoàn toàn sống theo sự điều khiển của cha mẹ, như một con rối cử động theo những chiếc giây của người điều khiển. Chàng không có khả năng tự lập, tự suy đoán, không có khả năng tự tạo hạnh phúc cho mình và người mình thương. Sư chú nhớ lại giờ phút mình từ giã bố mẹ chồng và chồng để về nhà cha mẹ. Thiện Sĩ ngồi đó, rất muốn nói một cái gì, nhưng rốt cuộc chàng đã không lên tiếng được. Mình sắp mất vợ, mình sắp đánh mất cuộc đời của mình, vậy mà mình hoàn toàn không có chủ lực, không có quyết đoán. Bố mẹ của chàng đã quyết định đuổi nàng dâu đi, chàng làm sao có thể chống cự lại? Kính đã cố gắng làm hết sức mình, và Kính biết là sức mình không thể chuyển đổi được tình trạng. Cho nên khi cất bước về nhà cha mẹ, Kính đã thấy trong người nhẹ nhõm. Kính không hờn oán chồng. Nàng chỉ có cái tội là thiếu sự kính phục đối với chồng thôi, mà khi đã không kính phục thì tình yêu không thể nào tồn tại được.

Rồi đến người thứ ba là cô thiếu nữ tên Mầu. Con nhà giàu, có nhan sắc, có địa vị, nhưng Mầu có hạnh phúc gì đâu? Nàng chưa bao giờ được yêu, dù có hàng chục chàng trai theo đuổi. Chính người con trai đã ngủ với Mầu, Mầu cũng không yêu và không kính. Người ấy là ai, sư chú Kính Tâm không cần biết. Nhưng có một điều sư chú biết là Mầu không yêu người ấy. Mầu chỉ là nạn nhân của người ấy và người ấy cũng là nạn nhân của Mầu. Mầu đem lòng thương một sư chú, nhưng ác hại thay, niềm yêu ấy gặp phải hai trở lực lớn. Trở lực thứ nhất là người nàng yêu là một người tu hành. Trở lực thứ hai là người nàng yêu không phải thực sự là một người con trai. Mầu lại không biết tu tập theo chánh pháp, không biết thực tập năm giới. Chưa ai chỉ bảo cho Mầu biết rằng thân và tâm là những đại dương sâu, trong đó có những đợt sóng ngầm và những loài thủy quái có thể làm chìm đắm con thuyền của đời mình trong chốc lát. Đau khổ, cô đơn và tuyệt vọng vì tình như thế thì giàu cũng không có ích lợi gì, có nhan sắc cũng không có ích lợi gì. Vấn đề là làm thế nào cho có hạnh phúc. Cả hai đều đang bị chìm đắm trong biển khổ sông mê. Nếu Kính Tâm không tu tập thì chính tự thân sư chú cũng đã không thoát ra được khỏi biển khổ sông mê ấy. Mầu đã hy vọng có thể đặt sư chú Kính Tâm vào thế phải chấp nhận ra đời và cưới nàng. Nàng vẫn còn tin ở sức mạnh của thế lực, của quyền uy và của địa vị xã hội nàng. Nhưng Kính Tâm đã bất chấp tất cả những thứ ấy, dù là sự tra tấn. Bao nhiêu tự hào và cao ngạo của một cô gái nhà giàu và có nhan sắc đều bị hất đổ, nên có thể nói rằng nàng là một cô gái đau khổ nhất trên đời. Nàng còn có gì nữa để làm điều kiện cho một hạnh phúc? Phải chăng con đường duy nhất còn lại là con đường tu tập?

Người thứ tư là người cha huyết thống của Thiện Tài. Người ấy giàu hay nghèo, đã trưởng thành hay còn nhỏ tuổi, có địa vị hay không có địa vị trong xã hội, có quen với sư chú hay không quen với sư chú, hiện còn trong làng hay đã xa chạy cao bay đi nơi khác, những câu hỏi ấy không quan trọng mấy đối với sư chú. Sư chú chỉ thấy là người ấy cũng đang đau khổ. Đau khổ vì tuy đã được Mầu cho ngủ với Mầu, nhưng vẫn không được Mầu thương, không được Mầu thừa nhận. Nếu Mầu thương người này thì Mầu đã nói tên người ấy lên cho làng biết để cuộc lương duyên được tác thành. Sự thật là Mầu đã không thương mà nàng còn sợ không dám nói đến tên nữa. Người ấy hiện đang sợ hãi, không dám ra mặt, không dám nhận con. Có thể là người ấy cũng chưa biết là mình đã có một đứa con và nếu Mầu đã không khổ đau, vướng mắc và tuyệt vọng thì người ấy đâu đã bị kẹt vào thế phải ẩn thân trốn tránh? Người ấy cũng đã là nạn nhân của sự dại khờ và sợ hãi. Chừng nào người ấy mới thoát nạn? Đó là người trẻ tuổi thứ tư liên can tới tình trạng. Trong bốn người, chỉ có một mình sư chú là đã thấy được con đường thoát, đã tu tập để không bị khống chế bởi những nỗi oan khốc và khổ đau tày trời đã từng xảy đến. Nhìn quanh, sư chú thấy có biết bao nhiêu người trẻ, trai cũng như gái, đang kẹt vào cái thế khổ đau mà bốn người đang kẹt. Mấy ai đã tìm ra được lối thoát để diệt trừ phiền não, đạt tới giải thoát như sư chú?

Đức Quan Thế Âm là người có thể diệt trừ được ba loại tai ương và tám thứ hoạn nạn. Đó là nhờ Ngài có tâm từ rộng lớn, tâm bi rộng lớn. Nếu Kính Tâm cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thoát, đó cũng là nhờ sư chú đã nỗ lực tu tập quán chiếu để chất liệu từ và bi nẩy sinh trong lòng như những dòng suối trong phun lên từ lòng đất. Nhìn lại ba người kia, Thiện Sĩ, Mầu và người cha của bé Thiện Tài, sư chú thấy người nào cũng khổ, cũng còn lận đận, lao đao, cũng còn lặn ngụp trong cõi sông mê biển ái. Nhờ thấy được như thế nên sư chú mới đem lòng thương cả ba người. Và nhờ thương xót cho nên trong lòng sư chú mới không có hận thù, oán trách và khổ đau. Sư chú biết sư chú phải thực tập tinh tiến hơn nữa để một ngày kia có thể cứu độ được ba người ấy, và biết bao nhiêu người như họ. Tuổi trẻ đi trên con đường mê, thật là đáng thương xót. Bố mình, mẹ mình, thầy mình, hai sư anh của mình, và chính bé Thiện Tài tuy không có trách nhiệm gì về những khổ đau và lầm lỡ đó nhưng cũng đã trở thành những nạn nhân phải gánh chịu.